Đưa vào triết học (phần 3)

09:15 CH @ Thứ Tư - 01 Tháng Ba, 2006

Xem »


Triết lý để làm gì?

Người ta thường có thiên kiến cho triết học hay siêu hình học là một môn học không những trừu tượng, khó hiểu mà còn vô ích, vô bổ vì không đi tới đâu. Các triết gia cãi nhau về những vấn đề trong bao nhiêu thế kỷ mà vẫn không đi đến những giải đáp, những kết quả bền vững.

Người ta đã nghĩ sở dĩ những người đi trước vùi đầu vào những môn học đó vì họ muốn trốn chạy trước những vấn đề trước mắt do đời sống đặt ra.

Trước sự thất bại của siêu hình học, nhiều triết gia giải quyết bằng cách phủ nhận triết học, siêu hình học sự phủ nhận này có ngay trong giới triết học.

Như Auguste Comte quan niệm, siêu hình học chấm dứt với sự xuất hiện của khoa học thực nghiệm. Khoa học thực nghiệm, theo ông, là đường lối tri thức chính đáng. Ông đã giản lược phạm vi nhận thức toàn diện của con người vào phạm vi khoa học.

K. Marx bảo: “Nhân loại chỉ đặt những vấn đề mà con người có thể giải quyết”. Bởi vậy siêu hình học, với ông, không phải là vấn đề nên đặt ra, bởi lịch sử triết học đã cho biết không một vấn đề thuộc phạm vi siêu hình học nào được giải quyết ổn thoả.

Để chỉ siêu hình học, Trần Đức Thảo, trong “triết lý đi đến đâu” đã dùng danh từ huyền học, hiểu là môn học về những gì hão huyền, vượt khỏi lĩnh vực hiểu biết của con người…

Hình như những sự phủ nhận này bắt nguồn từ một vài ngộ nhận.

Ở đây không xét đến thái độ phủ nhận triết lý của những người thực tế chủ trương chỉ biết “ăn no ngủ kỹ”, suy nghĩ làm gì cho tổn thọ mà chẳng đi đến đâu cũng chẳng giải quyết được gì và chẳng giúp ích gì cho ai. Lúc nào cũng bóp đầu, bóp trán đăm chiêu, tư lự nghiêm trang, khổ hạnh cho cực tâm làm gì? Họ cho rằng hạnh phúc ở chỗ sống “hồn nhiên” thảnh thơi, không thắc mắc tư lự, không bi đát hoá cuộc đời. Cũng có phần đúng, hình như những người béo tròn, khuôn mặt đầy đặn, nằm xuống là ngáy rồi thường có khuynh hướng lạc quan về cuộc đời mình và nhìn cái gì cũng đơn giản và nhẹ nhàng, không quan trọng hoá và do đó có vẻ “phúc hậu” thật… phải chăng chỉ những người gầy cao mới hay triết lý, tranh luận…

Những có những nhà tư tưởng và triết học lớn lao cũng phủ nhận triết học. Khi C. Mác nói: “Nhân loại chỉ đặt những vấn đề nó có thể giải quyết” ông đã hiểu triết học như một thứ kiến thức suông, chỉ nhằm cắt nghĩa sự vật, cuộc đời, cắt nghĩa để mà cắt nghĩa, trong khi vấn đề là phải biến đổi nó đi. Các triết gia từ trước đến nay đã chỉ giải thích cuộc đời trong khi vấn đề là phải biến đổi nó. Trước đói ăn, rách mặc, trước áp bức đè nén, mà chỉ cắt nghĩa, giải thích để hiểu suông thì quả thật tri thức là vô ích. Cho nên triết học hiểu như những nhận thức suông, thoát ly, dù cao siêu thế nào đi nữa, triết lý của bọn người ngồi trong phòng êm ấm no nê, suy luận trên đầu những lớp người ở trong một hoàn cảnh không còn nhân loại, vì áp bức bóc lột thì cần phải đả phá và đạp đổ lâu đài triết học đó đi. Nhưng làm như vậy không phải là gạt bỏ triết lý, siêu hình học nếu hiểu triết lý như một sinh hoạt tư duy gắn liền với cuộc đời của con người. Thực ra những A. Comte, C.Mác từ chối triết lý mà chính họ lại là những nhà triết học lớn lao trong lịch sử.

Nhân loại đặt hai loại vấn đề:

1- Một loại vấn đề có thể thực sự giải quyết dần dần được:

Những vấn đề thuộc lĩnh vực mà ta gọi là lĩnh vực người đời (người ở đời), vấn đề cơm áo, vấn đề kinh tế xã hội, khoa học kỹ thuật. Người ta dần dần tiến tới những giải pháp hợp lý về những vấn đề đó. Thật ra nhiều vấn đề đã dứt khoát thanh toán được. Tuy nhiên cũng không nên tưởng rằng khoa học sẽ giải quyết được tất cả những vấn đề thực tiễn vì hình như đôi khi người ta đứng trước một hoàn cảnh, nghịch lý sau đây: giải quyết được những vấn đề này lại làm nảy ra những vấn đề khác. Ở Châu Âu có thể nói đã thanh toán xong các bệnh truyền nhiễm, thiên thời nhờ những tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhưng chính tiến bộ khoa học kỹ thuật lại đẻ ra những bệnh khác không kém phần nguy hiểm: các bệnh thần kinh, bệnh trưởng giả, bệnh con nhà giàu, bệnh hạnh phúc. Càng tạo được nhiều đảm bảo, đề phòng thân xác càng mất đi khả năng kháng cự, và do đó để mặc bệnh ra gió nắng một tý đã cảm sốt. Thân xác như chỉ khoẻ mạnh nếu óc dầm sương dãi nắng, có xông pha sương gió, vất vả “ăn bẩn sống lâu”. Một đời sống vật chất quá đầy đủ về tiện nghi bảo đảm xã hội như ở Thuỵ Điển không còn lo sợ cho tương lai, không phải chiến đấu cạnh tranh sinh tồn (chiến tranh cũng không có) lại làm cho con người mắc bệnh trầm trọng, buồn chán và đi tự tử.

Nhân bản là chống đau khổ, giảm bớt đau khổ (cả tinh thần thể xác). Nhưng một mặt khác hình như chỉ có đau khổ mới làm cho người ta khám phá tình thương, tính đồng loại, sự hiểu biết, thông cảm với người khác. Phải chăng một người không bao giờ đau khổ hay ít đau khổ dễ trở thành khô khan phi nhân?

Người mẹ có đẻ con mới cao quý, nếu con cái sẽ đẻ trong phòng thí nghiệm, còn tình mẹ không? Người ta mong trẻ mãi, sống lâu. Nhưng giả xử cứ sống mãi, có chán sống không? Do đó ngay trên bình diện khoa học, việc giải quyết những vấn đề đặt ra, không phải là giảm bớt vấn đề mà hình như chỉ là thay thế những vấn đề (hiện tượng mọc lông vịt: nhổ lông này, mọc lông khác) và hơn nữa, việc giải quyết những vấn đề thuộc bình diện khoa học càng dứt khoát bao nhiêu cũng đưa tới những vấn đề vượt phạm vi khoa học, và làm cho những vấn để này được đặt ra một cách gắt gao, sâu xa, trong những chiều hướng mới như thể đụng chạm tới chính thân phận làm người đời của con người.

2. Loại vấn đề không bao giờ giải quyết được dứt khoát:

Đây là những vấn đề thuộc lĩnh vực đời người (ý nghĩa sau cùng cuộc đời) lĩnh vực triết lý siêu hình. Thực ra ai đã đặt ra và giải quyết đều tưởng mình đã giải quyết được (ít ra tin như vậy). Nhưng rồi đến người sau vẫn thấy giải quyết đó không ổn, vẫn cần phải đặt lại hơn nữa hình như giải đáp của những người đi trước càng hoàn toàn, đồ sộ bao quát, càng làm cho người đi sau thắc mắc, càng đặt thêm nhiều vấn đề (trường hợp Hégel, C.Mác chẳng hạn). Chính C. Mác, A. Comte cũng đã đặt những vấn đề siêu hình và đã đặt trong một viễn tượng mà khoa học cho là có thể giải quyết được, nhưng rút cuộc bây giờ người ta đã “đặt lại vấn đề” viễn tượng triết lý của họ và do đó lại phải triết lý lại, bắt đầu lại.

Cho nên nhân loài đặt những vấn đề nó giải quyết được và phải đặt cả những vấn đề nó không giải quyết được. Khi C.Mác nói: “Nhân loài cứ đặt những vấn đề nó giải quyết được” ông đứng ở bình diện lợi ích để nhìn và phê phán hoạt động nhận thức. Quả thật những vấn đề nhân loại giải quyết được đều có một công dụng thực tiễn. Nhưng không thể lấy tiêu chuẩn lợi thực tiễn để xóa bỏ những vấn đề không thực tiễn hay không trực tiếp có công dụng thực tiễn. Con người vẫn phải đặt những vấn đề triết lý, không phải nhằm lợi ích gì thực tiễn, nhưng vì là người. Người là một vật biết tra hỏi và không thể không tra hỏi ý nghĩa cuộc đời của mình. Cho nên nhân loại vẫn phải đặt những vấn đề mà những giải đáp luôn luôn bị xét lại, chỉ vì nhân loại không thể sống tồn tại với tư cách là nhân loại nếu không đặt những vấn đề đó. Con người tra hỏi ý nghĩa cuộc đời để sống, hiện hữu như là người. Nó có thể gán cho hành động, cuộc đời mình một ý nghĩa nào đó, một quan điểm nào đó, nhưng nó không thể không gán cho cuộc đời nó một ý nghĩa là nó không thể không triết lý.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đưa vào triết học (phần 2)

    08/01/2016Nguyễn Văn TrungTrong lớp triết, chỉ tìm hiểu với một thái độ như thái độ ở lớp khoa học, không thể thực sự hiểu được triết lý. Chỉ có thể hiểu được triết lý từ thái độ sống đó mà thôi...
  • Đưa vào triết học

    22/12/2005Nguyễn Văn TrungTrước khi học một môn gì tôi hỏi: Môn đó là gì? Chẳng hạn Vật lý học là gì? Vậy trước khi học triết lý, tôi cũng hỏi triết lý là gì? Và tôi coi việc hỏi như vậy là sẽ tự nhiên đã hẳn là thế, chẳng khác gì tôi hỏi về một vật gì, một việc gì chẳng hạn, cái bàn là gì?