Bốn “không” hay một “không”?
1. Nói về chống tham nhũng, nhiều người tâm đắc rằng cần phải đạt được bốn “không”, tức là sao cho công chức không muốn, không cần, không thể và không dám tham nhũng. Trên báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 26-8-2005, giáo sư Nguyễn Lân Dũng có trình bày chi tiết về vấn đề này.
Các biện pháp tương ứng là: tăng cường giáo dục đạo đức để công chức tự bản thân không muốn tham nhũng; tăng lương để họ không cần tham nhũng mà vẫn đủ sống; hoàn thiện cơ chế, tăng cường giám sát để công chức không thể tham nhũng; và trừng phạt nghiêm khắc để họ không dám tham nhũng.
Đạt được bốn “không” như trên thì quá lý tưởng. Nhưng vì quá lý tưởng nên khó khả thi, nhất là trong điều kiện hiện tại. Dẫu biết rằng để giải quyết triệt để một vấn đề bao giờ cũng cần các biện pháp đồng bộ, nhưng đôi khi vì quá trông chờ vào sự đồng bộ đó mà thành ra chẳng được kết quả gì.
Hơn nữa, có nhất thiết phải đạt được cả bốn “không” không?
Trong bốn “không” nói trên, thực ra chỉ cần đạt được một trong ba cái “không”: không muốn, không thể, không dám thì đã giải quyết được vấn đề mà không cần tới những cái “không” còn lại. Nếu đã không muốn, ví dụ không muốn ăn cắp, thì dù có cần tiền đến mấy, có thể ăn cắp mà không sợ bị trừng phạt, người ta vẫn không ăn cắp.
Tương tự, nếu đã không thể, hoặc không dám, thì dù có muốn hay có cần người ta cũng không thể hoặc không dám làm. Chỉ có cái “không” thứ hai – không cần – là hoàn toàn không khả thi vì lòng tham của con người thường vô đáy. Chẳng ai tham nhũng chỉ để đủ sống. Lương cao đến mấy người ta vẫn lăm le tham nhũng. Lương thấp, vì thế, chỉ là cái cớ biện minh cho tham nhũng.
2. Vậy trong ba cái “không” đó, cái nào dễ thực thi hơn cả? Cái “không” đầu tiên – không muốn – là cái khó nhất. Bản tính con người vốn tham, đến Đức Phật cũng phải coi đây là một trong những tính xấu ăn sâu và khó cải tạo nhất trong con người.
Cái “không” thứ ba – không thể - cũng rất khó. Hoàn thiện cơ chế là việc khó khăn và tốn thời gian, đã thế cơ chế dù hoàn thiện đến mấy vẫn có chỗ hở. Chẳng ai có trăm tai nghìn mắt mà giám sát công chức từng giờ, từng phút. Không chỉ thế, công chức biết rất rõ rằng anh ta luôn có thể làm đúng luật mà vẫn kiếm chác được, ví dụ như nhờ nắm được thông tin về quy hoạch trước người khác.
Cái “không” cuối cùng – không dám – cũng ít khả thi. Buôn ma túy bị tử hình như thế mà tội phạm ngày càng tăng, chứng tỏ biện pháp trừng phạt dù nghiêm khắc đến mấy vẫn chưa chắc đã làm tội phạm chùn tay. Hơn nữa, với những kẻ quyết tâm “hy sinh đời bố, củng cố đời con” thì hình phạt kiểu gì chúng cũng không ngán. Chưa kể, có đủ bằng chứng để kết án chúng một vài năm tù đã cực kỳ khó khăn, nói gì đến tử hình.
Bản thân cái “không cần” cũng rất khó: chỉ cần tăng lương thêm 10%, ngân sách đã oằn lưng muốn chết. Mà để “không cần” thì phải tăng lương cho công chức tối thiểu 100%-150%.
Không lẽ chúng ta bó tay? Từng cái còn không đạt được, nói gì đạt được cả bốn? Rất có thể chính những kẻ tham nhũng lại hết sức ủng hộ phương châm bốn “không” này, vì biết chắc còn khuya mới có thể thực hiện được (!).
3. Tuy nhiên ngoài bốn cái không trên vẫn còn một cái “không” nữa có khả năng giải tỏa bế tắc: đó là “không buồn” tham nhũng. Tức là, công chức vẫn muốn, vẫn cần, có thể và dám tham nhũng, nhưng không “buồn” tham nhũng, vì có tham nhũng cũng chẳng để làm gì.
Công chức liều lĩnh tham nhũng không phải để sau đó mua vàng đem chôn, hay đêm đêm đem tiền ra ngắm. Họ cần tiêu xài những đồng tiền đó. Họ cần xây nhà thật to, đồ đạc thật xịn, mua xe hơi thật đắt tiền, cho con du học ở những trường thật danh tiếng. Nếu có cách nào đó để họ không thực hiện được những việc này thì họ sẽ chán mà không buồn tham nhũng nữa chăng?
Có một cách mà các nước vẫn làm, đó là buộc họ giải trình nguồn gốc các tài sản, các khoản chi tiêu, nếu không giải trình được sẽ bị tịch thu. Không cần truy tố, bỏ tù cán bộ, chỉ cần tịch thu tài sản và sa thải thôi. Hầu như chắc chắn rằng không ai trong số công chức lương ba cọc, ba đồng có thể giải trình được nguồn gốc số tài sản khổng lồ và các khoản chi tiêu vượt gấp nhiều lần thu nhập của họ.
Một khi công chức thấy rằng dù có thể tham nhũng tuy không sợ bị đi tù nhưng có nguy cơ bị tịch thu trắng tài sản và sinh mệnh chính trị cũng đi tong, không thể thoải mái sử dụng những đồng tiền dơ bẩn đó, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị truy xét, bạc tóc vì ngày đêm nghĩ cách giải trình, họ sẽ chán mà không buồn tham nhũng nữa.
Như thế, thay vì bốn “không”, thực chất chỉ cần một “không” là đủ. Nó dễ thực hiện và có hiệu quả hơn nhiều so với bốn “không” kia. Và nó cũng là đột phá khẩu để thực hiện nốt các “không” còn lại.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Con người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu