“Nhân” trong luận ngữ của Khổng Tử
Nho giáo ra đời vào thế kỷ VI trước công nguyên do Khổng Tử (551 - 479 TCN) là người sáng lập. Tại quê hương của Nho giáo đã từng có lúc rộ lên "Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng", nhưng thực tế đã chứng minh, cuối cùng thì Nho giáo vẫn là học thuyết có sức sống lâu bền nhất.
Lịch sử hình thành, phát triển của Nho giáo với nội dung, tính chất và vai trò lịch sử của nó luôn là đề tài hấp dẫn đối với giới nghiên cứu lý luận. Dường như mỗi một bước tiến mới của lịch sử thì từng vấn đề trong nội dung của Nho giáo lại được đề cập, xem xét lại và được đánh giá một cách đầy đủ hơn, đúng đắn hơn. Có thể nói, một học thuyết ra đời cách đây hơn 2.500 năm đã được sự kiểm chứng của thời gian thì giá trị của nó về mặt lý luận và thực tiễn là điều chúng ta không dễ bỏ qua. Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi chỉ muốn góp thêm tiếng nói về một khía cạnh mà, theo chúng tôi, mang tính tích cực và có ý nghĩa đối với chúng ta trong thời đại ngày nay. Đó là tư tưởng "Nhân" trong học thuyết của Khổng Tử.
Khái niệm "Nhân" trong học thuyết của Khổng Tử được đề cập ở rất nhiều tác phẩm, nhưng trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập tới nội dung của khái niệm này trong Luận ngữ. Luận ngữlà tác phẩm ghi lại lời bàn luận giữa Khổng Tử và các học trò của ông. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê, tác phẩm này do nhiều người ghi và ra đời sớm nhất cũng là sau khi Khổng Tử đã mất chừng bảy mươi hoặc tám mươi năm. Chính vì vậy mà nhiều điều do Khổng Tử nói ra đã không được các học trò của ông ghi lại đầy đủ. Điều đó khiến chúng ta gặp không ít khó khăn khi nghiên cứu tư tưởng của Khổng Tử. Trong Luận ngữcó nhiều khái niệm được lặp lại nhiều lần. Chẳng hạn như khái niệm "Nhân"- 109 lần, khái niệm "Người quân tử"- 107 lần, khái niệm "Lễ" - 74 lần, khái niệm "Đạo", 60 lần. Do đó, trong giới nghiên cứu đã có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về nội đung của các khái niệm này.
"Nhân" trong Luận ngữcủa Khổng Tử là một trong những khái niệm nhận được nhiều ý kiến đánh giá khác nhau nhất. Có người cho "Nhân" là nội dung cơ bản của Luận ngữvà là tư tưởng chủ đạo của Khổng Tử. Có người lạicho rằng "Lễ" mới là nội đung cơ bản của tác phẩm và có người còn coi cả "Nhân" và "Lễ" đều là nội dung cơ bản của tác phẩm. Theo chúng tôi, quan niệm coi "Nhân" là nội dung cơ bản của Luận ngữ,là tư tưởng chủ đạo của Khổng Tử - đó là quan niệm chính xác, đúng đắn. Chúng tôi đồng ý với quan niệm này không phải là đồng ý với nghĩa là khái niệm "Nhân" được nhắc tới nhiều lần trong tác phẩm, mà chính là vì xuất phát từ hiện thực lịch sử của Trung Quốc lúc bấy giờ, Trung Quốc khi đó là thời kỳ mà "Chiến tranh là phương thức phổ biến để giải quyết mâu thuẫn và quyền lợi, địa vị đương thời". Trong thời đại của Khổng Tử, các tầng lớp thống trị, một mặt, dùng chiến tranh để tranh giành quyền lợi, mặt khác, sử dụng chiến tranh để lôikéo kẻ sĩ, sai khiến họ bầy mưu tính kế nhằm thu phục thiên hạ và giành quyền bá chủ cho mình. Đứng trước tình hình xã hội như vậy, các kẻ sĩ muốn dùng đạo của mình để cải tạo xã hội và Khổng Tử cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Suốt cuộc đời mình, Khổng Tử luôn quan tâm tới vấn đề này. Ông nói: "Ta 15 năm tuổi để chí vào việc học (đạo), 30 tuổi biết tự lập (tức khắc kỷ phục lễ, cứ theo điều lễ mà làm), 40 tuổi không nghi hoặc nữa (tức có trí đức nênhiểu rõ ba đức nhân, nghĩa, lễ), 50 tuổi biết mệnh trời (biết được việc nào sức người làm được, việc nào không làm được), 60 tuổi đã biết theo mệnh trời, 70 tuổi theo lòng muốn của mình mà không vượt ra ngoài khuôn khổ đạo lý". Với một con người suốt đời "học không chán, dạy người không mỏi", lúc nào cũng chỉ muốn đem cái đạo của mình ra giúp đời và giúp cho đời ổn định thì đó phải là người có lòng nhânrộng lớn biết bao.
Trong Luận ngữ,khái niệm "Nhân" được Khổng Tử nhắc tới nhiều lần và tùy từng đối tượng, từng hoàn cảnh mà "Nhân" được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Theo nghĩa sâu rộng nhất "nhân" là một nguyên tắc đạo đức trong triết học Khổng Tử. “Nhân" được ông coi là cái quy địnhbản tính con người thông qua "lễ", "nghĩa", quy định quan hệ giữa người và người từ trong gia tộc đến ngoài xã hội. "Nhân" có quan hệ chặt chẽ với các phạm trù đạo đức khác trong triết học Khổng Tử để làmnên một hệ thống triết lý nhất quán, chặt chẽ và do vậy, đã có người cho rằng, nếu coi các phạm trù đạo đức trong triết học Khổng Tử như những vòng tròn đồng tâm thì "Nhân" là tâm điểm, bởi nó đã chỉ ra cái bản chất nhất trong bản tính con người. "Nhân" cũng có thể hiểu là "trung thứ", tức là đạo đối với người, nhưng cũng là đạo đối với mình nữa. Trong một cuộc nói chuyện với các học trò Khổng Tử đã nói: Đạo của ta chỉ có một lẽ mà thông suốt cả. Về điều này, Tăng Tử -một học trò của Khổng Tử cho rằng, Đạocủa Khổng Tử là "trung thứ". "Trung" ở đây là làm hết sức mình, còn "thứ" là suy từ lòng mình ra mà biết lòng người, mình không muốn điều gì thì người cũng không muốn điều đó. "Trung thứ" là sống đúng với mình và mang cái đó ứng xử tốt với người.
Dù trong Luận ngữcó nhiều sự giải thích khác nhau về "Nhân", song sự giải thích trong thiên "Nhan Uyên" là có tính chất bao quát hơn cả. Có thể nói, ở đây "Nhân" trong quan niệm của Khổng Tử là "yêu người" (Luận ngữ,Nhan Uyên, 21). Nếu nhìn toàn bộ tư tưởng của ông, phải xem nội dung trên là tiêu biểu cho điều "Nhân". "Nhân" là "yêu người", nhưng người nhân cũng còn phải biết "ghét người". Với Khổng Tử thì chỉ có người có đức nhân mới biết "yêu người" và "ghét người". Khổng Tử nói: "Duy có bậc nhân mới thương người và ghét người một cách chính đáng mà thôi" (Luận ngữ,Lý nhân, 3).
Có người cho rằng, "Nhân" (người) trong "ái nhân" (yêu người) là chỉ con người trong giai cấp thống trị và yêu người trong tư tưởng Khổng Tử chỉ là yêu người trong giai cấp phong kiến. Thực ra, khái niệm "Nhân" (người) mà Khổng Tử dùng ở đây là để đối với "cầm thứ'. Do đó, đi liền với "Nhân" (người) là các khái niệm "thiện nhân", "đại nhân", "thành nhân", "nhân nhân", "thánh nhân", "tiểu nhân"... Các khái niệm này nhằm chỉ những con người có tính cách khác nhau, trình độ đạo đức khác nhau. "Thánh nhân" là người có đạo đức cao siêu, "tiểu nhân" là người có tính cách thấp hèn…"Nhân" ở đây là chỉ con người nói chung và "ái nhân" là yêu người, yêu bất cứ người nào, không phân biệt giai cấp, địa vị xã hội của họ.
Trong Luận ngữ,có chỗ Khổng Tử không dùng khái niệm "Nhân" (yêu người),nhưng nội dung thể hiện ở đó lạithấmđượm tình yêu thương cao cả. Qua nhữngtrường hợp sau có thể thấy rõ. Có lần một học trò của Khổng Tử là Tử Du hỏi về “hiếu”, Khổng Tử trả lời: "Điều hiếu ngày nay chỉ có nghĩa là có thể nuôi cha mẹ. Nhưng đến loài chó ngựa cũng đều được nuôi, nếu không có lòng kính thì làm thế nào phân biệt được"."Hiếu” ở đây vừa có ý nghĩa là nuôi nấng, chăm sóc cha mẹ, vừa phải có lòng kính yêu cha mẹ, yêu thương rất mực đối với cha mẹ.Lại một lần khác, Khổng Tử xong việc ở triều đình về, nghe nói chuồng ngựa cháy, câu đầu tiên ông hỏi là: có ai bị thương không và không nói gì tới ngựa cả. Điều đó cho thấy, ông quan tâm đến sinh mệnh con người (dù đó là những người hầu hạ) hơn là sự sống còn của ngựa (tức là của cải).Tư tưởng "Nhân" là "yêu người" của ông thực sự đã được thể hiện ra mọi nơi, mọi lúc.
Coi "Nhân" là "yêu người", trong Luận ngữ,Khổng Tử đã dành không ít lời đểnói về đạo làm người. Khi Nhan Uyên hỏi Khổng Tử về "Nhân", Khổng Tử đã nói: “Sửa mình theo lễ là nhân. Ngày nào cũng khắc kỷ phục lễ, ngày đó mọi người trong thiên hạ tự nhiên cảm hoá mà theo về đức nhân. Vậy nhân là do mình, chớ há do ngườisao?" (Luận ngữ,Nhan Uyên, l). Trọng Cung - một học trò khác của Khổng Tử hỏi về "Nhân", Khổng Tử cho rằng, những cái gì mà mình không muốn thì đừng đem thi hành cho người khác - đó là đức hạnh của người nhân (Xem: Luận ngữ, Nhan Uyên, 2). Còn khi Phàn Trì hỏi về "Nhân", Khổng Tử giảng giải rằng, “khi ở nhà thì giữ diện mạo cho khiêm cung, khi làm việc thì thi hành một cách kính cẩn, khi giao thiệp với người thì giữ đức trung thành. Dẫu có đi đến các nước rợ Di, Địch cũng chẳng bỏ ba cái đó, như vậy là người có đức nhân" (Luận ngữ,Tử Lộ, 19). Người nhân trong quan niệm của Khổng Tử còn là người phải làm cho năm điều đức hạnh được phổ cập trong thiên hạ. Năm điều đức hạnh đó là: cung, khoan, tín, mẫn, huệ. Ông nói: "Nếu mình nghiêm trang cung kính thì chẳng ai dám khinh mình. Nếu mình có lòng rộng lượng thì thu phục được lòng người. Nếu mình có đức tín thật thì người ta tin cậy mình. Nếu mình cần mẫn, siêng năng thì làm được công việc hữu ích. Nếu mình thi ân, bố đức, gia huệ thì mình sai khiến được người" (Luận ngữ,Dương Hoá, 6). Không chỉ thế, người nhân, theo Khổng Tử, còn là người mà "trước hết phải làm điều khéo, rồi sau mới đến thu hoạch kết quả" (Luận ngữ,Ung dã, 20), và "người cứng cỏi, can đảm, kiên tâm, quyết chí, chất phác, thật thà, ít nói thì gần với nhân" (Luận ngữ,Tử Lộ, 27). Với Khổng Tử, chỉ có người nhân mới có thể có được cuộc sống an vui lâu dài với lòng nhân của mình và dẫu có ở vào hoàn cảnh nào, cũng có thể yên ổn, thanh thản. Do vậy, theo ông, người nhân "bậc quân tử không bao giờ lìa bỏ điều nhân, dẫu chỉ trong một bữa ăn. Người quân tử không bao giờ ở sai điều nhân, dẫu trong lúc vội vàng, khi ngả nghiêng cũng vẫn theo điều nhân" (Luận ngữ,Lý nhân, 5).
Như vậy, có thể nói, trong quan niệm của Khổng Tử, "Nhân" không chỉ là "yêu người", "thương người", mà còn là đức hoàn thiện của con người, và do vậy, "nhân chính" là đạo làm người - sống với mình vả sống với người, đức nhân là cái bền vững như núi sông. Với ông, nếu thịnh đức của trời - đất là sinh thành, bắt nguồn từ đạo trung hoà, trung dung thì cái gốc của đạo lý con người là "trung thứ" và đạo đức, luân lý con người là "Nhân", người có đạo nhân là bậc quân tử, nước có đạo nhân thì bền vững như núi sông. Tuy nhiên, trong thời kỳ Xuân Thu - Chiến Quốc đã có nhiều học thuyết phê phán chữ "Nhân" (yêu người) của Khổng Tử. Có người cho đó là giả dối, có người cho đó là nói suông, có người lại cho đó là nguồn gốc của bất nhân, bất nghĩa... Thế nhưng không phải vì thế mà tư tưởng "Nhân" của Khổng Tử không đi vào lòng của nhiều người đương thời, gây cho họ biết bao sự xúc động và làmcơ sở cho hành động nhân đạo của họ. Thực tế cho chúng ta thấy, "từ đời Hán trở đi, suốt trên hai nghìn năm đạo Khổng được độc tôn, Vua Chúa đời nào cũng ráng áp dụng nó, mặc dầu không đúng. Nó thực tế hơn đạo Mặc, đạo Lão, nhân bản hơn thuyết của Pháp gia". Cũng cần phải nói thêm rằng, trong Luận ngữ,tư tưởng "Nhân" của Khổng Tử còn bao gồm nhiều đức khác, như: Trực (ngay thẳng, không giả dối), Kính (nghiêm trang, cẩn trọng, cẩn thận trong công việc), Nghĩa, Lễ...
Để hiểu rõ hơn về tư tưởng "Nhân" của Khổng Tử cần so sánh nó với tư tưởng Kiêm áicủa Mặc Tử, tư tưởng Từ bicủa đạo Phật. Nếu tư tưởng Kiêm ái của Mặc Tử coi ai cũng như mình, người thân của người cũng là người thân của mình, không phân biệt riêng tư thì "Nhân" phân biệt mình và người, lấy mình làm khởi điểm để phân biệt từ thân đến sơ, từ gần tới xa, phân biệt người tất, kẻ xấu. Người Nhân trong quan niệm của Khổng Tử coi trọng đạo đức, chú ý phần thiện trong bản tính con người thì người Kiêm ái chỉ chú trọng đến sự cứu giúp vật chất, chú ý đến"giao tương lợi". Tư tưởng "Nhân" của Khổng Tử cũng khác xa tư tưởng Từ bi của đạo Phật. Phật thương người và thương cả vạn vật. Lòng thương của Phật có một nỗi buồn vô hạn, buồn cho sự mê muội của sinh linh, tìm cách giải thoát mọi sinh linh ra khỏi vòng sinh,lão, bệnh, tử.Còn đạo Khổng tìm mọi cách giúp cho con người sống một cuộc sống vui vẻ hơn, có nghĩa lý hơn và tìm kiếm hạnh phúc ngay trên cõi trần chứ không phải ở trên cõi niết bàn. Chính vì vậy, ngay cả khi tư tưởng từ bi, cứu khổ, cứu nạn của Phật giáo du nhập và có chỗ đứng trong đời sống tinh thần của con người Đông Á thì nó cũng không thể thay thế được vai trò của đạo Khổng. Có thể nói "Nhân" của Khổng Tử là tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa tiêu biểu nhất trong lịch sử các nước ở phía đông của Châu Á này.
Có thể nói, chế độ phong kiến Đông Á kéo dài được mấy nghìn năm một phần là nhờ tư tưởng "Nhân" của Khổng Tử. Nhờ có đường lối "nhân nghĩa" của Khổng - Mạnh mà xã hội đó được ổn định, con người với con người có quan hệ hòa hợp, còn xã hội trở thành một khối bền vững. Sự trì trệ của xã hội phong kiến đó ở giai đoạn sau là do nguyên nhân khác, chứ không phải do nguyên nhân ở tư tưởng "Nhân" của Khổng Tử.
Ngày nay, chế độ xã hội đã khác trước. Con người ngày nay cần một thứ nhân đạo chủ nghĩa phù hợp với thời đại mình. Nhưng không phải vì vậy mà tư tưởng"Nhân" của Khổng Tử không còn có ý nghĩa. Xã hội ngày nay vẫn còn những người nghèo khó, đói rét, cô đơn, bất hạnh, những con người này rất cần đến sự quan tâm, thông cảm, giúp đỡ của người khác và của cả cộng đồng. Do vậy, tư tưởng "Nhân" là yêu người của Khổng Tử vẫn còn có thể phát huy tác dụng.
Xã hội là một cộng đồng của những con người, giữa họ có nhiều mối quan hệ. Nếu mỗi người chỉ biết xuất phát từ lợi ích của mình để đối xử với người khác, nếu chỉ nghĩ đến lợi ích của mình mà không thấy được quyền lợi của người khác thì xã hội sẽ có biết bao thảm kịch xảy ra. Một khi mỗi con người đều biết quan tâm, nhường nhịn và hỗ trợ người khác thì không những họ thấy cuộc sống của bản thân yên ấm, hạnh phúc, mà cả cộng đồng của họ cũng có sự gắn bó, bền vững và có nhiều điều kiện để khắc phục những tai nạn do khách quan đưa lại. Điều này không những đúng với xã hội ngày xưa, mà còn đúng với cả xã hội ngày nay. Khi xã hội loài người đang trong quá trình toàn cầu hoá, phấn đấu để thế giới trở thành "ngôi nhà chung", không còn có cộng đồng lớn hay nhỏ đứng ngoài "ngôi nhà chung" ấy, thì chúng ta càng cần phải xích lại gần nhau, tạo ra những tiền đề cơ bản để có thể xây dựng một ngôi nhà chung mang một sắc thái mới, đó là: đa sắc tộc, đa tín ngưỡng, đa văn hoá và trên hết là có một tinh thần bao dung.
Có thể nói, phạm trù "Nhân" của Khổng Tử đã ra đời trong thời đại phong kiến, mang sắc thái của xã hội phong kiến, có những điều không còn phù hợp với ngày nay, nhưng việc tìm hiểu và rút ra được “hạt nhân hợp lý" của nó vẫn là việc chúng ta nên làm, cần làm.
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan Đăng