Đọc lại Mác về báo chí tự do
>> Xem thêm: Khái niệm tự do...
Báo chí nói chung là sự thực hiện tự do của con người. Do đó ở đâu có báo chí ở đó có tự do báo chí. Bản chất của báo chí tự do – đó là bản chất dũng cảm, có lý tính, có đạo đức của tự do.(1) (Các Mác)
Ông nêu cái đối lập của báo chí tự do là báo chí kiểm duyệt "là cái quái dị không có tính cách", "là con quái vật được văn minh hóa, cái quái thai được tắm nước hoa" (2). Ông nói về thiên chức (chức năng, nghĩa vụ...) báo chí với một giọng văn hùng tráng đầy hình tượng: "Báo chí tự do - đó là con mắt sáng suốt của tinh thần nhân dân: là hiện thân sự tin cậy của nhân dân đối với bản thân mình, là những dây liên hệ biết nói, gắn liền các cá nhân với nhà nước, với toàn thế giới, nó là hiện thân nền văn hóa đang biến cuộc đấu tranh vật chất thành cuộc đấu tranh tinh thần và lý tưởng hóa hình thức vật chất thô bạo của cuộc đấu tranh đó... Báo chí Tự do là Toàn diện, nơi nào cũng có mặt, cái gì cũng biết. Báo chí tự do là cái thế giới ý tưởng không ngừng trào ra từ thực tế hiện thực lại chảy trở về hiện thực như một dòng thác đầy sinh khí dưới hình thức của cái tinh thần ngày càng dồi dào” (3)
Ông nêu lên những quan niệm về phong cách "Báo chí quan hệ với điều kiện sinh sống của nhân dân, với tư cách là lý tính, nhưng cũng không kém phần với tư cách là tình cảm. Vì vậy, báo chí không chỉ nói bằng tiếng nói lý tính của sự phê phán đang nhìn những mối quan hệ hiện tồn từ đỉnh cao của mình, mà còn nói bằng tiếng nói đầy nhiệt tình của bản thân cuộc sống (4)…
"Trong hy vọng và lo lắng, có điều gì báo chí nghe được ở cuộc sống, báo chí sẽ lớn tiếng loan tin cho mọi người đều biết, báo chí tuyên bố sự phán xét của mình đối với những tin tức đó một cách gay gắt, hăng say, phiên diện như những tình cảm và tư tưởng bị xúc động thầm bảo nó vào lúc đó” (5)
Mác cho rằng báo chí tự do phải có luật báo chí bảo đảm. "Luật báo chí là luật thật sự bởi vì nó biểu hiện sự tồn tại khắng định của tự do. Nó coi tự do là tình trạng bình thường của báo chí, coi báo chí tồn tại của tự do. Vì thế, luật này chỉ xung đột với những tội lỗi của báo chí với tư cách là một ngoại lệ đang chống lại tiêu chuẩn của chính mình?” (6) (báo chí).
Ông không phủ nhận sự kiểm duyệt. Nhưng cho rằng " kiểm duyệt chân chính bắt rễ từ chính bản chất của tự do báo chí, là sự phê bình. Phê bình là một sự xét xử mà tự do báo chí sản sinh ra từ bản thân mình". Còn "kiểm duyệt là sự phê bình với tư cách là độc quyền của chính phủ” (7). Ông nói một cách gay gắt: "Khi sự phê bình tác động không phải bằng lưỡi dao sắc bén của lý tính mà bằng cái kéo cùn của sự tùy tiện, khi sự phê bình coi việc dùng sức mạnh thô bạo là luận cứ mạnh mẽ - khi đó lẽ nào sự phê bình lại không mấy tính chất hợp lý của mình (7).
Mác cũng đề cập đến mối quan hệ của báo chí với nhà cầm quyền. "Trong lĩnh vực báo chí, những người cai trị và những người bị cai trị có khả năng như nhau để phê bình những nguyên tắc và yêu cầu của nhau nhưng không phải trong khuôn khổ những quan hệ lệ thuộc, mà trên cơ sở ngang quyền với nhau, với tư cách là những công dân của nhà nước – không phải với tư cách là những cá nhân riêng lẻ, mà với tư cách là sức mạnh của trí tuệ, với tư cách là những người thể hiện những quan điểm hợp lý”(8)
150 năm đã qua, nhưng lý luận của Mác về tự do báo chí vẫn còn nguyên ý nghĩa và giá trị rất "kim nhật kim thi". Cả nhân dân, cả người làm báo, cả cơ quan quản lý báo chí và nhà nước, hẳn sẽ thu được nhiều bổ ích khi đọc lại, nghiền ngẫm và tiếp thu những gì mà Mác viết rất tâm huyết về báo chí, để có được một nền báo chí xứng đáng với nhân dân mình trong thời đại mới.
