Đọc "báo mạng” Việt Nam
Ngoài việc giảng dạy, Giáo sư Trần Hữu Dũng (Đại học Wright State University, Ohio, Hoa Kỳ) còn là một nhà báo chuyên nghiệp. Ông là thư ký tòa soạn của tờ báo mạng Arts & Letters Daily (http://www.aldaily.com/) được tờ New York Times mệnh danh là “chỗ hẹn của trí thức toàn cầu” và trang web tổng hợp tin tức về kinh tế Việt Nam được nhiều người đọc (www.viet-studies.org/kinhte). Nhân ngày 21-6, ông có gửi riêng cho TBKTSG bài viết với những nhận xét rất thẳng thắn về các tờ báo điện tử của Việt Nam. Chúng tôi xin đăng để bạn đọc tham khảo.
Nếu hỏi người Việt sống ở nước ngoài, nhất là những người thuộc “thế hệ thứ nhất” (sinh trưởng ở Việt Nam), điều gì làm họ gần gũi với Việt Nam nhất trong mấy năm gần đây thì có lẽ đa số sẽ nói là báo tiếng Việt, nhất là báo trong nước, mà họ đọc hàng ngày trên Internet. So với chỉ vài năm trước đây thôi, báo Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kinh ngạc. Nói chung, đây là một phương tiện vô giá cho người Việt Nam khắp thế giới theo dõi tình hình quê hương, từ những chuyện đại sự như chính sách nhà nước, chuyện tham nhũng, cho đến những chuyện vặt vãnh hàng ngày (nhưng nhiều ý nghĩa!) như chuyện ca sĩ này bỏ ca sĩ kia, hoặc những sự cố trong đời sống thường nhật của đồng bào trên khắp mọi miền đất nước. Báo mạng cho phép “cư dân Internet” đọc hàng chục tờ mỗi ngày, và quan trọng hơn, tìm lại bài trong những ngày trước đó. Hơn nữa, nhờ được đọc hầu hết các báo hàng ngày trên mạng, người đọc có thể đối chiếu một cách dễ dàng tin tức từ nhiều nguồn khác nhau (kể cả từ báo nước ngoài), và do đó có những nhận định xác thực hơn về tình trạng nước nhà nói chung và báo chí nói riêng.
Tất nhiên, mỗi người có cách đọc khác nhau, cho những mục đích khác nhau (thông tin, giải trí, sưu tập tư liệu...). Bài này, từ cách đọc của một cá nhân, không có ý phê bình báo chí Việt Nam nói chung (cụ thể là báo in mà tôi không có điều kiện đọc hàng ngày) mà chỉ xin đưa vài nhận xét về báo trên mạng Internet.
Thứ nhất, báo chí Việt Nam cung cấp một lượng thông tin lớn, nhưng có tính vặt vãnh (như báo USA Today của Mỹ), ít có những bài phóng sự dài, nhất là những phóng sự có tính điều tra, phân tích. Không gì “bực mình” cho bằng đọc được các bài báo có nhiều thông tin, sâu sắc (đôi khi dính líu đến những vấn đề “nhạy cảm” trong nước), hoặc chỉ về những hiện tượng “lạ” ở Việt Nam (không dính líu gì đến chính trị), trên các báo nước ngoài thay vì trên báo Việt Nam. Đỡ là đa số những bài báo ngoại quốc (nhất là những bài ca tụng Việt Nam!) cũng được dịch lại (với chất lượng ngày càng khá). Tuy nhiên, ít có báo nào (hoặc ký giả nào) đạt được mức độc đáo cho phép người đọc nhận ra ngay bài của báo ấy, của ký giả ấy. Báo nào cũng như báo nấy: vài báo có nhiều tin văn hóa, hoặc kinh tế hơn các báo khác, song cũng không hơn bao nhiêu (và dù gì thì những bài nổi bật cũng thường được nhiều báo khác đăng lại, thậm chí ngay hôm ấy!).
Thứ hai, báo này “xài” bài của báo khác một cách công khai, vô tội vạ. Tệ hơn nữa, nhiều khi đăng lại mà “quên” tên tác giả (dù trong báo nguyên thủy có tên tác giả hẳn hoi). Tôi hoàn toàn không hiểu “triết lý” của việc này, bởi vì đơn giản đó là một hành động ăn cắp... Tôi không hiểu tại sao giới báo chí trong nước không họp nhau để có một quy ước về việc đăng bài của nhau cho “danh chính ngôn thuận”. Chả gì nhiều sinh viên, học sinh trong nước xem việc “chép lại” hầu như là “phong tục nước ta”. Phải nói thẳng: đây đúng là luật rừng! Chính tình trạng này, tôi nghĩ, đã làm cùn lụt động lực của những báo tương đối nghiêm túc tìm sự độc sáng cho riêng mình.
Thứ ba, không như báo giấy mà người đọc có thể lật từng trang, từ đầu đến cuối, ở báo mạng thì người đọc bấm ngay vào những mục mà người ấy đoán là có những bài hợp sở thích của mình. Tiếc thay, phần lớn báo mạng Việt Nam sắp xếp chưa tốt! Hầu như không có lằn ranh rõ rệt giữa “xã hội”, “kinh tế”, “phóng sự”... Đọc thoáng một tờ báo mạng, nếu chỉ bấm vào những mục mà độc giả nghĩ là có bài mình thích, lắm khi sẽ sót nhiều bài lọt trong các mục khác.
Thứ tư, báo chí nước nào cũng phải phục vụ nhiều hạng độc giả, nhiều loại nhu cầu (giải trí, thông tin, bình luận...) cho nên không độc giả nào có thể khó tính đòi hỏi mọi báo đều nghiêm túc. Dù vậy, xem thoáng qua thì tỷ lệ giữa các bài nghiêm túc so với các bài “nhảm nhí” ở Việt Nam có vẻ hơi thấp so với các nước khác. Nhìn một tờ báo hàng ngày, dù là hạng được cho là “tương đối đứng đắn” thường thấy đầy dẫy những tin “giải trí” cực kỳ “nhảm nhí” ngay đầu trang, át cả những bài có thể xem là “đàng hoàng” (như về chính trị, kinh tế...).
Thứ năm, trên nhiều báo, mục “văn hóa” đáng lý phải gọi là “giải trí”, hay đúng là “ca nhạc - điện ảnh - người mẫu”, bởi vì nếu những tin hiện đăng trên ấy là “văn hóa” thì thật là tội nghiệp cho văn hóa Việt Nam! Nhất là các cuộc thi “hoa hậu”. Hầu hết chúng là những cuộc thi do các công ty tư nhân (ví dụ như “Hoa hậu Hoàn vũ” là của Donald Trump) để quảng cáo. Ban giám khảo thường là một nhóm người vô danh tiểu tốt (vài nhà thiết kế thời trang hạng nhì, vài người mẫu đã “về hưu”, đại loại như thế...), ý kiến của họ có nghĩa gì? Vậy mà vài báo theo dõi những cuộc thi ấy hàng ngày, thậm chí hàng giờ, như thể uy tín dân tộc tùy thuộc vào đó hết, không khác gì giải Nobel, hay ít nhất cũng như thế vận hội Olympic! May thay, với trình độ nghiệp vụ của báo chí Việt Nam ngày càng cao thì những tin này càng xuống cấp, cũng như ít người còn bị lừa về danh hiệu “viện sĩ hàn lâm” mà ai cũng có thể “mua” ở nước ngoài.
Thứ sáu, một phong tục “không tốt” của báo Việt Nam là cách để tên chữ tắt (ví dụ như ca sĩ T.T., ông X., bà Y.). Có lẽ một số độc giả có thể đoán biết những người ấy là ai (nhưng có thể sai!) và chép miệng cười khúc khích với nhau, nhưng đại đa số độc giả không biết mô tê gì cả! Vậy thì đăng kiểu nửa kín nửa hở ấy để làm gì? (Tôi không muốn vu cho người viết mục tiêu đen tối). Nếu không muốn (hoặc không dám) đăng tên hẳn ra thì đừng đăng (mà cũng không nên viết kiểu mấp mé). Nếu đăng thì phải đăng rõ ràng cho mọi người biết!
Trên đây là vài nhận xét của một người Việt Nam hiện sống ở nước ngoài khi đọc báo mạng trong nước. Nói ra ở đây, thật ra, chỉ là... cho vui vậy thôi bởi vì, thành thực, báo mạng Việt Nam ngày càng khá hơn, nhất là về mặt kỹ thuật trình bày và sự phong phú của các nguồn tin lấy từ báo chí nước ngoài. Người viết bài này cũng đang làm nhiều báo mạng tiếng nước ngoài và rất thông cảm với những khó khăn của báo chí trong nước. Là một độc giả, và là người Việt, chỉ mong rằng chất lượng bài vở báo chí Việt Nam sẽ càng ngày càng tăng. Dù sao, báo mạng cũng là một môi trường rất mới (ngay ở các nước tiên tiến), chắc chắn là người làm báo sẽ tích lũy ngày càng nhiều kinh nghiệm về trình bày, về kỹ thuật... Độc giả nghiêm túc cũng hy vọng những tạp chí chuyên ngành, nhất là về văn chương, văn học và các ngành khoa học xã hội, sẽ sớm có mặt trên mạng (và được chăm sóc, cập nhật thường xuyên!)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường