Với cái nhìnthẳng thắn, nhà văn Đỗ Chu trao đổi với nhà thơ Hồng Thanh Quang về một thế hệ viết văn, trách nhiệm của nhà văn...
Thuở nhỏ, đọc Sử ký của Tư Mã Thiên, tôi rất nhớ "Truyện Trương Nghi". Đại khái rằng, Trương Nghi là người nước Ngụy. Lúc hàn vi, thường hay hầu rượu tướng nước Sở. Một hôm, tướng Sở mất ngọc bích, môn hạ ai nấy đều đổ oan cho Trương Nghi nên đã thượng cẳng chân hạ cẳng tay với ông rất tàn nhẫn. Ông chẳng biết "thanh minh, thanh nga" làm sao cho khỏi bị đòn. Thoát thân về nhà, đau ê ẩm mình mẩy, lại bị vợ nhiếc: "Hừ! Nếu chàng không đọc sách đi du thuyết thì sao đến nỗi này!". Tức quá, Trương Nghi bảo vợ:
- Nhìn xem lưỡi ta còn không?
Vợ cười:
- Còn!
Trương Nghi gật gù:
- Thế thì được!
Rồi lại tu thân và tích tài, về sau Trương Nghi quả thực đã trở thành một nhà du thuyết lừng danh, tể tướng 6 nước...
Tôi không rõ nhà văn Đỗ Chu thuở hàn vi có bao giờ bị lâm vào cảnh giống như Trương Nghi hay không nhưng bao nhiêu lần say mê nghe anh nói chuyện, bao giờ tôi cũng cảm thấy phục tài biện thuyết của anh. Và tôi luôn liên tưởng tới Trương Nghi khi có dịp được ngồi gần anh.
Nhiều đồng nghiệp từng trải đã căn dặn tôi là đừng cả tin khi nghe Đỗ Chu nói vì anh có óc tưởng tượng phong phú lắm, nhưng quả thực là anh nói gì tôi cũng cảm thấy như bị hớp hồn. Và rất lấy làm thú vị. Bao nhiêu năm rồi vẫn thế! Và lần trò chuyện này với anh cũng khiến tôi thích thú, dù ngay từ đầu anh đã cảm thấy hơi khó chịu vì câu hỏi ra mắt có vẻ như "khiêu khích" của tôi.
Cuộc trò chuyện cuối tháng 10/2005 đã diễn ra tại nhà riêng của nhà văn Đỗ Chu, căn hộ tầng bốn trong Khu tập thể Quân đội Nam Đồng, giữa la liệt những bức chân dung sơn dầu mà Đỗ Chu là tác giả. Trên bàn là đĩa trám om cùng be rượu mà phu nhân của nhà văn đã tận tình chuẩn bị rất ngon để đón khách.
"Nhà văn không phải diễn viên"
Phóng viên (PV): Anh có tự ái không khi thấy ai đó nói rằng, ở tuổi 60 rồi mà anh vẫn ngồi chễm chệ ở trụ sở Hội Nhà văn?
Nhà văn Đỗ Chu (cười nhạt): Có gì phải tự ái. Vài năm nữa tôi sẽ về hưu như mọi người thôi. Tôi đã xin phép ông Chủ tịch Hội rồi...
PV: Có thể hiểu rằng, đã là nhà văn thì mình cứ viết, cứ sống cho đúng với cái mà mình cho là đúng, còn thiên hạ nghĩ như thế nào là quyền của thiên hạ?
Nhà văn Đỗ Chu: Nhà văn có công việc của mình. Lặng lẽ âm thầm, cô đơn được thì càng tốt. Và đôi khi mình phải chấp nhận để người ta quên mình đi. Nhà văn không phải diễn viên!
PV: Có lẽ anh đã nói đúng. Cá nhân tôi chẳng hạn, rất khó chịu khi nghe thấy ai nói rằng, sống và viết để phấn đấu giành lấy giải thưởng này nọ. Nhà văn viết văn không phải là để tìm kiếm giải thưởng. Nhà văn viết văn là để thực hiện nghĩa vụ của mình, nghĩa vụ ăn miếng cơm thì phải trả nghĩa cho người trồng lúa...
Nhà văn Đỗ Chu: Đúng quá! Hình như các giải thưởng lớn nhất cũng không thể biện minh hết được cho các nhà văn. Nhưng hình như sáng tạo âm thầm thì cũng là nặng nhọc quá, nên nhà văn cũng cần tới những sự động viên qua loa là các giải thưởng của đời. Các giải thưởng do vậy cũng rất hay.
PV: Tôi cứ mạo muội nghĩ rằng, người nông dân trồng lúa như một lẽ tự nhiên, được mùa thì vui, mất mùa thì buồn, không phải vì vui hay buồn mà mình lại quá tôn sùng hay phỉ báng cái nghề của mình. Các cụ ta ngày xưa có câu, con công thì múa, con nghê thì chầu. Nếu chúng ta sinh ra để mỗi người cứ tự vui thú và không nản chí với mọi lên xuống được mất của nghề đã chọn thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn bao nhiêu!
Nhà văn Đỗ Chu: Nhà văn có những đóng góp riêng bằng sứ mệnh của mình trong đời sống chung, rộng lớn. Nhà văn mang cái nhạc chữ, nhạc ý tứ, nhạc tình cảm của bản thân mình để hát lên, góp phần làm đẹp cho cây đời...
"Thế hệ tôi cũng có nhiều tài năng"
PV: Có một số người cứ thích sùng bái một thế hệ này để hạ bệ một thế hệ khác. Tôi lại nghĩ rằng, thế hệ nào cũng như nhau, mỗi một thế hệ như một bàn tay; bàn tay nào cũng có ngón ngắn, ngón dài. Thế hệ nào cũng có những người lao động cật lực và trung thực, lắm khi rất đỗi vô danh. Và thế hệ nào cũng có đôi ba ngụy quân tử tiếng nổi như cồn.
Và vì thế nên chúng ta không được vì một lý do gì đấy vị kỷ mà thần thánh hóa thế hệ này và mặc nhiên hạ thấp thế hệ khác. Tôi nghĩ, mọi thế hệ đều bình đẳng. Thế hệ của các anh cũng thế thôi. Nhưng tôi muốn hỏi, tại sao mà trong tâm tưởng của một số người, thậm chí một số nhà phê bình văn học, thế hệ của Đỗ Chu so với thế hệ của thời Thơ mới dường như có vẻ kém hơn?
Nhà văn Đỗ Chu: Không, tôi không thấy thế! Thế hệ tôi cũng như các anh lớp trước đều có nhiều tài năng lắm đấy chứ!
PV: Vâng! tôi đồng ý. Nhưng cá nhân tôi thấy một cái sự bất công thế này: Có một số tác giả cũng chả quá xuất sắc đâu nhưng có thơ lọt vào một tuyển tập như "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh và Hoài Chân chẳng hạn thì dường như lại có vòng hào quang hơn đồng nghiệp của mình. Có điều gì không đúng ở đây chăng? Lỗi ở chúng ta hay lỗi ở ai?
Nhà văn Đỗ Chu: Thực ra, thế hệ chúng tôi cũng đã làm xong phần việc của mình một cách cũng oanh liệt! Anh Điềm (nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - HTQ), anh Hữu Thỉnh, anh Phạm Tiến Duật, anh Bằng (nhà thơ Bằng Việt - HTQ)... đều có những đóng góp lớn cho thơ. Tôi không biết mọi người thế nào, chứ cá nhân tôi tự đánh giá về thế hệ mình, các nhà thơ như anh Nguyễn Duy, anh Thanh Thảo, rồi thì Trần Mạnh Hảo... là một đội ngũ cũng đáng kể. Họ đã đi qua cuộc chiến tranh và để lại hành trang thơ lớn. Một thế hệ đẹp! Thơ anh Điềm nhiều lo toan, thơ anh Thỉnh nhiều thương yêu, Bằng Việt lắm nghĩ ngợi, Nguyễn Duy ngậm ngùi cay đắng, Phạm Tiến Duật bùng cháy...
“Tôi sống tuềnh toàng nhất"
PV: Anh là một người cũng có thể xem là hiếm có đấy nhỉ!
Nhà văn Đỗ Chu (cười): ...
PV: Tôi muốn nói rằng, anh tới tuổi 60 mà vẫn nói năng và suy nghĩ hồn nhiên như thuở 30... Anh nhớ gì về thế hệ của mình? Anh nhớ gì về nhà văn Nguyễn Khắc Phục? Nghe nói, anh Phục vừa mới xin về hưu, không làm việc ở Hãng phim Hội Nhà văn nữa...
Nhà văn Đỗ Chu: Chúng tôi biết nhau từ buổi mỗi thằng cũng mới chỉ có vài ba cái truyện ngắn vớ vẩn. Phải nói rằng, sau năm 1975 thì Nguyễn Khắc Phục mới thành một tác giả theo đúng nghĩa của từ ấy.
PV: Còn Lưu Quang Vũ thế nào?
Nhà văn Đỗ Chu: Vũ cũng vậy. Vũ cũng được nửa tập thơ "Hương cây và Bếp lửa". Nhưng Vũ đắm đuối với thơ lắm. Ngay cả khi đã rất nổi tiếng với kịch rồi, có lúc chán nản, Lưu Quang Vũ bảo: "Tôi vẫn đau về cái thơ, tôi rất đau về thơ, nhưng bây giờ tôi hãy ngừng thơ làm kịch kiếm cách nuôi vợ con. Thơ là con đường xa thẳm, khó lắm, mà biết có đến được hay không hả trời...".
Công bằng mà nói, trong kịch, Lưu Quang Vũ cũng có những đóng góp đáng kể, một số vở như "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" là rất hay. Tuy nhiên, nhiều vở sau nhìn lại thì thấy cũng chỉ là để phục vụ kịp thời thôi. Vũ từng được nhận rất nhiều giải thưởng. Có dạo, đoàn nào diễn kịch của Vũ đều được huy chương vàng ở hội diễn cả... Thế cũng là giỏi!
PV: Anh nhớ gì về anh Lưu Quang Vũ? Tôi biết rằng, thời của anh Vũ không giống bây giờ, nhưng thật sự những gì mà anh Vũ để lại làm tôi rất xúc động. Thời đấy, đất nước mình vất vả lắm chứ, mọi thứ đều thiếu thốn. Thế nhưng, theo những trang văn và thơ mà các anh kể lại, thì đó là một thời quá đẹp, trước tiên bởi sự hướng thiện có lý tưởng. Bây giờ nhìn lại, anh nhớ gì về thời đấy? Lúc đấy, các anh cứ hồn nhiên sống và viết mà không hiểu mình rồi sẽ để lại dấu ấn nào trong văn học Việt chăng?
Nhà văn Đỗ Chu: Thế này nhé, cũng không hẳn thế. Hình như ở mỗi đứa đều có hẹn với mình phải cố gắng để thành một tác giả chững chạc. Vũ kém mình 4 tuổi. Vũ sinh năm 1948, còn mình sinh năm 1944. Nhưng chúng tôi coi như cùng một thế hệ. Tới bây giờ tôi vẫn nhớ thơ của Vũ.
PV: Thật thế chứ? Anh đọc thử vài câu!
Nhà văn Đỗ Chu (đọc thuộc lòng):
Trong thành phố có một vườn cây mát
Trong triệu người có em của ta
Buổi trưa nắng bầy ong đi kiếm mật
Vào vườn rồi ong chẳng biết lối ra
Vườn em là nơi đọng gió trời xa
Hoa tím chim kêu bàng thưa lá nắng
Con nhện đi về giăng tơ trắng,
Trái tròn căng mập nhựa sinh sôi
Nơi ban mai cỏ ướt sương rơi
Một hạt nhỏ mơ hồ trên má…
PV: Thôi, thôi, chịu "bác" rồi! Bây giờ xin "bác" hãy kể một vài kỷ niệm về anh Vũ cho lớp hậu sinh bọn em biết thêm!
Nhà văn Đỗ Chu: Vũ thông minh, tóc đen mướt che phủ một vầng trán rộng. Mái tóc cũng đẹp như của chú, y hệt! Lúc ở đơn vị thì đi dép đen, vừa về tới nhà là trút ngay ra lồng đôi guốc mộc vào. Mặc quần trắng hồ lơ, rủ tôi sang chào ông nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ở buồng trước. Ông Tý mới ở Thái Bình về, hát cho hai anh em nghe một bài ông vừa sáng tác về người giỏi chăn nuôi...
PV: Thế hệ của các anh và cả các anh lớp trước nữa hay để ý đến chữ nghĩa lắm nhỉ?
Nhà văn Đỗ Chu: Tôi là tôi sống tuềnh toàng nhất, chứ không cẩn thận đâu. Ăn nói cũng thế. Thế hệ trước, người ta ăn nói thận trọng. Người ta từ 25 đến 30 tuổi đã thành cán bộ cả rồi... Ở vào tuổi 30, anh Nguyễn Khải đã làm xong "Xung đột", "Mùa lạc"; anh Nguyễn Minh Châu muộn hơn một chút nhưng cũng đã kịp có "Cửa sông". Lại như hai anh Nguyên Ngọc và Nguyễn Ngọc Tấn trước ngày lên đường trở lại miền Nam đã để lại ở hậu phương những trang tuyệt vời, rất đáng kính nể. Đó là các tập "Đất nước đứng lên", "Rẻo cao", "Mạch nước ngầm", "Trăng sáng", "Đôi bạn" và "Im lặng"... Lại như hai anh Bùi Đức Ái và Nguyễn Quang Sáng trước khi trở về Nam Bộ đã kịp tung hoành trong đời sống văn học với "Một chuyện chép ở bệnh viện" và "Đất lửa".
Cái con tàu Ba Lan ngày nào đưa các anh ra Bắc tập kết, đổ xuống vùng biển Sầm Sơn một đội quân không đơn giản. Nhìn lại, từ đó đã bước ra những chính khách có hạng, những vị tướng tài năng, các nhà khoa học, các nhà ngoại giao... Trong số đó, thật là may mắn, thật là kiêu hãnh, chúng ta đã có hai anh Sáng và anh Ái. Cùng những người mà tôi vừa kể trên, hai anh là những nhà văn thuộc về một đẳng cấp cao. So với họ, đám đàn em vừa lớn lên có lẽ vẫn chỉ là một đám láo nháo...
PV: Anh lý giải cho tôi hiểu được không? Vì sao?
Nhà văn Đỗ Chu: Chính tôi cũng không hiểu hết, tôi chỉ biết rằng, các anh ấy đã được rèn luyện chu đáo qua các cuộc chỉnh huấn, chỉnh quân, rồi lại sớm phải gánh vác các trọng trách. Tất nhiên, không phải ai ở thế hệ ấy cũng chỉn chu, thận trọng cả đâu. Cũng có những ông lắp ba lắp bắp, có ông lên tới vị trí có cỡ rồi mà vẫn láu ta láu táu... Nhưng nhìn chung, các anh cũng đều chững chạc sớm. Bọn tôi là lớp học trò, lớp đàn em ấy mà, đâm ra mọi thứ đều vui vẻ là chính, cứ mong sao nhanh qua đời lính là về nhà lấy vợ... Từ bé tôi đã đòi lấy vợ. Bà nội mắng: Mày còn thò lò mũi, vợ con gì! Đến lúc hết thò lò mũi, hỏi mấy cô đều bị họ gạt ra: Anh vừa ở trên trời rơi xuống à? Chúng em còn đang phải thực hiện "ba khoan"!..
"Nhà văn phải lật đi lật lại vấn đề"
PV: Trong đám họ, ai là người mà anh có thể coi là anh, là thầy thực sự?
Nhà văn Đỗ Chu: Nhiều người có thể coi như thế lắm. Các anh ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải là những người mà khi họ chết mình phải cúng giỗ, thắp hương... Các anh khác thì mình quý vừa vừa thôi nhưng hai anh này thì mình trọng lắm...
PV: Nếu bây giờ nhắm mắt lại hồi tưởng, thì anh nhớ gì nhất về các vị ấy. Bắt đầu từ nhà văn Nguyễn Minh Châu cái đã!
Nhà văn Đỗ Chu: Anh Châu ít nói, mà nói câu nào cũng khiến mình nhớ lâu. Có hôm, ngồi thừ người nhìn rặng sấu trút lá trên đường Lý Nam Đế, anh bỗng thốt lên: "Kìa, xem kìa!". Rồi anh ấy bật ra một câu: "Đấy là những bức thư của trời gửi cho chúng ta đấy"... Cách nghĩ của Nguyễn Minh Châu có cái gì đó rất bất thường, có gì đó mang ý nghĩa dự báo, đó là dấu hiệu mà ở những thiên tài mới có... Nó là những nỗi ám ảnh không dễ cảm nhận nhưng khi ta hiểu ra được thì cảm thấy rất tuyệt vời. Anh Châu hay có những cái bất chợt như thế...
PV: Cá nhân anh cảm nhận những sự bất chợt đó như thế nào?
Nhà văn Đỗ Chu: Đấy, thi thoảng mình cũng chứng kiến cảnh anh Châu im lặng, ngẫm ngợi, mình cũng đâm nghĩ ngợi lây và chẳng hỏi gì cả. Chỉ biết thế thôi... Anh Châu nhìn mãi gốc cây sấu và nói với bọn mình rằng, đấy, các ông thấy chưa, phải đau đớn thế nào, dằn vặt thế nào thì mới mọc sừng mọc sẹo, mới thành bướu như gốc sấu kia... Tôi có lần cùng anh Châu nửa đêm vùng dậy tìm ra chợ Bắc Qua. Dạo ấy, mới bước vào chiến tranh phá hoại, "chú" chắc cũng vừa ra đời được vài năm?
PV: Em sinh năm 1962...
Nhà văn Đỗ Chu: Dạo đó ở chợ Bắc Qua, dân từ bên kia sông kéo sang ùn ùn từ 3 giờ sáng. Hành chất thành đống cao, giống như những đống rơm. Rồi đủ các loại rau củ khác... Hai anh em lang thang khắp chợ, thấy các bà, các chị chiếm một chỗ rồi lăn ra đấy nằm úp thìa với nhau, nón lá đậy mặt, rải cái nilông ra mà làm chiếu... Mình cứ xéo cả vào chân họ... Anh Châu cứ đi, cứ nhìn và cứ ngẫm ngợi... Rồi anh ấy dừng lại rỉ vào tai tôi, nhân dân vĩ đại đấy!..
PV: Giờ đến nhà văn Nguyễn Khải...
Nhà văn Đỗ Chu: Anh Khải thông minh tuyệt đối, có tiếng là người tỉnh táo. Đấy là nhà tư tưởng hẳn hoi. Anh ấy là người phát ngôn của thời đại. Đầy đủ bản lĩnh, có ý thức của một nhà văn tham chính và dám chịu trách nhiệm. Và phải nói rằng, thời đại chúng ta không thể thiếu những nhà văn chính luận có hạng như anh.
PV: Khó là sống cùng thời đại mà vẫn giữ được mình, giữ được tâm tính, cốt cách mình. Và vẫn không chối bỏ trách nhiệm của cá nhân mình trước những xô đẩy của thời cuộc... Có ý kiến cho rằng, các nhà tư tưởng thường hay mâu thuẫn với chính mình... Nhà văn Đỗ Chu cảm nhận như thế nào khi anh nghĩ về trường hợp nhà văn bậc thầy Nguyễn Khải?
Nhà văn Đỗ Chu: Nhà văn là người có quyền lật đi lật lại vấn đề mà anh ta quan tâm. Và phải biết lật đi lật lại! Chả có gì mâu thuẫn trong việc này. Thì suốt cuộc đời, người ta ai mà chẳng phải trăn trở, nghĩ ngợi. Đâu phải nhất nhất mọi việc, mọi chuyện đều bất biến... Cái gì cũng nên lật đi lật lại để tìm ra góc nhìn khả dĩ nhất, sát thực nhất, thể tất nhân tình nhất. "Sinh sinh nhi vị dịch", sinh sinh không ngừng, ấy là Dịch vậy! Trong quá trình nhận thức của một đời người, quan trọng là xác lập cho được những câu hỏi lớn, chứ không phải là thuộc lòng vài ba câu trả lời lớn. Biết đặt ra những câu hỏi mới khó!
PV: Anh nói làm tôi nhớ tới Huy Cận, hai câu thơ trong bài "Những pho tượng La Hán chùa Tây Phương": "Một câu hỏi lớn không lời đáp, Cho đến bây giờ mặt vẫn chau...".
Nhà văn Đỗ Chu: Với tất cả ý thức của mình, nhà văn trước tiên phải cố gắng là một trí thức. Xin nhớ là trước mọi việc của đời sống, anh phải biết đặt ra những câu hỏi lớn, chứ không phải lúc nào cũng hớt hải, léng phéng chạy đi tìm câu trả lời... Xã hội đặt cho anh nhiệm vụ đi tìm những câu hỏi nghiêm trang nhất, vì con người nhất.
PV: Nhà văn là phải chung thủy với con đường hướng tới chân lý, chứ không phải nhất nhất lúc nào cũng gật đầu lia lịa trước thế nhân?
Nhà văn Đỗ Chu: Nhà văn luôn luôn đồng hành với bạn đọc, nó đi tới với sự vẫy gọi của chân lý, của cái thiện, cái chân, cái mỹ... Đó là ngọn lửa bập bùng, ngọn lửa hiền minh luôn hiện ở phía trước, ta càng đến gần nó, nó lại càng lùi ra xa... Nếu anh nghĩ rằng, anh đã túm được ngọn lửa ấy và đút luôn vào túi quần thì thực sự là tội nghiệp...
PV: Tôi đã từng viết một bài thơ có ý tương tự. Anh có muốn nghe không?
Nhà văn Đỗ Chu: Quang đọc đi!
PV: Bài thơ ngắn thôi, tôi viết tặng một người bạn vong niên:
"Cần người để trọng
cần người để tin
cần người để yêu
vô cớ
cần con đường
có em ở cuối
dẫu đi suốt đời
chắc gì đã tới..."
Nhà văn Đỗ Chu: Hay! Rất đúng! Cái đẹp bao giờ cũng lùi ra khi anh tiến tới nó. Thế mới phải, thế mới sinh ra các nhà hiền triết, các nhà tư tưởng! Nếu ai bảo có thể đã túm được ngọn lửa đó để đút vào túi hoặc cất vào ngăn kéo, thì chắc chắn đấy chỉ là loại tư tưởng hạng bét, tư tưởng vứt đi!
Thời thế và văn chương
PV: Không chỉ trong chính trị mới cần thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Trong văn chương cũng vậy, thời thế nào thì tạo anh hùng ấy, thời thế nào thì tạo ra gương mặt những nhà văn ấy...
Nhà văn Đỗ Chu: Chưa chắc. Con đường đi của văn học thường là rất đau đớn. Đôi khi, một xã hội có xu hướng bi quan lại làm xuất hiện những nhà văn lãng mạn. Không phải lúc nào văn học cũng là bản sao của xã hội. Nó có lúc là tấm gương phản chiếu xã hội, mà có lúc nó lại là sự thiếu gì nói đấy ở đời. Tôi lấy ví dụ, một hoàn cảnh đen tối đến mức người ăn thịt lẫn nhau ở Trung Hoa thời Tàn Đường thì lại sinh ra một Lý Bạch với những câu thơ đủ sức rủ người say mê bay lên trời:
"Quân bất kiến
Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai…"
PV: Đó là bài "Tương tiến tửu". Tôi nhớ rồi, ngay từ thời nhà Hán thể loại thơ trong tiệc, gồm 18 khúc, trong đó đã có khúc "Tương tiến tửu", rất thịnh hành. Lý Bạch đã làm những câu thơ này cho bạn tri âm: "Bôn lưu đáo hải, bất phục hồi, Hựu bất kiến, Cao đường minh kính bi bạch phát, Triêu như thanh ty, mộ như tuyết, Nhân sinh đắc ý tu tận hoan, Mạc xử kim tôn không đối nguyệt, Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng, Thiên kim tán tận hoàn phục lai..."
Nhà văn Đỗ Chu (ngân nga, hùng hồn): "Anh chẳng thấy nước sông Hoàng Hà từ trên trời đổ xuống, Chảy miết ra bể không trở lại, Lại chẳng thấy: mặt gương sáng lầu cao luồn soi tóc trắng, Sớm như tơ xanh, chiều như tuyết, Đời người khi đắc ý hãy vui hết mình, Đừng để chén vàng trơ trước vầng trăng, Trời sinh ta ắt có khi dùng, Nghìn vàng tiêu sạch rồi lại có...".
PV: Nghĩ các cụ sống mới thật ghê gớm, lắm lúc bản thân ta cũng cảm thấy thèm một cách sống cho cũng có một chút sang trọng như vậy. Vàng bạc đối với nhà thơ nghĩa lý mẹ gì! "Phanh dương tể ngưu thả vi lạc, Hội tu nhất ẩm tam bách bôi, Sầm phu tử, Đan Khâu sinh, Tương tiến tửu, Bôi mạc đình"... Đó là Lý Bạch mời rượu hai người bạn tri âm Sầm Trưng Quân và Nguyên Đan Khâu đấy: "Vui lên, tìm dê bò mổ giết, Hội này, rượu ba trăm chén mời. Hỡi ông Sầm, hỡi chàng Đan Khâu, Rượu đã dâng, chén chớ dừng..."
Nhà văn Đỗ Chu: Quang ăn thử món trám này đi! Trám cuối thu, vị rất đậm đà... Và uống đi, rượu Bắc Ninh để từ năm ngoái... Đấy, cũng vẫn thời thế ấy, thì lại sinh ra một ông Đỗ Phủ khác hẳn Lý Bạch: "Hồn lai phong lâm thanh, Hồn phản quan san hắc. Lạc nguyệt mãn ốc lương, Do nghi chiếu nhan sắc. Thủy thâm ba lãng khoát, Vô sử giao long đắc!".
PV: Á Nam Trần Tuấn Khải đã dịch đoạn thơ trong bài "Mộng Lý Bạch" này của Đỗ Phủ, xin đọc hầu bác: "Hồn đi xanh ngắt rừng bàng, Hồn về cửa ải dặm đàng tối đen. Trên xà xế bóng trăng xiên, Mơ hồ còn tưởng như in mặt người. Nước sâu sóng dợn đầy trời, Giữ sao cho khỏi mắc mồi giao long..."
Nhà văn Đỗ Chu: Đúng vậy! Văn nghệ không nhất thiết phải giống toán học, không nhất thiết nếu đã A thì phải có B...
Bạn bè trong mắt...
PV: Ai cũng biết Đỗ Chu là người thích nói thật. Bằng một vài câu, anh hãy nhận xét thật về nhà thơ Phạm Tiến Duật?
Nhà văn Đỗ Chu: Anh Duật đã có đóng góp không nhỏ cho thơ ca Việt Nam đương đại, đó là điều không ai chối cãi. Về con người, anh ấy rất thi sĩ và cũng là đời nhất, có hay có dở. Hay thì có hơn ai, nhưng dở thì cũng chưa dở hơn ai. Về cơ bản là lương thiện...
PV: Nếu phải nói một câu về Lưu Quang Vũ, anh sẽ nói gì?
Nhà văn Đỗ Chu: Một người thiện. Đang tiếp tục sáng tạo thì đột ngột đi. Nếu còn, tôi chắc chắn Vũ sẽ trở lại với thơ, như anh ấy đã nói với tôi, thơ là một món nợ chưa ai trả xong. Anh ấy đã bơi trong kịch một chặng dài, chưa kịp quay lại trả món nợ đó cho thi ca đất nước, thật buồn quá!
PV: Còn về Nguyễn Khắc Phục?
Nhà văn Đỗ Chu: Tôi biết anh Phục rất sớm, từ ngày anh ấy vừa học xong Trường Trung cấp Hàng hải. Phục đã từng đi tàu pha sông biển, là thủy thủ giỏi. Ngày đó anh ấy viết truyện ngắn đầu tay đặt tên là "Hoa cúc biển"... Một hôm, anh ấy rủ tôi xuống Hải Phòng chơi, đấy là lần đầu tôi biết Hải Phòng. Ngồi tàu hỏa cả đêm, tiếng bom ầm ì, chớp lửa nhằng nhịt, bụng hai thằng đều đói. Sáng ra bước xuống ga, mò vào nhà Thọ Vân xem tranh gà.
Rồi đến nhà Lương Vĩnh, phải nghe xong bài hát anh vừa viết "Thành phố Hoa phượng đỏ" thì chị ấy mới chịu xào mì cho ăn. Rồi xuống Rế tìm Hoàng Hưng, lúc ấy đang dạy tại trường cấp ba sơ tán đến đó. Hỏi thăm Nguyễn Quang Thân thì người ta bảo anh Thân đang chỉ huy công trường thủy lợi ngoài đảo Cát Bà, còn lâu mới về...
Cứ lang thang với Nguyễn Khắc Phục đi để biết chỗ này chỗ khác trong một thành phố Cảng xa lạ đang nằm giữa túi bom với những trận đánh ác liệt được gọi là "Sấm rền". Với những tên đường tên phố thoạt nghe chẳng hiểu làm sao: Cát Cụt, Cát Dài, Cầu Rào, Cầu Lấp... Rồi Nguyễn Khắc Phục tuyên bố: hai thằng phải ngồi thuyền đêm ra tận Hòn Sót, ra đảo đèn Long Châu! Nói tóm lại, Nguyễn Khắc Phục là một nhà văn có tầm vóc quá khổ, luôn luôn quá khổ và do đó sinh ra không ít sự bất thường...
Đấy cũng chính là một tiền đề chuẩn bị để anh mấy năm sau đeo ba lô vào chiến trường và khi từ đó bước ra anh đã gùi về cho chúng ta những tập thơ, những cuốn tiểu thuyết và nhiều vở kịch. Trong lĩnh vực nào, anh cũng là người cầm bút với nhiều khám phá và sáng tạo...
PV: Anh thực sự nghĩ như thế?
Nhà văn Đỗ Chu (cười): Phục từng có trường ca "Giã cốm đêm trăng". Sau này, việc viết kịch đã kéo Phục ra khỏi thơ. Quang cũng là một nhà thơ, vì thế hôm nay anh em mình nghiêng về thơ ca và nhắc đến các nhà thơ là chính, chúng ta với Phục đều chẳng xa lạ gì. Hình như anh ấy đã có đến cả trăm vở kịch! Cũng có cái chỉ là để kiếm ăn, nhưng cũng nhiều cái là để gửi gắm. Tất nhiên, ai chả thế! Kịch của Phục được dư luận đánh giá tốt, chả kém gì Lưu Quang Vũ đâu nhé. Tôi có hỏi những đạo diễn dựng kịch của cả 2 người, họ đánh giá rằng cả hai ông này đều giỏi cả, không ai kém ai. Còn tôi thì có đến nhà hát bao giờ đâu mà biết...
PV: Xin cảm ơn nhà văn Đỗ Chu!