(1-2) Mác và Ăngghen Toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG 1995, tr. 84, 89
(3) Sđd, tr. 100
(4) Sđd , tr. 290
(5) Sđd, tr. 237
(6,7) Sđd, tr. 91
(8) Sđd, tr. 290
Về tự do báo chí
Phan Đăng Lưu1)
Tự do báo chí không bao giờ có hại cho nhà cầm quyền, vì nhiều lẽ:
1. Khi các báo được tự do xuất bản thì chỉ những tờ báo có dân chúng ủng hộ mới có thể sống, còn không thì chết hoặc sống ngắc ngoải, chẳng có ảnh hưởng gì đáng sợ.
2. Một tờ báo đã sống, đương nhiên nó đại diện cho một tầng lớp dân chúng, nó diễn đạt tất cả hoài vọng và chí hướng của đám dân ấy. Nhà cầm quyền muốn cai trị được hoàn thiện, không thể bỏ qua những hoài vọng hoặc chí hướng của đám dân này. Tất nhiên cũng cần đọc hết tờ báo ấy.
3. Một tờ báo nói vượt qua trình độ dân chúng, kêu gào dân chúng làm những việc tày trời không bao giờ dẫn đạo được dân chúng, sẽ bị dân chúng gạt qua bên mặt trận nghịch thù.
4. Một tờ báo sống một cách mạnh mẽ, có ảnh hưởng trong dân chúng, đưa ra những vấn đề trái ngược với quyền lợi của nhà cầm quyền, cũng chẳng có hại cho cuộc trị an. Nó chỉ là một tiếng còi báo trước cho chánh phủ hãy thay đổi chính sách cai trị đi để chuộc lòng dân.
Căn cứ vào những lẽ đó, chúng tôi quả quyết rằng tự do báo chí không bao giờ có hại cho nhà cầm quyền. Có hại chăng là một chánh sách cai trị hẹp hòi, đi ngược với sự tiến hóa của dân chúng mà thôi.
Báo DÂN TIẾN (số ra ngày 10-11-1938)
1)Phan Đăng Lưu, (1902-1941) là nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông sinh ra tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông tốt nghiệp Trường Canh nông và tham gia Hội Phục Việt (sau đổi thành Tân Việt Cách mạng Đảng) làm đến chức uỷ viên Tổng bộ. Năm 1928, Phan Đăng Lưu tham gia xuất bản “Quan hải tùng thư” tại Huế; ông giữ chức uỷ viên thường vụ của Tổng bộ Đảng Tân Việt. Ngày 15 tháng 12 cùng năm, ông sang Trung Quốc để liên lạc với Tổng bộ Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội.
Tháng 9/1929, ông bị chính quyền thực dân Pháp bắt tại Hải Phòng và bị kết án tù khổ sai và đày đi Buôn Ma Thuột. Ra tù năm 1936, ông tham gia lãnh đạo phong trào Mặt trận Dân chủ ở Huế. Trong thời gian này ông đã viết nhiều bài báo, tác phẩm với bút danh Tân Cương, Phi Bằng.
Năm 1938, ông được bầu uỷ viên ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Đông dương và uỷ viên thường vụ trung ương. Tháng 11/1939, ông tham dự Hội nghị thứ VI (Hội nghị quyết định nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế). Tháng 7/1940, ông thay mặt trung ương Đảng dự Hội nghị của xứ uỷ Nam Kì, thông qua đề cương chuẩn bị khởi nghĩa.
Tháng 11/1940, ông tham dự Hội nghị VII của Ban Chấp hành trung ương Đảng. Tại Hội nghị này, ông được bầu là Ủy viên Thường vụ và được phân công chỉ đạo phong trào ở Nam Kỳ. Trung ương Đảng đã cử ông vào Nam Kì để thông báo hoãn cuộc khởi nghĩa. Tháng 11/1940, ông bị bắt khi vừa về đến Sài Gòn do kế hoạch bị bại lộ. Ngày 18/8/1941, ông bị thực dân Pháp kết án tử hình và bị bắn ở Hóc Môn.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn