Văn hoá đọc hôm nay
Trong một chuyến đi đến rất nhiều trường ĐH và thư viện Mỹ hồi đầu năm của đoàn nhà văn nhà báo, mỗi khi chủ nhà hỏi tình hình đọc và viết của giới sáng tác, thì gần như Y Ban được phân công trả lời chuyện viết, còn Nguyễn Việt Hà "lo" mảng đọc, ít ra nói về văn học Mỹ hiện đại anh còn gọi được tên cuốn Mắt biếc của Tony Morixon, Nobel văn học gần đây nhất của nước này.
Kể một lô rồi anh quay sang dặn dò bạn đồng hành thôi đừng có điểm Hemingway nữa, vì ông này coi như đã được định giá lâu rồi, như Tố Hữu của chúng ta vậy. Kể tên ông ta ra người ta biết ngay mình đọc chẳng bao nhiêu!
Quả đã có thời mà việc đọc sách được hình dung chỉ với một thái độ: cực kỳ nghiêm túc. Và thời sự văn hoá là thời sự của những cuốn sách văn học. Thập kỉ 80 chẳng hạn, ai cũng đọc Gienny Ghechac, Hãy để ngày ấy lụi tàn, Mùa tôm, Jên Erơ, Đồi gió hú, Ngôi nhà của những hồn ma, Tê-rê-da, Thao thức, Trò đùa... Sang đầu 90: Cuốn theo chiều gió, Trăm năm cô đơn...
Một dạo, loạn sách Mỹ best-seller của Harrold Robbins, Sydney Sheldon: Người lữ hành kì dị, Nếu còn có ngày mai... Mấy năm nay thì Rơ-mác trở lại trọn bộ (Phía Tây không có gì lạ, Bản du ca cuối cùng...) cùng Elia Kazan người mới chỉ được dịch trước 1975 trong Sài Gòn (Trở lại thiên đường), rồi Milan Kundera (Sự bất tử, Bản nguyên)... Tuy nhiên càng ngày có vẻ những câu hỏi kiểu như "Dạo này có gì đáng đọc không?" chỉ vang lên khe khẽ trong một bộ phận quan tâm - văn chương báo chí mà thôi?
Nếu vậy phải chăng các siêu thị sách và các quầy nhỏ lẻ "chết" cả? Hóa ra không. "Thậm chí bây giờ không gì lãi bằng làm sách phải không anh?". "Khảo" một người tổ chức xuất bản cũng khét tiếng ở Hà Nội - nhà văn Trần Hoàng Bách, được kể "Lãi nhất là sách mà chết nhanh nhất cũng là sách. Có người đã tự tử vì sách biết chưa?".
Thống kê năm 2001 của Nhà sách Tiền Phong 175 Nguyễn Thái Học và CTy Tiền Phong - VDC cho thấy: sách văn học nghệ thuật bán chạy thứ 3, sau sách giáo khoa - giáo trình và sách khoa học kỹ thuật. Một số Cty phía Nam tham gia Triển lãm - Hội chợ thông tin, dễ bán có sách dạy nghệ thuật sống, sách nhạc, văn học, dạy nấu ăn, sách y khoa gia đình, các loại cẩm nang bà mẹ em bé, ngoại ngữ, tin học. Sách thiếu nhi cũng được, chủ yếu là truyện dịch.
Đặc biệt, trên trời dưới sách ngoại ngữ tin học. Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi, Quẳng gánh lo đi mà vui sống, Quà tặng của cuộc sống... được liệt vào loại sách "tẩy não"- độc giả loại này khẳng định, hay nhất vẫn là dịch của Mỹ, Anh "đang đọc thì nghĩ nhất định phải tẩy não, làm theo để đời thay đổi, vui sống, nhưng rồi gấp sách, lại dùng não cũ"- nói vui vậy nhưng người thích loại sách này thường không chỉ giữ một cuốn cho mình mà tha về cả đống tặng người thân.
Để một ấn phẩm tử tế đến nhanh với công chúng, không gì khác ngoài sự giới thiệu nghiêm túc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong một ngày như hôm qua, tôi được tặng 5 cuốn, 3 của các nhà văn - bạn bè và 2 - sách dịch - hay cả nhưng loay hoay giới thiệu tất?
Dụ khị sao đó để đối tượng thấy nếu không đọc "thật phí nửa cuộc đời", nhưng không thể để người ta mất tiền mua rồi chửi om lên. Tập truyện như Bi kịch nhỏ của Lê Minh Khuê mà đặt được Bảo Ninh lăng xê trên Tiền Phong Chủ Nhật, khen chị có lối hành văn "hiểm nghèo" - nói như Hoàng Nhuận Cầm, khác nào đốt lửa nướng sắn gọi máy bay địch đến, "kích động" ngay ít ra với độc giả của bản báo.
Năm ngoái, cũng Tiền Phong đưa chuyện cuốn Phong nhũ phì đồn tức Báu vật của đời của Mạc Ngôn đang được độc giả Trung Quốc nô nức tìm mua, các báo bạn đồng loạt giới thiệu hưởng ứng, lập tức Hà Nội và Sài Gòn nô nức theo.
Quần áo giày tất có mùa thì sách cũng vậy, ví dụ mùa khai giảng đương nhiên sách giáo khoa chiếm ưu thế, sang cuối kì thi thì sách tham khảo. Cuối năm ngoái và đầu năm nay bà con đột nhiên mê tiểu thuyết Tàu: sau Báu vật của đời là Kim Dung, Ngoạ hổ tàng long, Linh Sơn, Đàn hương hình... Thời sự văn học hơn thì công chúng xôn xao Cái trống thiếc của Gunter Grass - Nobel văn học 1999, đọc hơi nặng nhưng nhà văn ta phải thấy nửa thế kỉ trước văn chương đã hiện đại đến mức nào.
Tin đồn tiểu thuyết Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh có cơ bị thu hồi làm nó trở nên đáng bị đồng nghiệp ghen tị về độ săn lùng; hồi kí Nhớ lại của Đào Xuân Quý cũng được rỉ tai dù văn chương thật thà, kể chuyện làng nho, nhất là "vụ án thay đổi Tổng biên tập báo Văn nghệ những năm 80" và không khí Đại hội nhà văn hồi mới đổi mới.
Mới mẻ hơn có Cõi người rung chuông tận thế, tiểu thuyết có tựa khá giật của Hồ Anh Thái. Tổng thư ký Hội nhà văn Hà Nội có niềm kiêu riêng, không bao giờ chịu để sách của mình xuất dưới 2000 bản.
Theo anh Nguyễn Văn Phước, một người nổi tiếng đam mê sách ở Sài Gòn, giám đốc First New tức Cty văn hoá sáng tạo Trí Việt - đơn vị làm sách nổi lên gần đây, bí quyết thành công của họ là không chạy theo độc giả - điều này tầm thường, mà phải đón lõng, tạo nhu cầu cho chính họ. Độc giả luôn đi tìm cái mới nhưng vào một siêu thị sách, thậm chí họ cũng chưa hiểu họ cần gì, họ lại không thể viết thư yêu cầu. Để định hướng được cho họ, phải hơi liều một chút.
Rốt cuộc văn hoá đọc có phải đang sa sút lắm không? Người đọc hôm nay quan tâm gì? Nguyễn Minh Đức, cựu sinh viên ĐH ngoại ngữ kể anh và bạn bè - lứa 20 tuổi, vẫn say đắm Aitmatov, Pauxtovski, không đến nỗi "đổ đốn" - chỉ biết truyện tranh và chơi game - như các bậc trưởng lão lo ngại, nhưng số này phỏng được bao lăm?
Lần nọ tôi chứng kiến cuộc cãi vã đúng chủ đề "tương lai của văn hoá đọc". Hai phe, một phe cho biết anh ta và bạn bè lâu rồi không có khái niệm mua sách - từ báo chí, văn chương "của các vị" cho đến Người Trung Quốc xấu xí - câu trên mạng tất, tiện. Nguyễn Quang Lập (Đời cát) mới phản pháo rằng điều một người đọc chân chính như anh muốn, không chỉ là soi tìm nội dung mà còn là cái thú - nằm ngồi ngả ngớn, lật giở từng trang giấy xem nó mịn hay thô, ngửi hương thơm của nó. Hồi xưa, giấy in xấu, gồ lên những hạt như hạt thóc, hoặc những sợi dây giắt bên trong, mà vẫn không ngăn được sung sướng, nay văn minh bìa sách và công nghệ in lại tiến xa như vậy.
Tuy nhiên ai cũng thừa nhận việc khổ sở mưu sinh dẫn đến khủng hoảng thiếu thời gian đã làm họ "lười kinh niên". Vả giá sách lại không hề rẻ!
Ý kiến cực đoan phỉ báng văn hoá Internet tiên liệu nó sẽ "tắt điện" trong ngày không xa để văn hoá đọc mãi mãi ngự trị. Chẳng bên nào chịu bên nào. Nhưng ai cũng đồng tình ý kiến: riêng trong nước, nỗi lo về tương lai của văn hóa đọc nên chuyển thành nỗi lo của một nền văn hoá viết.
Văn hóa đọc dù trải qua những suy vi, thực sự không thể bị xem nhẹ, đừng nói triệt tiêu. Mãi mãi, sách là người tình trí tuệ, không thể thay thế với bất cứ ai ham tìm biết thế giới lạ, cùng hoang mang lo cho phần hồn của mình.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Đánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh Phúc