Vài nét về chủ nghĩa bảo thủ hiện đại ở phương Tây

10:58 SA @ Thứ Bảy - 03 Tháng Mười Hai, 2005

Trong những thập kỷ gần đây, trên sách báo chính trị - xã hội của phương Tây thường xuất hiện những khái niệm như "Chủ nghĩa bảo thủ" (Conservatism), “chủ nghĩa bảo thủ mới" (Neoconservatism), "phái hữu mới" (New Right). Các nhà khoa học xã hội ở nhiều nước đã dành nhiều thời gian, công sức để phân tích, lý giải các khái niệm này. Song cho đến nay vẫn tồn tại khá nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc lý giải những vấn đề của nhủ nghĩa bảo thủ.

Khái niệm "chủ nghĩa bảo thủ” được bắt đầu từ tiếng Pháp (Conservatisme)có nguồn gốc từ chữ Latinh Conservo –có nghĩa là bảo vệ giữ gìn, là sự trung thành với cái cũ cái đã lỗi thời và thù địch với cái mới, cái tiên tiến (l). Qua tìm hiểu về sự tồn tại, biến đổi và phát triển của chủ nghĩa bảo thủ ở phương Tây thì định nghĩa trên đây của "Từ điển bách khoa xô viết" có đôi điều cần bổ sung thêm. Mục đích của bài viết này là trình bày rõ thêm đôi nét về chủ nghĩa bảo thủ hiện đại ở phương Tây, nêu lên một vài ý kiến nhàm góp phần tìm hiểu chủ nghĩa bảo thủ nói riêng và về xã hội tư bản hiện nay nói chung.

Có thể nói rằng lịch sử của chủ nghĩa bảo thủ được bắt đầu từ đại cách mạng Pháp - một cuộc cách mạng đã thách thức những nền tảng của một trật tự cũ, thách thức mọi lực lượng cũ và mọi hình thức thống trị của tầng lớp quý tộc. Từ đây đã bắt đầu hai truyền thống cổ điển của chủ nghĩa bảo thủ: một truyền thống bắt nguồn từ các nhà tư tưởng Pháp J.de Maistre và L.de Bonald và một truyền thống bắt nguồn từ nhà tư tưởng Anh E.Berk. Các nước thuộc địa Anh Sacson chủ yếu thừa nhận chủ nghĩa bảo thủ của E.Berk, còn chú nghĩa bảo thủ ở các nước Châu Âu lục địa là sự tổng hợp độc đáo những tư tưởng, giá trị và phương hướng của cả hai truyền thống và ở mỗi nước cụ thể, nhất là trong điều kiện hiện nay, chúng được thể hiện dưới những hình thức dân tộc đặc thù.

Chủ nghĩa bảo thủ phản ánh những tư tưởng, lý tưởng, phương châm, phương hướng, những tiêu chuẩn giá trị của các giai cấp các phe phái và các nhóm xã hội mà sự phát triển khách quan của lịch sử và kinh tế xã hội đang đe dọa tới vị trí của mình. Nói cách khác, chủ nghĩa bảo thủ không phải là cái gì khác ngoài sự bảo vệ lợi ích của các phe nhóm trong giai cấp thống trị. "Cái bảo thủ” có trong mình một tập hợp những giá trị đã được khẳng định và thừa nhận trong xã hội. Chúng quyết định hành vi và nếp nghĩ của một bộ phận dân cư này hay một bộ phận dân cư khác, cũng như quyết định những hình thức thích nghi với những tiêu chuẩn và quy chế của xã hội cổ truyền. Tiền đề nhận thức luận của chủ nghĩa bảo thủ là ở tính chất hai mặt của qúa trình chính tri xã hội. Một mặt nó phát triển và phủ nhận cái cũ, đoạn tuyệt với quá khứ và sáng tạo ra cái mới. Mặt khác nó lại giữ gìn và chuyển từ quá khứ vào hiện tại và tương lai tất cả những cái còn tràn đầy sức sống, cái vĩnh hằng, cái vốn có của nhân loại. Bất kỳ một hệ thống chính trị xã hội nào cúng đều có thể biến đổi theo những phương diện này, giữ gìn và thừa kế theo những phương diện khác. Nói cách khác chỉ trong sự tác động qua lại và sự đan xen chặt chẽ giữa sự phát triển và sáng tạo cái mới. Với sự gìn giữ, kế thừa cái cũ mới có thể nói về lịch sử và về các quá trình lịch sử xã hội.

Trong hai mặt nói trên những người bảo thủ thích mặt thứ hai. Khi tiếp nhận vị trí đang tồn tại của sự vật, chủ nghĩa bảo thủ nhấn mạnh sự cần thiết phải giữ gìn những quy chế, tiêu chuẩn truyền thống, giữ gìn các đẳng cấp của chính quyền, giữ gìn những chế độ và cơ cấu chính trị xã hội.

Theo tinh thần của Hêgen "mọi cái tồn tại đều hợp lý, mọi cái hợp lý đều tồn tại", những người bảo thủ coi thế giới đang tồn tại là cái tốt nhất trong mọi cái có thể có. Tuy rằng mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều cần có một cái gì đó ghi nhận tất cả những gì đã đạt được trong từng giai đoạn cụ thể để giữ gìn, bảo vệ và chuyển giao cho các thế hệ mai sau. Một dân tộc không giữ gìn được quá khứ của mình thì dân tộc đó sẽ không có tương lai. Nhưng thế giới biến đổi không ngừng. Những người bảo thủ cũng nhận thấy điều đó. Để thích ứng với những thay đổi kinh tế và chính trị xã hội, những người bảo thủ đã tiếp thu nhiều tư tưởng và nguyên tắc rất quan trọng mà trước đây họ đã từng bác bỏ, thí dụ như quan hệ thị trường tự do, chủ nghĩa lập hiến, chế độ đại nghị...Trong khi vẫn trung thành với mọi niềm tin tôn giáo, đại bộ phận những người bảo thủ đã tiếp nhận chủ nghĩa duy lý chủ nghĩa kỹ trị.

Vào giữa những năm 50 ở nhiều nước phương Tây đã tạo ra được bầu không khí hòa hợp giữa những người theo chủ nghĩa tự do và những người theo chủ nghĩa bảo thủ trong nhiều vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội quan trọng. Nhưng vào thập kỷ 70, do nhiều nhân tố tác động, sự hòa hợp này đã bị giảm đi. Sự thất vọng của người dân về những phúc lợi chung trong chủ nghĩa cải lương tư sản và trong những học thuyết về cải cách xã hội đã làm cho nhiều người rời bỏ các lực lượng cánh tả. Trong thập kỷ 80 các lực lượng bảo thủ đã giành được chính quyền ở một loạt nước như Mỹ, Anh, Cộng hòa liên bang Đức, Pháp, Italia. Điều này chứng tỏ rằng những tư tưởng, nguyên tắc, chính sách và biện pháp đó họ đưa ra là phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhiều người thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau. Hiện tượng này rất rõ nét và đã vượt ra khỏi giới hạn một dân tộc, một quốc gia. Sự củng cố địa vị của các lực lượng phái hữu và bảo thủ ở phần lớn các nước tư bản phát triển đã làm cho họ đoàn kết với nhau hơn trên trường quốc tế nhằm mục đích đưa ra những phương hướng triết học - xã hội và chính trị - tư tưởng chung. Điều này được thể hiện ở việc thành lập Liên minh dân chủ thế giới nằm 1983. Liên minh tập hợp các đảng bảo thủ ở Tây Âu, Đảng Cộng hòa ở Mỹ, Đảng Dân chủ - tự do ở Nhật Bản và những người theo chủ nghĩa bảo thủ Australia. Bà M.Thatcher đã gọi "quốc tế bảo thủ” mới này là "một trung tâm tư tưởng và tinh thần vĩ đại” (2).

Một trong những đặc điểm của chủ nghĩa bảo thủ trong các thập kỷ 70 - 80 là từ chỗ chống lại tiến bộ khoa học kỹ thuật, họ đã biến đổi thành những người ủng hộ nó. Họ tuyên bố trở thành bảo thủ có nghĩa là "luôn dẫn đầu sự tiến bộ" và "ai chặn đường tiến bộ, kẻ đó trở thành phản động"(3). Những người bảo thủ mới đã từ bỏ thuyết chống kỹ thuật (Antitechnicisme) để trở thành người ủng hộ tiến bộ kỹ thuật và phát triển kinh tế.

Một tư tưởng nữa của chủ nghĩa bảo thủ là tin tưởng vào quy luật tự nhiên, không phụ thuộc vào ý chí con người. Họ cho rằng xã hội con người ở một mức độ nào đó chỉ là "phường hội tinh thần", thí dụ như Nhà thờ. Trật tự, công bằng, tự do là sản phẩm của một giai đoạn phát triển lâu dài của lịch sử nhân loại, là sản phẩm của thắng lợi cũng như của sai lầm và thử thách. Muốn giữ gìn sự ổn định của "xã hội phường hội", điều quan trọng bậc nhất là tính kế thừa liên tục. Thay đổi xã hội không được tiến hành bằng bất kỳ mọt biện pháp nhân tạo nào, bởi vì xã hội tự thân nó thay đổi theo con đường tự nhiên. Những người bảo thủ thích cái đã biết hơn cái chưa biết, thích cái tồn tại và quá khứ hơn cái tương lai. Để giữ gìn sự ổn định của xã hội loài người, an toàn hơn cả là dựa vào tri thức kế thừa được của các thế hệ trước đó chứ không phải là dựa vào những quan điểm có tính chất phù du, những ý kiến và trí tuệ cá nhân.

Các nhà nghiên cứu khoa học xã hội phương Tây đã chia các biến dân tộc của chủ nghĩa bảo thủ thành khá nhiều trào lưu hay khuynh hướng. Nhưng giữa họ không có được ý kiến thống nhất trong cách phân loại và đánh giá các biến thể này. Ta có thểtạm phân chúng theo những khái niệm đã nói tới ở phần đầu: Chủ nghĩa bảo thủ cổ truyền, chủ nghĩa bảo thủ mới và “phái hữu mới". Quan điểm cấp tiến của những người theo "phái hữu mới" và một bộ phận những người theo chủ nghĩa bảo thủ mới ở một loạt nước về các vấn đề kinh tế xã hội và vai trò của Nhà nước đã làm cho họ liên kết với nhau trong cái gọi là trào lưu cấp tiến của chữ nghĩa bảo thủ. Phần lớn các lực lượng chính trị bảo thủ đều nhận thấy rằng tuy trong những thập kỷ qua đã diễn ra nhiều thay đổi trong cơ cấu của chủ nghĩa tư bản nhưng không thể gạt bỏ được những cơ chế điều chỉnh độc quyền Nhà nước và trở lại hệ thống chủ yếu dựa trên nguyên tắc của thị trường tự do và cạnh tranh không hạn chế. Những người phái hữu mới và những người bảo thủ mới phê phán mạnh mẽ sự can thiệp của Nhà nước vào các chương trình trợ cấp xã hội. Họ cho rằng sự phát triển qua nhiều các chương trình tự cấp đã làm phá vỡ nguyên tắc: chỗ dựa của một người là ở chính bản thân và sức lực của riêng người đó. Điều này chỉ làm tăng thêm tư tưởng sống dựa vào người khác.

Thực ra, sự xác định chính xác và rạch ròi các trào lưu và khuynh hướng của chủ nghĩa bảo thủ hiện đại là rất khó.Chính các học giả phương Tây cũng có những đánh giá rất khác nhau. Xin nêu một vài thí dụ cụ thể. Một số học giả đã xếp R.Beagan, M.Thatcher và H.Kol vào hàng ngũ những người bảo thủ mới, một số khác lại gọi họ là những người “phái hữu mới", thậm chỉ có tác giả còn gọi Reagan và Thatcher là những người cấp trên. Hai nhà chính trị và xã hội học Mỹ là S.Hantington và R.Nisbet đã được một số người xếp vào những người bảo thủ mới, còn một số người khác lại gọi họ là những người bảo thủ di truyền. D.Ben, S.M.Lipset và N.Gleizer trong khi tranh luận với những người đã xếp họ vào những người bảo thủ mới,họ tự gọi mình là những người theo chủ nghĩa tựdo. Ở Cộng hòa liên bang Đức, những nhân vật như B.Willms, A.Moler, G.Ronnozer lúc thì được coi là những người "phái hữu mới", lúc lại được xếp vào hàng ngũ những người bảo thủ cổ truyền.

Một nét chung của những người theo chủ nghĩa bảo thủ mới là về nguồn gốc chính trị, trước khi là những người bảo thủ họ đều là những người theo chủ nghĩa tự do hoặc những người dân chủ xã hội. Thí dụ, ở Cộng hòa liên bang Đức, G.K.Kaltenbrunner xuất thân từ nhóm theo chủ nghĩa tự do tả khuynh, Liubbe và A. Shvan đã từng là những người dân chủ xã hội. Ở Mỹ, đại bộ phận những người theo chủ nghĩa bảo thủ mới đều là những người đã từng là những người dân chủ xã hội và những người theo chủ nghĩa tự do. Còn phương hướng và những giá trị chính trị tư tưởng của những người "phái hữu mới" được hình thành tại điểm tiếpgiáp giữa chủ nghĩa cấp tiến hữu khuynh, chủ nghĩa bảo thủ cổ truyền và chủ nghĩa bảo thủ mới. Sự khác nhau giữa những người bảo thủ mới và những người "phái hữu mới” không chỉ ở những nguyên lý khởi điểm cơ bản mà của ở những khía cạnh khác. Trong phần tiếp theo chúng tôi sẽ trình bày về những điểm giống và khác nhau giữa các biến thể của chủ nghĩa bảo thủ.

Chủ nghĩa bảo thủ cổ truyền được đông nhất với sự bảo vệ nguyên trạng cái đang tồn tại trong mỗi thời kỳ lịch sử cụ thểcủa các chế độ các cơ cấu xã hội và các giá trị. Nhưng trên thực tế, như đã trình bày, người theo chủ nghĩa bảo thủ không loại trừ sự thay đổi. Điều này được thể hiện trong quan điểm của cả E.Berk lẫn của J.de Malstre Theo Berk, tiêu chuẩn của nhà hoạt động Nhà nước là "tố chất bảo tồn cộng với khả năng hoàn thiện". J.de. Maiatre cho rằng thay đổi là "biểu hiện tất nhiên của cuộc sống". Nhưng ông lại cho rằng chỉ có hình thức của sự vật, còn bản chất của nó thì không hề thay đổi. S.T.Coleridge - nhà thơ lãng mạn Anh, người theo chủ nghĩa bảo thủ đã nhận xét rằng chủ nghĩa bảo thủthừa nhận sự phát triển tự nhiên và từng bước của các chế độ xã hội giống như sự phát triển của cây cỏ. Quan điểm này hiện vẫn đang tồn tại trong đại đa số những người theo chủ nghĩa bảo thủ hiện đại F.Pim, nhà hoạt động khá nổi tiếng của đảng bảo thủ Anh, cũng nhận xét rằng chủ nghĩa bảo thủ chủ trương thay đổi chậm và từng bước để giữ gìn tất cả những cái tốt và sửa chữa cái xấu. Thí dụ, quan điểm của chủ nghĩa bảo thủ trong việc lý giải về vai trò của Nhà nước trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội thay đổi phụ thuộc vào tình hình có thể. Cùng với sự thay đổi những cơ cấu hiện có, nội dung của chủ nghĩa bảo thủ cững thay đổi. Vì vậy, "Chủ nghĩa bảo thủ, đó là kẻ xu thời tư tưởng đặc biệt, bởi vì diện mạo của nó phụ thuộc vào bản chất của kẻ thù của nó"(4). Nói một cách cụ thể, những luận điểm quan điểm của chủ nghĩa bảo thủ được hình thành và tiến triển trong sự phản ứng lại những thay đổi của các trào lưu tư tưởng chính trị đối lập với nó.Những người bảo thủ mới và những người "phái hữu mới" đã tỏ ra khá linh hoạt và thực dụng. Họ nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân: đòi hỏi có những biện pháp chống lại sự trì trệ trong kinh tế, chống thất nghiệp, chống lạm phát đang phát triển, chống nạn lãng phí tiền của Nhà nước, chống những hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội...

Thắng lợi mà họ giành được trong các cuộc bầu cử ở các nước phương Tây trong các thập kỷ qua là do họ đã đề ra những thay đổi trong lúc đại bộ phận cử tri ở đó đang muốn có những thay đổi. Một đại biểu của chủ nghĩa bảo thủ ở Cộng hòa liên bang Đức nói: “Chính người bảo thủ trong thời đại chúng ta biết được rằng không những nhiều cái đã thay đổi mà còn nhiều cái cần phải thay đổi"(5). Còn A.Benoist - người lãnh đạo “phái hữu mới" ở Phápkhẳng định "bất kỳ chủ nghĩa bảo thủ nào cũng đều cách mạng"(6). Thực ra, theo chúng tôi, giữa những lời tuyên bố, những lời hứa tranh cử với những hành động trong thực tế của họ không phải là không có khoảng cách thậm chí khoảng cách lớn. Khi va chạm với những vấn đề thực tế phức tạp, nhận thấy khả năng không thể thực hiện được những chương trình đã đề ra, nhất là đối với một số vấn đề quan trọng trong chính sách đối nội, họ đã làm biến dạng một số quan điểm này, từ bỏ một số quan điểm khác.

Một trong những đặc điểm của chủ nghĩa bảo thủ cổ truyền là sự trung thành với chủ nghĩa truyền thống tôn giáo và văn hóa xã hội. Còn đối với chủ nghĩa bảo thủ mới là sự tổng hợp đặc biệt giữa chủ nghĩa truyền thống chính trị,văn hóa với chủ nghĩa tiểu tiến bộ kỹ thuật (teohnocratique progressisme). Những người bảo thủ đặc biệt như ý đến những vấn đề tôn giáo và văn hóa xã hội. Họ đưa ra lý lẽ và luận cứ nhằm khôi phục lại những giá trị và lý tưởng truyền thống cùng với việc nhấn mạnh đến gia đình, công xã, nhà thờ... Những người bảo thủ ở các nước phương Tây khác nhau có những cách hiểu, những cách lý giải khác nhau về thực chất của những giá trị truyền thống. ỞMỹ họ là những người ủng hộ nhiệt thành những hình thức cực đoan nhất của trào lưu chính thống tin lành. Trào lưu này dựa vào việc giải thích kinh thánh theo đúng từng chữ, dựa vào thuyết viễn tưởng tôn giáo, dựa vào sự thù địch với những trào lưu tư tưởng khác. Còn ở Cộng hòa liên bang Đức và ở Pháp họ coi nhiệm vụ của họ là phục hưng "Tinh thần Châu Âu cổ xưa" mà ở đó những cội nguồn của các nền văn hóa Hy Lạp, La Mã, Đức và Slavơ đã đan xen vào nhau. Theo họ, quay trở lại quá khứ là từ bỏ truyền thống Do thái -Thiên chúa giáo, phục hưng những giá trị của Châu Âu đa thần giáo.

Những người bảo thủ theo "phái hữu mới" nhấn mạnh tới vai trò lịch sử của mỗi dân tộc. Mỗi dân tộc đều có riêng lịch sử của mình. Nó xác định nền văn hóa, bản tính dân tộc, tâm lý, truyền thống và phong tục tập quán của dân tộc đó. Nó tạo ra số phận của mỗi dân tộc, cả qúa khứ, hiện tại và tương lai. Nhưng đồng thời họ cũng cho rằng bất cứ một dân tộc nào, không phụ thuộc vào dân số và vị trí địa lý, đều không tồn tại biệt lập. Nó tồn tại trong cộng đồng các dân tộc, tạo nên sự hòa đồng nhân loại và trong sự hòa đồng này để tạo ra những giá trị tổng hợp, đạo đức tổng hợp. Những người “phái hữu mới" đặc biệt coi trọng những vấn đề văn hoá xã hội và luân lý đạo đức. Họ tìm thấy trong đó mối quan hệ hữu cơ với hiện thực kinh tế xã hội. D.Bell - nhà xã hội học nổi tiếng của Mỹ cho rằng văn hóa xác định hành vi chính trị và xã hội, vì vậy cơ sở của những xung đột hiện nay trong xã hội tư bản nằm trong “những mâu thuẫn văn hóa của chủ nghĩa tư bản"(7). Benoist coi việc giành lấy "chính quyền văn hóa xã hội" là điều kiện tiên quyết để giành lấy chính quyền chính trị. "Không thể chiếm được chính quyền chính trị khi trước đó chưa giành được chính quyền văn hóa”(8)

Bây giờ chúng ta xem xét sự khác biệt quan điểm của các trào lưu bảo thủtrong vấn đề về Nhà nước. Theo quan điểm của những người bảo thủ mớivà những người "phái hữu mới”, Nhà nước là người bảo vệ luật pháp và đạo đức. Không có Nhà nước vững mạnh, xã hội có thể rơi vào tình trạng vô chính phủ. N.Barry viết: "Bảo vệ tư hữu, thị trường và tựdo cá nhân là biểu hiện hình thức của chủ nghĩa bảo thủ”(9).

Nhưng Nhà nước mạnh có thể trở thành công cụ đàn áp tự do cá nhân nên các nhà lý luận của chủ nghĩa bảo thủ lại nhấn mạnh “tầm quan trọng của những hội người mà về quy mô thì nhỏ hơn Nhà nước”(l0). Phần lớn những người bảo thủ thường đặt xã hội lên vị trí hàng đầu so với cá nhân. Theo họ, xã hội rộng hơn nhiều so với Chính phủ. Về mặt lịch sử, đạo đức và lôgíc thì nó cao hơn từng cá nhân. Quyền hạn của con người vừa mang tính tựnhiên vừa mang tính xã hội: mang tính tự nhiên bởi vì nó thuộc con người, con người lại do Thượng đế tạo ra với tư cách là một bộ phận của một sơ đồ vĩ đại của tự nhiên, còn mang tính xã hội bởi vì con người chỉ có thể sử dụng quyền hạn của mình trong một xã hội có tổ chức. Chính phủ là một vũ khí chính trị của xã hội để đảm bảo và bảo vệ những quyền hạn tự nhiên của con người.

Đối với những người theo chủ nghĩa bảo thủ cổ truyền thì vấn đề này được giải quyết như thế nào? Trước hết cần nói rằng họ là những người theo phái gia trưởng trong chủ nghĩa Tory ở Anh, trong chủ nghĩa De Gaulle (Gaullisme) ở Pháp, là những người bảo thủ hữu khuynh và một bộ phận của chủ nghĩa bảo thủ - xã hội ở Cộng hòa liên bang Đức. Những người này có nhiều quan điểm khác biệt trong việc lý giải vai trò của Nhà nước, mối quan hệ của nó với xã hội, với từng cá nhân, về tự do và quan hệ thị trường tự do... so với những người thuộc "phái hữu mới". Theo B.Willms - người theo chủ nghĩa bảo thủ ở Cộng hòa liên bang Đức: "Nhà nước, như một sự thể hiện lợi ích chung, tất yếu cần giữ thái độ tiêu cực đối với lợi ích cá nhân mà tham vọng của nó về nguyên tắc có thể không có giới hạn…Nhà nước cần có khả năng bày tỏ thái độ đối với cá nhân bằng biện pháp chính quyền, bằng sự ép buộc, và trong trường hợp cần thiết, bằng cưỡng bức”(11)

Còn luận điểm cơ bản của chủ nghĩa De Gauile là quyền ưu tiên của dân tộc Pháp và “sự vĩ đại của nước Pháp". 'Theo luận điểm này “nước Pháp đang bảo vệ mọi loại tự do, nó lên án bá quyền lãnh đạo, lên án hệ tư tưởng và bất công, nó bảo vệ tự do của các dân tộc, tựdo của con người và tự do của linh hồn"(12). Để thực hiện được những nhiệm vụ này, những người theo chủ nghĩa De Gaulle cho rằng nước Pháp "cần độc lập dân tộc và hòa bình xã hội", điều này chỉ có thể được bảo đảm bằng "một Nhà nước vững mạnh"(13). Vì vậy thực chất của chủ nghĩa De Craulle là "sự mong muốn thường xuyên về một Nhà nước hùng mạnh"(14).

Những người theo chủ nghĩa bảo thủ cổ truyền Anh cũng bảo vệ một quan điểm tương tự. Để khắc phục sự khủng hoảng lòng tin vào cuối thập kỷ 70 đầu thập kỷ 80, những người bảo thủ đã đề nghị phải khôi phục uy tín, thể diện của chính quyền và Chính phủ.Để tiếp tục khẳng định định đề truyền thống cho rằng chính quyền là điều kiện tiên quyết của mọi tự do, họ coi luật pháp và trật tự, uy tín và kỷ luật có vai trò quan trọng bậc nhất. Theo họ, "xã hội sản xuất" hiện đại cần phục tùng và vâng lời, còn Nhà nước, để đạt được mục đích này, có quyền áp dụng những biện pháp thích hợp. Một trật tự thực sự, theo ý kiến họ, cần dựa vào giáo dục, kỷ luật và các quy chế. Chỉ có một Nhà nước mạnh mới có thể đảm bảo tự do. Ở đâu không có kỷ luật, luật pháp, trật tự, ở đó không thể nói tới hiệu quả và năng lực hoạt động của các hệ thống chính trịNhà nước.

Từ những điều đã được trình bày ở trên, tuy còn rất sơ lược, chúng ta thấy rằng chủ nghĩa bảo thủ hiện đại phương Tây đã trải qua một chặng đường phát triển lâu dài, một sự hình thành phức tạp, đa dạng. Những tư tưởng, quan niệm, nguyên tắc, phương hướng của nó rất khác nhau, nhiều khi còn mâu thuẫn với nhau. Nhà chính tri học người Anh - Allison - nhận xét: những người bảo thủ đồng thờivừa là "những người theo chủ nghĩa cá nhân vừa theo chủ nghĩa tập thể, là những người ủng hộ chế độ quyền uy và ủng hộtự do, là những nhà thần bí, và những người thực tiễn thông minh"(15). Những tư tưởng và chính sách do họ đưa ra để giải quyết để vấn đề đang đặt ra trước xã hội tư bản là không thống nhất và mâu thuẫn. Một mặt, họ tăng cường nguyên tắc cạnh tranh tự do và quan hệ thị trường, mặt khác lại nhấn mạnh sự gắn bó của mình với những giá trị và lý tưởng truyền thống. Nhưng những giá tri và lý tưởng truyền thống lại bị phá vỡ trong quá trình thực hiện những nguyên tắc của nền kinh tế thị trường tự do. Những người theo chủ nghĩa cổ truyền, như đã trình bày, đang bảo vệ một "chính quyền Nhà nước vững mạnh", coi đó là công cụ đảm bảo pháp luật và trật tự, giữ gìn truyền thống và nguồn gốc dân tộc. Để thực hiện sứ mệnh bảo vệ chủ nghĩa tư bản, những người theo chủ nghĩa bảo thủ luôn có sự sửa đổi và điều chỉnh đường lối chính trị, xã hội và quan điểm tư tưởng của mình cho phù hợp với sự phát triển của xã hội tư bản hiện đại, thời đại của cuộc cách mạng "Computer", cách mạng tin học và các cuộc cách mạng khác. Tìm hiểu về chủ nghĩa bảo thủ hiện đại ở phương Tây phần nào giúp ta hiểu thêm về xã hội tư bản hiện nay. Rõ ràng là trong quá trình tồn tại và phát triển của chủ nghĩa bảo thủ nói riêng và chủ nghĩa tư bản nói chung đã nảy sinh không ít mâu thuẫn. Nhưng cả hai quá trình này đều đã vượt qua được khá nhiều cuộc khủng hoảng sâu sắc trong lịch sử do những mâu thuẫn đó gây ra. Phải chăng chúng ta cần tìm hiểu sâu thêm về khả năng và biện pháp giải quyết mâu thuẫn của họ? Cũng sẽ phạm sai lầm nghiêm trọng nếu coi mọi qúa trình, mọi sự chuyển biến tư tưởng chính trị - xã hội của xã hội phương Tây trong những thập kỷ qua là sự tấn công và thắng lợi triệt để của các lực lượng bảo thủ. Hiện nay các lực lượng này ở nhiều nước phương Tây, đặc biệt là ở Mỹ đang gặp những khó khăn nghiêm trọng trong chính sách đối nội, nhất là trong chính sách kinh tế và xã hội. Họ sẽ giải quyết những khó khăn đó như thế nào? Thời gian sẽ trả lời câu hỏi này. Tiếp tục tìm hiểu các vấn đề nói trên, theo chúng tôi, luôn là một việc cần thiết và có ý nghĩa.


(3) Xem: Từ điển bách khoa xô viết. Moxkva 1985, tr. 619 (Tiếng Nga).

(2) Watson G.The idea of Liberalism: Studies for a New Map of politics.London, 1985, P.46.

(3) Greiffenhagen M.Dilemima und Chancen des Konservativ. Chance und Zukunft. Insbruc, 1979, S.32,41.

(4) Good B. Using Political ideas. Chichester, 1978, P.01.

(5) Kaltenbrunner G.K. Der Schwierige Konservatimus. Berlin (West), 1975, S.9.

(6) Benoist A.de..Les idees a Lendroit. Paris, 1985, P.199.

(7) Xem: Bell D. The Coltural Contradictions of Conservatism. New york, 1976.

(8) Benoist A.e. Sđd, P. 25

(9) Barry N. The New Right. London, 1987, P.25.

(10) Barry N. Sđd. P. 89.

(11) Willms B.Die Deutsche Nation.Koln, 1982, S. 42- 43.

(12) Charbonnel J.Comment peut – on etre opposant, Paris, 1983, P.208.

(13) Approchoes dela philosophic politique du general de Gaulle et de Son action. Paris, 1983, P.151.

(14) Dreyfus f.D.De Gaulle et le gaullisme, Paris, 1982, P.131.

(15) Allison L.Night Principles: A Conservative philosophy of politics, London, 1984, P.14

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tính lạc hậu tương đối của Văn hoá

    25/05/2016Nguyễn Trần BạtTrong số những cuộc xung đột, những xung đột về văn hóa tuy không phải luôn hữu hình và quyết liệt, nhưng âm thầm, bền bỉ, dai dẳng và có sức cản rất lớn đối với tiến trình phát triển chung của nhân loại. Nghiên cứu về tính lạc hậu tương đối của văn hóa với tư cách một thuộc tính tự nhiên của văn hóa và ảnh hưởng của nó đối với tiến trình phát triển và toàn cầu hóa là việc làm rất quan trọng, bởi nó sẽ giúp các dân tộc hạn chế khả năng xảy ra xung đột trên cơ sở đó, khai thác những ảnh hưởng tích cực của văn hóa...
  • Tính truyền thống và yêu cầu đổi mới trong thiên niên kỷ tới

    15/05/2016Lê Đăng DoanhChúng ta có nhiều đức tính để đón nhận sự thay đổi rất nhanh chóng khi bước vào thiên niên kỷ của sự sáng tạo và đổi mới, nhưng cũng rất rõ ràng là chúng ta cần xây dựng một tương quan lành mạnh giữa truyền thống với hiện đại, trong đó truyền thống phải tạo cơ sở để tiếp nhận cái mới, những tinh hoa của văn minh nhân loại.
  • Bóc Lột ngoài kinh tế

    30/04/2016Nguyễn Trần BạtSuy đến cùng, bóc lột ở thời nào cũng đều kéo dài kiếp sống lầm lũi, kém phát triển của cả tầng lớp dân chúng nghèo khổ trong xã hội. Đích cuối cùng của chúng ta không phải là chống lại bóc lột, mà là chống lại chính sự bần cùng hóa con người. Nói cách khác, chúng ta phải giải phóng con người ra khỏi đời sống kém phát triển và tạo không gian tự do sáng tạo để họ có thể phát huy hết năng lực của mình...
  • "Phát triển bền vững" nhìn từ góc độ xã hội và văn hóa

    25/09/2014Trần Hữu DũngTừ giữa thập niên 80 đến nay, "phát triển bền vững" đã trở thành một ý niệm thời thượng. Nó là khẩu hiệu của hàng trăm tổ chức quốc tế, đề tài của mấy cuộc hội nghị, hội thảo toàn cầu, và một tiêu chuẩn quan trọng trong chiến lược phát triển của hầu hết mọi nước...
  • Toàn Cầu Hoá như một xu thế văn hoá

    02/04/2014Nguyễn Trần Bạt,Toàn cầu hoá về kinh tế đã và vẫn đang là đề tài sôi nổi và nóng bỏng trên thế giới. Những cuộc họp của WTO luôn luôn kéo theo những cuộc biểu tình chống đối. Nhưng bất chấp tất cả những thứ đó, toàn cầu hoá đang tác động mạnh mẽ không chỉ đến các chính sách quốc gia mà còn len lỏi vào tận ngõ ngách đời sống toàn nhân loại...
  • Hữu – tả có gì khác?

