Triết học ChâuÁ hay là triết lý ChâuÁ không phải là một khái niệm triết học. Đây chỉ là một cách gọi tương đối. Nó khá mơ hồ, không đủ rõ ràng, không có nội hàm xác định, càng không được hiểu như nhau trong mọi văn cảnh. Nếu coi là một khái niệm triết học, thì triết học ChâuÁ còn mơ hồ hơn cả khái niệm triết học phương Đông.
Tuy vậy, càng ngày, rất có thể, thuật ngũ triết học Châu Á sẽ càng được sử dụng nhiều hơn trong các diễn đàn học thuật và chính trị - xã hội thế giới. Bởi lẽ, khái niệm Châu Á ngày nay đã là điểm chú ý của hầu hết các vấn đề nóng của thời đại, từ khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đến vụ kiện tranh chấp lợi ích buôn bán tôm và cá basa giữa Mỹ với một số nước Châu Á, từ vấn đề chính trị giữa hai bở eo biển Trung Hoa đến các vấn đề văn hóa Hồi giáo Malaysia, Indonesia, Pakistan và Trung Cận Đông... từ làn sóng toàn cầu hoá bao trùm khắp thế giới đến nạn dịch cúm gà và căn bệnh viêm đường hô hấp cấp (SARS), từ cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố đến những cáo buộc về nhân quyền đối với vài nước ở Châu Á, từ vị thế lục địa Á - Âu của nước Nga sau chiến tranh lạnh đến những trắc trở trong quá trình gia nhập liên minh EU của Thổ Nhĩ Kỳ, từ tốc độ tăng trưởng kinh tế chóng mặt ở Trung Quốc đến nạn bóc lột tình dục đối với phụ nữ ở một số nước Đông Nam Á và Đông Âu... Tất cả đều ít nhiều che giấu trong nó vấn đề về đặc thù ChâuÁ, gọi theo cách gọi của Tâya đơ Sácđanh thì đây chính là "bí ẩn Châu Á". Tất cả đều cần, phải được cắt nghĩa từ phương diện triết học. Và, triết học ChâuÁ, bởi thế, là cái phải được tính đến.
Thực ra, Tâya đơ Sácđanh không phải là người đầu tiên nói đến điều bí ẩn Châu Á ông chỉ là một trong số ít người dùng đến khái niệm này theo nghĩa tất đẹp của ngôn từ. Nhiều người trước và sau ông, ngay cả Hêgen, khi coi Châu Á là mảnh đất không có tự do cũng ám chỉ điều bí ẩn Châu Á là hiện thân của những nét tiêu cực. Trong thế kỷ XIX, những người Âu theo chủ nghĩa Đông tiến, với ảo tưởng về một sứ mệnh thiêng liêng khai hoá văn minh cho những vùng đất ngoài Châu Âu đã tô đậm thêm định kiến về một Châu Á khôn ngoan mà chậm phát triển khoa học, giỏi buôn bán mà không xây dựng được quan hệ thị trường, cần cù lao động mà thiếu tư duy kỹ thuật, thừa sách dạy con người phải sống như thế nào mà thiếu sách dạy con người phải làm như thế nào... Đến tận đầu thế kỷ XX, M.Vêbe, khi đề cao đạo đức Tin lành ChâuÂu cũng hoài nghi sự thịnh vượng Á Đông theo hướng coi khu vực này không có nền tảng văn hóa để đi theo con đường TBCN.
Ngày nay, đầu thế kỷ XXI, Châu Á đã khác nhiều so với 30 năm trước. Tuy thế, sự đổi khác này không làm Châu Á bớt đi vẻ bí ẩn của nó. Chủ nghĩa tư bản Châu Á thường xuyên vẫn bị phê phán là độc đoán và gia trưởng. Làn sóng chống toàn cầu hoá diễn ra rầm rộ ở khắp nơi, trong khi Châu Á vẫn khá bình lặng, dường như vừa chấp nhận, vừa không tán thành toàn cầu hoá. Chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc có vẻ giống chủ nghĩa tư bản Khổng giáo hơn là chủ nghĩa tư bản Khổng giáo ở Singapo, trong khi chủ nghĩa tư bản Khổng giáo ở Singapo lại giống CHXH hơn là CHXH ở Trung Quốc.
Sở dĩ thuật ngữ triết học Châu Á được nhắc tới nhiều hơn trong các diễn đàn quốc tế khoảng mươi năm gần đây (cùng với khái niệm giá trị Châu Á trong so sánh với văn hóa phương Tây) là vì:
Không thể cắt nghĩa đến tận gốc rễ những hiện tượng vừa nêu, nếu bỏ quên cái gọi là đặc thù văn hoá Châu Á. Mà đặc thù văn hóa Châu Á là gì, nếu không phải là bao gồm trong nó văn hóa Khổng giáo và văn hóa Phật giáo, bên cạnh và đan xen với các dạng tư tưởng văn hóa khác? Nói cách khác, nói đến đặc thù văn hóa Châu Á, người ta buộc phải nói đến triết học Châu Á, triết lý Châu Á - cái làm nên linh hồn của văn hóa Châu Á. Dù khó nhận dạng, nhưng triết lý Châu Á luôn hiện hình trong văn hóa Châu Á, càng cố quên đi, càng cố phủ nhận, nó càng lộ ra như là một cái gì đó rất đáng kể, một thuộc tính cố hữu.
Sự trỗi dậy của khu vực Đông Á, bắt đầu từ những năm 80 (thế kỷ XX) và ngày càng đáng kể trong những năm gần đây, trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa... (trong đó, phải kể đến Trung Quốc như là một hiện tượng Châu Á đặc biệt), đã làm cho Châu Á trở thành một chủ đề vừa hấp dẫn, vừa khó kiến giải. Sự kiến giải về Châu Á hiện đại, hay dự báo về tương lai của nó... đều không tránh khỏi phải tìm hiểu cội nguồn triết học của khu vực này. Sự hiểu biết và ứng dụng triết học Ấn Độ cổ đại, cũng như triết học Nho giáo và Đạo giáo... ngày nay đã khác xưa nhiều, nghĩa là ngày nay, chỉ có trong nhà trường và trong giới nghiên cứu người ta mới có thể hiểu một cách cặn kẽ về triết học Nho - Phật - Lão nguyên thủy, tuy thế, văn hóa Nho giáo, văn hóa Phật giáo và văn hóa Đạo giáo thì lại vẫn rất phổ thông trong đời sống tinh thần xã hội. Chỉ cần một hành vi cúi chào, trên khắp thế giới người ta nhận ra nhau là có cùng một cội nguồn văn hóa Nho giáo.
Ấy là chưa nói đến những cội nguồn triết học bản địa ở phạm vi hẹp hơn, chẳng hạn triết học bản địa Philippin, Malaysia, Việt Nam, Indonesia... Gọi là triết học thì có thể gây tranh cãi. Nhưng gọi đó là những tư tưởng triết học thì hoàn toàn hợp lý. Không dễ phủ nhận sự tồn tại khá bền vững của những tư tưởng triết học truyền thống trong các dân tộc, các nước tương tự. Thời kỷ lệ thuộc vào thực dân Châu Âu đã qua, song văn hóa Châu Âu còn lại ở các nước vốn là thuộc địa lại không hắn đã phổ biến và càng không chiếm ưu thế, trái lại, nhiều tư tưởng truyền thống tưởng như đã đi vào dĩ vãng, nhưng lại đang được tái sinh, hiện diện trong đời sống xã hội hiện đại. Thuật ngữ triết học Châu Á không loại trừ những nguồn cội này, nếu không muốn nói đây mới là những giá trị chiếm vị trí ưu tiên trong nội hàm thuật ngữ triết học Châu Á. Về điều này, trong các tài liệu ngoài triết học, người ta đã viết khá nhiều. Bởi vậy, từ chính góc độ triết học, chúng tôi muốn nhắc tới ý kiến mới đây của bà Ioanna Kucuradi, Chủ tịch Liên hiệp các Hội triết học thế giới (FISP) tại Đại hội Triết học thế giới lần thứ XXI, Istanbul, 10- 17/8/2003: "Những gì mà chúng ta thấy trong vài thập kỷ đã qua ở rất nhiều nước Châu Á và châu Phi là sự phản ứng đối với "văn hoá phương Tây", một sự phản ứng đã dẫn mỗi nhóm nước đi đến việc tìm kiếm "bản sắc văn hoá" của mình hay "những giá trị" của bản thân mình, và vì không thể nhận dạng cái mà họ muốn nhận dạng trong hoàn cảnh hiện tồn, họ đã nhìn lại quá khứ và cố gắng phát hiện, nhằm mục đích phục hồi cái mà họ cảm nhận, hay giả định là của bản thân họ, nghĩa là cái thế giới quan, cái quan niệm về con người và về điều gì có giá trị (những phán đoán giá trị) đã từng chiếm ưu thế ở mỗi nhóm nước này trước khi những nỗ lực công nghiệp hoá của họ bắt đầu, hay trước khi có sự tiếp xúc với "văn hoá phương Tây, cái mà giờ đây họ phản ứng”.
Trong bối cảnh hiện nay, triết học không nên và không thể lảng tránh vấn đề bí ẩn Châu Á. Sống trong điều kiện xã hội thông tin và được toàn cầu hoá, dĩ nhiên, nhà triết học hiện đại không thể nằm ngoài đời sống xã hội, nhưng ai đó cũng có thể cố tình kinh viện nằm ngoài đời sống xã hội, điều đó không nên. Vấn đề là ở chỗ, anh có thể không tán thành cái gọi là bí ẩn Châu Á, song nếu vậy, thì anh phải luận giải cho quan điểm của mình. Bí ẩn Châu Á hay là đặc thù Châu Á? Đâu là ảo tưởng, đâu là sự thực? Đã quá lỗi thời nếu tiếp tục cái tư tưởng coi phương Tây là trung tâm dù là theo kiểu hiện đại nào đó, nhằm gạt ra ngoài lề tất cả những gì không theo khuôn thước ChâuÂu hàn lâm. Nếu như đã có một thời khái niệm phương Đông chỉ là công cụ tư duy của các học giả theo quan điểm lấy ChâuÂu làm trung tâm, thì hiện nay, cũng không nên để xảy ra tình trạng khái niệm Châu Á chỉ là công cụ tư duy của những người theo chủ nghĩa Đông tiến. Đương nhiên, một nhà triết học có thể chỉ nghiên cứu và giảng dạy những chuyên đề không liên quan gì đến văn hóa Châu Á, nhưng vấn đề Châu Á không dễ bị loại ra khỏi đời sống thường nhật của đa số các nhà triết học đang sống trên nhiều vùng của hành tinh chúng ta giai đoạn hiện nay. Bí ẩn Châu Á là vấn đề của triết học hiện đại.
Bàn đến bí ẩn Châu Á và triết học Châu Á vào lúc này quả là cần thiết. Chậm hơn có thể là muộn. I
Nói đến triết học Châu Á, thực chất là nói đến những gì? Chúng tôi xin được hình dung như sau:
Những tư tưởng triết học có cội nguồn Châu Á hiện đang mang ý nghĩa định hướng hành vi của con người, là thế giới quan và phương pháp luận mà người ta cảm thấy là hữu hiệu đối với hoạt động ở khu vực này. Triết học Ấn Độ cổ đại, triết học Nho giáo, triết học Phật giáo, triết học Đạo giáo… là những cội nguồn chủ yếu nhất đang có vị trí như vậy trong việc giải thích các hiện tượng phương Đông.
Trong số các triết học phương Đông cổ đại, phải thừa nhận rằng Nho giáo có vai trò và số phận thật đặc biệt. Tưởng như đã bị chôn vùi cùng với sự phê phán ở TrungQuốc thời Lỗ Tấn (những năm 20 thế kỷ XX), rồi sau đó thời "PhêLâm, phê Khổng”, những năm 60 (thế kỷ XX), song Nho giáo chẳng những không chết mà còn được tái sinh trong hình dáng của Chủ nghĩa tư bản Khổng giáo. Sự lớn mạnh của các nước khối NICs Châu Á cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc lục địa đã làm cho nhiều học giả ngoài Châu Á tán thưởng khái niệm Confucian capitalism, giải thích sự hưng thịnh của Châu Á hiện đại bằng "sự phục sinh của truyền thống Khổng giáo. Nhưng vẫn có các học giả ở những vùng thấm đẫm văn hóa Nho giáo, như Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Hàn Quốc… lại nghi hoặc quan điểm này, người ta vẫn thấy Nho giáo có quá nhiều điểm không thể coi là tích cục trong thế giới hiện đại. Hơn thế nữa, nếu Nho giáo qủa là có tác dụng thúc đẩy các xã hội Nho giáo phát triển, thì tai sao "cơn ngủ đông" của Nho giáo ở Trung Quốc lục địa và ở Việt Nam lại quá dài? Dẫu sao, cũng không thể phủ nhận có nguyên nhân gì đó thuộc về Khổng giáo, Khổng giáo không phải là tất cả. Văn hóa Khổng giáo cũng không phải là tất cả, nhưng là cái không thể thiếu được trong sự phát triển của Châu Á hiện đại.
Như đã nói ở trên, việc hiểu biết và ứng dụng triết học Nho - Phật - Lão... nguyên thủy vào đời sống xã hội, thể hiện trong từng hành vi của con người ngày nay đã khác xưa nhiều, cho nên cái có ý nghĩa xã hội quan trọng nhất đối với đời sống tinh thần xã hội hiện đại không nằm ở bản thân các nguyên lý kinh điển của triết học Châu Á. Sự khúc xạ của các nguyên lý kinh điển thành văn hóa thường nhật của con người, trên thực tế, mang ý nghĩa hiện thực sống động hơn. Cái mà người ta nói tới triết học Châu Á nằm ở văn hóa. Văn hóa Nho giáo, văn hóa Phật giáo, văn hóa Đạo giáo và các dạng văn hóa tư tưởng bản địa khác đang có ý nghĩa định hướng hoạt động của con người, là nội dung cơ bản của' thuật ngữ triết học Châu Á. Điều này, dĩ nhiên, không thoả mãn quan niệm chặt chẽ về khái niệm triết học. Tuy vậy, có thể tạm chấp nhận nếu ta chú ý đến lời nhắc nhở đầy nghi ngại về triết học là gì của M.Haiđơgơ: “triết học là gì ? Với câu hỏi này, chúng ta đan tới một đề tài cực rộng, một đề tài được coi là mênh mông. Vì là một đề tài rộng, nên nó còn chưa xác định nên chúng ta có thể tiếp cận tới nó từ những quan điểm khác nhau. Trong đó, sẽ thường xuyên chạm trán với một cái gì đó đúng đắn. Tuy vậy, trong các cuộc tranh cãi về đề tài cực rộng này, chừng nào mà các ký kiến khác nhau nhất còn bị cày xới một cách thiếu căn cứ thì chừng đó chúng ta vẫn còn bị đe dọa bởi một hiểm họa rằng, cuộc thào luận của chú ta vẫn thiếu một sự thống nhất cần thiết.
Một trong những nội dung quan trọng mà thuật ngữ triết học Châu Á muốn ám chỉ chính là những tư tưởng triết học bản địa của các dân tộc, các cộng đồng hay các quốc gia Châu Á.
Thực ra, trong hầu hết các quốc gia - dân tộc có bề dày văn hóa truyền thống, vấn đề có tồn tại hay không một nền triết học bản địa luôn không kém phần phức tạp. Đối chiếu với các tiêu chí phương Tây hàn lâm thì tư tưởng triết học của các dân tộc Châu Á thường kém tính hệ thống, không hoàn chỉnh về bộ máy khái niệm và phạm trù của riêng mình, cũng không nhất quán về các phương pháp tư duy và hoạt động thực tiễn. Đa phần các tư tưởng triết học phương Đông không phù hợp với các khuôn thước kinh điển Châu Âu, kiểu như duy vật - duy tâm hay nhị nguyên, bản thể luận hay nhận thức luận, biện chứng - siêu hình hay chiết trung, khả tri luận hay bất khả tri luận… Bởi vậy, việc chứng minh được Châu Á thực sự có triết học hay không cũng không phải là điều dễ dàng. Có thể hiểu được tại sao cho đến nay, vẫn có một số nhà triết học không thừa nhận, thậm chí, ngay cả Nho giáo, Phật giáo là những hệ thống triết học đích thực.
Về điều này, nên tham khảo ý kiến của Ph.I.Chíutchép (1803 - 1873) nhà thơ, nhà tư tưởng tài ba người Nga. Với mệnh đề nổi tiếng "bằng lý tính thì đừng mong hiểu được nước Nga", Chiútchép đã kịch liệt phê phán việc áp dụng một cách máy móc khuôn thước lý tính Châu Âu để nhận thức những nét đặc thù Nga. Mà ta biết, một nửa nước Nga chính là ChâuÂu, nơi góp phần không nhỏ làm nên tư duy duy lý ChâuÂu
Bởi vậy, khi tiếp xúc với các tư tưởng triết học bản địa Châu Á, cần có cách nhìn hợp lý hơn. Triết học và triết lý là sản phẩm của đời sống thực tế và nếu như đời sống vẫn nuôi dưỡng hay tôn vinh các tư tưởng nào đó lên tầm những định hướng về mặt thế giới quan và phương pháp luận đối với hoạt động của con người, thì cũng có thể coi đó chính là triết lý hoặc triết học. Theo nhà Đông phương học người Nga N.Cônrát (1891-1970), điều đáng chú ý ở các tư tưởng triết học bản địa của các dân tộc, như Grudia, Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ, Triều Tiên, Nhật Bản… là ở phương thức truyền tải tư tưởng vào đời sống và khả năng định hướng hoạt động rất mạnh mẽ của chúng. Chúng tôi có cảm giác đặc điểm này mang ý nghĩa phổ biến đối với tất cả các tư tưởng triết học bản địa Châu Á. Trong nghiên cứu so sánh với những tư tưởng có xuất xứ Châu Âu, Cônrát nhận ra rằng, những tư tưởng triết học bản địa, đặc biệt là các triết lý khái quát về đời sống con người, dù kém tính hệ thống, dù không mang vẻ uyên bác, song đi vào quần chúng rất nhanh, rất mãnh liệt và có sức lôi cuốn hành động rất đáng kể. Ở Việt Nam, bên cạnh những tác gia, những học phái có hệ thống tư tưởng rõ ràng, còn có không ít những tư tưởng triết học ở các nhà thơ, nhà hoạt động xã hội… thuộc về dạng này. Do đó, số đông quần chúng luôn dùng tư tưởng của họ làm triết lý cho đời sống của mình.
Vậy cái gì khả dĩ có thể làm cho những tư tưởng bản địa Châu Á định hình với tính cách là tư tưởng triết học Châu Á? Về nội dung này, xin được kiến giải như sau:
Triết học theo khuôn thước phương Tây không có khái niệm nhân sinh quan. Hay, nói chính xác hơn, từ thời cổ đại cho tới tận ngày nay, những nội dung thuộc về nhân sinh quan trổ triết học Châu Âu thường được diễn đạt trong khái niệm thế giới quan, là một bộ phận của khái niệm thế giới quan và nó cũng chỉ được bàn tới trong một số trường phái thuộc dòng nhân học triết học, chẳng hạn, Xôcrát, I.Cantơ, Tâya đơ Sácđanh, M.Silơ J.Xáctơrơ... Trong triết học phương Tây, khái niệm ngang hàng và cùng một cặp với thế giới quan chỉ có thể là phương pháp luận. Không giống như thế, trong triết học phương Đông, nhân sinh quan là một khái niệm lớn, chiếm vị trí đặc biệt quan trọng, nhất là triết học Nho - Phật - Lão. Nhân sinh quan là khái niệm ngang hàng và cùng một cặp với thế giới quan. Ở phương Đông, từ những triết gia lừng danh như Khổng, Mạnh... đến những người ít nhiều có tư tưởng riêng như NguyễnTrãi, M.Ganđi, TônDậtTiên... đều có bàn về nhân sinh quan và đều thực hành lối sống theo nhân sinh quan của mình. Đây chính là một đặc trưng của triết học Châu Á.
Nhân sinh quan đó là quan điểm sống, quan niệm sông, hệ thống các giá trị người và các giá trị xã hội có ý nghĩa định hướng hành vi, tức là những quan niệm gắn liền với cách sống, lối sống, với hành vi và phẩm chất của hành vi, với việc xác định ý nghĩa của cuộc sông và ý nghĩa của sự làm người...
Quả thực, xưa nay, triết học Châu Á luôn là triết học về con người. Nói cách khác, triết học về tồn tại, triết học thuần túy bản thể luận hay thuần túy nhận thức luận không thịnh hành ở Châu Á. Châu Á có những quan niệm sống, với hệ thống các giá trị làm người và ở đời (thuật ngữ của Hồ Chí Minh) khác biệt rất đáng kể so với phương Tây. Điều này đã được khẳng định trong các công trình của các tác giả như Đan Oatơ (Hongkong, 1995), Đavít Hítcốc (Hoa Kỳ, 1995), Mahathi Môhamát (Malaysia, 1996), Chen Fenglin (Trung Quốc, 1998), Francis Fukuyama (Hoa Kỳ, 1998), Phan Ngọc (Việt Nam, 1999), Tômmy Rô (Singapore, 1999), Risác Rôbinsơn (Austraulia, 1996) và nhiều tác giả khác nữa.
Tổng hợp theo nghiên cứu của các tác giả nói trên, chúng tôi thấy, nhân sinh quan Châu Á thể hiện ở những nội dung sau:
Đề cao đức tính cần cù, yêu lao động.
Đề cao giá trị hiếu học.
Đề cao giá trị gia đình, huyết tộc.
Đề cao giá trị cộng đồng, trách nhiệm cộng đồng.
Xếp kế sau bốn giá trị nói trên, còn có hàng loạt những phẩm chất khác cùng làm nên nhân sinh quan Châu Á. Những phẩm chất xã hội và cá nhân thường được kể đến là: cần kiệm và thanh đạm, đề cao bổn phận giữa chính phủ và công dân, coi trong xã hội có đạo đức, không tán thành chủ nghĩa cá nhân cực đoan (theo nghiên cứu của Tômmy Rô), tôn trọng quyền lực, đề cao chính quyền "độc đoán" (theo F.Fukuyama), tự lực cánh sinh, kỷ luật, đề cao nghĩa vụ đối với người khác, tôn trọng chính quyền (theo Đavít Hítcốc), chấp nhận, tự kiềm chế, trung thành với gia đình, bè đảng và Công ty, ưa hình thức, bảo thủ (theo Đan Oatơ), ưa giản dị, không bị những đòi hỏi vật chất dày vò, lo cho con cháu còn hơn lo cho chính mình (theo Phan Ngọc)...
Câu hỏi có thể được đặt ra ở đây là, tất cả những phẩm chất nói trên đâu phải chỉ có ở người Châu Á, dân tộc nào cũng cần cù ham học, yêu lao động... Vậy, liệu có thể coi đây là bảng giá trị đặc trưng cho Châu Á?
Vấn đề là ở chỗ, bằng các nghiên cứu so sánh, cả về mặt định tính lẫn về mặt định lượng, những tác giả dẫn ra trong bài này đều đi đến kết luận thú vị rằng, trong hầu hết các quan điểm triết học Châu Á, cũng như trong lối sống phổ biến của người Châu Á, đặc biệt là Đông Á và Đông Nam Á, bốn giá trị nói trên (cần cù, hiếu học, gia đình và cộng đồng) luôn luôn được đặt ở vị trí hàng đầu. NgườiMỹ và người ChâuÂu xếp vị trí ưu tiên trong bảng giá trị của mình những phẩm chất khác, đặc biệt là quyền cá nhân, lợi ích cá nhân và óc sáng tạo... Về nguyên tắc, những phẩm chất làm người mà dân tộc này cho là tích cực, thì cũng thường là tích cực đối với dân tộc khác. Tuy vậy, tích cực ở mức nào, có chiếm vị trí hàng đầu trong bảng giá trị hay không thì còn phụ thuộc vào văn hóa, vào phương thức sống, vào thế giới quan và nhân sinh quan của mỗi dân tộc. Cần cù, hiếu học, đề cao giá trị gia đình và cộng đồng được xếp ở vị trí ưu tiên chính là nét đặc thù của bảng giá trị Châu Á. Đây cũng là đặc thù của triết học Châu Á.
Cũng cần nói thêm rằng, hiện vẫn có không ít người, đặc biệt là những người còn bị chi phối bởi quan điểm duy phương Tây (chẳng hạn, những người theo Eurocentricism hay Orientalism), thường định kiến xem Châu Á như một vùng văn hóa có nhiều nét tiêu cực cố hữu. Tính nhị nguyên (nhị nguyên theo nghĩa xấu của từ này), thực dụng, duy kinh tế và dung hợp... được coi là những đặc trưng tiêu cực của triết lý Châu Á?
Những hoài nghi về phẩm chất Châu Á đặc biệt lộ rõ trong những năm 1997-1998 khi Châu Á xảy ra khủng hoảng tài chính. Lúc đó, người ta đặt câu hỏi: một Châu Á vẫn được coi là cần cù, hiếu học, tôn trọng các giá trị cộng đồng, sống có trách nhiệm, đề cao văn hoá truyền thống của mình... mà lại không đủ sức đề kháng trước khủng hoảng tài chính hay sao? Hay phải chăng, cái được che đậy bên trong những giá trị ấy, cái đã góp phần dẫn đến khủng hoảng tài chính, mới chính là nét chủ đạo của văn hoá Châu Á: tôn trọng con người, đề cao sự hoà hợp - mềm dẻo hay thực chất chỉ là thực dụng, duy kinh tế và dung hợp? F.Fukuyama đã có lý khi nhận định rằng, "từ chỗ được coi là động lực của sự thành công của Châu Á, ngày nay, các giá trị Châu Á bị coi là mầm mống của cuộc khủng hoảng".
Theo chúng tôi, vấn đề không giản đơn đến mức, văn hóa Châu Á màu hồng hay màu xám. Điều đó quá ngây thơ. Sự thực là, vài thập kỷ nay luôn có những học giả phương Tây, do chán ngấy những khuôn thước kinh điển và chủ nghĩa duy lý ChâuÂu, nên vô tình thổi vào Châu Á quan niệm coi truyền thống Châu Á gồm toàn những giá trị tốt đẹp khiến cho phương Tây phải thán phục, ngưỡng mộ. Thậm chí, có người còn cho rằng, đã đến lúc thế giới là thế giới của Châu Á (de - Asia). Điều này gây ra những ngộ nhận không đáng có.
Các học giả có tên tuổi ở Châu Á thường rất tỉnh táo để tránh những ngộ nhận này. Châu Á tự hào về những truyền thống tất đẹp của mình, luôn cố gắng cho một lễ Giáng sinh của các giá trị văn minh và văn hóa Châu Á. Nhưng Châu Á cũng biết tránh rơi vào vết chân của chủ nghĩa trung tâm cực đoan. Phát biểu tại Đại học Soócbon, Paris, 1983, trong dịp nhận bằng tiến sĩ danh dự, Inđira Ganđi, nữ chính khách nổi tiếng, một gương mặt điển hình của sự kế thừa triết học Ấn Độ đã thẳng thắn thừa nhận: "Không chỉ có sự khôn ngoan mà cả sự điên rồ của các thế kỷ đã qua đè nặng lên chúng tôi. Làm người thừa kế là chuyện nguy hiểm".
Gần đây hơn, năm 1996, phát biểu tại phiên họp lần thứ 29 Hội đồng kinh tê' Thái Bình Dương tổ chức tại Oasinhtơn, M.Mahathi, chính khách Malaysia, người được coi là nhiệt thành nhất trong việc ngợi ca các giá trị Châu Á, cũng đưa ra nhận xét rất đáng để chúng ta suy ngẫm: "Nhiều giá trị Châu Á rõ ràng là phải huỷ bỏ: Chúa chứng giám chúng tôi đã phải đấu tranh như thế nào để chống lại chúng. Nhiều nơi ở Châu Átheo chủ nghĩa duy vật thái quá. Còn ở nhiều nơi lại là chủ nghĩa chống duy vật thái quá. Đương nhiên, vẫn còn có chủ nghĩa duy tâm cực đoan thường được biểu hiện bằng các hình thức cực kỳ phi tôn giáo. Và, cũng lại có cả sự trái ngược nữa... Châu Á gắn bó chặt chẽ với phong tục tập quán, mê tín và thần linh. Tình trạng tham nhũng, tham nhũng nặng nề và thường rất phổ biến, và tình trạng làm ngơ trước tham nhũng cũng nặng nề và phổ biến. Danh sách của chúng quá dài, thậm chí không thể đếm được... NếuChâu Á không nhất thiết phải mang nghĩa tất thì phương Tây cũng không nhất thiết có nghĩa là xấu. Còn nhiều điểm ưu việt ở phương Tây mà Châu Á cần học hỏi. Ở những xã hội phương Tây tất đẹp nhất, người ta thấy có nhiều giá trị mà chúng tôi nên áp dụng và phổ biến sâu sắc hơn trong nước mình".
Với tất cả những gì vừa được soi trong tấm gương triết học Châu Á, rõ ràng, nhân sinh quan Châu Á đang là một vấn đề vừa đậm màu lý thuyết lại vừa hết sức thực tế.
Có lý do để thừa nhận, chưa bao giờ Châu Á phát triển như hiện nay, sự phát triển đang hứa hẹn tạo ra một Châu Á với vị thế mới của nó trong thế kỷ XXI. Cũng bởi thế, chưa bao giờ Châu Á được quan tâm như hiện nay, sự quan tâm nhằm giải mã những bí ẩn đầy quyến rũ của nó. Và triết học Châu Á, cội nguồn của những bí ẩn ấy, chính là mối quan tâm đầu tiên của các học giả ngoài Châu Á và của chính các học giả Châu Á.
Triết học Châu Á được quan tâm không chỉ là các nền triết học "kinh điển", như Nho Phật, Lão, hoặc một vài học phái triết học ấn Độ cổ đại... mà còn là các triết thuyết hoặc những tư tưởng triết học Châu Á bản địa, tạm gọi là "ngoài kinh điển", những triết thuyết hệ thống và có thể phi hệ thống, những tư tưởng nhất quán và có thể thiếu nhất quán, những quan điểm khả tri và có thể bất khả tri, những triết lý duy vật và có thể duy tâm... nghĩa là tất cả những gì đã và đang làm nên giá trị triết học Châu Á.
Do vậy, không nên đặt câu hỏi có triết học Châu Á hay không? Bởi lẽ, không thể phủ nhận tính chất triết học của các hệ thống tư tưởng Châu Á đã từng có vai trò to lớn đến mức có thể gọi là "kinh điển”. Vấn đề chỉ là ở chỗ, ngoài Nho, Phật, Lão... Châu Á còn là mảnh đất của những tư tưởng hoặc của những hệ thống tư tưởng triết học nào? Và, nếu coi đó là triết học, thì những tiêu chuẩn để xác định có cần thay đổi hay vẫn phải giữ nguyên như những tiêu chuẩn "hàn lâm"?
Trong các xã hội Châu Á hiện đại, người ta dễ thấy Nho, Phật, Lão vẫn còn giữ vị trí rất đáng kể đối với sự phát triển. Nhưng các tư tưởng triết học bản địa khác cũng có vai trò thật đáng quan tâm. Làm rõ diện mạo và những nét đặc thù của các type triết học "ngoài kinh điển" này là trách nhiệm của cả các học giả Châu Á và của cả các học giả ngoài Châu Á. Trong đó, các học giả Châu Á có vai trò thật đặc biệt - đứng ngoài Châu Á đôi khi cũng có thể nhìn Châu Á khách quan hơn, nhưng có những điều, quả thực, chỉ có người trong cuộc mới cảm nhận được.
Châu Á, như đang bàn, không còn là một khái niệm địa lý, cũng không phải là khái niệm địa - chính trị, mà đã hiện ra với tư cách một khái niệm triết học văn hóa. Từ bình diện văn hóa, có thể dễ thấy hơn triết học Châu Á với những đặc trưng riêng biệt của nó. Và, đặc trưng cơ bản của thuật ngữ mà ta gọi là triết học Châu Á chính là nhân sinh quan Châu Á. Nhân sinh quan chứ không phải thế giới quan. Trong tư duy triết học Châu Á, nhân sinh quan là khái niệm đồng hạng, cùng một cặp với thế giới quan.