"Khuôn mẫu" đáng sợ
Trong cuộc họp báo ngày 13.4 về Đại hội Đảng lần thứ X sắp tới, ông Phan Diễn - UV Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư - đã cho biết, chống tham nhũng là một trong những nội dung quan trọng của đại hội. Như vậy, rõ ràng thái độ của Đảng là luôn kiên quyết chống tham nhũng.
Theo chúng tôi, một trong những việc cần làm trong công tác chống tham nhũng là chống cả những khuôn mẫu đáng lo ngại trong khi kiểm điểm cán bộ có vi phạm. Nếu không chống được những khuôn mẫu dù vô tình hay cố ý người ta đã tạo ra để né tránh trách nhiệm, thì việc chống tham nhũng cũng sẽ không có hiệu quả như mong muốn.
Chúng ta thường thấy các mẫu câu rất quen thuộc của các quan chức trong các cuộc kiểm điểm, và dường như nó có tính phổ biến vì được sử dụng trong mọi trường hợp, mọi cấp độ nặng nhẹ, mọi cấp chức, mọi ngành nghề (các câu đó, mới đây cũng được một số cán bộ lãnh đạo Bộ GTVT sử dụng). Khuôn mẫu đó như sau: "Chưa kiên quyết xử lý", "chưa quan tâm đúng mức", "xin chịu một phần trách nhiệm", "đã phân cấp cho cấp dưới nhưng chưa kiểm tra sát sao"... Các "mẫu nhận lỗi" như thế, như đã nói, mang tính phổ biến, nhưng trong các trường hợp khác thì có thể có thay đổi chút ít. Chẳng hạn, họ sẽ lựa chọn chữ "thiếu": Thiếu kiên quyết, thiếu quan tâm, thiếu trách nhiệm - nghĩa là thay chữ "thiếu" vào chỗ chữ "chưa"; hoặc mức độ nhẹ hơn thì dùng chữ "sẽ" để sửa lỗi, để xóa lỗi cho cái quá khứ chưa xa của họ:
Sẽ kiên quyết hơn, sẽ quan tâm hơn. Rồi có người, ngoài những mẫu câu trên, lại thêm một cách nhận lỗi ( hay tội) một cách "dễ chịu" hơn: "Còn cả nể", "còn hay nể nang", "còn xuề xòa"...
Thực ra, những người sử dụng các khuôn mẫu nhận khuyết điểm kiểu này là để làm "giảm tội", làm "dịu tội" và "trốn tội".
Trách nhiệm rất cụ thể, nhưng trước trách nhiệm thì ai cũng có các mẫu câu lập sẵn như thế để ứng xử trước mọi tình thế. Các mẫu câu đó mang đầy tính co dãn, không định lượng được, chung chung, dễ đánh tráo khái niệm, dễ đánh tráo các tội lỗi và cũng dễ thu nhận được sự cảm thông. Ở một xứ sở với lối ứng xử đã thành thói quen, đã thành tâm thức- ở ngoài là lý, song bên trong là tình - thực chất tình, lý lẫn lộn, thì với các mẫu câu trên dễ xoá nhoà hay - dở, đúng - sai và kết quả là hoà cả làng.
Ở một mặt khác, chúng ta cũng đã quen thuộc các phát ngôn kiểu: Tăng cường hơn nữa, đẩy mạnh hơn nữa, nâng cao hơn nữa... Những mẫu câu như thế, nó không định lượng, không trọng lượng, nó là sản phẩm của một xã hội mang tính giáo huấn và sự phê phán thường chỉ xảy ra một chiều, từ trên xuống.
Xã hội cần nhận thức về tính trách nhiệm về các phát ngôn và xây dựng lòng tin từ các phát ngôn đáng tin cậy. Mong sự vận động của xã hội nhanh chóng biến các mẫu phát ngôn như thế thành sản phẩm nhất thời của một giai đoạn lịch sử đặc thù. Nhưng để đến lúc đó, cần ý thức được nó ngay từ lúc này và cần nhìn sâu hơn về nguyên nhân sản sinh ra nó để mà chống cái khuôn mẫu đáng sợ này. Nếu không, chống tham nhũng cũng sẽ không đạt được kết quả như Đảng ta và nhân dân ta mong muốn.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt