Đọc là để vịn tựa và hy vọng
Chúng tôi đã thử mở cuộc "điều tra" nhỏ ở một trường THPT với 50 học sinh (HS) và 50 phụ huynh (PH). Câu hỏi đưa ra là bạn biết gì về Einstein và Cervantes thì thấy, hầu hết các vị PH và HS đều biết Einstein là một nhà khoa học. Có vị PH còn nói rõ hơn: Nhờ lý thuyết của ông mà người ta hiểu rõ hơn về bản chất của tự nhiên. Một vài HS còn đưa ra những thông tin về con người Einstein về những khám phá vật lý của ông nếu có bên các em chiếc máy tính nối Internet. Với Cervantes thì hơi khác, một nửa trong số PH và một phần mười trong số các em nói chưa từng đọc Don Quixote. Một số hiểu đại khái là chuyện của một anh chàng dại dột thích đánh nhau với cối xay gió. Rất ít người đã đọc nó như thời mà chúng tôi - cái thời "gáy sách cũ xếp chồng như kỷ niệm" (thơ Bằng Việt) - có thể ăn rất ít, ngủ rất ít nhưng đọc là thứ không thể ít. Đã đọc, thì thuộc và nhớ. Chúng tôi đã nhớ rất rõ từng nhân vật, nàng Dulcinea, Sancho - gã đầy tớ..., chúng tôi tưởng như thấy trước mặt mình cảnh trừng phạt của Don Quixote với gã đầy tớ, tưởng nghe thấy câu quát mắng của chàng với gã kia vì gã đã cho rằng Dulcinea chỉ là một thôn nữ chứ không phải là một trang tuyệt sắc như chàng vẫn ca ngợi.
Thật bất hạnh khi ai đó không có khả năng tưởng tượng, hoặc đã đánh mất nó. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, ngày nay do bị cuốn hút vào các phương tiện nghe - nhìn hiện đại, con người ta đang mai một dần chuyện đọc sách, văn hoá đọc đã nhuốm màu "nhựa, kính, bêtông và tính mục đích". Các phương tiện nghe - nhìn đã cụ thể hoá, đã cung cấp mọi hình ảnh một cách trực tiếp khiến cho trí tưởng tượng ngủ yên. Trong khi đó trí tưởng tượng giúp cho tâm hồn thăng hoa, cho con người thoả mãn cái nhu cầu thanh cao của mình. Trí tưởng tượng làm cho mỗi người có hào khí, thích sống hào hiệp giống như chàng Don Quixote có bản lĩnh hiệp sĩ có thể tử vì đạo - con - người. Và để kết luận, những nhà nghiên cứu khẳng định rằng nếu thiếu văn hoá đọc, con người hoặc đến gần với tội ác hoặc tìm đến với những chất kích thích, chất mê mụ.
Tuy nhiên, không phải toàn bộ những người lớn lên trong thế giới computer, thế giới của các đường link với những câu thoại ngắn, những mối quan hệ người - người được tính bằng giây và phút điện thoại di động đã tê liệt khả năng đọc. Một số trong đó vẫn đọc như mọi người đọc của mọi thời đại. Có thể bản năng, có thể là tri thức đã mách bảo họ nếu không đọc những cuốn sách văn học (dù là trên giấy hoặc trên màn hình) thì con người không có khả năng cân bằng. Càng lao động trong lĩnh vực khoa học, trong sự chính xác cao thì càng cần phải dành khoảng thời gian nhất định cho trí tưởng tượng, cho sự mơ hồ. Văn học chính là cái mơ hồ, cái hư hư thực thực đó được sản sinh ra từ sự tưởng tượng siêu việt khác.
Có thể có nhiều cách đọc. (Người xưa đọc bằng tai - nghe ông nội bà nội kể chuyện cổ tích, nghe dân gian kể truyện lịch sử truyền kỳ cũng là một cách đọc). Nhưng chắc chắn không thể không đọc. Tất nhiên, sự đọc còn tuỳ thuộc ở cái gì đáng đọc. Văn học Việt Nam đã có những cuốn sách đáng đọc, nhưng hiện nay còn đang thiếu những cuốn sách có tầm cỡ hơn để tương xứng với một lớp người mới, có khả năng đọc mới bởi một kiến thức mới đa chiều và đa dạng.
Chúng ta luôn biết rằng lý trí và sự chính xác sẽ đem lại cho ta thành công, nhưng cái đó cũng đem lại sự bất hạnh bởi tâm hồn sẽ bị cằn cỗi và tha hoá. Đọc. Để biết có Don Quixote, có một Thạch Sanh, một Kiều... đã sống rất điên rồ, rất thiệt thòi và đau khổ, nhưng là biểu tượng của đời, để con người vịn tựa và hy vọng.
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Con người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam Sơn