Đưa vào triết học
Xem »
Trước khi học một môn gì tôi hỏi: Môn đó là gì? Chẳng hạn Vật lý học là gì? Vậy trước khi học triết lý, tôi cũng hỏi triết lý là gì? Và tôi coi việc hỏi như vậy là sẽ tự nhiên đã hẳn là thế, chẳng khác gì tôi hỏi về một vật gì, một việc gì chẳng hạn, cái bàn là gì?
Nhưng nếu tôi hoài nghi một chút về cái lẽ tự nhiên trên, tôi sẽ hỏi: Tôi không thể hỏi về vật lý, về cái bàn như hỏi về triết học không? Nói cách khác câu hỏi về vật lý, về cái bàn có cùng thuộc về một loại câu hỏi với câu hỏi về triết học không? Nêu lên thắc mắc trên, tôi thấy không con chú ý đến điều tôi hỏi, mà phải chú ý tới chính việc hỏi.
Trước đây, khi tôi hỏi: cái bàn là gì, tôi chỉ chú ý tới điều tôi hỏi về vật đó. Tôi hỏi anh cái bàn là gì? Như thể người hỏi, việc hỏi là những chỗ tựa vững chắc, những điểm chắc chắn, hiển nhiên, không thành vấn đề và chỉ được người hỏi hay vật bị hỏi là vấn đề thắc mắc. Đôi khi câu hỏi và việc hỏi chỉ là một cớ, một dịp để tôi làm quen, bắt chuyện với người tôi hỏi.
Nói cách khác, khi tôi hỏi, thái độ tra hỏi của tôi dựa trên một số những tiền đề được coi là hiển nhiên, đã hẳn là thế, không cần chứng minh vì không gây thắc mắc.
Nhưng bây giờ, sau khi tôi đã biết(trước đây không biết) rằng khi tôi hỏi, tôi thường dựa trên những tiền đề được coi là hiển nhiên tôi bắt đầu hoài nghi cả những tiền đề đó và đặt chúng thành vấn đề, nỗi niềm thắc mắc của tôi. Tôi suy nghĩ: tôi là người hỏi việc này, sự kia, nhưng tôi có được hỏi không, có thể hỏi không và nếu có thể hỏi thì phải chăng có thể hỏi mọi sự như nhau không?
Rồi tôi hỏi, nhưng chính việc hỏi là gì? Trước đây khi hỏi, tôi đã coi việc hỏi như là đã có một ý nghĩa nhất định, một công dụng rõ rệt, đó là một hình thức chung để tìm hiểu bất cứ một công việc gì, điều gì tôi chưa biết và do đó có thể dùng để tìm hiểu cả triết học. Nhưng bây giờ, tôi phải thắc mắc, không phải về ý nghĩa điều tôi muốn hỏi mà là về nghĩa của chính việc hỏi. Tôi hỏi cái này, cái kia nhưng hỏi là gì?
- Cái này là cái gì?
- Cái gì là cái gì?
- Triết học là gì?
- Là gì là gì?
Khi hỏi triết học là gì? Câu hỏi nhằm vào triết học nhưng phải chăng triết học là thắc mắc về chính câu hỏi, là hỏi ngay việc hỏi: hỏi là gì và do đó tìm hiểu câu hỏi là tìm hiểu triết học là gì? Thắc mắc về chính việc hỏi, vì việc hỏi bao hàm những yếu tố, những điều kiện cấu tạo đưa đến những loại câu hỏi có những nghĩa khác nhau. Trong câu hỏi, tôi phải xem xét cách đặt câu hỏi, vị trí của người hỏi, vị trí của người được hỏi, vị trí và bản chất của sự kiện, sự vật tôi hỏi, mục đích việc hỏi, nền tảng câu hỏi…
Triết học là lý tưởng nhận thức về nền tảng. Khi ta đứng trên một ngọn đồi, ta chỉ chú ý nhìn cảnh vật chung quanh và thắc mắc về những người vật ở trước mặt mà không thắc mắc về đất đứng ở dưới chân như thế đó là nền vững chãi. Nhưng giả sử đất chỗ ta đứng lún, lở như sắp ném ta xuống vực sâu, ta phải băn khoăn thắc mắc về chỗ ta đứng, là nền tảng, quan điểm, từ đó ta nhìn về cuộc đời trước mặt.
Cũng vậy, khi ta hỏi ta chỉ để ý đến điều ta hỏi và không thắc mắc về chính câu hỏi như nền tảng, chỗ đứng vững chãi để ta hỏi về người ngày điều kia. Bây giờ phải thắc mắc về chính câu hỏi và đi dần vào những thắc mắc đụng chạm đến nền tảng đó là suy luận triết học.
Khi tôi hỏi cái này là gì? Hoặc tôi hỏi người khác hoặc tôi đặt ra cho mình tôi như một vấn đề cần phải giải quyết. Trả lời cái bàn. Cái bàn là một tiếng để gọi tên một sự vật. Nhưng cái bàn là gì? Câu hỏi nhằm tìm hiểu sự vật như là một khác biệt với những sự vật không phải là nó: Cái bàn khác cái bút. Cái xác định sự khác biệt giữa các sự vật là những đặc điểm, tính chất riêng tư của mỗi sự vật, gọi bằng một danh từ chuyên môn thì cái khác biệt là yếu tính của sự vật đó, yếu tính của cái bàn là cái mà không có cái đó, cái bàn không còn phải là cái bàn nữa.
Nhưng sở dĩ tôi có thể hỏi về cái bàn, vì nó là một sự vật, một đồ dùng khác tôi, ở ngoài tôi, và tôi, người hỏi, đứng trước vật tôi tra hỏi. Vậy tôi chỉ có thể tìm hiểu một sự vật nếu tôi không phải là vật tôi muốn tìm hiểu. Giữa tôi và sự vật phải có một quảng cách tối thiểu để tôi có thể nhìn thấy nó và quan sát nó. Vì đã rõ nếu tôi đồng hóa với sự vật thì không thể thấy và do đó không thể tra hỏi được.
Hơn nữa tôi cũng chỉ hỏi vì chưa biết. Bất cứ câu hỏi nào cũng bao hàm cái chưa biết. Vì nếu biết rồi thì không cần hỏi, tìm kiếm gì nữa. Nhưng nếu tôi không biết gì hết mù tịt thì cũng không thể thắc mắc tra hỏi.
Khi đứng trước cái bàn, tôi biết có cái bàn, tôi thấy nó trước mặt nhưng chưa biết nó là gì, làm bằng gì của ai, giá bao nhiêu. Vậy câu hỏi là con đường tìm kiếm cái chưa biết từ những cái đã biết.
Những cái chưa biết có phải là cái mới biết, hoàn toàn chưa bao giờ biết hay chỉ là cái đã biết bị bỏ quên? Nếu cho rằng cái chưa biết là cái hoàn toàn mới biết và nhận thức là đi từ cái đã biết bị bỏ quên? Nếu cho rằng cái chưa biết là cái hoàn toàn mới biết và nhận thức là đi từ cái đã biết đến cái chưa biết thì đó là công nhận có sự tiến bộ tri thức. Trái lại nếu cho rằng cái chưa biết chỉ là cái đã biết bị bỏ quên đó, không phải tìm ra cái biết mới. Từ thuở xưa, Platon đã đưa ra một luận chứng để biện hộ cho thuyết hồi tưởng của ông: “Không thể tìm điều người ta đã biết hay cái người ta không biết gì hết, điều người ta biết, không cần phải tìm nữa, còn điều người ta không biết người ta không thể đi tìm được vì sự tìm không có đối tượng và giả sử tình cờ người ta thấy, người ta cũng sẽ không biết rằng đó là điều người ta không biết”.
Nói cách khác, với Platon, ta không thể triết lý, nếu như đã không ở trong triết lý đã biết triết lý, vì làm sao có thể thắc mắc về triết học, tra hỏi về triết học, nếu không biết gì về triết học, làm sao người ta có thể đi tìm cái gì, nếu như thể đã không tìm thấy, vì nếu không biết gì hết thì không thể tìm. Vậy triết học phải chăng chỉ là nhớ lại cái đã biết, đã sống, cái vẫn có đó, ở trong ta, ta ở trong đó, nhưng đã trở thành xa lạ, cái chưa biết vì ta bỏ quên nó?
Trong trường hợp câu hỏi nhằm tìm hiểu sự vật thì hỏi tức là đặt vấn đề có tính cách hoàn toàn trí thức. Vấn đề kim khí giãn co, vấn đề rơi của một vật nặng, vấn đề nước đông thành đá, băng…
Đặt thành vấn đề liên quan đến thế giới bên ngoài là tính cách ở ngoài tôi, tôi bắt gặp trên đường đi của tôi, khi giải quyết xong , không còn vấn đề và tôi có thêm một kiến thức mới về sự kiện đã gặp.
Do đó vấn đề là một câu hỏi đặt ra về sự vật và vị trí của người hỏi bao giờ cũng là đứng trước sự vật, như thể đang bắt gặp một vật ngăn cản đường và cần phải tìm cách giải tỏa.
“Tôi có vấn đề cần giải quyết khi tôi làm việc trên những dữ kiện của vấn đề, những dữ kiện này ở ngoài tôi, chúng còn ở tình trạng lộn xộn và tôi có nhiệm vụ xếp đặt chúng vào một trật tự để thỏa mãn những đòi hỏi của tư tưởng. Khi công việc đó xong xuôi, thế là vấn đề được giải quyết. Còn tôi là người làm công việc đó, tôi ở ngoài vấn đề trên”(1)
Vấn đề là một cái gì người ta gặp chắn ngang đường. Nó đứng sừng sững trước mặt tôi… Đó là một cái gì mà lý trí đụng tới như trán vấp phải hòn đá”(2)
Bây giờ đứng trước một người. Chẳng hạn anh X, tôi nhận xét: Anh X là một người và tôi hỏi: người là gì? Câu hỏi này khác hẳn: cái bàn là gì? Vì trong trường hợp sự vật tôi luôn đứng trước con người như một vật gì ở trước mặt tôi, như một đối tượng khách quan, mà lại lẫn lộn hòa đồng với điều tôi tra hỏi vì tôi, người tra hỏi cũng là người. Do đó câu hỏi: “người là gì?” đưa tới “tôi là gì?”.
Vậy hỏi về con người khác hẳn hỏi về sự vật. Vị trí của người hỏi không còn phải là vị trí đứng trước, mặt đối mặt, cách quãng đối với vật mình như đứng trước cái bàn mà là vị trí ở trong câu hỏi, là câu hỏi. Tôi, người tra hỏi, trở thành một vấn đề cho chính tôi. Tôi ở trong vấn đề tôi muốn hỏi, tôi là vấn đề tôi hỏi.
Cái bàn là gì? Người là gì? Tôi là gì?
Người hỏi: sự vật, vấn đề. Người hỏi vấn đề.
Khi tôi hỏi cái bàn là gì, tuy tôi chưa biết nó là gì, nhưng ít ra tôi cũng biết chắc nó ở một vị trí nhất định trong không gian, nghĩa là chiếm một khoảng trống nào đó, là một sự vật đơn biệt, cụ thể và tôi, người hỏi về cái bàn, tôi đứng trước nó, có thể thấy nó vì nó khác tôi, không phải là tôi.
Còn khi tôi hỏi: người là gì, tôi là gì, không những tôi chưa biết người là gì, tôi là gì mà còn không biết vị trí của người, của tôi ở đâu nhất định, để có thể nhìn thấy mà tìm hiểu, vì chính tôi, người hỏi, ở trong câu hỏi nghĩa là còn chưa biết.
G. Marcel dùng chữ huyền nhiệm (mystere) để gọi một vấn đề mà người đặt vấn đề ở trong vấn đề, trở thành vấn đề.
Huyền nhiệm là một vấn đề dẫm chân lên chính những dữ kiện của vấn đề xâm nhập vào những dữ kiện và vượt khỏi vấn đề(1)
Nói cách khác, chính những dữ kiện là yếu tố đã biết để có thể từ đó đặt vấn đề, tìm hiểu cái chưa biết, thì trở thành yếu tố chưa biết, trở thành vấn đề.
Khi tôi hỏi, cái bàn là gì, vị trí của tôi, người hỏi và vị trí của cái bàn là là những dữ kiện đã biết để tôi có thể dựa vào đó mà hỏi về công dụng, giá tiền của cái bàn là yếu tố chưa biết.
Trái lại khi hỏi: Tôi là gì? Thì quả thật vấn đề đã dẫm chân lên dữ kiện, vì chỗ đứng, vị trí của người hỏi cũng trở thành vấn đề, yếu tố chưa biết.
Giữa vấn đề và huyền nhiệm có một khác biệt thiết yếu này “vấn đề là cái gì mà tôi gặp, tôi tìm thấy nó đứng trước tôi và do đó tôi có thể nắm lấy nó, giản lược nó trong khi huyền nhiệm là cái gì chính tôi ở trong đó và do đó chỉ có thể quan niệm như một trái cầu mà sự phân biệt cái trong tôi và cái trước tôi đã mất hết ý nghĩa và giá trị khởi thủy. Đặc tính của huyền nhiệm là không hoàn toàn ở trước mặt tôi”(2)
Vậy khi tôi hỏi: tôi là gì thì đó là một huyền nhiệm vì tôi, người hỏi chưa biết tôi là gì, tôi ở trong câu hỏi.
Tuy nhiên, nếu đi sâu hơn nữa, tôi thấy mặc dầu tôi không biết tôi là gì vì cả người hỏi lẫn điều muốn hỏi đều là ẩn số, nhưng ít ra tôi vẫn nhìn nhận câu hỏi là một hình thức để hỏi. Bây giờ tôi hoài nghi luôn cả ý nghĩa câu hỏi: hỏi là gì? Nhưng khi đặt chính câu hỏi thành vấn đề, thành câu hỏi, nếu tôi chưa biết ý nghĩa của câu hỏi, ít ra tôi vẫn tin có câu hỏi. Sự có là nền tảng của mọi sự, kể cả câu hỏi, bởi nếu không có sự có thì chẳng những không có câu hỏi để hỏi vế sự vật, về người mà cũng không có câu hỏi để hỏi về chính câu hỏi.
Đi tới sự có (hiện hữu) là tận cùng rồi, vì nó giáp giới với cái không. Tại sao có hơn là không? Đến biên giới của hư vô không thể tra hỏi được nữa. Đó là câu hỏi triệt để, câu hỏi căn bản cuối cùng.
1. Tôi hỏi anh: cái bàn là gì? ( thắc mắc về sự vật, đối tượng)
2. Tôi hỏi người: cái bàn là gì, tôi là gì? (thắc mắc về người hỏi)
3. Tôi là gì? (thắc mắc về ý nghĩa của câu hỏi)
4. Có câu hỏi? Có tại sao không có? (thắc mắc về sự cố, nền tảng mọi sự)
Tôi chưa biết gì về giải đáp câu hỏi triệt để, câu hỏi căn bản, câu hỏi cuối cùng liên quan đến cái có nhưng tôi cứ tạm gọi câu hỏi đó là câu hỏi triết học. Nói cách khác tôi c hưa biết triết học là gì (về phương diện quan niệm nhưng biết câu hỏi về cái có hơn là không là câu hỏi triết học).
Hoặc là tôi có thể đặt câu hỏi: triết học là gì để cũng lại đi tới chỗ thấy thế nào là một vấn đề triết học.
Khi hỏi triết học là gì, tôi giả thiết tôi, người hỏi, ở một vị trí vững chắc, rõ rệt không làm tôi thắc mắc và chỉ chú ý thắc mắc về triết học như thể chữ triết học là một ẩn số chưa biết. Nhưng tôi có chắc tôi ở một vị trí vững chãi, rõ rệt không hay tôi phải hoài nghi ngay cả chỗ đứng, vị trí của tôi. Tôi, người hỏi về triết học, tôi là gì? Và sau cùng tôi hoài nghi luôn cả nghĩa của câu hỏi, hỏi về chính sự hỏi.
- Triết học là gì?
- Tôi, khi hỏi triết học, tôi là gì?
- Là gì là gì?
Như thế trước khi hỏi triết học là gì?
- Không những tôi chưa biết nó là cái gì.
- Chưa biết ngay cả tôi, người hỏi là gì.
- Và sau cùng không biết nghĩa của chính câu hỏi là gì.
Tại sao lại luẩn quẩn, lẩm cẩm, lôi thôi, cầu kỳ như vậy? Vì rằng triết học chính là nỗ lực đi đến tận cùng, là tra hỏi về cái căn bản, là đi sâu vào mãi cho đến chỗ không thể nào tiến thêm được nữa.
Hỏi triết học là gì đưa đến hỏi người tra hỏi là gì và sau cùng có câu hỏi, vậy tại sao có chứ không phải là có.
Đó là câu hỏi triệt để: tra hỏi về chính sự tra hỏi, về những điều kiện làm cho có thể tra hỏi. Và biết tra hỏi như thế nà, theo một diễn tiến hướng về cái tận cùng, nền tảng tức là đã triết lý rồi.
Khi hỏi triết học là gì, câu hỏi hướng về triết học nhưng triết học chính là trước hết phải biết thế nào là vấn đề triết học. Nói cách khác, triết học là một ý thức trước khi trở thành một tri thức.
Hỏi triết học là gì, là cố ý tìm hiểu triết học và tìm hiểu triết học là hiểu được thế nào là vấn đề triết học, vì khi đã hiểu được thế nào là vấn đề triết học (triết học như một ý thức) thì sẽ tìm thấy triết học là gì (triết học như quan niệm, một tri thức)
Đã phân biệt triết học như ý thức, như tri thức theo hai giai đoạn: ý thức rồi tri thức thi không thể dạy triết học như dạy một khoa học, nhằm cung cấp một tri thức. Nếu coi triết học chỉ như một tri thức và dạy triết học như những hệ thống, thì có thể làm cho hiểu biết hệ thống triết học này là như thế này, hệ thống triết học kia là thế kia, nhưng có thể là một vấn đề trong những vẻ đặc biệt của nó.
Do đó, nhiệm vụ của giáo sư không phải chỉ là dạy mà trước hết là khêu gợi, nêu vấn đề, dẫn đưa vào một khởi điểm để rồi tự người được hướng dẫn sẽ đi một mình con đường của họ từ khởi điểm đó, đến một quan niệm nào đó, một tri thức triết học nào đó mà người đó cho rằng hợp với họ là con đường của họ.
Cho nên không thể bắt đầu giảng triết học bằng những định nghĩa triết học, vì bất cứ định nghĩa nào về triết học đều là một triết học, một quan niệm triết học trong khi mục tiêu trước hết là làm sao giúp cho người khác hiểu thế nào là triết học. Hiểu được thế nào là triết học, sẽ hiểu được những triết học và sau cùng tìm ra được một triết học của mình, nghĩa là xác định cho mình thái độ trước vấn đề căn bản, vấn đề ý nghĩa cuộc đời.
Đến đây tuy chưa biết triết học là gì, nhưng biết được vấn đề triết học đặt ra thế nào. Bằng những câu hỏi như những chặng đường nối tiếp, tôi đi dân dần vào vấn đề triết học. Sở dĩ tôi có thể tra hỏi là vì tôi đã không coi những bước tôi đi tới đứng vững chãi hiển nhiên rõ rệt.
Hễ khi nào coi cái gì là đương nhiên rồi thì không thể tra hỏi được nữa và người ta “an nghỉ” trong những điều người ta tin là hiển nhiên.
Nhưng nếu không tra hỏi không thể có triết lý. Tôi bắt đầu triết lý khi tôi bỡ ngỡ, ngạc nhiên trước một sự kiện không phải nó như thế là vì như thế, nhưng cái như thế đòi hỏi phải có cái gì đằng sau nó nữa… Cứ như thế cho đến khi tôi không thể giả thuyết được nữa. Và tôi buộc phải dừng lại đứng trước cái đằng sau cuối cùng dựa lưng vào hư vô, như đứng trước mé đường cụt và trước mặt, bên dưới là vực thẳm, không có gì cả, làm cho tôi choáng váng, chóng mặt. Lúc đó, những vấn đề làm cho tôi thắc mắc không còn phải là những vấn đề đặt ra trên đường đi, đất đứng. Tôi cảm thấy con đường đất đứng như thế đang lở ra sụt xuống và lao cả tôi vào hư vô khi tôi đứng sát bên lề vực thầm. Tồi thấy được thế nào là vấn đề nền tảng vá triết lý chính là ý thức về nền tảng của cuộc đời trước đây là một đất đứng vững chãi, hiển nhiên, bây giờ trở thành lung lay, bấp bênh... Không có ý thức đó không thể hiểu được triết học. Khi hỏi triết học là gì, tôi tưởng rằng một định nghĩa triết học sẽ đưa vào triết học, nhưng làm sao hiểu được triết học nếu không như đã ở trong triết học, nghĩa là phải có một thái độ triết học mới đi vào được 'riết bọc, và có thái độ triết lý là ý thức một cách sâu thẳm, sống động, thế nào là vấn đề triết học.
Khi hỏi triết học là gì, ta đặt triết học thành vấn đề, nhưng vấn đề triết học không đặt ra giống như những vấn đề ta đã đặt ra trong đời sống hàng ngày hay trong khoa học, vì một đằng những vấn đề đặt ra đôi hỏi ta chú ý giải quyết nội dung của những vấn đề đó một đằng chính vấn đề là một vấn đề hay vấn đề của vấn đề. Ta thắc mắc tra hỏi không phải về cái này, cái kia nhưng về chính sự tra hỏi, về chính vấn đề như một cách tra hỏi.
Do đó khi hỏi triết học là gì ta thắc mắc về sự kiện khác được coi như một tiền đề của sự tra hỏi, là khả năng tra hỏi. Tôi là người có thể thắc mắc tra hỏi, đặt vấn đề. Con người sống ở đờì không như hòn đá “trơ trơ” ra đấy hay như cái cây “lù lù” ở đây. Nó là thế vì như thế. Trái lại con người có khả năng vượt khỏi lãnh vực hiện hữu, do trí giác ghi nhận: sự vật là thế và như thế, để thắc mắc về ý nghĩa, mục đích của hiện hữu: cái cây ở đó, cái đó nhưng ai trồng nó, để làm gì? Sự có thể tra hỏi về hiện hữu chứng tỏ tôi không bằng lòng dừng lại ở thực tại và khả năng tra hỏi đó có thể gọi là ý htức hay suy tư.
Tra hỏi là một đặc điểm thiết yếu của con người. Thiết yếu vì chỉ có con người mới có thể tra hỏi. Người không phải là người nếu không biết tra hỏi, thắc mắc. Con vật an nghỉ trong sự hiện hữu của nó, trái lại con người có thể tách rời khỏi hiện hữu, tra hỏi về hiện hữu của mình, của mọi sự vật. Con người có thể tra hỏi, biết tra hỏi là “con vật siêu hình” theo định nghĩa của Aristote.
Con người là một vật tra hỏi (ê tre interrogatif) không phải chỉ trên phương diện nhận thức mà ngay cả khi nó sống bằng tình cảm, thì tình cảm cũng là một cách tra hỏi như Delhomme đã nhận định một cách sâu sắc về tình yêu như sau:
“Yêu là gì nếu không phải là lao mình vào một tra hỏi say sưa về cái không thể giản lược được của một cá tính và được yêu là thế nào neúe không phải đáp lại một tra hỏi dồn dã trong đó hai cái nhìn giao nhau, lìa nhau, hòa nhau để rồi lại tra hỏi nhau một lần nữa? Vì người ta không thể chắc chắn gì hết mặc dầu không bao giờ người ta có thể hoài nghi hay hoài nghi, tuy nhiên những người yêu nhau bao giờ cũng bị cấm đoán an nghỉ, và bó buộc luôn luôn hoặc phải thắc mắc tra hỏi hoặc là chết – nào có khác gì? Sự thanh bình an tâm của những đôi nhân tình chỉ là những huyền thoại văn chương, vì những nhân tình sung sướng là những nhân tình không sung sướng nghĩa là những người bị ném vào cuộc tìm kiếm lẫn nhau vô hạn tìm cuống cuồng cá tính của người kia luôn luôn có đấy và luôn luôn vắng mặt luôn luôn biến mất và luôn luôn tìm thấy” (La pensée interrogative, p.22)
Yêu là thắc mắc băn khoăn, là tìm biểu không ngừng, không bao giờ an nghỉ trong tình yêu vì tình yêu chắc chắn như đinh đóng cột không thể thay đồi, phản bội không còn phải là tình yêu nữa vì người yêu đã trở thành sớ hữu, nghĩa là đồ vật…
Do đó, có thể tra hỏi thuộc về bản chất của con người. Sống là tra hỏi. Nhưng mọi tra hỏi không phải đều là triết lý. Có những tra hỏi chỉ nhằm tìm hiểu cách cấu tạo, vận chuyển của ngoại giới, của sinh hoạt giao tế trong đời sống thường ngày. Tra hỏi triết lý là một tra hỏi nhằm tìm hiểu nguồn gốc hiện hữu, nền tảng cuộc đời.
Triết học là gì? Là sự tra hỏi về nguồn gốc nền tảng trên. Nhưng nếu con người có thể tra hỏi triết lý, tra hỏi về nguồn gốc sự sống, nền tảng cuộc đời, thì khả năng đó mới chỉ là một khả năng tiềm tàng, trên lý thuyết. Phải có điều kiện thuận tiện, những khả năng đó mới trở thành thực sự. Nói cách khác, có những người còn sống trong một tình cảnh không những ngăn chặn những khả năng trên phát triển, bộc lộ mà còn tiêu diệt những khả năng đó.
Những người sống lầm than, đói rách lam lũ tối ngày, mù chữ, không có phương tiện cũng như không có thì giờ suy nghĩ, thắc mắc, nhất là thắc mắc triết lý.
Đối với những người mà mọi nỗ lực, sinh hoạt hoàn toàn giản lược vào việc thỏa mãn những nhu cầu sinh sống tối thiểu là cơm áo mà cũng không xong, không thể có sinh hoạt triết lý, không thể thắc mắc tra hỏi, suy luận này nọ. Do đó sinh hoạt triết lý và rộng hơn, sinh hoạt văn hóa là một thứ xa xỉ phẩm đối voiứ họ và đôi khi có thể còn là một sự nhục mạ nọ.
Trước cảnh lầm than của nhân loại, Sartre đã nói: “Văn nghệ có nghĩa là gì trong một thế giới đói khổ… Trước một đứa trẻ “hết đói, cuốn La Nausée không có một đồng cân nào cả”.
Nói văn chương triết lý trong khi đông đảo lớp người đói khổ, lầm than chẳng những là bầy một trò chơi cho thiểu số ưu đãi mà còn là một mỉa mai đối với sự lầm than của đa số.
Do đó đặt câu hỏi triết học là gì, còn phải đưa đến sự nhận thức về khả năng có thể đặt câu hỏi, có thể suy luận".
Và ý thức về khả năng có thể suy luận triết lý của mình cũng cần được gắn liền với ý thức về những người khác có thể tra hỏi suy luận như mình. Vì người ta không thể triết lý một mình cho mình. Nếu triết lý nhằm đạt đến sự thực, thì người ta chỉ có thể đạt tới sự thực với người khác. Hơn nữa, nếu sự thực là một giải phóng, vì đã gán cho cuộc đời ta một ý nghĩa đáng sống, thì chúng ta chỉ có thể được giải phóng thực sự nếu cả nhân loại được giải phóng với ta như Dostoievski đã nói: “Nếu tất cả không được cứu rỗi, một mình được cứu rồi mà làm gì”.
Do đó, có thể đặt vấn đề triết học, tra hỏi triết học không phải là tách rời những người khác, hành trình, trong cô độc, nhằm một giải thoát cá nhân, nhưng là nhận thức được sự liên đới nhân loại để tranh đấu cho mọi người có điều kiện bước vào sinh hoạt văn hóa và suy tư triết học.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan Đăng