Liệu triết học có phải là khoa học không?
“Có thực triết học là khoa học không?” gắn với sự nghi ngờ về tính chất của ngành này là một câu hỏi khoa học chân chính, một câu hỏi triết học đối với chúng ta. Triết gia và những người quan tâm đến triết học cần phải nhìn lại, nhận thức đúng về ngành Triết học để soi lại mình và định hướng để cho triết học phát triển tiếp.
Ở mỗi thời, mỗi trường phái triết học đều có những quan điểm khác nhau về triết học.
Khởi thuỷ triết học ở phương Tây có ý nghĩa là yêu thích sự thông thái. Philos (Greek) = theo đuổi, Sophos(Greek) = khôn ngoan. Triết học mang nghĩa là Theo đuổi sự khôn ngoan. Ở thời điểm triết học ra đời thì khoa học theo nghĩa là mộthình thái ý thức xã hội phản ánh hiện thực khách quan (bằng hệ thống chân lý về thế giới được diễn đạt bằng các khái niệm, giả thuyết, học thuyết, nguyên lý... thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học đặc thù) vẫn còn chưa xuất hiện.
Trong quá trình phát triển, triết học ngày một đa dạng, phức tạp hơn và thường xuyên biến đổi, có thâm nhập trao đổi qua lại với các hình thái ý thức xã hội khác: khoa học, nghệ thuật, mỹ học, tôn giáo… Chúng ta có thể nói đến mối quan hệ qua lại giữa khoa học và triết học nhưng có nhiều sách báo, học giả quan điểm đồng nhất chúng với nhau, có nghĩa là: Triết học chính là Khoa học. Chúng ta thường gặp những phát biểu như sau về triết học:“triết học là ngành khoa học về tự nhiên, xã hội, tư duy... “
“Có thực triết học là khoa học không?” gắn với sự nghi ngờ về tính chất của ngành này là một câu hỏi khoa học chân chính, một câu hỏi triết học đối với chúng ta. Triết gia và những người quan tâm đến triết học cần phải nhìn lại, nhận thức đúng về ngành Triết học để soi lại mình và định hướng để cho triết học phát triển tiếp.
A. Quan điểm coi Triết học không phải là Khoa học cho rằng triết học chưa bao giờ và sẽ chẳng bao giờ là khoa học cả.
Việc đồng nhất Triết học là khoa học của khoa học hay là như một ngành khoa học nào đócũng cần phải xem xét lại. Quan điểm này dựa trên 7 đặc điểm khác biệt cơ bản giữa triết học và khoa học:
1. Ở mức độ này hay khác thì tất cả các kết luận của khoa học phải được chứng minh nhờ các sự kiện, quan sát và thực nghiệm. Nhưng triết học lại thờ ơ với việc xác nhận này.
2. Các khẳng định khoa học được kiểm tra một cách kinh nghiệm và có thể bác bỏ bởi thí nghiệm. Nhưng những khẳng định của triết học không được kiểm tra và không bị bác bỏ.
3. Trong mỗi khoa học thường tồn tại một lý luận cơ bản mà ở thời kỳ nhất định phần lớn các nhà khoa học đều ủng hộ lý luận ấy. Ngược lại triết học không có lý luận thống trị mà đa trường phái, đa trào lưu, đa xu hướng.
4. Khoa học sử dụng một cách rộng rãi sự quan sát, đo lường và thực nghiệm. Nó thường hướng đến quy nạp và dựa vào sự khái quát hoá. Nhà triết học thì không , làm quan sát/thí nghiệm, thu thập các sự kiện. Anh ta sử dụng phương pháp tiên đề kiểu toán học, tiên đề không cần những luận chứng thực tế như thực nghiệm.
5. Trong khoa học luôn tồn tại các vấn đề mọi người thừa nhận và cùng khám phá. Còn triết học không có những vấn đề được thừa nhận chung.
6. Mỗi khoa học cụ thể đều có ngôn ngữ đặc thù của ngành mình. Ngôn ngữ chung tạo khả năng trao đổi và thể hiện các kết quả giữa các khoa học gia. Thế còn ngôn ngữ triết học lại không xác định. Mỗi triết gia đều muốn đưa nội dung riêng, ý nghĩa riêng của những thuật ngữ quen thuộc vào khái niệm của mình.
7. Khoa học đem lại cho chúng ta chân lý nghĩa là phản ánh tương ứng hiện thực trong hình thức các khái niệm, định luật và lý luận khoa học. Triết học lại không chỉ phản ánh hiện thực mà còn mô tả việc cải tạo thực tiễn - nên làm thế nào để tốt đẹp hơn... Không thể đặt một mệnh đề triết học vào các sự kiện thực nghiệm với mục đích khẳng định hay bác bỏ nó.
Theo quan điểm này triết học không phải chỉ là khoa học mà nó là hệ thống hoàn chỉnh các quan điểm về thế giới, về vị trí của mình ở trong thế giới và xã hội. Nét đặc trưng của thế giới quan là ở chỗ cùng với một số khái niệm về thế giới, nó bao hàm cả trong mình mối quan hệ với thế giới, sự đánh giá thế giới từ luận điểm của các giá trị, lý tưởng nào đó...
Những mối quan hệ thế giới quan và sự đánh giá luôn luôn là chủ quan, chúng được xác định bởi những đặc điểm của người mang thế giới quan, bởi vị trí và quyền lợi của người đó trong xã hội... Vậy triết học luôn mang tính cá nhân.
Nếu theo cách nhìn như vậy thì triết gia phải thấy rõ điều quan trọng mô tả được thế giới quan của cá nhân mình. Chúng ta cũng nhìn triết học như lịch sử vận động thế giới quan của các cá nhân. Chúng ta không phải chỉ tìm kiếm những giá trị chung mà hình thành và thể hiện sự nhìn nhận riêng với thế giới, mối quan hệ cá nhân với thế giới...
Quan điểm này giải thích được vấn đề tại sao các quan điểm của cá nhân là khoa học gia hay những người không liên quan đến hoạt động khoa học lại vẫn được coi là quan điểm có “mang tính triết học”. Đó là bởi những quan điểm ấy đóng góp hình thành nên hệ thống hoàn chỉnh các quan điểm về thế giới cho một cá nhân hay cộng đồng.
Khi đã coi triết học không phải là khoa học, việc còn lại là chúng ta xem xét mối quan hệ giữa chúng với nhau. Có quan điểm cho rằng đó là loại quan hệ chủ thể - khách thể đối lập nhau. Các ngành khoa học như vật lý, hoá học… thể hiện nhân tố đối lập giữa chủ thể và khách thể, sự nhận thức của chúng tất yếu phải loại trừ cái chủ thể trong tri thức. Ngược lại, dù có những sự khác nhau, các học thuyết triết học đều thể hiện nhân tố đồng nhất chủ thể và khách thể.
“Thế giới nhập vào trong cấu trúc của tự ý thức với tư cách là khách thể của chính sự đồng nhất của ý thức”. Bởi thế trong sự nhìn nhận triết học, thế giới gắn bó bên trong với ý thức, cùng với nó tạo nên một chỉnh thể duy nhất thể hiện sự thống nhất bên trong của con người và tự nhiên. Chỉnh thể này tạo nên nội dung của khái niệm tồn tại. Với tư cách là nhân tố của chỉnh thể này, thế giới là đối tượng nhận thức của triết học.
B. Quan điểm ngược lại thì coi Triết học là khoa học, đã là Triết học thì phải mang tính khoa học
Chính Mác và Ăngen đã đặt cơ sở cho triết học khoa học bằng nhận thức duy vật lịch sử. “Nhận thức duy vật quá trình lịch sử làm cho triết học của chủ nghĩa Mác trở thành một khoa học chân chính”.
Triết học có mặt ở trong các tư tưởng bao trùm cả thời đại và sẽ là phi lý khi giả định nó bước qua thời đại ngày nay - thời đại mà tính duy lý khoa học được xem xét như chỉ số của tinh thần. Vậy thời đại của chúng ta phải có triết học mang tính khoa học.
Chúng ta có thói quen coi khoa học là những tri thức phổ biến, khách quan và không mang tính cá nhân. Nhưng đồng nhất tính khoa học với tính phổ biến, chúng ta cũng có thể phủ nhận tính khoa học với các khoa học về hệ thống đang phát triển chừng nào mỗi hệ thống như thể là đơn nhất và tuân theo những quy luật hoạt động và phát triển đặc thù của riêng mình. Chúng ta cũng không thể nào phủ nhận dấu ấn của cá nhân, người sáng tạo trong các hệ thống triết học.
Khi nói rằng thực tiễn lịch sử xã hội là tiêu chuẩn khách quan của tính chân lý trong khoa học và triết học thì cần hiểu thực tiễn trong tính chỉnh thể và sự phát triển của nó.
Tính chân lý là cần thiết nhưng vẫn là tiêu chuẩn chưa đầy đủ của tính khoa học. “Vật lý học hiện đại đã chỉ ra rằng khoa học luôn chứa đựng cả nhân tố chủ quan. Tri thức của khoa học tự nhiên cũng không thoát khỏi quan hệ đánh giá, dù rằng ở đây quan hệ này giữ vai trò nhỏ hơn trong các khoa học xã hội và triết học”
Vậy, triết học thuộc về kiểu khoa học khác mà chỉ bắt đầu được chúng ta suy nghĩ và cho đến nay chưa hiểu đến cùng. Khoa học kiểu này là khoa học về các khách thể mang tính cá biệt... Mục đích của triết học là mong muốn hài hoà thế giới tinh thần của cá nhân với thế giới bên ngoài, là sự tìm kiếm phương thức hài hoà này,,,
C. Quan điểm khác trung hoà quan điểm về quan hệ giữa triết học với khoa học và quan điểm coi triết học là khoa học như sau:“Triết học vừa là khoa học và vừa không là khoa học”.
Triết học là một sự hỗn tạp, nó cần thiết để cân bằng giữa khoa học và không khoa học, bởi nhiệm vụ của nó là gỡ bỏ cái ranh giới ấy!
Đã từ lâu, chúng ta đã xem xét triết học dưới cả 2 dạng tồn tại của nó: như một hình thái ý thức xã hội và như một khoa học.Vậy nên chúng ta chuyển sang tìm hiểu mối quan hệ giữa khoa học với các hình thái ý thức xã hội khác nhau, trong đó có triết học.
Khoa học có thể lấy bất kỳ hiện tượng nào đó của hiện thực vật chất hay tinh thần thành đối tượng nghiên cứu của mình. Nó nghiên cứu những vấn đề đạo đức, thẩm mỹ và những vấn đề khác của xã hội thuộc về lĩnh vực tinh thần. Nó nghiên cứu cả chính quá trình sáng tạo khoa học nghĩa là nghiên cứu cả chính bản thân mình.
Vậy thì cớ gì nó không nghiên cứu những vấn đề triết học trong đó có những vấn đề thuộc về thế giới quan. Ngay đến đạo đức, nghệ thuật, tôn giáo có phải là khoa học đâu. Nhưng điều đó đâu có phủ nhận sự tồn tại của đạo đức học, mỹ học và thần học… Nhưng khác với các khoa học này, khoa học triết học không có một cái tên chuyên biệt để phân biệt nó với triết học như một hình thái ý thức xã hội và là đối tượng nghiên cứu của nó. Bởi lẽ sự hình thành triết học như một khoa học theo thời gian gần như trùng với sự hình thành triết học với tư cách một hình thái ý thức xã hội. Vì thế khoa học triết học không có tên riêng mà trộn với hình thái ý thức xã hội tương ứng. Nó cũng giải thích vì sao từ lâu người ta đồng nhất Khoa học với Triết học.
Sự khác biệt có thể phân biệt là hình thái triết học của ý thức xã hội (có thể gọi với một cái tên khác là triết lý) chính là sự hướng ra ngoài, là quá trình thấu hiểu của triết học về thế giới – thế giới quan. Còn khoa học triết học (vẫn thường dùng với cái tên truyền thống là triết học) - đó là sự phản tư triết học hướng đến bản thân mình (đến thế giới quan) hoàn thành vai trò phương pháp luận và là “sự tự nhận thức” của xã hội.
Vậy đấy, thế còn bạn nghĩ sao? Triết học có là khoa học chăng?
Nếu ta nhận thức được rằng,triết học có những yếu tố không mang tính khoa học thì nó sẽ giúp ta thoát khỏi tình trạng giáo điều trong suy tư triết học, tạo điều kiện cho sự phát triển tự do, sáng tạo tri thức triết học. Ngoài phương diện về nhận thức luận ra, triết học còn chứa đựng cả phương diện đánh giá mang tính cá nhân. Giá trị học thể hiện vai trò của tác giả trong việc biện minh, tiếp nhận các quan điểm, các hệ thống triết học khác nhau đối với cá nhân.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh