Những hạt sạn trong báo chí
Trong bài này tác giả Phan Việt đã nhìn nhận một số những sai trái trong đời sống văn hoá hiện tại của Việt Nam; mà nguyên nhân là do sự cẩu thả, dễ dãi hoặc ấu trĩ về nhận thức của những người tham gia tạo, phát tán và đánh giá các sản phẩm và hoạt động văn hóa, với mong muốn góp phần làm trong sạch hơn bầu không khí văn hóa nước nhà.
Bài này gồm 4 phần: phần 1 về báo chí Việt Nam; phần 2 về văn học - dịch thuật; phần 3 về ca nhạc - biểu diễn và phần 4 (dự kiến) về việc giúp bạn đọc xây dựng kỹ năng đánh giá một sản phẩm hay hoạt động văn hoá sao cho hợp lý, tránh sa vào các bẫy và các trào lưu bong bóng.
Xin được bắt đầu loạt bài về đời sống văn hóa Việt Nam bằng bài viết về những cái sai trong báo chí vì báo chí là sản phẩm mà người dân tiếp xúc hàng ngày và được phát tán rộng rãi nhất. Trước đây, nhiều người đã lên tiếng về sự cẩu thả và ấu trĩ của một số bài viết trên báo chí Việt Nam, nhưng lâu nay không ai chú ý nên mật độ sự sai trái lại tăng lên đáng kể. Tôi cũng xin đính chính ngay rằng vì tôi đang sống ở nước ngoài và chỉ đọc được báo điện tử nên chỉ tập trung vào báo điện tử; nhưng tôi tin rằng báo in trong nước cũng không tránh được những vấn đề mà tôi đề cập trong bài viết dưới đây.
1. Lỗi trình bày
Chỉ cần đọc qua khoảng vài chục bài báo tải lên mục Văn hóa từ ngày 2 đến ngày 4/10/2005 của trang VnExpress, một trang có uy tín trong làng báo điện tử Việt Nam, bạn đọc cũng có thể nhặt ra rất nhiều sạn trong lỗi diễn dạt do sự cẩu thả của người viết bài. Một lỗi khó chịu đầu tiên là việc dùng tiếng Anh vô tội vạ và không chính xác trong các bài viết; ví dụ như “Năm Dòng Kẻ bị shock trước tin đồn ở lại Mỹ” hoặc “Kim Thư sẵn sàng sex vì nghệ thuật”; rồi “show diễn Đường xa vạn dặm”; rồi “Mật mã Da Vinci là sách best seller”; rồi là “album video vol.2 của Lam Trường”, sàn “catwalk” trong bài về Ngọc Thúy, Vũ Cẩm Nhung; rồi “single đầu tay “Y’all ain’t ready” của chồng Britney Spears, vân vân và vân vân. Hầu như không có bài nào trong trang Văn hóa lại không có một, hai từ tiếng Anh; và được dùng sai một cách rất hồn nhiên. Đồng ý rằng có những từ tiếng Anh nhất định đã trở thành phổ thông và có thể dùng được trong báo chí; nhưng nếu đã viết thì các nhà báo cũng nên viết cho đúng và cẩn thận; và khi có thể thay thế bằng tiếng Việt thì tốt nhất là dùng tiếng Việt để cho những bạn đọc không có ngoại ngữ không bị đánh đố. Tại sao không viết là “Năm Dòng Kẻ bị sốc...” hoặc nếu đã dùng tiếng Anh thì nên dùng tính từ “shocked” chứ đọc “Năm Dòng Kẻ bị shock” thật là gai mắt. Rồi sao không dùng “buổi diễn” thay cho “show diễn”; dùng “sách bán chạy” thay cho “best-seller”; “đĩa hình” thay cho “album video”; “đĩa đơn” thay cho “single”?
Một lỗi khác cũng thường gặp là việc tên nước ngoài của các bài hát/chương trình/đĩa/tờ báo lúc thì được dịch sang tiếng Việt, lúc thì để nguyên một cách vô lối. Tên người, tên thành phố nước ngoài cũng chịu số phận tương tự: khi thì được phiên âm tiếng Việt, khi thì để nguyên gốc. Trong bài Colours of the night – nhóm kịch rối bóng đầu tiên ở Việt Nam, đăng trên VnExpress ngày 4/11/2005, tên Philippines (tiếng Anh chưa phiên âm) đặt cạnh Thái Lan, Đài Loan (đã qua phiên âm); tên “Việt Nam” thì viết tắt thành “VN” ngay từ tít bài báo. Xin trích nguyên làm ví dụ một đoạn đầu tiên trong bài Bài hát của Kenvin Federline bị “đánh tơi tả” đăng trên VnExpress vào ngày 4/11/2005: “Single đầu tay “Y’All Ain’t Ready” của chồng Britney Spears bị rò rỉ trước khi phát hành và nhận phải nhiều lời chê bai khiến anh “vuốt mặt không kịp”. Theo kế hoạch, CD hip hop “The Truth” của Kevin sẽ ra mắt vào đầu năm nay”.
Đọc đoạn trên, một người không có vốn tiếng Anh kha khá hoặc không biết chút ít về âm nhạc (để hiểu single khác với các thể loại phát hành khác như thế nào) làm sao hiểu được tường tận đoạn tin đang đưa? Nếu không dịch hẳn “single” là “đĩa đơn”, và không dịch, dù chỉ là dịch tạm, những cái tên “Y’All Ain’t Ready” (Các Người Vẫn Chưa Sẵn Sàng) và “The Truth” (Sự Thật) ra thì bạn đọc làm sao hình dung được về nội dung đĩa nhạc?
Tệ hơn trường hợp trên, trong bài Francois Weyergans đoạt giải Goncourt, cũng tải lên ngày 4/11/2005 trên tờ VnExpress, người viết còn dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Anh và để nguyên như vậy cho người đọc tự lần mò. Nguyên văn đoạn viết như sau: "Hôm qua, Goncourt - giải thưởng văn học uy tín nhất của Pháp – đã được trao cho nhà văn Bỉ Francois Weyergans với cuốn tiểu thuyết “Trois jours chez ma mère” (Three Days at My Mother’s)".
Lỗi này không phải là duy nhất do sơ suất vì cũng trong bài viết này, khi nhắc tới một tác phẩm khác của Michel Houellebecq, bài báo cũng đánh đố y như trên khi viết tên tác phẩm La possibilité d’une ile và chua thêm bên cạnh (The Possibility of an Island) nhưng tuyệt đối không dịch ra tiếng Việt. Chắc là vì nhà báo dịch bài từ tiếng Anh, và nguồn tiếng Anh đưa tựa đề dịch tiếng Anh từ nguyên gốc tiếng Pháp của họ vào trong ngoặc; nhưng nhà báo không để ý nên cứ giữ nguyên.
Cũng song song với lỗi trên là các lỗi trình bày văn bản, ví dụ như không biết từ nào thì viết hoa, từ nào viết thường, có được bắt đầu câu bằng chữ số hay không; khi nào đặt ngoặc kép, khi nào dùng dấu câu nào, trích dẫn lời người khác ra sao. Dẫn chứng về những lỗi này quá mất công nên tôi xin phép bỏ qua; bạn đọc chỉ cần đọc thử một vài bài trong các trang báo điện tử và để ý thì sẽ thấy ngay. Với người đọc xuề xòa, đọc báo điện tử lấy tin nhanh thì có lẽ cũng sẽ không mấy bận tâm với các lỗi trên; nhưng điều đáng buồn là ngay cả những bài viết trên báo in - được đưa lại y nguyên trên các trang điện tử - cũng mắc các lỗi trình bày; làm cho người đọc như tôi rất khó chịu vì giống như ăn cơm bị vướng phải sạn.
2. Lỗi nội dung
Một lỗi khó chịu hơn lỗi trình bày kể trên là lỗi nội dung và văn phong. Điểm khó chịu đầu tiên là việc dùng văn nói tràn lan trong báo viết, làm bài báo nghe như một bài bình luận vỉa hè. Về khoản này thì trang Văn hóa - Giải trí của Vietnamnet mắc lỗi nhiều nhất, đặc biệt là các bài viết do các phóng viên ghép từ các mẩu tin nước ngoài ngắn và điền thêm các bình luận cá nhân. Xin đơn cử một ví dụ là bài Jude tìm lại hạnh phúc, Leo lại bị cắm sừng, tải lên Vietnamnet vào ngày 4/11/2005. Nguyên văn như sau:
Vietnamnet - Người tìm lại được hạnh phúc, kẻ đau xót khi bị cắm sừng. Đời thật khó đoán!
Qua bao nhiêu sóng gió cuối cùng họ cũng đã nhận ra rằng họ không thể sống thiếu nhau. Chàng và nàng đã quyết định đánh dấu sự tái hợp của mình bằng một buổi đi chơi đêm kéo dài đến 4 giờ sáng.
Thứ nhất là câu cảm thán đầy tính văn nói “Đời thật khó đoán!” là một câu hết sức kệch kỡm khi đưa vào bài báo. Thứ hai, đứng về mặt tin tức, cả đoạn trên chỉ có một sự kiện là Jude và Sienna đi chơi đến 4 giờ sáng; tất cả những dòng bình luận còn lại như “họ nhận ra rằng họ không thể sống thiếu nhau” hoặc “quyết định đánh dấu sự tái hợp của mình” là những dòng suy diễn thiếu căn cứ. Người viết bài không nên đưa những bình luận kiểu này khi không biết gì về sự kiện; nó dễ đưa đến những nhận định sai cho những người đọc không có đầu óc quan sát. Xin lấy thêm một ví dụ khác, cũng được tờ Vietnamnet đưa lên ngày 4/11/2005 trong bài Kevin hết tiền, con của Beck giàu to, nguyên văn như sau:
Vậy là Kevin đang thực sự bị Britney cấm vận? Chưa biết nhưng những tấm hình dưới đây đang chứng minh điều ấy. Ngược lại, 3 cậu con trai của Becks đang giàu to khi nhận được mỗi cậu chiếc đồng hồ trị giá gần 50.000 USD, quà Giáng Sinh.
... Mặt mếu xệ nhưng rất nhanh chóng Kevin lấy lại tươi tỉnh vì gã vẫn còn 1 thẻ ATM, visa hết tiền thì rút bằng ATM, khó gì, chẳng qua tiền nhiều quá để không hết chỗ phải xài nhiều thẻ cho đỡ chật chội, Kevin muốn chữa thẹn với mọi người như vậy.
Đến đây thì tôi xin chịu, không hiểu vì sao một nhà báo lại có thể viết những dòng trên. Không những từ ngữ dùng sai, cách viết không mang phong cách báo chí; mà tác giả còn không hiểu gì về thẻ tín dụng nên mới viết “visa hết tiền thì rút bằng ATM”.
Một lỗi khó chịu tiếp theo là việc các nhà báo bình luận các sự kiện như thể họ đang nói sự thật chứ không phải ý kiến riêng của họ. Họ đặt các sự kiện ra ngoài hoàn cảnh, hỏi hoặc trích lời người phỏng vấn một cách thiếu chính xác để bóp méo sự việc hoặc nhân vật theo ý họ. Từ cách đặt tít bài cho đến những câu hỏi đặt ra cho đều thiên về sự giật gân, tò mò, thậm chí xâm phạm riêng tư hoặc thiếu tôn trọng với người được hỏi.
Một ví dụ minh họa là bài phỏng vấn Nguyễn Hồng Hà do báo Người Đẹp thực hiện. Trang Dantri.com.vn đưa lại vào ngày 4/11/2005 với tít “Ở Hà Nội, nhiều người biết tôi có hình xăm này” trong khi Văn hóa của Vnexpress dùng tít “Hồng Hà muốn tạo sự khác biệt bằng hình xăm” (bài phỏng vấn không hề cho thấy đây không phải là điều người được phỏng vấn muốn nhấn mạnh, thậm chí “khổ chủ” có vẻ liên tục ra sức thanh minh điều ngược lại).
Các câu hỏi của bài báo như sau:
- Trở về từ cuộc thi Hoa hậu Châu Á, chị đã đối mặt với dư luận về hình xăm của mình như thế nào?
- Như vậy là chị bị lừa đến một cuộc thi?
- Chuyện hình xăm có ảnh hưởng gì đến chuyện chị trắng tay tại cuộc thi?
- Vậy tại sao báo chí Hồng Kông lại ồn ào về hình xăm của chị?
- Tại sao chị lại chọn hình xăm con rồng?
- Còn thông tin chị tham gia vào đường dây gái gọi cao cấp thực hư ra sao?
- Bố mẹ chị đã phản ứng thế nào trước những scandal của con gái, nhất là bố chị lại giữ một vị trí cao trong làng thể thao?
Các câu hỏi cho thấy một sự soi mói của nhà báo với người được phỏng vấn về một vấn đề mang tính cá nhân là chuyện xăm hình, dựa trên những thông tin thị phi. Thậm chí có những câu hỏi không nên được hỏi hoặc hỏi một cách thiện chí hơn với người được phỏng vấn, như câu số 6. Bản thân tôi là người có học về báo chí - truyền thông, và tôi biết một trong những nguyên tắc của người làm báo là không nên hỏi những gì không có căn cứ vì có thể hoàn toàn gây cho người đọc cảm giác sai lệch; hoặc nên bày tỏ sự chuyên nghiệp và tôn trọng tối thiểu với “khách hàng” của mình.
Một việc nghiêm trọng khác là việc thiếu hiểu biết về hệ thống văn hóa nước ngoài, cho nên không biết tin tức nào, sự kiện nào, tác phẩm nào thuộc vào hàng “lá cải” và chỉ nên được đưa ở những trang tin “lá cải”; còn cái nào là thuộc hàng văn hóa nghiêm túc. Do đó dùng lẫn lộn các nguồn tin từ báo thương mại, “lá cải” của nước ngoài (như tờ People, Star, OK! của Mỹ) với tin từ các báo có uy tín (như tờ New York Times, Washington Post, the New Yorker). Thậm chí tôi nhớ có lần có báo của Việt Nam còn đưa tin từ tờ Onion (là một tờ báo châm biếm chính trị, thường hay đưa các tin giả vờ để châm biếm các nhân vật chính trị) và coi những dòng bình luận ở đó là có thật. Các loại tin tức buôn chuyện về Britney Spears, Paris Hilton nằm lẫn lộn trong trang tin văn hóa cùng với những tin tức về giải Nobel văn học hay tin sách trong nước. Không hiểu rằng ở hầu hết các nước phát triển, hệ thống báo chí phân thành thứ hạng hẳn hoi và tin tức từ các tờ báo lá cải, chuyên đưa tin giật gân là những tin tức có độ tin cậy thấp, chủ yếu là những bình luận, suy diễn giật gân của người viết, để người ta đọc giải trí và xem ảnh nhiều hơn là lấy thông tin.
Cũng liên quan đến sự thiếu hiểu biết nói trên, không ít tời báo đôi khi dịch sai nghiêm trọng các bài báo nước ngoài hoặc không phân biệt được đâu là sự ồn ào có tính thương mại, đâu là sự ca ngợi thật sự với một tác phẩm hoặc hoạt động văn hóa. Ví dụ cụ thể nhất là việc báo chí gần đây đưa tin rất nhiều về cuốn Mật mã Da Vinci, và khi có sự việc dịch ẩu cuốn này xảy ra, các báo lại đồng loạt ngã ngửa ra rằng “Mật mã Da Vinci không phải là kỳ quan văn học thế giới” hoặc “Mật mã Da Vinci rớt khỏi danh sách best-seller” (tin đưa trên hầu hết các báo điện tử ngày 4/11/2005). Xin thưa rằng cuốn sách này chưa bao giờ được đánh giá là kỳ quan văn học thế giới ở Mỹ (ở Mỹ và các nước tiên tiến, văn học thương mại và văn học chính thống được phân loại rõ); mà nó chỉ là một tác phẩm thương mại hấp dẫn và nó bán chạy vì nó dựng một câu chuyện ly kỳ để nói rằng chúa Giê-su Ki-tô có vợ và dòng dõi của ông vẫn còn tồn tại cho đến nay - một điều mà các nhà khoa học đã nói từ lâu nhưng không phải dưới dạng sách văn học (vì thế mới có vụ kiện tác giả Dan Brown bị kiện vì “đạo văn”). Sở dĩ cuốn sách được quan tâm vì nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung có một lượng người theo đạo Thiên Chúa khổng lồ và cuốn sách này đưa ra một thông tin có thể coi là “báng bổ” đối với những người theo đạo. Và cũng phải công nhận là cuốn sách được viết lôi cuốn (tuy đầy các lỗ hổng nội dung), ngang với các sách trinh thám của Sidney Sheldon hay Michael Crichton, hay sách Sherlock Holmes cho bạn đọc Việt Nam dễ hiểu. Nhưng thôi, về vấn đề văn học và dịch thuật, tôi sẽ bàn sâu hơn ở một bài viết khác.
Cuối cùng, xin đề cập tới một hiện tượng đáng buồn khác là việc tốn giấy mực đưa tin và bình luận về những sự kiện, nhân vật mà tôi không biết dùng từ nào hơn ngoài từ “lá cải” hoặc chí ít là phiến diện. Trong khi không mấy mới thấy có một nhà khoa học, các nghệ sỹ thầm lặng làm việc hay một doanh nhân tư nhân được phỏng vấn và đưa tin một cách nghiêm chỉnh thì báo chí tràn ngập các bài phỏng vấn kiểu “buôn chuyện bên lề” về Hồ Ngọc Hà, Hồ Quỳnh Hương, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Thanh Lam, Hồng Nhung (ví dụ như Hồ Ngọc Hà, hầu như không tuần nào không thấy xuất hiện trên báo). Tệ hơn là việc thổi phồng các sự kiện và con người, nhằm những mục đích tuyên truyền hoặc câu khách. Ví dụ như đọc các báo đua nhau ca ngợi các gương sinh viên học giỏi ở nước ngoài, hoặc chú trọng quá mức vào việc người Việt Nam đi thi người đẹp... và mỗi thắng lợi hay thất bại đều được thổi lên thành ra thắng lợi hoặc nỗi buồn của cả nước. Họ liên tục nhập nhoạng giữa những thứ thuộc về các cá nhân với những thứ to tát như “tinh thần dân tộc”, “phẩm chất người Việt”, “tài năng của người Việt”, vân vân... Có những thành tích nhỏ xíu của một sinh viên du học hoặc một học sinh nào đó trong nước cũng được phóng đại lên thành biểu hiện trí tuệ của “thế hệ trẻ Việt Nam”, trong khi thực sự thành tích đó cũng không đáng kể gì khi đem so với du học sinh Trung Quốc, Ấn Độ... Nguy hiểm hơn, những bài báo này gợi ý rằng phải sống như thế này... phải phấn đấu như thế kia... thì mới là một cuộc sống lý tưởng mà không biết đưa vấn đề một cách khách quan. Những điều này có cái hại là tạo một cái nhìn lệch lạc, một chiều, củng cố tâm lý “tự sướng” với nhiều người đọc Việt Nam, gây ra những hậu quả vô hình nhưng sâu sắc cho nhận thức của người đọc.
Còn nhiều những lỗi khác nữa trên một số báo chí của Việt Nam mà tôi không kể chi tiết ra được. Thú thực là viết bài này không phải là một việc vui vẻ gì với tôi; nhưng nếu không ai viết thì sự cẩu thả, dễ dãi cứ tràn ngập mãi, ảnh hưởng tới người đọc. Hy vọng các nhà báo nghiêm túc, cẩn thận và có trách nhiệm hơn với công việc của mình.
Phan Việt là bút danh văn chương của Nguyễn Ngọc Hường (1978), hiện là nghiên cứu sinh tại Đại học Chicago (Mỹ). Tập truyện Phù Phiếm Truyện của Phan Việt đã đạt giải Nhì cuộc vận động sáng tác Văn Học Tuổi 20 năm 2005.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu