Con người hiểm độc

12:00 SA @ Thứ Hai - 01 Tháng Giêng, 1900

Ai nói đến người đó cũng phê bình một câu: con người hiểm độc…

Vậy thời cái con người hiểm độc ấy nó thế nào? Có thể tả được bức tranh tâm lý về con người ấy, bằng nét vẽ phác họa, đủ cai quát (Bao quát toàn bộ – PT chú) mà hình dung được một nhân vật chung trong xã hội, không mang tiếng là ám chỉ một cá nhân đặc biệt nào, có thể vẽ được bức tranh phá bút như thế không?

Chắc rằng một bức vẽ “trừu tượng” như vậy, thời không thể đậm đà rõ rệt như bức tranh tả thực, chụp ảnh được con người ấy ra, cho ai cũng có thể chỉ mặt gọi tên được.

Nhưng mà nói chung hơn nói riêng. Vả lại tâm lý cá nhân, dù đặc biệt thế nào, rút lại cũng qui nạp ở mấy nét vẽ lớn, là hình dung thiên cổ của lòng người.

Vậy thử nhân một cá nhân đặc biệt mà tổng quát hóa thành một mô dạng phổ thống (Như: phổ thông – PT chú), dù có thiếu mầu đậm đà, mà có lẽ được thêm vẻ triết-lý.

Trái với lời sách nho ta dạy, con người ấy tính nó vốn ác. Nó ác cũng như con rắn độc, sẵn chứa trong mình một bầu nọc độc, gần gụi hay đụng chạm với ai, phải châm chích được vào người ta một vài giọt độc mới nghe.

Dạ ớt ngâm như vậy, mà miệng lại thơn thớt, cho nên độc mà hiểm. Độc tất hiểm, mà hiểm thường độc. Độc có hiểm mới dễ hại người.

Nghe con người ấy nói năng, thì ngọt ngào hết sức, dễ thương vô cùng. Tưởng không còn ai thành thiệt thân thiết bằng. Nhưng chớ có nhẹ dạ mà vội tin. Nhất là chớ có thật thà mà chuyện trò thân mật, đến thổ lộ can trường. Nguy, tối nguy! Vì câu chuyện, thân tình hay thực tình ấy, ngay sớm mai sẽ truyền đến những nơi không cần phải nghe, mà tẩm thêm mấy giọt nọc độc. Hoặc bị phóng đại, hoặc bị ác-hóa (Làm cho xấu đi – PT chú), mà nghiễm nhiên thành một mối nghi ngờ, ghen-ghét, oán-giận, căm-hờn giữa những người trước kia không có chuyện gì với nhau cả. Giữa những người vốn có hiềm khích với nhau, thời cố nhiên thành một cớ chiến tranh kịch liệt.

Vì miệng thơn thớt, tất mỏng môi hay hớt. Nhưng hớt đây là hớt hiểm hớt độc, không phải hớt cho có chuyện vui chơi. Vì đặc tính con người ấy là có làm hại được người ta mới sướng, như con rắn độc có nhả được nọc độc mới nhẹ mình. Vậy chuyện chỗ nọ hớt sang chỗ kia, chuyện người này mách cho người nọ, nhiều khi không có gì cũng bằng không kết cấu lên thành chuyện mà tuyên truyền đi nữa, không phải là để lấy công với người, không phải là để lấy tiếng thông thạo, bao giờ cũng có cái ác ý hại người.

Đối với con người ấy, bao giờ cũng phải đề phòng luôn luôn, không nên một giây phút nào ngộ hoặc (Nghi lầm, lừa dối – PT chú) vì cái thái độ mềm mỏng dễ thương.

Nó mang sẵn bầu nọc độc, phải nhả được mới yên thân, nên nó đã gian, nó lại ngoan, hết sức kiều mị để cám dỗ người.

Nhưng mà Tạo-vật cho con hổ mang bầu nọc độc để làm khí giới mà tự vệ. Chớ Tạo-vật cho con người ấy bầu nọc độc để làm gì?

Vẫn biết rằng người ta không phải là thánh nhân cả, không thể lấy thiện mà trả ác, nhiều khi cũng phải lấy ác mà trả ác. Nhưng mà con người ấy không phải làm ác để trả thù, không phải nhả độc để tự vệ; con người ấy làm ác để sướng mình, nhả độc để tự khoái. Con người ấy làm ác khống, nhả độc chơi!

Phàm hành vi động tác không có mục đích duy kỷ duy lợi, mà chỉ có mục đích du-khoái (Vui sướng – PT chú) mà thôi, thời là thuộc về phạm vi mĩ thuật vậy. Họa-sĩ vẽ bức tranh đẹp, nhạc-sĩ gẩy khúc đàn hay, trước khi nghĩ đến cầu lợi, cốt để vui tai sướng mắt mình đã.

Con người nọ làm ác để mà chơi, làm ác để cho sướng, có lẽ cũng là một nhà mĩ-thuật chăng? Nó là một nghệ sĩ trong cái thuật làm ác, trong cái nghề quấy hôi bôi nhọ người đời. Có lẽ thế chăng? Nếu không thì sao nó độc ác một cách tự nhiên, một cách dễ dàng, một cách khinh khí (Nhẹ nhàng – PT chú) khoái hoạt (Khoan khoái, thích thú – PT chú) như vậy? Tựa hồ như bản tâm, bản tính, thiên-lương, thiên-năng của nó, là chung đúc cả vào một chữ ác. “Con cá sống về nước”, con người đó sống về ác. Ác là cái không khí tự nhiên cho nó sống; chỉ trong không khí đó nó mới phát-triển được tài năng, vẫy-vùng, bay nhẩy và như nhà mĩ-thuật nọ, tạo nên được những tác phẩm tuyệt luân (Thuộc vào loại giỏi nhất, xuất sắc nhất – PT chú).

Con người lạ lùng, mà con người nguy hiểm thay!

Bản thảo viết tay Hoa Đường Tùy Bút- Kiến Văn, Cảm Tưởng I của Phạm Quỳnh

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung khác