Tản mạn về nhà báo và doanh nhân
Cứ mỗi tháng 6, Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam đến gần, lại có nhiều hoạt động chào mừng những tờ báo cùng những người làm báo mà một lực lượng xã hội cổ vũ lớn cho báo chí là các doanh nghiệp.
Cũng như đến mỗi tháng 10, Ngày Doanh nhân Việt Nam đến gần, lại có nhiều hoạt động đón mừng những doanh nghiệp và giới doanh nhân mà lực lượng xã hội cổ vũ nhiều cho doanh nhân là các nhà báo.
Do vậy mà trên các báo dịp tháng 6 có nhiều trang quảng cáo hơn in thêm dòng chữ chào mừng Ngày Nhà báo Việt Nam. Còn trên các báo tháng 10 thế nào cũng có thêm nhiều trang quảng cáo in dòng chữ chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam. Trong những cuộc giao lưu rộng rãi có tổ chức hay những cuộc tiếp xúc hẹp cả hai giới đều nhấn mạnh đến những sứ mệnh cao cả của nhau đối với đời sống và sự phát triển của xã hội trong công cuộc "Đổi mới "hay" hội nhập". Như thế quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp cũng như giữa nhà báo và doanh nhân đang có chiều gắn bó.
Cũng dễ hiểu thôi, nếu lần ngược về cội nguồn lịch sử của báo chí, trong buổi sơ khai, tờ báo ra đời bắt nguồn từ nhu cầu và cũng là công việc của các doanh nhân nhằm phục vụ cho những hoạt động kinh doanh của họ. Những bức thư trao đổi giữa các nhà buôn theo các đoàn lạc đà hay các thương thuyền mở rộng thị trường ra nhiều vùng đất mới đã nảy sinh nhu cầu và sáng kiến thu thập, tổng hợp những tin tức về thị trường, hàng hoá và giá cả của giới kinh doanh ở nhiều không gian địa lý khác nhau thành những trang tin tổng hợp rồi lại chuyển tới mọi doanh nhân như một sản phẩm dịch vụ.
Những thông tin này đương nhiên được các doanh nhân quan tâm trước tiên, nhưng các nhà nước hồi đó cũng quan tâm tới những thông tin này để có thể thu thuế và thúc đẩy các hoạt động kinh tế để làm giàu cho vương quốc của mình. Sử sách ghi rằng, Cesar Đại đế từng sử dụng các tù binh biết chữ chép nhân bản những trang tin ấy để phát hành cho rộng rãi. Báo chí ban đầu là của tư nhân và nó đã sớm trở thành hàng hoá buộc những người muốn đọc tin phải bỏ tiền mua. Bản thân việc làm báo lại trở thành một hoạt động kinh tế, tờ báo trở thành một doanh nghiệp và người làm báo đều tham gia vào trong một cỗ máy kinh doanh và người chủ tờ báo trở thành doanh nhân.
Dần dà, đọc báo đã trở thành một tập quán không thể thiếu được trong tầng lớp thị dân, nơi những hoạt động kinh doanh diễn ra thường ngày và mọi hoạt động xã hội có xu thế thị trường hoá . Người ta từng định nghĩa rằng "tờ báo là thứ kinh nhật tụng của đám thị dân". Cũng vì thế báo tư nhân ra đời trước để rồi phát triển thành hệ thống công báo đầy quyền uy ngày nay.
Ở nước ta, xa xưa đương nhiên không có báo. Trong dân gian, ở các làng xã thì mõ làng và những quán nước nằm ở đầu làng hay trên đường cái quan là nơi cung cấp những thông tin xã hội phổ biến nhất. Hệ thống phu trạm dọc theo đường thiên lý truyền đạt thông tin từ triều đình đến các địa phương, hay ở kinh đô có cửa Đông Hưng (Cửa Nam) là nơi triều đình dán những bố cáo hoặc định kỳ tổ chức thuyết giảng cho dân hiểu chính sách... Thực sự báo chí chỉ xuất hiện ở nước ta thời thuộc địa, là sản phẩm của văn hoá phương Tây và vì lẽ đó nó trước tiên phục vụ cộng đồng người Tây.
Tờ báo đầu tiên đậm mùi "lính tẩy" vì nó theo chân đạo quân viễn chinh vào đánh chiếm nước ta (tờ báo tiếng Pháp dịch là Công báo của Đạo quân viễn chinh xứ Nam Kỳ)... nhưng rồi rất nhanh chóng nền báo chí thuộc địa cũng theo quy luật như ở chính quốc tạo ra một đời sống báo chí ngày càng phong phú với sự xuất hiện báo tư nhân và những người kinh doanh bằng báo chí.
Người nghiên cứu lịch sử báo chí thường nhắc đến một tên tuổi : Henri Schneider, đến nước ta khi mới ngoài 30 tuổi và trở thành người thâu tóm các hoạt động kinh doanh báo chí bao trùm cả 3 miền. Ngay những tờ công báo cũng được nhân vật này đấu thầu để điều hành và nhiều tờ báo sáng giá bằng tiếng Việt cũng nằm trong đế chế báo chí của Schneider.
Phó Paul Bert, nay là Tràng Tiền (Hà Nội), bên trái là toà soạn và nhà in của "ông tổ báo chí Đông Dương" Henri Schneider.
Tuy nhiên nhiều người Việt Nam cũng biết "lách luật" báo chí của thực dân để gây dựng cho tiếng nói của người Việt trên trường báo chí. Và ý thức trở thành những nhà kinh doanh trên lĩnh vực này cũng hình thành. Người nước ta làm báo sớm nhất và danh giá nhất phải kể đến Trương Vĩnh Ký nhận làm chủ bút tờ "Gia Định Báo", tờ quốc ngữ sớm nhất ở xứ ta (1865) nên, vì thế ông được coi là "tiên chỉ " trong làng báo Việt Nam.
"Gia Định Báo" là công báo nhưng đã được Trương Vĩnh Ký cố gắng đưa vào đó những nội dung văn hoá bản địa. Nhưng khi đứng ra định làm một tờ báo tư nhân ("Thông loại khoá trình") để mong biến nó thành công cụ văn hoá thuần tuý thì chính vị tiên chỉ họ Trương cũng suýt bị phá sản không phải vì Tây hại mà vì cái khắc nghiệt của thị truờng.
Đến nhà báo Diệp Văn Cương nuôi ý đồ ra tờ "Phan Yên Báo" để gửi gấm chút ít tinh thần yêu nước thì lập tức bị chính quyền thực dân phạt vạ và đình bản. Ở Nam Kỳ đầu thế kỷ hai mươi (1901) xuất hiện một tờ có cái tên đậm chất kinh doanh là "Nông Cổ Mín Đàm" (giải nghĩa là "ngồi uống trà bàn chuyện làm nghề nông và buôn bán"), chủ báo người Tây cũng là chủ vựa muối dùng báo để quảng bá cho hàng họ của mình, còn lại giao cho mấy người Việt có tư tưởng Duy Tân cũng phát huy được một thời việc cổ vũ thực nghiệp nhưng rồi cũng không phát đạt nổi mà bị rơi vào quên lãng...
Ở ngoài Bắc, nổi lên một nhân vật không thể gọi là tiên chỉ nhưng xứng đáng là người tiên phong xông vào trường báo chí để làm giàu. Làm giàu theo cả nghĩa đen của một doanh nhân và cả theo nghĩa bóng là làm giàu cho văn hoá dân tộc, nổi bật hơn cả là vai trò chữ quốc ngữ. Người đó là Nguyễn Văn Vĩnh.
Tờ báo đầu tiên có tên là "Đăng Cổ Tùng Báo" ra đời cùng với và trở thành diễn đàn của Đông Kinh nghĩa thục (1907). Chủ báo chính là ông tổ người Tây Schneider; nhưng với vai trò chủ bút, Nguyễn Văn Vĩnh kiên trì làm hết tờ báo này đến tờ báo khác cho đến lúc đã có cả một cơ ngơi đồ sộ những tên báo danh giá cả bằng tiếng ta và tiếng Tây cùng "Tủ sách Âu Tây tư tưởng" tác động sâu sắc vào xã hội thì thực dân liền ra tay ngáng triệt để đến độ phải bỏ đi tìm vàng rồi ôm hận nơi Suối Vàng...
Một nền báo chí cách mạng ra đời bắt nguồn từ những truyền thống yêu nước lại được thổi hồn cách mạng của Nguyễn Ái Quốc về một nền báo chí đóng cả vai người tuyên truyền và tổ chức cho một cuộc các mạng giải phóng và cách mạng xã hội... Ngày Báo chí Việt Nam được hiểu như ngày truyền thống của báo chí cách mạng...
Nhưng giờ đây từ cuộc cách mạng gắn liền với một nền chính trị bao cấp đã chuyển sang thời đại của cuộc cách mạng kỹ thuật, của một cuộc cách mạng mang tính khoa học và hội nhập, trước hết là hội nhập với thị trường toàn cầu. Bài toán đặt ra với báo chí thời đại này là thực hiện những mục tiêu chính trị bằng hạch toán của kinh tế thị trường... Nói cách khác người làm báo cũng phải biết kinh doanh cho dù tờ báo vẫn được coi là một thứ hàng hoá "đặc biệt". Do vậy mà cái gì có trong đời sống kinh doanh mà các doanh nghiệp của chúng ta đang trải cũng có trong đời sống báo chí mà các tờ báo của chúng ta đang trải...
Trước bài toán khó ấy, sự gần gũi, mối liên minh và cả sự cạnh tranh giữa báo chí và doanh nghiệp, giữa nhà báo và doanh nhân hay giữa tất cả hai giới chúng ta là lẽ thường tình như một quy luật mà ta đã đọc thấy trong pho lịch sử báo chí của những cái đã trải qua...
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh