Để trách nhiệm được quy kết đúng chỗ
Một loạt trưởng thôn phải từ chức hoặc nghỉ việc, sau khi báo chí phanh phui vụ cắt xén, ăn chặn tiền hỗ trợ tết dành cho người nghèo. Công luận không thể hài lòng với kiểu xử lý “thí tốt, giữ xe” ấy và đòi hỏi việc chế tài phải thực sự nghiêm khắc, công bằng, thoả đáng
Các trưởng thôn, suy cho cùng, chỉ là người thừa hành; người đề ra sáng kiến, chỉ đạo, hoặc chấp thuận việc cắt xén, bù trừ tiền trợ cấp cho dân nghèo, cũng như phân bổ tuỳ tiện tiền này chắc chắn ở cấp cao hơn. Phải tìm cho được nhân vật đó.
Đúng là theo một trong những nguyên tắc nền tảng được thiết lập trong xã hội có tổ chức, một khi xã hội gánh chịu thiệt hại mà không phải do ông trời, thì phải làm sao tìm cho được người nào đó bị coi là tác giả của hành vi gây thiệt hại, và buộc người này chịu trách nhiệm. Vấn đề là mỗi khi bị nghi vấn, trong điều kiện chưa có kết luận nào được đưa ra một cách khẳng định, và có thẩm quyền, thì, theo bản năng tự vệ sinh tồn, con người ta thường tìm mọi cách để thấy rằng, mình không phải là người được truy tầm.
Bởi vậy, xã hội có tổ chức phải xây dựng một cơ chế kiểm tra, phán xét và xử lý khách quan, đủ sức vô hiệu hoá những thủ thuật, tiểu xảo nhằm chối bỏ trách nhiệm chủ thể. Cụ thể, nó cho phép dùng sức mạnh của công lý lôi người thực sự có lỗi, dù không muốn, ra trước công luận và chấp nhận để trách nhiệm được quy cho mình. Muốn có được một cơ chế như thế, cần thoả mãn hai điều kiện cơ bản.
Thứ nhất, phải hoàn thiện hệ thống quy tắc pháp lý đặt cơ sở cho việc cá nhân hoá triệt để trách nhiệm gắn với phận sự công. Trên nguyên tắc, mỗi quyết định, mỗi hành vi ứng xử trong giao tiếp công cộng, đều phải nhân danh một chủ thể nào đó, đảm nhận một tư cách, một chức vụ nào đó, xác định. Quyết định xử phạt người vi phạm luật lệ giao thông là của nhân viên cảnh sát đang thi hành công vụ; văn bản quy phạm do một bộ ban hành là tiếng nói chính thức, là mệnh lệnh của bộ trưởng;…
Trong quá trình xây dựng giải pháp, người có thẩm quyền, tất nhiên có thể tham vấn, thảo luận, trao đổi ý kiến với nhiều người; nhưng, chính người này phải được chính thức nhìn nhận là tác giả của giải pháp, của phương án hành động được lựa chọn. Nếu kết quả sự lựa chọn phát huy được tác dụng tích cực đối với xã hội, thì công trạng thuộc về tác giả; còn nếu nó gây tác hại, thì chỉ tác giả một mình nhận lấy trách nhiệm, không thể đổ vấy cho ai khác, đặc biệt là cho người thừa hành, cộng sự, cấp phó, hoặc cho người tham mưu, cố vấn, nói chung là cho những người lệ thuộc vào mình và tự vệ kém hơn.
Thứ hai, phải tạo điều kiện để xã hội có thể phản biện đối với công tác của người cầm quyền. Là người trực tiếp chịu sự tác động của chính sách, biện pháp quản lý, điều hành, người dân có thể chỉ ra một cách chính xác những sai lầm của nhà chức trách, từ đó thúc đẩy những điều chỉnh, sửa đổi hợp lý.
Đối thoại giữa các đại diện của chính quyền và nhân dân, hoặc đại biểu dân cử, là một trong những phương thức giao tiếp cho phép đạt được mục tiêu ấy. Nhưng nhiều trường hợp, giữa người nắm quyền lực công và người dân không có được tiếng nói chung trong việc đánh giá chất lượng công tác quản lý, điều hành; khi đó, phải có một người thứ ba trung lập, đủ công tâm đứng ra giúp hai bên phân định đúng sai.
Rõ hơn, cần phải trao cho người dân quyền kiện ra toà án, để người dân sử dụng mỗi khi không hài lòng về công việc của nhà chức trách hành chính, và nhất là về thái độ thiếu thiện chí, không cầu thị của quan chức trong việc thừa nhận sai lầm, thiếu sót trong công việc.
Có được một cơ chế kiểm tra và phân xử khách quan vận hành hữu hiệu, chắc chắn sẽ không còn, hoặc ít nhất sẽ giảm thiểu cảnh trái tai gai mắt trong các vụ bê bối vừa qua: cấp nhỏ nhất trong bộ máy bị cáo buộc lộng hành, làm bậy; các cấp trên có liên quan, về phần mình, tích cực bày tỏ thái độ phẫn nộ trước hành vi sai trái của thuộc cấp, đồng thời xin nghiêm khắc kiểm điểm để rút kinh nghiệm cho những lần sau.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh