Phải dạy làm người
Sinh thời, khi xem chương trình của chín lớp tiểu học và trung học cơ sở, Bác Hồ đã phát biểu: “Sao dạy làm người ít quá”.
Khi vô thăm một trường Đảng, Bác cũng viết vào sổ lưu niệm: Phải dạy làm người.
Vừa qua GS Trần Văn Giàu cũng đã nói: “Học làm người là phải học sử”.
Thế mà vừa qua về thi môn sử của học sinh cấp III, tình trạng thật thê thảm, đa số là điểm 3 cho tới điểm 0. Đây là vấn đề nhức nhối không thể chấp nhận được. Việc tôn sư trọng đạo cũng diễn ra không ít cảnh đau lòng. Ngay cả trong những nhà giáo cũng có nhiều vấn đề khiến chúng ta không thể yên tâm được.
Tình trạng hết sức buồn lòng này không phải chỉ có trách nhiệm của thầy, cô và học sinh mà chính là ở đường lối giáo dục và chính sách đối với ngành giáo dục của chúng ta.
Nên giáo dục trước Đại hội VI của Đảng là một nên giáo dục duy ý chí, tập trung, quan liêu, bao cấp mà chưa có kiểm điểm. Sau Đại hội VI thì khuynh hướng giáo dục lại chuyển qua tình trạng giáo dục thực dụng. Cái gì làm ra tiền thì đổ xô vào dạy và học. Đây là nhu cầu phát triển của xã hội. Nhưng nhất thiết chúng ta phải coi giáo dục làm người là vấn đề cốt lõi của giáo dục. Một nền giáo dục mất gốc sẽ đưa cả dân tộc chúng ta đến những nguy cơ không thể lường được.
Tại sao chúng ta không thể qui định hệ số của sử học bằng hệ số của toán học, là môn bắt buộc trong kỳ thi hết cấp III và thi vô các trường đại học?
Tại sao chúng ta lại bỏ môn học Hán Nôm, trong khi Hán Nôm có một vị trí cực kỳ quan trọng trong nền văn hóa của chúng ta? Tôi cho rằng hệ số của môn Hán Nôm không thể thua hệ số của môn tiếng Anh. Nếu không học Hán Nôm, không giữ lấy bản sắc dân tộc thì chúng ta sẽ đi tới đâu? Một giáo sư sử học nói với tôi: hiện nay ở Hàn Quốc, Nhật Bản người ta chủ trương phải dạy cho học sinh, sinh viên biết được 2.000 chữ Hán.
Nếu giáo dục của chúng ta cũng chủ trương như thế thì chẳng những chúng ta khắc phục được những thiếu sót trên, mà lại còn tiếp cận được với nền văn hóa vốn rất gần gũi với chúng ta, một trong những cái nôi văn minh lớn của nhân loại, một nền khoa học tiên tiến của khoảng 1,5 tỉ người ở Đông Á bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên.
Học Hán Nôm, học tư tưởng văn hóa Việt Nam, học triết học phương Đông, học triết học Tam giáo (Lão giáo, Nho giáo, Phật giáo) là cực kỳ cần thiết để thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh. Nét độc đáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh là kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với tư tưởng văn hóa Việt Nam và văn hóa triết học phương Đông, làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin phát triển lên một tầm cao mới, thấm nhuần tính nhân văn sâu sắc và có một sức thuyết phục rất cao.
Tư tưởng cộng sản của Hồ Chí Minh không những chinh phục được dân tộc Việt Nam mà còn chinh phục được nhân dân thế giới. Chính vì thế Bác Hồ là lãnh đạo cộng sản duy nhất trên thế giới được Liên Hiệp Quốc công nhận là anh hùng kiệt xuất giải phóng dân tộc, đồng thời là danh nhân văn hóa thế giới. Do đó, tư tưởng, văn hóa Việt Nam và văn hóa, triết học phương Đông phải được cụ thể hóa trong các trường tiểu học và phải được dạy lý thuyết trong các trường cấp III, các trường đại học và trường Đảng. Không học những vấn đề này thì không hiểu đúng được tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tôi đề nghị phải thiết kế một qui trình “Tiên học lễ, hậu học văn” từ các lớp mầm non cho đến tiểu học. Tôi cũng đề nghị phải có thêm môn học về luân lý mà trước đây trong thời Pháp thuộc chúng tôi đã được học. Theo tôi, đây là một môn học rất bổ ích không thể thiếu trong giáo dục làm người. Khoa công dân giáo dục không thể thay thế khoa luân lý giáo dục.
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt