Văn hoá đọc trong thời đại thông tin
Sách ngày xưa
1. Sách ngày xưa chắc chắn là rất hiếm. Muốn mượn đã khó, muốn mua còn khó hơn. Sách thường in bằng giấy xấu. Và tôi cũng phải đọc những bộ sách, như Tam Quốc diễn nghĩa(hồi đó in thành 13 tập), Tây du ký(8 tập)... nhảy cóc lung tung. Có khi mấy năm sau (tưởng quên hẳn rồi) mới tìm đọc được tập giữa chừng. Vì vậy, hễ cứ vớ được cuốn nào là đọc ngấu nghiến "như ăn cướp" vậy.
Mỗi lớp học hình thành một đường dây cho mượn, chuyền tay nhau. Trang nào rách thì bỏ công chép lại cho khỏi mất. Trong không ít lần thầy cô giáo bắt quả tang học sinh không chịu nghe giảng mang truyện ra đọc lén. Rồi đọc ở nhà. Vừa đun bếp nấu cơm vừa đọc. Nhưng những lúc như vậy, tôi mới thấy hết cái hay, mới thấm thía mọi nỗi niềm mà nhà văn gửi vào trang sách.
2. Như lời V.Lênin đã dạy, người ta phải học suốt cả cuộc đời: Học, học nữa, học mãi. Và dĩ nhiên, muốn thế, người ta cũng phải đọc cả đời. Nhưng quãng thời gian ham đọc và đọc có hiệu quả nhất phải nói là những năm ngồi ghế trường phổ thông và đại học. Những vốn liếng cơ bản được nhập tâm và hình thành nên cái nền văn hoá, tri thức được tích luỹ từ đó.
... Và sách bây giờ
3. Bây giờ thì đúng đã đến lúc bùng nổ về thị trường sách và xuất bản phẩm. Bạn cứ thử bước chân vào bất kỳ một hiệu sách nào xem. Cẩn thận, vì rất có thể bạn sẽ bị "choáng" bởi hàng ngàn tên sách đủ loại; các kích cỡ từ to nhỏ đến dày mỏng; các hình thức thể hiện từ giấy tốt, giấy trung bình đến các loại sách có băng đĩa bán kèm, v.v... Rồi tiếng Tây, tiếng Tàu, tiếng Phạn (sách tụng kinh niệm Phật).
Công nghệ mới về in ấn làm cho sách bây giờ đẹp và tốt hơn hẳn. Tỉ lệ chiết khấu thì cũng "mềm dẻo" tới mức dễ sợ. Chỉ cần mua dăm bảy cuốn trở lên là khách hàng có thể "mặc cả" nhà hàng trừ tới 40% giá bìa, dù đó là cuốn sách giá cao ngất ngưởng. Tội gì mà không mua chứ!
4. Nói thế thôi chứ sách bây giờ vẫn thuộc mặt hàng ế, khó bán. Và vẫn rất ít người đọc.Nói chung mọi người lười đọc sách và càng lười đọc sách dày. Cuộc sống công nghiệp sôi động không cho phép người ta nhẩn nha đọc theo kiểu "dạo mát", nhất là cả một bộ tiểu thuyết hàng ngàn trang, dẫu tác giả là một văn hào nổi tiếng đoạt giải Nobel.
Mà cần gì phải đọc cho mệt óc. Thử hỏi là có tác phẩm nổi tiếng cổ kim đông tây nào mà hiện nay người ta chưa chuyển thể thành phim, thành kịch? Có những chuyện Tàu không chỉ một hãng mà tới ba bốn hãng đứng ra dựng cùng một lúc. Kỹ xảo điện ảnh mê hồn. Vừa xem ti vi vừa nép vào người yêu run rẩy. Thôi, chỉ cần ra phố mua vài tờ báo đọc cho vui.
5. Học trò bây giờ cũng chẳng ham mê đọc, ngoại trừ một số rất ít. Có phải họ ít tiền? Cũng có phần đúng nhưng chưa hẳn thế. Một nhà xã hội học từng than phiền: "Sinh viên bây giờ vào quán sẵn sàng móc túi tiêu xả láng, nhưng bỏ một chút tiền ra mua, dù chỉ một tờ tạp chí vài nghìn để đọc thôi thì không bao giờ. Họ sẵn sàng tỉ thí qua các chầu "tá lả", mê mải "chát" trên mạng hàng giờ liền".
6. Thế đấy, thời buổi văn minh hiện đại với phim ảnh, truyền hình, Internet và bao nhiêu thứ trò chơi tiêu khiển vừa hấp dẫn, vừa tiện lợi, vừa vui đã làm cho nhu cầu đọc càng ngày càng giảm sút. Đến nỗi, trẻ con cũng suốt ngày chỉ chúi mũi vào đọc truyện tranh, ít chữ mà vui mắt. Mà truyện tranh thì tuần nào các nhà xuất bản phục vụ thiếu nhi chả có vài tên sách mới?
7. Nhà văn Nam Phi J.M. Coetzee (vừa được Giải Nobel Văn học 2003) có lần đã chua chát nói: "Sao bọn trẻ bây giờ lười đọc và mắc tật "ghiền" Internet đến thế".
Với sự sùng bái Internet và Multimedia (truyền thông đa phương tiện), con người trong thế kỷ này ngày càng ít "người" hơn. Họ ngồi lỳ cả ngày trong nhà và dán chặt mắt vào màn hình (của máy tính hoặc tivi). Và thói quen đọc sách, dần dần chỉ còn tồn tại ở một số ít người mà rất có thể bị bọn trẻ bây giờ chê là "lạc hậu", là "chậm tiến" so với thời đại!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Đánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh Bùi