Trách nhiệm với người khác, trách nhiệm với xã hội
Tôi trót nhận viết bài cho mục Nếp sống Nếp nghĩcủa báo Đảng, nhằm biểu dương cái tốt, phê phán cái xấu góp phần củng cố nền đạo lý xã hội chủ nghĩa. Về nhà, ngồi ngẫm nghĩ lại muốn từ chối vì cũng ngại sự phiền hà. Viết bài khen tất nhiên không sao. Có khen quá đi cũng chẳng ai đến trách: "Tại sao anh lại nói tốt cho chúng tôi nhiều thế!". Mà chê thì lôi thôi lắm, chê đúng cũng lôi thôi, chứ đừng nói nếu chê chưa được đúng. Tôi vốn là người nhút nhát, thích sống yên phận, mình không đụng ai, cũng mong đừng ai đụng đến mình. Sống như thế tất nhiên là rất ích kỷ, là cá nhân, là không xã hội chủ nghĩa. Nhưng, xem ra sống cũng vẫn được, không tốt lắm nhưng cũng không hẳn là xấu lắm, không cống hiến được gì nhiều, nhưng cũng chẳng gây phiền nhiễu cho ai.
Một anh bạn đến than phiền với tôi về một vài chuyện vô lý trong cơ quan anh. Tôi hỏi: “Thế những người khác có biết không?” – “Chuyện giữa trời làm sao lại không biết”. – “Ý kiến của họ thế nào? “ – “Mình là người không bị đụng chạm còn bực nữa là anh em hàng ngày bị va vấp” – “Ồ! Anh là người có uy tín, có vị trí tại sao anh không nói?” – “Có nói cũng chẳng thay đổi được gì mà còn mang tiếng là hay bới móc”. – “Anh không nói thì còn ai dám nói?” – “Đợi cấp trên có ý kiến, trước sau rồi các ông ấy cũng phải có ý kiến”. – “Cơ sở không có ý kiến thời cấp trên có ý kiến thế nào?” – “Bọn họ làm ăn tóe loe ra thế thì rồi trên cũng phải nhòm xuống mà có ý kiến chứ”.
Thì ra cứ phải để cho mọi việc tóe loe ra rồi cấp trên sẽ phải có ý kiến. Nếu cấp trên chưa có ý kiến thì… đành phải để mọi việc tiếp tục tóe loe ra!
Lại nói về một cơ quan khác nổi tiếng về sự đoàn kết, nhất trí. Không có chuyện tị nạnh, ghen tuông chức tước, đồng lương. Mọi người đều làm việc một cách tự giác và vui vẻ. Thật là một hiện tượng hết sức tốt đẹp. Thực ra thì không hẳn thế. Thực ra, mỗi người đều chỉ biết có mình và hết sức thờ ơ với người khác. Anh sống không đúng ư? Thì anh sẽ phải chịu trách nhiệm về sự không đúng ấy với cấp trên. Anh làm việc sút kém ư? Thì cũng vẫn là anh phải trả lơi với cấp trên chứ có liên can gì đến người khác. Bởi vì, nếu tôi có ý kiến về anh chưa chắc anh đã nhận, dù có nhận chưa dễ anh đã sửa. Mà nhìn nhau đâm khó ra. Tôi muốn sống một cách vô tư vui vẻ không thích những chuyện khó chịu vặt. Tôi vui vẻ, cũng muốn anh được vui vẻ. Còn đến một lúc nào đó anh không vui vẻ được nữa thì đừng có trách tôi. Chả là chúng ta đều không thích kẻ khác “can thiệp” vào cuộc đời riêng của mình mà!
Một hôm tôi gặp anh Y. mắt long lanh, da đỏ bóng kéo tôi ra một chỗ háo hức báo tin: “Cậu đã biết chuyện ông X. chưa?” – “Chưa! Sao?” – “Lôi thôi lắm, trai gái có, tham ô có, lại lợi dụng quyền hành làm lắm chuyện đến bậy bạ”. “Sao biết?” – “Ôi! Ra tòa đến nơi lại còn không biết!” – “Cũng bất ngờ nhỉ?” – “Bất ngờ thế nào, từ nhiều năm nay anh em họ đã xì xào rồi, chứng cớ phải xếp một ngăn” – “Biết trước sao không nói, nói trước có phải cứu được người ta không?” – Mặt mũi anh Y. vẫn rất hớn hở: ”Mình lo thân mình chửa xong, hơi sức đâu lo cho người khác. Mà có lo giùm họ cũng chẳng ơn đâu!”. – “Tàn nhẫn quá! Các ông sống với nhau đến là tàn nhẫn!”. Anh Y. cười hô hố: “Người ta vẫn sống như thế cả, bảo mình sống khác thế nào được.”
Một năm sau, tôi lại gặp anh Y. Nom anh tiều tụy hẳn, da xám, mắt vàng, nhìn tôi mệt mỏi: “Dạo này cậu vẫn viết lách đều chứ”. Tôi đáp lững lờ: “Ờ, thì là cái nghề của tôi mà!”. Anh thở dài: “Năm vừa rồi mình gặp nhiều vận hạn quá! Toàn những chuyện không đâu bây giờ họ đem buộc chặt vào lưng mình.” – “Chuyện gì thế?” – “Nhiều chuyện lắm, mình thì vô tư mà chung quanh thì xét nét. Giá họ bảo trước mình một tiếng thì không đến nỗi quá”. Tôi cười nhỏ: “Thì ông vẫn triết lý: việc ai kẻ ấy lo mà!”. Anh Y. cũng cười, nụ cười đến là héo: “Ờ, việc của kẻ khác thì nghĩ là hay, nay đến việc của mình mới thấy hết cái dại”.
Ai bảo cái người sống ích kỷ, sống cho riêng mình lại không có lúc gặp “vận hạn”?
Một tối tôi đi xem chiếu bóng ở rạp B. Đèn tắt, chợt thấy rất nhiều chấm đỏ bay vèo vèo từ hàng ghế sau lưng tôi xuống các hàng ghế phía trên. Thì ra các bố trẻ hút thuốc lá búng tàn đùa chơi với nhau. Đó là một cái lạ. Nhưng điều lạ hơn là không thấy ai có ý kiến gì. Hình như chỉ có riêng tôi, một mình tôi là nhìn thấy những chấm lửa nguy hiểm đang rơi tung tóe xuống các hàng ghế. Tôi ngồi nhấp nhổm chừng vài phút rồi bất chợt kêu thét lên: “Sao các em lại đùa dại thế, cháy tóc cháy áo người ta thì sao?”. Cũng không có ai lên tiếng hưởng ứng với tiếng kêu của tôi. Chỉ có một dịp cười thách thức ở phía sau. Thế là thế nào nhỉ? Tôi đã định đứng lên bước ra ngoài thì một bàn tay nắm lấy cánh tay tôi, một tiếng nói thì thào: “Mặc chúng nó, ông ạ! Mình nói chúng sẽ nhét tàn lửa ngay vào cổ áo mình đấy”. Thế là tôi đành ngồi im và bắt đầu lo. Không khéo sẽ có đứa búng lửa ngay vào đầu mình cũng nên, vì chắc chúng đã chú ý tới tôi rồi. Chỉ có một mình tôi kêu lên phản đối, rồi lại ngọ nguậy muốn chạy ra để báo cho người này, người nọ. À! Đã thế phải cho nó một tàn lửa để từ rày nó chừa đi! Từ lúc ấy chẳng còn xem được gì, chỉ thấp thỏm chờ đợi một tiếng búng tay ở phía sau, chỉ đề phòng có mẩu nào rơi xuống còn kịp nhìn thấy mà né tránh. Và tức. Rất là tức. Nghĩ mình sao lại tồi đến thế. Sống ở cơ quan thì né tránh những vấn đề còn gai góc. Sống với bạn bè cũng né tránh chuyện này chuyện kia vì sợ bạn mất lòng. Ra ngoài đường gặp những chuyện trái tai gai mắt cũng lại muốn né tránh nốt. Mình thì muốn né tránh để khỏi có sự phiền hà, nhưng đi đâu cũng than thở, cũng chê trách về sự sa sút của đạo lý, về tình hình xem ra ngày một phức tạp của xã hội. Ô hay! Mỗi chúng ta đều là một thành viên của xã hội, mà chỉ thích buông tay đứng nhìn, rồi than thở, rồi chê trách, thì ai sẽ dúng tay vào gỡ rối mọi sự phức tạp đó? Ai sẽ góp phần gìn giữ và phát triển nền đạo lý mới của chủ nghĩa xã hội?!
Trong những thói xấu của con người, thì thói xấu dễ lây truyền nhất, nhưng lại nguy hiểm nhất là thói ích kỷ. Nói dễ lây truyền vì chưa ai xem tính ích kỷ như là một tội ác, chẳng những không bị kết án, mà còn như có thể ăn chung ở đụng được. Nhưng nó lại hết sức nguy hiểm bởivì nó phá vỡ tận nền móng cái tổng thể của các mối quan hệ là xã hội. Nó làm thui tắt cái sức mạnh có khả năng cải tạo là dư luận. Nó đẩy tới mọi tội lỗi mà vẫn như vô can vì vẫn giữ được sự trong sạch của riêng mình. Pháp luật chỉ trừng trị những kẻ đã phạm tội rồi. Còn dư luận mạnh mẽ của xã hội mới ngăn ngừa được những tội lỗi mới nhen nhóm. Dư luận phải là tiếng nói chính thống của nền đạo lý xã hội chủ nghĩa, phân rõ được ranh giới việc tốt và việc xấu, người tốt và người xấu. Nhưng chỉ có thể tạo được cái dư luận tốt đẹp đó khi đã tiêu diệt được thói ích kỷ, khi mỗi người không chỉ có trách nhiệm với riêng mình, mà còn có trách nhiệm với người khác, với xã hội.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn