Ai xóa cái "Tôi" của nhà báo?
Quá nhiều các bài viết lờ nhờ, nhạt nhẽo trên báo chí mà người viết không đưa ra một quan điểm nào. Họ biện hộ: Đó chính là tính "khách quan" của báo chí. Hay đó chỉ là sự vô trách nhiệm và ngại chịu trách nhiệm của nhà báo?
Nhà báo vô ích, bài báo vô nghĩa
Làm báo là gì? Ngắn gọn, làm báo là làm một liên kết xã hội. Một sản phẩm báo chí, dù ở dạng đơn giản nhất (một cái tin) cũng đã thực hiện chức năng liên kết xã hội rồi: nó thông đạt một sự kiện vừa xảy ra tới nhiều người ở nhiều địa điểm khác nhau, nó hút sự quan tâm của nhiều người về/ vào một điểm xác định.
Trong những hình thức phức tạp hơn (phóng sự, bút kí, bình luận, xã luận, phim tài liệu truyền hình v.v...), chức năng liên kết xã hội của sản phẩm báo chí càng rõ nét.
Với dung lượng giãn nở gấp nhiều lần một cái tin (về số chữ - nếu là báo viết, về thời lượng phát sóng - nếu là báo hình) các sản phẩm báo chí loại này tất nhiên không dừng lại ở việc thông đạt sự kiện, chúng đã có đất để mổ xẻ, cắt nghĩa, lí giải, đánh giá, nhận định về sự kiện, qua đó kích thích và tạo nên dư luận về một vấn đề xã hội nào đó.
Cơ sở nào để người làm báo có thể mổ xẻ, cắt nghĩa, lí giải, đánh giá, nhận định về sự kiện? Một quan điểm cá nhân, một tư duy độc lập, hay diễn đạt theo cách “lớn giọng” hơn, một chính kiến?
Xin được nói luôn: đây là điều đang thiếu trầm trọng ở nhiều người hiện được coi, hoặc tự coi mình là nhà báo (có thể chỉ vì họ có trong túi tấm thẻ do Hội Nhà báo cấp cho), và chính vì thế mà tôi gọi họ là “những nhà báo không làm báo”.
“Triệu chứng lâm sàng” dễ nhận thấy của sự thiếu vắng này là những bài báo lờ nhờ, “trung tính hóa về mùi vị và màu sắc”. Theo dõi cả bài báo – xin được hiểu là báo chí nói chung, không phân biệt báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử – người ta chỉ thấy toàn những “ông A nói rằng”, “bà B bảo nọ”, mà chẳng biết tác giả bài báo trốn đâu, ngoại trừ vài lần xuất hiện bằng những câu đưa đẩy nhạt nhẽo hoặc những phán đoán “chẳng chết ai”.
Những sản phẩm báo chí kiểu như vậy đương nhiên vô hại, nhưng cũng vô ích. Đơn giản là nó trôi tuột đi trên bề mặt sự quan tâm của dư luận xã hội (và như vậy thì cái mục đích liên kết xã hội chỉ còn là một “ảo mộng tan tành”, như tên một tác phẩm của Balzac). Để cho sòng phẳng, ở đây cũng cần phải nói rằng không nhất thiết nhà báo phải bộc lộ quan điểm cá nhân của mình (nếu có) bằng diễn ngôn trực tiếp.
Về nguyên tắc, lựa chọn cái này chứ không lựa chọn cái kia, đặt cái này cạnh cái kia chứ không đặt nó cạnh một cái nào khác, đã là sự biểu hiện cho một thái độ, một quan điểm. Nhưng trong khá nhiều trường hợp, sự giấu mặt ấy chỉ tố cáo một trạng thái: “rỗng” quan điểm.
Bị xóa, hay tự xóa?
Nguyên nhân khách quan: sự quản lí ở nhiều cơ quan báo chí không tạo điều kiện, thậm chí không để cho người làm báo có quan điểm cá nhân, có chính kiến. Về chủ quan: bản thân người làm báo “tiên thiên bất túc”, muốn có quan điểm cá nhân hay chính kiến cũng là việc bất khả. Hai nguyên nhân này rất nhiều khi nhập vào nhau, và vì thế càng khiến cho chức năng liên kết xã hội của báo chí trở nên mờ mịt.
Hãy bàn về nguyên nhân thứ nhất. Nhiều ông tổng biên tập ở các cơ quan báo chí hiện nay vẫn luôn căn dặn phóng viên của mình, rằng phải hết sức “trung thực, khách quan” khi đưa thông tin hoặc bình luận về thông tin.
Trung thực, nghĩa là người làm báo phải nói đúng cái điều mình cảm nhận, suy nghĩ, “tư duy bằng cái đầu của mình và nói bằng cái lưỡi của mình”. Nhưng, về mặt nhận thức luận, như vậy là chủ quan rồi chứ còn “khách quan” cái nỗi gì?
Để đảm bảo tính “khách quan” – dường như người ta cho rằng yêu cầu này cao hơn yêu cầu về tính “trung thực” – tốt nhất người làm báo hãy tự xóa sổ cái Tôi của mình, hoặc mang nó kí sinh trên những cái Tôi khác!
Không khó để nhận thấy ở đằng sau những lời hô hào về tính “khách quan” của người làm báo theo kiểu này là một thái độ trốn tránh trách nhiệm, một sự sợ hãi trước những phản đối có thể có khi mà tính “trung thực” được thể hiện trong bài báo tỏ ra đầy khả năng châm ngòi cho một vụ nổ trong dư luận xã hội.
Chẳng lợi lộc gì trong việc chường mình ra làm cái cây hứng bão, hãy đá quả bóng sang chân kẻ khác. Thực hiện triệt để yêu cầu về tính “khách quan” như vậy, người làm báo đã đánh rơi mất tính “trung thực” – nếu họ có đủ nội lực để trung thực – và hỡi ôi, họ đã trở thành những nhà báo không làm báo, dẫu cho cái gọi là những bài báo vẫn được họ sản xuất đều đều!
Về nguyên nhân thứ hai, có thể quy lỗi cho – không phải hệ thống đào tạo báo chí ở ta như nhiều người vẫn chủ trương – mà phải là chính bản thân người làm báo, chính cái cách họ hành nghề và trau dồi nghề nghiệp.
Thông thường, mỗi nhà báo chuyên trách một mảng đề tài, tương ứng với một khu vực hoạt động của đời sống xã hội: kinh tế, chính trị, pháp luật, giáo dục, thể thao, văn hóa nghệ thuật v.v...
Để có thể đưa thông tin và bình luận về thông tin trong lĩnh vực mình chuyên trách một cách có hiệu quả nhất, yêu cầu bắt buộc với người làm báo là anh ta phải theo dõi rất sát sao những chuyển động trong lĩnh vực ấy, và điều này còn quan trọng hơn, trên cơ sở một tri thức tới hạn về chính cái lĩnh vực ấy.
Nhưng đáng tiếc rằng có nhiều người làm báo, hoặc thiếu một trong hai yếu tố này, hoặc thiếu cả hai. Chính vì thế mà việc đưa thông tin không chính xác, việc bình luận về thông tin theo kiểu “hóng hớt” quan điểm của ông A bà B nào đó đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” trong làng báo.
Mà xem ra, báo chí ở mảng văn hóa nghệ thuật là để lại nhiều điều tiếng hơn cả. Không rõ từ nhận thức như thế nào mà mảng văn hóa nghệ thuật thường được giao cho các nhà báo mới vào nghề phụ trách, và nó trở thành nơi để họ tập bút (thậm chí có cơ quan báo chí nọ còn kỷ luật phóng viên bằng cách chuyển họ từ mảng nội chính sang mảng văn hóa nghệ thuật!).
Vậy là mọi thứ đảo lộn, mờ mịt trước những thông tin và những “bình loạn” phấp phới của “quyền lực thứ tư” trẻ trung sôi nổi. Không xem phim, không xem kịch, không nghe nhạc, không đọc sách, không đến triển lãm tranh tượng, không cần biết vì cớ gì người ta gọi cái này là một tác phẩm văn học chứ không là một bức tranh hoặc một bộ phim... Không sao hết, vẫn làm báo được. Không biết thì hỏi, không tự mình nhận định được thì cứ hớt váng rồi xào xáo của ông này bà nọ mỗi người một tí tẹo, cũng xong!
Báo truyền hình: Không viết, không nghĩ, lấy đâu chính kiến?
Hiện tượng “những nhà báo không làm báo”, về mức độ, có lẽ phổ biến hơn cả ở khu vực báo chí truyền hình. Vì sao như vậy? Ai cũng biết rằng sản phẩm truyền hình là của một lao động tập thể, nó khác cơ bản với các loại hình báo chí khác.
Tuy nhiên, theo cách phân loại “tám cha ba mẹ” của cổ nhân, “đích mẫu” chỉ có một, và với sản phẩm báo chí truyền hình, “đích mẫu” của nó chính là phóng viên biên tập.
Anh ta là người chịu trách nhiệm phát hiện đề tài, khai thác đề tài, hoàn thiện đề tài, và thông qua chính cái quy trình ấy mà anh ta đặt dấu ấn người làm báo của mình, quan điểm cá nhân của mình, tư duy độc lập của mình trên sản phẩm và trong người tiếp nhận (ở đây chỉ đề cập những thể loại báo chí truyền hình đậm tính báo chí nhất: phóng sự, phim tài liệu, bình luận, chính luận... không tính đến những thể loại game show hoặc live show).
Thế nhưng, sự thể sẽ ra sao nếu: vin vào tính tập thể của sản xuất truyền hình? Được ủng hộ bởi chủ trương “xã hội hóa hoạt động sản xuất chương trình truyền hình”, người phóng viên biên tập “đùn” cái việc phát hiện và khai thác đề tài cho người khác - đây là điều có thật và khá phổ biến - bằng cách nhờ vả, thuê mướn, ăn sẵn từ báo giấy, hay “cộng tác"?
Khi ấy, anh ta đã tự đánh mất quyền làm báo, quyền của người biết phản ứng “một cách báo chí” trước những vấn đề của đời sống, anh ta chỉ còn tồn tại với tư cách một “đầu nậu” sản xuất chương trình. Nếu nói riết róng hơn nữa: anh ta đã tự chọc mù nhãn quan báo chí của mình (hoặc giả, chưa khi nào anh ta có cái nhãn quan ấy?).
Rồi tiếp đến khâu hoàn thiện đề tài. Nó gồm một loạt công việc hậu kỳ: dựng hình, lồng tiếng động, lồng nhạc, và quan trọng nhất, đáng nói nhất là viết lời bình (có những sản phẩm báo chí truyền hình được làm với chủ trương không cần lời bình, nhưng bài này không bàn đến trường hợp này).
Về nguyên tắc, viết lời bình đương nhiên là việc phải làm của người phóng viên biên tập. Sức mạnh của ngôn từ cho phép anh ta diễn đạt quan điểm của mình rõ ràng hơn, điều mà nhiều khi sự sống động của hình ảnh trực quan cũng bó tay. Thế nhưng, như một tất yếu: không phải là người phát hiện và khai thác đề tài, thì cũng chẳng việc gì phải là người có quan điểm cá nhân về đề tài ấy đến mức tự làm lấy việc viết lời bình.
Cái thực tế này được khá nhiều người (được gọi là) phóng viên biên tập biện hộ bằng lí lẽ: sản phẩm báo chí truyền hình chủ về hình ảnh chứ không chủ về ngôn ngữ/ ngôn từ, vì thế không viết được cũng chẳng phải điều gì hệ trọng cho lắm. Họ quên mất một định nghĩa thép của môn logic học: ngôn ngữ là công cụ cơ bản của tư duy.
Ngôn ngữ không phải chỉ là cái để tôi và anh trao đổi thông tin với nhau, nó còn là cái mà chúng ta dùng để suy nghĩ, kể cả suy nghĩ về hình ảnh. Không nghĩ được thì không viết được. Không viết được là một dấu hiệu của sự không nghĩ được, vậy thôi. Và đến đây thì, khỏi phải nói, đặt vấn đề về việc phải có quan điểm cá nhân, có chính kiến của người làm báo, là cách đặt vấn đề quá xa vời!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành