Triết học học đường
Bước sang thế kỷ 21, một trong những cải cách đầu tiên của ngành giáo dục là vấn đề rèn luyện cho các em có được cái tư duy “biết phủ định”. Ta không nên gọi đó là “nếp” suy nghĩ như lâu nay vẫn quen dùng mà phải gọi là “phương pháp”. Bởi vì đã là “nếp” nhăn trong bộ não là ngày càng hằn sâu, nó khác với phương pháp là phải luôn luôn thay đổi. Và chỉ có trên cơ sở biết phủ định, biết phản tư (criticism), biết tìm tòi những sai lầm trong nhận thức của bản thân mình và của người khác, thì ta mới có khả năng có giả tưởng, có sáng tạo và tìm ra được những ý tưởng mới.
Truy nguyên từ chữ Hy Lạp cổ, “philosophia” gồm có hai thành tố: “philo” có nghĩa là ham thích, “sophia” là tranh biện. Còn chữ triết học (哲學) thì tuy là chữ Hán nhưng được các học giả Nhật Bản sử dụng đầu tiên để dịch chữ “philosophia”. Sau đó Hoàng Đạo Quang, Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi... mới dùng nó để dịch hàng loạt sách triết học phương Tây, trở nên phổ biến rộng rãi như ngày nay. Đem chiết tự chữ “triết” ta cũng có hai thành tố là “chiết” và “khẩu”, nghĩa là dùng lời lẽ để bắt bẻ.
Bản thân danh từ philosophia có hàm nghĩa rất rộng. Đó là sự ham hiểu biết, yêu trí tuệ (love of wisdom). Bởi vậy, đề cập đến triết học còn có nghĩa là ta say mê tìm hiểu, nhận thức về ta, về thế giới xung quanh. Nó đồng nghĩa với khái niệm tìm hiểu “tính” (giống loài, trong đó có ta, có con người) và “thiên đạo” (vũ trụ) của triết học phương Đông.
Tìm hiểu cái gì? Như nhà triết học vĩ đại người Đức là Kant đã nói, đó là bốn vấn đề: ta biết và chưa biết cái gì, ta cần phải làm gì, ta có kỳ vọng gì, và con người ta là gì. Sự truy tìm đó là khôn cùng, bằng lý niệm và kinh nghiệm, bằng duy tâm và duy vật, bằng thực chứng và giả chứng (giả thiết), bằng phương pháp quy nạp và diễn dịch, v.v... Từ đó mà trên thế giới, trong lịch sử đã có hàng mấy chục học phái khác nhau, chống đối nhau, kế thừa nhau, hưng khởi rồi lụi tàn. Mỗi học phái đều có cái đúng cái sai khác nhau, và không có cái nào là chân lý, đúng tuyệt đối. Có thể nói “chân lý” là cái mà con người, từ thế hệ này sang thế hệ khác, truy cầu nhưng không bao giờ nắm bắt được. Đứng trên quan điểm đó nên Einstein, Whitehead... mới có thể tìm ra thuyết tương đối, cơ học lượng tử, chứng minh được những cái sai, cái bất cập của cơ học cổ điển của Newton, từng ngự trị gần ba trăm năm cho đến khi con người bước ra khỏi sức hút của quả đất thì mới lộ rõ cái sai. Với lý thuyết mới, ta giải thích được tại sao không gian lại cong đi mà thời gian thì co lại, mới có thể chứng minh được tiên đề song song là sai hoặc định luật tổng góc trong của hình tam giác có thể lớn hơn hoặc bé hơn 180 độ tuỳ theo mặt không gian lồi hay lõm, v.v...
Tất cả những điều đó đều nhờ có những bộ não luôn luôn biết lật đi lật lại vấn đề. Thế kỷ trước đã như vậy, bước sang thế kỷ 21, khi các ngành khoa học ngày càng giao thoa, giao diện (interdisciplinary, interface), tuỳ thuộc lẫn nhau mãnh liệt hơn bao giờ hết, thì con người lại cần phải có cách suy nghĩa như vậy. Hầu như mọi phát minh khoa học đều nẩy sinh trong miền giao thoa này. Triết học là môn khoa học lý luận về tư duy, càng có sự giao thoa, giao diện mạnh hơn rất nhiều lần. Ngày nay, người ta không còn bàn đến vấn đề là phải kết luận dứt khoát vật chất có trước hay tinh thần có trước, không còn phải phân định rạch ròi giữa duy vật và duy tâm... Người ta đã đi sâu hơn về mặt bản thể luận, về mặt ngoại vật lý (metaphysic) mà trước nay ta quen dùng theo thuật ngữ của giáo sư Hoàng Xuân Hãn là “siêu hình”. Trong khi đó ở Trung Quốc, họ lại mượn thuật ngữ của Kinh dịch là “hình nhi thượng” để diễn đạt khái niệm metaphysic, tức là những cái có trước vật chất, tồn tại trước sự sống, ví dụ như gien có trước khi em bé chào đời. Bởi thế, hiện nay không chỉ phương Tây mà ở Nhật, Trung Quốc cũng đang chú trọng nâng cao tu dưỡng triết học, nhất là phần meta, là cái gốc của nhận thức (Trung Quốc dùng chữ nguyên 元 cũng lại là một thuật ngữ của Kinh dịch, chỉ quẻ Càn) cho học sinh sinh viên. Triết học đây không còn bó hẹp trong triết học chính trị mà đã mở rộng ra tới triết học khoa học, triết học toán, triết học sinh vật, triết học môi trường (không chỉ là môi trường sống của con người mà còn cả quyền sống của muôn loài khác), triết học đạo đức, thậm chí cả triết học nữ quyền (feminism)... Thật vậy, với đà phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại, không có cái gì mà con người không làm được, kể cả nhân bản vô tính, phục chế con người (human cloning, human reproductive cloning), nhưng đồng thời, nếu như không có triết học luân lý, đạo đức, nghĩa là không có tư duy đúng, nguyên lý luận đúng, thì con người cũng có thể đánh mất tất cả và sẽ đi đến chỗ diệt vong. Tư duy đúng ở đây không phải là lặp lại cái khuôn mẫu có sẵn, sáo rỗng, giáo điều, bảo thủ mà bản thân thuật ngữ của nó (dogmatism) đã nói lên tất cả. Tư duy đúng là tư duy mở, có tính tranh luận, ham hiểu biết, dám phủ định... như đã nói ở trên .
Cái hồ nước cho dù rộng mấy nhưng không có dòng chảy, không có sông suối, không thông ra biển cả... thì trước sau cũng trở thành cái hồ chết mà thôi. Đến đây, sẽ có rất nhiều học giả bảo thủ nêu lên các lý do nào là “hoà nhập” mà không “hoà tan”, v.v... để cho rằng những dòng triết học khoa học phương Tây, triết học hiện đại mang tính hiện sinh, thực dụng là tư bản suy đồi... Đó là những lời ngụy biện. Thật ra, lâu nay những nhà nghiên cứu triết học, kể cả các bậc có học vị cao, do thiếu cái nền học vấn khoa học cơ bản sâu (toán, lý, hoá trên đại học), thiếu hiểu biết kỹ thuật, nên luận đề của họ đưa ra đầy rẫy mâu thuẫn. Chỉ nói riêng mệnh đề nêu trên, lấy thí nghiệm Bernoulli, là thí nghiệm bơm một giọt mực vào một bình nước, để dẫn chứng. Quan sát hiện tượng, ta sẽ thấy nếu để yên, dòng mực thành một tia rồi tan dần, nhưng nếu đem bình lắc mạnh thì nó hòa lẫn ngay với nước. Điều đó chứng tỏ, dòng mực nếu không đủ nhiều, đủ mạnh, đủ đậm đặc... thì sự hoà tan không để lại chút dấu vết gì là điều tất yếu. Do vậy, trong một xã hội mở, muốn bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc, chúng ta không thể lập hàng rào.
Giống như trong bình nước, ta chỉ có thể tìm những lối tư duy mới, cơ chế miễn dịch mới. Đó là phương pháp giảng dạy, đào tạo mới, trước hết là phương pháp tư duy (triết học) mới. Ta có thể lấy câu nói của George Polya (1888-1985), nhà toán học Mỹ gốc Hungary, bàn về phương pháp dạy toán, là phải “dạy cho học sinh suy nghĩ” (teach to think). Ban đầu là “làm thế nào để giải đề” (How to solve it) sau tiến lên một mức cao hơn là “khám phá con đường logic phát hiện toán học” (the logic of mathematical discovery) để cải tiến cách dạy và học các môn khoa học nói chung, triết học nói riêng. Ở nước ta, đây có lẽ là nội dung triết học học đường mà trước hết các bậc giáo sư phải được học và cập nhật để lột xác - cho dù có phần đã muộn.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự Lập“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt