Lý luận - phê bình văn học và các “vấn nạn”

07:46 CH @ Thứ Hai - 27 Tháng Ba, 2006
Sau khi đăng tải cuộc trò chuyện giữa nhà báo Phong Điệp và nhà văn Sương Nguyệt Minh với chủ đề Lý luận - phê bình văn học và sứ mạng “cái roi” quất cho cỗ “tứ mã văn học” lồng lên, Diễn đàn Văn học Trẻ đã nhận được nhiều ý kiến tham gia đóng góp và điều này cũng phù hợp với mục đích của chuyên mục là cùng mở ra vấn đề để cùng suy nghĩ, cùng trao đổi.

Trong Diễn đàn Văn học Trẻ số này, Văn nghệ Trẻ xin tiếp tục giới thiệu cuộc trò chuyện giữa nhà báo Phong Điệp và nhà lý luận - phê bình văn học Nguyễn Hòa.

Phong Điệp:Tôi được biết anh có tham gia Hội nghị LLPBVHNT toàn quốc vừa được tổ chức tại Hà Nội, và cũng được nghe nhiều người nhắc đến bài phát biểu của anh, trong đó nổi lên là các “vấn nạn” của lý luận - phê bình. Xin anh hãy chia sẻ cùng độc giả?

Nguyễn Hòa:Vâng, tôi có tham dự Hội nghị và có đọc một bản tham luận làm “tốn kém” thời gian của cử tọa quãng 30 phút (!). Về đại thể, tôi cho rằng lý luận - phê bình văn học ở Việt Nam hiện nay đang đứng trước 4 “vấn nạn”, đó là: sự lạc hậu trong lý luận (như tình trạng “dậm chân tại chỗ” của lý luận văn học); sự thiếu trách nhiệm trí thức (như sự ra đời của một số công trình nghiên cứu “giả khoa học”, hay hiện tượng nhiều nhà lý luận - phê bình đã đứng ngoài hoặc lảng tránh các vấn đề văn học - văn chương cập nhật); vai trò của báo chí và xuất bản (nơi theo tôi còn thiếu vắng biên tập viên thật sự am hiểu về lý luận - phê bình); về tổ chức và quản lý (như tình trạng người bị phê bình không được tạo cơ hội một cách công bằng để trả lời, tranh luận không bao giờ có kết luận đúng - sai…). Mỗi “vấn nạn” đều được tôi chứng minh qua các sự kiện - con người cụ thể, xin không nhắc lại vì chúng quá nhiều và dễ làm những người có liên quan bị “xấu hổ”!

Phong Điệp:Tôi đã đọc trong một số tiểu luận lý luận - phê bình của anh, và ở đây cũng vậy, tôi thấy anh sử dụng cụm từ “văn học - văn chương”?

Nguyễn Hòa:Tôi viết như thế là có chủ ý, trong “vấn nạn” về sự lạc hậu của lý luận văn học theo tôi có một nội dung liên quan đến sự nhập nhằng về khái niệm.Lý luận - nghiên cứu - phê bình văn học là ba thành tố cơ bản cấu thành nên “văn học” - với tư cách là một bộ môn khoa học lấy văn chương (toàn bộ các sáng tác văn thơ từ cổ chí kim đến lịch sử văn chương, các nội dung có liên quan tới tác giả, kế đến là sự ra đời cùng sự phát triển hoặc hưng vong của thể loại, phương pháp…). Nghĩa là chúng ta đang đứng trước một thực tế mà nếu nhìn từ góc độ khoa học là không thoả đáng. Xem xét lịch sử khoa học từ khi ra đời đến nay, bạn sẽ thấy không có một chuyên ngành khoa học nào lại có sự đồng nhất giữa bản thân nó với đối tượng nghiên cứu. Thật là buồn cười, trong khi đạo đức học lấy đạo đức của xã hội - con người làm đối tượng nghiên cứu, mỹ học lấy đời sống thẩm mỹ của xã hội - con người làm đối tượng nghiên cứu… thì riêng với “văn học”, chúng ta lại sử dụng một khái niệm để định danh chung cho cả chuyên ngành khoa học lẫn đối tượng nghiên cứu của nó!

Phong Điệp:Như vậy, văn chương đã có từ rất lâu đời còn văn học, nếu tôi không lầm, thì chỉ mới xuất hiện từ thế kỉ 17 - 18. Nghĩa là đã có hàng chục thế kỷ, loài người không có văn học và cũng không sao. Lập luận như vậy theo anh liệu có bất ổn?

Nguyễn Hòa: Rất chính xác và không có gì là bất ổn. Như mọi khoa học khác, “văn học” chỉ ra đời khi nhận thức về văn chương của con người đã đạt tới một trình độ nhất định và yêu cầu chuyên môn hoá đòi hỏi khoa học về văn chương phải được khai sinh, phát triển thành một bộ môn độc lập và vì vậy ngay từ đầu, yếu tố “khoa học” đã trở thành một thuộc tính của lý luận - nghiên cứu - phê bình. Hàng chục thế kỷ, loài người không có văn học, các nhà văn nhà thơ vẫn tiếp tục đem tác phẩm văn chương đến cho cuộc đời và con người vẫn sống tốt. Nhưng văn học không phải là một sản phẩm “thừa”, vì nếu “thừa” thì nó sẽ không có cơ tồn tại. Chỉ với sự ra đời của văn học, loài người mới biết đến hệ thống khái niệm, phạm trù, mới biết đến các quy luật phát triển của văn chương, mới biết đến sự tổng kết, đánh giá về văn chương quá khứ và dự báo về văn chương tương lai, mới biết cách làm thế nào để tác động cho văn chương phát triển… Nghĩa là những vấn đề mà trước đó loài người chưa hề biết tới.

Phong Điệp:Sự “nhập nhằng” về khái niệm này theo anh có ảnh hưởng gì tới đời sống văn học - văn chương hay không?

Nguyễn Hòa: Có chứ. Nó làm xuất hiện thái độ coi thường lý luận, đẩy tới sự ngộ nhận giữa kinh nghiệm sáng tác với lý luận văn học. Trong các loại hình nghệ thuật, có lẽ chỉ có văn chương là loại hình dễ dàng tiếp nhận nhất. Bất kỳ người nào đã “thoát nạn mù chữ” là đã được cung cấp công cụ để đọc tác phẩm văn chương. Đọc xong thì ai cũng có thể nhận xét, và nhiều người (nhất là người trong giới sáng tác) ngỡ đó là phê bình. Chuyện không đơn giản vậy đâu. Chưa nói rằng sự nhập nhằng còn tạo ra “kẽ hở” để có người chỉ với một công trình nghiên cứu - phê bình nhưng lại kiếm được hai giải thưởng: một theo đường từ Hội Nhà văn (bởi đó là tác phẩm), một theo đường từ Viện khoa học xã hội - nhân văn (bởi đó là khoa học)! Và mới có chuyện năm ngoái một nhà văn đã viết hùng hồn như thế này: “Từ thời thượng cổ cho đến nay, hay nói cho có vẻ lý luận một chút thì từ thời cổ Hila cho đến những năm đầu của thế kỷ 21 này và có lẽ mãi mãi mai sau bất kỳ một nền văn học nào cũng gắn liền với một nền phê bình...”. Tôi không biết ông nhà văn kiếm ở đâu ra một nền phê bình từ “thời thượng cổ”, và nếu là người có hiểu biết thì không ai lại viết là “thời cổ Hila”!

Phong Điệp:“Phê bình văn học: Bộ môn nghiên cứu, chuyên phân tích các tác phẩm văn học nhằm mục đích đánh giá và hướng dẫn việc sáng tác” - Đấy là khái niệm về phê bình văn học được ghi trong Từ điển Tiếng Việt (năm 2001)...

Nguyễn Hòa:Muốn tìm hiểu đích xác nội hàm của một thuật ngữ thuộc về một khoa học nào đó, người ta cần tìm hiểu trong từ điển chuyên ngành chứ không nên bằng lòng với một thao tác là tra cứu Từ điển tiếng Việt, bởi Từ điển tiếng Việt chỉ cung cấp cách hiểu phổ thông. Theo Từ điển Văn học (xuất bản năm 2004) thì phê bình văn học là: “Tên gọi một bộ môn của khoa nghiên cứu văn học có chức năng phán đoán, bình phẩm, đánh giá và giải thích tác phẩm văn học, kèm theo việc phán đoán, bình luận, giải thích, đánh giá những hiện tượng đời sống mà tác phẩm đề cập tới” (tr.1408). Trong cuốn 150 thuật ngữ văn học (Lại Nguyên Ân biên soạn) cũng định nghĩa tương tự. Hiểu thật nghiêm túc, cái gọi là “hướng dẫn sáng tác” của phê bình văn học chỉ là một khả năng. Nếu người làm phê bình không nắm vững điều này sẽ quan trọng hoá vấn đề qua tham vọng “định hướng cho sáng tác”. Còn với nhà văn, nếu không hiểu phê bình văn học là gì và lại lầm tưởng về chức năng của phê bình thì dễ đặt ra các yêu cầu nằm ngoài khả năng của nó, mà khi yêu cầu không được đáp ứng thì dễ quay ra giễu cợt hoặc cho rằng nếu không có sáng tác thì không có phê bình.

Phong Điệp:“Phê bình không theo kịp sáng tác, xa rời sáng tác” - là người “trong cuộc” xin anh cho biết ý kiến của mình về nhận xét này?

Nguyễn Hòa: Nói phê bình văn học “xa rời sáng tác” thì cũng có phần đúng, nhưng nói “phê bình không theo kịp sáng tác” thì cần xem lại. Thứ nhất, đó là hệ quả của quan niệm coi phê bình như là “cái đuôi”, là “ăn theo” sáng tác; thứ hai, người nào nói như vậy là còn nắm bắt hời hợt về quan hệ giữa văn học (trong đó có phê bình) với văn chương. Trong liên hệ nội tại và bản chất, phê bình phải dựa vào lý luận. Như đã nói ở trên, văn chương có tuổi đời hàng nghìn năm, còn văn học mới chỉ có tuổi đời vài trăm năm, và về nguyên tắc, khi văn chương vận động phát triển thì lý luận văn học cần một độ lùi (dù rất ngắn) về thời gian để khảo sát, đánh giá, kết luận… qua đó cung cấp cho phê bình những công cụ lý thuyết ngõ hầu giải quyết cập nhật, thấu đáo các tác phẩm, các hiện tượng, các xu hướng văn chương… mới nảy sinh. Như vậy, đối với chúng ta hôm nay, vấn đề cần quan tâm là tình trạng lạc hậu của lý luận văn học so với thực tiễn văn chương, chứ không phải “phê bình không theo kịp sáng tác”. Thật kỳ quặc khi có nhà văn “cười mũi” người viết phê bình vì cho rằng người viết phê bình đã không đọc ra các “thông điệp” của anh ta. Tác phẩm đã được công bố, nó phải chịu sự đánh giá của dư luận (trong đó có ý kiến của người làm lý luận - phê bình), và nếu dư luận có tìm ra ra các ý nghĩa mà nhà văn không dự liệu được từ trước thì cũng là chuyện bình thường. Trừ các trường hợp “phản phê bình” như suy diễn, quy chụp…, khi nhà văn viết là A mà dư luận lại hiểu là B thì nguyên nhân thuộc về ai…?

Phong Điệp:Có ý kiến cho rằng mỗi nhà văn đồng thời là một nhà phê bình. Nhà văn thiên tài còn là nhà lý luận văn học thiên tài, anh nghĩ thế nào về ý kiến này?

Nguyễn Hòa: Dường như xu hướng “xã hội hóa phê bình” đã tạo ra tiền đề cho một số quan niệm kỳ khôi về lý luận - phê bình có điều kiện thi thố. Với năng lực thụ cảm tinh tế, một số người sáng tác có khả năng phát hiện từ tác phẩm một vài phẩm chất mà người nghiên cứu - phê bình không phát hiện được, nhưng hiện tượng này không nhiều. Dù “hoá thân” vào tác phẩm như thế nào thì muốn làm lý luận - phê bình người ta vẫn phải dựa trên nền tảng tư duy logich, lý tính, đôi khi đến lạnh lùng. Bằng tư duy hình tượng, người sáng tác rất khó có thể xây dựng hệ thống quy luật, phạm trù… có ý nghĩa lý luận. Đọc và tìm hiểu nhiều song tôi chưa thấy việc “nhà văn đồng thời là một nhà phê bình. Nhà văn thiên tài còn là nhà lý luận văn học thiên tài” tồn tại như một tất yếu. Người ta có thể dẫn ra M.Kundera, nhưng nếu đã đọc M.Kundera và tìm hiểu quan hệ giữa sáng tác của ông với lý thuyết của M.Bakhtin sẽ thấy M.Kundera là người ứng dụng khá thành công lý thuyết của M.Bakhtin trong sáng tác và việc ông viết về kinh nghiệm rút ra từ quá trình sáng tác là đáng tham khảo, tuy vậy, trước hết ông không phải là người làm lý luận. Trong lịch sử văn học, người như M.Kundera chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Do vậy, đừng vì tình trạng khủng hoảng của lý luận - phê bình mà coi thường nó, rồi đi đến chỗ cho rằng lý luận - phê bình là “cái nghề” ai cũng làm được!

Không có người làm lý luận - phê bình thì nhà văn không thể khái quát một cách có hệ thống về các nội dung có tính lý luận, dù sản phẩm văn chương của nhà văn chính là nơi cung cấp cho họ các tiền đề. Để làm lý luận - phê bình, trước hết người ta phải là người làm khoa học. Và sự thống nhất giữa nhà khoa học với nhà văn trong một con người chỉ là một khả năng có thể. Ngay như với chủ đề Lý luận phê bình và sứ mạng “cái roi” quất cho “cỗ tứ mã văn học” lồng lên của Văn nghệ Trẻ chẳng hạn. Tôi sẽ “cho qua” nếu đó là sản phẩm của một nhà văn, song dù nhan để có mấy từ được đặt trong ngoặc kép thì nó vẫn khó lòng đáp ứng các yêu cầu về tính chính xác khoa học. Vì có thể đặt ra các câu hỏi: căn cứ vào đâu để ví von lý luận - phê bình với “cái roi”, tại sao lại coi văn học (mà chính xác phải là văn chương) là “cỗ tứ mã”? Vả lại, người ta chỉ “quất roi” lên “con ngựa” chứ có ai lại “quất roi” lên “cỗ tứ mã” bao giờ!

Phong Điệp:Cứ tạm coi chủ đề ấy là sản phẩm của nhà văn đi và đương nhiên nó mang tính ước lệ, thì theo anh lý luận - phê bình hiện nay đã thực sự đảm trách được sứ mạng “cái roi” quất cho cỗ “tứ mã văn học” lồng lên” chưa?

Nguyễn Hòa: Vâng, nếu là ước lệ của nhà văn thì tôi sẵn sàng “cho qua”, nhưng vẫn xin bảo lưu rằng, tính chính xác của khoa học vẫn là yêu cầu hàng đầu. Tôi nghĩ, nếu làm lý luận - phê bình thật nghiêm túc, người ta sẽ chẳng nghĩ đến chuyện “quất” ai cả. Hay thì khen, dở thì chê, miễn là khen - chê đều phải luận chứng ra đầu ra đũa. Mặt khác, sự phát triển của văn chương, sự ra đời của các tác phẩm văn chương có chất lượng tư tưởng - nghệ thuật như thế nào phụ thuộc vào một tập hợp các yếu tố chứ không chỉ phụ thuộc vào lý luận - phê bình. Với một nhà văn “tài mỏng” thì có đến hàng nghìn nhà lý luận - phê bình xuất sắc cũng không “vực” anh ta dậy được. Tôi nhớ có lần nhà văn Đỗ Chu nói với tôi rằng: “Bất tài thì hay lu loa!”, xem ra trong nhiều trường hợp cũng đúng thật. Không viết được cái gì thật hay ho thì trước hết phải xem lại chính mình, sao lại quay sang trách cứ người khác.

Phong Điệp:Tức là nhà văn có thể viết rất hay nhưng không mấy ai và không dễ gì có thể “hệ thống hoá” được tác phẩm của chính mình, “hệ thống hoá” tôi nhắc đến ở đây với ý nghĩa là phân tích, đánh giá... ?

Nguyễn Hòa: Đúng thế. Nhà văn cứ việc viết, và không ai buộc anh ta phải phân tích, bình giá… tác phẩm của chính anh ta. Còn người làm lý luận - nghiên cứu - phê bình thì cố gắng “giải mã” sáng tác của anh ta trên mọi phương diện, với điều kiện phải thật sự khách quan, có công cụ lý thuyết khoa học, có khả năng cảm thụ tinh tế… Bạn đã thấy một nhà văn nào triển khai một công trình nghiên cứu, viết một bài phê bình, làm một luận án tiến sĩ… về tác phẩm của chính mình bao giờ chưa? Nói thì dễ, nhưng làm không dễ đâu. Cũng có một vài vị tiến sĩ vừa làm nghiên cứu - phê bình vừa viết văn hoặc làm thơ và tôi chưa thấy họ thành công trên cả hai phương diện. Cả hai đều làng nhàng!

Phong Điệp: Nói như vậy thì nhà văn và nhà lý luận - phê bình cứ đường ai nấy đi?

Nguyễn Hòa: Ồ không, hiểu như thế là siêu hình, là cực đoan đấy. Nếu được trang bị một cái nhìn nghiêm túc về quan hệ biện chứng giữa văn học và văn chương, người ta sẽ không siêu hình, không cực đoan. Văn chương cung cấp đối tượng nghiên cứu cho văn học, và từ những thành tựu chân chính của lý luận - nghiên cứu - phê bình, nhà văn có thể tham khảo, có thể tìm thấy các “gợi ý” cho sáng tác (tôi nói là “gợi ý” chứ không nói là “định hướng” đâu nhé). Thử hỏi, các tri thức văn học nằm trong vốn liếng tri thức của nhà văn có nguồn gốc từ đâu, nếu không phải là từ kết quả làm việc của lý luận - nghiên cứu - phê bình?

Phong Điệp:Anh có quan tâm tới những “cây búa vàng” hay những “nhà phang học” mà người ta đồn thổi...?

Nguyễn Hòa: Tôi có quan tâm. Ít nhất cũng là vì cách đây khá lâu, trong một lần tán gẫu, anh Nguyễn Duy đã tặng cho tôi cái danh hiệu “cây búa vàng”. Nghe cũng khoái! Nói vậy thôi, “búa vàng, búa bạc” hay “búa đồng, búa chì” thì cũng là công việc. Thử nói sai, nói hàm hồ, thử viết bừa, viết ẩu… mà xem, đồng nghiệp người ta cho “lĩnh đủ” ngay. Thiên hạ thiếu gì người tài. Mà nếu trong lý luận - phê bình có những “cây búa vàng”, những “nhà phang học” viết cái gì ra cái đó thì việc gì phải lo ngại.

PHONG ĐIỆP:Lại có ý kiến cho rằng, chỉ khi nào nền văn học Việt Nam có nhà lập thuyết thì lý luận - phê bình văn học Việt Nam mới ra hồn. Anh thấy thế nào?

Nguyễn Hòa: Nếu lý luận - phê bình văn học Việt Nam xuất hiện một nhà lập thuyết thì quá tốt, nhưng bảo rằng “chỉ khi nào nền văn học Việt Nam có nhà lập thuyết thì lý luận - phê bình văn học Việt Nam mới ra hồn” thì “hơi bị” bất thường. Tôi không rõ căn cứ vào đâu người ta lại khẳng định như vậy. Tôi coi đó là “nói lấy được”. Thử đưa ra một vài dẫn dụ từ các nền lý luận - phê bình văn học khác để chứng minh xem có đúng vậy không. Khó đấy! Không riêng Việt Nam, người có tư cách “lập thuyết” trong lý luận - phê bình văn học của nhân loại không có nhiều đâu, nhất là trong văn học thế giới hiện đại lúc này.

Phong Điệp:Nếu nói rằng “Sự thờ ơ, dửng dưng với phong cách, với các khuynh hướng văn học mới... là yếu kém của lý luận - phê bình Việt Nam” theo anh thì đã xác đáng hay chưa?

Nguyễn Hòa: Đây không phải là thờ ơ mà là vô trách nhiệm. Một khi đã mang danh là nhà lý luận - phê bình thì phải làm nghề. Thật phi lý khi có người mang cái danh đó mà quanh năm chỉ thấy đi “khảo cổ văn chương” hoặc viết “để học tốt môn văn” bán cho học sinh. Làm lý luận - phê bình mà không bám sát tình hình văn chương thì làm cái gì. Tôi buồn khi thấy có nhà lý luận - phê bình bảo rằng: “Còn Cánh đồng bất tận tôi cũng chưa có ý tìm… Chờ một vài năm sau đọc cũng chưa muộn”. Tôi còn buồn hơn khi thấy trước tình trạng “bát nháo” của lý luận - phê bình, một vị GS TSbộc bạch: “nhiều giáo sư có uy tín không muốn nói, vì cái đúng và cái sai không sáng rõ”. Cứ theo ông này thì nhiều giáo sư có uy tín chỉ lên tiếng khi đúng - sai đã rõ ràng, còn khi trong phê bình văn học người ta tranh luận, trao đổi (thậm chí cãi nhau!) thì các vị đứng ngoài cuộc, “tọa sơn quan hổ đấu” hay chờ khi “đục nước béo cò”? Còn về phong cách. Đây là vấn đề vừa ổn định vừa vận động phát triển, chỉ xuất hiện ở các nhà văn có tài năng và có khả năng tự đổi mới. Làm nên được một phong cách là việc rất khó. Không phải cứ viết văn, cứ có tác phẩm trình làng là có phong cách. Xét theo ý nghĩa đó thì liệu hiện tại có bao nhiêu nhà văn Việt Nam là người viết có phong cách? Đừng bảo người ta dửng dưng khi chính mình cũng chưa biết phong cách có hình thù thật sự ra sao!

Phong Điệp:Có một nhà văn nhận xét: “bao nhiêu vấn đề lý luận văn học - nghệ thuật mới, lạ, có giá trị lớn của nhân loại xuất hiện ở thế kỷ XX như: hiện thực huyền ảo; hiện thực mới; hiện sinh, hiện đại, hậu hiện đại… hoặc chủ nghĩa cấu trúc trong nghiên cứu văn học, khuynh hướng phân tâm học trong phê bình… chưa được nghiên cứu, chọn lọc giới thiệu đầy đủ một cách có hệ thống, khoa học, kịp thời vào Việt Nam”. Theo anh sự du nhập đó có phải là yêu cầu hiện thực?

Nguyễn Hòa: Giao lưu, tiếp nhận thành tựu từ văn học thế giới là một trong các yếu tố tác động tới sự phát triển của lý luận - phê bình. Quả thật là chúng ta chưa tiến hành giới thiệu có hệ thống các thành tựu lý luận - phê bình văn học thế giới, nhưng căn cứ vào cố gắng của các tác giả như Phạm Vĩnh Cư, Trương Đăng Dung, Trần Đình Sử, Nguyên Ngọc, Trần Ngọc Vương, Trần Nho Thìn, Đỗ Lai Thuý, Trịnh Bá Đĩnh… chúng ta cũng đã có một số tác phẩm đáng đọc. Tôi không biết nhà văn nói trên đã đọc các công trình như: Cấu trúc văn bản nghệ thuật, Tác phẩm văn học như là quá trình, Thi pháp của huyền thoại, Logic học về các thể loại văn học, Văn học là gì?, Sự đỏng đảnh của phương pháp, Chủ nghĩa cấu trúc và văn học, Vì một nền lý luận - phê bình văn học chất lượng cao… hay chưa, nếu chưa thì nên tìm đọc. Chúng cung cấp kha khá tri thức và chữ nghĩa đấy. Tuy nhiên muốn đọc và muốn hiểu xem ra cũng “mệt”, vì chúng đòi hỏi một nền tảng tri thức nhất định mới có thể tiếp nhận. Tỷ như với chủ nghĩa cấu trúc trong nghiên cứu văn học, hay phân tâm học trong phê bình chẳng hạn, muốn nhận biết thì chí ít cũng phải hiểu chủ nghĩa cấu trúc là gì, phân tâm học là gì… và điều này theo tôi là nằm ngoài khả năng của đa số nhà văn Việt Nam đương đại. Là người khá tự tin vào những tri thức đã thâu nạp được, song nếu bạn hỏi tôi về chủ nghĩa cấu trúc, về phân tâm học thì xin lỗi, chắc chắn tôi phải mang sách ra đọc lại thì may ra mới trả lời được. Còn nếu liệt kê những chủ nghĩa, trào lưu, phương pháp… của văn học thế giới như là “đồ trang sức cho trí tuệ” thì nên thôi đi là vừa. Chỉ liếc qua mấy cái bìa sách, đọc vài ba bài giới thiệu thì bất cứ ai cũng có thể làm được việc liệt kê này. Nhưng sự đời lại quan trọng ở sự “hiểu” chứ không phải ở sự “biết”!

Phong Điệp:Nói như vậy có vẻ như anh đang hết sức nỗ lực bảo vệ cho công tác lý luận - phê bình hiện nay ở Việt Nam?

Nguyễn Hòa:Bạn hiểu sai ý tôi rồi, vấn đề bạn đặt ra ở trên đâu có bàn về “công tác lý luận - phê bình hiện nay ở Việt Nam”, mà bàn về các“vấn đề lý luận văn học - nghệ thuật mới, lạ, có giá trị lớn của nhân loại xuất hiện ở thế kỷ XX… chưa được nghiên cứu, chọn lọc giới thiệu đầy đủ một cách có hệ thống, khoa học, kịp thời vào Việt Nam” cơ mà. Trong phạm vi ấy, tôi có thể nói thẳng ngay rằng dường như người ta “ăn theo, nói leo” chứ chưa theo dõi trên diện rộng, cụ thể hơn là chưa khảo sát, chưa đọc. Nỗ lực nghiên cứu và dịch thuật đầy tinh thần trách nhiệm của mấy chục con người, dù chưa được tổ chức, song vẫn rất cần ghi nhận. Bạn có thể giới thiệu với tôi một nhà văn nào ở Việt Nam đã đọc và hiểu cặn kẽ các cuốn sách tôi dẫn lại ở trên? Tôi tin là không có đâu.

Phong Điệp:Từ khả năng phát hiện, đề xuất, dự báo… của lý luận - phê bình, theo anh hiện nay lý luận - phê bình của chúng ta đã làm được ở mức độ như thế nào?

Nguyễn Hòa:Câu hỏi của bạn thật khó trả lời. Chức năng của lý luận - phê bình văn học là thế, nhưng thực hiện như thế nào còn phụ thuộc vào hệ thống công cụ đã và đang có, phụ thuộc vào những con người đang làm nghề, do đó không dễ đánh giá. Hôm qua, một anh bạn nói với tôi: hình như lý luận - phê bình của chúng ta đang ở trong tình trạng “hết tuyết”! Ý kiến này có thể khó chia sẻ, nhưng nếu nhìn vào thực trạng thì không phải không có lý. Dù có bị đánh giá là chủ quan và chưa triệt để, tôi vẫn xin mạo muội nói rằng hàng chục năm nay khả năng phát hiện, đề xuất, dự báo… của lý luận - phê bình văn học đang bị thui chột. Phải chăng ngoài các lý do như đã nói ở trên, còn một lý do khác là sự trì trệ có nguồn gốc từ thói quen “ăn xổi, ở thì”, bằng lòng với trước mắt, không tính đến những việc “dài hơi”?

Phong Điệp:Trở lại với bốn “vấn nạn” anh đề cập ở phần đầu câu chuyện, chắc là chúng ta khó có thể khắc phục trong một sớm một chiều và như thế, trước mắt hẳn là lý luận - phê bình vẫn còn chưa đáp ứng được mong mỏi của công chúng?

Nguyễn Hoà:Nhìn một cách bi quan và trong sự lười nhác nghề nghiệp, giả thuyết ấy là có thể. Nhưng cũng may, vài năm trở lại đây tình trạng “khủng hoảng” của lý luận - phê bình đang trở thành nỗi trăn trở của nhiều người, nhiều báo chí đã đề cập một cách trực tiếp và về mặt tổ chức, một số hội thảo, hội nghị do Hội Nhà văn, Viện Văn học… đã được tiến hành để mọi người cùng bàn thảo tìm cách tháo gỡ. Các động thái ấy mang lại một niềm tin vì đây chính là thể hiện của ý thức trách nhiệm. Gắn bó và yêu nghề, tôi hy vọng cùng mọi người, và mong muốn các động thái trên sẽ không mang tính hình thức mà sẽ được triển khai qua kế hoạch thiết thực và cụ thể. Tất nhiên, để đổi mới lý luận - phê bình, để từ bỏ một số thói quen gần như đã “thâm căn cố đế”… phải có thời gian, nên cũng cần biết chờ đợi. Tôi tin chúng ta sẽ làm được nếu quyết tâm, dám vượt qua chính mình. Hẳn là bạn cũng nghĩ như thế?

Phong Điệp:Vâng, tôi hoàn toàn chia sẻ với anh về điểm này. Xin cảm ơn anh!

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thân ốc với cọc không rêu hay là ảo ảnh văn chương sáo rỗng

    25/01/2015Nguyễn Chí HoanMột nhà phê bình nghệ thuật mới đây đã viết một cách chua chát rằng nghệ thuật ngày nay hình như không cao quí như người ta vẫn cho là thế, mà phần nhiều nó chỉ tạo ra những ảo ảnh và bằng cách đó nó tránh đụng chạm đến những vấn đề thực tế thực tại...
  • Nghề văn và những động lực sáng tạo

    19/02/2006Hồ Sĩ VịnhLý tưởng xã hội là cái nằm trong bầu máu nóng, là mục đích cao nhất, là lẽ sống đẹp nhất của đời người. Ở nhà văn, những yếu tố nói trên biến thành nguồn nội lực văn hóa, lý tưởng càng được thắp sáng, bầu nhiệt huyết càng sôi sục thì tác phẩm của họ càng được công chúng nồng nhiệt đón đợi...
  • Hãy làm ra sản phẩm văn chương tốt

    20/01/2006Phan ViệtThường các nhà văn có hai cách cơ bản để thể hiện trách nhiệm của mình với thời cuộc. Cách thứ nhất là cách trực tiếp, không chỉ viết mà còn tích cực tham gia các phong trào chính trị, xã hội đến mức có người bị trục xuất khỏi tổ quốc. Cách thứ hai là gián tiếp dùng văn chương của mình để nói về những bất công trong xã hội, về những người bị thiệt thòi, vẽ ra cơ chế đàn áp thể xác và tinh thần con người, thách thức những điều kiện và niềm tin chung...
  • Văn chương 2005 - tín hiệu vui và “giấc mộng bất thành”

    19/01/2006Nguyễn Hòa (nhà phê bình văn học)Văn chương năm 2005 còn nhiều chuyện để bàn và một cá nhân khó lòng bao quát hết. Hướng đi mới có sớm được xác định hay không, chắc chắn đây không phải là công việc của một người hay một nhóm người, đấy là công việc của số đông.
  • Trực diện với Văn học Việt Nam thế kỷ XX

    01/12/2005Nguyễn HoàBị hấp dẫn bởi tên gọi Văn học Việt Nam thế kỷ XX, tôi đã đọc cuốn sách với hy vọng được mở mang tầm nhìn, được bổ sung tri thức, được giúp lý giải các hiện tượng, các vấn đề lý luận - thực tiễn của văn chương - văn học dân tộc trong thế kỷ XX. Tiếc thay càng đọc thì nỗi thất vọng lại càng lớn dần...
  • Văn học thời đổi mới

    23/11/2005Lê Quý Kỳ
  • Chân - thiện - mỹ: Mãi là đích hướng tới của văn chương

    17/11/2005Đinh Quang TốnTừ xưa đến nay, hướng tới chân - thiện - mỹ luôn là mục đích của văn chương. Bởi văn chương là một sản phẩm do con người tạo ra, mà con người thì khác muôn loài ở bản chất muốn vươn tới những điều tốt đẹp, nên văn chương luôn là một hoạt động vì con người, với khát vọng làm cho cuộc sống của con người ngày một tốt đẹp hơn...
  • Sự dễ dàng đã bóp chết nhà văn

    13/11/2005Nhà văn ThuậnTiểu thuyết Việt Nam ì ạch trên cái mặt bằng không chuyên ấy của văn học Việt Nam. Đến bây giờ vẫn loay hoay tìm cách kể chuyện làm sao để vừa ê a, vừa hấp dẫn; làm sao cho thơm mùi trí thức, mùi đương đại...
  • 'Tôi' như là kẻ mang thông điệp: Cơ sở cho một hệ biến hóa văn bản tự sự

    29/10/2005Ngô Tự LậpNhưng nói rằng cái "Tôi" đóng vai trò quan trọng trong tuỳ bút, hay trong ký nghệ thuật, thì cũng có nghĩa là nói rằng nó ít quan trọng hơn trong các thể loại khác, và như vậy, gián tiếp vẫn là công nhận vai trò quan trọng của cái "Tôi" trong việc phân biệt các thể loại. Ngoài ra, nó còn buộc ta phải đặt những câu hỏi khác: Cái "Tôi" trong ký mà E.B. White và Edward Hoagland bàn đến, cũng như cái "Tôi" trong các loại văn bản tự sự khác có phải là cái "Tôi" thực của người viết hay không? Và cái "Tôi" trong truyện khác cái "Tôi" trong ký và các văn bản báo chí như thế nào?
  • xem toàn bộ

Nội dung khác