Chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên báo Nhân dân

10:35 SA @ Thứ Tư - 01 Tháng Bảy, 2015
Nguyễn Văn Linh (1915-1998), Tổng bí thư Đảng nhiệm kỳ 1986 – 1991. Ông nổi tiếng với bút danh N.V.L. (sau này ông cho biết đó là "Nói Và Làm") với một loạt những bài báo trong chuyên mục Những việc cần làm ngay trên báo Nhân Dân bàn về những việc cần phải chấn chỉnh trong xã hội. Ông được xem là người mở đường và có công lớn trong công cuộc đổi mới nền kinh tế Việt Nam.

Sau khi cương quyết rút không ra ứng cử trong nhiệm kỳ tiếp theo, dù nhiều người muốn ông vẫn tiếp tục ở Ban Chấp hành Trung ương khóa sau. Ông nói “dù không còn ở trong Trung ương nữa, nhưng với trách nhiệm là người đảng viên, tôi xin cố gắng cống hiến sự hiểu biết và kinh nghiệm nhỏ bé của mình cho cách mạng, cho Đảng cho đến hơi thở cuối cùng”.

Quan điểm đổi mới của ông có thể tóm tắt như sau:

"Phải đấu tranh chống cái cũ, chống bảo thủ trì trệ, chống giáo điều rập khuôn, chống chủ quan nóng vội, chống tha hóa biến chất, chống những thói quen lỗi thời dai dẳng. Đây là cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ diễn ra trên mọi lĩnh vực và trong bản thân từng người chúng ta.” (Diễn văn ông đọc trong phiên khai mạc Đại hội VI ngày 15/12/1986)

Đồng chí Nguyễn Văn Linh là Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng (khóa VI) bắt đầu chỉ đạo triển khai thực hiện công cuộc đổi mới được xác định từ Đại hội lần thứ VI của Đảng. Sự đóng góp của đồng chí trong những năm giữ trách nhiệm người lãnh đạo cao nhất là to lớn trên nhiều mặt, nhưng trong giới bảo chí và cả xã hội đều ghi nhớ, như một sự kiện lịch sử của báo chí, của cuộc đấu tranh chống tiêu cực và công tác xây dựng Đảng và Nhà nước ta, chuyên mục "Những việc cần làm ngay" và câu "Im lặng đáng sợ" được đăng trên báo Nhân Dân - cơ quan Trung ương của Đảng. Chung quanh việc làm này, tôi có may mắn là một nhân chứng.

Lúc đó, tôi công tác ở báo Nhân dân. Theo sự phân công mỗi buổi tối, một đồng chí lãnh đạo sẽ thường trực, có trách nhiệm giải quyết mọi thông tin từ 18 giờ cho tới 23 giờ 30. Lúc đó, Báo còn in theo phương pháp cũ, phải xếp chữ đúc phông, đổ chì cho nên không thể kéo dài hơn, để kịp giờ phát hành báo vào 5 giờ sáng. Tối và đêm ngày 24/5/1987 là phiên tôi trực Ban Biên tập. Vào khoảng 17 giờ 30, khi mọi người đã rời cơ quan về nhà, Tòa soạn chỉ còn tôi và các đồng chí trong Ban Thư ký trực buổi đó thì anh Viên. thường trực cơ quan ở cổng 71 phố Hàng Trống đưa vào một phong thư nói là của một người đứng tuổi, đi ôtô Lada màu sữa đến, đưa một phong bì gửi Ban Biên tập. Phong bì không đóng dấu hỏa tốc nhưng là của Văn phòng Trung ương Đảng cho nên tôi phải mở ngay. Trong phong bì có thư và một bài báo viết tay (bản gốc còn lưu trữ tại Báo). Bức thư ký tên Nguyễn Văn Linh, nói rõ “gửi một bài báo, nếu Ban Biên tập thấy được thì đăng". Bài báo có đầu đề “Những việc cần làm ngay", ký tên N.V.L. Tôi vội đi qua sân, chạy ra chỗ thường trực hỏi anh Viên, anh mô tả một người cao cao, xương xương, nói giọng miền Bắc, đi theo có một đồng chí nói giọng miền Nam. Vì tôi được Ban Biên tập phân công là đặc phái viên của báo bên cạnh Tổng Bí thư, có dịp làm việc với đồng chí, cho nên tôi nghĩ là chính đồng chí Tổng Bí thư đưa bài tới báo, vì trong Bộ Chính trị lúc đó chỉ có đồng chí không đi xe Vonga theo tiêu chuẩn, mà đi xe Lada theo tiêu chuẩn cho Thứ trưởng, Phó ban của Đảng. Người nói riêng miền Nam, có thể là đồng chí bác sĩ hoặc đồng chí bảo vệ, người thường đi với đồng chí. Lúc đó tôi chỉ đoán thế thôi nhưng sau đấy thì được biết mình đã đoán đúng. Như vậy đây là một việc rất quan trọng. Cho nên dù thường trực, được uỷ quyền giải quyết công việc sau giờ làm việc, nhưng tôi cũng tranh thủ ý kiến đồng chí Phó Tổng Biên tập Hồ Dưỡng được bố trí ở trong cơ quan. Và chúng tôi quyết định đăng ngay số báo ngày hôm sau (25/5/1987), trên trang nhất.

Ngày 25/5/1987 là ngày mở đầu chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên báo Nhân Dân của tác giả N.V.L. Nghiên cứu bối cảnh ra đời của chuyên mục nổi tiếng này, để hiểu rõ hơn ý định của tác giả.

Lúc đó, Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ hai khóa VI ra đời được hơn một tháng, bước đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng trong thời kỳ đổi mới. "Bốn giảm”, trong đó giảm tăng giá là một mục tiêu quan trọng để giữ tình hình ổn định trong quá trình thực thi chính sách đổi mới nhưng tình hình đang diễn biến xấu. Giá cả tăng có nhiều nguyên nhân, trong đó có "nguyên nhân bất chính" như bài báo đã nêu. Bài báo yêu cầu "các cơ quan tuyên truyền (báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình...) phải phản ánh và lên án, phải chỉ đích đanh những cá nhân, những cơ quan, những tổ chức... làm các việc trái với chủ trương của Nghị quyết Trung ương 2...", "các cơ quan pháp luật phải lôi các vụ việc làm sai trái lớn để nghiêm trị và kết quả thế nào phải đưa rõ lên các cơ quan ngôn luận cho nhân dân biết”. Nhắc lại hoàn cảnh ra đời, từ bài đầu tiên trên chuyên mục “Những việc cần làm ngay” để hiểu thêm ý định của tác giả, cho rằng muốn thực hiện được các Nghị quyết của Đảng thì phải làm nhiều việc, trong đó có việc chống tiêu cực vì có những tổ chức, cá nhân vì lợi ích cá nhân, cục bộ, cố ý không làm theo Nghị quyết của Đảng. Lúc bấy giờ đang là thời kỳ mở đầu triển khai công cuộc đổi mới theo Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, cho nên vì tiêu cực, vì lợi ích cá nhân, cục bộ mà không thực hiện các Nghị quyết của Đảng, có thể dẫn tới công cuộc đổi mới không triển khai được, ảnh hưởng tới lợi ích của quốc gia, đường lối của Đảng.

Đọc những bài viết của tác giả NVL trong chuyên mục "Những việc cần làm ngay”, trên báo Nhân Dân, thấy rõ tinh thần tích cực chống tiêu cực, thẳng thắn và cụ thể của tác giả. Hai tháng sau khi đăng chuyên mục “Những việc cần làm ngay”, tôi đã viết bài trên báo Nhân Dân, nói rõ là: "Những việc cần làm ngay”, đã trở thành phong trào quần chúng, hằng ngày báo Đảng nhận được mấy trăm thư và bài của bạn đọc hưởng ứng "Những việc cần làm ngay". Mấy chục tỉnh, thành phố và ngành đã có chỉ thị hưởng ứng tinh thần NVL, tức là nói và làm, vì vấn đề mà tác giả NVL nêu lên đã động tới nỗi bức xúc của xã hội, vì tiêu cực đang phát triển, len lỏi vào cả những nơi tôn nghiêm. "Nó phá hoại kinh tế. Nó làm trật tự xã hội đảo lộn, làm xói mòn các giá trị đạo đức. Cuối cùng, nó phá hoại niềm tin mà ai đó đã nói rất đúng: mất niềm tin là mất tất cả lớn hơn cả mất cắp và mất cướp. Chống tiêu cực là một nhiệm vụ cấp bách và quan trọng”…

Công cuộc chống tiêu cực được các ngành, các giới, nhất là báo chí triển khai mạnh mẽ. Nhiều thư tố cáo của công dân gửi đi nhưng không có hồi âm. Cho nên khái niệm “Im lặng đáng sợ”- khái niệm xuất hiện ngay trong bài viết thứ hai của đồng chí NVL đăng ngày 26/5/1987 trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay”, trên báo Nhân Dân như một biểu hiện của bệnh vô cảm, vô trách nhiệm, phớt lờ ý kiến của nhân dân mà đồng chí NVL nêu lên, mọi người còn nhớ, vì nó vẫn là căn bệnh kéo dài đến nay.

Đây là cuộc đấu tranh do chính Tổng Bí thư phát động và được hưởng ứng rộng rãi. Đồng chí đã trình bày quan điểm của mình trong bài báo đăng ngày 10/7/1987: "Chúng ta chống tiêu cực, chống thói quan liêu, vô trách nhiệm hoàn toàn không phải để nâng cao hay hạ thấp uy tín của vài cá nhân nào đó (như cách hiểu lắt léo của một số người) mà vì một mục tiêu tốt đẹp hơn nhiều: lập lại trật tự, công bằng xã hội, xóa hết những vật cản nặng nề trên con đường phát triển kinh tế của đất nước. Đó cũng là yêu cầu khẩn thiết của toàn Đảng, toàn dân...". Cuộc vận động này được đông đảo đồng chí và đồng bào hoan nghênh, nhưng cũng có một số người băn khoăn lo lắng. Sau này, tôi được biết, có đồng chí viết thư, có đồng chí trực tiếp góp ý với đồng chí Nguyễn Văn Linh. Đồng chí cũng biết như vậy cho nên ngay từ bài thứ hai, đồng chí đã trình bày: Từ khi chuẩn bị Đại hội lần thứ VI Đảng và Nhà nước phát động phong trào nói thẳng, nói thật. Ai làm tốt thì khen, ai làm không tốt thì phê bình để sửa chữa, trừng phạt nếu cần. Nghĩa là đồng chí NVL nói rõ là mình làm theo Nghị quyết Đại hội Đảng. Đọc lại văn kiện Đại hội lần thứ VI của Đảng, Báo cáo chính trị tại Đại hội đã yêu cầu phải dũng cảm đấu tranh chống những hiện tượng lạc hậu, trì trệ và mọi biểu hiện tiêu cực khác", cần đưa công khai lên báo, đài hoặc qua các cuộc sinh hoạt của tổ chức Đảng và đoàn thể quần chúng những vụ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp mắc sai lầm nghiêm trọng về phẩm chất. Điều đó chỉ làm tăng lòng tin cậy của nhân dân với Đảng. Mặc dù đồng chí đã công khai trình bày "Những việc cần làm ngay" là để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI nhưng bên cạnh số đông ủng hộ, vẫn có một số người lo lắng, băn khoăn, vì đã có bài động chạm tới hành vi của một số cán bộ cao cấp. Cho nên, một lần nữa đồng chí lại phải công khai tỏ thái độ.

Trong bài đăng báo Nhân Dân ngày 10/7/1987, đồng chí trình bày thẳng thắn, nói có đồng chí "khuyên tôi nên thôi”, vì biết bao nhiêu việc cần làm, sao lại phải hăng hái chống tiêu cực như vậy? nhưng tôi ”vẫn viết tiếp vì thấy cần quá”, cần đưa nhân tố mới lên lấn đần tiêu cực, nhưng đồng thời phải quyết liệt chống tiêu cực thì nhân tố mới mới thật sự có chỗ đứng, giống như có nhổ sạch cỏ dại, diệt sâu rầy thì lúa mới mọc lên vậy. Lúc đó, đọc những dòng này, chúng tôi càng hiểu rằng cuộc đấu tranh chống tiêu cực thật không đơn giản, ngay Tổng Bí thư ra tay mà còn bị cản trở, khuyên nên thôi. Đó là lý do mà báo Nhân dân phải đăng Xã luận ngày 13/7/1987 “Thiết thực hưởng ứng Những việc cần làm ngay”. Và với tư cách phóng viên, tôi viết bài: “Những việc cần làm ngay với sự nghiệp đổi mới và cuộc đấu tranh chống tiêu cực" nói trên để góp thêm tiếng nói ủng hộ tinh thần đấu tranh chống tiêu cực của đồng chí Nguyễn Văn Linh.

Trong những ngày công tác được gần gũi đồng chí, có một đêm nghỉ lại ở Mộc Hóa (Đồng Tháp Mười), tôi thưa với đồng chí: "Với vị trí của mình, đồng chí có thể chỉ thị làm việc này, việc khác có thể viết bài ký rõ tên để hiệu lực cao hơn, vì sao đồng chí chọn viết báo và ký bút danh?". Đồng chí cười rồi nói: "Tôi có thể cùng Bộ Chính trị chỉ thị việc này, việc khác, nhưng tác đụng của tờ báo lại khác, tạo ra dư luận xã hội lại có sức mạnh riêng. Còn ký tên tắt để mọi người tham khảo, thấy đúng thì làm, không bị lệ thuộc vào địa vị người viết. Nghe thế tôi càng hiểu đồng chí rất quan tâm tới báo chí, đánh giá cao vai trò của báo chí. Trong thời kỳ đổi mới, xác định báo của ai đã có những thay đổi rất quan trọng, khẳng định báo chí "là cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, là diễn đàn của nhân dân. Lâu nay nhiều người vẫn hiểu, việc khẳng định báo chí còn là diễn đàn của mọi tầng lớp nhân dân một sự đổi mới quan trọng, bắt đầu từ Luật Báo chí 1989 và Chỉ thị 08 của Ban Bí thư, nhưng xin thưa rằng, điều đó đã được khẳng định công khai trên báo Nhân dân trong chuyên mục những việc cần làm ngay của đồng chí Nguyễn Văn Linh từ ngày 24/6/1987, chỉ rõ báo chí là diễn đàn của mọi tầng lớp nhân dân, cũng là xuất phát từ quan điểm lấy dân làm gốc trong Văn kiện Đại hội lần thứ VI của Đảng, mở đầu thời kỳ đổi mới toàn diện.

Trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tác giả NVL đã chỉ rõ, cơ quan thông tin đại chúng là công cụ để thực hiện chủ trương dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, được giao nhiệm vụ tiếp tục phát hiện, theo dõi để giúp đỡ pháp luật và các cơ quan có trách nhiệm điều tra xử lý nhanh chóng, chính xác, triệt để mọi vụ việc. Đồng chí nhắc nhở mọi người coi trọng công luận nghĩa là không bỏ ngoài tầm ý kiến của quần chúng. Tuy rất coi trọng báo chí và người viết báo trong đấu tranh chống tiêu cực, nhưng đồng chí vẫn nhắc nhở những người cầm bút phải có tấm lòng trong sáng, tấm lờng cương trực và yêu cầu phải có động cơ trong sáng, tấm lòng chân thành và ý thức trách nhiệm cao. Nghiêm minh và công bằng là lời dặn của tác giả NVL đối với người viết báo đấu tranh chống tiêu cực.

Bài cuối cùng của chuyên mục những việc cần làm ngay đăng ngày 28/9/1990, nghĩa là chuyên mục này đứng trên báo Nhân dân 3 năm, 4 tháng, 3 ngày. Tuy không đều đặn từng ngày, từng tuần nhưng mọi người vẫn coi đó là một chuyên mục rất có giá trị của báo vì biết là đồng chí rất hận, không thể viết thường xuyên. Chúng tôi có lần hỏi đồng chí: "Vì sao anh không viết tiếp”? trong thâm tâm cũng lại lo đồng chí bị ai đó cản trở. Tổng Bí thư trả lời: "Mình bận quá. Vả lại mình viết để “mồi" cho các nhà báo viết tiếp, phải đấu tranh kiên quyết liên tục vì cuộc đấu tranh này rất “quyết liệt và phức tạp".

Vâng, chúng tôi sẽ tiếp tục viết viết để đấu tranh chống tiêu cực, để góp phần làm cho Đảng và Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh hơn, "làm cho xã hội đã tốt đẹp càng tốt đẹp hơn”, như trong một bài viết của đồng chí trong chuyên mục quen thuộc đó.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cải cách hành chính và quy luật kinh tế thị trường

    20/10/2006Nguyễn Ninh ThựcGiống như quy luật tiến hoá của xã hội loài người và thế giới tự nhiên, sự phát triển kinh tế - xã hội cũng tuân theo những quy luật khách quan, tất yếu có ra đời phát triển và kết thúc, có tính kế thừa, cái sau tiến bộ hơn cái trước...
  • Cải cách hành chính - những vấn đề cần quan tâm

    26/08/2006PGS. TS. Trần Quang NhiếpCải cách hành chính nhằm góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực và hiệu quả. Trên cơ sở đó làm cho bộ máy nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và tổ chức tốt việc điều hành, quản lý đất nước thông suốt, tạo điều kiện cho nền kinh tế nhiều thành phần phát triển, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế...
  • Chút xíu triết lý về cải cách hành chính

    12/10/2005TS. Nguyễn Sĩ DũngTập trung cho bộ máy hành chính thật nhiều quyền rồi sau đó tìm cách không chế nó thì cũng giống như việc thả gà ra mà đuổi. Phải chăng còn có những vấn đề nằm ở triết lý sâu xa của việc tổ chức quyền lực, không xử lý, khó cải cách hành chính thành công?
  • Sửa đổi lối làm việc

    01/10/2005Bùi Quang MinhTác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bút danh X.Y.Z, viết xong tháng 10 năm 1947. Đây là tác phẩm quan trọng về xây dựng Đảng, một tài liệu học tập của cán bộ để tu dưỡng tư tưởng, đạo đức và tác phong làm việc…