Triết học và Thế giới quan (World outlook) là gì?

03:51 CH @ Chủ Nhật - 27 Tháng Tư, 2003

1. Định nghĩa thế giới quan

Thế giới quan là hệ thống những nguyên tắc, quan điểm, niềm tin, khái niệm, biểu tượng về toàn bộ thế giới, bao gồm:

- về những sự vật, hiện tượng
- về quy luật chung của thế giới
- về chỉ dẫn phương hướng hoạt động của người, một nhóm người trong xã hội nói chung đối với thực tại (nhằm phát triển sao cho tốt hơn)

Thế giới quan chính là biểu hiện của cách nhìn bao quát (bức tranh) đối với thế giới bao gồm cả thế giới bên ngòai, cả con người và cả mối quan hệ của người – thế giới (tức là mối quan hệ của người đối với thế giới). Nó quy định thái độ của con người đối với thế giới và là kim chỉ nan cho hành động của con người.

2. Nguồn gốc

Thế giới quan của mỗi cá nhân dựa trên cơ sở kiến thức khoa học của nhân loại ở một giai đoạn lịch sử nhất định. Kiến thức khoa học đó bao gồm cả các quan điểm triết học, xã hội học, chính trị, đạo đức, kinh tế học và khoa học nói chung.

Với bất kỳ ai nó chịu ảnh hưởng bởi:

1. Những kiến thức tiếp nhận được
2. Những kinh nghiệm cuộc sống đã trải nghiệm

3. Thành phần của Thế giới quan

Thế giới quan hình thành gồm những yếu tố thuộc về tất cả thuộc hình thái ý thức xã hội:

- Quan điểm triết học

- Quan điểm khoa học, chính trị, đạo đức, thẩm mỹ

- Quan điểm tôn giáo: sản phẩm của tâm thức, mô tả kiến thức qua trực giác cảm nhận.

- Kiến thức Khoa học nhằm đến mục tiêu phương hướng thực tiễn trực tiếp cho con người trong tự nhiên và xã hội dựa theo quan sát và dữ kiện từ thực tiễn, phân tích tổng hợp chặt chẽ và có kiểm nghiệm đối sách khách quan lại với thực tiễn.

- Các nguyên tắc và tiêu chuẩn đạo đức đóng vai trò điều chỉnh những quan hệ qua lại và hành vi của con người.

- Những quan điểm thẩm mỹ quy định những quan hệ với môi trường xung quanh, với những hình thức, mục tiêu và kết quả của hoạt động.

Quan điểm và niềm tin triết học tạo nên nền tảng cho thế giới quan đúng đắn bởi:

- Triết học lý giải về lý luận toàn bộ các dữ liệu của khoa học và thực tiễn
- Triết học biểu diễn kết quả và hình thức một bức tranh thực tại khách quan nhất.

4. Ý nghĩa Thế giới quan

Như vậy từ các hiểu biết về thế giới chúng ta có được bức tranh về thế giới trong ý thức tức THẾ GIỚI QUAN và từ đó nó quyết định lại thái độ và hành vi đối với thế giới.

Có một thế giới quan đúng đắn sẽ hướng con người hoạt động theo sự phát triển lôgic của xã hội và góp phần vào sự tiến bộ của xã hội.Vì thế, thế giới quan là trụ cột về mặt hệ tư tưởng của nhân cách, là cơ sở cho đạo đức, chính trị và hành vi


5. Khái niệm Triết lý và Triết học

Triết lý là ý thức của con người (bao gồm hồi tưởng, suy tư toàn diện về cuộc đời và những cái liên quan) về đời người và người đời.

Triết học là khoa học về các quy luật chung của cả tồn tại lẫn tư duy của con người, quá trình nhận thức phải phục tùng.

Chúng ta có được kiến thức Triết lý, Triết học thì điều kiện cần là:

1. Điều kiện tiên quyết là dám can đảm nhìn nhận chân lý và tin vào khả năng của lý tính (tư duy).

2. Điều kiện thứ hai là lý tính không phải là tuyệt đối và thần thánh.

Triết học là gì?

Triết lý là hồi tưởng, là suy tư về toàn diện đời người và về tất cả những gì có liên quan đến đời người. Triết gia đặt câu hỏi cho đến kỳ cùng, không những để tìm đến nền tảng sau cùng của sự vật, hiện tượng mà còn đặt câu hỏi về chính lý trí của mình, về chính những cái làm cho mình có thể đặt câu hỏi và trả lời.

Vấn đề triết học là vấn đề ý thức của con người về mình, đem mọi chuyện cuộc đời ra ánh sáng dưới lý trí chứ không phải để đem lại ích lợi vật chất.

Thứ nhất, sống khác với việc đem cuộc sống ra ánh sáng của lý trí. Nó lại không phải như những tư tưởng biệt lập của các ngành khoa học khác mà là phần triết lý toàn diện về đời người. Chính vì vậy nó chiếm một vị trí trong toàn diện đời người. Mặc dù nó là ý thức của con người về đời người và người đời nhưng triết lý của mỗi người mỗi khác do kinh nghiệm sống, suy nghĩ và ý thức của mỗi người mỗi khác. Để có thể đạt được triết lý chung như các dòng triết học chính của toàn nhân loại – người ta phải dựa trên kinh nghiệm thực phổ biến và dùng cái Lý phổ biến, những kết quả của mọi khoa học khác đương đại.

Vậy để có triết học phải thoả mãn 2 điều kiện
- Thứ nhất, can đảm nhìn nhận chân lý và tin tưởng vào khả năng của lý trí
- Thứ hai, lý tính là thước đo kinh nghiệm của con người nên không phải là tuyệt đối hay là thần thánh.


Con người bước đầu ý thức về mình như 1 thực thể tách khỏi giới tự nhiên. Tư duy con người hướng sự “phản tư” (tiếng Hy Lạp reflxio nghĩa là suy ngẫm, đánh giá) vào chính hoạt động của bản thân mình; từ đó hình thành nên một phương thức mới của tư duy để nhận thức thế giới – tư duy triết học.

Thuật ngữ Triết học có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “yêu thích (philos) sự thông thái (sophia)”. Triết học được xem là hình thái cao nhất của tri thức; nhà triết học là nhà thông thái có khả năng tiếp cận chân lý, nghĩa là có thể làm sáng tỏ bản chất của mọi vật. Như vậy thời cổ đại, triết học được coi là toàn bộ tri thức cùa nhân loại, mọi cái đều là đối tượng nghiên cứu.

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học thế kỷ XV, XVI đã ra đời các chuyên ngành khoa học thực nghiệm cả tự nhiên và xã hội nên triết học đã phát triển và phân tách thành 2 dòng chính:

- Triết học duy vật chủ yếu dựa trên cơ sở tri thức của khoa học thực nghiệm
- Triết học duy tâm, tôn giáo

Đối tượng nghiên cứu của triết học dần dần bị thu hẹp lại.

- Heghen là người cuối cùng xem triết học là 1 hệ thống phổ biến của sự nhận thức, trong đó những ngành khoa học riêng biệt chỉ là những mắt khâu phụ thuộc vào triết học.

- Mác đoạn tuyệt triệt để với quan niệm “khoa học của các khoa hocj” và coi đối tượng nghiên cứu Triết học là giải quyết mối quan hệ giữa vật chất và ý thức trên lập trường duy vật triệt để và nghiên cứu những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy.

- Tất cả các học thuyết triết học đều có chung đối tượng nghiên cứu là những vấn đề chung nhất của tự nhiên, xã hội và con người, mối quan hệ của con người và tư duy của con người đối với thế giới.

Phương pháp nghiên cứu của Triết học là xem xét thế giới như 1 chỉnh thể và tìm cách đưa ra 1 hệ thống các quan niệm về chỉnh thể đó. Điều này có được khi nó dựa trên những thành tựu khoa học mới nhất của thời đại cũng như tổng kết những tư tưởng triết học trong suốt lịch sử của ngành.

Triết học chính là sự diễn tả thế giới quan bằng lý luận, chính là hạt nhân lý luận của thế giới quan.

Từ bé, mỗi người đều cần hiểu biết về thế giới và bản thân, ai cũng đặt ra những câu hỏi mà chính là những câu hỏi của triết học mọi thời đại:

  • Thế giới quanh ta là gì?
  • Nó bắt đầu từ đâu và kết thúc hay không?
  • Sức mạnh nào chi phối sự tồn tại và biến đổi của nó?
  • Con người là gì? Nó được sinh ra như thế nào?
  • Quan hệ của nó với thế giới bên ngoài ra sao?
  • Con người có thể biết gì và làm gì với thế giới đó?
  • Vì sao có người tốt, kẻ xấu?
  • Cuộc sống của con người có ý nghĩa gì?...

những kiểu như vậy được đặt ra với mức độ sâu sắc khác nhau và được con người từ thời nguyên thuỷ, đến nay và mai sau tìm cách trẻ lời.

Quá trình tìm tòi giải đáp những câu hỏi trên hình thành nên mỗi người những quan niệm nhất định, hoà trộn cả những yếu tố về cảm xúc, trí tuệ, niềm tin, lý tưởng... thành 1 khối thống nhất gọi là thế giới quan của 1 người, 1 cộng đồng ở 1 thời đại. Đó chính là toàn bộ những quan niệm về thế giới, về vị trí của con người trong thế giới đó, về chính bản thân và cuộc sống của con người và loài người.

Huyền thoại và Triết học đều đóng góp hình thành nên thế giới quan của 1 người. Huyền thoại yếu tố biểu tượng, cảm tính đóng vai trò chủ đạo còn triết học tư duy lý luận là chủ yếu và thông qua hệ thống các phạm trù triết học.
Triết học cũng như thế giới quan được hình thành từ toàn bộ tri thức và kinh nghiệm sống của con người và xã hội loài người. Tri thức của các khoa học cụ thể thì đưa lại cơ sở trực tiếp cho sự hình thành những quan niêm nhất định về từng mặt, từng bộ phận của thế giới.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: