Còn bao nhiêu con đường phải qua...?
Từ văn hóa chịu trách nhiệm...
Chúng ta thường khó quy trách nhiệm cụ thể cho ai khi sự phân công mang tính tập thể dựa vào danh xưng ủy ban, phân ban, hội đồng... Cho nên trước một thất bại hay thiếu sót, chúng ta hay nghe nói rằng: Hội đồng... (hay có thể cao hơn như Bộ... chẳng hạn) nhận là có những quyết định chưa đúng, chưa kịp thời...Cụ thể như vụ phát giải thưởng "Sản phẩm vì cộng đồng" cho Vedan vừa qua, hay như chuyện giấy phép cho Đại học "Ba không" Phan Thiết, ồn ào lao xao là thế rồi cũng lặng im, chẳng ai bị kỷ luật. Có chăng chỉ là tạm ngưng chức một ông Cục phó chờ... xem xét. Chúng ta nhớ trong chuyện Tây du ký, bọn yêu tinh quậy phá nhặng xị trần gian mà mỗi lần chúng gần thua thì luôn có một vị thần thánh nào đó trên trời xuống bảo lãnh về... dạy dỗ. Chỉ tội cái anh Tôn Ngộ Không liều mình lên trời xuống biển bao phen kiếp nạn, may mà thân anh ta bằng đá (!), chứ nếu không, thì...
Còn trách nhiệm quản lý của mấy ông to bà lớn trên cao buông lỏng quản lý để con em tác quái thì không thấy bị gì?
Suy cho cùng chỉ có những "cái mũ" là có tội. Cái mũ ấy có khi là "chúng tôi", là cơ chế, tình hình, hoàn cảnh, trình độ.... nhưng tuyệt nhiên không có chuyện... tư lợi. Thế nên mới có những doanh nghiệp "sân sau", mà nếu muốn phiên dịch một cách thanh nhã gọi là "outsourcing". Kết quả là nếu có nhiều công trình... "dần xây" mà sau bao nhiêu năm tháng vẫn cứ phơi mình cùng tuế nguyệt, chẳng ai nhận trách nhiệm. Nghĩa là các ông đấu thầu, thiết kế, phê duyệt, giám sát đều vô tội, chỉ có anh thi công, mà cụ thể là mấy ông đội trưởng, đội phó chịu sự phán xét cuối cùng của quần chúng và cấp trên (!)
Chúng ta đang xây dựng một nền văn hóa cộng đồng nhưng không thể thiếu trách nhiệm cá nhân. Làm người, chúng ta phải chịu trách nhiệm về những hành vi hay quyết định của mình. Được như thế, chúng ta mới LÀ NGƯỜI.
Đến văn hóa chấp nhận thất bại
Đêm 17/12/2009, khi đội tuyêt bóng đá U-23 Việt Nam thất bại trước Malaysia, hàng triệu con tim đã se thắt lại vì thất vọng, vì đau khổ, vì niềm mơ ước đã trôi xa. Báo Tuổi trẻ chạy hàng tít lớn: "Tan nát cõi lòng". Đúng như thế thật, 50 năm chúng ta chưa thể chạm tay vào chiếc huy chương vàng sau lần đầu tiên với đội tuyển miền Nam Việt Nam. Nhưng chúng ta nghĩ gì khi chỉ còn rất ít cổ động viên (khoảng 100) trong số hàng vạn khán giả ở lại khán đài chia sẻ những giọt nước mắt thất trận của tuyển thủ quốc gia. HLV Calisto có lần tâm sự: "Với chúng tôi, bạn bè thực sự không phải là những người có mặt khi chúng tôi thành công hay chiến thắng, mà họ luôn xuất hiện ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất, cần sự động viên chia sẻ nhất". Chưa kể đến việc chúng ta để lại sân vận động quốc gia Lào một bãi rác... với tất cả những vật dụng mà các cổ động viên tự làm hay mang theo từ Việt Nam: mũ nón, banderol, khẩu hiệu, cán cờ, kèn... Chắc chúng ta không ngạc nhiên vì cảnh tượng này khá quen thuộc ở sân Hàng Đẫy hay sân Mỹ Đình, hay bất cứ một sân bóng nào của chúng ta trong các trận cầu "nóng". Nhưng ở đây là trên nước bạn, mà chúng ta vẫn thường được nghe nói: "Mỗi người dân là một vị đại sứ khi ra nước ngoài". Đối với người Lào, chúng ta đến từ một nước lớn hơn, phát triển hơn, giàu hơn, thế nhưng hình ảnh ấy e rằng sẽ... thay đổi nhiều khi hôm nay họ phải chứng kiến cảnh sau khi các cổ động viên Việt Nam tời sân vận động của họ thì sân vận động ấy như một bãi rác.
Chúng ta nghĩ sao khi các tuyển thủ Thái Lan sau trận thua, cũng trước Malaysia, đã chắp tay lạy khán giả đất nước mình như một lời xin lỗi? Chúng ta nghĩ sao khi cầu thủ Lào dù thua, cũng trước Malaysia, vẫn được hàng vạn người vỗ tay cổ vũ sau trận đấu? Các cầu thủ chúng ta đã khóc rất nhiều (có báo gọi là... như những đứa trẻ). Không trách được họ vì họ còn trẻ. Chúng ta chỉ trách những người lớn đã không biết cách chấp nhận thất bại, trước khi đổ lỗi cho huấn luyện viên, cho cầu thủ, kể cả cho trọng tài... để rồi bộc lộ sự thất vọng bằng những xúc cảm tiêu cực xuất phát từ sự thèm khát chiến thắng quá độ dẫn đến thái độ chửi bới hằn học, thiếu kềm chế... "Thèm khát và căm thù sẽ làm xuất hiện những ưu phiền khác và vì thế chúng sẽ tạo nên mọi rắc rối trên thế gian này". (Đạt lai Lạt ma)
Nhìn từ khía cạnh ứng xử, quả là còn nhiều điều chúng ta phải học, không ở đâu xa, ngay ở những người bạn Lào hiền hòa, dễ mến thấm đạm tinh thần văn hóa Phật giáo. Khi được hỏi sao không xuống đường đi "bão" mừng được vào vòng bán kết, họ hồn nhiên trả lời: "Trận đá bóng đã diễn ra trên sân, còn bây giờ là về nhà đi ngủ".
Chúng ta tự hào có một nếp sống năng động hơn, mạnh mẽ hơn, nhưng có nhiều điều cần xem lại trong hành vi ứng xử của mình.
Nói như Bob Dylan trong bài hát Blowin' in the win:
"Phải qua biết bao con đường, anh mới được gọi là người đàn ông...
Phải nhìn lên cao biết bao nhiêu lần, anh mới thấy bầu trời trên kia..."
Vâng, chúng ta còn phải đi qua con đường còn dài phía trước tiến về một đời sống văn minh hơn. Nghĩa là dù có phải trải qua cả vinh quang và nhất là cay đắng, chúng ta sẽ học để luôn biết ứng xử như một người chân chính. Điều quan trọng là con người ấy dám nhận trách nhiệm và biết mỉm cười, luôn đúng mực ngay cả khi thất bại.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn