Làm người khó hơn làm quan
Quan trọng nhất, cha mẹ, người lớn phải làm gương. Cha mẹ, người lớn nói hay mà làm dở, nói tốt mà làm xấu… thì con cái, dù có được hưởng thụ nhờ cha, mẹ “làm quan” nhưng lớn lên, nó sẽ khó làm người cho ra con người.
Lâu nay công luận nhức nhối bởi các tệ lậu về đỏ đen nơi sòng bạc, thuốc lắc ở vũ trường, đua xe trên đường phố, đánh nhau tại quán nhậu, đâm nhau trong trường lớp…Các kết quả tra cứu của ngành công an khi truy xuất nguồn cội của các quý tử nói trên đều cho thấy, đa phần trong họ là những tay “anh chị” và là con em của nhiều gia đình khá giả.
“Văn hóa cậy thế”
Giá trị và danh vọng của những gia đình đó “được” chính những người con này đem đánh đổi bằng sự đua đòi xả láng, bằng lối sinh hoạt trác táng, bằng việc ném tiền qua cửa sổ và nhiều khi ném cả mạng sống lên xa lộ, để mặc cho tử thần phán xét.
Trong khi các bậc song thân của họ say sưa với “văn hóa” làm giàu và “văn hóa” quyền lực, thì họ lại mê mẩn với thứ “văn hóa dựa hơi”, “văn hóa cậy thế” hòa quyện trong những thứ “văn hóa ăn chơi bạt mạng” để chứng tỏ đẳng cấp “ta đây” trước thiên hạ và bạn bè.
Họ xuất thân từ những gia đình có trình độ văn hóa, thậm chí trình độ cao. Đúng vậy, vì bố mẹ của họ là những vị chức sắc. Nhưng khi làm những điều đó, chính các quý tử ấy, những cậu ấm cô chiêu ấy đã gây tổn hại cho danh gia vọng tộc, cho văn hóa gia đình.
Điều trớ trêu, không phải vị song thân nào cũng “ngộ” ra điều đó cho tới khi con mình gây họa cho xã hội, cho chính gia đình, thậm chí đứng trước vành móng ngựa.
Cũng không phải các vị đó mù quáng mà không nhận ra. Vấn đề là có một khoảng cách giữa việc nhận ra và việc chú tâm giáo dục con cái sao cho đúng phép. Khoảng cách đó nói lên văn hóa dạy dỗ.
Nhiều người nhầm tưởng rằng hai thứ này- văn hóa gia đình và văn hóa dạy dỗ là một, đồng nhất. Nhưng thực tế không hẳn lúc nào cũng vậy. Thường là không có sự đồng nhất giữa chúng, đặc biệt với những gia đình có nhiều quyền lực, nhiều quyền thế, và cả… nhiều quyền lợi.
Làm người khó hơn làm quan!
Phép cơ bản nhất trong văn hóa dạy dỗ là luyện nhân tính, thay vì thả nổi để con cái chạy theo bản năng tầm thường. Càng dấn sâu vào bản năng hưởng thụ vung vít hay bản năng bạo lực tranh giành, con người càng được “tôi luyện” chất “con” nhiều hơn chất người, thú tính nhiều hơn nhân tính.
Văn hóa dạy dỗ con cái dựa trên những căn bản về tính nhân văn, về văn hóa làm người của mỗi con người. Trong đó, lấy văn hóa ứng xử làm cốt cách. Trong văn hóa ứng xử thì coi trọng giá trị nhân cách hơn giá trị đồng tiền và mọi thứ giá trị khác. Theo nghĩa đó thì làm người khó hơn làm quan.
Bởi ngày nay, có một số không ít vị quan chức tuy có chức sắc, chức trách to đấy, nhưng khái niệm “nhân cách làm người” lại hơi nhỏ, thậm chí không có. Vì người lao động chân chính họ không hề ăn cắp của công. Nhưng những vị đó lại mượn “cái ghế” (có khi cũng là đi mua) để làm điều xằng bậy, thậm chí làm hại lợi ích quốc gia.
Làm người khó lắm. Nhưng để dạy trẻ nên người, từ trong gia đình, điều tối kỵ là không được dùng bạo hành. Không hình thức bạo hành nào được chấp nhận, kể cả bạo hành hay ức hiếp về tinh thần mỗi khi con cái lầm lỗi. Biện pháp được sử dụng nhiều nhất là gần gũi thân thiện để cởi mở và lắng nghe, để thuyết phục trên cơ sở cùng nhau bàn bạc cách giải tỏa những bế tắc của con cái (nếu có).
Ngay cả biện pháp thuyết phục thì tránh giảng giải một chiều, mà cốt để nghe con cái bày tỏ, đối thoại, trên nền tảng đó mà phân tích điều hơn lẽ thiệt. Mặt khác, để có sức thuyết phục, không gì bằng tấm gương chính diện của mẹ cha, của người lớn.
Kèm theo thuyết phục là sự khích lệ động viên được coi trọng hơn biện pháp khiển trách kỷ luật. Lấy cái tốt của con làm điểm tựa để chế ngự và đẩy lùi cái xấu của nó.
Có người hỏi, khi con mắc lỗi có nên dùng biện pháp chế tài và cấm vận ? Bác sĩ Benjamin Spock (chuyên gia hàng đầu của nước Mỹ về tư vấn giáo dục gia đình và văn hóa dạy dỗ) có nói, đại ý : Đó chỉ là giải pháp tình thế, không nên lạm dụng. Khi nó lầm lỗi, có thể cắt chi viện hoặc cấm giao lưu, nhưng hãy mở cho nó một lối thoát. Đó là lối thoát lập công. Chỉ nên chế tài và cấm vận khi nó chưa lập công.
Đó là sự dẫn dắt con khi vào đời. “Vào đời”- theo nghĩa tổng quát nhất mà BS. Benjamin Spock khái quát là, tránh gây tội lỗi, và nếu lỡ bị lầm lỗi thì phải tìm cách lấy công chuộc tội.
Nhưng quan trọng nhất, cha mẹ, người lớn phải làm gương. Cha mẹ, người lớn nói hay mà làm dở, nói tốt mà làm xấu, thuyết giảng “đạo đức” về lẽ sống thì hay, mà sống chỉ vì cá nhân mình, vì lợi lộc của mình, thì con cái, dù có được hưởng thụ nhờ cha, mẹ “làm quan” nhưng lớn lên, nó sẽ khó làm người cho ra con người.
Sống để làm người thật khó. Ai đó đã tổng kết rất hay: Hành vi và con người bạn có thể lừa được một người, lừa được hai người, lừa được một tập thể, nhưng không lừa được cuộc đời.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh