Giáo dục có làm người Việt hết xấu xí?
"Giáo dục có vai trò quan trọng, nhưng không nên quá kỳ vọng rằng một sự chấn hưng giáo dục sẽ mau chóng dẫn tới sự thay đổi sâu sắc trong con người, và qua đó làm thay đổi xã hội"
Giáo dục tốt có sinh ra con người tốt?
Ở ta thời gian qua ở ta dấy lên đề tài “Người Việt xấu xí”, lại thêm việc gia nhập WTO, những yếu kém của dân ta càng được lôi ra mổ xẻ kỹ lưỡng nhằm tìm ra phương cách chấn chỉnh. Câu trả lời được nhiều người nhất trí là: Giáo dục!
Chẳng có gì mới mẻ. Một trăm năm trước, các vị tiền bối của phong trào Duy tân đã kêu gọi chấn hưng giáo dục.
Sáu mươi năm trước, sau khi giành được độc lập và liên tục cho đến bây giờ giáo dục luôn được coi là quốc sách hàng đầu.
Vậy tại sao chúng ta vẫn tiếp tục bức xúc về chuyện giáo dục đến thế?
Người ta thường nghĩ thế này: một nền giáo dục yếu kém tất sản sinh ra những con người yếu kém, kéo theo xã hội yếu kém. Ngược lại, một nền giáo dục tiên tiến sẽ cho ra đời những con người tiên tiến, tạo nên xã hội tiên tiến.
Công thức là: giáo dục tốt (xấu) -> con người tốt (xấu) -> xã hội tốt (xấu). Giáo dục là tiền đề cho sự phát triển của xã hội, vì thế phải đi trước một bước. Đó là suy nghĩ theo lối thường.
Còn nếu theo quan điểm duy vật lịch sử thì cách nhìn nhận như trên là lộn ngược chân lên đầu. Nó duy tâm, phi lịch sử, và có lẽ chính vì thế mà mãi không đạt hiệu quả như mong muốn.
Quan điểm duy vật lịch sử cho rằng bản thân con người với các hoạt động ý thức của mình, trong đó có giáo dục, không phải là nhân tố tạo ra, mà trái lại chỉ là sản phẩm của sự tồn tại xã hội.
Con người không làm thay đổi xã hội, mà trái lại xã hội làm thay đổi con người, chi phối mọi hành vi của con người. Ở mỗi giai đoạn phát triển nhất định của xã hội sẽ sản sinh ra những con người tương ứng.
Thử xem xét một ví dụ. Trước đây từng có khẩu hiệu: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết phải xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa”. Khẩu hiệu này trái ngược hoàn toàn với quan điểm duy vật: không thể tạo ra con người xã hội chủ nghĩa trước rồi từ đó xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà trái lại, chính xã hội phát triển sẽ khiến con người biến đổi theo, và khi xã hội phát triển đến giai đoạn nhất định, tạm gọi là xã hội chủ nghĩa, thì con người cũng trở thành con người xã hội chủ nghĩa. Thực tế cho thấy đúng là không thể tạo ra con người mới xã hội chủ nghĩa một cách duy ý chí được.
Phải chăng người Việt bản tính thua kém người Đức?
Tình hình tương tự đang diễn ra với việc xây dựng nền kinh tế thị trường trong hoàn cảnh hội nhập. Vì nhìn thấy những yếu kém của bản thân nên chúng ta nóng lòng kêu gọi tăng cường giáo dục, nâng cao đạo đức kinh doanh, rèn luyện tính kỷ luật, xây dựng văn hóa doanh nghiệp v.v..., cho rằng nếu có được những cái đó thì kinh tế và xã hội sẽ phát triển vượt bậc.
Nghe rất có lý, nhưng như thế lại là duy tâm. Vị tất chỉ bằng giáo dục mà tạo ra những con người có các phẩm chất đó một khi xã hội, mà cơ sở là nền sản xuất kinh tế, chưa đạt được mức phát triển nhất định!
Chỉ khi nào xã hội đạt tới mức phát triển nhất định, nó sẽ buộc những con người sống trong lòng nó phải biến đổi để thích ứng với xã hội ở giai đoạn phát triển đó, chứ không phải ngược lại.
Cần hiểu rằng ở đây ta nói về con người xã hội phổ biến, chứ không phải một vài nhân vật cá biệt đôi khi xuất hiện trên báo chí như những “gương điển hình”. Gương thì có thể, nhưng điển hình thì chắc chắn là không!
Hãy xem một ví dụ về tính quy định lịch sử của các hiện tượng mà thoạt nhìn người ta thường có cảm giác là chúng mang tính tự nhiên, vĩnh viễn. Người Việt Nam vẫn bị kêu ca là không biết giữ chữ tín, làm ăn chụp giựt. Những chuyến hàng đầu bao giờ cũng tốt, nhưng sau đó chất lượng ngày một tệ. Phải chăng bản chất người Việt là thế, khác với người Hoa, người Đức? Té ra không phải!
Trong “Tư bản”, quyển III, có một nhận xét thú vị của Marx và Engels: “Một phương thức để tăng lợi nhuận là lường gạt, tức là bán hàng cao hơn giá trị thực của chúng... Điều này đóng một vai trò quyết định, nhất là trong nền công nghiệp Đức, nơi mà tôn chỉ là: cách tốt nhất để làm vừa lòng người ta là trước thì đưa hàng mẫu tốt, rồi sau đưa hàng xấu”.
Trong tác phẩm “Về vấn đề nhà ở” Engels một lần nữa nhắc lại điều này, coi như nỗi xấu hổ của dân tộc Đức.
Cùng chủ điểm >> |
Chưa hết, trong tác phẩm “Chống Duhring”Engels còn không tiếc lời nhạo báng, chỉ trích thói khoa trương ầm ĩ, rỗng tuếch của các nhà khoa học giả hiệu Đức trong mọi lĩnh vực: thi ca, triết học, chính trị học, kinh tế học, sử học v.v..., mà ông coi là “sản phẩm đặc trưng nhất của của nền công nghiệp tri thức Đức, rẻ nhưng tồi, hoàn toàn giống như những chế tạo phẩm khác của nước Đức”.
Người Đức mà cũng thảm hại thế! Hẳn điều này rất bất ngờ với những ai vẫn coi người Đức là biểu tượng cho tính kỷ luật, chính xác, trí tuệ, còn hàng hóa “made in Germany” đồng nghĩa với chất lượng tuyệt hảo!
Thành thử không phải người Việt bản tính xấu hơn người Đức, mà chẳng qua người Việt hiện giờ là sản phẩm của xã hội ở trình độ phát triển tương tự nước Đức thế kỷ 19. Nước Đức thời đó so với nước Anh thì hết sức lạc hậu, và dĩ nhiên sản sinh ra những con người như thế. Người Đức được như hiện nay là kết quả của một quá trình phát triển kinh tế - xã hội lâu dài cả trăm năm có lẻ.
Những người đi trước thời đại?
Có một tình hình thế này. Những người từng tiếp xúc với nền văn minh ở các nước phát triển thường rất bức xúc với sự lạc hậu của nước nhà, và nóng lòng đem các tri thức học được về áp dụng, ví dụ như phương pháp quản trị hiện đại chẳng hạn.
Có điều, làm như thế chưa hẳn đã là đi tắt đón đầu, mà là đốt cháy giai đoạn, bởi không thể bắt một đứa trẻ cư xử như người lớn. Không nên đem những điều chỉ một số ít người làm được bắt tất cả làm theo. Nếu cố áp dụng thì nhiều phần sẽ thất bại. Tuy nhiên rất có thể độ vài chục năm sau họ lại thấy xã hội làm đúng những cái mà họ đã đề xuất từ lâu, và có kết quả tốt đẹp. Khi đó hẳn là họ rất tự hào đã nhìn xa trông rộng, đi trước thời đại.
Thật ra họ không đi trước thời đại, mà là duy ý chí, tưởng rằng cứ muốn là được. Có thể thấy điều này trong việc nhiều doanh nghiệp cố gắng xây dựng cái gọi là “văn hóa doanh nghiệp” theo mẫu các công ty ở các nước phát triển, nhưng dựa trên nền tảng là những người lao động phần đông xuất thân từ nông thôn, trong một xã hội mà các quan hệ sản xuất hiện đại mới chỉ bắt đầu nảy sinh, còn lâu mới đạt được mức phát triển như ở các nước khác vốn đi trước chúng ta hàng chục, hàng trăm năm.
Trong tình hình đó, rất khó xây dựng được “văn hóa doanh nghiệp” theo cái mô hình hiện đại mà người ta noi theo, có chăng chỉ là hình thức. Nhưng sau một thời gian, khi những điều kiện vật chất đã chín muồi, thì các ý tưởng đó lại trở thành hiện thực.
Để tránh hiểu lầm cần nói rõ: đây là ta nói về những ý tưởng không phù hợp với trình độ phát triển khách quan của xã hội. Còn những ý tưởng không phù hợp với chính sách mang tính chủ quan một thời của Nhà nước, ví dụ như chủ trương khoán nông nghiệp, lại là chuyện khác.
Làm sao để dân ta bớt xấu xí?
Như thế, không phải giáo dục, mà chính phương thức sản xuất mới là yếu tố chủ chốt làm biến đổi sâu sắc con người xã hội. Thử ngó ra đường mà xem: những người đi xe máy ý thức chấp hành luật giao thông kém xa những người lái xe hơi. Chẳng phải vì người này ít được giáo dục hơn người kia; chẳng qua phương thức di chuyển khác nhau tạo nên cách hành xử khác nhau.
Trong một xã hội với nền kinh tế chủ yếu dựa trên sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, còn thương nghiệp và công nghiệp hầu như vắng bóng, thì việc giáo dục chữ tín, tính chính xác, đúng giờ v.v... là chuyện viển vông, bởi không có lực lượng vật chất nào buộc người ta phải tuân theo những cái đó.
Đi làm đồng muộn một chút đã sao, cây lúa không vì thế mà cho năng suất kém hơn. Trễ hẹn một chút, hay hứa rồi thất hứa cũng chẳng chết ai. Tình hình sẽ và chỉ thay đổi khi nền kinh tế chuyển sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, thương nghiệp, công nghiệp phát triển mạnh mẽ.
Khi đó anh không thể vô tư trễ hẹn, thất hứa, vi phạm hợp đồng, bởi điều đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của những người khác, và anh có nguy cơ bị tẩy chay, kiện tụng, phạt vạ cho sạt nghiệp.
Chính những cái đó buộc người ta phải thay đổi cách hành xử cho phù hợp các quan hệ sản xuất mới. Những người lao động tự do riêng lẻ lúc trước, nay tập trung trong một nhà máy, hoạt động với tư cách những khí quan của một “người lao động tập thể” duy nhất, theo những nguyên tắc tổ chức sản xuất nghiêm ngặt, sẽ nhanh chóng học được tính kỷ luật công nghiệp, điều mà trước kia họ không hề có khái niệm, và có cảm giác dạy cho họ thì chỉ như nước đổ đầu vịt.
Như Marx viết, kỷ luật đó sẽ trở thành thừa trong một xã hội mà người lao động làm việc cho bản thân mình. Tuy nhiên, nhìn bề ngoài thì có vẻ như đó là kết quả của sự giáo dục, như ta thường nghe nhiều người say sưa kể về nền giáo dục tại các nước phát triển.
Thực ra, giáo dục ở đây chỉ tham gia tái sản xuất những con người phù hợp với xã hội đó, cũng là tái sản xuất chính cái trật tự xã hội đó, chứ giáo dục chẳng thể nào “đi trước một bước” như nhiều người hô hào.
Chẳng hạn, nếu xã hội đòi hỏi những con người năng động thì giáo dục phải góp phần tạo ra những con người như thế. Thậm chí nếu giáo dục không làm được việc đó thì tự con người ta cũng phải thay đổi để đáp ứng.
Trái lại, nếu xã hội chẳng cần những con người như thế (như thời bao cấp trước kia), nếu xã hội chưa đủ phát triển, chưa có tiền đề vật chất cần thiết, thì mọi nỗ lực giáo dục sẽ chẳng đi đến đâu, bất quá chỉ tạo ra được một vài con người cá biệt.
Vẫn con người đó, hôm qua ở trong nước còn thản nhiên vượt đèn đỏ, bất chấp ti vi sáng nào cũng ra rả chương trình “An toàn giao thông”, thì hôm nay định cư ở Mỹ anh ta răm rắp tuân thủ pháp luật mà chẳng cần tuyên truyền, giáo dục gì mấy. Tồn tại quyết định ý thức là thế!
Dĩ nhiên giáo dục có vai trò quan trọng, nhưng không nên quá kỳ vọng rằng một sự chấn hưng giáo dục sẽ mau chóng dẫn tới sự thay đổi sâu sắc trong con người, và qua đó làm thay đổi xã hội.
Bức tranh hiện thực hơn có lẽ là: cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, con người ta sẽ dần biến đổi mà không cần những khẩu hiệu, những lời hô hào đao to búa lớn. Cứ tuần tự nhi tiến như tiền nhân dạy, rồi đâu sẽ vào đó cả. “Vô vi nhi thành” là theo nghĩa đó.
Bằng không, những lời hô hào dù tâm huyết đến mấy cũng chỉ là những lời nói suông, vì chúng thiếu các điều kiện kinh tế - xã hội cần thiết để biến mong muốn thành hiện thực.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn