Làm quan cần phải tu thân

04:38 CH @ Thứ Ba - 21 Tháng Mười Hai, 2010

Những ngày đầu tháng sáu, chính trường Anh “dậy sóng” trước “cơn bão” từ chức của thành viên trong nội các Chính Phủ. Việc này đã tạo ảnh hưởng xấu đối với uy tín của Thủ Tướng Gordon Brown nói riêng và Công Đảng nói chung, nhìn lại quá khứ, chuyện từ chức không phải là hiếm bởi nếu không biết điểm dừng chính đáng, các chính trị gia sẽ một lần nữa hủy hoại thanh danh của mình và làm cỗ xe điều hành Chính Phủ bị trật khỏi đường ray. Tuy nhiên, những gì đang xảy ra ở xứ sở sương mù một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh việc tu dưỡng đạo đức và thực hiện theo đạo lý, làm tròn trách nhiệm của những người đang được nắm giữ các vị trí quyền lực trong xã hội.

Có lẽ không cần giải thích thì ai cũng rõ một điều rằng, vị trí của một quan chức là do dân bầu. Mà khi người đó không còn thích hợp, vì những lý do nào đó không thể tiếp tục tại vị thì một cuộc cải tổ là điều đang được chờ đợi. Tại Anh, chỉ trong vòng 3 ngày, 4 Bộ trưởng Nội các phải từ chức, 2 thành viên Quốc hội cũng ra đi. Áp lực càng đè nặng lên Thủ tướng Gordon Brown buộc ông phải nhanh chóng tiến hành cải tổ nội các để củng cố uy quyền trong đảng, nếu không sẽ phải đối mặt với việc bị lật đổ. Tuy nhiên, con thuyền của Công đảng càng đi càng chòng chành, nó cứ thế lao vào "vùng thời tiết xấu" bởi lẽ nó phải hứng chịu chỉ trích quá lớn từ bê bối chi tiêu trong Quốc hội Anh và tác động của nền kinh tế trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Bão tố bắt đầu cuộn lên khi báo chí Anh vừa qua lại phanh phui thêm vụ việc một loạt nghị sỹ thuộc cả Công đảng cầm quyền lẫn đảng Bảo thủ lách luật để nhận trợ cấp bất hợp lý hàng chục nghìn bảng Anh mỗi người. Việc nhiều nghị sĩ đã lợi dụng kẽ hở trong cơ chế trợ cấp của Hạ viện để xin thanh toán hàng chục nghìn bảng anh cho chi tiêu cá nhân, từ tiền mua nhà đến tiền mua đồ ăn cho vật nuôi khiến người Anh hết sức bất bình.

Những tiết lộ của báo giới làm chấn động dư luận Anh, làm cả chính đảng lớn lao đao và kết quả là hàng loạt các quan chức đã bị sa thải hoặc từ chức. Không những thế, vụ việc còn làm tổn hại nghiêm trọng lòng tin của công chúng vào các chính trị gia Anh. Để giành những gì đang bị mất, lãnh đạo Công đảng và đảng Bảo thủ đã phải xin lỗi công chúng trong nước và hứa sửa chữa ngay những “sai sót” này. Thủ tướng Anh Gordon Brown trong cuộc họp báo mới đây khẳng định, tất cả các nghị sỹ có sai phạm sẽ không được phép ứng cử trong cuộc bầu cử sắp tới. Theo tờ Telegraph, số nghị sĩ và quan chức có sai phạm ở Anh vào thời điểm này là 160 người. Dự đoán, khoảng 30 nghị sĩ bị buộc phải từ chức vì dính líu tới bê bối và hơn 200 nghị sĩ sẽ từ bỏ nghị trường do sức ép dư luận… Những con số này sẽ đánh dấu lần “thay máu” lớn nhất trong Quốc hội Anh kể từ năm 1945. Nhưng nó vẫn chưa đủ để chính trường Anh trở nên yên bình hơn. Thủ lĩnh đảng Bảo thủ đối lập David Cameron nhận định, Chính phủ của ông Brown đang sụp đổ; nhiều thành viên Công đảng thì cho rằng ông Gordon Brown đang là một trở ngại đối với triển vọng của đảng trong tổng tuyển cử quốc gia tiếp theo, dự kiến diễn ra vào giữa năm 2010. Và việc tính đến người có thể thay thế Thủ tướng đã được đưa ra bàn thảo như giải pháp tối ưu cho tình huống khẩn cấp này. Thế mới biết, dù ở chức vị cao đến đâu, người lãnh đạo cũng khó có thể nhận được sự ủng hộ của ngay cấp dưới nếu như họ chưa làm tròn bổn phận của mình.

Câu chuyện ở Anh những ngày này là bài học nhãn tiền đối với đương kim Thủ tướng ltalia Silvio Berlusconi. Sau bê bối quan hệ tình ái với một cô gái vị thành niên khiến hạnh phúc gia đình bị tan vỡ, nhà lãnh đạo 72 tuổi này lại đang bị điều tra vì cáo buộc dính líu đến vụ bê bối lạm dụng máy bay công. Hiệp hội khách hàng Codacons đã chả nể nang gì Thủ tướng, làm đơn khiếu nại gửi lên tòa án Rome rằng ông Silvio Berlusconi đã sử dụng máy bay công sai mục đích, thường xuyên dùng phi cơ quân sự cho các vị khách tới dinh thự xa hoa của mình ở vùng Sardiania. Để minh chứng cho việc làm sai trái này, cánh báo chí cũng vào cuộc với một loạt bức ảnh “độc chiêu” chộp cảnh các máy bay thuộc không quân Italia đón rước các vị khách của Thủ tướng, trong đó có một nhạc sĩ nổi tiếng. Trên thực tế, rắc rối quản lý của đương kim thủ tướng Italia là điều quá quen thuộc trong nhiều năm qua và mỗi lần vi phạm, ông Silvio Berlusconi thường phải tự giải quyết, thậm chí có lúc bị truy tố, hầu tòa.

Tại Pháp, cơ quan điều tra cũng chẳng buông tha Tổng thống Nicolas Sarkozy. Hồi năm 2007, các công tố viên từng mở một cuộc điều tra sơ bộ về việc liệu ông Nicolas Sarkozy có nhận một khoản chiết khấu lớn khi ông mua một căn hộ ở ngoại ô Paris hay không. Mới đây nhất, thẩm phán trưởng ở Paris còn tuyên bố chấp nhận điều tra ba Tổng thống của CH Congo, Gabon và Guinea Xích Đạo theo đơn kiện của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI). Vụ kiện đã tạo ra cái nhìn mới về một nền công lý mà dựa theo đó, quan tòa có thể độc lập để làm tròn trách nhiệm xã hội giao cho. Cả ba nhà lãnh đạo nói trên gồm Tổng thống Gabon Omar Bongo, Tổng thống CH Congo Sassou Nguesso và Tổng thống Guinea Xích Đạo Obiang Nguema đều bị tố cáo sở hữu các bất động sản ở Pháp có được do biển thủ công quỹ; rửa tiền; lạm dụngg tài sản công… Từ năm 2007, khi phát hiện có sự câu kết làm ăn giữa một số nhà ngoại giao Pháp với giới chức ở châu Phi, báo chí Pháp đã đã đăng tải nhiều thông tin rằng, 3 vị Tổng thống nói trên cùng những người thân trong gia đình đã sở hữu hàng chục tài khoản ngân hàng và bất động sản tại những khu vực đắt tiền nhất ở thủ đô Paris và Riviera. Đó là chưa kể đến số xe hơi hạng sang gồm loại xe Bugattis, Ferraris, Maybachs, Maseratis và Rolls-Royce mà các con của những vị này đã mua. Kết quả điều tra riêng của cánh phóng viên Pháp còn cho hay, Tổng thống Gabon Omar Bongo, Tổng thống CH Congo Sassou Nguesso và Tổng thống Guinea Xích đạo Obiang Nguema đều đã cất giấu tài sản trị giá hàng chục triệu euro tại Pháp. Tổng giá trị tài sản sở hữu tại Pháp của ba nguyên thủ này lên đến 160 triệu euro (218 triệu USD). Thông qua điều tra, thẩm phán theo dõi vụ án hy vọng sẽ có thể chứng minh làm thế nào Tổng thống Omar Bongo và gia đình có thể tậu một khách sạn đặc biệt và bốn căn hộ nằm ở Q. 16, Paris; Tổng thống Sassou Nguesso làm thế nào để có thể sở hữu một khách sạn đặc biệt rộng 700m2, trị giá khoảng 5- 10 triệu euro ở Yvelines và một căn hộ ở Q.7, Parí... Trước đó, cảnh sát Pháp cũng lập danh sách các Tổng thống và người thân cận của họ, rà soát địa chỉ tại Pháp, số tài khoản ngân hàng, xe đăng ký và cuối cùng có được hồ sơ “siêu giàu” với đầy đủ nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này. Các nhà quan sát đã nhận định rằng, nếu cuộc điều tra được tiến hành, các thẩm phán Pháp có thể đối mặt với cái gọi là sự miễn truy tố theo thông lệ dành cho các nguyên thủ quốc gia đương chức. Tuy nhiên, những người thân tín của các nguyên thủ này, về mặt lý thuyết, sẽ có thể bị bắt giữ trừ khi họ được miễn trừ ngoại giao. Và rằng, quyết định của thẩm phán trưởng Paris là bằng chứng hùng hồn cho sự cần thiết phải tồn tại những quan tòa độc lập có ý thức rõ ràng về trách nhiệm của mình trong cuộc tấn công truy tố và hướng dẫn điều tra.

Rõ ràng, việc thực hiện nghiêm minh luật pháp quốc gia và điều tra, truy tố bất kể một quan chức nào vi phạm pháp luật đã cho thấy những chuyển biến tích cực trên thế giới trong các vấn đề chống tham nhũng, lạm dụng chức quyền… Câu chuyện này không chỉ có ở Pháp, Anh hay Italia mà đang tiếp tục lan rộng ra nhiều quốc gia khác. Như ở Indonesia, hồi tháng 5, Chủ tịch ủy ban chống tham nhũng (KPK) Antasari Azhar (56 tuổi) đã bị cáo buộc liên quan tới một vụ giết người gây xôn xao dư luận. ông Antasari Azhar đã được lệnh cấm xuất ngoại trong một năm để phục vụ điều tra. Đã đến lúc thế giới cần có những cải tổ về nền chính trị của mình và từng quốc gia cũng nên thay đổi cho phù hợp với sự phát triển chung. Nhà lãnh đạo muốn làm sống dậy những thành tựu vốn có của dân tộc mình thì trước hết họ phải làm tròn trách nhiệm được giao phó trước dân, toàn tâm toàn ý phục vụ đất nước chứ không phải chỉ vì nhắm mắt làm liều theo cái lợi trước mắt. Không gương mẫu thì không một nhà lãnh đạo nào có thể giải quyết được những vấn đề lớn lao của đất nước mà chỉ trở thành trò cười cho thiên hạ và là chủ đề đàm tiếu của dư luận. Xin hãy làm tròn trách nhiệm khi còn đang đương chức và không để phải hối hận vì những phút lỡ làng sau này.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Lý tưởng lãnh đạo và trái tim Đan-Kô

    01/10/2015Lê Thám“Những công dân đồng chí hướng của tôi, Tôi đứng đây ngày hôm nay, cảm thấy mình nhỏ bé trước trọng trách mà chúng ta phải đối diện, biết ơn với niềm tin các bạn trao gửi, tràn ngập ý thức về những hy sinh mà tổ tiên chúng ta đã gánh vác.”
  • Lương thiện: Sức mạnh của người lãnh đạo

    28/11/2013Sông ThươngĐối với mỗi người dân, nhà lãnh đạo không chỉ là người có tài quản lý mà trước hết đó phải là một công dân lương thiện, trung thực. Luôn có cơ hội để các nhà lãnh đạo biểu thị sự gây ảnh hưởng về đạo đức của mình, nhưng điều quan trọng là họ có biết vận dụng mọi cơ hội chứng tỏ mình là một nhà lãnh đạo vĩ đại.
  • Lãnh đạo phải biết nghe lời thẳng, lời thật

    06/04/2009TS. Nguyễn Ngọc ĐiệnNgười đứng đầu quốc gia mà không chủ động tiếp cận các nguồn độc lập để nắm bắt thông tin, thì chỉ còn hình dung được bức tranh đất nước qua lăng kính do những người thân cận dàn dựng; nếu các cận thần toàn nói dối, thì đến một lúc nào đó, người lãnh đạo sẽ không còn biết gì về chính đất nước của mình.
  • Tám đức tính để lãnh đạo

    29/10/2006Nguyễn Công Phú, Tổng giám đốc Apave Việt Nam và Đông Nam ÁTrong môi trường kinh tế quá độ, một số lãnh đạo doanh nghiệp hay biện minh cho hành động hoặc triết lý hành động của mình bằng câu: “Thương trường là chiến trường”.Nhận thức trên chỉ đúng trong một bối cảnh, một khoảng thời gian ngắn và cá biệt. Bởi lẽ lịch sử đã chứng minh rằng hòa bình và phát triển bền vững để giàu mạnh, hạnh phúc là điều mong muốn của con người.
  • Các nhà lãnh đạo dạy các nhà lãnh đạo

    15/08/2006Văn Nhật theo Fash CompanyMột xu hướng mới trong việc phát triển đội ngũ những nhà lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp: thay vì kết hợp với các chương trình đào tạo MBA của các trường Đại học như trước đây, nay Công ty tự thiết kế những chương trình đào tạo Giám đốc cấp cao, tham gia giảng dạy trong các chương trình này là các nhà lãnh đạo cấp cao hiện tại của chính doanh nghiệp…
  • Ba cấp độ của sự lãnh đạo

    19/09/2005Nguyễn Trần Bạt,Bản chất của hoạt động chính trị là lãnh đạo, nói cách khác, cốt lõi của hoạt động chính trị là lãnh đạo. Tuy nhiên, khái niệm lãnh đạo được hiểu khác nhau trong các hệ thống chính trị khác nhau và tuỳ theo sự phát triển của hệ thống chính trị. Chúng ta không được phép đồng nhất chính trị và lãnh đạo, nhưng cần phải hiểu rằng bản chất của lãnh đạo là tạo ra hiệu quả của hoạt động chính trị...
  • Lãnh đạo chính mình trước khi lãnh đạo người khác

    09/07/2005Theo Jagdish Parikh, một chuyên gia về lãnh đạo của Trường Kinh doanh Harvard, những nhà lãnh đạo hiệu quả nhất nhận ra rằng trước tiên họ cần phải học kỹ năng lãnh đạo chính bản thân mình!
  • xem toàn bộ