    21/10/2013Nguyễn Chính Viễn – Bùi ThậtTả khuynh hay cánh tả, phái tả dùng để chỉ những người trong guồng máy chính trị nhưng có tư tưởng tiến bộ, đổi mới, dân chủ. Ngược lại, từ hữu khuynh hay cánh hữu, phái hữu dùng để chỉ người có tư tưởng thụt lùi, bảo thủ...
  • Ðổi mới, một quá trình cách mạng

    02/12/2010Mở đầu cho chuyên mục “Nhìn lại 20 năm đổi mới”, khởi đăng trên báo Nhân Dân từ ngày hôm nay, 30-9, bài viết của ông Hà Đăng tập trung vào trả lời các câu hỏi Ðổi mới là gì, nhằm mục tiêu gì, do ai làm, và bao giờ thì xong...
  • Lập pháp hướng tới pháp quyền

    16/11/2005Bùi Ngọc SơnHàng loạt cố gắng hiện nay như: "nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội", "đổi mới quy trình lập pháp", "tăng cường năng lực lập pháp"?.. là những việc cần làm để ngành lập pháp có thể cho ra những sản phẩm tốt hơn. Nhưng, một chiếc cày bằng đồng cũng không hiệu quả nhiều hơn một chiếc cày bằng gỗ là bao...
  • Cách mạng và Khoa học

    12/10/2005Cách mạng luôn đi trước và đặt ra nhiều vấn đề cần được tổng kết thành lý luận. Muốn phục vụ kịp thời cho cách mạng, công tác nghiên cứu khoa học cần được đẩy mạnh sao cho thấy được những yêu cầu đặt ra của cách mạng...
  • Việt Nam đổi mới và phát triển

    11/10/2005Nguyễn Hồng PhongNhận thức tương lai qua những mầm mống dạng nảy sinh trong xã hội hiện tại. Các công trình dự báo tương lai đều là những công trình xã hội học và sử học về xã hội đương đại, phân tích các "sự kiện còn đang nhảy múa", tóm bắt nó, gọi nó đúng với cái tên của nó, từ đó nhận thức sự biến chuyển. Học tập phương pháp của các nhà tương lai học, trong công trình này chúng tôi trình bày viễn cảnh của văn minh Việt Nam bằng sự phân tích công cuộc đổi mới có tính lịch sử ở nước Việt Nam hôm nay...
  • Toàn cầu hoá – Cơ hội và thách thức

    19/09/2005Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult GroupKhông ai có thể phủ nhận được rằng toàn cầu hoá đem đến cho nhân loại, cả những nước phát triển lẫn những nước chậm phát triển, những cơ hội phát triển to lớn. Những nhà lãnh đạo sáng suốt đang ra sức lựa chọn những chiến lược phát triển vừa khôn khéo vừa kiên quyết để đưa đất nước mình tiến lên phía trước. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng nghe thấy nhiều giọng nói từ khắp các châu lục đang gióng lên những lời cảnh báo về mối đe doạ của lối sống phương Tây...
  • Bản sắc văn hoá - tính tương đối của sự đa dạng

    25/08/2005Ngô Tự LậpThế nhưng chúng ta cũng không thể không nói đến niềm hân hoan khi tiếp xúc với những miền đất lạ, những tiếng nói lạ hay những giai điệu xa xôi. Những gì diễn ra trong quan hệ giữa các nền văn hoá vào phút giây gặp gỡ gieo trồng những cảm xúc giống như tình yêu trai gái khi lần đầu ánh mắt giao nhau. Tất cả nói lên điều gì? Bản sắc đóng vai trò như thế nào trong đời sống nhân loại? Và sự đa dạng về bản sắc có cần đạt đến bằng mọi giá hay không?
  • Văn hóa và văn minh

    27/10/2005Theo nghĩa cơ bản của nó, thuật ngữ “văn hóa” nghĩa là sự cải thiện hay sự hoàn thiện bản chất. Nông nghiệp cải thiện đất đai và thể dục phát triển cơ thể. Vậy văn hóa con người là sự phát triển tất cả các khía cạnh thuộc bản chất con người – đạo đức , trí tuệ và xã hội. ...
  • xem toàn bộ