Hư học hư làm, hư tài
Thực đau lòng bảy đội bóng trẻ con vốn là mô hình sân chơi "trung thực, lành mạnh, hồn nhiên" được xem là gian lận, gian lận tuổi. Một vết nhơ của bóng đá trẻ nước nhà! Một cầu thủ U.15 sinh ngày 14-3-1987, học lớp 10D trung học phổ thông Nguyễn Huệ đã được gia đình, công an hộ khẩu, công chứng tỉnh làm phép "biến trâu thành nghé", thành học sinh lớp 7E trung học cơ sở Xuân An, sinh ngày 14-3-1990.
Người lớn, cơ quan công quyền chủ động đưa gian dối vào tâm hồn trẻ thơ. Từ đỉnh cao vinh quang, trẻ rơi xuống đáy vực nhục nhã. Danh hiệu, huy chương, phần thưởng cao quý, quyền thi đấu trước mắt đã bị tước bỏ, song làm sao xoá bỏ được những vết nhơ trong tâm hồn trẻ thơ?
Thực đáng buồn: Trong giới kỹ sư tâm hồn đáng kính, giáo sư loại "cây đa cây đề" làm ra sách giáo khoa cho các thế hệ trẻ và nhà phê bình lại phang nhau kịch liệt trên báo chí bằng chiếc gậy thực hư: "Nhà khoa học thiếu trung thực"! "Nhà phê bình gian dối"!. Và nhà báo thì lững lờ khôn khéo nước đôi: "Thư bạn đọc kẻ khen người chê. Thời gian sẽ trả lời. "Sao phải nhờ vào thời gian? Thực hư hư thực khó lường thế sao?
Thực cay đắng: Tuyển sinh đại học được biểu dương là tổ chức nghiêm túc, phát hiện được trên 3000 thí sinh gian lận ngay trong vài ngày đầu mùa thi tuyển sinh – Một kỷ lục quốc gia về gian lận thi cử! Đặc biệt, gian lận đã được hiện đại hoá với các đường dây thi thuê, mua bán luận văn, sản xuất phao thi…
Song cái được số một đáng được biểu dương nhất của hai mùa tuyển sinh đại học ba chung vừa qua là đã phanh phui ra trước toàn xã hội thực trạng chất lượng ảo, hư học, bằng thật học giả đặc biệt nghiêm trọng, kéo dài hơn chục năm qua: chỉ có khoảng 13-14% tú tài đạt trình độ trung bình của chương trình phổ thông trung học? Tương phản gay gắt với trên 90% đạt trung bình của chương trình này trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trước đó một tháng. Ngay từ mùa tuyển sinh trước, nhiều nhà khoa học và sư phạm đã kiến nghị giải quyết thật cơ bản và toàn diện thực trạng cay đắng này bằng một cuộc cải cách giáo dục thực sự. Các nhà chức trách đã đưa ra những lập luận trấn an dư luận, đặc biệt là "Tính chất hai kỳ thi khác nhau, kết quả đạt trung bình khác nhau là chuyện bình thường!" Và mọi chuyện rơi vào im lặng của sa mạc. Sự thật là: Thi tuyển sinh đại học chỉ lấy điểm trung bình của ba môn thuộc các môn học đòi hỏi năng lực tư duy hơn là trí nhớ. Thi tốt nghiệp phổ thông lấy điểm trung bình của sáu môn, có thể lấy trí nhớ bù cho tư duy, cho nên điểm trung bình chung có thể cao hơn, song cũng chỉ gấp hai, gấp ba lần là cùng. Trong các kỳ thi tốt nghiệp tổ chức thật nghiêm túc ở một số tỉnh cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, tỷ lệ tốt nghiệp dao động từ 25% đến 40%, tức là từ hai đến ba lần tỷ lệ đạt trung bình của tuyển sinh đại học ngày nay. Dù tính toán thế nào đi nữa, tỷ lệ tốt nghiệp thực dưới 50% so với 90% ảo cũng là điều đáng báo động đặc biệt rồi. Ngày hội khai trường 5-9-2003, Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển đã lên vô tuyến truyền hình bày tỏ sự lo lắng sâu sắc về chất lượng và hiệu quả thực của giáo dục trước thông tin 86% tú tài không đạt điểm trung bình của chương trình phổ thông trung học. Trên 67% tú tài đạt điểm trung bình từ 3,5 trở xuống. Đặc biệt, gần 25000 tú tài có tổng điểm ba môn là 0 hoặc 0,5. báo chí lại xung trận, lên án mạnh mẽ chất lượng ảo, bệnh thành tích, hư danh, học gian thi lận, bằng thật học giả…
Tuyển sinh đại học đã phanh phui một sự thật không ai có thể phủ nhận được, cần đặt lên bàn các hội nghị quyết định chiến lược: "Chỉ có 13-14% tú tài đạt trình độ trung bình của chương trình phổ thông trung học về ba môn học đòi hỏi năng lực tư duy hơn là trí nhớ". Học sinh chúng ta phải lấy trí nhớ bù cho tư duy thông minh! Chất lượng ảo là do cách dạy, cách học nặng về rèn trí nhớ: Thầy giảng, trò ghi nhớ. Trò thụ động tiếp thu một chiều. Học thuộc lòng, học vẹt, khi gặp khó khăn thì thiếu ý chí tự lực tự cường, ỷ lại vào bạn bè, vào phao và quay cóp. Thầy nặng về truyền thụ một chiều, áp đặt kiến thức sẵng có, nhồi nhét một lần cho cả đời người học, làm thui chột những mầm mống tạo ra bản lĩnh đích thực của con người là nội lực tự học và tư duy cùng với ý chí tự lực tự cường, tự tôn tự trọng. Cách học, cách dạy lạc hậu đó dẫn đến chất lượng ảo, hư học hư làm, hư tài. Thực học, thực làm cốt lõi là biết cách tự học, tự nghiên cứu, cách tư duy, cách tự làm cách phát hiện – hợp tác – giải quyết vấn đề. Có thực học, thực làm mới có thực tài, tức là có năng lực tự học, tự nghiên cứu, năng lực tự tư duy, năng lực phát hiện – hợp tác – giải quyết vấn đề nổi trội xuất sắc hơn người.
Một tin vui: Ý tưởng – giải pháp hợp nhất hai kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học đăng ngày 19-10-2002 trên diễn đàn của các nhà khoa học báo Văn nghệ đã được các nhà chức trách chấp nhận nghiên cứu triển khai: Tuyển sinh ba chung có thể trở thành "bốn chung": Thi tốt nghiệp phổ thông hợp nhất với thi tuyển sinh đại học, do nhà trường phổ thông và đại học cùng phụ trách coi thi và chấm thi. Bộ máy công nghệ thông tin xử lý kết quả kỳ thi và kết quả từng năm học trung học theo đúng yêu cầu của thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng như của tuyển sinh đại học. Trao đổi thân tình với tôi, có nhà chức trách cho rằng: "Việc hợp nhất hai kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh có tính ưu việt và khả thi cao, song chỉ sợ các địa phương và các trường khó bảo đảm thi thật nghiêm túc". Theo xu hướng trên, cần sớm hợp nhất các kỳ thi đó nhẹ nhàng nghiêm túc tại trường theo cách Hà Nội đã làm với kỳ thi tiểu học năm nay. Thật hạnh phúc cho các thế hệ trẻ khi ta cải cách được chế độ thi cử nặng nề, lạc hậu, quá tốn kém hiện nay?
Tuy nhiên, tổ chức các kỳ thi nghiêm túc cũng không có thể giải quyết tận gốc thực trạng cho chất lượng giả, hư học, bằng thật học giả. Đó là bài học thất bại của các kỳ thi nghiêm túc chống chất lượng giả vào những năm 1998-1999. Thất bại đương nhiên, vì chỉ có một giải pháp đơn giản, đơn độc "kỳ thi thật nghiêm túc" trước một chất lượng giả đã được thể chế hoá!
Chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục quy định: "Bảo đảm tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở hàng năm từ 90% trở lên". Chuẩn thi đua trong nhà trường cũng tương tự như vậy. Chất lượng ảo trên 90% tốt nghiệp đã trở thành chuẩn phổ cập, chuẩn thi đua, bắt buộc, thể chế hoá, hợp thức hoá. Đó là thể chế quản lý giáo dục bằng điểm số. Tối thiểu, giáo viên nào cũng phải đạt tỷ lệ trên cho bộ môn, lớp học mình phụ trách mới được xét các danh hiệu thi đua làm cơ sở cho việc xét khen thưởng, nâng bậc lương. Trường nào cũng dễ dàng có học sinh lên lớp, tốt nghiệp trên 90%, đạt 100% cũng không hiếm, với trên 50% khá giỏi cũng là bình thường. Trong các kỳ thi, người quản lý cao nhất ở địa phương bao giờ cũng sẵn sàng tung ra các giải pháp hợp pháp bảo đảm tỷ lệ tốt nghiệp mong muốn. Và cứ như vậy, chất lượng ảo trên 90% tốt nghiệp tồn tại dai dẳng hơn 15 năm qua; hàng năm, có hàng vạn tú tài bằng thật học giả. Một cầu thủ gian lận tuổi, ngay lập tức, cả đội bóng, cả tỉnh bị trừng phạt đích đáng về tinh thần và vật chất. chất lượng ảo của hàng vạn tú tài thì được thể chế hoá, hợp thức hoá, tồn tại được thể chế hoá, hợp thức hoá, tồn tại kéo dài hàng chục năm. Tại sao?
Thế giới đã có kết luận khoa học về thể chế quản lý giáo dục bằng điểm số: "Điểm số đạt được theo lối cho điểm về mặt khoa học là không có giá trị (thước đo thiếu độ tin cậy, chính xác) về mặt giáo dục là không đầy đủ (không đủ thông tin để sửa sai), về mặt đạo đức là đáng ngờ (trong trường hợp sử dụng điểm số để ra những quyết định quan trọng, có nhiều uẩn khúc vừa đá bóng vừa thổi còi), về mặt quản lý là thuận tiện song không nên lạm dụng (điểm số trung bình làm thước đo tổng hợp trình độ học sinh năng lực giáo viên và của giáo dục, song quản lý máy móc, thiếu thực sự cầu thị bằng điểm số dấn đến thể chế hoá chất lượng ảo). Trong phổ cập giáo dục, người ta thường lấy số học sinh, sinh viên trên dân số độ tuổi hay số sinh viên trên một vạn dân làm chuẩn, chứ không lấy tỷ lệ tốt nghiệp trên 90% dẫ đến thể chế hoá chất lượng ảo và những hậu quả nghiêm trọng không lường hết được.
Quản lý máy móc bằng điểm số có nguy cơ làm biến chất chức năng giáo dục của đánh giá bằng điểm số, không có lợi cho việc học của học sinh. Để có tác dụng giáo dục, việc đánh giá bằng điểm số phải kèm theo những sai sót cụ thể của người học nhằm thông báo cho người học một cách chính xác về khoảng cách giữa việc học và mục tiêu cùng với những thiếu sót, khó khăn gặp phải trong tiến trình học, giúp cho người học tự đánh giá, tự kiểm tra, tự sửa sai và điều chỉnh, đồng thời cũng nhằm thông tin cho giáo viên những đểm còn tồn tại trong việc học và dạy để điều chỉnh tiến trình dạy. Song trên thực tế, giáo viên độc quyền đánh giá một chiều, bằng điểm số đơn thuầnthếiu thông tin về những sai sót không phát huy khả năng tự đánh giá, tự kiểm tra của học sinh - một khả năng hết sức cần thiết để khơi dậy nội lực tự học và tư duy của người học. Mặt khác, ít khi giáo viên tự kiểm tra, tự đánh giá mình về những tồn tại trong việc dạy qua nhưng thông tin phản hồi về điểm số. Thiếu sót, yếu kém, tồn tại vao giờ cũng về phía học sinh. Song công iệc công bố điểm chỉ có giá trị thông tin khá thấp và không đề cập đến nộii dung cụ thể shọc sinh cần biết để tự điều chỉnh, tự sửa sai. Điểm số luôn luôn ám ảnh học sinh và cả gia đình. Phát sinh tiêu cực: chạy điểm, xin điểm, thổi điểm, mua điểm bán bằng, học gian thi lận…
"Một môi trường phức tạp chỉ có thể được kiểm soát bởi một hệ thống có độ phức tạp ít nhất là tương đương". Chất lượng giáo dục rõ ràng là phức tạp, không thể giải quyết đơn giản bằng kỳ thi nghiêm túc hoặc bằng cách hạn chế về số lượng để nâng cao chất lượng", " không pha loãng cốc nước đường". Đó là một quan điểm cực kỳ máy móc, bảo bảo thủ góp phần làm cho giáo dục tụt hậu, quy mô thấp, chất lượng giả. Hiện nay số sinh vên trên một vạn dân của ta chỉ già hơn một nửa của Thái Lan và phấn đấu theo kế hoạch đến năm 2010, vẫn còn thấp hơn số sinh viên trên một vạn dân của Thái Lan năm …2000!
Một tin rất vui, náo nức lòng người trong ngày hội khai trường: Một tỉnh miền núi đã vượt xa miền xuôi về phổ cập giáo dục! Tuyên Quang, trong tốp bảy tỉnh dẫn đầu cả nước về phổ cập trung học cơ sở đang nỗ lực huy động tối da những người trong độ tuổi 15-18 vào học trung học phổ thông và tương đương, sẽ hoàn thành phổ cập bậc trung học vào năm 2006. Xu thế sớm phổ cập trung học là xu thế cường triều xoá bỏ cảnh tuyển sinh đại học "một chọi mười", "một cười mười khóc", thúc đẩy giáo dục đại học sớm trở thành "đại học đại chúng", "giáo dục sau trung học cho mọi người" ngay trong thập kỷ đầu của thế kỷ XXI. Toàn bộ hệ thống trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, trung học kỹ thuật hiện nay trở thành hệ thống đào tạo kỹ thuật thực hành sau trung học 1-2 năm của giáo dục đại học. Đại học thực hành ngắn hạn phát triển mạnh đến tất cả các tỉnh, thành, đào tạo nguồn nhân lực 1-2 năm sau trung học cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu lao động. Đại học từ xa tạo điều kiện công bằng cho mọi miền đất nước đều có thể hưởng thụ giáo dục đại học. Du học tại chỗ, đại học trọng điểm chất lượng cao mở ra triển vọng đào tạo được nhiều người thực học, thực làm trở thành nhân tài. Cách cửa trường đại học rộng mở cho mọi tú tài.
Thực hư hư thực khó lường nay đã quá rõ ràng. Chúng ta tự ru ngủ mình hơn 15 năm qua với một chất lượng giáo dục ảo ẩn náu dưới một thể chế quản lý giáo dục lỗi thời, dưới hào quang sáng ngời của các giải thưởng thực học – thực làm – thực tài qua các kỳ thi Ôlympic quốc tế của học sinh, sinh viên nước ta. Tự ru ngủ trên những vòng hoa chiến thắng có thực đã là tai hại, tự ru ngủ trên những thành tích ảo, chất lượng giả lại càng tai hại hơn nhiều. Không thể nào tự bằng lòng, thoả mãn với cuộc cải cách giáo dục cục bộ, từng phần, từng bậc học, lấy cải cách chương trình phổ thông (của một nhóm chuyên gia) làm trọng tâm như hiện nay. Đã đến lúc cần sớm tập hợp lực lượng và trí tuệ các nhà khoa học, sư phạm và quản lý ưu tú, thực làm, thực tài của đất nước tiến hành cuộc cải cách giáo dục lần thứ tư vì một nhà trường mở thực học, thực học, thực làm, thực tài, vì cả nước: một xã hội học tập, một cuộc cải cách giáo dục thực sự cơ bản và toàn diện, lấy cải cách phương pháp giáo dục làm động lực, lấy cải cách đại học làm then chốt tạo ra bước phát triển nhảy vọt của giáo dục lên ngang tầm thời đại.
GS. Nguyễn Kỳ
Nội dung khác
Tương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn Quân