Báo chí Việt Nam “đêm trước đổi mới”

01:50 CH @ Thứ Sáu - 12 Tháng Sáu, 2009

Tin tức hết sức lành mạnh, chỉn chu, không “lá cải” giật gân, thiên về quảng bá những điển hình tiên tiến; một số bài báo nổi tiếng góp phần vào sự nghiệp đổi mới sau đó… Đó là vài đặc điểm nổi bật của báo chí Việt Nam giai đoạn từ năm 1975 tới “đêm trước đổi mới”, năm 1986.

Không có nạn in lậu, không còn trò buôn giấy

Thời trước năm 1975, ở Sài Gòn, có chuyện các báo xin quota giấy, rồi tờ nào dùng không hết quota thì bán lại cho báo khác kiếm lãi. Nhiều tờ báo lại sống tốt nhờ cách “buôn giấy” như vậy hơn là nhờ doanh số bán báo.

Sau ngày thống nhất đất nước, việc ấn loát được Nhà nước thống nhất quản lý thông qua kế hoạch: Mỗi tờ đăng ký rõ số trang, số kỳ, lượng phát hành, từ đó Nhà nước xác định lượng giấy cần thiết cho báo/ tạp chí đó và chuyển chỉ tiêu tương ứng xuống nhà in. Có cả chỉ tiêu về lề (dành bao nhiêu phần trăm giấy cho lề); giấy thừa không được mua đi bán lại. Do vậy, trò “buôn giấy” của các báo khi xưa hết hẳn.

Tuy nhiên, buôn giấy mới hết thì lại nảy sinh nghề buôn giấy cũ. Những người làm “nghề” này thường mua báo, tích cóp lại rồi bán theo ký cho đồng nát kiếm lời. Ví dụ mua một tờ báo mới mất 5 xu, mua 25 tờ (tương đương 1 kg giấy) mất 1 hào 25 xu. Số này đem bán đồng nát, được tới 2 đồng rưỡi, vậy là lãi cũng rất khá.

Thế nên thời đó ở Hà Nội, có nhiều người xếp hàng mua cả đống báo, mang về nhà, vừa có cái đọc, vừa để bán đồng nát kiếm tiền.

Nhìn sang lĩnh vực “hàng xóm” của báo chí là xuất bản, thì đó là thời kỳ sạch bóng sách lậu. Một người làm sách kể lại: “Do quản lý chặt về đầu vào, nên hồi ấy dẫu giấy rẻ như bùn, cũng không ai dám in lậu cả”. Điểm này chắc là mơ ước của giới xuất bản thời nay.

Tàu điện là hình ảnh đặc trưng của Hà Nội thời bao cấp, mặc dù nó đã chạy ở Hà Nội từ đầu thế kỷ 20. (Ảnh tư liệu, nguồn: wikipedia.org)

Nói “không” với tin lá cải

“Nói về báo chí thời bao cấp” - GS lịch sử kinh tế Đặng Phong nhớ lại - “Điều để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất là kỹ thuật viết. Những năm đó đã hình thành nên cả một phong cách viết báo với nhiều điểm khác biệt”. (Ông Đặng Phong là Phó TBT tạp chí Thị trường & Giá cả giai đoạn 1983-1995).

Một trong những đặc điểm của báo chí ngày ấy (mà người đọc bây giờ nhìn lại có thể thấy ngạc nhiên) là thói quen sử dụng mẫu câu “dưới ánh sáng của...”. Ông Đặng Phong kể lại một câu chuyện tiếu lâm thời đó: Sếp đến thăm nhà nhân viên, thấy nhà dán rất nhiều văn bản nghị quyết đại hội này, hội nghị kia, phát biểu của đồng chí này, diễn văn của đồng chí kia.

Sếp ngạc nhiên hỏi vì sao, nhân viên trả lời: “Thưa anh, đề phòng mất điện ạ”.

Kể chuyện này để thấy rằng cụm “dưới ánh sáng của...” đã trở thành một mẫu câu kinh điển trong báo chí thời đó.

Diễn viên Phương Thanh (đã mất đầu năm 2009) là ngôi sao màn bạc, gương mặt sáng giá trên các trang báo thời trước đổi mới. (Ảnh tư liệu, nguồn: Thế giới điện ảnh)

Một đặc điểm khác của báo chí trước đổi mới - có thể khá lạ đối với độc giả thời nay - là không đưa tin lá cải, hiểu theo nghĩa những tin tức giật gân, có liên quan tới bạo lực, tình dục hoặc đời tư người nổi tiếng.

Cánh phóng viên văn hóa - văn nghệ thời đó chẳng phải nhọc lòng “săn tin” về đời sống gia đình và cá nhân của các nghệ sĩ như ngày nay. Thi thoảng mới có một tin kiểu như “Ca sĩ Thanh Hoa về thăm trường cũ”, hoặc “Diễn viên Trà Giang với những kỷ niệm về Bác Hồ”, v.v.

Nếu cứ nhìn vào các tin văn hóa trên báo chí bây giờ, các nghệ sĩ hẳn thấy báo chí ngày trước quá “hiền lành”. Không có chuyện bới móc đời tư, không có khái niệm chụp ảnh trộm (paparazzi). Những loại tin mà phóng viên bây giờ gọi đùa là “trộm - nghiện - lừa - cướp - giết - hiếp” lại càng không xuất hiện trên mặt báo thời đó. Các nhà báo quán triệt sâu sắc tinh thần “Nói ‘không’ với tin lá cải”.

Điển hình tốt và điển hình xấu

Báo chí còn thường xuyên xây dựng những tấm gương đạo đức, người tốt việc tốt. Thông qua phản ánh của báo chí, nhiều cơ sở sản xuất, đơn vị anh hùng, điển hình tiên tiến trong lao động thời đó trở thành hình mẫu điển hình của xã hội.

Có thể nhắc tới những hợp tác xã Định Công, Vũ Thắng (nông nghiệp), hợp tác xã Thành Công (thủ công nghiệp), công trường Kẻ Gỗ (thủy lợi), trường Bắc Lý, v.v... Mỗi lĩnh vực đều có một lá cờ, một con chim đầu đàn.

Tất nhiên, thời nào cũng vậy, báo chí đều có chức năng phê bình, phản biện xã hội. Biểu dương cái tốt thì đồng thời cũng phải lên án cái xấu. Những cái xấu, những đối tượng tiêu cực điển hình bị phản ánh hồi đó là lãnh đạo quan liêu, xa hoa lãng phí, xa rời quần chúng; công nhân lười biếng, thiếu tinh thần trách nhiệm, không vươn lên làm chủ tập thể; nông dân đầu óc nặng tư hữu; tư thương (tức phe phẩy) sinh hoạt phè phỡn; bọn phản động trong nước và các thế lực bành trướng, thù địch bên ngoài.

"Viết bậy, tình hình đâu đến nỗi bi đát thế!". Biếm họa của họa sĩ Nguyễn Nghiêm trên báo Văn Nghệ số ra ngày 4/6/1988 - những năm đầu đổi mới. (Ảnh tư liệu, nguồn: thethaovanhoa.vn)

Tuy vậy, trong cuộc đấu tranh chống cái xấu này, đôi khi cũng xảy ra hiện tượng báo chí “đánh quá đà” do tả khuynh, quá khích. Năm 1983, tại Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An và một số tỉnh, có chiến dịch Z.30 khám xét và tịch thu những ngôi nhà hai tầng trở lên bị hàng xóm tố cáo là khá giả, có dấu hiệu làm ăn bất chính. Ngay lập tức, một loạt bài báo của một số ký giả hùa vào bới móc, “đánh hội đồng”, không cần biết thực chất ra sao.

Chẳng hạn, bài Những kẻ có tài sản bất minh của tác giả Quang Cát (Hà Nội Mới, số ra ngày 14/5/1983) viết:

“Gần 8h sáng, chủ nhân vẫn chưa dậy, trong khi ngày làm việc của thành phố đã bắt đầu… Đoàn kiểm tra đến khám xét, hắn đã dậy và ra mở cửa phòng ngoài. Đây là loại cửa gỗ lát dày, có đánh xi bóng nhoáng, phía trên gắn kính mờ hoa dâu… Phòng khách lộng lẫy, có salon, máy quay đĩa…

Trong khi Hà Nội ta có bao nhiêu gia đình ở chật chội, mỗi đầu người chỉ có 1m2, thì nhiều tên làm ăn bất chính lại xây nhà, mua nhà sống xa hoa như vậy”.(*)

Các nhân vật bị coi là “tiêu cực”, “phản diện” thường bị báo chí gọi bằng ngôi “y”, “hắn”, “thị”, “mụ”, “bọn chúng”.

Một số nhà phê bình ngày nay cho rằng cách gọi đó có phần thiếu văn hóa, thiếu tính khách quan cần thiết của báo chí, tuy nhiên, đây cũng là điều bình thường trong một xã hội chưa cởi mở. Bạn đọc có thể thấy các ngôi nhân xưng cực đoan này đã không còn thật thông dụng trong khoảng thời gian chục năm trở lại đây.

Đóng góp to lớn vào đường đến đổi mới

Sau ngày thống nhất, báo chí hai miền hòa chung vào một tiếng nói xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Những nhà báo ở Sài Gòn cũ, còn trụ lại được với nghề, thì tập trung “đầu quân” cho Tin Sáng - tờ nhật báo duy nhất còn tiếp tục hoạt động dưới chế độ mới. Trong số này, có những cây viết rất nổi tiếng như: Ngô Công Đức (chủ nhiệm), Hồ Ngọc Nhuận (chủ bút), Lý Quý Chung tức Chánh Trinh, Dương Văn Ba...

Năm 1981 khi Tin Sáng ngừng hoạt động, dàn quân thiện chiến của báo tỏa về Tuổi Trẻ và Sài Gòn Giải Phóng, và có những đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng và phát triển của hai tờ báo này.

Một nhà báo từng cầm bút qua cả hai chế độ, kể lại: “Trước năm 1975, làng báo Sài Gòn khá đông đúc, có lúc lên tới hơn 40 tờ báo ngày. Những năm đầu sau 1975, báo ngày ở Sài Gòn chỉ còn 2 tờ Tin Sáng và Sài gòn Giải phóng. Tờ Tuổi Trẻ, cho đến năm 1981 khi tôi về làm việc, vẫn còn là tuần báo”.

Ở cả hai miền, báo chí đã có những bài viết với tác dụng đánh động, mở đường, góp phần cực kỳ quan trọng trên con đường đi tới sự nghiệp đổi mới.

Chẳng hạn, khoảng năm 1979-1980, báo Nhân Dân đã tổ chức chiến dịch cử phóng viên xuống địa bàn viết bài “tìm hiểu các giải pháp nâng cao mức sống của nông dân” mà thực chất là điều tra nông thôn Việt Nam và phản ánh kịp thời thực trạng báo động tới lãnh đạo và nhân dân cả nước.

Chính các bài viết sâu sắc, dũng cảm và khéo léo của các nhà báo như Hữu Thọ, Thái Duy… thời gian đó đã góp phần đưa tới sự nhất trí của Trung ương đối với cơ chế khoán trong nông nghiệp (Chỉ thị 100/CT ra đời tháng 1/1981).

Ở phía Nam, báo chí cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với những cuộc “phá rào” - chống cơ chế trì trệ bảo thủ cũ, mạnh dạn cải cách. Nếu không có sự hưởng ứng của báo chí, những người đi tìm cái mới hẳn đã không thể “tồn tại” được. Đó là các trường hợp “xé rào” của Công ty Lương thực TP HCM, Xí nghiệp Dệt Thành Công, Nhà máy Thuốc lá Vĩnh Hội, v.v... Và những bài báo dưới hình thức “biểu dương các sáng kiến tháo gỡ khó khăn, ách tắc” chính là cách đắc lực để cổ vũ và khuyến khích cái mới.

20 năm sau…

Hai thập kỷ đã qua, báo chí Việt Nam vẫn tiếp tục bám sát những bước tiến của đất nước trong công cuộc đổi mới: Từ một nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, đến thời mở cửa, rồi hội nhập. Theo thời gian và vận hội mới, báo chí ngày càng hiện đại hơn, nội dung và hình thức chuyên nghiệp hơn. Ngôn ngữ viết, phong cách viết cũng đã đổi khác nhiều, kể từ khâu lựa chọn tin tức trở đi.

Nhưng có những giá trị sẽ mãi tồn tại: Đó là những chức năng căn bản của báo chí - cung cấp thông tin, kiến thức, hay bình luận, phản biện chính sách xã hội… Thực hiện chính xác và hữu hiệu những chức năng ấy, báo chí sẽ có cơ hội đồng hành cùng đất nước trên con đường tiến tới một xã hội dân chủ, văn minh và tốt đẹp hơn.


(*)Tư liệu lấy từ cuốn "Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989", Đặng Phong, NXB Tri thức tái bản năm 2009

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhà báo là ai?

    21/06/2015Nguyễn Hoàng LinhNhà báo là người chuyên làm nghề viết báo (Từ điển tiếng Việt). Không biết như thế đã đầy đủ chưa nhưng tôi rất tâm đắc với một nhà báo nổi tiếng mà tôi đã ngấm nó vào từng tế bào của đời làm báo: Nhà báo là những người chấm ngòi bút vào nỗi đau của nhân loại
  • Tại sao trên báo chí lại thưa vắng các bài điểm sách?

    13/01/2018Vương Trí NhànMột mặt trong tâm thức của nhiều người, văn chương là một cái gì ghê lắm, danh giá để đời, tên tuổi đi vào lịch sử. Mặt khác thông tin trên mặt báo về văn học lại nghèo nàn nhạt nhẽo. "Kính nhi viễn chi", người ta lảng tránh. Trong sự thông tin kém cỏi như vậy, riêng phần đọc sách vì không màu mỡ riêu cua câu khách được tí nào, nên càng bị ghẻ lạnh.
  • Báo chí - nhà báo và sự hình thành tầng lớp trí thức hiện đại đầu thế kỷ XX

    21/06/2017Trần Văn ToànKhái niệm trí thức hiện đại ở đây được hiểu trong sự đối nghĩa với trí thức - kẻ sĩ trong xã hội Việt Nam truyền thống. Sự hiện diện của tầng lớp trí thức hiện đại, trên thực tế, mới chỉ xuất hiện ở giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Bài viết này sẽ tập trung làm sáng tỏ vai trò của báo chí - một thiết chế văn hóa có nguồn gốc phương Tây - đã đóng vai trò như một dung môi, một tiền đề vật chất cho sự xuất hiện của tầng lớp trí thức hiện đại như thế nào...
  • Đọc lại Mác về báo chí tự do

    03/05/2016Nguyễn Khắc MaiBáo chí nói chung là sự thực hiện tự do của con người. Do đó ở đâu có báo chí ở đó có tự do báo chí. Bản chất của báo chí tự do – đó là bản chất dũng cảm, có lý tính, có đạo đức của tự do. (Các Mác)
  • Trao cho báo chí

    17/05/2011Trần Dĩ HạThưa các vị đại biểu. Tình hình tham nhũng đã đến lúc báo động hết cấp. Nếu chúng ta không tích cực chống tham nhũng thì nước ta sẽ rơi vào tình trạng thắng trong chiến tranh, thua trong hòa bình, quá khứ hào hùng nhưng tương lai thì tụt hậu...
  • Nhân ngày tôn vinh nhà báo

    21/06/2009TS. Phạm Duy NghĩaCho tới một ngày đủ tự tin hơn nữa, quyền được biết và được nói của dân chúng sẽ giúp báo chí có thêm năng lực phản biện chính sách và dẫn dắt công luận. Thật quý bởi có một ngày để tôn vinh nghề báo, những mong từ một ngày tôn vinh hướng tới cả năm tôn trọng.
  • Chuyện làm báo ở Sài Gòn trước 1975

    21/06/2009Đoan Trang"Nhiều nhà báo trẻ bây giờ sính dùng tiếng Anh, tiếng Mỹ trong bài quá, mặc dù nhiều từ có tiếng Việt tương ứng. Có khi lại dùng từ nước ngoài kèm theo tiếng Việt, kiểu như: fan hâm mộ, nắp ca-pô…” - ông Y. nói. "Tôi nhớ báo chí Sài Gòn thời trước 75 không ai viết tiếng Việt theo kiểu "ba rọi" như vậy, mà phóng viên có lỡ viết thì biên tập viên cũng sẽ sửa ngay".
  • Báo chí và quyền Nhà nước pháp quyền

    20/06/2009Lò Văn MinhBảo là cánh cửa dân chủ đã mở cũng đúng. Nói cho có vẻ "văn hoa", bảo là "cuộc chơi" dân chủ bắt đầu cũng quá đúng. Nếu ai đó chịu khó quan sát, chịu khó thống kê các sự kiện báo chí Việt nam từ thời đổi mới, từ thời mở cửa...
  • Những “kỳ biến” trong làng báo đầu thế kỷ XX

    20/06/2009Trần Hòa BìnhVề cơ bản, đến những năm 30 của thế kỷ XX, các thể loại báo chí Việt Nam đã định hình khá rõ nét, có phần được chiếu theo những tiêu chí của báo chí phương Tây. Bên cạnh những thể loại cũ, một số thể loại mới xuất hiện, tạo nên những "kỳ biến" trong làng báo đầu thế kỷ XX.
  • Ai xóa cái "Tôi" của nhà báo?

    18/06/2009Lưu Hoài AnQuá nhiều các bài viết lờ nhờ, nhạt nhẽo trên báo chí mà người viết không đưa ra một quan điểm nào. Họ biện hộ: Đó chính là tính "khách quan" của báo chí. Hay đó chỉ là sự vô trách nhiệm và ngại chịu trách nhiệm của nhà báo?
  • Từ hành chính sự nghiệp tới tập đoàn báo chí

    18/06/2009TS. Phạm Duy NghĩaBài viết ngắn dưới đây lạm bàn về vai trò của giới truyền thông trong quản trị quốc gia và nhu cầu thay đổi cách quản lý lĩnh vực này trong thời đại ngày nay.
  • Ảnh hưởng của văn hóa phương Tây qua sự hiện diện của tờ báo

    09/04/2009Trần Văn ToànSự ra đời của báo chí, lẽ tự nhiên, làm xuất hiện một chân dung mới: ký giả, hay nhà báo. Những danh xưng này, trong ngôn ngữ đương đại thiên về ý nghĩa nghề nghiệp thuần túy nhưng ở vào thời điểm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX lại có nét nghĩa chỉ một nhóm có vai trò ưu đẳng trong xã hội (status group). Với quốc dân, họ là đại diện cho luân lý và tri thức, có chức phận dẫn dắt, hướng đạo. Trong một xã hội vốn có truyền thống trọng quan tước, ký giả thậm chí được liệt vào tầng lớp “quan lại cao cấp”.
  • Suy nghĩ về sự lạm dụng quyền lực thứ tư

    16/01/2007Lê Thiết HùngLâu nay, báo chí vẫn được coi là cơ quan quyền lực thứ tư (sau lập pháp, hành pháp và tư pháp). Báo chí không trực tiếp giải quyết vụ việc, nhưng thông qua thế mạnh truyền thông của mình, có thể làm giảm uy tín, làmđiêu đứng, thậm chí đánh sập một cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân nào đó nếu phát hiện thấy đối tượng có điểm yếu...
  • Truyền thông đang “xâm lấn” báo chí

    20/06/2006Lê ThăngTháng 5 vừa qua, Đại học Tự do Bruxelles đã tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Các nhà báo thời kỳ công nghệ thông tin và truyền thông (ITC): Những thách thức về đạo đức báo chí”. Tham dự hội thảo này có các nhà báo, nhà nghiên cứu báo chí từ châu Mỹ, châu Phi, châu Âu và châu Á (PV Báo Lao động tham dự và trình bày tham luận tại hội thảo)...
  • Nhà báo, chữ tín và doanh nghiệp

    13/01/2006Beth Erickson (Sơn Tùng dịch)Một tờ báo sẽ phải xây dựng những quy tắc đạo đức kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp như thế nào khi các nhà báo ở đó cần phải xây dựng các mối quan hệ với các doanh nghiệp, tổ chức cũng như nuôi dưỡng nguồn tin của mình?
  • xem toàn bộ