Cảm nhận triết lý tục ngữ, ca dao
Bà ngoại tôi 85 tuổi dương, cộng với 15 tuổi âm, tính cho đến nay cụ tròn một trăm tuổi. Sinh thời bà tôi không biết chữ, nhưng lại là một kho tàng ngạn ngữ ca dao như rất nhiều cụ già khác. Và bà rất ưa thanh sắc.Vì vậy khi cậu tôi lấy vợ bà cụ mủm mỉm cười, bảo: "Ra đường thấy vợ nhà người.Về nhà thấy cái nợ đời nhà ta".
Cậu tôi cũng gượng cười theo. Lại khi anh con nhà hàng xóm lấy vợ, nghe bảo vợ giàu. Giàu thì kín khó thấy, chỉ dễ thấy chị ấy gầy gò, mặt bủng, da chì, mắt lại có rất nhiều vết trắng. Bà tôi bảo: "Ở đời tham của thì thua. Của ăn thì hết, mà cái phỗng thờ vua hãy còn".
Ngày ấy tôi còn đang say mê học toán, nên chỉ thấy hay hay, và láng máng một dự cảm rằng đấy là bóng dáng của một thế giới mênh mông huyền bí. Bây giờ thì đã được… một cái năm mươi, học mót được đôi điều càng ngẫm càng thấy các giá trị không thể đo lường hết được của kho tàng vĩ đại là ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ...
Sau thời khoác áo lính tôi đam mê khoa học xã hội, vào Tổng hợp Sử, song lại được ưu tiên làm Triết. Trong tất cả các thứ không chuyên cấu thành sự hiểu biết thực tình là rất hạn hẹp của tôi, cái ít không chuyên hơn cả là lĩnh vực lịch sử tư tưởng. Rồi các sự tình nối tiếp nhau xảy ra, tôi lỗi cả phần đời lẫn phần đạo, cả tính cách, cả vốn sống, cả nghề nghiệp và tâm tưởng... tất cả những gì ở tôi nó cứ rối tung lên thành một món... "tả pí lù”. Tôi yêu cả cụ Ngô Tất Tố lẫn Lãng nhân Phùng Tất Đắc, tôi thích như nhau cả Thôi Hiệu lẫn Trần Tử Ngang, tôi mê như nhau cả Bà Huyện Thanh Quan lẫn Hồ Xuân Hương... nhưng trên tất cả tôi say mê ca dao, ngạn ngữ... Mê là mê vậy thôi, chứ nghiên cứu thì không dám... "Lưng vốn nhà cháu nó không được trường... các bác sĩ cho nhà cháu được mua lẻ chứ không dám mua sỉ”.
Cứ như thế, mỗi năm trời lại cho riêng tôi thêm một tuổi. Tôi nhớ bà ngoại, và trở lại với tục ngữ ca dao... kết quả ngày càng thêm... “Hắt xì! Sống khoẻ này! Sống lâu này! Cơm cá này! Cơm thịt này!". Rồi từ lúc nào chẳng rõ, tôi cũng hay nói như bà ngoại nói: "quá mù sang mưa", "lửa gần rơm lâu ngày cũng bén", hơn là nói "Đến điểm tột cùng của khoảng độ, thì sự thay đổi về lượng không còn thuần tuý là sự thay đối về lượng nữa, mà đồng thời gây ra sự thay đổi về chất”, triết học gọi thế là chuyển hoá từ những thay đổi về lượng thành sự thay đổi về chất gọi tắt là quy luật lượng-chất. Nói thế không biết có quá không.
Có người bảo, sức sống của một dân tộc và của một nền văn hoá được thể hiện rõ nhất là qua những cuộc chiến tranh. Người Việt Nam ta về mặt này cứ gọi là ... yên trí lớn. Nhưng có lẽ còn cần phải nói thêm về một thể hiện khác, đó là sự cọ sát với những nền văn hoá lạ. Trong văn hoá của ta có rất nhiều hình bóng của văn hoá Ấn Độ, Trung Quốc, Pháp... nhưng dẫu sao họ vẫn chỉ là khách kể cả khi khách thân gia chủ đến mức xuống bếp trông hộ nồi xôi! Khách dẫu có sang đến đâu, "nhập gia" cứ phải là "tuỳ tục". Cho nên thơ Đường trang trọng hia mũ đến mấy, về tay "Bà chúa thơ Nôm" lập tức mang dáng vẻ rất "hề gậy": "Một đèo, một đèo, lại một đèo. Khen ai khéo tác cảnh treo leo" Rõ là Ba Đội. "Đến nước Lào thì phải ăn mắm ngóe".
Triết lý trong tục ngữ, ca dao rất thông minh trong biết đủ biết dừng, đôi khi dừng rất hóm. Một trong những nguyên tắc của thẩm mỹ là biết dừng. Có thể gọi đó là một triết lý trong nghệ thuật hay là nghệ thuật... trong triết lý. Lột ra bằng hết thì còn hay hớm gì. Cho nên nói: "Người xinh cái nết cũng xinh. Người giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn”. Là một lối nói thật hay, thật đủ. Cuộc đời vốn như vậy, khép mở, riêng chung… Cái “tỉnh tình tinh” là cái gì? Xin đừng biến nó thành một đề tài nghiên cứu khoa học. Nó là cái gì mà anh có thể nói chỉ riêng anh thôi, cảm nhận theo cách của anh, khác với lối cảm nhận ở người khác. Tại sao, lại bảo nó giòn, cũng thế. Không ai biến được nó thành một món nhắm rượu. Cho nên nó cứ là một ẩn số, nhờ thế mà nó làm linh mãi trên dòng đời của bao nhiêu thế hệ. Hiện thực không bị "vắt kiệt” thành một "bộ xương khô" mà giữ lại một đầm đìa đời sống. Nó vừa là tài liệu, vừa là nguyên lý, nó vừa khuyến cáo, vừa khoan dung, hàm chứa các cách nghĩ cách cảm khác nhau, đôi khi đối lập nhau. Hiểu nó và vận dụng nó là tuỳ cảnh huống của mỗi thời, mỗi nơi, mỗi người. Bảo là "một giọt máu đào hơn ao nước lã” , "máu chảy đến đâu nuôi bầu đến đấy" thì đã đành, nhưng "bán anh em xa mua láng giềng gần" hay "người dưng có ngãi ta đãi người dưng, anh em không ngãi ta đừng anh em"thì cũng rất thuyết phục. Rằng "một ngày tựa mạn thuyền rồng, còn hơn chín tháng nằm trong thuyền chài" là cách lựa chọn của ai đó mà chưa ai dám bảo là dại, nhưng tha thiết ân tình đến độ “Chồng em áo rách em thương, chồng người áo gấm sông hương mặc người" thì cũng rất thật mà lại rất lãng mạn, ối người vợ như thế "chứ còn gì ạ".
Theo một lối suy ngẫm nào đó, có thể coi những thể ngữ ca dao đọng lại cho đến bây giờ là kết quả của vô vàn những cuộc tuyển chọn, nên thường là những điều người hôm nay vẫn tâm đắc, gật gù, thấy chúng. nghiệm đúng với mình. Thế là chúng mang tính triết lý. Triết lý chẳng qua là những kinh nghiệm sống, nghiệm đúng nhiều trường hợp. Nghiệm đúng càng nhiều thì triết lý càng nâng cao. Ví dụ người Việt bảo "cha nào con ấy", thì người Pháp cũng nói "cha nào con ấy" (chỉ khác nói… bằng tiếng Pháp) bởi vì ở đâu cũng vậy, tâm hồn con trẻ là tờ giấy trắng mà dấu ấn gia đình được in lên. Ưu thế của triết lý dân gian là một triết lý có thể được phổ biến bằng nhiều cách, cách nào cũng vẫn "còn thịt”, có mùi vị của cuộc sống, quên câu này còn có thể nhớ câu kia. Cùng một nguyên lý “cha nào con ấy”, người ta còn nói “con ai mà chẳng giống cha, cháu nào mà chẳng giống bà giống ông", “giỏ nhà ai quai nhà nấy“, "trứng rồng lại nở ra rồng, liu điu lại nở ra dòng liu điu”... và chắc còn nhiều nữa.
Lại nữa, triết lý dân gian vì gắn với đời sống, nên bao gồm cả các vấn đề có ý nghĩa chung nhất của vũ trụ quan và nhân sinh quan, lẫn những vấn đề của những mảng sống hẹp hơn, có dân tộc này có thể không có ở dân tộc kia. Đúng ở vùng này nhưng không đúng ờ vùng khác như: “Thọ tỷ Nam sơn, phúc như Đông hải" chỉ có ở Trung Quốc, ai muốn mượn thì phải ghi chú, hoặc "Thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn. Thuận bè, thuận bạn tát cạn biển Đông”thì chỉ có ở Việt Nam. "Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng mênh mông bát ngát, đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng, bát ngát mênh mông” thì chắc hẳn không nẩy sinh ở đồng bằng Bắc Bộ... Thế mà vừa triết lý, vừa mô tả, thành ra người đọc không bị chán. Cung cách diễn đạt lại rất linh hoạt uyển chuyển, còn ghi đậm cấu trúc thẩm mỹ của cư dân, nên luôn có yếu tố lạ, mới, gây hiệu quả thẩm mỹ cho người ta và còn nhiều thế mạnh khác làm cho tuổi thọ của chúng rất dài.
Chúng ta còn có thể khảo sát tính triết lý trong tục ngữ, ca dao... theo các bình diện của đời sống: "Chuồn chuồn bay thấp thì mưa" ngập bờ ao thuộc nhóm kinh nghiệm thời tiết: "Thâm đông tím bắc thì mưa. Khép mông nhọn đít là chưa có chồng” là cả thiên nhiên lẫn con người: "Lá rụng về cội”, "Cóc chết ba năm quay đầu về núi” là mối liên hệ với cội nguồn trong đời sống nhân tính: "Anh em như chân tay. Vợ chồng như áo cởi ngay vứt liền", là một ứng xử của người chồng trước một cuộc cãi lộn chị dâu em chồng...
Chúng ta sẽ lần lượt đi từng ô, trong cả một vườn hoa mênh mông, cả về chủng loại hoa, lẫn độ lớn của khu vườn vô giá này.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn