Triết học trong kỷ nguyên khoa học
Thưa tiến sĩ Adler,
Khoa học đã cung cấp tri thức và công cụ để tạo ra một kỷ nguyên công nghiệp hiện đại. Nhưng triết học có thể giúp gì đượcchúng ta trong thời đại khủng hoảng ngày nay không? Hay triết học đã lỗi thời trong kỷ nguyên khoa học này?
W.L.
W.L. thân mến,
Trước hết chúng ta hãy xét xem những gì khoa học có thể làm và những gì mà khoa học không thể làm - phạm vi và chức năng đích thực của nó.
Khoa học nghiên cứu những hiện tượng xã hội và vật lý nhằm mục đích đạt tới một mô tả chính xác về chúng. Có thể đó là sự vận động của các thiên thể, những cấu trúc bên trong của nguyên tử, những tiến trình tâm sinh lý, những trào lưu xã hội, hoặc hành vi của con người.
Vậy lợi ích của tri thức khoa học là gì? Francis Bacon(1) trả lời câu hỏi đó bằng lời khẳng định: khoa học mang lại cho chúng ta quyền lực. Nó cho phép chúng ta, ở một mức độ nào đó, thực hiện việc kiểm soát và làm chủ những hiện tượng vật lý và xã hội trong thế giới chúng ta đang sống. Một câu trả lời khác nói rằng khoa học cho phép chúng ta tạo ra đủ thứ vật chất. Áp dụng khoa học, người kỹ sư xây dựng những chiếc cầu, vị bác sĩ phục hồi sức khoẻ cho người bệnh. Nhưng một tri thức như thế, như mọi người đều biết, cũng đã được sử dụng để hủy diệt tất cả, để làm tàn tật và giết hại con người.
Nói một cách khác, khoa học mang đến cho chúng ta thứ quyền lực vừa có tính chất kiến tạo vừa có tính chất phá hủy. Nó cung cấp cho chúng ta những phương tiện để theo đuổi những mục đích xấu xa lẫn những cứu cánh tốt đẹp. Tự nó, khoa học không chỉ trung tính về mặt đạo đức, nghĩa là, nó không tốt không xấu đối với giá trị của những cứu cánh mà vì nó các phương tiện được đem ra sử dụng; nó còn hoàn toàn không thể chỉ cho chúng ta một đường hướng đạo đức nào, vì nó chẳng cung cấp cho chúng ta những tri thức cần thiết về hệ thống những điều thiện và hệ thống những cứu cánh.
Do vậy, bạn rất có lý khi đề xuất ý tưởng rằng khoa học cần có triết học hỗ trợ nếu những phương tiện mà khoa học tạo ra được sử dụng cho những mục đích xứng đáng. Ngày nay nhiều người nghĩ rằng triết học là vô ích khi so sánh với khoa học, bởi vì người ta không thể áp dụng nó để tạo ra mọi thứ hoặc để kiểm soát các phương tiện. Tuy nhiên tri thức triết học, theo tôi, lại hữu dụng theo một cách khác, cao quý hơn. Sự hữu dụng và ứng dụng của nó có tính đạo đức và giáo dục, chứ không có tính kỹ thuật và chế tác. Trong khi khoa học trang bị cho chúng ta phương tiện để sử dụng, thì triết học hướng dẫn chúng ta đến những cứu cánh mà chúng ta mong đạt tới.
Tôi xin nói rõ điểm cuối cùng này. Cách xử sự của con người và các thiết chế xã hội tùy thuộc vào những giải đáp của chúng ta trước những câu hỏi như hạnh phúc hệ tại vào cái gì, bổn phận của chúng ta là gì, tổ chức nhà nước nào là công bằng nhất, điều gì làm cho sự thiện phổ quát trong xã hội, con người cần có những tự do gì, và vân vân. Bây giờ và mãi mãi, khoa học không thể nào trả lời được bất cứ một câu hỏi nào vừa kể, hoặc bất kỳ câu hỏi nào khác có liên quan đến cái đúng và cái sai, cái tốt và cái xấu, bây giờ và mãi mãi.
Không trả lời được những câu hỏi này, chúng ta như con thuyền không có la bàn và bánh lái trôi dạt giữa biển sóng cuộc đời. Chừng nào chiếc thuyền cá nhân hoặc con tàu nhà nước còn sử dụng công suất nhỏ, chúng ta có thể không gặp nhiều nguy hiểm. Nhưng, như bạn đã chỉ ra, trong kỷ nguyên hạt nhân này, khi chúng ta di chuyển với tốc độ lớn và với công suất lớn, tai họa đe dọa chúng ta ở mọi khúc quanh nếu chúng ta không biết định hướng đúng.
Chính là triết học, chứ không phải khoa học, sẽ dạy cho chúng ta thấy sự khác biệt giữa cái đúng và cái sai đồng thời hướng dẫn chúng ta đi tới những điều thiện phù hợp với bản chất của chúng ta. Nếu như lợi ích chế tác của khoa học phát sinh từ sự diễn tả chính xác của nó về cách thức mọi vật vận động, thì lợi ích đạo đức của triết học lại có nguồn gốc từ những hiểu biết nền tảng về những thực tại tối hậu đằng sau những hiện tượng mà khoa học nghiên cứu. Mỗi loại tri thức trả lời những câu hỏi mà loại kia không thể, và vì thế mỗi loại đều hữu ích theo cách riêng của nó.
Theo tôi, chính là triết học, chứ không phải khoa học, là bậc cao nhất trong mọi nền văn hóa và văn minh, đơn giản vì những câu hỏi mà nó có thể giải đáp lúc nào cũng khẩn thiết cho nhân sinh. Một điều chắc chắn là, chúng ta càng chiếm lĩnh được khoa học, chúng ta càng cần đến triết học, bởi vì càng có nhiều sức mạnh, chúng ta càng cần đến phương hướng.
1) Francis Bacon (1561 – 1626): Triết gia, luật gia, chính khách người Anh. Đi tiên phong trong tư duy khoa học hiện đại, ông viết tác phẩm The Advancement of Learning (“Sự thăng tiến của kiến thức” - 1605) và Essayes (“Tiểu luận” - 1597 – 1625). Ông là Đại pháp quan (tức chủ tịch Nghị Viện Anh) từ năm 1628 – 1621, nhưng bị bãi chức vì nhận hối lộ.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường