Về cái gọi là hai thế giới - một của tôn giáo và một của triết học mácxit
Hiện nay có những nhà thần học và tôn giáo học cho rằng “có thể tồn tại đồng thời hai chân lý, với hai phương pháp nhận thức.
Một phương pháp của khoa học duy vật, một phương pháp nhận thức phi lý tính, nhận thức nhờ có lòng tin, cái chân lý mà tiêu chuẩn của nó không phải thông qua thực tiễn, mà là niềm tin do trực giác đưa lại với tất cả những yếu tố chủ quan của con người. Niềm tin ấy không thể đối nghịch với khoa học, vì thế giới phân chia thành hai phần, một thế giới cho khoa học duy vật, một thế giới hoàn toàn khác với nó - là thế giới thần linh - thế giới mà loại nhận thức lý tính không thể đạt tới được".
Trong tác phẩm "Định nghĩa về hiện tượng tôn giáo và về tôn giáo" nhà xã hội học, tôn giáo người Pháp - Durkheim - nhận xét rằng các nhà thần học và tôn giáo học đều gán cho tôn giáo hay tư duy tôn giáo những tính chất riêng biệt, những phương pháp riêng biệt phản ánh thế giới hiện thực, thoát khỏi nhận thức tầm thường. Ông viết: "Một khái niệm nói chung được coi là đặc trưng cho tất cả những gì là tôn giáo đó là khái niệm về cái siêu tự nhiên. Người ta hiểu (ông muốn ám chỉ các nhà thần học và tôn giáo học) cái siêu tự nhiên là mọi trật tự của các sự vật vượt qua tầm có thể với tới được của giác tính chúng ta, cái siêu tự nhiên đó là thếgiới bí ẩn của cái không thể biết, của cái không thể hiểu. Do đó, tôn giáo sẽ là một loại tự biện về tất cả những gì thoát ra khỏi khoa học và nói một cách chung nhất, thoát ra khỏi tư duy rõ ràng.
Thực chất,tư duy về cái bí ẩn, về cái thế giới siêu tự nhiên không phải là một đặc trưng quan trọng của tôn giáo, bởi ngay Thiên chúa giáo cũng đã có những thời kỳ (thế kỷ XVII) phải thỏa hiệp với khoa học và thừa nhận giáo điều của họ không có gì là rắc rối với khoa học và triết học. Ngay cả việc tôn giáo thường được coi là cái thực thể không phải để làm giàu kiến thức cho con người, mà giúp người ta sống và hành động. Nó như một nhu cầu tình cảm, một nhu cầu tinh thần và ở đó, chỉ có "tinh thần" thôi, thì điều ấy lại càng không hề chứng minh cho đặc trưng "siêu tự nhiên” của tôn giáo.
Người ta thường căn cứ vào việc tôn giáo hay sử dụng nhũng vấn đề mà khoa học chưa có lời giải đáp nhằm cắt nghĩa cho những sự bất thường của vũ trụ để coi đấy như một ưu thế riêng của tôn giáo. Nhưng, người ta đã không thấy rằng việc cắt nghĩa những cái bề ngoài đôi khi tỏ ra là kỳ lạ của tự nhiên được gán cho tôn giáo và nhờ đó mà tôn giáo có được đối tượng riêng của nó, là một điều sai lầm. Vì chỉ có một thực thể duy nhất - đó là con người với năng lực tự nhiên là lý tưởng hóa đối tượng của mình, mới có khả năng thay thế tự nhiên bằng một thế giới khác, thế giới chỉ tồn tại trong tư duy của chính mình, gán cho thế giới đó một phẩm chất cao hơn thế giới hiện thực và gọi nó là thế giới của những cái siêu tự nhiên. Thế giới ấy không nằm ngoài xã hội hiện thực và chính con người đã tự làm ra tôn giáo cho mình, chứ không phải tôn giáo làm ra tự nhiên con người và xã hội. Và cũng chính khoa học chứ không phải tôn giáo, trong quá trình nghiên cứu của mình đã thấy sự vật là phức tạp và không hoàn toàn dễ hiểu.
C. Mác cho rằng tôn giáo không ở trên trời mà ở dưới đất, rằng chính "con người sáng tạo ra tôn giáo, chứ tôn giáo không sáng tạo ra con người ông cũng đã phê phán sự sùng bái uy quyền được xem như là có nguồn gốc Thượng đế mà Thiên chúa giáo vẫn truyền bá và khẳng định: "Nhiệm vụ của lịch sử - sau khi cái chân lý của thế giới bên kia đã mất đi là xác lập chân lý của thế giới bên này". Khi trách cứ L.Phoiơbăc đã không lưu ý đầy đủ đến yếu tố chính trị - xã hội của tôn giáo, C.Mác xem tôn giáo không còn là ảo tưởng của một ý thức không hay biết gì về nguồn gốc vật chất và về bản chất thực sự của tôn giáo. C.Mác viết: "Sự nghèo nàn của tôn giáo vừa là biểu hiện của sự nghèo nàn hiện thực, vừa là sự phản kháng lại sự nghèo nàn hiện thực ấy". Trong các tác phẩm khác, C.Mác đã khảo sát các hình thức biến đổi những biểu tượng tôn giáo do ảnh hưởng của sự thay đổi xã hội. Ngay từ tác phẩm "Hệ tư tưởng Đức", C.Mác đã cho thấy sự liên quan mật thiết giữa tôn giáo và hoạt động vật chất: "Những cá nhân nhất định, hoạt động sản xuất theo một phương thức nhất định, đều nằm trong những quan hệ xã hội và chính trị nhất định" và "sự sản xuất ra những ý niệm, những quan niệm và ý thức thì lúc đầu là trực tiếp gắn bó mật thiết với hoạt động vật chất và với sự giao tiếp vật chất của con người". Chính sự liên quan này cho thấy tôn giáo là một trong những "ngôn ngữ của cuộc sống hiện thực". Như vậy, chỉ có con người mới có năng lực tư duy và phản ánh thế giới hiện thực, và tôn giáo chẳng qua chỉ là một trong những hình thái của ý thức xã hội mà thôi.
Trong lịch sử tư duy nhân loại, đã tồn tại sự đối lập một cách triệt để giữa chủ nghĩa duy tâm khách quan và chủ nghĩa duy vật khi xác định thế giới tinh thần là thực thể duy nhất tồn tại khách quan hay thế giới vật chất? F.Engen đã tranh luận về vấn đề này với Đuyrinh trong tác phẩm "Chống Đuyrinh". Ông Đuyrinh cho rằng thế giới thống nhất ở sự tồn tại của nó, tức là thế giới này do có chung một thuộc tính là tồn tại nên nó là thống nhất. Ông viết: "Tồn tại bao trùm tất cả là duy nhất". F.Engen đã bắt bẻ: nếu ông Đuyrinh nói với chúng ta rằng tồn tại bao trùm tất cả, tức là ông ta quả quyết trong trường hợp đó không có cái gì nằm ngoài tồn tại cả. Nhưng tồn tại có nhiều nghĩa, vật chất cũng tồn tại, ý thức, tư duy cũng tồn tại, Chúa cũng tồn tại, Thượng đế cũng tồn tại. Bởi thế, nói đến tồn tại chung tức là chưa nói đến gì cả. Và F.Engen khẳng định: "Tính thống nhất của thế giới không phải ở sự tồn tại của nó, mặc dù tồn tại là tiền đề của tính thống nhất của nó, vì trước khi thế giới có thể là một thể thống nhất thì trước hết thế giới phải tồn tại đã. Tồn tại nói chung là một vấn đề còn bỏ ngỏ, kể từ cái giới hạn mà ở đó tầm nhìn của chúng ta chấm dứt. Tính thống nhất thực sự của thế giới là ở tính vật chất của nó và tính vật chất này được chứng minh không phải bằng vài ba lời lẽ khéo léo của kẻ làm trò ảo thuật, mà bằng một sự phát triển lâu dài và khó khăn của triết học và khoa học tự nhiên". Như vậy, theo F.Engen, không một thế giới nào tồn tại khách quan ngoài thế giới vật chất đang tồn tại. Cũng trong tác phẩm này, F.Engen đã chỉ rõ: "Tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo - vào trong đầu óc của con người - của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ, chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế".
Tóm lại,người mácxít không coi tôn giáo là cái gì "siêu tự nhiên" như các nhà thần học và tôn giáo học đã giải thích. Nhưng, các nhà thần học lại không thừa nhận sự giải thích về Thượng đế, về tôn giáo mà nhận thức lý tính của chúng ta đã quan niệm một cách rõ ràng như vậy. Theo họ, tính chất "siêu tự nhiên" - đó là một thuộc tính, một đặc trưng của tôn giáo và con người đã tự mình học lấy cách giải quyết mọi vấn đề quan trọng nhờ sự giúp đỡ của Thượng đế, rằng con người đã cầu đến sự giúp đỡ của Chúa để giải quyết những vấn đề lầm lỗi, lo toan, sợ hãi và chết chóc, rằng chỉ có Thiên chúa giáo mới có thể trả lời được những vấn đề đó. Điều đó cho thấy họ đã gán cho tôn giáo những tính chất riêng biệt, có khả năng phản ánh hiện thực bằng những phương pháp riêng của mình khi thoát ra khỏi nhận thức lý tính, nhận thức khoa học. Thậm chí theo họ, tư duy tôn giáo không cần đến những quy luật của logic học. Thực ra, trái với cái vẻ bề ngoài ấy, tôn giáo dường như thuộc về một thế giới hoàn toàn khác, một thế giới huyền bí và sự huyền bí ấy sẽ tan biến mất đi nếu quan sát hiện thực khách quan một cách sâu sắc. Đằng sau quan niệm ấy là cả một hiện thực khách quan mà tôn giáo đã vận dụng đó là tự nhiên, xã hội, con người.
█Còn có một lý do khác khiến các nhà thần học đặt ra vấn đề này. Trước đây, khi các nhà khoa học khám phá ra những bí mật của thế giới tự nhiên, những thành tựu khoa học đã khiến cho con người cảm thấy lạc quan về tiềm năng của khoa học và tin rằng con người có thể làm chủ được tự nhiên. Song từ khi khoa học tìm ra năng lượng hạt nhân, thì sự đe dọa của chiến tranh hủy diệt lại bao trùm lên toàn thếgiới, và điều đó tạo ra cho con người cảm giác bất lực, loài người thấy mình bị đe dọa bởi chính những sáng tạo của mình. Đứng trước sự bấp bênh vả những hiểm họa có thể xảy ra với cuộc sống con người, con người thấy bất an, tự ti và trở nên tồi tệ trong suy nghĩ, trong cách nhìn nhận hiện thực khách quan. Do đó, những hành vi sai lệch có thể xảy ra, và rất có thể người ta lại tin theo một tín ngưỡng nào đó, như sự cứu rỗi của Chúa, để đáp ứng nhu cầu là làm bớt đi nỗi lo âu sợ hãi.
Kéo theo là sự ra đời của hàng loạt tín ngưỡng và giáo phái rao truyền về ngày tận thế của nhân loại. Mức độ tinh vi của những tín ngưỡng này nằm ngay trong khả năng nhào nặn những ý tưởng cho phù hợp với nhu cầu của con người để lợi dụng họ. Đã có biết bao vụ thảm sát tôn giáo hay sự thôi thúc con người tự tìm đến cái chết xảy ra ở Mỹ, Canađa, Nhật Bản và nhìn chung là ở những nước có nền kỹ thuật cao. Câu hỏi đầu tiên là tại sao người ta lại bị lôi kéo đến tình trạng mất khả năng suy nghĩ, tham dự vào những hành động phá hủy cuộc sống con người và phá hủy chính mình? Phải chăng sự hưng thịnh của tôn giáo và các tín ngưởng ờ các xã hội có nền kỹ thuật cao là kết quả của một xã hợi phát triển, khi cuộc sống bị lệ thuộc quá nhiều vào kỹ thuật, nó tước đoạt của con người ý thức về sự thành đạt. Con người hiện đại luôn phải đối phó, học hỏi, chạy theo kỹ thuật mới.Và phải chăng chính điều đó đã tạo nên ở con người cảm giác thấy mình thấp kém, thậm chí là ngu đần? Phải chăng những vấn đề đó là những nhân tố dẫn đến khuynh hướng chạy theo tôn giáo và tin vào sự cứu rỗi của Chúa?
Trên thực tế, những gì liên quan đến chức năng nhận thức và lĩnh hội đối với các hiện tượng vật chất thì tôn giáo (nhất là Thiên chúa giáo) đã công khai thừa nhận là địa hạt của khoa học và nó cho vật chất là cái phàm tục nhất, cái mà tôn giáo sẵn sàng dành riêng khoa học. Còn các hiện tượng tinh thần mà con người chỉ có thể thám nhập vào đó bàng con đường rất đặc biệt, thì đó là lãnh địa của tôn giáo. Và chính ở đây, tôn giáo và khoa học vẫn xung đột dai dẳng mỗi khi khoa học có ý định cắt nghĩa và làm chủ cả "lãnh địa" dành riêng cho tôn giáo ấy.
Từ trước tới nay, khoa học chưa bao giờ phủ nhận vai trò tôn giáo theo nghĩa nó như một nhu cầu tình cảm tất yếu của con người, một đức tin cho cuộc sống con người. Đó cũng là lý do để tôn giáo tự cho mình là một linh vực riêng mà khoa học không thể len vào. Khoa học tranh luận với tôn giáo không phải để tước đi cái quyền tồn tại đó, mà là quyền giáo điều hóa về bản chất của sự vật, của thế giới. Và điều quan trọng thứ hai, không có đối tượng riêng cho tư duy tôn giáo hướng vào đó. Đằng sau bức màn bí ẩn mà tôn giáo coi là của riêng mình đó là tự nhiên, xã hội, con người bị phản ánh một cách sai lệch. Song, cũng do đó mà những tín đồ tôn giáo lại cho rằng người mácxít chỉ biết bằng lòng với một quan điểm xã hội - chính trị về tôn giáo mà không chú ý đến vấn đề đức tin và tình cảm.
Về vần đề đức tin, thì cả khoa học và tôn giáo đều có. Nhưng cái tạo ra sự tin cậy, niềm tin vào các lý thuyết do khoa học đem lại là do chúng được kiểm tra bằng thực tiễn, thực nghiệm hoặc là kết quà suy luận tuân thủ triệt để những quy tắc, quy luật của logic học. Nếu như các lý thuyết khoa học không phù hợp với bản tính của các sự vật thì nó không thể chi phối, ảnh hưởng lâu dài đến các sự vật trong hoạt động sản xuất vật chất và đời sống tinh thần của toàn xã hội. Còn bản thân đức tin của tôn giáo, khi cắt nghĩa vì sao các tín đồ lại tin ở Chúa thì tôn giáo đã phải giả định đức tin đó là một tồn tại đúng, thành thử nó là mâu thuẫn.
Còn vấn đề tình cảm, thực ra người mácxít có quan tâm đến tính đặc thù, đến quan hệ nội tâm giữa những tín đồ tôn giáo và đấng tối cao của họ. F.Engen đã coi tôn giáo là hình thức tình cảm của con người. Ông viết: "Dưới cái hình thức thuận tiện, cụ thể và có thể thích ứng được với tất cà mọi tình hình đó, tôn giáo vẫn có thể tiếp tục tồn tại với tư cách là một hình thức trực tiếp, nghĩa là một hình thức cảm xúc trong quan hệ của con người đối với các lực lượng xa lạ, tự nhiên và xã hội đang thống trị họ". F.Engen còn coi tôn giáo là một hình thái đặc biệt của ý thức xã hội và có tính độc lập tương đố của nó và so với chính trị, pháp quyền, đạo đức, tôn giáo có thể còn tồn tại lâu dài sau khi cái "tồn tại xã hội" mà nó phản ánh đã khác đi.
Nhân loại từ nhiều thế kỷ nay đã có những gắn bó với Thiên chúa giáo và các tôn giáo khác, ngay cả những người tuy đã rời bỏ tôn giáo nhưng tình cảm, cảm xúc của họ đối với tôn giáo vẫn thấm đượm trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật của họ. Điều đó khiến chúng ta không thể không thừa nhận tôn giáo không xa lạ và hoàn toàn vô ích đối với cuộc sống con người. Trong tác phẩm "Chống Đuyrinh”, F.Engen đã phê phán sai lầm của Đuyrinh khi cho rằng"trong xã hội tự do, không thể có sự thờ cúng, bởi vì mỗi thành viên của xã hội đều khắc phục được cái quan niệm ấu trĩ nguyên thủy cho rằng ở đằng sau thiên nhiên hay bên trên thiên nhiên, có những đấng mà người ta có thể dùng những vật hy sinh hay những lời cầu nguyện để tác động đến. Vì thế, hệ thống xã hội, XHCN, được hiểu một cách đúng đắn, phải phế bỏ mọi trang bị của sự mê hoặc tinh thần, và do đó, phế bỏ tất cả những yếu tố cơ bản của sự thờ cúng". Theo F.Engen, chúng ta không thể chống Thiên chúa giáo cũng như mọi tôn giáo nói chung theo kiểu "từng bọn hiến binh" để "truy kích" tôn giáo, hay sử dụng những đạo luật nghiêm ngặt cấm tôn giáo như Đuyrinh đã đề nghị, bởi làm theo cách đó, vô tình chúng ta đã làm cho tôn giáo đạt được mục đích đề cao tinh thần tử vi đạo và kéo dài thêm sự tồn tại của nó F.Enggen cho rằng muốn hạn chế tôn giáo thì "trước hết cần phải có một hành động xã hội và giải phóng tất cả mọi thành viên trong xã hội khỏi tình trạng bị nô dịch... bị giam cầm bởi những tư liệu sản xuất do chính tay họ làm ra nhưng lại đối lập với họ như một sức mạnh xa lạ không sao khắc phục nổi... chỉ khi đó, cái sức mạnh xa lạ cuối cùng hiện nay vẫn còn đang phản ánh vào tôn giáo mới sẽ mất đi, và cùng với nó bản thân sự phản ánh có tính chất tôn giáo cũng sẽ mất đi, vì khi đó sẽ không có gì để phản ánh nữa". Và F.Engen coi đó là "cái chết tự nhiên" của tôn giáo.
Mục đích của chúng ta là đối thoại, tranh luận trên bình diện thế giới quan, nhận thức luận, chứ không phải là chứng minh cho cái chết của tôn giáo, là trình bày một cách có sức thuyết phục về khả năng nhận thức thế giới của con người, trong đó cả thế giới mà tôn giáo cho là lĩnh vực riêng của mình, chứ không phải là xóa bỏ tôn giáo theo lối thủ tiêu nó bằng bạo lực, bằng các đạo luật nghiệt ngã. Cái thế giới thần linh hoặc siêu tự nhiên mà tôn giáo cho là lĩnh vực của riêng mình, thực ra đã bị sự phát triển của khoa học thu hẹp đi nhiều và chắc rằng trong tương lai, nó còn bị thu hẹp nữa. Mỗi một phát minh của khoa học là một bước rút lui của tôn giáo và buộc tôn giáo phải thay đổi hình thức để tiếp tục tồn tại.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm Quỳnh