Nghĩa vụ của nhà làm báo

11:26 SA @ Thứ Sáu - 19 Tháng Sáu, 2009

Un journal! une plume! quels prodigieux leviers de force!...
Một tờ báo! Một ngọn bút! Còn cái động lực nào mạnh bằng!...

(Lời ông Toàn quyền A. Sarraut, 1917)

Bài diễn thuyết của ông Toàn quyền Albert Sarraut ở hội các báo quán Nam kỳ ngày tháng mười năm 1917, thật là cái khuôn vàng thước ngọc cho các nhà làm báo trong xứ này.

Ông Toàn quyền bình sinh là một tay viết báo có tiếng bên Quý quốc, nên ngài vẫn có cảm tình riêng với các nhà báo, Ngài yêu mến nghề báo vô cùng, yêu đến say mê, đến sùng phụng coi là một nghề tuyệt phàm ở đời. Suốt bài diễn thuyết của ngài tức là một bài ca ngợi khen công đức nghề làm báo. Vậy thì nghề báo có cái nghĩa thâm trầm, cái thú cao thượng thế nào mà cảm được một bậc tài trí như thế? Cái thú cao thượng, cái nghĩa thâm trầm ấy, ngài đã giải ra trong mấy lời hùng hồn như sau này:

“Một tờ báo! Một ngọn bút! Còn cái động lực nào, mạnh bằng! Người ta ở đời như đứng trong trường sinh hoạt lớn, nhân loại đương cố công cùng sức mà tiến lên cõi Công lý là nơi ai ai cũng nhiệt tâm mong mỏi cho tới được thế mà mình được đem dùng cái động lực kia để giúp cho lòng hi vọng này, thì trần gian còn khoái lạc nào bằng? Trong khi nhân loại bước tới để cứu lấy sự thực sự hay, thì những tư tưởng này, chủ nghĩa nọ khởi lên tơi bời, đánh nhau kịch liệt, mình đang giữa mà tiêu biểu cho cái lý tưởng nào là chân chính, khá sáng tạo những sự nghiệp hay, đem phô bày cho người biết, đem ban bố trong nhân quàn, lấy mà kích thích tinh thần người ta, chiếu diệu tâm trí người ta, tự coi mình như người lính thổi kèn để truyền sự thực, báo tin lành, tự coi mình như người quân tiên phong tay cầm đuốc để chiếu sáng vào trong đám người u âm sầu khổ, để soi đường cho cái Công lý nó sắp đến; còn chức vụ nào đẹp bằng, còn phẩm giá nào cao bằng, đáng cho một đời người nên tận tụy! Không những thế, trong công việc hàng này, sự chiến đấu hằng giờ, để bênh cho cái quyền lợi người ta phạm hại, giữ cho cái tự do người ta giày xéo, biểu cho cái công đức người ta không biết đến, cáo những sự tệ lạm của kẻ gian tham, thiên hạ đều sợ hãi không ai dám nói, mà một mình minh nói to lên cho ai ai cũng biết, mình là cái lời ngôn luận tự do, mình là cái lương tâm không chịu khuất pllục, đứng lên đối lại với cái cường quyền nó áp bức người ta để bênh vực cho kẻ công chúng, cho kẻ nghèo hèn, cho kẻ bị áp bức khốn khổ, tựa hồ như một tay võ sĩ của thần Công lý, nghiễm nhiên là một cái quyền thế đối với quyền thế của kẻ có quyền, còn chức trách nào quảng đại bằng, tôi thử hỏi một đời người còn mục đích nào cao thượng bằng cái mục đích ấy nữa không?”

Ông Toàn quyền đã cực tả cái thiên chức của nhà làm báo như thế, thật là hết lời hết ý, không còn thể nào nói thêm được nữa. Cứ mấy lời ấy mà suy thì biết nghề báo trọng là dường nào, mà cái thế lực của nhà báo mạnh biết bao nhiêu! Thế lực ấy đủ chuyển dịch được lòng người, thay thế được cục diện, rèn đúc uốn nắn được cái vật vô hình vô trạng gọi lả cái “Dư luận” vậy.

Bởi đâu mà nhà báo có oai quyền thế lực như thế. Bởi nhà báo vừa tiêu biểu mà vừa tạo thành ra dư luận trong một nước. Ai nói đến báo là nói đến dư luận, ai hỏi đến dư luận là tìm đế báo, báo với dư luận, dư luận với báo là lần lót, là hình ảnh cho nhau, là tinh thần là hình thức của nhau vậy. Vậy thì dư luận là gì? Lấy lời giản dị mà giải thì dư luận là ý kiến chung của nhiều người, là cái tư tưởng của công chúng. Cứ lấy ý kiến riêng của mỗi người thì dù hay dù phải, hiệu lực nó cũng là có hạn mà thôi; họp ý kiến của nhiều người thì dù sai dù lầm, hiệu lực nó có thể đến vô cùng vậy. Quần chúng bao giờ cũng vẫn có sức mạnh, dù cuồng dại cũng mạnh hơn cá nhân. Bởi thế nên từ xưa đến nay các bậc đế vương lo việc trị bình trong thiên hạ, đều vụ lấy dược lòng dân làm cốt; được lòng dân tức là thu được cái sức mạnh của quần chúng. Xưa gọi “lòng dân”, tức nay gọi là “dư luận” chỉ khác xưa dân còn thuần phác, bằng cả ở cái đức hóa của các bậc đế vương, chỉ biết đem lòng trung thành tin cậy mà phục tòng; nay dân trí đã mở mang, biết suy nghĩ mà xét lẽ phải chăng, điều lợi hại, không phải cứ yêm yêm thiêm thiếp như xưa nữa. Nhưng dù là “dân tâm”, dù là “dư luận”, tên có khác mà sự thật cũng là một, đều là chỉ cái sức mạnh vô bình của phần đông người trong một nước. Sức mạnh ấy xưa thuộc về “tiêu cực”, nay bởi lẽ tiến hóa tự nhiên, dần dần chuyển ra “tích cực”. Còn thuộc về “tiêu cực” thì phải tùy ở số ít người chủ trương đốc suất, đã chuyển ra “tích cực” thì có sức mạnh hoạt động, người có quyền, không thể sử linh sai khiến được, phải khéo léo, châm chước mà lợi dụng vậy.

Bởi thế nên trong thời đại này, thế lực của dư luận, bành trướng ra vô cùng, khiến cho có người đã gọi là cái “kỷ nguyên của dư luận”. Lắm nước như nước Pháp, nước Anh, dư luận thống giữ quyền chúa tể trong nước, chi phối cả cuộc sinh hoạt quốc dân về chính trị, xã hội, kinh tế. Nhưng cái sức mạnh như thế mà để phó mặc tự nhiên, không đoàn luyện, không tổ chức, không sắp đặt cho có kỷ luật, phương pháp thì chẳng qua là cái sức hỗn độn, vô tri vô giác, có ích lợi gì cho nhân quần xã hội? Không những không ích gì mà có khi lại quấy rối nhân tâm, làm loạn trí não, hại cuộc công an. Cái công đoàn luyện, tổ chức, đặt kỷ luật phương pháp cho dư luận ấy thuộc về ai?

Chính là công của các nhà báo.

Lấy cái sức của dư luận mà rèn đúc cho dư luận, khiến cho không tán mạn đi mà thành một khối bền chặt, giúp được cho cuộc sinh hoạt chung của một dân một nước, đó là cái nhiệm vụ tối cao của các nhà làm báo. Báo bởi dư luận mà thành ra, lại có sức biến hóa được dư luận: cho hay dư luận cũng như chất kim cương, chỉ có mình mới giũa được mình vậy.

Như thế báo vừa biểu được dư luận mà lại vừa gây nên dư luận, cái thế lực trong một dân một nước lại chẳng to tát lắm dư? Bởi thế nên nói ngọn bút tờ báo là hai cái động lực rất mạnh, khá lấy mà biến hóa được các nhân quần xã hội, không phải là nói quá. Bởi thế nên lấy những lời hùng hồn mà tả cái khoái lạc tuyệt trần của con nhà làm báo trong những lúc đua tranh gắng gỏi, hăng hái vẻ vang, không phải là vẽ cho ta một cảnh mơ màng không thực.

Cảnh ấy quả có thực, nhưng chỉ để riêng cho những người nhiệt thành về nghề báo, coi nghề báo là một thiên chức rất cao, mà tận tâm tận lực làm cho trọn cái thiên chức ấy.

Ấy nghề báo có cái nghĩa cao, cái thú lạ, cái sức mạnh như thế. Vậy nên dùng thế nào cho phải đường, cho được việc? Như xét riêng về nước ta thì nhà viết báo ở nước Nam ngày nay phải làm thế nào cho xứng đáng cái nghĩa vụ của mình?

Ông Saurrat khuyên các nhà làm báo nên tự nhiệm cái trách giáo dục cho dư luận trong nước. Như trên kia đã nói cái thế lực của dư luận mạnh là dường nào, thì đủ biết công giáo dục ấy không phải là không quan trọng. Nhưng nước ta xưa nay chưa từng có dư luận bao giờ hoặc là cái dư luận chưa thành hình. Ta phải gây lấy một nền dư luận trước đã. Việc đó không phải là việc dễ. Dân ta đương vào buổi dở dang, mới cũ giao nhau, khó lòng mà biết được cái ý kiến chung của quốc dân thế nào. Phàm những vấn đề quan trọng ngày nay, thuộc về chính trị, giáo dục, kinh tế, xã hội, mỗi người xét ra một cách, mỗi người hiểu ra một đường, mà phần nhiều người thì hãy còn mang nhiên chưa giải đầu đuôi ra sao cả. Ấy là nói hạng thượng lưu trí thức, còn các giai cấp khác thì trình độ lại còn kém nữa. Như thế mà muốn hội ý kiến phần nhiều người để gây thành một mối dư luận chung có thế lực trong nước, có thể ảnh hưởng đến các công việc lớn để khuynh hướng dân tâm dân trí về một đường nào, thì thực là khó thay!

Tuy vậy, nếu biết thi thố cho phải đường, cũng có thể thành công được. Cốt nhất là nhà báo phải định một chương trình phân minh, lập một chủ nghĩa nhất định, rồi cứ thi hành cái công giáo dục “theo thột chương trình, một chủ nghĩa ấy. Đương buổi quốc dân còn phân vân chưa biết theo đường nào là phải, ta nên suy xét trước sau mà quyết định lấy một đi đường lối chính đáng, cứ thế mà đi không hề thay đổi. Phàm lập ngôn khởi luận cũng cứ theo một đường ấy, khiến cho quốc dân hằng phải chú ý vào đấy rồi tất có ngày khuynh hướng mà theo vào với ta. Như thế, dần dần gây nên một cái “tư trào”, trước còn nhỏ, sau lớn lên, gồm cả những người cùng một ý kiến, cùng một tư tưởng như mình, tức là nhóm thành một dư luận về sau vậy. Đến khi cái dư luận ấy đã đủ có thế lực thì bấy giờ mới có thế mạnh ảnh hưởng đến cuộc sinh hoạt trong nước, mà giúp cho thực hành được những sự nghiệp hay.

Nhưng hiện nay dư luận chưa thành, trách nhiệm của nhà báo lại càng trọng lắm nữa. Buổi này mới là buổi nên hết sức thi hành cái công giáo dục như ông Sarraut đã khuyên ta trong bài diễn thuyết.

Dân Việt Nam ngày nay thực là đương gặp một cảnh ngộ đặc biệt. Vốn là một dân cổ, từ xưa vẫn có một nền văn minh học thuật riêng, đủ sinh tồn phát đạt trong một cuộc lịch sử mấy nghìn năm; hốt nhiên phải ra đối đãi với một thế giới mới, xưa nay chưa từng biết bao giờ, thành ra mang nhiên không hiểu một tí gì, nhất thiết phải học cả, như người học trò mới vào trường vậy. Nhờ công khai hóa của Bảo hộ, có một số người ở các nơi thành thị, học tập các trường tây, giao tiếp với người Tây, cũng đã tạm có chút trí thức tân thời. Nhưng chẳng qua là một thiểu số mà thôi. Còn phần nhiều người trong quốc dân, trình độ hãy còn kém lắm, chưa hiểu được chính sách mới, chưa rõ sự lợi hại của mình, chưa lý hội được những sự mưu toan của chính phủ thế nào. Vậy thì cái nhiệm vụ tối thiết của các nhà báo hiện nay là phải làm người đứng giữa mà giãi bày ban bố những công việc của Chính phủ cho cái phần đông người đó được biết cùng thay mặt quốc dân mà trình bày cho Chính phủ rõ chân tình trong nước và những điều sở nguyện của dân. Nếu các nhà báo biết khéo điều hòa trên dưới mà làm trọn được cái nhiệm vụ ấy thì công giúp cho chính trị không phải là nhỏ vậy.

Nhà báo không những là có thể giúp cho chính trị hiện thời, mà lại còn có thể mở đường cho chính trị tương lai nữa. Bởi sao vậy? Như trên kia đã nói dân ta là một dân đương biến cải, mỗi ngày tất một khác, mỗi ngày tất xuất hiện ra những vấn đề mới cần phải giải quyết cho xuôi. Nhưng nếu đợi cho đến khi những vấn đề ấy đã xuất hiện ra rồi mới tìm đường giải quyết thì kịp sao được. Đã hay rằng trách nhiệm của nhà chính trị là phải dự liệu trước mọi việc, những nhà báo được trực tiếp với dư luận cũng phải dọn đường mở lối sẵn thì nhà chính trị thi thố mới được ích lợi. Như thế thì công của nhà báo đối với tương lai lại chẳng to tát lắm dư?

Nước Nam ta sau này hay hay dở, các nhà báo cũng có phần vào đấy. Nếu ta biết khéo dùng cái động lực rất mạnh là tờ báo ngọn bút kia, mà gây thành được một dư luận sáng suốt khôn ngoan, thông hiểu tình thế, giúp được cho cái công tiến hóa về chính trị của quốc dân, thì mới thực là xứng đáng với lương tâm cùng thiên chức của nhà nghề vậy.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhà báo là ai?

    21/06/2015Nguyễn Hoàng LinhNhà báo là người chuyên làm nghề viết báo (Từ điển tiếng Việt). Không biết như thế đã đầy đủ chưa nhưng tôi rất tâm đắc với một nhà báo nổi tiếng mà tôi đã ngấm nó vào từng tế bào của đời làm báo: Nhà báo là những người chấm ngòi bút vào nỗi đau của nhân loại
  • Báo chí - nhà báo và sự hình thành tầng lớp trí thức hiện đại đầu thế kỷ XX

    21/06/2017Trần Văn ToànKhái niệm trí thức hiện đại ở đây được hiểu trong sự đối nghĩa với trí thức - kẻ sĩ trong xã hội Việt Nam truyền thống. Sự hiện diện của tầng lớp trí thức hiện đại, trên thực tế, mới chỉ xuất hiện ở giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Bài viết này sẽ tập trung làm sáng tỏ vai trò của báo chí - một thiết chế văn hóa có nguồn gốc phương Tây - đã đóng vai trò như một dung môi, một tiền đề vật chất cho sự xuất hiện của tầng lớp trí thức hiện đại như thế nào...
  • Đọc lại Mác về báo chí tự do

    03/05/2016Nguyễn Khắc MaiBáo chí nói chung là sự thực hiện tự do của con người. Do đó ở đâu có báo chí ở đó có tự do báo chí. Bản chất của báo chí tự do – đó là bản chất dũng cảm, có lý tính, có đạo đức của tự do. (Các Mác)
  • Phản biện xã hội

    12/07/2014Nguyễn Trần BạtQuan sát cuộc sống chúng ta có thể thấy phản biện là một hoạt động diễn ra hàng ngày. Phản biện là một nhu cầu của cuộc sống bởi nhờ có nó con người có thể loại bỏ những yếu tố sai để tiệm cận tới sự hợp lý trong các quyết định, các hành vi của mình. Trong đời sống xã hội phản biện là một công cụ không thể thiếu để tổ chức ra một xã hội dân chủ...
  • Báo chí và quyền Nhà nước pháp quyền

    20/06/2009Lò Văn MinhBảo là cánh cửa dân chủ đã mở cũng đúng. Nói cho có vẻ "văn hoa", bảo là "cuộc chơi" dân chủ bắt đầu cũng quá đúng. Nếu ai đó chịu khó quan sát, chịu khó thống kê các sự kiện báo chí Việt nam từ thời đổi mới, từ thời mở cửa...
  • Những “kỳ biến” trong làng báo đầu thế kỷ XX

    20/06/2009Trần Hòa BìnhVề cơ bản, đến những năm 30 của thế kỷ XX, các thể loại báo chí Việt Nam đã định hình khá rõ nét, có phần được chiếu theo những tiêu chí của báo chí phương Tây. Bên cạnh những thể loại cũ, một số thể loại mới xuất hiện, tạo nên những "kỳ biến" trong làng báo đầu thế kỷ XX.
  • Ai xóa cái "Tôi" của nhà báo?

    18/06/2009Lưu Hoài AnQuá nhiều các bài viết lờ nhờ, nhạt nhẽo trên báo chí mà người viết không đưa ra một quan điểm nào. Họ biện hộ: Đó chính là tính "khách quan" của báo chí. Hay đó chỉ là sự vô trách nhiệm và ngại chịu trách nhiệm của nhà báo?
  • Từ hành chính sự nghiệp tới tập đoàn báo chí

    18/06/2009TS. Phạm Duy NghĩaBài viết ngắn dưới đây lạm bàn về vai trò của giới truyền thông trong quản trị quốc gia và nhu cầu thay đổi cách quản lý lĩnh vực này trong thời đại ngày nay.
  • Ảnh hưởng của văn hóa phương Tây qua sự hiện diện của tờ báo

    09/04/2009Trần Văn ToànSự ra đời của báo chí, lẽ tự nhiên, làm xuất hiện một chân dung mới: ký giả, hay nhà báo. Những danh xưng này, trong ngôn ngữ đương đại thiên về ý nghĩa nghề nghiệp thuần túy nhưng ở vào thời điểm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX lại có nét nghĩa chỉ một nhóm có vai trò ưu đẳng trong xã hội (status group). Với quốc dân, họ là đại diện cho luân lý và tri thức, có chức phận dẫn dắt, hướng đạo. Trong một xã hội vốn có truyền thống trọng quan tước, ký giả thậm chí được liệt vào tầng lớp “quan lại cao cấp”.
  • Suy nghĩ về sự lạm dụng quyền lực thứ tư

    16/01/2007Lê Thiết HùngLâu nay, báo chí vẫn được coi là cơ quan quyền lực thứ tư (sau lập pháp, hành pháp và tư pháp). Báo chí không trực tiếp giải quyết vụ việc, nhưng thông qua thế mạnh truyền thông của mình, có thể làm giảm uy tín, làmđiêu đứng, thậm chí đánh sập một cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân nào đó nếu phát hiện thấy đối tượng có điểm yếu...
  • Tân văn - Tân thư và ảnh hưởng của nó đến tư tưởng yêu nước ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX

    07/11/2006PGS, TS Lê Thanh BìnhTân thư góp phần giúp cho trí thức Việt Nam tiêu biểu thời đó học được phương pháp mà sau này người ta thường gọi là: “Tự thức tỉnh, tự phê phán" để nhìn nhận rõ các ưu khuyết, nhất là các nhược điểm trầm trọng của chính tầng lớp mình, của nhân dân mình, dân tộc mình đặng sửa chữa, khắc phục...
  • Tìm lại chân dung một nhà báo hàng đầu Việt Nam

    20/06/2006Hôm nay, chúng ta ít nói đến nhà báo Phan Khôi - một nhà báo tài năng, một người cổ vũ cho tư tưởng duy lý phương Tây, phê phán một cách hài hước thói hư tật xấu của quan lại phong kiến và thực dân. Ông cũng là một trong số ít nhà báo tiếp thu nhiều tư tưởng mới lạ, đa văn hóa từ Hongkong, Trung hoa dân quốc, Nhật bản, Pháp...
  • Bác Hồ viết báo

    20/06/2006GS, TS. Nguyễn Lân DũngTrong cuộc đời hoạt động báo chí của mình, Bác Hồ đã viết khoảng 2.000 bài báo với trên 100 bút danh khác nhau. Bác coi báo chí là vũ khí sắc bén để vận động quần chúng và đấu tranh với kẻ thù...
  • Viết tạp bút như cụ Huỳnh

    08/12/2005Thanh ThảoSuốt một đời đấu tranh cho độc lập dân tộc, cho dân sinh, dân chủ, cụ Huỳnh không chỉ nêu tấm gương một nhà yêu nước, mà trong lĩnh vực báo chí, cụ còn thể hiện được sức mạnh của một ngòi bút can trường, nhân ái, quyết liệt và năng động. "Tôi là một nhà cách mạng công khai", cụ Huỳnh đã tự nhận chỗ đứng của mình như thế. Và đó là chỗ đứng của người cầm bút, của người làm báo, của người đấu tranh bằng con đường ngôn luận...
  • xem toàn bộ