Phải ham đọc rồi sẽ "biết đọc"
Nghe nói ngày trước, có lần ai đó hỏi nhà văn Nguyễn Tuân rằng: "Bí quyết nào để người ta có thể trở thành một nhà văn tương lai?", ông đã hóm hỉnh trả lời: "Trước hết phải biết đọc, biết viết".
Tưởng gì, chứ sao cho biết đọc biết viết thì học sinh lớp 1 cũng đã có thể làm ngon lành. Nhưng nhà văn Nguyễn Tuân của chúng ta đâu có đùa? Bởi lẽ, phấn đấu sao cho đến mức biết đọc, biết viết thực thụ (như hàm ý của ông) thì quả là không đơn giản.
Muốn biết đọc thì trước hết phải ham đọc. Đọc bằng mắt là bước đầu tiên trong hành trình của sự khám phá. Mà với trẻ thơ, đích của sự khám phá ấy ban đầu chỉ là thoả mãn trí tò mò. Càng bé càng biết ít, càng biết ít càng tò mò muốn tìm hiểu cho ra những gì diễn ra xung quanh mình. Và thế là những trang sách cứ như ma lực lôi cuốn chúng vào cuộc. Có một lại muốn hai. Có thể nói, hầu hết trẻ em trên thế giới này đều bắt đầu làm quen và say mê với truyện cổ tích. Năm nay, thế giới vừa kỷ niệm tròn 200 năm sinh H.C.Andersen (1805-2005) và sách của ông đã được dịch ra hầu hết các thứ tiếng với số lượng in tới 300 triệu bản. Truyện cổ Andersen, anh em Grim, ngụ ngôn La Fontaine, truyện cổ tích Nguyễn Đổng Chi... đã ăn sâu vào trí óc mọi trẻ thơ và hằn sâu tới mức ký ức đó đi suốt cuộc đời cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Đọc sách là một thói quen dĩ nhiên phải duy trì cả đời. Nhưng đọc sách nhiều nhất, với tốc độ nhanh nhất và cũng "thẩm thấu" "ác liệt" nhất là ở giai đoạn còn trẻ, nhất là khi đang còn ở lứa tuổi học đường.
Nhiều người kêu ca về chuyện trẻ con bây giờ thích đọc truyện tranh. Theo tôi, truyện tranh thực sự không có lỗi. Đây là một mảng sách cần có và cần phổ cập. Hầu như đứa trẻ nào cũng đều thích đọc truyện tranh (ngay cả ở Mỹ, Nhật, Pháp, Nga, Singapore... truyện tranh cũng bán rất chạy). Vấn đề là ở chỗ, đọc truyện nào và đọc bao nhiêu là vừa. Vì thế, người lớn cần phải cân nhắc để giới thiệu những truyện tranh nào hay, thú vị, đọc hỗ trợ và cũng cần đưa một tỉ lệ "kênh hình" thích hợp vào những truyện thuần tuý văn bản chữ. Bây giờ, truyện tranh ê hề khắp nơi. Không tuần nào mà các NXB sách cho thiếu nhi không cho "ra lò" dăm bảy cuốn truyện tranh đủ loại. Những cuốn khá nghiêm chỉnh như Đôrêmôn cũng hết tập này đến tập khác. Ngoài ra, thì cơ man bao nhiêu tên sách (Vua pháp thuật, Thám tử Conan, Thuyền nhân Atula, Dấu ấn Rồng thiêng...) mà mỗi tên sách có thể nối dài hàng trăm tập. Hèn gì mà trẻ em suốt ngày chúi mắt chúi mũi vào những cuốn tranh đen ngòm, hình bé xíu, chữ li ti. Đọc nhưng chúng có mở mang chút kiến thức nào đâu. Mải đọc, chúng thành những kẻ ỷ lại, lười lao động, lười suy nghĩ và mất dần khát vọng tìm tòi, khám phá. Đọc giải trí "tạp pí lù" kiểu ấy rất dễ làm cho trẻ bị lệch lạc về hành vi.
Giá trị lớn nhất mà những trang sách đem lại là giúp ta mở rộng tầm hiểu biết và chắp cánh cho trí tưởng tượng bay xa. Đọc sách không phải là một trò chơi. Đọc sách để học cho thành tài còn là một sự nhọc công. Biết đọc cho ra đọc (để khỏi biến thành "mọt sách") quả là không dễ. Chính V.I.Lênin đã từng nói: "Đọc cũng là một nghệ thuật".
Không ai mới đọc sách mà đã cảm hết cái hay, cái đẹp của sách. Phải đọc nhiều, đọc lâu mới có thể hình thành cho mình một "phông" tri thức và một gu thẩm mỹ thích hợp. Đọc sách cũng như ẩm thực vậy. Muốn trở thành một người sành ăn phải thích ăn và biết ăn đúng lúc, đúng cách.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Con người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtProtagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam Sơn