'Tôi' như là kẻ mang thông điệp: Cơ sở cho một hệ biến hóa văn bản tự sự

10:04 SA @ Thứ Bảy - 29 Tháng Mười, 2005

E.B. White, ngay ở đầu của lời nói đầu cho tuyển tập tùy bút1 của mình, có viết: "Người viết tùy bút là một kẻ tự giải phóng, tồn tại nhờ niềm tin trẻ thơ rằng tất cả những gì hắn nghĩ, tất cả những gì xảy ra với hắn, đều đáng được quan tâm rộng rãi...Chỉ kẻ nào bẩm sinh tự kỷ trung tâm mới có đủ vô liêm sỉ và sức chịu dẻo dai để viết tùy bút". 2

Còn theo Edward Hoagland, trong bài tiểu luận: Tôi nghĩ gì, tôi là gì (Essay: What I Think, What I Am), thì tiểu luận "treo lơ lửng đâu đó trên sợi dây nối hai chiếc cột lừng lững: tôi nghĩ gì, và tôi là gì. Tiểu sử tự thuật, nếu không phải là tiểu thuyết, trên thực tế nói chung đều là tiểu luận mở rộng" .

Ý kiến của hai nhà văn viết tùy bút bậc thầy cho thấy vai trò quan trọng của cá nhân người viết trong thể loại này. Thực vậy, không phải ngẫu nhiên mà tuyệt đại đa số các tác phẩm của thể tùy bút nói riêng và ký nghệ thuật (creative non-fiction) nói chung được kể bằng ngôi thứ nhất.

Nhưng nói rằng cái "Tôi" đóng vai trò quan trọng trong tuỳ bút, hay trong ký nghệ thuật, thì cũng có nghĩa là nói rằng nó ít quan trọng hơn trong các thể loại khác, và như vậy, gián tiếp vẫn là công nhận vai trò quan trọng của cái "Tôi" trong việc phân biệt các thể loại. Ngoài ra, nó còn buộc ta phải đặt những câu hỏi khác: Cái "Tôi" trong ký mà E.B. White và Edward Hoagland bàn đến, cũng như cái "Tôi" trong các loại văn bản tự sự khác có phải là cái "Tôi" thực của người viết hay không? Và cái "Tôi" trong truyện khác cái "Tôi" trong ký và các văn bản báo chí như thế nào?

Những câu hỏi này không đơn thuần là sản phẩm của thói tư biện. Nếu chúng ta để ý thì cái "Tôi" kể chuyện trong ký, và cả trong truyện, nhiều khi bị người đọc đồng nhất với cá nhân người viết. Điều này dẫn đến những cách suy diễn sai lầm về tác phẩm và thậm chí cả những sự quy kết, chụp mũ vô căn cứ về đạo đức, thị hiếu và chính trị đối với nhà văn. Việc khảo sát khái niệm này, như chúng ta sẽ thấy dưới đây, có thể dẫn đến những kết luận quan trọng không chỉ riêng với thể ký, mà còn giúp giải quyết nhiều vấn đề trong tiếp nhận và phân loại văn bản tự sự nói chung, điều đặc biệt phức tạp trong thời đại của những sự pha trộn ngày nay.

Trước hết, cần phải nói rằng ở cả phương Tây lẫn phương Đông đều có sự nhập nhằng trong sự phân loại văn bản tự sự. Chẳng hạn, trong khi "fiction" nói chung có thể dịch là "truyện", bao gồm cả truyện ngắn, truyện vừa và truyện dài, thì "non-fiction" khi thì được hiểu là "ký", hay thậm chí chỉ là "ký nghệ thuật"(creative non-fiction), khi lại được hiểu là bao gồm tất cả các hình thức "văn bản không hư cấu" như sử ký, hồi ký, phóng sự báo chí... Về mặt lý thuyết, non-fiction (văn bản không hư cấu) phải bao gồm cả biên bản, hợp đồng, giấy mời, tin tức...Nhưng trên thực tế, các lại văn bản như thế hầu như không bao giờ được coi như là những văn bản "non-fiction".

Tình trạng này cũng không khác mấy ở Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi đề nghị sử dụng các thuật ngữ "ký" để dịch "non-fiction" theo nghĩa rộng hơn nghĩa thông thưởng, bao gồm:

1- "Ký sự", hay cũng có thể gọi là "thực lục" (real record - bao gồm tiểu sử, hồi ký, các thể loại báo chí như phóng sự, các loại biên bản, hợp đồng, bản kiểm điểm...), và

2- "Ký nghệ thuật" (Creative non-fiction - bao gồm tùy bút, bút ký, các tiểu sử, hồi ký, phóng sự mang tính nghệ thuật...).

Việc quy ước như vậy không phải để cho giống Tây, mà để thuận tiện cho việc khảo sát của chúng ta. Nhân tiện, cung xin nói thêm là từ "essay" thường được dịch là "tiểu luận", nhưng "personal essay" chính là cái mà chúng ta vẫn gọi là "tùy bút".

Thuật ngữ "Ký nghệ thuật" (creative non-fiction) chứa đựng một nghịch lý. Trong tiếng Việt, nghịch lý này ít hiển nhiên hơn hơn trong tiếng Anh, nhưng chúng ta vẫn có thể dễ dàng nhận thấy.

Một mặt, (non-fiction) ngụ ý rằng văn bản chỉ là sự ghi chép, không hư cấu, không thêm thắt, hay nói cách khác, chỉ là "người thật việc thật". Vì thế, tính chất quan trọng nhất của ký (như hồi ký, sử ký, phóng sự báo chí, và nhất là biên bản, hợp đồng v.v...) nói chung là tính khách quan. Có người nói rằng cái "Tôi" chính là kẻ thù lớn nhất của các sử gia và các nhà báo.

Mặt khác, tính từ nghệ thuật (creative) lại ngụ ý rằng văn bản là kết quả sáng tạo, một cái gì đó không thực, xuất phát từ ý đồ của tác giả. Điều này có nghĩa là tác phẩm phải mang tính chủ quan.

Làm sao một văn bản có thể đồng thời khách quan và chủ quan?

Để tìm câu trả lời, tôi xin lưu ý bạn đọc ý kiến của Edward Hoagland đã trích dẫn ở trên: tiểu luận "treo lơ lửng đâu đó trên sợi dây nối hai chiếc cột lừng lững: tôi nghĩ gì, và tôi là gì". Mặc dù nhận xét của Edward Hoagland rất thú vị và không ngừng được trích dẫn, ít ai nhận thấy rằng ý kiến đó là về tiểu luận (essay) nói chung chứ không phải về trường hợp cụ thể của tùy bút (personal essay) và ký nghệ thuật. Xin hãy tạm gác sang bên cạnh tính tương đối của sự phân loại, điều có nghĩa rằng tất cả các loại văn bản đều chủ quan và ít nhiều mang tính nghệ thuật, chúng ta có thể dễ dàng đồng ý rằng trong bất kỳ văn bản nào, thông qua các sự việc và sự vật nhất định, tác giả đều cố gắng, essayer de, chuyển đến độc giả một thông điệp: suy nghĩ, tình cảm, cảm giác...Vì thế, "treo lơ lửng đâu đó" giữa "tôi nghĩ gì, và tôi là gì" là điều kiện cần nhưng không phải là điều kiện đủ để một văn bản trở thành ký nghệ thuật.

Có ý kiến cho rằng trong ký nghệ thuật, nhất là trong tuỳ bút, tác giả không cố gắng tỏ ra khách quan trong thông điệp, mà bộc lộ rõ ràng ý kiến cá nhân. Thực ra điều này không phải lúc nào cũng đúng. Trong rất nhiều trường hợp, cái "Tôi" được sử dụng không phải để khẳng định ý kiến chủ quan, mà để nhấn mạnh tính khách quan. Ai cũng biết rằng nếu ta kể một câu chuyện và khẳng định rằng "tôi nghe thấy", "tôi trông thấy", hoặc "tôi chứng kiến"...thì độ tin cậy của câu chuyện dường như sẽ tăng lên. Vì sao vậy? Bởi vì trong trường hợp đó câu chuyện dường như có được sự bảo lãnh bằng thực chứng: tác giả trở thành một nhân chứng. Điều này tương tự như trong TV Guide, các bộ phim truyền hình thường được giới thiệu là "dựa trên một câu chuyện có thật". Câu chuyện "Shooting an elephant" (Bắn voi) của George Orwell, chẳng hạn, chắc chắn sẽ bớt phần đáng tin cậy nếu tác giả dùng ngôi thứ ba để kể.

Ở đây, trong ký nghệ thuật, "Tôi" không đơn thuần là cá nhân tác giả, mà là - và trước hết là - một thủ pháp của tác giả, và mục đích thẩm mỹ của việc sử dụng thủ pháp này là tạo nên cảm giác về tính khách quan chứ không phải là tính chủ quan.

Tất nhiên, yếu tố chủ quan, cá nhân, hay thậm chí riêng tư trong văn bản nghệ thuật rất quan trọng, điều đó không có gì phải nghi ngờ. Nhưng vai trò của nó thế nào đối với các loại văn bản nghệ thuật khác nhau mới là mối quan tâm thực sự của chúng ta. Một người bạn Serbia của tôi phàn nàn rằng chị muốn viết một tuỳ bút dựa trên những trải nghiệm cá nhân, nhưng càng viết chị càng cảm thấy hoang mang: dường như chi đang viết một chuyện riêng (personal story) chứ không phải là tuỳ bút (personal essay)? Câu hỏi của chị, theo tôi, đã động đến cốt lõi của thể loại ký.

Để tìm câu trả lời, chúng ta hãy xem xét cái cơ chế tác động của văn bản đến người đọc. Nghiên cứu quá trình trong đó các văn bản được viết và được đọc, chúng ta có thể nhận thấy hai điều hiển nhiên mà một trong số đó chúng ta vừa nhắc ở trên:

1. Mọi văn bản đều có một hay nhiều thông điệp nào đó - mang tính thẩm mỹ, xã hội, chính trị, khoa học...- mà nó chuyển đến người đọc trong quá trình tiếp nhận.

2. Các thông điệp của văn bản bao giờ cũng được chuyển đi, trực tiếp hoặc gián tiếp, nhờ một hay một vài phát ngôn viên (speaker, hoặc narrator), mà tôi gọi là kẻ mang thông điệp.

Theo tôi, chính đặc điểm và mối quan hệ giữa thông điệp và kẻ mang thông điệp là cái quyết định tính chất của văn bản.

Trong các văn bản ký sự (real record, hay non-fiction thuần tuý), kẻ mang thông điệp bao giờ cũng có thật, hay ít nhất là được coi là có thật, mặc dù có thể trực tiếp hay gián tiếp, ngôi thứ nhất hay ngôi thứ ba: trong hồi ký, một con người có thật kể chuyện đời mình (hay đời một người thật anh/chị ta quen biết); trong bản hợp đồng, hai đối tác có thật cam kết với nhau những điều khoản kinh doanh; trong một mệnh lệnh, một người chỉ huy yêu cầu cấp dưới thực hiện chức trách v.v...Thông điệp trong trường hợp này bao giờ cũng cụ thể thực tiễn: nó xuất phát từ đời sống thực tiễn, nhằm vào những mục đích thực tiễn và trả lời những câu hỏi thực tiễn như: Ai làm? Chuyện xảy ra ở đâu? Bao lâu? Tỉ số như thế nào? Có những ai tham gia v.v...Vì lẽ đó, nó thường được coi là "khách quan".

Trong truyện, thông điệp mang tính khái quát, và kẻ mang thông điệp là những nhân vật hư cấu. Thông điệp khái quát là những thông điệp định tính, như tốt, xấu, cao thượng, đẹp đẽ...và vì thế mang dấu ấn chủ quan của người viết rất rõ. Kể chuyện ở ngôi thứ ba được coi là phương thức kể chuyện có tính hư cấu cao nhất, thế nhưng ở truyện ngay cả người kể chuyện ở ngôi thứ nhất cũng là hư cấu. Phải là một độc giả rất ngây thơ mới nghĩ rằng nhân vật xưng "Tôi" trong tiểu thuyết chính là bản thân tác giả. Điều này đúng ngay cả khi cuốn tiểu thuyết được xây dựng từ những câu chuyện có thật trong cuộc đời người viết. Nếu như người viết trung thành tuyệt đối với cái "Tôi" thật của mình và ghi lại các sự kiện một cách chính xác theo quan điểm của cái "Tôi" thật đó, văn bản sẽ là một tác phẩm ký sự, một "thực lục" chứ không phải là truyện. Nhưng nó sẽ trở thành truyện một khi người viết tìm thấy ở các sự kiện có thật những thông điệp mang tính khái quát và quyết định chuyển tải chúng đến người đọc dưới quan điểm của một cái "Tôi" không có thật - được khái quát hóa hoặc hư cấu - cho dù có thể rất gần gũi với cái "Tôi" thật của anh/chị ta. Nhận định của Edward Hoagland: "Tiểu sử tự thuật, nếu không phải là tiểu thuyết, trên thực tế nói chung đều là tiểu luận mở rộng" cũng nói về ý ấy, nhưng theo cách ngược lại.

Ký nghệ thuật là trường hợp người viết muốn truyền tải một thông điệp mang tính khái quát từ quan điểm cá nhân trong đời thực. Khi đó anh/chị ta quyết định tự mình kể chuyện. Trong trường hợp này, anh/chị ta không đơn thuần kể lại những chuyện mình được nghe hay được chứng kiến, mà, thông qua những suy nghĩ, cảm xúc và hiểu biết cá nhân, muốn truyền đến cho người đọc những ý nghĩa, bài học hay cảm xúc khái quát về cuộc đời. Chính vì thế, đặc điểm đầu tiên của ký nghệ thuật là dày đặc chi tiết trải nghiệm cá nhân, chính vì thế mà với Nguyễn Tuân, người viết ký nổi tiếng nhất của văn học Việt Nam thế kỷ hai mươi, "đi" là công việc hàng đầu.

Xin lưu ý rằng trong bài này tôi sử dụng các thuật ngữ "người viết" (hay "nhà văn") và "tác giả", với những ý nghĩa khác nhau. "Người viết" là một thực thể vật lý, sống và viết văn, còn "tác giả" là "người viết" ở thời điểm anh/chị ta sáng tác tác phẩm. "Tác giả" là khái niệm gắn liền với tác phẩm. Sau khi tác phẩm hoàn thành, tác giả không tồn tại nữa, mặc dù nhà văn vẫn sống và tiếp tục sáng tác. Ở mỗi một thời điểm sáng tác như thế, người viết hóa thân thành một "tác giả" duy nhất, không bao giờ lặp lại. Chính vì lẽ đó, nếu một nhà văn đánh mất bản thảo, anh/chị ta sẽ không bao giờ viết lại được tác phẩm cũ nữa. Tác phẩm viết lại là một tác phẩm hoàn toàn khác.

Trở lại câu hỏi của người bạn Serbia viết tuỳ bút của tôi. Bây giờ chúng ta có thể trả lời: văn bản chị viết chỉ thôi là "chuyện riêng" để trở thành "tuỳ bút" khi chị tìm thấy một thông điệp "khái quát", hay "phổ quát", trong những trải nghiệm cá nhân và truyền đạt nó qua văn bản ấy.

Đến đây, ta có thể đặt một câu hỏi chính đáng: Có thể có loại văn bản tự sự, trong đó thông điệp mang tính cụ thể, còn kẻ mang thông điệp lại là nhân vật hư cấu hay không? Nếu không thì tại sao? Nếu có, xin cho ví dụ.

Câu trả lời của tôi là có. Tôi xin tạm gọi nó là thể "Sấm", tương đương với "Prophecy" ở phương Tây, mặc nó có thể bao gồm tất cả các loại văn bản được dùng để bói toán, giải mộng...Trong các văn bản này, mặc dù nhân vật kể chuyện (người, vật, thần linh...), tức kẻ mang thông điệp, là hư cấu, nhưng những thông điệp lại được coi như những chỉ dẫn hoặc thông tin cụ thể, hiện thực. Sấm Trạng Trình ở Việt Nam, cũng như của Nostradamus ở phương Tây, chỉ là vài ví dụ nổi tiếng. Ta cũng gặp loại văn bản này khá thường xuyên trong đời sống hàng ngày, chẳng hạn ở bài đồng dao:

Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn đòi hành cho tôi
Con chó khóc đứng khoc ngồi
Mẹ ơi đi chợ mua tôi củ riềng...

Ở đây gà, lợn, và chó là những nhân vật hư cấu, nhưng thông điệp là một bài học cụ thể và thực tiễn về việc sử dụng gia vị trong nghệ thuật nấu ăn.

Cần lưu ý rằng nguyên lý của "sấm" cũng được sử dụng thường xuyên trong nghề gián điệp. Chẳng hạn một bức thư như "Mẹ vẫn khoẻ, ngày mai sẽ đi nghỉ mát như đã định" rất có thể là một bản thông báo tình hình và mệnh lệnh hành động.

Những phân tích trên đây cho phép chúng ta đi đến một hệ biến hóa văn bản tự sự được mô tả trong bảng dưới đây:

Thông điệp cụ thể

Thông điệp khái quát

Thông điệp viên có thực

Ký sự

Ký nghệ thuật

Thông điệp viên hư cấu

Sấm

Truyện


Cần lưu ý rằng hệ biến hóa này chỉ có tính chất tương đối, không chỉ vì trong thực tế không có truyện, ký, hay sấm thuần tuý, cũng không chỉ vì các thể loại luôn luôn có xu hướng xâm nhập lẫn nhau, mà còn, và chủ yếu, vì việc xác định tính chất của thông điệp cũng như kẻ mang thông điệp phụ thuộc cả vào người viết lẫn người đọc. Người viết có thể chỉ đơn thuần kể lại chuyện đời mình, nhưng người đọc lại có thể thấy đó là ký nghệ thuật nếu họ thu nhận từ đó những thông điệp khái quát, và nếu như cả kẻ mang thông điệp cũng được cảm nhận như một nhân vật hư cấu thì nó được coi là truyện. Ngược lại, có người định viết "truyện" nhưng người đọc lại chỉ cảm nhận như là một ký sự mà thôi. Trong một số trường hợp, các văn bản truyện hay ký nghệ thuật thực sự có thể được coi là "sấm", như trường hợp Truyện Kiều được dùng để bói.

Cuối cùng, xin nói thêm rằng việc xác định một văn bản là truyện, ký sự, ký nghệ thuật hay sấm hoàn toàn không đồng nghĩa với việc thẩm định giá trị nghệ thuật, lại càng không đồng nghĩa với thẩm định giá trị xã hội. Người ta nói: "dụng nhân như dụng mộc". Và người ta cũng nói: "Văn tức là người". Vậy thì chúng ta cũng có thể nói, tuy ít nhiều khập khiễng: "dụng văn như dụng mộc".

Normal, 11/2004

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Định nghĩa về cái đẹp

    20/08/2017Hầu hết những người cố gắng định nghĩa cái đẹp đều nhất trí rằng nó dính dáng đến sự đáp ứng của ý thích. Chúng ta gọi một cái gì đó là đẹp khi nó làm chúng ta vui thích hay hài lòng ở một phương diện đặc biệt nào đó. Nhưng cái gì gây nên sự đáp ứng này từ phía chúng ta? Nó có phải là cái gì trong chính bản thân đối tượng ...
  • Cái đẹp trong mắt ai

    08/03/2016Phan Cẩm ThượngKhi ứng xử xã hội trở nên thực dụng, thì thẩm mỹ cũng mang tính thực dụng như một thứ thị hiếu trọc phú... Nhưng đã là muộn bởi “Giáo dục thẩm mỹ lại không thể làm từ thấp đến cao, mà phải dạy cao ngay từ đầu”...
  • Thẩm mỹ

    15/10/2014Nguyễn Trần BạtNói đến thẩm mỹ không thể không nói đến khái niệm cái đẹp. Nhưng đó là một câu hỏi làm đau đầu biết bao nhiêu nhà triết học thuộc đủ mọi quốc gia, sống ở mọi thời đại trong lịch sử...
  • Thời gian không chết, chỉ có khoa học dễ bị "bức tử" mà thôi!

    30/09/2005Nguyễn HòaSau mấy tháng “dạo qua” một số tòa soạn, cuối cùng tiểu luận Thơ hay là cái chết của thời gian của Ngô Tự Lập đã được đăng tải vừa qua. Theo Lời Tòa soạn của Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam thì: “trở lại định nghĩa thơ ở đầu thế kỷ này không phải là không thú vị… Vấn đề không phải là ở chỗ ai đúng, ai sai. Vấn đề là cùng bình tĩnh bàn bạc và hướng tới sự phát triển”. Nhưng theo tôi, đúng - sai lại là một tiêu chí hết sức quan trọng trong khoa học; và người ta chỉ có thể “bình tĩnh bàn bạc và hướng tới sự phát triển” một khi nắm bắt được mục đích, góc độ, phương pháp, cách thức nghiên cứu, cách thức đưa ra kết luận…
  • Thơ hay là cái chết của thời gian

    28/09/2005Ngô Tự LậpVề thơ như là một tổ chức ngôn ngữ quái đản. Tiểu luận Thơ là gì là một bài viết rất đặc trưng cho phong cách của ông Phan Ngọc: nhiều tâm huyết nhưng cũng nhiều võ đoán. Suốt bài viết với giọng cực kỳ tự tin này lấp lánh đây đó những nhận xét sâu sắc bên cạnh những từ ngữ và thuật ngữ cố tình lạ tai gây cảm giác khó chịu: “Quái đản”, tính thao tác”, “sự thức nhận”… (Tôi xếp vào loại này cả những từ to tát không cần thiết khác như vượt gộp", "thao tác luận"... rất nhiều trong các bài viết của ông). Mặc dù thú vị, bài viết này, theo tôi, có nhiều điểm chưa thích đáng, cả trong các nhận định lẫn trong thao tác khoa học.
  • Trong những đường hầm của thi ca

    29/08/2005Ngô Tự LậpCòn các nhà thơ, giống như tất cả mọi người, họ đang đi vào những đường hầm biệt lập, trong đó họ sáng tạo ra những bài thơ mới cho những độc giả mới của họ. Đó là lý do duy nhất để họ tồn tại. Đó cũng là niềm hy vọng làm một điều có ích. Chỉ điều đó thôi cũng đã đem lại cho họ sức mạnh để không gục ngã...
  • Tại sao tôi đọc tiểu thuyết

    03/08/2005MoonfishVới tôi văn học và điện ảnh gần gũi nhau lắm, nên tôi mạo muội gửi vào đây bài "Tại sao tôi đọc tiểu thuyết", nếu sửa lại là "Tại sao tôi xem phim" có lẽ cũng được.
  • Nghệ thuật, trí tưởng tượng và nhà khoa học

    19/07/2005Tôi muốn mượn tiêu đề bài báo của giáo sư sinh lý học Robert Root-Berstein, Viện Đại Học tiểu bang Michigan, trên tạp chí Nhà khoa học Mỹ đầu năm 1997 để bàn về mối quan hệ giữa ý thức và vô thức, giữa trí tưởng tượng và tư duy phân tích trong sáng tạo văn học nghệ thuật và sáng tạo khoa học kỹ thuật, một chủ đề hấp dẫn từng gây nhiều tranh cãi không chỉ tại Việt Nam ta.
  • xem toàn bộ