Đưa vào triết học (phần 2)
Xem »
Kiến thức và sống thực
Khi ngồi ở lớp triết lý để học triết lý, người sinh viên mong muốn gì? muốn hiểu triết học, cũng như hiểu lý hoá toán học trong giờ giảng khoa học. Trước khi giáo sư cắt nghĩa, giải thích, hiểu tại sao một vật nặng lại rơi trong không khí. Sau bài giảng, hiểu được tại sao, người sinh viên đã nắm vững được vấn đề biết được là như thế, như thế đã có một kiến thức về sự vật, một kiến thức vật lý.
Nhưng trong lớp triết, chỉ tìm hiểu với một thái độ như thái độ ở lớp khoa học, không thể thực sự hiểu được triết lý.
Triết học không phải chỉ là những vấn đề, những giải đáp đặt trên phương diện nhận thức: tôi biết vấn đề đó là như thế như thế... nhưng chủ yếu là một thái độ sống. Cho nên chỉ có thể hiểu được triết lý từ thái độ sống đó mà thôi.
Ví dụ: Trong một lớp sinh ngữ, thầy giáo dịch: phải, không là Oui, Non trong tiếng Pháp. Nhưng vấn đề kg đơn giản như vậy. Trong tiếng Việt Oui không phải lúc nào cũng là phải và non lúc nào cũng là không.
Chữ vâng, đã có nghĩa là đồng ý, nhưng cũng có nghĩa là tôi để ý nghe, không lãng trí lơ đễnh, tôi chấp nhận lời nói một cách cung kính, nhưng chấp nhận lời nói mà chưa hẳn là đồng ý với nội dung lời đề nghị.
Chữ không cũng vậy. Có nghĩa là từ chối thật, nhưng còn có nghĩa là sẽ chấp chận, chỉ không dám nhận ngay thôi. Khi được mời hay được cho cái gì, người Việt Nam trả lời thưa không ạ. Không đây có thể chỉ là không dám nhận ngay, vì nhận ngay có vẻ thô lỗ qúa “háu ăn hay tham lam’ nên người lịch sự phải biết tự chủ, kìm hãm ước muốn để đợi người ta mới đến lần thứ hai, thứ ba mới nhận. Người Pháp có thể ngạc nhiên hoặc cho thái độ của người Việt là thiếu thành thực, kỳ quặc khó hiểu. Đối với người Việt thì chỉ là một sự tế nhị thôi.
Ví dụ đó cho thấy ngôn ngữ không phải là một sự vật, mà ta có thể nghiên cứu một cách khách quan như khảo sát sự kiện rơi của vật nặng trong không khí, mà là một thái độ sống thực chứa đựng ý nghĩa tình tự. Cho nên khi học một sinh ngữ, một tiếng nói, không phải chỉ nhằm lãnh hội một kiến thức khách quan, nhưng là thông cảm với một thái độ sống. Không đi vào xã hội Việt
Nói một cách tổng quát, khi đi vào những khoa học nhân văn, nghĩa là những khoa học lấy con người và những biểu hiện của nó làm đề tài khảo sát, không thể có một thái độ hoàn toàn như thái độ trước những khoa học vật lý.
Sở dĩ nghiên cứu khoa học nhân văn đòi hỏi một thái độ khác là vì đối tượng của nó không phải là một sự kiện khách quan, vô nghĩa, ở ngoài con người, trước mặt ta, như sự rơi của vật nặng, nhưng là một thái độ sống, một cách thế ở đời của con người.
Do đó, không phải là xác định một vị trí của một sự vật Khoa học vật lý mà là thông cảm với một cách thế ở đời, một cách hiểu đời và bày tỏ cuộc đời của con người như Merlelu Ponty nói: “I n’y a plus ici posilton d’un objet, mais communication avec une maniere detre”. Nhận xét trên của Merleau Ponty cho ta thấy tính cách đặc biệt của triết học và do đó đòi hỏi ta có một thái độ khác, thái độ nghiên cứu khoa học.
Triết lý - triết học
Ta tạm coi hai chữ triết lý và triết học bày tỏ hay nội dung khác nhau để phân biệt triết lý như là một thái độ sống thực và triết lý như một trí thức, một hệ thống.
Nếu hiểu triết lý là những thái độ của con người trước cuộc đời:
a) Người đời (người ở đời với những khác)
b) Đời người (ý nghĩa cuộc đời) thì triết lý ở khắp mọi nơi - ai cũng có triết lý – không tránh được triết lý ngay cả người mọi rợ, bán khai, vì bất cứ thái độ nào của con người trước cuộc đời cũng bao hàm những ý nghĩa: vì hiểu đời như thế nên có thái độ như thế cho nên có thể tìm thấy triết lý trong cái nhìn, nụ cười một rung động của con tim trong một lời nói, một cử chỉ yêu, giận, ghét hay trong một tác phẩm văn chương, một phong tục, lễ nghi… vì triết lý ở cuộc sống, gắn liền với cuộc đời của con người. Nhưng nếu triết lý chỉ là những thái độ sống, thì chưa phải là triết học.
Triết học là một suy nghĩ, nghiên cứu về triết lý. Chữ học ở đây gợi lên 3 điểm:
1. Suy nghĩ triết lý là học, nghĩa là như một khoa học (science) có mạch lạc, phương pháp rồi lại xếp những suy nghĩ nghiên cứu thành một hệ thống, một toàn thể hợp lý, chứ không phải suy nghĩ lung tung, rời rạc, gặp đâu nghĩ đấy… Suy nghĩ như một khoa là suy nghĩ bắt đầu từ một khởi điểm nào đó đưa tới một kết luận, tất cả tạo thành một hệ thống trong đó các bộ phận lý luận ăn khớp với nhau, liên tục và liên hệ với nhau như trong một bộ máy vậy.
2. Sự suy nghĩ về triết lý bao hàm có thực tại để suy nghĩ trước khi suy nghĩ về nó. Cũng như ngữ học, trước khi suy nghĩ về ngôn ngữ, văn phạm… thì đã có văn phạm tiếng nói như một thực tại sống động.
3. Do đó sự suy nghĩ triết lý là một ý thức. Sự suy nghĩ đòi hỏi con người đa biết vượt khỏi thái độ tự nhiên, bộc phát, trực tiếp để lấy một thái độ phản tỉnh (attitude reflexive).
Chẳng hạn trước khi ta học văn phạm ta vẫn nói theo đúng những mẹo luật mà không để ý hay không biết là có mẹo luật. Nhưng khi ta học văn phạm, tức là suy nghĩ tìm hiểu chính những mẹo, luật đó, thì mẹo luật lúc đó mới có ở bình diện ý thức và do đó mới có khoa ngữ pháp. Ngữ pháp chỉ là một khoa học khi ta ý thức được có mẹo luật.
Về triết lý cũng vậy, khi ta sống những thái độ triết lý, bao hàm những ý nghĩa về cuộc đời ta đồng hoá với những ý nghĩa đó, ta chưa biết nó, nên chưa có thể triết học vì ta chưa ý thức phản tỉnh.
Chỉ khi ta có ý thức phản tỉnh, nghĩa là đứng xa khỏi điểm ta ý thức để nhìn thấy nó, ta mới có thể suy nghĩ về những thái độ sống và sau đó là xếp những suy nghĩ đó lại thành một hệ thống lúc đó ta mới làm triết học.
Trong lịch sử nhân loại, giai đoạn triết lý là giai đoạn con người mới chỉ sống triết lý, chưa có ý thức phản tỉnh, nghĩa là người ta có thể tìm thấy những quan niệm về cuộc đời, vũ trụ của con người ở giai đoạn này qua các thần thoại, truyền thuyết, chuyện cổ tích hoang đường, ca dao, tục ngữ, văn chương, lễ nghi, tôn giáo, tập tục xã hội…
Giai đoạn triết học là giai đoạn con người có ý thức phản tỉnh, biết suy nghĩ và xếp đặt những suy nghĩ vào một tổng hợp, một hệ thống. Vậy học triết học là học các hệ thống triết học đã có từ xưa đến nay. Nhưng nếu chỉ học triết học như một hệ thống trong một tinh thần tách khỏi triết lý, cuộc đời, thì sẽ không thực sự hiểu được triết lý vì triết học là tri thức, trong khi triết lý là cái sống thực.
Cho nên, muốn hiểu triết học, phải hiểu triết lý và ngược lại triết lý (ý thức)- triết học (tri thức).
Nếu chỉ học triết học, thỉ chỉ biết triết lý như một tri thức, nhưng triết lý không phải hoàn toàn là một tri thức, Vậy nếu không học triết học thì cũng không hiểu được triết lý, vì triết học giúp ta thức tỉnh, giác ngộ và nhận định.
Do đó, có hai con đường cùng phải đi một lúc để tìm hiểu triết lý.
Học các hệ thống triết học (lịch sử triết học) để có thể thấy các hệ thống triết học khác nhau cùng đặt ra những vấn đề giống nhau, đồng thời cho ta làm quen với những suy tưởng lý luận giúp ta thức tỉnh và suy nghĩ lấy một mình sau này.
2) Đi từ những kinh nghiệm cụ thể, sống động của mình vào những vấn đề triết học để thấy rằng triết học gắn liền với cuộc đời xuất phát từ kinh nghiệm đời...
Những con đường đưa vào triết học
A/ Kinh nghiệm cụ thể
Chúng tà có thể “triết lý” và do đó “hiểu” triết lý từ những sự kiện tầm thường mà chúng ta gặp hằng ngày.
Thi trượt
Thi trượt là một hình thức của sự thất bại. Đó là một điều ta thấy hằng ngày và có lẽ chính ta cũng đã có kinh nghiệm thất bại thi trượt. Vậy chúng ta thử triết lý về kinh nghiệm thi trượt.
Thi trượt chỉ là một hình thức của sự thất bại nếu:
Tôi có dự định thi thật để sửa soạn tôi đã cố gắng học nhiều, mất nhiều công phu thực sự, tôi có cảm tưởng bằng lòng về những cố gắng của mình và với những cố gắng đó tôi nghĩ rằng tôi xứng đáng được đỗ, thế mà lúc thi xong vẫn không thấy tên mình trong danh sách các thí sinh trúng tuyển. Chỉ có dự định, cố gắng thật mà trượt thì thất bại mới có ý nghĩa. Còn nếu lười không học, không sửa soạn cẩn thận hay học tủ, nghĩa là trông vào may rủi trúng tủ thì đỗ, không trúng thì thôi, sự thất bại không có ý nghĩa. Nói cách khác, chỉ gọi là thất bại hay một dự định muốn thành công và đã cố gắng sửa soạn thật sự để đi tới thành công mà không đạt được.
Một cảm tưởng thường có sau khi gặp thất bại là ta thấy thắc mắc, ngạc nhiên không hiểu tại sao mình có thể thất bạ, dù đã cố gắng đến như thế. Nhiều khi ta còn có cảm tưởng nghịch lý này, làm xong bài thi và trong lúc đợi kết quả ta thấy mình làm không được có lẽ hỏng mất thì lại đỗ, trái lại khi ta đinh ninh mình làm được có vẻ “ăn chắc” làm thì lại trượt.
Chính những cảm tưởng đó buộc ta phải thắc mắc, tra hỏi lý do thi trượt, thất bại. Nhưng đặc điểm của thất bại là ta không thể hiểu ngay được nguyên nhân thất bại trước khi thất bại và sau khi vừa thất bại.
Nhận định
1 - Thất bại là một sự kiện nhân loại. Sở dĩ thất bại bao hàm một ý nghĩa và có thể rút ra ý nghĩa bị che giấu, bao hàm trong sự kiện đó, vì nó không phải là một sự kiện vật lý. Sự kiện nhân loại bày tỏ một thái độ của con người trước cuộc đời, biểu lộ những ý nghĩa mà con người ở đời gán cho những hành động của mình. Cho nên ta có thể khai triển những ý nghĩa đó.
2- Thất bại không phải là một sự kiện xảy ra hoàn toàn ngoài ý muốn của ta và bó buộc ta công nhận như một tất yếu. Chẳng hạn tung một hòn đá lên, nó rơi xuống theo một định luật và ta bó buộc phải công nhận định luật đó, dù muốn hày không muốn, vì sự kiện xảy ra ngoài ý muốn của ta như một tất yếu vật lý. Thất bại cũng không thể là một sự kiện tình cờ. Ví dụ, mua vé kiến thiết không trúng số độc đắc. Đó không phải là một thất bại, vì ta hoàn toàn căn cứ vào sự may rủi, chứ không có một cố gắng sáng kiến gì trong dự định muốn thành công. Cho nên những thua thiệt do may rủi, rút thăm đánh cuộc, thách đố đều không phải là thất bại thực sự. Do đó, theo đúng nghĩa “nhân loại” của danh từ, thất bại bao giờ cũng có một âm hưởng nhân vị nghĩa là nó đòi hỏi có phần cố gắng, sáng kiến dự định của con người muốn thành công và hy vọng thành công. Hy vọng này không dẹa vào may rủi, nhưng thiết thực dựa vào sự sửa soạn góp phần của mình. Chính vì thế mà thất bại làm cho ta đau khổ, chua xót “điếng người” vì ta cho rằng ta “xứng đáng” thành công, nghĩa là ta đã sửa soạn đầy đủ, đã cố gắng kiến tạo thành công bằng chính bàn tay của ta, thể mà lại chất bại. Ta không cảm thấy chua xót bao nhiêu nếu ta không dựa vào cố gắng sửa soạn để hy vọng đỗ mà chỉ dựa vào may rủi, chẳng hạn ta lười không học hành gì, hoặc chỉ học một hai bài nếu không trúng tủ thì bỏ lớp đi ra thế thôi.
Trái lại sự thất bại càng chua xót, đau khổ khi càng thấy mình nắm vững được những yêu tố, bí quyết thành công.
Không phải là thất bại thực sự nếu con người hoàn toàn bất lực. Vì nếu ta biết chắc chắn thế nào cũng thất bại trước khi làm thì sự thất bại đó không phải là thất bại thực sự. Ví dụ, ta muốn bay, nhưng không thể bay được. Đó không phải là thất bại, vì trước khi định bay, ta đã biết chắc chắn không thể làm được. Việc đó, ở ngoài mọi khả năng của ta nên ta không thể làm được. Do đó, bất cứ việc làm gì, phải có chút hy vọng thành công và hy vọng đó căn cứ vào khả năng đóng góp, cố gắng kiến tạo thực sự của ta, thất bại mới có ý nghĩa.
Ngược lại, cũng không có thất bại thực sự khi con người hoàn toàn hiệu lực. Nếu ta quyền thế vô song, làm gì cũng được và trước khi làm biết chắc chắn thế nào cũng thành công, không thể hỏng được và sự biết chắc chắn đó không phải dựa vào may rủi mà lại dựa vào khả năng vô hạn của ta cũng không có thất bại. Chẳng hạn đối với thượng đế, là đấng mà người ta vẫn thường coi là quyền phép vô cùng không có thất bại cũng không có thành công.
Khám phá con người là một tự do
Cho nên, thất bại thành công chỉ có một ý nghĩa nhân loại mà thôi. Thất bại là một “độc quyền” của con người và con người có thể hạnh diện về sự độc quyền đó. Nói cách khác, sự vật loài vật cũng như thượng đế không có kinh nghiệm thành công, thất bại. Chỉ có con người mới có kinh nghiệm về thành công và thất bại. Thất bại, thành công bày tỏ con người là một tự do, nghĩa là một người có thể dự định. Dự định là chối bỏ tình trạng đang có để vươn tới cái chưa có. Đã hẳn chỉ có thể chối bỏ như thế nếu có một khả năng phủ nhận khả năng đó là tự do. Vậy con người là con vật biết dự định, có thể làm và có thể thành công. Đến đây, phải phân biệt cái có thể thực sự có thể và cái có thể không thể, cái có thể thực sự có thể là điều dự định thực sự không thể thực hiện được. Ví dụ dự định đi thi và thực sự có thể thi được và csi có thể thực sựkg thể như dự định bay thì thực sự không thể thực hiện được. Thất bại thành công nằm ở lĩnh vực có thể. Xét về phương diện tự do, cái có thể thực sự không có thể thuộc về lĩnh vực tất yếu, con người không dự định gì được cho nên cũng không thể thất bại thành công trong lĩnh vực đó còn cái có thể thuộc về lĩnh vực của tự do tuyệt đối bao hàm một khả năng vô hạn, vì nếu là vô hạn, vô song, cũng không thể nói tới một cái có thể. Chữ “có thể” bày tỏ một giả thiết có thể có, có thể không, chữ không biểu lộ một quả quyết, thế nào cũng có, chắc chắn phải có như một tất yếu. Cho nên tự do của con người là một tự do hạn định và thất bại, thành công nằm trong thứ tự do hạn định đó. Khi tôi dự định đi thi và cố gắng sửa soạn để thi, tôi nói: có thể đỗ nhưng cũng có thể trượt.
Vậy chính vì có thể thành công mà thất bại mới có ý nghĩa. Nếu đi thi mà chắc chắn thành công thì không có thất bại, hoặc chắc chắn sẽ trượt cũng không có thất bại thực sự. Cũng như sự trung tín, chung thuỷ trong tình bạn, tình yêu. Lòng trung thành chỉ có ý nghĩa và có giá trị nếu bao hàm một sự có thể phản bội. Nếu trung thành là một tất yếu đương nhiên phải thế, như đinh đóng cột, không phải cố gắng, khó nhọc gì, vì không bao giờ có thể phản bội được, thì sự trung thành đó chẳng có gì là cao cả. Cho nên sự thànhc ông chỉ có ý nghĩa khi bao hàm sự có thể thất bại và ngược lại thất bại cũng chỉ là thất bại nếu có thể thành công. Vậy có hai điều kiện quy định thế nào là thất bại:
1/ Con người là một tự do, nhưng không phải là một tự do tuyệt đối, có quyền lực vô song, mà chỉ là tự do hạn định có khả năng, quyền lực đến một giới hạn nào đó.
2/ Thế giới trong đó môi trường con người dự định, muốn thực hiện một điều gì không hoàn toàn nằm trong tay con người. Nói cách khác, con người không làm chủ được tình thế, nắm chắc được tất cả những yếu tố đưa đến thành công trong khi thực hiện dự định của mình.
Vậy thất bại bao giờ cũng là một sự việc xảy ra trái với ý muốn thành công chống lại dự định của mình. Nếu khi ta dự định và đem dự định ra thực hiện mà lại muốn thất bại như mục đích của dự định thì không phải là thất bại. Một thất bại được mong muốn không còn là thất bại thực sự chỉ là thất bại khi ta mong muốn thành công và đã cố gắng để đi tới mà không đạt được.
Hình thức thất bại
1/ Đối với sự vật, thất bại trong khi tìm hiểu cơ chế biến đổi sự vật, thất bại trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và kỹ thuật. Sự thất bại ở đây ít có tính cách bi đát, đau đớn, vì ta biết rằng sở dĩ ta thất bại là vì chưa nắm được những định luật quy định thế giới sự vật mà thôi, và ta tin chắc rằng hễ khi nào ta tìm ra được những định luật quy luật đó thế nào ta cũng thành công. Ta tin ở thành công cuối cùng vì những định luật khoa học có tính cách tất yếu và hơn nữa một ngày kia ta có thể dần dần khám phá được những định luật đó.
2. Trái lại đối với thế giới con người, thất bại có tính cách bi đát hơn vì những định luật quy đinh thế giới con người không rõ ràng, tất yếu và do đó rất có thể là không bao giờ ta hiểu và lãnh hội được. Sở dĩ thế giới con người nhiều khi thoát khỏi được những dự định tìm hiểu và lợi dụng của ta là vì con người có tự do, mà nói tự do là nói cái bất ngờ, cái không thể dự đoán trước được. Tuy nhiên, đây không phải là một tự do tuyệt đối, và con người cũng nằm trong lĩnh vực tất yếu, khoa học nhưng sự tự do hạn định của con người vẫn bao hàm cái bất ngờ cái không thể dự đoán được. Do đó, dự định và ý muốn thành công càng khó đạt được vi ta ít nắm được những dữ kiện của thành công. Nói cách khác những dự định muốn thực hiện trong tương quan với xã hội loài người, khó đi tới thành công hơn và cũng khó tìm ra được nguyên nhân thất bại hơn. Đôi khi, người ta thấy không bao giờ có thể hiểu được lý do của một thất bại trong lĩnh vực tương giao giữa người với người khác như:
1. Thất bại trên đường học vấn, thi cử.
2. Thất bại trên đường làm ăn, công danh sự nghiệp.
3. Thất bại trên đường tình ái.
Những thất bại này có thể là tạm thời hay thường xuyên. Học hành đến thế mà tôi vẫn trượt hoài. Đang buôn bán phát đạt, bỗng nhiên bị tay bay vạ gió, cháy nhà, bị vu oan, kiện tụng rồi thua kiện sạt nghiệp, hay bị chiến tranh tản phá… Tìm kiếm người tri kỷ, bạn trăm năm mãi mà không được, hay tìm được rồi lại bị mất hoặc là vì sang tay người khác, hay là vẫn ở trong tay mình nhưng không còn yêu thương gì. Thất bại trong dự định muốn yêu và được yêu. Thất bại trong việc yêu và được yêu.
Những thất bại trên có thể chỉ là tạm thời : Năm nay trượt sang nămđậu. Bị khánh liệt ít lâu sau lại giàu có, mất người yêu này thì có người yêu khác… Nhưng cũng có thể là thường xuyên. Thi trượt, rồi vì hoàn cảnh không bao giờ thi được nữa do đó suốt đời sẽ là một người thi trượt. Mất người yêu rồi không bao giờ có thề yêu được nữa, và suốt đời sẽ là một người thất tình. Sự thất bại trở thành triệt để khi nó đụng chạm tới chính hiện hữu con người, khi ta nhận thấy rằng chính cuộc đời, sự sinh ra ở đời của ta đã là một thất bại rồi. Lúc đó, thất bại mặc một ý nghĩa siêu hình thực sự.
Con người là dự phóng và trong các dự phóng (nhận thức, yêu đương...), con người ước mơ cái vô hạn, cái hoàn thiện, cái vĩnh cửu, bất biến nhưng thiết thực con người không thể đạt tới được những lý tưởng vượt khỏi khả năng của con người. Nó như buộc phải dừng lại ở một chỗ nào đó trong dự định và không bao giờ nó có thể vượt quá được cái giới hạn đó. Tính cách hữu hạn gắn liền với thân phận làm người của con người ở đời làm cho con người ý thức được sự thất bại triệt để trên kia. Cuộc đời là một thất bại là vì những giới hạn ngăn chặn dự phóng của con người và nhất là nó biết không bao giờ có thể xoá bỏ được những giới hạn đó.
1/ Trên phương diện thân xác: ví dụ bị tàn tật (cụt tay, lùn, xấu xí), người lùn thấy mình không thể cao được, coi tình trạng lùn của mình như một thất bại, do đó thường khó tính với những người cao (có tự ti mặc cảm và hay gây sự, vì cứ tưởng mọi người để ý và chế diễu sự lùn của mình nên hay tỏ thái độ chống cự, gây sự dù thực ra chẳng ai muốn chế diễu mình lùn. Người xấu cũng coi cái xấu, vô duyên của mình là một thất bại và do đó hày ghen vô lý với những người đẹp.
2/ Trên phương diện tinh thần: sự đau khổ thất bại trong nhận thức và tình cảm. Chẳng hạn ý thức khốn khổ của Hégel mà các triết gia hiện sinh coi như một nguồn gốc căn bản của triết học hiện sinh. Không bao giờ con người thực hiện được một ý thức về mình bằng phản tỉnh. Nếu không ý thức, con người đã “trơ trơ lù lù” ra đây như hòn đá, vô tri vô giác, nhưng bắt đầu ý thức thì lại không thể lãnh hội được chính mình, luôn luôn có một khoảng cách giữa mình và ý thức về mình, xoá bỏ khoảng cách thì lại mất ý thức, trở lại tình trạng vô thức mình là mình, hoà đồng với chính mình nhưng ý thức nghĩa là tách khỏi mình để có thể nhìn thấy mình thì lại không thể đạt tới, vì đạt tới là hoà đồng, nghĩa là mất ý thức. Không thể vô thức mà cũng không thể có ý thức hoàn toàn về mình. Con người thất bại trong dự định tìm hiểu mình và sự thất bại đó là đau khổ, vì nó biết được nó thất bại.
Sự đau khổ về thất bại tình cảm như trong quan niệm về tình yêu của Sartre. Thất bại ở ngay dự phóng yêu. Khi yêu chỉ là muốn được yêu, do đó ai cũng chỉ nghĩ đến mình trong khi nói yêu người khác. Tình yêu là một lừa bịp lẫn nhau, rút cục không thể tương giao giữa người với người vì mỗi người là một cô đơn tuyệt đối, là một hòn đảo cô độc bên cạnh những hòn đảo cô độc khác trong biển người. Sau cùng cái chết là một hình thức bi đát nhất của hữu hạn hiểu như một thất bại gắn liền với thân phận con người.
Thân phận con người là một vật giới hạn, nhưng lại bất mãn với tính cách giới hạn của mình. Bất mãn với giới hạn, điều đó có nghĩa là con người không phải chỉ là giới hạn vì nếu chỉ là giới hạn, không thể bất mãn được. Vậy sở dĩ con người bất mãn là vì không phải hoàn toàn là giới hạn và muốn vượt khỏi giới hạn muốn vượt nhưng không thể vượt được đó là ý nghĩa bi đát của sự thất bại nhân loại.
1/ Nếu con người không biết có giới hạn, chỉ là vật giới hạn không muốn vược cũng như không có bất mãn.
2/ Nếu biết có giới hạm bất mãn, nhưng lại vượt được giới hạn cũng không còn bất mãn.
3/ Biết giới hạn, muốn vượt nhưng không thể vượt được. Thất bại. Nhưng nếu con người chấp nhận sự thất bại cũng không có bi đát. Trái lại thất bại mà vẫn không chấp nhận thất bại, mới bi đát.
Trước thất bại, con người có thể có nhiều thái độ và mỗi thái độ đều bao hàm mộc cách hiểu thất bại khác nhau:
1/ Chịu đựng.- Không tìm hiểu gì cả, cho rằng đó là tại số trời thiên định, cái mệnh hay vận đen (mưu sự tại nhân, thánh sự tại thiên).
2/ Tin rằng thất bại có một ý nghĩa, cuộc đời có một ý nghĩa trong sự an bài của Thượng đế đấng quan phòng (providence) do đó chấp nhận và hy vọng vượt khỏi thất bại.
3/ Không chịu đựng - Đi tìm hiểu và không hiểu được cho rằng thất bại, đời là phi lý. Rồi hoặc là chán đời đi tự tử hay là giữ thái độ phản kháng, vì tự tử là hết ý thức, sẽ không còn thấy phi lý, nhưng không phải vì không ý thức mà xóa bỏ được vấn đề phi lý. Do đó phải sống để ý thức được phi lý và chống lại (thái độ của Camus, Sartte).
4/ Thắng trong thất bại - Người ta có thể không chấp nhận thất bại bằng nhiều cách, chẳng hạn:
Bằng cách hư vô hoá đối tượng nhằm đạt tới, hay không còn coi mục tiêu muốn thực hiện là quan trọng đáng kể. Khi đi thi, người ta coi viêc đó là quan trọng như thể tất cả đời mình sẽ tùy thuộc vào đỗ hay trượt (làm ăn, nghề nghiệp, hôn nhân: nếu trượt, người ta sẽ không lấy mình nữa). Khi trượt, coi thường việc đỗ, coi nó không thể chi phối cuộc đời mình, bất cần “ồ cái bằng tú tài, cử nhân là cái thá gì?”. Ta vẫn có thể làm ăn, thành lập gia đình mà không cần đến mảnh bằng. Ta khinh bỉ bằng cấp, cũng như một người muốn trèo cây hái quả nhưng không trèo được đã tự biện hộ bằng cách xoá bỏ sự thất bại. Ồ, quả còn xanh, hơn nữa quả này chẳng có ngon gì.
Đó cũng là thái độ của Nguyễn Công Trứ, Trần Tế Xương, thái độ khinh đời, hư vô hoá những đối tượng thất bại (tuổi già, thi trượt, cảnh nghèo, mất chức) không còn coi những cái đó là quan trọng, đáng kể đối với cuộc đời đích thực của mình.
Bằng cách lấy sự biết mình thất bại là thắng lợi. Pascal nhận định: con người có thể bị vũ trụ đè bẹp, một con vi trùng cũng có thể giết chết nó, nhưng nó vẫn hơn vật đè bẹp, giết chết nó, vì nó biết nó tahát bại mà vũ trụ, vật đè bẹp nó thì biết mình thắng.
Một thắng lợi không được người thất bại nhìn nhận hoặc người thắng lợi cũng không biết mình thắng lợi không phải là một thắng lợi thực sự.
Coi việc thất bại của mình như là một yếu tố cần thiết chó sự thành công của người khác có ý nghĩa là thành công và bởi vì thất bại là cần thiết cho sự thành công, nên thất bại cũng tham dự vào sự thành công, trở thành mộc yếu tố của thành công. Người thi đỗ chỉ đỗ khi có người trượt. Nếu không bao giờ có ai trượt thi đỗ có còn ý nghĩa là đỗ nữa không? Cho nên trượt là yếu tố cần thiết để cho đỗ có ý nghĩa là đỗ và do đó trượt không phải là một thất bại hoàn toàn vì nó tham dự vào việc đỗ, như thể trượt cũng là một cách thế đỗ. Có lẽ đậy chỉ là một thái độ nguỵ biện để tự an ủi, nhưng không phải hoàn toàn phi lý, vì dựa trên khái niệm tương quan của Hegel. Chang hạn khi Hegel nói về cái cần thiết, cái không cần thiết, ông lý luận:
1/ Cái cần thiết chỉ là cần thiết nếu có cái không cần thiết.
2/ Vì thế cái không cần thiết cũng là cần thiết để có thể xác định cái cần thiết là cần thiết.
Coi ý nghĩa giá trị cuộc đời người không phải chi ở thành công hay thất bại, nhưng ở tại sự chiến đấu. Chẳng hạn thái độ của ông lão đánh cá trong chuyện “Ông già và biển cả” của Hemingway. Ông già đi đánh cá ngoài khơi đã 84 ngày rồi mà không được gì cả. 84 ngày chiến đấu một cách cô độc với sóng gió, nắng biển đói khát mệt nhọc. Đến ngày thứ 85, ông già câu được một con cá thật lớn, nhưng không nhấc lên thuyền được đành kéo con cá theo thuyền về bờ. Vất vả vì giòng con cá cho đến khi nó mệt chết, rồi lại vất vả chống lại đàn cá mập đến ăn thịt con cá chết…
Nhưng đây là một chiến đấu vô ích vì ông già đã trở về bờ với một xương cá đã rữa hết thịt. Con người chiến đấu và đã thất bại, nhưng ý nghĩa cuộc đời người không phải ở chỗ được hay thua, nhưng ở chỗ đã chiến đấu.
Do đó như Hemingway đã nói “nhưng con người không bao giờ chịu thú nhận mình bị thua. Một người có thể bị tiêu diệt nhưng không bao giờ chịu thua.
Người lính, nhà cách mạng có thể bị chết vì viên đạn, vì tra tấn dã man. Kẻ thù có thể biết được xác họ, nhưng không làm cho họ khuất phục. Do đó, chính người thắng mới là thua, và người bi thua là thắng vì vẫn giữ được bản lĩnh tinh thần, ý chí tranh đấu. Đó là niềm hãnh diện của mình; thua vì đã không chịu khuất phục.
B/ Kinh nghiệm nhận thức
Triết lý không phải chỉ gắn liền với đời sống, nhưng còn gắn liền với mọi sinh hoạt nhận thức của con người. Thật là nhầm lẫn nếu coi triết lý không dính líu gì tới các khoa học. Nhầm lẫn đó sở dĩ có cũng một phần lớn tại triết học, khi triết học chỉ là một hư ngôn, không tưởng, tách biệt khỏi cuộc đời thiết thực. Trái lại, nếu triết học như một thái độ trước cuộc đời và như một nhận thức về ý nghĩa sau cùng cuộc đời, nhà khoa học không thể tránh được triết học và những kiến thức khoa học không thể không đưa đến suy tư triết lý. Việc học triết lý ở nhà trường cũng chỉ có ý nghĩa và đáng kể cho chúng ta như ý muốn tìm hiểu, chuyên môn của ta: luật, văn chương, vật lý hóa, ngữ học, sử địa…
Khi ta học vật lý, sử, địa, văn chương với một thái độ nghiên cứu khoa học, chúng ta chỉ chú ý tới đối tượng của bộ môn học: sự kiện giãn nở, sự kiện lãng mạn, trữ tình hay sự kiện cách mạng. Chúng ta chú ý tìm xem những sự kiện đó xuất hiện thế nào và được cấu tạo làm sao, do những yếu tố, nguyên nhân nào và đưa đến những hậu quả gì… hoặc liên quan đến những sự kiện khác như thế nào nhằm giải thích cắt nghĩa sự kiện.
Nhưng chúng ta cũng có thể tìm hiểu chính những chuyên môn của ta. Chẳng hạn ta hỏi Sử ký là gì? Vật lý là gì? Và chúng ta tìm cách xác định đối tượng, phương pháp mục đích bộ môn ta nghiên cứu.
Đối tượng: ví dụ, tâm lý học nghiên cứu những sự kiện, buồn, sợ, nhớ, xem, nhưng trước hết thế nào là một sự kiện tâm lý. Có những đặc điểm gì phân biệt nó với những sự kiện khác. Sự kiện tâm lý có phải chỉ là những phản ứng sinh lý hay chỉ là những hiện tượng thuần túy, ý thức, vô thức.
Phương pháp: thế nào là phương pháp thực nghiệm quan sát, đặt giả thuyết, thí nghiệm, chứng nghiệm.
Quan điểm: cùng một sự kiện nghiên cứu với một tinh thần khoa học (thực nghiệm) nhưng có thể đứng ở nhiều quan điểm khác nhau để nhìn mà nghiên cứu. Ví dụ sự kiện ly dị, Nhà luật học chỉ tìm hiểu thế nào là ly dị và xác định những sự kiện ly dị hợp pháp hay không hợp pháp, còn nhà xã hội nghiên cứu xem ly dị thường gây ra ở một hoàn cảnh xã hội nào, do những yếu tố xã hội nào, như tôn giáo, đời sống vật chất, phong tục tâm tình đã ảnh hưởng gây nên việc ly dị và ngược lại việc li dị ảnh hưởng đến đời sống xã hội như thế nào. Triết lý đặt vấn đề thông cảm giữa người và người.
Việc suy nghĩ về đối tượng phương pháp quan điểm chỉ nhằm ẩn định giới hạn lĩnh vực nghiên cứu. Do sự ấn định giới hạn đó, ta thấy việc nghiên cứu vật lý chẳng hạn chỉ là một sinh hoạt nhận thức trong nhiều sinh hoạt nhận thức khác rồi những sinh hoạt nhận thức cũng chỉ là một sinh hoạt trong nhiều loại sinh hoạt khác của con người. Nói cách káhc vật lý chỉ là một bộ phận trong toàn thể nhận thức.
1/ Sự tìm hiểu, nghiên cứu về vật lý như một nhà vật lý nhằm bày tỏ ý nghĩa, nguyên nhân của những sự kiện vật lý, những sự kiện thuộc môn vật lý và chỉ giới hạn trong khuôn khổ bộ môn đó mà thôi.
2/ Sự tìm hiểu nghiên cứu về vật lý, như một bộ môn liên quan tới toàn thể các bộ môn nhận thức, bày tỏ ý nghĩa của sự liên quan đó. Sự tìm hiểu này vượt khỏi lĩnh vực vật lý, đồng thời cũng không thể thực hiện được với một thái độ cả nhà vật lý. Do đó, hỏi vật lý là gì trong viễn tượng liên hệ vật lý với toàn thể nhận thức thì vật lý không thể biết và giải đáp được vì câu hỏi vượt khỏi lĩnh vực, phương pháp, khả năng vật lý. Khoa học có đối tượng nghiên cứulà những sự kiện nọ, sự kiện kia nhưng còn chính khoa học không bao giờ là đối tượng nghiên cứu của khoa học mà là một suy nghĩ vượt khoa học, suy nghĩ triết học, suy nghĩ về cái toàn thể.
Hơn nữa, sở dĩ con người có thể suy nghĩ về vật lý, khoa học không phải về những đối lượng nghiên cứu của vật lý, khoa học mà là về chính vật lý, khoa học như một đối tượng nghiên cứu là vì con người không phải là vật lý, hay bị giam hãm trong lĩnh vực nghiên cứu của mình. Trái lại, con người luôn luôn có thể vượt khỏi lĩnh vực nghiên cứu chuyên môn của mình, xác định cho nó một vị trí, một ý nghĩa trong cái toàn thể nhận thức và sau cùng trong cái toàn thể cuộc đời mình như Jean Lacroix đã viết: “Con người không thể là nhà sử học nếu chỉ thuần tuý là môn vật lịch sử, cũng không thể là nhà kinh tế học, nếu chỉ thuần tuý là con vật kinh tế”.
Bây giờ chúng ta dựa vào một vài khoa học để chứng minh vấn đề triết học gắn liền với những ngành khoa học chuyên môn như thế nào.
KHOA HỌC
Nhà khoa học vật lý hoá học có đối tượng nghiên cứu là những sự kiện vật chất, tìm hiểu sự hình thành, cấu tạo và chuyển động những sự kiện đó như thế nào, dựa trên những định luật gì. Vậy có thể thấy ngay lĩnh vực hoạt động của khoa học chỉ giới hạn vào cái đã có. Nhà khoa học nghiên cứu sự kiện, khởi điểm từ cái đã có và cũng dừng lại trong phạm vi cái đã có. Mục tiêu của khoa học là tìm hiểu những định luật, cấu tạo, chuyển vận của những cái đã có. Nhưng khi hỏi tại sao có thì vấn đề nguồn gốc sự vật vượt khỏi lĩnh vực khoa học, vì khoa học chỉ hoạt động trên những sự kiện nghĩa là cái đã có. Khi nhà khoa học vượt khỏi lĩnh vực thực nghiệm và bắt đầu suy nghĩ về vấn đề nguồn gốc sự vật ông không còn suy nghĩ như một nhà khoa học nhưng như một nhà triếc học hay một nhà tôn giáo. Vấn đề nguồn gốc sự vật, cuộc đời vượt khỏi lĩnh vực khoa học vì khi nhà khoa học tìm hiểu sự kiện thì sự kiện đã có đấy rồi, trước khi nhà khoa học suy nghĩ về nó. Sự hiện hữu, sự có bao giờ cũng có trước sự suy nghĩ về hiện hữu, sự cố. Do đó, dù khoa học có tạo ra được sự sống, sự có, chẳng hạn thí nghiệm của Petrucci ở Bologne thực hiện thụ thai ngoài người đàn bà và bào thai sống gần được một tháng, thì cũng vẫn là lợi dụng cái đã có để tạo nên cái có, vẫn đưa vào sự sống đã có sẵn (tinh trùng) đã tạo nên bào thai. Và nếu có tạo được tinh trùng đi nữa, thì cũng vẫn là lợi dụng những đơn tố có sẵn để phối hợp, gây dựng, chứ không phải sáng tạo từ hư vô, do đó khoa học vẫn không đụng chạm đến vấn đề nguồn gốc sự sống, sự có.
Kboa học bao giờ cũng dựa trên cái đã có và nỗ lực nhận thức chỉ là khám phá cái đã có mà trước đây khoa học chưa biết. Những định luật mà khoa học khám phá ra vẫn có đó trước khi được khám phá ra. Vậy vấn đề tại sao có định luật, tại sao có sự tương quan hợp lý quy định sự cấu tạo vận hành của vũ trụ vật chất không phải là vấn đề khoa học vì vượt khỏi lĩnh vực nghiên cứu, quan sát, chứng nghiệm.
Việc nghiên cứu khoa học luôn luôn có thể đưa người nghiên cứu vượt khỏi lĩnh vực khoa học, và đụng chạm tới những vấn đề không còn thuộc thẩm quyền khoa học. Một phát súng bắn một người chết. Đứng ở quan điểm khoa học, đó hcỉ là một hiện tượng vật lý, có thể đo lường tính toán, xác định được. Chẳng hạn nghiên cứu viên đạn chứa một chất nổ mạnh bao nhiêu và người bị đạn là một tổng hợp tế bào sẽ bị chọc thủng, tiêu diệt… Dưới ánh mắt nhà khoa học vật lý, không có vấn đề ai bắn, ai bị bắn tên gì, ở địa vị xã hội nào, tại sao bắn và bị bắn. Những nhà khoa học là con người không thể chỉ nhìn việc bắn người kia như một sự kiện vật lý vì ông biết xúc động trước sự kiện đó: Ông giận ghét người bắn, thương hại người bị bắn hay ngược lại cảm phục người bắn và hài lòng vì người bị bắn và đã chết tùy như người bị bắn là nạn nhân của một hành động sô sát hay là một kẻ thù đáng bị người anh hùng tiêu diệt. Vấn đề nên hay không nên, đáng khen hay đáng chê là những vấn đề vượt khỏi vấn đề khoa học khi giới bạn đã nhận định cái có là như thế. Khoa học đưa tới luân lý, tôn giáo. Có những vấn đề khoa học đặc biệt bó buộc nhà khoa học không thể không vượt khỏi lĩnh vực khoa học để suy nghĩ về ý nghĩa và mục đích hoạt động khoa học? một vấn đề thuộc luân lý, triết lý. Chẳng hạn vấn đề vật lý nguyên tử, việc nghiên cứu nguyên tử thúc đẩy nhà bác học phải suy nghĩ đến những hậu quả nhân loại của việc phát minh và sử dụng nguyên tử. Bom nguyên tử đã gây một khủng hoảng tinh thần, thức tỉnh luân lý của các nhà bác học khi họ bó buộc phải tự hỏi về khả năng tàn phá của nguyên tử lực. Những Einstein, Oppenheimer đã phải thắc mắc về vấn đề số phận nhân loại và thấy rằng ý niệm về tiến bộ khoa học từ nay mật thiết gắn bó với ý niệm về số phận nhân loại. Ý niệm số phận không phải là một ý niệm khoa học, nhưng là ý niệm luân lý, triết lý và đứng trước những công trình thành quả nghiên cứu của khoa học, các nhà bác học không thể không suy nghĩ về vấn đề số phận nhân loại, một vấn đề vượt khỏi lĩnh vực khoa học.
SỬ KÝ
Nhà viết sử có nhiệm vụ sưu tầm, ghi chú các sự kiện lịch sử và sắp xếp theo một thứ tự niên lịch những sự kiện đó nhằm giải thích cắt nghĩa lịch sử. Nhưng việc viết sử, nhát là với một thái độ khoa học bao hàm nhiều tiền đề dựa trên nhiều nền tảng mà nhà viết sử có thể không nghĩ tới, hày mặc nhiên công nhận. Vậy phải suy nghĩ lại những tiền đề nền tảng trên. Đó là một đòi hỏi không thể trách được. Nó xuất phát từ chính việc viết sử. Nhà viết sử bây giờ thắc mắc về đối tượng thế nào là một sự kiện lịch sử? Nó có thể xác định được đầy đủ những yếu tố cấu tạo sự kiện lịch sử không? Khi viết sử, nhà sử học cũng tin tưởng có một sự thực lịch sử mà mình cho rằng có thể đạt tới, giải thích, cắt nghĩa. Nhưng thử hỏi, có thể có sự thực lịch sử không? Hay nói rõ hơn, có thể có một sự thực khách quan về lịch sử không hay sự thực lịch sử nếu có bao giờ cũng chỉ là chủ quan, nghĩa là sự thực đối với tôi như Claude Lévi-strauss đã nhận xét: “Lịch sử không bao giờ là lịch sử nhưng là lịch sử cho”.
Nói cách khác, người viết sử có thể đứng ngoài lịch sử mình viết không như nhà vật lý ở ngoài, đứng trước hiện tượng vật lý hay bó buộc phải đứng trong lịch sử và do đó nhìn lịch sử theo vị trí, quan điểm của mình, nghĩa là nhìn lịch sử theo một cái nhìn chủ quan, một lập trường và do đó cái nhìn có tính cách thiên lệch bề phái?
Một cuộc nổi dậy đảo chính, đối với người này là một nổi loạn, làm mất trật tự, phản dân tộc, đối với người khác, lại là một cách mạng, một hành động yêu nước phục vụ dân tộc. Và để biện hộ cho quan điểm của mình, nhà viết sử chọn lọc những sự kiện có lợi, phù hợp với quan điểm của mình?
Có thể viết sử một cách vô tư hay không thể trách được một quan điểm viết sử? Và hễ đã nói đến quan điểm viết sử là nói đến triết lý về lịch sử. Nhà viết sử muốn giải thích lịch sử, điều đó bao hàm tin rằng lịch sử có một ý nghĩa, một hướng đi chứ không phải là một tình cờ, ngẫu nhiên, phi lý.
Thế rồi lịch sử là một sự kế tiếp những biến cố trong thời gian. Nhưng sự kế tiếp đó là một lặp lại (không có gì lạ dưới bóng mặt trời) nghĩa là lịch sử tiến triển theo chu kỳ hay sự kế tiếp ở đây bày tỏ những sự kiện không bao giờ trở lại, vì luôn luôn có những cái mới xảy ra… hoặc lịch sử phải chăng chỉ là lịch sử nghĩa là một chuỗi kế tiếp những biến cố một cách vô hạn, hay lịch sử đã có một khởi điểm, sẽ có một tận cùng và đưa tới cái vượt khỏi lịch sử?
Và sau cùng, khi viết lịch sử, nhà viết sử chỉ có thể kê khai trình bày những sự kiện lịch sử, giải thích lịch sử, những phán đoán lịch sử? nhưng những phán đoán này không thể không nhân danh những giá trị. Và đã nói đến giá trị tức là nói đến cái gì không còn phải là lịch sử. Vậy viết sử, phán đoán lịch sử có thoát khỏi nhu cầu phải dựa vào những tiêu chuẩn, giá trị không lịch sử, thuộc lĩnh vực đạo đức và triết học? Nếu có những tiêu chuẩn giá trị thì đó là những tiêu chuẩn nào và có được mọi người nhìn nhận hay không?
Do đó, ta thấy nhà viết sử không thể đặt ra những vấn đề trên và những vấn đề có được đặt ra cũng như những giải đáp đề ra đều vượt khỏi lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, tuy thiết yếu bắt nguồn từ sinh hoạt nghiên cứu lịch sử.
VĂN HỌC
Nếu phân biệt văn chương với văn học một đằng chỉ thị những sáng tác, một đằng chỉ thị những suy nghĩ, nghiên cứu về những sáng tác đó, chúng ta thấy cả hai sinh hoạt đều có thể đưa đến những thắc mắc triết lý nhất là trong khung cảnh văn nghệ hiện đại.
a) Về văn chương, nhà văn bây giờ không những ý thước được việc sáng tác của mình (về điều mình viết (nội dung) và cách mình viết (kỹ thuật diễn tả) mà còn ý thức về chính việc viết văn. Có thể viết văn được không? Có thể có văn chương không? Sự thắc mắc này có tính chất triết học vì nó nhằm vào chính dự phóng viết của nhà văn, nhằm phê phán khả năng diễn tả của nhà văn là ngôn ngữ và sau cùng hoài nghi về mục đích của văn chương là trao đổi thông cảm.
Khi viết, nhà văn muốn nói lên, bày tỏ một cáci gì, làm cho nó có nhưng phải chăng viết là làm cho quên điều mình muốn nói là hư vô hoá thực tại muốn thể hiện là tạo cho mình và người khác những ảo tưởng về thực tại. Chẳng hạn, làm sao có thể viết “tôi cô đơn”. Cô đơn là một thực tại ta sống và chỉ còn là cô đơn nếu mình đang sống thực tại đó và không ai biết. Vậy nói viết ra, để bày tỏ sự cố đơn thì không còn cô đơn nữa cho nên có một mâu thuẫn giữa thực tại và dự phóng viết, viết không còn là vấn đề bày tỏ, làm cho có, hiện hữu một thực tại mà chính là xoá bỏ hư vô, xoá bỏ thực tại đó đi.
b) Về phê phán văn học
Việc phê bình văn học dựa trên niềm tin có thể hiểu được tác phẩm, tác giả. Nhưng vấn đề là có thể hiểu người khác được không qua tác phẩm văn chương? Vấn đề hiểu người khác là một vấn đề triết học, vấn đề thông cảm giữa người với người mà văn chương chỉ là một khía cạnh của vấn đề tổng quát trên.
Nói hiểu người khác, là hiểu người khác như họ hiểu họ, không phải như ta muốn hiểu về họ. Nhưng giữa người với người, mối tương giao thông cảm không bao giờ là trực tiếp mà là gián tiếp, qua trung gian những dấu hiệu. Bất cứ cái gì cũng có thể là dấu hiệu chuyên chở ý nghĩa tình cảm từ người này sang người khác (sự vật, thân xác, ngôn ngữ…)
Chúng ta sống trong một vũ trụ những dấu hiệu và luôn luôn phải tìm ra những ý nghĩa bao hàm, bị che dấu trong những dấu hiệu đó. Tuy nhiên, công trình sáng tác ý nghĩa rất khó, vì dấu hiệu tự bản chất hàm hồ, có thể chỉ ý nghĩa này, có thể chỉ ý nghĩa kia. Do đó mà có sự ngộ nhận, vì ta đã không lãnh hội đúng ý nghĩa. Người khác gửi tới ta qua trung gian những dấu hiệu. Ngôn ngữ là một hệ thống những dấu hiệu gián tiếp, vì nhà văn thường chọn lối nói lên điều gì bằng cách không nói ra. Do đó, những ngộ nhận còn dễ xảy ra trong văn chương nhiều hơn là trong đời sống hàng ngày.
Vậy việc phê bình văn học không thể không suy nghĩ về ngay bản chất của ngôn ngữ văn chương như một phương tiện tương giao giữa người với người để xác định khả năng giới hạn diễn tả của ngôn ngữ văn chương. Tìm hiểu bản chất của ngôn ngữ văn chương là đặt vấn đề nền tảng và không thể không dựa vào những suy luận có tính chất triết học.
c) Về văn học sử. Người ta vẫn làm văn học sử như thể tin có thể có văn học sử. Nhưng vấn đề là có thể có văn học sử không? Bao giờ chúng ta cũng đứng trước những tác phẩm văn chương, tác giả, chứ không đứng trước văn chương. Nói cách khác, không có văn chương mà chỉ có văn chương cửa Tản Đà, Nguyễn Du, Nhất Linh. Nếu nhìn nhận có một lịch sử văn chương, tức là nhìn nhận giữa tác giả có một liên quan với nhau trong hệ thống như thế mỗi tác giả là một thành phần của một tổng hợp do nhà văn học sử thiết lập. Nhưng vấn đề là nhà văn có phải chỉ là một đơn vị của một hệ thống hay là một bản ngã, một đỉnh cao không thể giản lược? Có thể hệ thống hoá các nhà văn và nhất là hệ thống hoá theo một quan niệm có sẵn về văn học sử? Và sâu hơn nữa, có thể sắp xếp các nhà văn, phân loại và phê bình? Và sau cùng nghệ thuật là gì? Thế nào là thẩm mỹ? Đó là những vấn đề nền tảng, nghĩa là những vấn đề triết học.
Ý THỨC SIÊU HÌNH VÀ SIÊU HÌNH HỌC
Qua những ví dụ vừa trình bày ở trên chúng ta đã hiểu thế nào là một vấn đề triết học. Nhưng sự hiểu biết ở đây không phải là một trí thức, nhưng như một sự sống thực hơn nữa như một ý thức vì ta đã suy nghĩ từ một kinh nghiệm sống của ta. Do đó, ta chỉ hiểu biết triết học thực sự nếu ta có ý thức và như sống, cảm nghĩ điều ta hiểu. Nếu học triết lý mà gạt kinh nghiệm sống ra và chỉ học những hệ thống, ta sẽ có một tri thức nhưng chưa phải là hiểu triết lý. Vì hệ thống triết lý mà ta học cũng xuất phát từ một kinh nghiệmsống thực của tác giả. Nhưng khi được biểu diễn bằng ý niệm, những lý luận, nó chỉ còn là một tri thức. Do đó, muốn hiểu hệ thống đó ta phải như “sống lại” kinh nghiệm của kẻ khác theo kiểu nói của Merleau Ponty).
Cho nên triết lý vừa là một ý thức vừa là một tri thức. Ở trên ta đã phân biệt triết lý và triết học. Đến đây ta có thể dùng một phân biệt khác để chỉ định hai khía cạnh thiết yếu của triết học (ý thức, tri thức). Ta gọi triết lý hay ý thức là cái siêu hình, ý thức siêu hình và triết học, tri thức, hệ thống là siêu hình học. Người ta có thể sống mà không biết mình sống và hơn nữa có thể hiểu biết nhiều nhưng lại an nghỉ trong những điều hiểu biết đó nghĩa là người ta thoả mãn lấy làm bằng lòng những kiến thức đã có về cuộc đời đằng sau, về cuộc đời hiện tại và về cuộc đời trước mặt. Sở dĩ bằng lòng thỏa mãn vì coi những kiến thức đó đã là chân lý hoàn tất, hiển nhiên đã hẳn là thế lại không phải thắc mắc tra hỏi lôi thôi.
Chúng ta sống trong một vũ trụ những ý nghĩa đã có sẵn, do người khác tạo ra hay chính ta dựng nên và chúng ta chỉ việc sống theo những ý nghĩa đó, làm quen với chúng và sau cùng cũng không còn để ý đến chúng nữa.
Chẳng hạn những đồ vật, cảnh vật chung quanh ta tạo thành một khung khổ quen thuộc. Đây là dãy núi, khu rừng vùng tôi, đây là thành phố, khu xóm tôi ở và đây là mái nhà của tôi với tất cả nhưng đồ đạc quen thuộc: cái cổng, cái hiên, khu vườn, bể nước, bộ bàn ăn, những bức tranh treo trên tường, cải tủ sách ở góc nhà, cái bàn viết kê quay ra mặt phố và cái sọt giấy kê dưới chân nó…Rồi những thái độ tôi cần phải có đối với cha mẹ, anh em, con cái, bặn bè, người xa lạ hoặc trước những vấn đề thời sự, văn hoá, hôn nhân, thể thao…
Tất cả đều dựa trên những ý nghĩa rõ rệt. Tôi cứ việc sống, cư xử với mọi người, mọi sự mà không cần phải thắc mắc, chẳng hạn về ý nghĩa cái bàn, ý nghĩa cử chỉ chào hỏi người trên vì đã hẳn và đã rõ cái bàn là để viếtm cử chỉ chào hỏi là để biểu lộ lòng cung kính.
Nhưng không ngờ rằng chính cảm tưởng, niềm tin tôi đã cho là rõ, một cách hiển nhiên về nhữn sự vật bên cạnh tôi, những thái độ của tôi, những sự kiện xảy ra chung quanh tôi, đã che dấu không cho tôi thấy thực sự ý nghĩa của chúng hoặc chỉ thấy một khía cạnh và lấy cái thấy một khía cạnh đó làm cái thấy toàn diện.
Ý thức siêu hình xuất hiện thì tôi thoát khỏi thái độ coi mọi sự là hiển nhiên và bỡ ngỡ, thắc mắc như thể lần đầu tiên thấy sự vật, lần đầu tiên phải chào hỏi người trên: thắc mắc bỡ ngỡ, ngạc nhiên về ý nghĩa của nó và triệt để hơn nữa về chính sự kiện nó có đấy.
Sở dĩ tôi coi là hiển nhiên những sự vật chung quanh tôi, chẳng hạn cái nhà, hòn gạch, cái cây, cả con người nữa là vì tôi đã hiểu nó theo một kiến thức có sẵn, rõ ràng: cái nhà để ở, hòn gạch để lót sân, cái cây để che cánh, quả táo để ă, con người để đi đứng, dùng tất cả những đồ vật trên. Nhưng nếu tôi tạm gác những ý nghĩa vì lợi mà ta đã gắn cho sự vật, phút chốc sự vật con người quen thuộc trở nên lạ lùng kinh dị như thể chưa bao giờ tôi trông thấy nó. Merleau Ponty đã nhận định về điều đó khi nói tới cái nhà: “Cái nhà kia, nếu tôi chăm chú nhìn mà đừng có một ý kiến nào sẽ hiện lên với một vẻ vĩnh cửu và như toát ra một vẻ đầy kinh hoàng”.
Trong một tập nhật ký, nhà văn Julien Green đã kể lại cái nhìn bỡ ngỡ ngạc nhiên như thể lần đầu tiên ông thấy cái sọt giấy vẫn ở bên cạnh bàn ghế của ông từ bao nhiêu năm: “Bao giờ ta cũng lạ khi ta nhìn chăm chú và lâu dài những đồ vật mà ta trông thấy hằng ngày và không để ý tới nữa. Bỗng nhiên mắt tôi dừng ở sọt giấy và lạ chưa, bây giờ nó mới như có. Tôi đã không để ý đến vẻ mềm mại của những cái lạt mà một vài chiếc được ánh sáng rọi vào một cách đặc biệt trở thành những mầu vàng óng như mật ong và ba cái vòng đai cột cái sọt lấp lánh như ngà voi. Phút chốc tôi chỉ còn thấy có nó trong phòng và do đó nó trở thành một cái gì quan trọng vô cùng. Một cách âm thầm lặng lẽ, từ 20 năm nay, cái sọt vẫn chờ đợi giây phút được tôi bất chợt chăm chú nhìn ngắm nó như lúc này”.
Ngay cả con người trước mắt tôi, vì quá quen thuộc rồi nên tôi không còn bỡ ngỡ về con người. Nhưng giả sử có một thứ người khác, chẳng hạn người ở một hành tinh nào đó đáp xuống trái đất này, lần đầu tiên trông thấy con người chắc hẳn sẽ kinh ngạc vô cùng vì chân, tay, đầu tóc kia là gì, nhất là những tai, mắt, mũi, đối với ta là tai, mắt mũi, nhưng rất có thể đối với người ở hành tinh khác, đó chỉ là những lỗ hổng, kỳ di ghê sợ...
Trong cuốn truyện nổi tiếng buồn nôn (la nausée), Sartre đã mô tả kinh nghiệm khám phá hiện hữu của một sự vật rất tầm thường là cái rễ cây. Ngày nào vào công viên mà Roquentin không thấy cái rễ cây ở bên cạnh ghế ngồi, nhưng vì đã quá quen thuộc, Roquentin bao giờ cũng chỉ trông thấy thoáng qua mà không để ý tới làm gì. Nhưng đến một lần, chàng để ý tới nó đột nhiên thấy “cái rễ xuất hiện như một cái rễ cây, bây giờ, ở đây và như thế đấy”. Chàng vô cùng kinh ngạc khi ý thức được rằng cái rễ cây có và có như một cái rễ cây. Vì tại sao nó lại không như một hòn đất và hơn nữa tại sao nó lại có chứ không phải có, rồi chàng cảm thấy, nó có bao nhiêu càng thấy không thể hiểu được nó. Nó có ở đây trước khi chẳng biết nó có và có như thế đấy, nghĩa là như một rễ cây. Mọi sự đều vượt quá mọi giải thích, ý nghĩa. Và từ ý thức về hiện hữu của một vật, Roquentin đi đến ý thức về hiện hữu nói chung, rồi từ ý thức hiện hữu tổng quát, chàng nhận thấy tính cách vô thường, ngẫu nhiên, thừa thãi của hiện hữu, cuộc đời...
Vậy ý thức siêu hình là thức tỉnh, bừng dậy tra hỏi về ý thức cuộc đời, sau giấc ngủ triền miền trong cái hiển nhiên rõ rệt, hoàn tất, từ bất cứ một cái gì thuộc về cuộc đời vì bất cứ cái gì cũng có thể là đối tượng, là dịp gây thức tỉnh đưa đến một cái nhìn như khám phá lại vẻ kinh dị nguyên ủy, nền tảng của mọi sự như Merleau Ponty đã nói: “ý thức siêu hình không có đối tượng nào khác ngoài kinh nghiệm hàng ngày: thế giới này, người khác, lịch sử nhân loại, chân lý, văn hóa. Nhưng thay vì lãnh hội chúng như những sự kiện hoàn tất một cách đương nhiên đã hẳn là thế, ý thức siêu bình khám phá lại vẻ kinh dị nền tảng của chúng đối với tôi và sự xuất hiện của chúng như một phép lạ”.
Ý thức siêu hình, sự thức tỉnh triết lý lừ một kinh nghiệm sống thực, độc đáo, riêng tư, như thể lần đầu tiên và chỉ riêng mình có, thường là khởi điểm của suy tư triết học.
Thực ra các triết gia đều khởi từ một ý thức siêu hình để thiết lập hệ thống của họ. Nói khác đi, mọi hệ thống triết lý đều xuất phát từ một kinh nghiệm, một tình tự thắc mắc của triết gia về cuộc đời, sự tra hỏi bao giờ cũng khởi tử một kinh nghiệm sống động, từ một vị trí đặc biệt hiện sinh của người tra hỏi. Như Heidegger trong cuốn “Siêu hình là gì?” đã viết: “không có vấn đề siêu hình nào có thể đặt ra trong cái toàn thể của nó, mỗi lần phải đặt ra như thể nó xuất phát từ hoàn cảnh thiết yếu của thực tại nhân loại biết tra hỏi, ở đây, bây giờ, cho chúng ta”.
Đọc lại lịch sử chúng ta thấy Kant khởi từ kinh nghiệm một đêm nhìn những vì sao, ông thức tỉnh: vũ trụ có một trật tự. Kinh nghiệm đó là khởi điểm và là cái nền của triết học Kant. Hai tình cảm càng tăng dần nơi tôi: bầu trời sáng trên đầu tôi và luật lệ luân lý ở trong tôi. Tôi thấy chúng trước mắt, tức khắc tôi ràng buộc chúng vào ý thức tôi.
Descarlei một lần cảm thấy mộc cách mãnh liệt sự dọa phạt của thượng đế. Sau khi chứng minh sự hiện hữu của thượng đế, ông dừng lại nhắc nhở mọi người phải phủ nhận tham vọng đó (Tôi thấy cần phải đừng lại một lúc nào đó để chiêm ngưỡng thượng đế toàn hảo, để cân nhắc những thuộc tính lạ lùng của ngài như một ánh sáng miên man kia, bao lâu lý trí còn sức lực cho phép tôi có thể nhìn ngắm mặc dầu ý thức đó có thể bị choá loà). Nhắc lại điều mặc khải nhận được trong mộc đêm, Descartes đã dùng chữ suy ngắm khác với suy tư, dùng danh từ chiêm ngưỡng và tránh dùng những danh từ chỉ sự suy tư. Khởi điểm và cái nuôi dưỡng triết học của ông, là ý thức sống động về thượng đế, là một niềm tin Công giáo. Và cuối cùng, triết học của ông cũng là để đưa về thượng đế.
Kielkegaard một lần cảm thấy một cách mãnh liệt sự dọa phạt của thượng đế giáng xuống ông và gia đình ông trong một đêm mưa bão sấm chớp ầm ầm. Tình cảm đó ông có trong một khoảnh khắc nhưng nó là chìa khoá cho triết học của ông. Lúc đó bất động lớn và sự sụp đổ kinh khủng bày tỏ cho tôi một luật mới mẻ giải thích mọi sự run sợ vì cảm thấy tội lỗi trước thượng đế.
Trong đời phải có lần cảm thông với cái gì cao cả, đến nỗi mọi sự bên cạnh đều là hư không. Cái gì đó, không bao giờ ta quên đi, dù có thể quên tất cả mọi sự khác.
Jules Lequier, trong nhật ký của ông có ghi lại một lần ở vườn, sắp giơ tay hái lá, tôi kinh ngạc khám phá: một cử chỉ nhỏ bé có tác dụng vô hạn. Tôi có thể rút tay lại, điều này minh chứng sự tự do của con người. Cử chỉ nhỏ bé của tôi có thể đưa đến những hậu quả không thể lường trước (dơ tay lên, làm động lá cành, chim thấy động bay đi và người đi săn đang rình…) số phận của thế giới có khi chỉ lệ thuộc vào một cử chỉ nhỏ bé của ta. J.Lequier có kinh nghiệm đó về sự tự do và sự cao cả của con người. Triết học của ông xoay quanh kinh nghiệm này.
Do đó, có thể nói, cái siêu hình ở ngay trong con người, ở giữa lòng cuộc đời, vì nó bao hàm trong mỗi cử chỉ của con người ở mỗi sự kiện của cuộc đời. Vậy siêu hình học không xoá bỏ cược đời, cái hay thay đổi, cái cụ thể để thiết lập cái vĩnh viễn trường tồn trong một hệ thống trừu tượng tổng quát nhưng là bắt đầu từ chính cái tầm thường cụ thể, cái nhỏ bé của cuộc đời. Không nói rằng triết lý là bàn cãi cao xa, do đó phải bỏ qua cái lặt vặt, tầm thường của đời sống hàng ngày nhưng là ngạc nhiên và thắc mắc tại sao có cả tầm thường, tại sao cuộc đời người lạt dệt bằng những cái tầm thường, những cái có vẻ vô nghĩa hay rất ít ý nghĩa. Ý thức siêu hình là suy tư từ chính những cái tầm thường đó như Merleau Ponty viết: “Sự ngẫu nhiên vô thường của mọi cái có và đáng giá không phải là một chân lý nhỏ bé mà người ta phải tìm cách nhét nó vào một xó nào đó của một hệ thống nhưng là điều kiện của cái nhìn siêu hình về cuộc đời.
Nhưng ý thức siêu hình, kinh nghiệm siêu hình phải đưa đến siêu hình học, nghĩa là đưa đến một suy tư có hệ thống mạch lạc. Người ta chỉ có thể trao đổi, thông cảm với nhau bằng ý niệm, hệ thống, bằng siêu hình học. Tuy vậy người khác tiếp nhận có thể không lãnh hội được ý thức siêu hình, không thức tỉnh như tác giả mà chỉ tiếp nhận siêu hình học một tri thức, một hệ thống vô ngã, trừu tượng.
Ý thức siêu hình không thể không đưa tới siêu hình học. Nhưng nếu siêu hình học chỉ còn là một tri thức nhất là một tri thức tự mãn, khép kín, hoàn tất thì càng bóp chết ý thức siêu hình là sự thức tỉnh, bất mãn, đặt lại vấn đề.
Có một cách làm cho siêu hình học là một tri thức, không phải chỉ là một tri thức là quan niệm siêu hình học như một giai đoạn của biện chứng ý thức siêu hình. Siêu hình học, ý thức siêu hình học…
Vậy có một biện chứng của ý thức siêu hình và siêu hình học, nói biện chứng nghĩa là chủ trương một tương quan thiết yếu giữa hai khía cạnh của cùng một thực tại. Lịch sử triết học, sinh hoạt triết lý đều bao gồm cả hai khía cạnh đó. Không thể có siêu hình học, triết học, nếu đã không có ý thức siêu hình. Tất cả những nhà triết học đều đã xây dựng hệ thuống triết học của mình từ một kinh nghiệm sống thực bắt nguồn từ một sự thức tỉnh triết lý một ý thức siêu hình về một vấn đề nào đó. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở ý thức siêu hình, không biến nó thành tri thức, hệ thống thì cũng chưa có siêu hình học. Cho nên ý thức siêu hình phải đưa tới siêu hình học. Rồi siêu hình học lại phải đưa tới ý thức siêu hình, cứ như thế trong một vận chuyển biện chứng không ngừng xác định triết lý như một sinh hoạt một lịch sử. Không thể dừng lại ở một giai đoạn nào, dừng lại ở siêu hình học, nghĩa là coi siêu hình học như một hệ thống tri thức, tức là bóp chết ý thức siêu hình. Hoặc nếu dừng lại ở ý thức siêu hình thì cũng là từ chối siêu hình học. Một siêu hình chỉ tà siêu hình học khi được bày tỏ, biểu lộ ra bên ngoài bằng ngôn ngữ luận lý, chứ không phải được giữ trong tâm trí như một trình tự sống thực tư riêng, bí mật, một mình mình biết, một mình mình hay.
Có ý thức thắc mắc, tra hỏi rồi biểu lộ giải đáp. Sau đó lại ý thức, thắc mắc từ giải đáp nêu lên. Cứ như thế mãi mãi. Triết lý là toàn thể sinh hoạt nhận thức, tri thức đó.
Triết lý không phải là một trường hợp những tri thức cũng không phải là một tri thức tuyệt đối, hoàn tất, nhưng là sự ý thức được tính cách tạm thời tương đối, hàm hồ của mọi nhận thức, mọi hệ thống.
Mỗi nỗ lực nhận thức và hệ thống hóa nhận thức từ ý thức siêu hình, không phải là nhằm thanh toán vấn đề, hay đi tới một giải đáp hoàn tất, nhưng là như đẩy xa hơn sự tra hỏi, thắc mắc xuất phát từ trai đoạn nhận thức vừa đạt tới.
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh