Làm người Việt Nam
Chắc có người sẽ nhắc tôi: đâu có dễ!
Yêu nhau rồi, nghề nghiệp chưa thành, nhà cửa chưa có.Tốt nghiệp phổ thông, chuyên nghiệp và cả đại học nữa nhiều khi cũng không tìm ra việc. Sống chưa nổi, nói gì đến lối sống. Có lần, chụp được tay một em bé móc túi, tôi hỏi: Tại sao em lại đi móc túi? Nó hỏi lại: Thế bác bảo cháu làm gì bây giờ?
Làm gì?
Bạn đã 18-20, sức khoẻ tốt, có một vốn học thức nhất định. Có khi đã có một nghề.
Trước hết xác định mình là người Việt Nam, đang ở thời đại cuối thế kỉ XX.
Là người Việt Nam, việc ấy dĩ nhiên, cần gì đặt thành vấn đề?
Tôi đặt thành vấn đề vì có những người bỏ nước ra đi. Bạn không có dăm ba “cây”, vẫn có thể ngày nào đó, một người nào đó đến với bạn, rủ ra đi, hứa hẹn một cuộc sống vàng son khi đến được Hồng Kông, Niu Ioóc. Một vài hình ảnh trong một số bộ phim, những bức ảnh màu ở nước ngoài gửi về làm bạn mơ màng, dễ nhìn lại cảnh căn phòng chật chội của gia đình, bữa ăn đạm bạc với một câu hỏi day dứt: đi hay ở?
Nhưng cũng có cái gì tự trong đáy lòng cứ giữ bạn lại. Phải chăng là bè bạn, là một cảnh làng quê bờ tre kĩu kịt, một tiếng võng của lời mẹ ru, hay lời của thầy cô giảng bài thời thơ ấu, một lời ca, một khúc nhạc, khó mà nói, đây là một tổng hòa màu sắc, âm thanh tình tứ, ý nghĩ, là những mối quan hệ chằng chịt đã được hun đúc trong con người của bạn từ thuở nào, nó cứ như trăm nghìn rễ lớn rễ nhỏ buộc chân bạn lại trên đất nước Việt Nam này.
Bạn ra đi tức là trốc hết cả một bộ rễ cắm sâu lòng đất, đó là một chấn thương không dễ gì băng bó; không dễ gì thân cây này sẽ cắm rễ lại một cách êm ả trên một mảnh đất xa lạ.
Nhưng cũng không dễ gì trụ lại trên miếng đất Việt Nam đầy bão táp.
Một miếng mồi mà phát xít Nhật, đế quốc Pháp, đế quốc Mỹ,... đã bao lần xâm lấn và vẫn lăm le tìm đường trở lại. Một đất nước thiên tai dồn dập, con người chưa kịp gặt cọng lúa, hái cành rau, thì mưa bão đã cướp mất…
Có lần, ở Đan Mạch, tôi nói đùa với các bạn ấy: Đan Mạch cho dân tộc chúng tôi đất Groenland để chúng tôi dời lên đấy, tránh tất cả thiên tai địch hoạ (Groenland là một hòn đảo lớn hoang vắng thuộc quyền của Đan Mạch ở gần Bắc Cực). Sau câu đó, các bạn Đan Mạch đã thấu hiểu hoàn cảnh khắc nghiệt của dân tộc Việt Nam.
Đúng thế, làm người Việt Nam không phải dễ.
Thế mà, lâu lâu lại có những anh chị em kiều bào, đang sống cảnh giàu sang ở nước ngoài, ôtô nhà lầu, lại xin về, chấp nhận tất cả khó khăn gian khổ để được làm một người công dân Việt Nam, một người cán bộ Việt Nam lương vài trăm đồng.
Không chỉ có những anh chị em Việt kiều. Xin kể chuyện về một chị bác sĩ người Pháp lấy chồng Việt Nam: Năm 1960, lúc tôi còn công tác bên Pháp, chị ấy nhờ tôi gửi đơn về Hà Nội để cùng về với chồng công tác ở Việt Nam. Tôi bảo: Về Việt Nam cực khổ lắm đấy. Ngoài công việc ra, chị sẽ không có gì giải trí, vui như ở Pháp đâu. Cái gì cũng thiếu đấy. Chị suy nghĩ thật kĩ.
Chị ấy nói lại: Tôi xin sang ở Việt Nam, làm việc ở Việt Nam, không phải vì để theo chồng, anh đừng quên tôi là đảng viên.
Rồi chị sang Việt Nam, sinh sống công tác như một cán bộ Việt Nam, nhiều lần được bầu chiến sĩ thi đua, về nhà nấu bếp mùn cưa (vào những năm 60), cơm nhiều rau hơn thịt cá. Mỹ thả bom miền Bắc, gia đình bên Pháp nhắn chị gửi con về họ nuôi cho để tránh bom đạn. Chị bảo, con tôi là người Việt Nam thì phải sống như các trẻ em Việt Nam khác. Rồi chị cho hai con đi sơ tán, chủ nhật ngày nghỉ, đạp xe đi thăm con, thồ gạo cho chúng. Trong những ngày B52 giội bom lên Hà Nội, tôi có dịp ghé thăm chị; chồng con sơ tán, chị ở lại một mình. Tôi đến thấy chị đang ăn cơm, một nồi cá kho, rảnh về ăn ba miếng, rồi lại lên trực ở bệnh viện. Sau giải phóng miền Nam, chị vào Sài Gòn công tác; một số bác sĩ bỏ đi, chị làm việc bằng ba (không thêm lương), sau một thời gian quá mệt, sinh bệnh, tưởng là nguy hiểm đến tính mạng. Anh em thuyết phục mãi chị mới chịu về Pháp chữa trị. Tạm lành, chị trở về Việt Nam, anh em bảo chị đã có tuổi, chị đã phục vụ cách mạng 25 năm rồi, nếu thấy cần về Pháp an dưỡng cũng không có vấn đề gì. Đến nay chị vẫn ở lại Việt Nam để tiếp tục công tác.
Cái gì đã thúc đẩy anh bạn Việt kiều, chị bác sĩ người Pháp đang sinh sống thoải mái, người thì trở về nước, người thì đến một xứ lạ. Cái gì làm cho bạn, mặc dù cuộc sống vàng son ở nước ngoài cám dỗ vẫn không dứt được mà ra đi?
Anh Việt kiều đã trở về với dân tộc, chị bác sĩ kia đã đến với cách mạng.
Dân tộc, cách mạng, cả hai điều đó đã níu chân anh ở lại.
Dân tộc, cách mạng, hai danh từ nghe như đã nhàm tai, không có gì mới lạ cả. Thế mà cứ vẫn phải bàn đi bàn lại, sách viết về hai đề tài ấy tính ra có cả vạn cuốn, thế mà tôi vẫn phải nói lại.
Trên kia, tôi đã bảo, tuổi già hay kể chuyện xưa.
Năm, sáu nghìn năm về trước, đồng bằng sông Hồng còn là vùng sình lầy, cha ông mới mon men ở các đồi núi ngoài ven, nhưng cũng đã bắt đầu hướng về xuôi chiếm lĩnh đất châu thổ. Kẻ ở lại miền núi, người xuôi theo dòng sông chiếm lấn sình lầy, câu chuyện 100 con của Âu Cơ và Lạc Long Quân, năm mươi tiến ra biển, năm mươi ở lại đồi núi, nhắc lại cho chúng ta, dân tộc Việt Nam tuy hai vẫn là một, người miền ngược miền xuôi cũng một giống dòng, cũng từ một bọc trứng mà ra, là “đồng bào” với nhau.
Tiến về đồng bằng, cha ông ta phải đương đầu với một con sông hung hãn, mùa mưa lũ dâng lên 9 - 10m, tràn ngập khắp nơi. Có trị được nước mới có đất mà ăn ở. Sơn Tinh thắng Thủy Tinh. Sơn Tinh là ai, nếu không phải là sức chiến đấu chống lũ lụt của cộng đồng người Việt, mấy nghìn năm đã dựng nên một hệ thống đê, cao hàng chục mét, dài mấy nghìn cây số, để tạo ra miếng đất sinh sống, và bảo vệ miếng đất, giành giật của trời đất. Một công trình vĩ đại hơn Vạn Lí Trường Thành hay Kim Tự Tháp . Một công trình hàng năm phải làm đi, làm lại. Một công trình đòi hỏi sự cố kết chặt chẽ của tất cả thành viên của cộng đồng.
Cũng từ sự cố kết ấy, cùng nhau trồng lúa đắp đê mà tạo ra một lối sống, một nền văn hoá riêng biệt, độc đáo, cứ tạm gọi là văn hoá Đông Sơn, và lấy những chiếc trống đồng Đông Sơn làm vật tiêu biểu.
Có làm chủ được nước mới có đất làm ăn, hai chữ đất nước gắn với nhau gợi lên trong tâm hồn mỗi chúng ta những âm vang sâu sắc. Đất nước xây dựng bằng bao nhiêu mồ hôi lại phải đổ xương máu để giữ gìn. Phía Bắc là một đế chế đầy tham vọng, thường xuyên đe doạ, thường xuyên dân tộc phải chống lại.
Chuyện về Thánh Gióng tượng trưng cho cuộc chiến đấu lâu dài, bền bỉ ấy.
Bạn cứ nhớ đến các chuyện: Bọc trăm trứng, Sơn Tinh Thủy Tinh, Thánh Gióng là hiểu được thế nào là dân tộc.
Đến thế kỉ XIX, đứng trước một kẻ địch từ phương Tây ập đến, đứng trong một thế giới đã biến chuyển sâu sắc, vốn cổ truyền không còn đủ để đối phó. Năm 1873, chỉ 175 quân Pháp đã hạ thành Hà Nội sau hai tiếng đồng hồ nổ súng, đánh tan 7000 quân của triều đình. Các chiến sĩ yêu nước từ Trương Định đến Phan Đình Phùng, từ Nguyễn Thiện Thuật đến Hoàng Hoa Thám dù có anh dũng đến đâu, rút cục cũng thất bại.
Yêu nước như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo thuở trước không đủ nữa, còn phải đổi mới nữa, phải “canh tân”.
Những giống lúa nghìn năm của chúng ta dần dần thoái hoá, phải lai ghép những “gen” mới vào. Ngày xưa, chúng ta đồng hoá nhiều yếu tố của Trung Quốc, Ấn Độ, Champa vào cái gốc Đông Sơn mới đủ sức chống lại áp lực mãnh liệt của xu thế Đại Hán. Ngày nay, những “gen” mới lại từ phương Tây đi vào.
Rồi từ cuối thế kỉ XIX, một số tư tưởng của phương Tây, nào là chính thể cộng hòa, nào là dân chủ, nào là kinh doanh, với sự thành lập hãng buôn, xí nghiệp làm xao động một vài giới không đông lắm ở các thành phố. Đi theo là một lối sống “tối sâm banh, sáng sữa bò” (thơ của Tú Xương), lấy hai chữ “tiện nghi” làm khẩu hiệu.
Đó là “gen” tư bản.
Nhưng rồi tư bản Việt Nam mới nhú mầm đã bị thực dân Pháp dìm xuống. Mại bản người Hoa chiếm mất chỗ. Mỹ vãi ra hàng chục tỉ đô la, mại bản Việt Nam cũng chỉ vét được một tí rơi vãi, phần lớn mại bản người Hoa cướp hết.
Tư bản người Việt giả thử không chết yểu, nhiều lắm cũng chỉ leo lét nấp bóng đế quốc, đánh ké vài ván bài của người Hoa.
Với Cách mạng Tháng Tám, với sự thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cái “gen” cách mạng đã ăn sâu vào cuộc sống của dân tộc.
Khẳng định tính dân tộc, ta là ta, đồng thời đổi mới tận gốc.
Không khẳng định, không thể đổi mới, chỉ có lai căng.
Không đổi mới, không thể tự khẳng định, chỉ có suy tàn.
Trong lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, trong tất cả bộ mặt của cuộc sống, dân tộc và cách mạng có hòa nhập với nhau mới tồn tại, mới phát triển được.
Sống giữa phố phường Hà Nội, rảo qua các tiệm, các chợ Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, 40 năm sau ngày Cách mạng Tháng Tám, 10 năm sau giải phóng, chắc cũng có người phân vân, tự hỏi: Dân tộc thực đã giải phóng, nhưng chủ nghĩa xã hội thật đã mọc lên chưa?
Các anh chị em Việt kiều từ Pháp, từ Canada... về, thường gặp lại tôi, vì trước kia tôi công tác bên ấy. Có hai lớp kiều bào: một bên là những người lúc ra đi phần lớn là nông dân nghèo, trong Đại chiến thứ hai bị thực dân Pháp bắt đi làm lính thợ, một bên là những người từ thành phố đi du học hay buôn bán bên Âu Mĩ. Những người nông dân nay đã thành công nhân, còn những sinh viên và nhà buôn nay đã có một cuộc sống sung túc. Về thăm quê hương, anh chị em thường cho tôi biết rõ cảm nghĩ.
Các anh chị em xưa là nông dân nghèo, sau khi về thăm làng cũ thì hào hứng phấn khởi.
Đa số anh chị em trí thức, buôn bán thì phân vân, có phần bi quan.
Một anh công nhân bảo: Hồi chúng tôi ra đi, cả nhà tôi chỉ mơ ước sao giá có bát canh (chứ không dám nghĩ đến đĩa thịt), trẻ con có manh áo (chứ chưa dám nghĩ đến cả quần). Miếng đất cắm dùi không có. Nay về thấy trong làng nhà ngói sân gạch san sát, các cháu đi học cấp 2 , cấp 3 , có đứa đi Liên Xô, Tiệp Khắc... có những chị ngày trước đi ăn đi ở, nay là Chủ tịch xã, huyện uỷ viên. Tôi không ngờ cách mạng đã đi nhanh như thế.
Tôi nhớ lại, năm 1955, lúc miền Bắc mới giải phóng, cán bộ giảng dạy Hà Nội, sau 9 năm ở chiến khu, cần rất nhiều sách giáo khoa để nắm cho được những kiến thức mới. Việt kiều ở Pháp quyên tiền mua sách gửi về. Một anh công nhân mời tôi đến bảo: tôi bị ung thư máu, sắp ra đi, còn bao nhiêu tiền tiết kiệm của tôi, xin anh lấy mua sách gửi về cho các trường Đại học ở Hà Nội. Tôi hỏi: Sao không gửi cho gia đình anh? Anh đáp: Gia đình tôi thì nghèo thật, nhưng cách mạng mới chia cho ruộng đất, với bàn tay lao động, chắc rồi cũng đủ sống, anh cho phép tôi được đóng góp phần nhỏ của mình cho cách mạng. Rồi anh giao cho tôi một ngân phiếu nửa triệu Franc trước lúc qua đời.
Anh ấy lúc ra đi chưa biết chữ, mãi đến năm 1945, tổ chức Việt kiều mới dạy cho anh biết đọc, tiếng Pháp anh không biết, thế mà anh nghĩ đến mua sách cho Đại học.
Đối với anh Việt kiều xuất thân là nông dân nghèo, thấy lại gia đình họ hàng cùng với làng xóm hơn hẳn ngày trước, rõ ràng ích nước lợi nhà đi đôi với nhau.
Với anh Việt kiều sinh ra ở thành phố trong một gia đình buôn bán hay công chức, cảnh sống của gia đình ngày nay thường eo hẹp hơn xưa, nhìn ra xã hội thì tranh tối tranh sáng khó mà xét đoán. Hẳn rằng Hà Nội đã rộng lớn hơn xưa, có thêm nhiều xí nghiệp, trường học (số sinh viên đại học cao gấp 20 lần so với trước) nhưng còn bao nhiêu điều “tiêu cực”, và một câu hỏi nổi lên ray rứt, chưa thể giải đáp: liệu tiêu cực đến bao giờ hết?
Ngoài xã hội thì tiêu cực tích cực xen lẫn, trong bộ máy Nhà nước thì đụng đến vấn đề gì cũng giải quyết chậm chạp, thường lỡ hết thời cơ. Làm sao mà đẩy xã hội lên được, mà sinh tồn giữa một thế giới cạnh tranh không tha thứ cho ai trì trệ?
Anh Việt kiều nông dân trở thành công nhân, sống ở Pháp hơn 30 năm, về nhà không so sánh hàng xóm của ta với nông thôn Pháp hiện nay, mà so với làng xóm mà anh đã từng biết thời trước: anh đã vận dụng phương pháp suy luận “lịch sử”. Lúc anh ra thành phố, anh cũng lúng túng không kém gì những người khác.
Một đoàn công nhân Việt kiều ở Pháp về, đến thăm khu tập thể công nhân Nhà máy Cơ khí Hà Nội. Sau đó, có người hỏi: Theo các anh, công nhân Pháp hay công nhân của ta bên nào sướng hơn? Anh em không trả lời được. Bảo công nhân bên Pháp khổ hơn là không đúng sự thật, bảo sướng hơn là “mất lập trường”. Các anh ấy lại gặp tôi hỏi: Trả lời thế nào anh nhỉ?
Tôi nói: Các anh đã có kinh nghiệm nhiều về cuộc đấu tranh giữa chủ và thợ ở Pháp, hai bên giành giật nhau từng li từng tí, như hai người đắp một chiếc chăn quá nhỏ, suốt đêm người nào cũng muốn kéo hết chăn về mình, không ai ngủ yên được. Công nhân thì muốn ngày càng mở rộng dân chủ, tư bản thì muốn lãi tối đa, và nếu có thể, chuyển sang phát xít trấn áp lao động. Được lương cao, nghỉ hè, có bảo hiểm tật bệnh, tai nạn, có lương hưu, là nhờ không bao giờ ngừng đấu tranh; hễ công nhân lơ là, là cái chăn lại bị kéo tuột sang phía bên kia. Nhưng nếu chỉ nói về hiện tại, không thể trả lời câu hỏi trên kia. Phải có con mắt lịch sử.
Phải đặt lại câu hỏi như sau: Lúc nước Pháp tư bản ở trình độ phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật như ta hiện nay, thì công nhân Pháp sướng hơn hay khổ hơn công nhân ta? Như vậy sẽ đưa ta về khoảng giữa thế kỷ XIX, cách đây chừng hơn trăm năm. Tài liệu sách báo về hoàn cảnh sống của công nhân và nhân dân lao động Pháp về thời ấy không thiếu, tài liệu không do những người cộng sản viết ra, vì thời ấy chưa có cộng sản, mà chính do những trí thức tư bản”
Công nhân ngày ấy làm 12 đến 14 tiếng, chủ nhật không nghỉ, nghỉ hè không có, ốm đau bị thải, không được chữa trị, già không có lương hưu. Trẻ em đi làm từ 7-8 tuổi, vào xí nghiệp làm ngày 12 tiếng, bị đưa xuống hầm mỏ đẩy xe goòng, vì các em người bé nhỏ dễ chui xuống hầm, suốt ngày không được hưởng ánh sáng mặt trời. Trong suốt thế kỉ XIX, không có lính nghĩa vụ từ công nhân, vì các em trai con cái công nhân làm lụng cực nhọc từ bé, lớn lên không đủ sức. Quân đội toàn là nông dân, những nông dân mù chữ, không một chút giác ngộ chính trị, nên dễ bị bọn chỉ huy phản động dẫn đi bắn vào công nhân nổi loạn.
Muốn tích luỹ ban đầu, tức có vốn xây dựng công nghiệp lớn từ một nền sản xuất nhỏ, tư bản trong một thời gian dài - ở Pháp ít nhất một trăm năm mươi năm - phải bóc lột công nhân đến xương tủy. Phải một trăm năm mươi năm đấu tranh, nhiều lần đổ xương máu, công nhân Pháp mới giành giật được những quyền lợi để sinh sống như ngày nay. Cuộc đấu tranh ấy vẫn tiếp diễn.
Tư bản Âu châu không những bóc lột công nhân trong nước mà còn bóc lột thậm tệ hơn nhân dân các thuộc địa. Giàu sang của nước Pháp, nước Anh hiện nay là trả bằng xương máu của nhân dân Đông Dương, Ấn Độ, Inđônêxia, và cả một châu lục châu Phi.
Phồn vinh của các nước tư bản phát triển ngày nay là xây dựng trên xương máu. Có thể trả lời dứt khoát: Thời mà công nghiệp Pháp còn ở trình độ phát triển như ta hiện nay, thì công nhân Pháp khổ hơn công nhân của ta rất nhiều. Về mặt này, chủ nghĩa xã hội hơn hẳn chủ nghĩa tư bản. Kinh tế của một nước xã hội chủ nghĩa tiến đến đâu, công nhân được mở rộng quyền sống đến đấy, không phải thông qua một cuộc đấu tranh gian khổ về mặt giai cấp.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015