Triết học và tâm sự của các nhà giáo
Thực tế ở ViệtNam, việcgiảng dạy môn triết học cũng như đội ngũ cán bộ nghiên cứu giảng dạy môn học này hiện ra sao?
PGS-TS Doãn Chính - Trưởng khoa Triết ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM):Chúng tôi chưa hề dao động trước cuộc sống!
Dù cuộc sống luôn có những biến đổi, nhưng triết học thì không thay đổi, cũng như bản thân những người giảng viên chúng tôi chưa hề xao động trước cuộc sống. Nếu xao động thì chắc chắn chúng tôi không thể đứng vững trên bục giảng cho đến hôm nay. Hiện tôi nghiên cứu và giảng dạy lịch sử triết học phương Đông. Đây là lĩnh vực mà tôi đã quyết tâm theo đuổi.
Vào những năm 1980, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn: đồng lương ít ỏi, giảng đường đìu hiu vì ít người theo học, sách tham khảo Triết học lại khan hiếm, thậm chí phải nhờ người mua sách ở các nơi khác… Vì vậy, có những người đã bỏ nghề chuyển sang làm kinh tế!Còn tôi thì thầm nghĩ, nếu không có triết lý sống thì cuộc sống xã hội chúng ta như thuyền không có bánh lái. Phải đặt triết học vào vị trí quan trọng như bánh lái của con thuyền đang chở bao nhiêu giá trị quý báu của đời sống.
Tôi cho rằng, một trong những yếu tố tác động đến sự phát triển triết học của nước ta hiện nay là việc đưa tư tưởng Mác - Lê Nin vào cuộc sống thông qua sự nỗ lực nghiên cứu giảng dạy của đội ngũ giảng viên. Nếu không biết giảng dạy tuyên truyền Triết học, hoặc giảng dạy nó một cách khô cứng thì triết học không thể “thấm” vào cuộc sống. Tuy nhiên, để phát triển môn triết học tốt hơn, cần phải thay đổi phương pháp tiếp cận cái mới, hiện đại hơn, biến lý thuyết thành hơi thở gần gũi của cuộc sống…
Theo tôi, vị trí của người thầy dạy triết trong tương lai sẽ được nâng cao. Vấn đề chỉ còn phụ thuộc vào năng lực chuyên môn, cách thức truyền đạt của người thầy. Phải biết nhào nặn tinh hoa nhân loại và cái mới của thời đại, đó là những yếu tố quyết định sự thành công đối với một giảng viên triết học.
Tiến sĩ Đinh Ngọc Thạch (Giảng viên ĐH Khoa học-Xã hội và Nhân văn): Ngành Triết học đã mở ra những hướng đi mới…
Triết học là “tinh hoa về mặt tinh thần của thời đại” (K.Mark), nên nghiên cứu triết học cũng là làm sáng tỏ văn hoá tinh thần. Nghiên cứu các học thuyết là tìm hiểu những đóng góp tinh thần của nhiều thế hệ triết gia vào kho báu tinh thần chung. Từ đó trang bị cho mình phương pháp luận thực sự khoa học để tìm hiểu đời sống và xác lập cách tiếp cận phù hợp với đòi hỏi của ngành mình nói riêng và của xã hội nói chung.
Điều đáng mừng, từ năm 1990 trở lại đây số lượng thí sinh vào học khoa Triết của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ngày càng đông. Trước đấy, thậm chí cao học không có học viên; còn sinh viên thì mỗi năm tuyển được khoảng 20 em. Để phù hợp với yêu cầu mới, ngành Triết học cũng đã mở ra những hướng đi mới, hình thành thêm một số chuyên ngành đào tạo mới. Nếu như trước khoa Triết chỉ tập trung hai chuyên ngành mũi nhọn là Triết học Mác - Lênin và Chủ nghĩa Xã hội Khoa học, thì nay Triết học Mác - Lênin vẫn là định hướng thế giới quan cơ bản và là lĩnh vực mũi nhọn đào tạo cho xã hội một đội ngũ cán bộ có trình độ cao cũng như những nhà nghiên cứu có tư duy khoa học.
Thế nhưng, sự phát triển theo cả chiều rộng lẫn bề sâu đang đòi hỏi ngành ngày càng phải có thêm những chuyên ngành hẹp. Lịch sử Triết học thế giới là một chuyên ngành, trong đó có sự phân chia hai lĩnh vực khác nhau là phương Đông và phương Tây. Hay như lịch sử tư tưởng Việt Nam cũnglà một chuyên ngành, nhưng để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và giảng dạy thì lại đi sâu vào từng lĩnh vực tư tưởng Triết học truyền thống, hiện đại, lịch sử tư tưởng Hồ Chí Minh. Chưa kể bộ môn mới vừa được chấp nhận đào tạo là Khoa học chính trị, trong đó triển vọng sẽ có bộ môn logic học, ỹ học, đạo đức học.
Mỗi thời đại đều có cách tiếp cận và nghiên cứu giảng dạy khác nhau, cho nên chúng tôi vẫn đang tích cực cập nhật những nội dung, quan điểm triết học phù hợp với đường lối chủ trương của Đảng. Thật lòng, chúng tôi đang yên tâm với công việc nghiên cứu và giảng dạy của mình, khác hẳn với thời kỳ còn khó khăn trước đây. Hy vọng với cải cách sắp tới của Chính phủ, đội ngũ giáo viên giảng dạy Triết học sẽ gắn bó với nghề hơn.
Thạc sĩ Phạm Thị Hồng Hoa- giảng viên ĐH Khoa học-Xã hội và Nhân văn: Triết học trang bị cho người học tư duy, bản lĩnh độc lập
Tôi giảng dạy môn Triết học Mác - Lênin, nên tôi thường đi thẳng vào vấn đề để nói cho phù hợp đối tượng sinh viên.
Có những lúc tôi phải đối diện với sự thật xã hội, như biến cố của Liên Xô cũ trước đây cũng có tác động ít nhiều vào nhận thức xã hội. Tuy nhiên, về cơ bản Triết học Mác - Lênin không có gì thay đổi. Tùy theo đối tượng sinh viên, người thầy phải lưu ý điều này cho sinh viên của mình, từ đó mới bắt đầu hướng dẫn sinh viên tiếp thu những kiến thức cơ bản và phương pháp tiếp cận khoa học.Tiếp cận khoa học không có nghĩa là chỉ chấp nhận những kiến thức đã hoàn thiện mà phải không ngừng bổ sung để sinh viên trong quá trình học luôn tìm tòi, khám phá những cái mới.
Tôi rất thông cảm sinh viên hiện nay phải tự thân nỗ lực học tập và vượt qua những khó khăn cuộc sống. Vì vậy bản thân tôi luôn động viên sinh viên và cố gắng trang bị cho họ tư duy cùng bản lĩnh độc lập, biết tự khẳng định mình trong sự phát triển, đồng thời góp phần cho sự phát triển của xã hội. Hành trang để vào đời của sinh viên không gì hơn là phương pháp luận khoa học và tiến bộ.
Tôi trực tiếp đứng lớp giảng dạy gần 20 năm nay nhưng tôi hài lòng với công việc của mình. Phương pháp giảng dạy và nội dung truyền đạt đã thật sự tốt hơn. Với sinh viên, tôi phát hiện ra sự chuyển biến về mặt nhận thức của họ cũng tốt. Đội ngũ giảng dạy chúng tôi đã xác định: nếu như không định hướng và không đặt mình trong sự vận động không ngừng thì mình sẽ bị bánh xe lịch sử để lại sau lưng. Điều quan trọng trong Triết học là phương pháp luận. Bác Hồ đã nói, phương pháp luận như kim chỉ nam trong hành động. Người không có phương pháp, không có lý luận như nhắm mắt mà đi. Mình có phương pháp thì giống như mình đi có ngọn đèn soi sáng.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Vui - Chủ nhiệm khoa Triết học, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân Văn (ĐHQG Hà Nội): Thách thức lớn nhất vẫn là giáo dục đạo đức con người
Với tư cách là một nhà giáo, tôi xin được nói đến tác động của triết học với con người, với xã hội dưới góc độ giáo dục. Thực ra, Triết học nói chung và Triết học Mác - Lê Nin nói riêng đã được đưa vào giảng dạy tại các trường ĐH Việt Nam từ rất lâu rồi nhưng tất cả những giáo trình đó mới chỉ đề cập đến khía cạnh thế giới quan; còn vấn đề nhân sinh quan, trong đó có vấn đề đạo đức con người, gần như chưa được chú trọng.
Điều này phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ đạo đức thầy trò trong môi trường giáo dục hiện nay. Tôi lấy ví dụ, có thời kỳ ở trường học, người ta coi học trò là trung tâm, nhưng cũng có thời, người thầy được xem là đối tượng chính trong giáo dục. Họ quên mất rằng, để đạt được hiệu quả giáo dục, cần phải đặt mối quan hệ thầy trò dưới góc nhìn biện chứng (cả thầy và trò đều là đối tượng trung tâm của nền giáo dục). Hậu quả là trong một thời gian dài, học sinh chỉ nghĩ một cách đơn giản rằng, người thầy là cái máy cung cấp kiến thức cho mình. Học sinh đến trường với mục đích duy nhất là "lấy được chữ của thầy bằng mọi giá, thậm chí kể cả bỏ tiền ra mua để sau này biến nó thành công cụ, phương tiện tìm việc, phục vụ đất nước. Về phía thầy cũng vậy. Một bộ phận thầy giáo, vì không được xem trọng, cảm thấy vấn đề đạo đức thầy trò không được đặt nặng nên chỉ chăm chăm tích lũy kiến thức, làm cho mình ngày càng uyên bác lên để có... nhiều chữ "bán" cho trò. Mà cách bán dễ nhất là cứ đọc cho trò chép. Người ta không hiểu được rằng, những kiến thức đó nếu không được song hành cùng vấn đề đạo đức thì sẽ gây nguy hại cho đất nước, cho xã hội biết nhường nào.
Theo tôi thách thức lớn nhất của ngành Triết học trong kỷ nguyên này, đó là vấn đề giáo dục đạo đức cho con người. Bằng phương pháp luận khoa học, triết học hoàn toàn có thể tham gia vào quá trình khắc phục mặt trái, giải quyết những thách thức đang đặt ra không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới, bằng cách tăng cường giáo dục tư tưởng đạo đức cho HS, SV trong trường học. Muốn vậy, không chỉ cứ mang lý thuyết đạo đức ra rao giảng với HS, SV, mà cần lấy ví dụ trực quan sinh động từ thực tiễn cuộc sống làm bài học để răn dạy. Cần phải nói thêm rằng, trước đây, trong giáo trình giảng dạy triết học tại các trường ĐH, có tới 30 tiết giảng đạo đức học cho SV, nhưng về sau, theo chủ trương của Bộ Giáo dục, nội dung này không còn là yêu cầu bắt buộc của chương trình nữa mà tuỳ thuộc vào các trường thu xếp, bố trí thời gian giảng dạy. Vì vậy, thời gian tới, cần phải đưa môn đạo đức học vào chương trình giảng dạy triết học cho HS, SV, tránh tình trạng chỉ đào tạo chuyên môn, kiến thức mà quên rèn giũa đạo đức, tinh thần.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu