Lời nguyện cầu nhỏ khi đọc báo
Thú thật, sáng sáng khi giở báo, nhiều khi thấy chán vì các trang thời sự quốc tế sao cứ na ná nhau, cho dù dưới mỗi bài tác giả ký tên rõ to.
Máy bay rơi, động đất ầm ầm, bắn nhau ở đây, núi lửa ở kia, tổng thống này đi thăm, tướng tá nọ đảo chính…, báo nào cũng chừng đó chi tiết. Tối hôm trước, thậm chí từ trưa chiều, xem truyền hình đã chán chê hình ảnh.
Sáng hôm sau, mua báo lại đọc phải chừng ấy chi tiết, nhơi lại chuyện đã biết ngày hôm qua: What? Who? Where? When? (Cái gì, ai, ở đâu, khi nào) Chấm hết! Reuters, AP, AFP… viết mấy chữ, dịch lại bấy nhiêu, thậm chí giản lược hơn cho đủ đất đăng. Còn cái Why? How? (tại sao, như thế nào), mà người đọc muốn biết và cần biết, thì chẳng thấy!
Có tác giả giữa những ngày Bangkok khói lửa, ngồi Sài Gòn dịch mà quên dẫn nguồn, tả cảnh đi chợ giữa lòng khu phe áo đỏ “cắm dùi”: thiên hạ tỉnh queo buôn bán, hàng hóa ê hề, các túi xách Louis Vuitton đầy đường giá chỉ có 50 baht!
Dịch mà quên phân tích: giỏ Louis Vuitton nào mà giá không đầy ba chục ngàn đồng? Trừ phi giỏ “Hồng Kông bên hông Chợ Lớn”! Nên “bài viết” cứ như của một “bà đầm mũi lõ, mắt xanh” lần đầu tiên lớ ngớ đến Bangkok!
Ngày càng chẳng buồn ghi nguồn, hoặc có ghi thì ghi ở một chỗ “khiêm tốn”. Khéo léo hơn nữa thì tổng hợp: lấy nửa bài báo này hay hai phần ba, ráp một chút bài báo kia lại, rồi ký tên, mở ngoặc đơn (tổng hợp từ…). Cứ như thể cái ý to đùng của bài ấy là của tôi, “Nguyễn Văn Mỗ”… Cứ như thể, dịch giả mới chính là tác giả và là tác giả nguyên thủy.
Học làm báo cho đã để chỉ dịch và dịch thôi sao? Khi chưa tự ấn định được cho mình góc nhìn trong một sự kiện, tự mình đặt câu hỏi về những cái gì “behind the scene” (chuyện hậu trường, chuyện đằng sau) của sự kiện đó, chưa thoát ly được với cái “bài báo văn mẫu” kia, thì vẫn cứ là dịch giả. Và là dịch giả thì hãy nêu tên tác giả, vì chỉ tên tác giả đó mới bảo chứng độ xác thực của thông tin, tính vững chắc của lý luận, chứ không phải tên dịch giả! Tác giả thì chỉ có một, còn dịch giả thì xỏ xâu.
Trên thế giới thiên hạ có dịch báo không? Có. Nhưng chỉ đề tên tác giả và tờ báo nguồn. Tờ Courrier International là một tờ “đặc san” định kỳ cùa Pháp, chuyên dịch lại các bài báo hay trong tuần của các nước. Các bài dịch, trịnh trọng ghi nguyên tên tác giả cùng tờ báo gốc, tuyệt đối không đề tên dịch giả, thậm chí trịnh trọng giới thiệu tờ báo nguồn đó là gì, ở đâu, số lượng phát hành bao nhiêu… Và nghiêm chỉnh trả bản quyền.
Các trang thể thao quốc tế cũng thế. Khi xưa, có một vị đồng nhất hóa mình với tờ L’Equipe, bê nguyên quyển báo mà dịch: nay “khối vuông huyền ảo”, mai “hàng không mẫu hạm”...
Chẳng qua, “khối vuông huyền ảo” đó vốn từ chữ “le carré magique”, mà tờ L’Equipe chế ra từ từ ngữ le carré trong mệnh lệnh “Formez le carré” mà trong sơ đồ chiến trận thời xưa, từ thời La Mã đến Napoléon, chính là “hãy xếp thành hình khối vuông để phòng thủ” hàng hàng, lớp lớp.
Tờ L’Equipe thêm tính từ magique (huyền ảo) để gọi cho kêu hàng tiền vệ 5 người thời Michel Platini còn xỏ giày đá World Cup 1982 với Alain Giresse, Jean Tigana và Bernard Genghini dưới thời huấn luyện viên Michel Hidalgo, đem về giải tư cho đội Pháp và chức vô địch EURO hai năm sau. Còn danh từ “hàng không mẫu hạm” để gọi đội Dynamo Kiev, là do hải quân Liên Xô thời đó còn sử dụng chiếc hàng không mẫu hạm tên “Kiev”.
Từ “văn mẫu” đó, cứ thế mà sau này, bài này thì nhà báo ở giữa MU, bài kia thì bên cạnh Bayern Munich. Cứ như là đằng vân, giá vũ, phân thân như Tề thiên đại thánh, nay Nam Phi, mai Nam Mỹ, mốt Bắc cực… Truyện tiếu lâm quốc tế, dịch xong, ký tên rõ to, mở ngoặc đơn (sưu tầm từ Internet). Tại sao động từ “sưu tầm” của tiếng Việt lại có thể trở thành đồng nghĩa ngoài ý muốn của động từ “cầm nhầm”?“
Làm báo với Internet” ngày nay sướng hơn “làm báo” cách đây hai ba mươi năm nhiều lắm. Khi ấy, báo ngoại quốc hàng tuần chỉ đến “chui” một ngày thứ Năm với chuyến bay Air France độc nhất! Những “nhà báo tự do” thông thạo ngoại ngữ, muốn có báo, phải ra sạp báo quốc tế (chui), bỏ tiền túi mua. Trước khi mua, phải đếm xem có bao nhiêu tin, bài dịch đăng được, thậm chí có bao nhiêu tấm hình sử dụng được, để… cho đáng số tiền bỏ ra mua tờ báo. Thời nay, tất cả dọn sẵn, miễn phí trên màn hình, chỉ cần “cắt”, “dán”.
Viết báo cũng giống như làm luận văn. Đề tài tự chọn, chủ ý tự nghĩ ra: Tôi muốn đưa ra giả thuyết này, giả thuyết kia... Lập luận của tôi là… Tài liệu tự tìm cho đến khi đủ chứng liệu lý giải cho ý kiến của mình. Bảo vệ đến kỳ cùng. Người làm luận văn để có được học lực thật của một “ThS”, “TS”, chỉ có thể đọc và đọc, tham khảo đối chiếu, nghiền ngẫm cho đến khi những gì đã đọc biến thành một “hệ thống” chính kiến trong đầu, chứ không phải cho đầy bộ nhớ - bộ nhớ máy tính lớn hơn triệu lần.
Hãy là mình! Lời nguyện cầu nho nhỏ nhân ngày nhà báo Việt Nam của năm thứ 10, thế kỷ 21.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh