Cùng triết học vững bước tiến vào kỷ nguyên mới
Chúng ta vừa giã từ thế kỷ XX, bước vào thiên niên kỷ mới với rất nhiều những biến động xã hội và môi trường sống cùng với vô vàn thành công và những phát minh trong nhiều lĩnh vực khoa học - công nghệ phục vụ con người. Kho tàng tri thức của chúng ta đang tăng lên hết sức nhanh chóng.
Để tiến vào tương lai, chắc chắn chúng ta không chỉ dựa vào khoa học hiện đại, vào kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, mà còn nhất thiết cần phải dựa vào tư duy khoa học và tư duy lý luận ở trình độ cao và hiện đại. Tuy nhiên, có một thực tế khách quan là các nền văn hoá hiện tại đang thiếu sự hợp nhất chung. Sự thể hiện của văn hoá đang rất đa dạng: những hệ tư tưởng, các dòng tôn giáo, những hệ thống tư duy, những ngành nghề, những lý thuyết & phương pháp luận... Chúng thiếu mạch lạc, phần lớn mâu thuẫn lẫn nhau và làm nảy sinh một tình trạng là có nhiều hệ thống tri thức cung cấp cùng một chủ đề tri thức nhưng không có sự chỉ đạo để có thể chọn một cái thích hợp nhất.
Mặt khác, chúng ta lại đang quan sát và tư duy về một thế giới phức tạp, biến đổi nhanh và đầy những bất ngờ... Rất nhiều kiến thức, trí khôn do chúng ta tích luỹ được có thể sẽ mất đi tính hợp lý bởi kiến thức bị phân đoạn, quá tải thông tin, nội dung thay đổi liên tục thậm chí có khi trái ngược hoàn toàn, thông tin thiếu chắc chắn... Tất cả làm cho tâm lý của con người trong xã hội hiện đại thiếu ổn định, không vững chắc.
Trong những bước chuyển to lớn của đời sống xã hội, thế giới quan triết học thể hiện tầm vóc lớn lao của mình. Công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá, cách mạng tri thức của nhân loại... đòi hỏi mỗi chúng ta phải có một thế giới quan đúng đắn, khoa học và cách mạng, một thế giới quan thống nhất.
Chúng ta tìm đến và đề cao vai trò quan trọng của Triết học với mỗi người và nền văn hoá chung của nhân loại. Như lời K. Marx nói, Tư tưởng triết học ở mỗi thời đại là “sự kết tinh tinh thần của thời đại”. Triết học vốn không chỉ là thành quả của tư duy và văn minh nhân loại, có ý thức hoặc không có ý thức mà còn là nhu cầu không thể thiếu của con người từ xưa đến nay. Dù là con người của các thời đại trước hay của thế giới hôm nay thì cũng đều phải tự tìm câu trả lời về ý nghĩa cuộc sống, về hiện tại và tương lai của mình, về cách thức đấu tranh cho hạnh phúc cá nhân và của mọi người. Ý tưởng triết học luôn là những kết luận sâu sắc, sáng sủa, toàn diện, trả lời không có giới hạn cho các vấn đề mà “tinh thần của thời đại” đặt ra và đòi hỏi phải được giải quyết.
Đã từng có lúc con người bất lực trong việc tự đi tìm câu trả lời cho các vấn đề đó cho nên đã phải nhờ đến truyền thuyết, tôn giáo... Nếu triết học không giúp con người tự thuyết phục được mình bằng luận cứ khoa học chặt chẽ thì người ta dễ ngả theo đi tìm niềm an ủi, sự tự giải thoát về tinh thần, niềm hạnh phúc ảo trong giáo lý của tôn giáo hay mê tín hoặc các tín ngưỡng dân gian của các dân tộc đã từng tồn tại hàng nghìn năm.
Từ khi có triết học, con người được cung cấp Thế giới quan của thời đại mình. Nó ghép nối nhuần nhuyễn theo phương thức của mình những kiến thức rải rác giúp cho chúng ta xác định rõ sự tương tác của mình với thế giới. Điều hết sức quan trọng là triết học còn cung cấp cho con người phương pháp tư duy, phương pháp nhận thức. Lịch sử đã từng chứng kiến những bước ngoặt trong khoa học và trong sản xuất của xã hội, gắn liền với bước ngoặt trong phương pháp nhận thức mà ở một số giai đoạn nhất định chính các nhà triết học là người có công đầu. Điều đó có nghĩa là thông qua Triết học, con người được cung cấp một đôi mắt mới của trí tuệ và tâm thức để nhìn thế giới rõ hơn. Nhà văn Pháp Marcel Proust từng nói: “Một cuộc thám hiểm thật sự... không ở chỗ tìm kiếm những vùng đất mới, mà ở chỗ có những đôi mắt mới”.
Bước vào thế kỷ XXI, nhu cầu về triết học của con người trong tương lai sẽ không ngừng tăng lên và cũng sẽ vô cùng phức tạp, thậm chí do sự pha tạp của cuộc sống, có phần sẽ hỗn độn hơn. Tuy vậy, một số kiến thức cụ thể nhất định nào đó có thể sẽ lạc hậu dần theo thời gian nhưng phương pháp nhận thức, phương pháp tư duy là cái khá bền vững.
Người trẻ tuổi dễ bị sa vào những thông tin tầm thường, thiếu chiều sâu của tư duy. Trong khi cuộc sống mới đầy biến động và nhiều mâu thuẫn, cái thiện đang bị cái ác rình rập, đe doạ, những bi kịch của con người chưa chấm dứt, con người còn vấp phải trăm ngàn khó khăn, rủi ro đủ loại...thì trước thực tế mới, nhiệm vụ mới họ lại dễ đánh mất tự tin, dễ hoang mang, chao đảo vì thiếu nền tảng, thiếu căn bản trong những vấn đề thế giới quan, nhận ra những giá trị quan trọng của các học thuyết lớn của nhân loại.
Tư tưởng, thế giới quan cuộc sống được trao đổi, chuyển giao trong các cộng đồng, giữa các thế hệ. Qua thực tế có thể nhận thấy đa số những cuộc tranh luận các vấn đề cụ thể, đều bắt nguồn và dẫn tới tranh luận về một vài câu hỏi của Thế giới quan. Trong các cộng đồng trực tuyến, các môi trường truyền thông tương tác, nhiều cuộc tranh luận rất dễ nổ ra và kéo dài bất tận mà những người tham gia không ý thức được đó là sự tranh luận về những chủ đề Triết học, Thế giới quan.
Bởi vậy, để vững bước tiến vào thiên niên kỷ mới, cần phải thực sự tôn trọng và tin cậy triết học, đối xử với triết học như một công cụ quan trọng.Mỗi người cần có sự chuẩn bị quan trọng cho mình là phải hình thành một bức tranh tổng quát, vững chắc, một cách nhìn thế giới theo quan điểm triết học của thời đại.
Dưới sự tác động của các quá trình dân chủ hoá, nhân văn hoá, tin học hoá và toàn cầu hoá, việc xác định tình trạng hiện thời của đời sống xã hội và vạch ra con đường phát triển của nó trong tương lai, xây dựng một thế giới quan tốt đẹp cho từng người và toàn xã hội không chỉ là công việc riêng của các nhà lãnh đạo, các chính trị gia, mà còn cuốn hút sự tham gia đông đảo của mọi tầng lớp đại chúng. Hơn ai hết, thế hệ trẻ cần phải được định hướng, trang bị một thế giới quan tốt nhất cùng với khả năng tự suy xét, chọn lọc kiến thức và định hướng hành động cho bản thân. Các kiến thức lẫn phương pháp tư duy, phương pháp nhận thức của triết học đều rất bổ ích, giúp cho bạn trẻ lựa chọn đúng các khả năng, khẳng định được hướng đi và cách làm phù hợp để đạt đến mục tiêu mong ước.
Trong khung cảnh như thế, việc xác định, xây dựng và phổ biến một thế giới quan khoa học và cách mạng sẽ mang lại một ý nghĩa vô cùng quan trọng.Chỉ khi có một thế giới quan như vậy, quần chúng mới trở thành động lực lớn lao của quá trình lịch sử, và mỗi con người mới thực sự trở thành một thực thể tự do và sáng tạo. Một thế giới quan của thời đại mới phải được nỗ lực chuẩn bị và xây dựng thận trọng dựa trên những đỉnh cao của khoa học thời đại, tư tưởng triết học duy vật vĩ đại của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác ở thế kỷ XX. Hơn bao giờ hết, tri thức triết học nói chung, tri thức triết học biện chứng duy vật và phương pháp luận duy vật biện chứng nói riêng có vai trò hết sức quan trọng đối với tương lai. Đó cũng là cách để chúng ta luôn đứng vững và đi vào thế kỷ mới dựa trên tầm cao của văn minh nhân loại.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh BùiSách và doanh nghiệp: Đọc để phát triển
01/01/1900Tố Tâm