Báo chí - nhà báo và sự hình thành tầng lớp trí thức hiện đại đầu thế kỷ XX
Khái niệm trí thức hiện đại ở đây được hiểu trong sự đối nghĩa với trí thức - kẻ sĩ (sẽ được giới thuyết cụ thể trong phần tiếp theo của bài viết) trong xã hội Việt Nam truyền thống. Sự hiện diện của tầng lớp trí thức hiện đại, trên thực tế, mới chỉ xuất hiện ở giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Bài viết này sẽ tập trung làm sáng tỏ vai trò của báo chí - một thiết chế văn hóa có nguồn gốc phương Tây - đã đóng vai trò như một dung môi, một tiền đề vật chất cho sự xuất hiện của tầng lớp trí thức hiện đại như thế nào.
1. Trong xã hội truyền thống, vai trò nắm giữ học vấn và dẫn đạo tư tưởng của trí thức được nắm giữ bởi tầng lớp sĩ (kẻ sĩ, sĩ phu) - tầng lớp đứng đầu tứ dân trong bảng thang sĩ - nông - công - thương. Mục tiêu lớn nhất của kẻ sĩ là ông quan (thông qua thi cử). Phẩm chất trí thức, trong trường hợp này, không phải là phẩm chất duy nhất của kẻ sĩ. Nó chỉ là một thành tố trong một cấu trúc nhân cách phức tạp hơn: ông quan. Tính tòng thuộc và không độc lập của phẩm chất trí thức bắt nguồn từ thực tế này.
Từ kẻ sĩ trở thành ông quan, như thế, không phải là sự phát triển về chất của tri thức mà là sự thay đổi, một dịch chuyển về thứ bậc xã hội. Từ đây kẻ sĩ không còn ở trong tứ dân mà thuộc về một đẳng cấp xã hội mới trong mô hình vua - quan - dân. Đây không phải là mô hình ở đó các vai trò xã hội (tương ứng với nó là những mô hình nhân cách) tồn tại trên cùng một mặt bằng. Vua - quan - dân là một tổ chức theo trục dọc, mang tính tôn ty chặt chẽ. Quan lại cai trị dân, là “phụ mẫu chi dân” nhưng trong quan hệ với thiên tử ông ta chỉ là một thần tử với những bổn phận và khuôn phép đã được quy định trước, không thể việt vị. Vì lẽ đó, ông quan vẫn chỉ là một thứ - nhân cách, bị chế định và bị quy chiếu vào một nhân cách cao hơn: thiên tử. Nếu như đòi hỏi tối cao của người trí thức là truy cầu chân lý và vì thế thường đóng vai trò phản biện đối với trật tự xã hội hiện tồn thì chức phận của một ông quan lại đòi hỏi phải được đặt lên hàng đầu phẩm chất của chữ trung. Với trật tự hiện hành, ông quan có thể dâng biểu tấu, điều trần, thậm chí đàn hặc nhưng quyền quyết định tối hậu vẫn thuộc về thiên tử. Lịch sử đã ghi lại đây đó những lời can gián thật thống thiết của những danh thần nhưng, như thực tế đã xác nhận, phần lớn chúng đều chỉ là những lời độc thoại. Và thường thì việc can gián cần phải được tiến hành với rất nhiều những nghi thức. Tận cho đến cuối thế kỷ XIX, Nguyễn Trường Tộ, dù không bị ràng buộc bởi cân đai của một triều thần, khi dâng bản điều trần phê phán lối học tập hư văn, phù phiếm mà theo ông triều đình phải chịu một phần trách nhiệm vẫn phải có những lời rào đón, thăm dò với không ít những e dè1 . Bi kịch lớn nhất của kẻ sĩ với tư cách trí thức quan liêu, đúng như Trần Nho Thìn đã chỉ ra qua trường hợp của Nguyễn Trãi, là ở chỗ: luôn “có nguy cơ bị biến thành một công chức đơn thuần, thừa hành lệnh trên, một thứ chuyên viên cao cấp chứ không phải là một nhà văn hóa chính trị”2. Và điều này là có lý do. Không có một thiết chế văn hóa nào, trong một xã hội chuyên chế, đảm bảo cho nhân tố trí thức ở ông quan có thể hiện diện, tồn tại một cách độc lập.
Không phải kẻ sĩ nào cũng có cơ may tham gia vào đội ngũ trí thức quan liêu. Phần lớn họ tồn tại trong dân gian với cương vị thầy đồ, thầy thuốc, thầy địa lý... Không gian để họ hành xử: trong biên giới của một làng xã cụ thể. Tính chất tự trị của làng xã cùng với khả năng mưu sinh bằng những tác nghiệp cụ thể chứ không phải từ bổng lộc của vua ban khiến kẻ sĩ có được cái tự tại, nhàn dật của một kẻ ngoài vòng cương tỏa nhưng cũng vì thế mà họ bị đẩy ra xa hơn với trung tâm điều phối chính thống của xã hội. Ngoài việc hành nghề, kẻ sĩ chủ yếu tác động đến đời sống cộng đồng bằng cách nêu gương từ chính những ứng xử của mình trong cuộc sống. Cũng có khi họ đóng vai trò tạo lập và hướng đạo cho dư luận để đối đầu với quan lại khi những bậc cha mẹ dân này không thực hiện đúng chức trách của mình. Khả năng tác động của họ đến thực tiễn, trong trường hợp này, có thể trực tiếp hơn, đa dạng hơn nhưng vì ở một vị thế thấp hơn trên bảng thang thứ bậc xã hội nên phạm vi, và tính chất tác động cũng khiêm tốn hơn; tuy liên tục trong thời gian nhưng không thoát khỏi tính chất nhỏ lẻ.
Như thế: trong cả hai trường hợp tồn tại của kẻ sĩ trong xã hội truyền thống ta không thấy những cơ sở cho phép họ tồn tại với tư cách người sản xuất những tư tưởng, tìm kiếm chân lý (một thuộc tính quan trọng bậc nhất của người trí thức hiện đại). Chẳng những thế, bị mặc định trong thân phận của một thần tử, nhân cách của kẻ sĩ luôn bị quy chiếu, tòng thuộc vào thiên tử khiến cho sự độc lập, chủ động, năng động của họ trước những vấn đề của thực tiễn đời sống bị giảm thiểu. Cái tâm thế Hoa cỏ ngùi ngùi ngóng gió đông với nỗi niềm Chừng nào thánh đế ơn soi thấu của Nguyễn Đình Chiểu không hề là sáo ngữ mà là một thực tế nghiệt ngã của kẻ sĩ trong xã hội phong kiến.
2. Giả thuyết về mô hình trí thức - kẻ sĩ như trên tất yếu đặt ta trước một kết luận:trở thành một nhân cách độc lập sẽ là tiêu chí quan trọng nhất để nhận diện về sự ra đời của tầng lớp trí thức - hiện đại. Đấy, là cả một sự biến đổi không dễ dàng và bởi những nguyên nhân chắc hẳn là rất phức tạp mà trường hợp Nguyễn Trường Tộ là một minh chứng. Toàn bộ hành xử của Nguyễn Trường Tộ cho thấy sự cố gắng để duy trì sự độc lập trong nhãn quan cũng như hành xử của mình với tư cách một trí thức. Thoát khỏi khoa cử bởi có một cái nhìn hoàn toàn độc lập và tỉnh táo của một người chủ trương thực học - điều mà không một nhà khoa bảng nào đương thời có được - Nguyễn Trường Tộ còn kiên trì hơn bao giờ hết khi giữ khoảng cách với triều đình Nguyễn. Bất chấp biệt nhãn của Tự Đức, Nguyễn Trường Tộ luôn từ chối danh phận của một quan chức dù không ít lần ông được giao những nhiệm vụ thực sự quan yếu của triều đình. Chính trong sự độc lập ấy mà phẩm chất một trí thức của Nguyễn Trường Tộ được bộc lộ trọn vẹn nhất. Tuy nhiên, Nguyễn Trường Tộ mới chỉ đạt được sự độc lập trong nhận thức hiện thực. Không có một thiết chế nào giúp những tư tưởng của ông được tồn tại công khai dưới ánh mặt trời và có được một sức mạnh vật chất cần thiết. Những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ chỉ được biết đến một cách hạn chế bởi Tự Đức và một vài đại thần cao cấp của triều đình. Những do dự và biến động chính trị đã khiến những tâm huyết của Nguyễn Trường Tộ bị bỏ qua, chìm trong bóng tối.
Chính từ khía cạnh này mà chúng ta nói đến vai trò của báo chí trong sự hình thành của tầng lớp trí thức hiện đại.
Cũng lại là Nguyễn Trường Tộ, ngay từ năm 1867, trong Tế cấp bát điều (Tám điều cần làm gấp), đã đặt vấn đề: “Ấn hành một tờ nhật báo, đăng tải các chiếu, chỉ, sớ, dụ, những việc làm của các bậc có tiếng tăm, những công vụ của quốc gia hiện thời cho học sinh đọc để biết công việc trong nước”3 . Tuy nhiên, như thực tế lịch sử cho thấy, ở vào thời điểm ấy, không có cơ hội để một ý tưởng như thế trở thành hiện thực. Và đây là lý do căn bản: tờ báo, sự hiện diện của nó, là thuộc về một cấu trúc xã hội và văn hóa khác hẳn với tình hình thực tiễn của Việt Nam lúc bấy giờ. Mặc dù luôn có quan hệ mật thiết với những vấn đề kỹ thuật và công nghệ nhưng sự hình thành và phát triển của báo chí là một hiện tượng, trước tiên và gốc rễ nhất, được nhận diện trong mối quan hệ chiều sâu với những yếu tố về văn hóa, cơ cấu chính trị. Ở phương Tây, báo chí hiện đại (từ 1787, đã được Burke mệnh danh là quyền lực thứ tư) hình thành, phát triển trên cơ sở của một chế độ dân chủ mà biểu hiện cụ thể là sự quan tâm ngày càng tăng của quần chúng nhân dân với những vấn đề về chính trị, xã hội. Điều này giải thích vì sao kỹ thuật in ấn, trên cơ sở sự phồn thịnh của các đô thị, đã phát triển rất mạnh từ thời Minh Thanh nhưng sự ra đời và hưng thịnh của hoạt động báo chí của Trung Quốc chỉ hình thành vào cuối thế kỷ XIX, trên cơ sở quan hệ mật thiết với các tô giới tại Thượng Hải - nơi mà tự do ngôn luận cởi mở hơn hẳn so với địa bàn mà chính phủ Trung Quốc quản lý. Thực tế lịch sử cho thấy, sự hình thành của báo chí ở các nước phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng luôn có những quan hệ mật thiết với những ảnh hưởng từ phương Tây. Cụ thể hơn, ở các quốc gia nói trên, sự xuất hiện của báo chí là một chỉ số cho thấy sự chuyển dịch về cơ cấu chính trị và xã hội theo hướng phương Tây hóa mà một trong những đặc điểm nổi bật của nó là tinh thần dân chủ.4
.
.
Cần phải khẳng định một điều: người Pháp đến Việt Nam cố nhiên không phải để thiết lập một chế độ dân chủ. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu tiên của quá trình thực dân, với ý đồ xóa bỏ cơ tầng văn hóa bản địa để cấy vào đó một mô hình văn hóa được sao chép từ chính quốc (mà Sài Gòn là một thử nghiệm) đã đưa lại một sự đồng dạng nhất định, chí ít là trên cơ sở của những thiết chế, giữa hai nền văn hóa. Ở giai đoạn tiếp theo, khi những văn hóa bản địa được tôn trọng (nhằm lợi dụng từ trong truyền thống những nhân tố hữu ích cho việc vận hành một cách ổn định bộ máy cai trị) thì với những biến đổi về kinh tế sau hai cuộc khai thác thuộc địa đã kéo theo nó những thay đổi căn bản trong cấu trúc xã hội. Một minh chứng tiêu biểu: tại thời điểm này, người ta buộc phải ghi nhận sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu ở thành thị với một số lượng và vai trò văn hóa ngày một chiếm một tỷ lệ quan trọng. Đặc điểm của tầng lớp này đã được Đào Duy Anh khái quát một cách ngắn gọn: “điều kiện sinh hoạt vật chất của họ dồi dào chừng nào thì lòng hâm mộ của họ đối với văn hóa Tây phương càng nồng nàn chừng ấy”5 . Lẽ tự nhiên, tầng lớp dân cư này, trong bộ gen của mình, có sự tương thích đặc biệt với một môi trường sống mà ở đó tính chất dân chủ ít nhiều đã được tôn trọng và bắt đầu bén rễ. Cũng chính trong môi trường như thế, chỉ trong môi trường như thế (với sự trợ giúp đặc biệt của chữ quốc ngữ, cho dù vẫn tồn tại một dòng báo chí bằng chữ Hán và đặc biệt là Pháp ngữ) mà báo chí xuất hiện. Nói chính xác hơn thì đây là một quan hệ tương hỗ: báo chí thúc đẩy tư tưởng dân chủ phát triển và ngược lại những yếu tố dân chủ trong xã hội đã khiến báo chí phát triển nhanh chóng và có một vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của xã hội.
3. Sự ra đời của báo chí, lẽ tự nhiên, làm xuất hiện một chân dung mới: ký giả, hay nhà báo. Những danh xưng này, trong ngôn ngữ đương đại thiên về ý nghĩa nghề nghiệp thuần túy nhưng ở vào thời điểm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX lại có nét nghĩa chỉ một nhóm có vai trò ưu đẳng trong xã hội (status group). Với quốc dân, họ là đại diện cho luân lý và tri thức, có chức phận dẫn dắt, hướng đạo6 . Trong một xã hội vốn có truyền thống trọng quan tước, ký giả thậm chí được liệt vào tầng lớp “quan lại cao cấp”7 . Danh xưng ký giả thời kỳ ấy thậm chí còn danh giá hơn cả ấn tri huyện. Đây là lý do khiến Tản Đà, năm 1916, khước từ lời mời vào học đặc cách của Giám đốc trường Hậu Bổ8 để lựa chọn con đường trở thành một ký giả, một nhà báo (chứ không phải là một nhà văn theo nghĩa hiện đại như vẫn thường được quan niệm).
Một điều thú vị là, mặc dù báo chí, như trên đã nói, có gốc rễ từ truyền thống văn hóa phương Tây, thì ngay ở chính quê hương của nó, trong một thời gian dài, người làm báo không phải là một danh xưng đáng kể. Cho đến tận cuối thế kỷ XVIII, kể cả những nước phát triển nhất như Anh, Pháp thì công cụ ưu tiên để phát biểu tư tưởng vẫn là sách, “báo chí vẫn còn thụ động, chỉ phản ánh thế giới; nó chỉ tường thuật mà không thật sự nêu vấn đề, nhường quyền chiến đấu cho sách. Ở thế kỷ XVIII, người làm báo là nhân vật bị coi rẻ, và dưới mắt giới thượng lưu xã hội và trí thức, báo chí được coi như thứ văn chương hạ cấp vô giá trị và không uy tín”. Rousseau coi đó là một “công trình chốc lát, vô giá trị và vô bổ, người có học thức đọc qua quít và coi thường, chỉ đàn bà và những kẻ ngu ngốc đọc để khoe mẽ” và Diderot đánh giá là: “Tai họa và nỗi chán ngán của những người làm việc thật sự. Chúng chẳng bao giờ giúp cho người tốt viết được một dòng chữ tốt, cũng không ngăn nổi một tác giả tồi viết một tác phẩm tồi”9 . Một đối sánh hết sức sơ lược như thế cho thấy: nếu như báo chí (công nghệ, thiết chế văn hóa) là ngoại nhập thì nhà báo (một nhân vật văn hóa) lại cần phải được nhận diện và cắt nghĩa từ chính những đặc điểm của văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ. Và theo chúng tôi, nhà báo là nhân vật văn hóa cho thấy sự mở đầu cho một tầng lớp trí thức hiện đại, một sự tiếp biến của mô hình nhân cách kẻ sĩ từ truyền thống đến hiện đại.
Điểm tương cận giữa nhà báo và kẻ sĩ, như trên đã nói, là vị thế của một nhóm tinh hoa có khả năng là đại diện cho đời sống tinh thần cộng đồng. Hẳn phải có lý do để Phạm Quỳnh, năm 1917, sau khi đưa ra một thực tế: “Lắm nước như nước Pháp nươc Anh, dư luận (do nhà báo khởi xướng - TVT chú) thật là giữ quyền chúa tể trong nước, chi phối cả cuộc sinh hoạt quốc dân về chính trị, xã hội, kinh tế” đã hồ hởi tuyên bố: “Nước Nam ta sau này hay hay dở, các nhà báo cũng có phần vào đấy”10 .
Tuy nhiên, quan trọng hơn, báo chí còn đem lại một không gian mới cũng như một khả năng mới cho sự tồn tại độc lập cũng như khả năng tác động đến thực tiễn của nhà báo với tư cách người trí thức trong xã hội hiện đại.
Thứ nhất, công chúng của tờ báo khiến cho viết báo trở thành một nghề. Nếu như ông quan luôn bị ràng buộc bởi ơn mưa móc, bổng lộc từ thiên tử và vì thế không thể giữ một vai trò phản biện cho trật tự xã hội hiện hành thì tư cách nhà báo cho phép người trí thức hiện đại có khả năng tồn tại độc lập. Chẳng những thế anh ta có điểm tựa từ công chúng để đối diện với bộ máy quyền lực. Người trí thức đến đây đã thoát khỏi thân phận ký sinh vào tồn tại của ông quan. Điều này cũng có nghĩa là một khoảng cách cần thiết giữa trí thức và bộ máy quyền lực đã được xác lập và chính trên cơ sở này mà năng lực tư duy độc lập, khả năng bén nhạy trong việc nhận diện và phản biện về những tồn tại của thể chế xã hội đương thời của người trí thức được kích hoạt và triển khai.
Mặt khác, báo chí đưa lại cho nhà báo khả năng tác động đến thực tiễn xã hội một cách trực tiếp và hết sức sâu rộng. Nếu như tác động của nhà trường chủ yếu trong phạm vi học sinh sinh viên thì bất kỳ ai, thuộc về bất kỳ tầng lớp nào, chỉ cần biết đọc cũng là đối tượng tiềm tàng cho sự tác động của báo chí. Sự nghiệt ngã trong chế độ kiểm duyệt của nhà nước bảo hộ không phải lúc nào cũng có thể duy trì, và dù thế nào chăng nữa vẫn luôn có kẽ hở trước một thực tiễn báo chí sinh động. Những tư tưởng của nhà báo vì thế luôn tìm được đường đến với công chúng. Dù chỉ tồn tại với một số báo duy nhất thì tư tưởng của những người cầm bút tờ Le Nhà quê của Nguyễn Khánh Toàn vẫn để lại tiếng vang của nó trong đại chúng. Số lượng lớn của những tờ báo, đặc biệt là báo chí tư nhân cũng là một không gian rộng lớn để những ký giả xuất hiện với những tư tưởng mà họ theo đuổi truy tìm từ đó tác động trực tiếp đến đời sống xã hội. Điều này giải thích vì sao những trí thức lớn nhất của thời kỳ này (dù xuất thân từ những địa hạt tri thức khác nhau) đều tìm đến với những tờ báo và không hiếm khi họ gắn chặt tên tuổi của mình với một tờ báo nào đó. Nhà báo là biểu hiện tập trung nhất phẩm chất, năng lực đối diện với thực tế đời sống của người trí thức hiện đại. Trên thực tế, không ít những tờ báo đã đóng vai trò như là trung tâm của sự diễn tiến tư tưởng xã hội. Lục Tỉnh Tân Văn là tiếng nói của cuộc vận động Minh Tân với những tên tuổi của Trần Chánh Chiếu, Trương Duy Toản. Đăng Cổ Tùng Văn là cơ quan ngôn luận của Đông Kinh Nghĩa Thục - những nhà chí sĩ cũng đồng thời là những nhà báo. Phong trào Âu hóa rầm rộ những năm 30 được xúc tiến dưới sự dẫn đạo của Nguyễn Tường Tam và những yếu nhân của Phong Hóa và Ngày Nay... Điều này giải thích vì sao nếu trước tác của kẻ sĩ xưa chủ yếu là với tư cách của một văn thần (khi thừa mệnh, phụng chỉ chấp bút những văn bản hành chức năng) hoặc với tư cách một văn nhân, một nghệ sĩ tài hoa trong ngôn từ mà không mấy khi hiện diện với tư cách của một nhà tư tưởng, nhà chính trị với chính kiến độc lập thì thời kỳ này tên tuổi của những Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn An Ninh, Vũ Đình Hòe... chủ yếu được biết đến với những tư tưởng, chủ thuyết mà họ đề xuất.
4.Từ những miêu tả và phân tích tuy còn là những phác thảo sơ lược trên có thể thấy: báo chí là môi trường cũng là một trong những nguyên nhân đặc biệt quan trọng cho sự xuất hiện của một mẫu hình mới: nhà báo - biểu hiện tập trung và sinh động cho những phẩm chất của người trí thức hiện đại.
Ảnh hưởng của văn hóa phương Tây thường được nhận diện trước tiên và chủ yếu qua những cuốn sách, những nhà tư tưởng, những trào lưu văn học cụ thể. Tuy nhiên, những thiết chế văn hóa còn quan trọng hơn thế. Chúng đem đến một khung khổ mới cho không gian tinh thần của xã hội. Với báo chí, những trí thức Việt Nam đầu thế kỷ từ chỗ là người học trò trước những bậc thầy tư tưởng phương Tây, rốt cục, đã hiện diện và khẳng định mình như những nhà tư tưởng đích thực. Với ý nghĩa ấy, thiết chế văn hóa chính là cơ chế tạo nên sự biến đổi trong chiều sâu trong qua trình hội nhập và giao lưu văn hóa.
Chú thích
1. “Nói về học thuật mà không có đường lối sáng suốt rõ ràng, một phần do ở sách vở và một phần tại Triều đình. Tuy nhiên tôi chưa dám nói rõ, sợ có điều quan ngại ( Nếu đừng bắt tội mà cho phép nói, tôi sẽ nói rõ -TVT nhấn mạnh)” - Trương Bá Cần - Nguyễn Trường Tộ con người và di thảo Nxb TPHCM - 1988 - tr. 250
2. Trần Nho Thìn - Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa - Nxb Giáo dục 2003 - tr.88
3.Trương Bá Cần - Tlđd - tr.257
4. Theo chúng tôi, sự hiện diện của các hình thức thông tin kiểu như Quảng Văn Đình (thời Lê Thánh Tông) và Quảng Minh Đình (thời Gia Long) với chức năng: “niêm yết những phép tắc trị dân”, “dán những huấn lệnh của nhà vua” chưa thể được xem là báo chí theo nghĩa đích thực bởi đó thuần túy chỉ là sự thông đạt từ bên trên trong một xã hội tuân thủ trật tự và tôn ti của Nho giáo.
5. Đào Duy Anh - Việt Nam văn hóa sử cương - Nxb Văn hóa thông tin - 2002 - tr.401
6. Chân dung nhà báo qua sự phác họa của A.Sarraut trong buổi diễn thuyết ở hội báo-quán Nam kỳ: “tự coi mình như người lính thổi kèn để truyền sự thực báo tin lành, tự coi mình như người quân tiên phong tay cầm đuốc để chiếu sáng vào trong đám người u âm sầu khổ, để soi đường cho cái công lý nó sắp đến (...), chiến đấu hàng giờ, để bênh vực cho cái quyền lợi người ta phạm hại, giữ cho cái tự do người ta giày xéo, biểu cho cái công đức người ta không biết đến, cáo những tệ lạm của kẻ gian tham (...), mình là cái lời ngôn luận tự do, mình là cái lương tâm không chịu khuất phục, đứng lên đối lại với cái cường quyền nó áp chế người ta để bênh vực cho kẻ công chúng, cho kẻ nghèo hèn, cho kẻ bị áp bức khốn khổ” - Bản dịch của Phạm Quỳnh với tựa đề Nghĩa vụ nhà làm báo - trong Thượng Chi văn tập - tập 1 - Bộ quốc gia giáo dục - Sài Gòn 1962, tr. 58, 59. Lời dịch cho thấy sự hào hứng trước chân dung một nhà báo là rất rõ. Chắc hẳn người phát ngôn nó đã tạo được một phấn khích thực sự cho những người nghe lúc bấy giờ.
7. Xem Huỳnh Văn Tòng - Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến năm 1945 - Nxb Thành phố HCM - 2000 - tr.355
8. Đây là trường có chức năng đào tạo quan lại cho nhà nước bảo hộ. Chính Tản Đà, năm 1912, với tham vọng đoạt ấn tri huyện làm đồ sính lễ để kết duyên với người đẹp phố Hàng Bồ đã ứng thí vào trường này nhưng bị loại vì môn vấn đáp tiếng Pháp.
9. Pierre Albert - Lịch sử báo chí - Nxb Thế giới - HN 2003 -p.16
10. Phạm Quỳnh - Nghĩa vụ nhà làm báo - Tlđd tr.60, 65
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015