Sách dạy làm người: “Xào nấu” tầm phào

01:06 CH @ Chủ Nhật - 03 Tháng Tám, 2014

Muốn giữ gìn sự trinh trắng, các bạn gái phải tránh sa vào những tình cảm sướt mướt và những va chạm như mặc quần áo lót vải dày hay sử dụng yên xe máy... Một cuốn sách dạy làm người đã chỉ dẫn như thế (!)

Sách dạy hoàn thiện bản thân bao gồm các đầu sách đề cập đến những vấn đề ứng xử đời thường, sách tư vấn làm đẹp và sách nuôi dưỡng tâm hồn...

Dạo một vòng quanh thị trường sách, không khó nhận ra sự phát triển mạnh mẽ của loại sách này với muôn hình vạn trạng như: Cẩm nang dành cho bạn trai, Nghệ thuật sống của bạn gái, Đạo làm người, Nghệ thuật trọng người, Tiếng trái tim và tiếng lương tâm… Vì là sách cung cấp những thường thức đời sống nên có số lượng người đọc khá cao. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ sách dạy làm người hiện nay đã khiến nhiều người quan tâm lo ngại vì số lượng chưa đi cùng chất lượng.

Nội dung “xào nấu” lẫn nhau

Chiếm gần 50% trong sách dạy làm người là các sách cẩm nang về tâm lý, ứng xử. Dù cho thiên biến vạn hóa tên sách như thế nào thì đa số các đầu sách này đều có nội dung biên soạn na ná nhau và cùng chung một mô típ: các hiện tượng sinh học của cơ thể, bí quyết giữ gìn sức khỏe, sắc đẹp cộng với một số câu chuyện mang tính phòng the...

Người đọc chỉ cần đọc một cuốn là nắm được nội dung các cuốn cùng loại khác. Ngay cả trong cùng một đầu sách đã có sự trùng lặp. Trong Thuật nói chuyện hằng ngày của tác giả Hoàng Xuân Việt (NXB Thanh Niên), chương 4 khuyên người đọc Đừng có giọng thầy đời, đến chương 18 tiếp tục nhại lại Đừng làm thầy đời và chương 25 lại bảo Đừng nói giọng sách vở... Nội dung cả 3 chương ấy đều tương tự nhau, chỉ khác cách diễn đạt và dẫn chứng.

Chưa kể việc trùng lắp ngay trong tựa sách như Tâm lý bạn trai, Tâm lý bạn gái... do nhiều soạn giả sử dụng như Hoàng Xuân Việt, Chiến Thắng, Lan Vy... và hiện tượng đầu sách này là một phần của đầu sách khác cũng khá phổ biến. Đạo làm người của Trần Thị Hồng Khanh - Nguyên Khôi (NXB Thanh Niên) gồm 2 phần, phần thứ nhất - kỹ xảo giao tiếp - đã có nội dung giống trên 70% so với Phép xã giao, tác giả Hoàng Phương.

Yên xe máy có thể hại đời con gái (?!)

Sách dạy làm người vốn là những tác phẩm viết ra từ sự trải nghiệm cuộc sống của chính tác giả. Do đó, nó có sức truyền tải đến người đọc rất lớn. Tuy vậy, không ít những đầu sách dạy làm người có nội dung quái đản, gây kinh ngạc cho người đọc.

Người con gái lấy chồng nên biếtNgười con trai lấy vợ nên biết (bác sĩ Trương Ngọc Hơn- Trần Triệu Nam, NXB Thanh Hóa) là 2 cuốn sách được đông đảo bạn đọc sắp lập gia đình tìm đọc để có những lời khuyên hữu ích trước hôn nhân. Thế nhưng trong đề mục Làm thế nào để giữ sự trinh trắng, tác giả viết: “Các bạn gái phải tránh sa vào những tình cảm sướt mướt và những va chạm như mặc quần lót bằng vải dày và nhám hay sử dụng yên xe máy... vì việc đó có khả năng gây kích thích sinh lý, dẫn đến việc khó bảo vệ sự trinh trắng của người phụ nữ (?!)


Ở cuốn khác, lý giải vì sao đàn ông không chung thủy, tác giả viết: “Phụ nữ chỉ biết mang thai. Một lần gặp gỡ bên ngoài tuy nói là có thể tăng cường thêm lòng tự tin của họ, nhưng cuộc gặp gỡ bên ngoài không mang lại cho họ cơ hội sinh đẻ tốt hơn... Đối với người phụ nữ, tìm một người đàn ông cung cấp và nuôi dưỡng con cái họ là điều quan trọng hơn. Sự thành thực trong sinh hoạt tình dục của người đàn ông đối với người phụ nữ là rất quan trọng. Nếu không, con cái của họ sẽ giống như con cái của những người đàn bà khác, chỉ hưởng vốn đầu tư tinh trùng của người cha” (Ứng xử trong quan hệ vợ chồng - 1.001 cách tỏ tình trong yêu đương dành cho phái nam - Kỳ Anh biên soạn).

Quả là vừa tối nghĩa vừa vô căn cứ, thiếu khoa học.

Ai quản lý?

Trên thế giới, các tác phẩm dạy hoàn thiện bản thân rất được công chúng đón nhận và đều nằm trong danh sách những tác phẩm bestseller.

Điển hình là bộ sách Power system tác giả James Lee Valentine, Chicken Soup For The Soulcủa hai nhà diễn thuyết Jack Canfield và Mark Victor Hansen...

Tại Việt Nam, những đầu sách như Đắc nhân tâm, Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi, Hạt giống tâm hồn, góp phần hoàn thiện nhân cách con người, vẫn được tái bản nhiều lần.

Thực tế cho thấy, những đầu sách dạy làm người đều được dịch hay biên soạn một cách rất tùy tiện, thiếu sự đầu tư và hiếm khi trích dẫn nguồn biên soạn. Điều này dẫn đến việc sách dạy làm người cho độc giả Việt lại có nội dung áp dụng phù hợp ở xứ Tây, Tàu.

Đạo làm người - Trần Thị Hồng Khanh, Nguyên Khôi (NXB Thanh Niên) khiến người đọc băn khoăn. Trong phần thứ nhất, kỹ xảo giao tiếp, đề mục Lễ nghĩa cơ bản trong giao tiếp khẳng định: Phải hiểu được truyền thống của người Trung Quốc. Những phần khác cũng đề cập nhiều đến thói quen ứng xử của người Trung Quốc. Bất ngờ nhất là phần viết: “Người Việt Nam hay ăn phở, xôi, bánh mì. Họ thường uống cà phê, trà...”.

Thực chất nội dung sách này do người Trung Quốc biên soạn. Vậy mà toàn bộ cuốn sách này không hề có phần giới thiệu nguồn biên soạn sách từ đâu. Phổ biến không kém là hiện tượng trích dẫn các lời phát biểu vô tội vạ như: bác sĩ Jean Dumas - viện trưởng một bệnh viện nổi tiếng ở Chicago, bác sĩ Remy - bệnh viện thẩm mỹ Pháp... đã tuyên bố... Kiểu trích dẫn như vậy khiến độc giả phải tự hỏi những nhân vật lạ hoắc đó là ai? Hay chỉ là những cái tên mà soạn giả gán vào.

Phần lớn các loại sách kém chất lượng này thuộc các NXB tỉnh như NXB Mũi Cà Mau, NXB Đà Nẵng, NXB Đồng Nai... và bày bán trên tất cả cửa hàng sách với giá thành giảm đến15% - 30%, có hoa hồng cao cho cửa hàng nên tần suất xuất hiện lại càng phổ biến. Đáng tiếc là các cơ quan quản lý xuất bản phẩm dường như chẳng quan tâm.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sống thật, trải nghiệm và bản ngã

    09/03/2016Nguyễn Tất ThinhCó sống Thật mới Trải nghiệm thật, mới có Bản ngã thực là Người Trưởng thành và bởi vậy những điều thuộc về họ và tạo ra bởi họ mới thật đáng giá trị.
  • Lớp “Học làm Người” giữa lòng TP.HCM

    20/11/2012Tại số nhà 48 Bành Văn Trân, phường 7, quận Tân Bình (TP.HCM) có một trường học mang tên Trường Hán Nôm Nguyễn Trãi. Nói là “trường học” nhưng thực chất chỉ có mỗi một phòng rộng khoảng chừng 100 m2. Trường chỉ có duy nhất một giáo viên, vừa giảng dạy, vừa kiêm chức hiệu trưởng...
  • Cải cách giáo dục bắt đầu từ dạy làm người

    30/03/2009"Phải làm triệt để. Tất cả các em đến tuổi phải học hết tiểu học, học đàng hoàng, và phải dạy đạo đức sao cho khi các em tốt nghiệp tiểu học phải xứng đáng là những thiếu niên ham học hỏi, hiền ngoan, có thái độ và hành động đúng mực ở nơi công cộng và đối với các quan hệ xã hội". - GS Trần Văn Thọ
  • Phải dạy làm người

    24/02/2006Mai Chí ThọSinh thời, khi xem chương trình của chín lớp tiểu học và trung học cơ sở, Bác Hồ đã phát biểu: “Sao dạy làm người ít quá”.
  • Thời của sách học làm người

    05/07/2005Nhật LệTheo thống kê mới nhất của Nhà xuất bản Trẻ (TPHCM), hiện nay, tủ sách học làm người đang là bộ sách best-seller, dẫn đầu về doanh số và tốc độ tái bản. Một dự báo mới về văn hóa đọc - và có thể là một hiện tượng đáng được các nhà phê bình lưu tâm, suy ngẫm.