Quan niệm về con người trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp

10:21 SA @ Thứ Hai - 05 Tháng Chín, 2016
“ Văn học và cuộc sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người”. Nhận xét trên của nhà văn Nguyễn Minh Châu nói lên được sứ mệnh cao cả của văn chương là phản ánh một cách sinh động và trung thực về con người.
Ngay từ những năm kháng chiến chống Mĩ, Nguyễn Minh Châu đã ghi vào nhật kí: “ Hôm nay chúng ta chiến đấu vì quyền sống của cả dân tộc, nhưng sẽ đến một ngày chúng ta phải chiến đấu cho quyền sống của từng con người… Chính cuộc đấu tranh ấy mới là lâu dài”. Dự cảm sáng suốt của ông đã được minh chứng khi văn học có một sự chuyển mình mạnh mẽ từ quỹ đạo chiến tranh sang quỹ đạo hòa bình sau năm 1975. Các nhà văn dành tất cả tâm lực của mình cho một cuộc đổi mới toàn diện văn chương. Đổi mới quan niệm về nhà văn, đổi mới cách viết, đổi mới đề tài… và đặc biệt nhất là đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người với nội dung dân chủ và nhân bản sâu sắc. Từ năm 1945 đến năm 1975, phát triển trong điều kiện chiến tranh, văn học nhìn con người bằng cái nhìn lý tưởng, “ lấy lịch sử làm điểm quy chiếu con người[1].Cho nên con người xuất hiện trong giai đoạn văn học này chủ yếu là con người cộng đồng, con người giai cấp, con người dân tộc. Những con người đơn giản, dễ hiểu được xây dựng theo những công thức nhất định. Nhưng từ sau năm 1975, yêu cầu đổi mới văn học đòi hỏi nhà văn phải nhìn con người trong những mối quan hệ đời thường đa đoan và phức tạp, khám phá con người ở khía cạnh đời tư bằng cặp mắt nhiều chiều và bằng cách viết đa thanh.
.
Trên hành trình cách tân mạnh mẽ của văn học dân tộc, nửa sau thập kỉ 80 của thế kỉ XX, văn đàn Việt Nam chứng kiến sự xuất hiện của một hiện tượng văn học lạ, độc đáo và gây nhiều tranh cãi: HIỆN TƯỢNG NGUYỄN HUY THIỆP. Đọc truyện Nguyễn Huy Thiệp, có thể nhìn thấy một “ cõi người ta” xù xì, gân guốc, góc cạnh lẫn lộn giữa tốt và xấu, thật và giả, đen và trắng, cao thượng và thấp hèn với những con người có suy nghĩ, hành động và đời sống nội tâm vô cùng bí ẩn. Cái thế giới ấy thể hiện một cách nhìn rất thật và sâu sắc của nhà văn về con người.

Bài viết này khảo sát một số truyện ngắn tiêu biểu của Nguyễn Huy Thiệp, khai thác hình ảnh con người trong tác phẩm của ông với mục đích “đi tìm Nguyễn Huy Thiệp[2], hiểu quan niệm và suy tư của ông về con người.
.
1. Con người đê tiện, thực dụng trong thế giới “ không có vua” và “ biển không có thủy thần”

Có người gọi Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn của “ những cái trớ trêu”. Với sự mẫn cảm đặc biệt của một nhà văn có thực tài, ông đã thoát ra ngoài những chuẩn mực đạo đức, luân lý thông thường để xác định diện mạo thật của cuộc sống. Cuộc sống đâu chỉ có cái đẹp, cái cao cả như một thời văn học ta ngợi ca. Cuộc sống còn là một cõi tục hoang sơ, trì đọng, một thế giới hỗn tạp xô bồ “đất không có vua và biển không có thủy thần[3]. Ở đó có những con người bạc ác, đểu cáng. Ở đó có những con người vụ lợi, dối trá. Nguyễn Huy Thiệp dùng phần lớn dung lượng tác phẩm của mình để viết về kiểu người đê tiện, thực dụng. Đây là kiểu nhân vật bị thoái hóa về nhân cách, bị vấy bẩn về tâm hồn, sống độc ác và tàn nhẫn. Họ lấy đồng tiền, lấy quan hệ vật chất làm thước đo cho mọi giá trị. Họ tham lam, ích kỉ, thực dụng một cách tỉnh táo và vụ lợi một cách bỉ ổi. Gia đình lão Kiền trong “Không có vua” là một thế giới thu nhỏ, một cõi nhân gian không còn trật tự tôn ti. Mọi chuẩn mực truyền thống của một gia đình Việt dường như bị triệt tiêu hoàn toàn khi lão Kiền – bố chồng bắt ghế lén xem con dâu tắm, lại hoàn toàn thản nhiên trước mâu thuẫn của các con “ Chúng mày giết nhau đi, ông càng mừng”, khi Đoài – em chồng chòng ghẹo, đòi ngủ với chị dâu, ghen cả với bố. Người đọc cứ rờn rợn trước cái lối biểu quyết bố chết của Đoài: “ Ai đồng ý bố chết giơ tay, tôi biểu quyết nhé”. Sự sa đọa về phẩm chất đã đẩy con người đến chỗ đốn mạt. “ Không có vua” như một tiếng chuông cảnh tỉnh cho sự xuống cấp trầm trọng của đạo đức con người.

Nhìn thẳng vào sự thật, Nguyễn Huy Thiệp vạch trần tâm lý thực dụng, vụ lợi một cách trắng trợn của con người. Nhân vật Hạnh trong “ Huyền thoại phố phường” để tạo được sự tin cậy của gia đình bà Thiều đã không ngần ngại “ xắn tay áo rồi đưa tay mò dọc theo cái rãnh đầy bùn, lõng bõng nước bẩn, thậm chí còn có cả cục phân người”. Ông Bổng trong “ Tướng về hưu” ở đám tang chị dâu tỏ vẻ tiếc rẻ “ Mất mẹ bộ xa lông. Ai lại đi đóng quan tài bằng gỗ dổi bao giờ. Bao giờ bốc mộ cho chú bộ ván”. Đặc biệt hơn cả, sự trục lợi tỉnh táo đến mức kinh tởm ở nhân vật Thủy trong “ Tướng về hưu”: “ Vợ tôi làm việc ở bệnh viện sản, công việc là nạo phá thai. Hằng ngày các rau thai nhi bỏ đi, Thủy cho vào phích đá đem về. Ông Cơ nấu lên cho chó, cho lợn… Cha tôi dắt tôi xuống bếp, chỉ vào nồi cám, trong đó có các mẩu thai nhi bé xíu. Tôi lặng đi. Cha tôi khóc…Vợ tôi đi vào nói với ông Cơ: Sao không cho vào máy xát? Sao để ông biết?”. Banzắc từng nói “ Khi túi tiền phình ra thì trái tim bị teo lại”. Chính tâm lý vụ lợi, thực dụng đã khiến con người đánh mất lương tri. Viết về kiểu người này, Nguyễn Huy Thiệp đã “ lột truồng con người ra và phơi bày toàn bộ sự đớn hèn của nó[4].

Tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện hàng loạt những nghịch lý : Ở hiền thì gặp chuyện bất trắc. Đi tìm cái đẹp thì gặp cái xấu xa, bỉ ổi. Đi tìm điều thiện thì gặp điều độc ác. Những kẻ trí thức có học thì dâm ô, dối trá, bịp bợm…Những nghịch lý ấy là sự thật về cái phi lý của cuộc sống và con người. Cuộc sống không đơn giản mà vô cùng phức tạp. Con người không dễ hiểu mà vô cùng rắc rối. Khám phá con người bằng cặp mắt nhiều chiều, xoáy sâu vào đời sống nội tâm chằng chịt của con người, nhà văn đã góp được một tiếng nói thành thật về con người mà suốt mấy mươi năm chiến tranh, vì nhiều lý do, văn học buộc phải giấu kín trong vỏ bọc chính trị, đạo đức, văn hóa. Cất lên tiếng nói thành thật ấy, Nguyễn Huy Thiệp từng bị chỉ trích một cách gay gắt. Biết làm sao được. Sự thật đôi lúc rất tàn nhẫn. Nhưng tàn nhẫn đến mấy cũng phải phơi bày nó ra để cảnh tính con người, hướng con người về chân – thiện – mĩ. Nguyễn Huy Thiệp với tác phẩm của mình đã “ lôi tuột chúng ta từ khoảng trống lơ lửng giữa trời và đất, buộc ta phải đối mặt với mình, với một thế giới không có vua, dạy chúng ta những bài học nông thôn, bắt chúng ta hiểu rằng trước khi muốn nhìn lên bầu trời thì phải nhìn mặt đất đã.”[5]

2. Con người cô độc, lạc lõng giữa mênh mông cõi người

Kiểu người cô độc, lạc lõng xuất hiện trong văn học nhân loại trước Nguyễn Huy Thiệp rất lâu. Những thập niên 50, 60 của thế kỉ XX, kiểu người này trở nên phổ biến trong văn học phi lý Tây Âu với những kiệt tác như : “ Người xa lạ”, “ Huyền thoại Sisyphe” của A. Camus; “ Hóa thân”, “ Vụ án” của F.Kapka; “ Buồn nôn” của J.P. Sartre… Đó là những con người thuộc “ thế hệ bỏ đi”[6], bị ném vào lò lửa của hai cuộc thế chiến trở ra là những con người lầm lầm, lì lì, sống không hy vọng, không niềm tin và trở nên xa lạ với tất cả. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp khai thác nhiều về kiểu người này để phản ánh một sự thật rằng khi kinh tế thị trường, văn minh công nghiệp mở ra, lối sống thực dụng như một cơn gió lốc tràn vào từng ngóc ngách của cuộc sống. Con người trở nên bơ vơ, lạc loài vì không thể thích ứng được với nó.

Sao tôi cứ mãi lạc loài”. Đó là sự trăn trở, day dứt trong tâm hồn ông Thuần – vị tướng về hưu trong kiệt tác cùng tên của Nguyễn Huy Thiệp. Ông từng là một người lính, một vị chỉ huy mẫu mực, một tấm gương sáng trong mắt mọi người: “ Ở trong gia đình, cha tôi bao giờ cũng là hình ảnh của niềm vinh dự, tự hào. Cả ở trong họ, trong làng, tên tuổi của cha tôi cũng được mọi người ngưỡng vọng”. Rèn luyện trong quân đội, ông có một lối sống trong sạch, ngay thẳng, không vụ lợi. Thế nhưng khi giã từ con đường binh nghiệp để trở về cuộc sống đời thường, ông phải đối mặt với bao nhiêu bộn bề, ngang trái. Ông không hòa hợp được với cái lạnh lùng của lối sống thực dụng. Cuộc sống không còn chỗ cho ông, ông trở thành người thừa, xa lạ với chính những người thân trong gia đình. Một khối cô đơn khổng lồ đè nặng lên tâm hồn vị tướng của một thời lửa đạn. Ông khóc khi chứng kiến các rau thai nhi trong nồi cám “ Khốn nạn, tao không cần sự giàu có này”. Ông luống cuống khổ sở trong một đám cưới ngoại ô lố lăng và dung tục. Ông ngán ngẩm trước việc đứa con dâu ngoại tình. Ông nhận ra một sự thật cay đắng rằng “ Đàn ông thằng nào có tâm thì nhục… tâm càng lớn càng nhục”. Sự cô đơn, lạc lõng của ông Thuần xuất phát từ sự mâu thuẫn của lý tưởng cao đẹp một thời và sự thật trần trụi của một thời khác. Một người như ông, từng được đặt trong “bầu không khí vô trùng” của thời trước chắc chắn không đủ sức đề kháng để đối chọi với sự thật của thời này.

Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có cái cô đơn của những con người mải mê đi tìm điều thiện, đi tìm cái cao đẹp của cuộc đời. Điều thiện ở đâu? Cái đẹp ở phương nào? Sao mong manh xa vời vậy? Thế giới “không có vua” và “biển không có thủy thần”. Con người lại chìm vào bi kịch cô đơn. Chương trong “ Con gái thủy thần” suốt đời bị ám ảnh bởi huyền thoại về mẹ Cả - kiểu nhân vật thường cứu nhân độ thế như Đức Mẹ trong Thiên Chúa giáo hay Phật Bà Quan Âm trong Phật giáo. Nhưng trên hành trình đi ra biển, anh chỉ thấy “ những ngộ nhận giới tính và thói đạo đức giả giết chết vẻ diễm lệ trên các khuôn mặt thiếu nữ” để rồi nhận ra rằng thiên thần chỉ là trò phịa, thượng đế đã chết ở trần gian. Nhân vật chính trong “ Chảy đi sông ơi” ngây thơ đi tìm huyền thoại về con trâu đen nhưng chỉ chứng kiến được sự lạnh lùng và tàn nhẫn. “ Hành trình tìm điều thiện lặng lẽ và cô đơn như con dã tràng xe cát[7]. Con đường đến với cái đẹp quá gian nan. Con người mãi đi để rồi mãi mãi bơ vơ, lạc lõng: “ Trước mắt tôi dòng sông đang thao thiết chảy. Sông chảy ra biển. Biển rộng vô cùng. Tôi chưa biết biển mà tôi đã sống nửa cuộc đời rồi đấy… Tôi đứng lên đi về nhà. Ngày mai tôi đi ra biển. Ngoài biển không có thủy thần”( Con gái thủy thần)

3. Vẻ đẹp tâm hồn người – nhân vật nữ và nhân vật thiểu năng

Nhìn thẳng vào sự thật, viết về “ cái hôm nay ngổn ngang bề bộn, màu đỏ với màu đen đầy rẫy những biến động bất ngờ”[8], truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp phát hiện ra rất nhiều những con người bẩn thỉu, ti tiện trong một mảnh đất cằn ngột ngạt, tù đọng. Thế giới mà ông dựng lên là một thế giới “lắm người nhiều ma[9], “ ma quỷ nằm ngay trong lòng người[10]. Nói như môt nhân vật trong “ Chảy đi sông ơi”: “ Con người ta tăm tối lắm. Con người vô tâm nhiều như bụi bặm trên đường”.

Tuy nhiên cần thấy rằng, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp không phải chỉ có cái ác, cái xấu, cái ti tiện. Bức tranh nhân thế trong tác phẩm của ông không chỉ toàn màu đen. Nhà văn còn phát hiện ra những nhân cách rất đẹp, những tâm hồn thánh thiện và sáng trong như suối tự nguồn. “ Trong bức màn tối, ông nhìn thấy và chăm chút cho những mầm thiện nhỏ bé, những đốm lửa kì diệu của thiên lương, những thứ ông tin rằng sẽ có đủ sức mạnh cần thiết để đương đầu với bóng tối đang ngự trị trên thế giới, cải tạo và làm trong sáng cuộc sống con người”[11]

Vẻ đẹp của thiên lương con người trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp hầu như tập trung ở hai kiểu người: nhân vật thiểu năng và nhân vật nữ. Người thiểu năng là người không bình thường, khuyết tật về thể chất hay hạn chế về trí tuệ. Thói đời xưa nay vẫn nhìn kiểu người này bằng cặp mắt hoặc thương hại hoặc khinh khi. Nguyễn Huy Thiệp thì khác, đối với bọn “ dốt nát có học” hay “ bọn Nho giả tập tọng văn chương” ông tỏ ra coi thường nhưng lại dành cho những người không may này một sự cảm thông vô hạn. Quan trọng hơn, ông nhìn thấy ở họ vẻ đẹp sáng ngời của nhân cách con người. Cô Lài trong “ Tướng về hưu” dù gàn dở, ngờ nghệch nhưng tình cảm đối với mọi người, hành động trong cuộc sống lại hết sức trong sáng và chân thực. Trong thế giới “ Không có vua” của gia đình lão Kiền, giữa lúc mọi giá trị bị lật nhào, mọi tôn ti sụp đổ, người ta nhìn thấy ở bé Tốn – đứa trẻ thiểu năng một tâm hồn thánh thiện. Chỉ có Tốn là đối xử với Sinh bằng lòng tốt vô bờ bến và cũng chỉ có nó là không chịu được bẩn, lúc nào cũng lau sàn hay là lau đi cái bạc ác của thế gian.

Dường như trong tác phẩm của mình, Nhuyễn Huy Thiệp dành tình cảm đặc biệt cho những nhân vật nữ. Trừ nhân vật Thủy trong “ Tướng về hưu” còn lại phần lớn những nhân vật nữ khác đều nhân hậu và cao thượng. Nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến gọi đó “ nguyên tắc tính nữ hoặc thiên tính nữ”. Chị Thắm trong “ Chảy đi sông ơi” cứu không biết bao nhiêu người chết đuối, khi nghe chú bé trách bọn đánh cá đêm độc ác, chị nói với em: “ Đừng trách họ thế… Có ai thương họ đâu”. Đó là tấm lòng bao dung sẵn sàng mở ra thông cảm với mọi người, kể cả kẻ ác. Đọc “ Không có vua” ai không ngán ngẩm cho cái bệ rạc, đen tối của gia đình lão Kiền. Nhưng một phút nào đó , hãy lắng lòng lại để nghe Sinh nói: “ Khổ chứ. Nhục lắm. Vừa đau đớn vừa chua xót nhưng thương lắm”. Ba chữ “nhưng thương lắm” thổi vào mảnh đất cằn cỗi nhà lão Kiền làn gió mát rượi của sự yêu thương.

Có thể nói, những tấm lòng cao thượng, những nhân cách cao đẹp trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp mở ra niềm tin mãnh liệt rằng cuộc đời dẫu còn nhiều đắng cay ngang trái nhưng có thể cải tạo được. Con đường mà chúng ta đi trong tương lai chắc chắn sẽ là con đường sáng. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn để cho một nhân vật của mình nói rằng: “ Nghĩa tình lại chuộc nghĩa tình. Vô sự với tạo hóa, trung thực đến đáy, dù có sống giữa bùn, chẳng sợ không xứng là người” ( Những người thợ xẻ).

"Giấc mơ của nghệ sĩ" tranh Nguyễn Đình Đăng, 1990
.
4. Nhân vật lưỡng diện – sự phức tạp bên trong con người

Trên kia đã nói, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp dựng lên một cõi người đa dạng, có người tốt kẻ xấu, có người cao thượng kẻ đê hèn. Lại có kẻ suốt đời mang trong mình nỗi cô độc khủng khiếp. Tuy nhiên bản thân mỗi con người không hề đơn giản một chiều mà sâu kín, rối rắm, nhiều chiều kích. MiLan Kundra nói: “ Con người là hiển minh của lưỡng lự”. Bên trong mỗi bản thể nhỏ nhoi ấy bao giờ cũng tồn tại hai mặt đối lập: đẹp - xấu, thiện – ác, cao cả - thấp hèn, trong sáng – tăm tối, hạnh phúc – khổ đau… Con người có lúc là thần thánh song cũng có lúc là quỷ dữ. Ai dám bảo một người lương thiện không có lúc suy nghĩ đê tiện? Ai dám bảo một người độc ác lại không có lúc lấp lánh trong tâm hồn ánh sáng của thiên lương. Cho nên “ không nên chỉ đơn giản phân loại con người theo hai khu vực rạch ròi: tốt và xấu[12]. Kiểu nhân vật đan xen giữa trắng và đen, thật và giả ấy văn học gọi là nhân vật lưỡng diện.
.
Nguyễn Huy Thiệp tỏ ra là người rất thành công trong việc xây dựng con người lưỡng diện. Ông len lỏi vào những nẻo sâu kín nhất trong nội tâm nhân vật, nhìn thấy những biểu hiện dù nhỏ nhất lóe lên trong tâm hồn họ. Ông Bổng trong “ Tướng về hưu” lỗ mãng, táo tợn là vậy mà bật khóc vì được gọi là người: “ Thế là chị thương em nhất. Cả làng cả họ gọi em là đồ chó. Vợ em gọi em là đồ đểu. Thằng Tuân gọi em là đồ khốn nạn. Chỉ có chị gọi em là người”. Lão Kiền trong “ Không có vua” đốn mạt đến chứng nào khi rình xem con dâu tắm, nhưng khi lão đánh bài ngửa “ Tao chẳng cần. Đàn ông chẳng nên xấu hổ vì con buồi” thì ta hoàn toàn có thể thông cảm và thấy lão đáng thương hơn đáng ghét. Nhân vật Bường trong “ Những người thợ xẻ” điêu trá, thủ đoạn đúng như lời mai mỉa dân gian “ kéo cưa lừa xẻ”. hắn hiếp dâm con gái lão Thuyết, bị Ngọc phát hiện lại trơ trẽn mở mồm triết luận: “ Mày chẳng hiểu gì. Ai lại đi tính tuổi bướm bao giờ”. Vậy mà có lúc chính hắn lại nói những câu đầy nhân tính: “ Bà chị không coi chúng em là súc vật! Chúng em phận hèn của cải chẳng có. Chúng em mắc nợ nghĩa tình thì khốn nạn lắm”.
.
Ngòi bút Nguyễn Huy Thiệp không dừng lại ở đó. Ông nhìn các danh nhân lịch sử mà xưa nay văn học đưa lên bệ để thờ, để xưng tụng ở khía cạnh đời tư phàm tục. Trong chùm truyện “ lịch sử giả”[13]gồm: Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết, người ta nhìn thấy vua Quang Trung, người anh hùng áo vải cờ đào cũng có lúc có những cảm xúc rất người trước sắc đẹp của cô Vinh Hoa: “ Nhà vua thấy Vinh Hoa, thốt nhiên rùng mình, hoa mắt, đánh rơi cốc rượu quý cầm tay” ( Phẩm tiết). Nhà văn đã để cho vua Gia Long bộc lộ một cảm xúc rất thật: “ Sứ mệnh đế vương thật là sứ mệnh khốn nạn, chỉ được quyền cao cả, không được quyền đê tiện” ( Phẩm tiết). Cách viết, cách nhìn của Nguyễn Huy Thiệp có lúc chịu sự phê phán gay gắt từ dư luận. Nhưng phải nhận thấy rằng, xây dựng thành công kiểu người lưỡng diện, Nguyễn Huy Thiệp đã chạm được đến chỗ trung thực nhất trong bản chất con người. Đã khám phá được con người ở chiều sâu nhân bản nhất.
Cho đến tận hôm nay, cuộc tranh luận về Nguyễn Huy Thiệp vẫn chưa kết thúc. Có người ca ngợi ông như một nhà văn đại tài, đề nghị tặng giải Nôben cho ông. Nhưng cũng có người đòi bỏ tù ông vì đã bôi nhọa cuộc sống, “ hạ bệ thần tượng”. Thái độ phê phán đối với Nguyễn Huy Thiệp không có gì khó hiểu. Đó là do “ lối viết đa âm đụng phải lối đọc thánh thư[14]. Mặc cho người đời khen hay chê, ca ngợi hay nguyền rủa, Nguyễn Huy Thiệp vẫn tỏa sáng trên văn đàn Việt Nam như một tên tuổi lớn, như một nhà văn có chân tài. Điều đáng quý ở Nguyễn Huy Thiệp là lòng dũng cảm. Dũng cảm nhìn vào sự thật để trình bày hiện thực đúng theo những gì mình thấy, những gì mình nghĩ. Tác phẩm của ông đã dạy chúng ta rằng “Cuộc sống như một dòng sông, có cả sự trong veo tinh khiết đến ngỡ ngàng của nước, có cả rác rưởi đang trôi”. Từ đó “ông giúp chúng ta hiểu hơn về nước, về rác bằng một cái nhìn tỉnh táo và sâu sắc. Từ đó ông thức tỉnh một khao khát, bỏ rác đi ta sẽ gặp sự trong trẻo của dòng sông[15]. Những trăn trở của nhà văn về con người, những suy tư của ông về thiện và ác, sáng và tối, cao thượng và thấp hèn, người và quỷ… bên trong con người khiến chúng ta có thể kết luận rằng Nguyễn Huy Thiệp đã viết được những áng văn “ giản dị và trung thực về con người[16].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đặng Anh Đào. Tài năng và người thưởng thức. NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 1994
2. Đặng Anh Đào. Biển không có thủy thần. Báo văn nghệ, số 35 – 36,20/8/1988.
3. Nguyễn Đăng Điệp. Cuốn theo chiều văn Nguyễn Huy Thiệp. Tạp chí văn học ngày 18/5/2009.
4. T.N. Filiminova. Thơ trong văn Nguyễn Huy Thiệp. Ngân Xuyên dịch.
5. Nguyễn Văn Long. Văn học Việt Nam trong thời đại mới. NXBGD, Hà Nội, 2001
6. Phạm Xuân Nguyên ( sưu tầm và biện soạn). Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp. NXB Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2001.
7. Văn Tâm. Đọc Nguyễn Huy Thiệp. Báo văn nghệ, số 48, 26/11/1988
8. Nguyễn Huy Thiệp. Tập truyện ngắn. NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 2005.
9. Nguyễn Thị Hải Vân. Những đổi mới của văn học Việt Nam sau năm 1975. ĐH Quy Nhơn, 2006.
10. Nhiều tác giả. Nguyễn Huy Thiệp tác phẩm và dư luận. NXB Trẻ,1989

[1]Nguyễn Thị Hải Vân. Những đổi mới của văn học Việt Nam sau năm 1975. ĐH Quy Nhơn, 2006.
[2] Tựa bài viết của GS Đỗ Đức Hiểu
[3]Chữ dùng của Nguyễn Huy Thiệp.
[4] Hoàng Ngọc Hiến. Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió. Hà Nội, tháng 9 năm 1987
[5]Nguyễn Thanh Sơn. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Hà Nội, 27/6/1995.
[6] Chữ dùng của E. Hemingway.
[7] Nguyễn Thanh Sơn. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Hà Nội, 27/6/1995.
[8] Phát biểu của nhà văn Nguyễn Khải
[9] Chữ dùng của nhà văn Nguyễn Khắc Trường
[10] Chữ dùng của J.P.Satre
[11] Nguyễn Thanh Sơn. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Hà Nội, 27/6/1995.
[12]Nguyễn Thị Hải Vân. Những đổi mới của văn học Việt Nam sau năm 1975. ĐH Quy Nhơn, 2006.
[13]Chữ dùng của GS Đặng Anh Đào
[14]Nhận xét của GS Đặng Anh Đào
[15] Nguyễn Đăng Điệp. Cuốn theo chiều văn Nguyễn Huy Thiệp. Tạp chí văn học ngày 18/5/2009
[16] Chữ dùng của E. Hemingway.
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn

    18/04/2014Nguyễn Huy ThiệpMột nhà văn, một người sáng tác phải coi lý luận phê bình như sự tự ý thức của anh ta. Tính chất khoa học trong công việc của nhà văn là ở chỗ này. Chỉ có những "nhà văn - nhà khoa học - nhà bác học" mới hòng xây dựng được những tác phẩm thiên tài...
  • Cái đọc với người viết

    28/10/2016Hoài NamSự đọc cần cho tất cả những ai yêu chuộng tri thức, yêu chuộng một đời sống tinh thần phong phú; riêng với người viết, đọc trở thành một điều kiện mang tính cốt tử nếu người viết thực sự muốn sống chết với nghề viết, thực sự muốn tạo lập những giá trị văn chương có thể không bị bụi thời gian che phủ; nói cách khác, phải đọc, nếu người viết muốn hiện diện với tư cách một người viết chuyên nghiệp...
  • Vì sao các văn nghệ sĩ "im hơi lặng tiếng"?

    25/05/2016Hữu Việt (thực hiện)Một tự vấn của nhà văn Văn Chinh về thái độ, tiếng nói của văn nghệ sĩ trước những vấn đề trọng đại của đất nước, tham gia vào diễn đàn ‘Vì sao “văn nghệ sĩ im hơi lặng tiếng”?’.
  • Dấu ấn phương tây trong văn học Việt Nam hiện đại - vài nhận xét tổng quan*

    05/05/2016Nguyễn Văn DânKhảo sát những dấu ấn của văn học nước ngoài trong một nền văn học dân tộc là một trong những đề tài của văn học so sánh ứng dụng. Trong bài này, chúng tôi chỉ khảo sát những dấu ấn của văn học phương Tây trong văn học Việt Nam hiện đại và đánh giá ý nghĩa của chúng dưới góc độ văn học so sánh, chứ chúng tôi hoàn toàn không có ý nói rằng văn học Việt Nam chỉ là những dấu ấn của phương Tây.
  • Sự khác biệt mới làm giàu có tâm hồn

    16/10/2015Hà Anh (thực hiện)“Người đọc có tìm những “khác biệt” để đọc hay còn có những yếu tố khác nữa? Người kinh doanh có quan tâm đến giá trị tinh thần khi lựa chọn “kinh doanh” tác phẩm văn học? Điều gì tạo nên giá trị của tác phẩm văn học Việt Nam?”- đó là những nội dung nhỏ trong buổi trao đổi giữa phóng viên báo điện tử Tổ Quốc với nhà văn Ngô Tự Lập, một nhà văn tiếp xúc nhiều với văn học nước ngoài...
  • Sinh viên và... nỗi buồn của sách!

    22/05/2015Linh Thoại"Tuổi thanh niên nên đến với sách như đi vào cuộc đời để tìm bạn". Đó là một trong những lời khuyên quý báu của André Maurois - nhà văn Pháp. Thế nhưng đọc sách có còn là một niềm vui tao nhã, một nhu cầu học hỏi không thể thiếu, nhất là đối với sinh viên - một bộ phận thanh niên được xem là trí thức trẻ ngày nay?
  • Vì sao nhà văn lại không được coi trọng?

    16/04/2015Nguyễn Mạnh HàNhà văn, tất nhiên phải là những nhà văn đích thực, xưa nay, là những
    người sáng tạo và đem lại cho xã hội những giá trị tinh thần lớn lao.
    Nhà văn đem lại những giá trị góp phần làm hoàn thiện tính người cho
    nhân loại. Thế nhưng không phải ở đâu, thời đại nào, thể chế nào các
    nhà văn cũng được coi trọng và tôn trọng mà họ dáng được bởi các giá
    trị mà họ có, họ đem lại cho cộng đồng...
  • "Văn học Việt Nam đang phải trả giá"

    23/09/2013Nguyễn Trâm Anh (Thực hiện)Ngô Bảo Châu được giải Fields thì bạn có nghĩ rằng toán học Việt Nam có thành tựu hay không? Giả sử như văn học Việt Nam, anh Nguyễn Huy Thiệp được giải Nobel thì bạn cảm thấy như thế nào? Theo tôi, giải thưởng không có nhiều ý nghĩa. Giải Nobel văn học chỉ trao cho tác phẩm, tác giả chứ không phải là thước đo để đánh giá một nền văn học. Vì thế tôi nghĩ có đoạt giải Nobel hay không cũng không phản ánh đúng thực chất của nền văn học Việt Nam.
  • Chúng ta ít có những tác phẩm hay

    28/07/2011Trần SơnVăn học hay cũng như các môn nghệ thuật khác, ngoài nội dung tư tưởng còn phải có tính hấp dẫn. Thiếu tính hấp dẫn rất khó chinh phục được người đọc. Nếu chúng ta có những tác phẩm hấp dẫn, trong sáng, lành mạnh thì không khó gì không có người đọc. Những tác phẩm văn học gần đây được giới trẻ đón đọc không phải là ít, ví dụ như Chân dung và đối thoại, loạt truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, tiểu thuyết của Bảo Ninh...
  • Ông Hiến đã hóa người hiền

    26/01/2011Phạm Xuân Nguyên“Cái nước mình nó thế!”, câu nói này từ khi được phát ra ở một người là thành ra được truyền tụng. Người nói ra câu đó phải là người rất dân gian và trí tuệ để phát đi một câu cửa miệng quen thuộc, ai cũng nói và hay nói, nhưng từ khi người đó nói ra thì lập tức thành ấn tượng, thành phổ biến, thành đúc kết kiểu châm ngôn và được dùng như một câu có bản quyền, thường để chốt lại như một nhận định, một suy tư, chứ không bình thường là một câu đùa cảm thán nữa.
  • Hợp với nhân sinh

    22/08/2010Phan Cẩm ThượngNghệ thuật sinh ra để bù đắp cái chưa hoàn thiện của con người. Khi xã hội có điều bất cập thì nó lên tiếng, khi xã hội thiếu thốn thì nó vẽ ra những viễn cảnh tương lai. Vì thế cái mới là mục đích, tự do là phương tiện của nghệ thuật – một hoạt động có tính điều chỉnh và tự điều chỉnh cơ chế hoạt động của mình. Điều này phụ thuộc vào ba mặt: hành nghề ở mức độ chuyên nghiệp hóa, yêu cầu một thiết chế nghề nghiệp (luật nghệ thuật) và tự do sáng tạo...
  • Tiểu thuyết Việt bế tắc?

    27/07/2010Tiểu QuyênVăn học nói chung đã trầm lắng thì tiểu thuyết nói riêng lại càng im ắng hơn khi càng lúc văn đàn càng hiếm những tác phẩm tạo dấu ấn đặc biệt. Tiểu thuyết thời hiện đại đã không thể nào làm nên những thành quả lớn lao như các thế hệ nhà văn trước đã làm...
  • Hai nhà văn già và cô gái trẻ

    08/07/2009Minh NguyễnMấy năm gần đây, hai nhà văn già Trang Thế Hy – Nguyên Ngọc thường hò hẹn mỗi năm có một ngày ngồi với nhau để uống ly rượu hội ngộ. Năm nay, một ngày hè, con đường đất vào nhà ông Trang Thế Hy hoa mua tím như dày hơn. Cuộc gặp gỡ giữa hai nhà văn già chỉ xoay quanh chuyện - tình - yêu - văn - chương - chữ - nghĩa. Câu chuyện của họ trở nên hào hứng khi cả hai đều “ham” một người, người đó là cô gái trẻ: Nguyễn Ngọc Tư
  • Bàn thêm về vị thế của nhà văn Việt Nam hiện đại

    20/05/2009Thạc sĩ Trần Văn ToànMột tiêu chí quan trọng để nhận diện về tính chất của một giai đoạn văn học là vị thế xã hội của nhà văn: nó tiết lộ những tương tác phức tạp của văn học với các nhân tố khác như: bảng thang giá trị trong xã hội, những định hướng từ chính trị... Một cái nhìn lướt qua mang tính đối chiếu giữa vị thế xã hội của nhà văn giai đoạn 1945 - 1975 và từ sau 1975 đến nay có thể giúp ta nhận thức rõ hơn về ý nghĩa văn học sử của khái niệm công cụ này.
  • Về một số bất cập trong giáo dục

    11/05/2009Đỗ Kiên CườngGiáo dục Việt Nam nhiều ưu điểm? Chính xác, vì bạn bè quốc tế công nhận, so với các nước cùng thu nhập, các chỉ tiêu văn hóa - xã hội của chúng ta, bao gồm giáo dục, cao gấp mấy lần. Giáo dục Việt Nam còn nhiều bất cập, từ triết lý cho tới hành động? Không sai, và chúng đã được nói nhiều trong thời gian qua. Bài viết dưới đây chỉ xin bàn về một số bất cập trong nền tảng triết lý, nhằm rộng đường dư luận.
  • Viết văn đừng nghĩ đến tiền

    02/04/2009Tuấn Nhi - V.QĐó là câu dặn dò, dạy bảo của nhiều nhà văn bậc cha chú đối với con cháu. Câu nói đó hàm chứa hai ý: một là, đã theo con đường sáng tác, chỉ chăm chăm nghĩ đến lợi danh, tiền bạc thì khó có tác phẩm hay; hai là: đừng coi chuyện viết văn đồng nghĩa với việc kiếm tiền.
  • Tấu hài “Công danh”

    21/01/2009Nguyễn Huy Thiệp soạnCha chả! Khổ ơi là khổ! Nghèo ơi là nghèo! Nghèo thế nào? Nghèo lắm! Nghèo đến nỗi cả nhà không có một cái hố xí. Hình như tôi còn mỗi cách lao ra ngoài đường!
  • Con đường văn học

    01/05/2008Nhà văn Nguyễn Huy ThiệpKhi tôi nhận ra rằng văn học là một thế giới hoang tưởng của người viết thì không có nghĩa là tôi hạ thấp giá trị văn học. Tôi chỉ vạch ra khía cạnh vô bổ, vô nghĩa của văn học mà thôi. Tôi cũng đã cảnh tỉnh để người viết dè chừng khả năng bị tha hóa về mặt tinh thần, đạo đức khi cầm bút viết...
  • Văn chương - văn học năm 2006, chuyển dịch trong sự “nhiễu loạn”?

    04/02/2007Nguyễn HòaTới năm 2006, với những sự kiện - hiện tượng phong phú và đa dạng của nó, tôi lại thấy văn chương - văn học nước nhà như đang phát lộ một vài dấu hiệu chuyển mình. Và vì thế, dường như đâu đó ở cuối con đường, đã le lói một niềm hy vọng?
  • Trò chuyện với nhà thơ Lão Thực

    09/12/2006Vũ Ngọc TiếnCó một thời ấu trĩ, hễ ai nhắc đến Hiện sinh còn bị chuốc vạ vào thân, đã kìm hãm sự phát triển văn học Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ XX. Đáng tiếc, bước vào đổi mới, có một số người, để tỏ ra mình cấp tiến hơn các bạn viết, đã cố gồng cây bút lên cho có vẻ Hiện sinh, mà có khi Hiện sinh là gì họ còn chưa hiểu hết, sách Hiện sinh chắc gì đã đọc cho nghiêm túc. Ngược lại, có không ít người lại tỏ ra dị ứng, ác cảm với Hiện sinh. Triết học nào lập ra cũng vì con người, hướng dẫn con người đi tìm đến cội nguồn của hạnh phúc...
  • Sống có ích là gì?

    07/07/2006Bùi ThanhCuộc đời mỗi người dường như đều bắt đầu bằng những câu hỏi. Có câu hỏi đưa người ta đi đến những con đường, có câu hỏi chỉ dẫn người ta vào vũng lầy tăm tối...
  • Văn chương 2004 - oằn mình giữa "nhập nhòa" cũ - mới

    03/01/2006Nguyễn Hoà"Cái mới" đang là khát vọng với những chấm phá chưa định hình và "cái cũ" hàng ngày vẫn ám ảnh đâu đó trong sự vận hành của từng cây bút - đó là tình trạng mà đã mấy năm rồi, văn học Việt Nam đang cố gắng vượt qua để chuyển mình đổi mới. Văn học năm 2004 cũng vậy, nó "nhập nhòa" giữa sự ra đời của những tác phẩm, những sự kiện khiến người ta vừa có điều gì đó để hy vọng, vừa khiến người ta không khỏi lo âu...
  • Điểm qua văn chương nửa năm con gà

    30/12/2005Nguyễn Hòa..."lượn” qua các cửa hàng sách vẫn thấy bạt ngàn những cuốn mới toanh, xanh đỏ tím vàng, nhưng đọc qua sẽ không khỏi thất vọng vì phần lớn là sách tái bản, sách tuyển tập hoặc toàn tập và vô vàn sách dịch không hiểu có liên quan đến Công ước Berne?
  • Khởi sắc trong sự nhiễu loạn

    30/12/2005Nguyễn HòaNăm 2004 đã qua và nếu so với một quá trình văn chương thì một năm xem chừng chỉ là một khoảnh khắc. Nhưng một năm qua đi cũng lại bao gồm trong nó công việc của hàng nghìn người viết văn, làm thơ mà sản phẩm của họ trên một ý nghĩa nào đó đã góp phần làm nên diện mạo tinh thần của một thời đoạn lịch sử...
  • Trực diện với Văn học Việt Nam thế kỷ XX

    01/12/2005Nguyễn HoàBị hấp dẫn bởi tên gọi Văn học Việt Nam thế kỷ XX, tôi đã đọc cuốn sách với hy vọng được mở mang tầm nhìn, được bổ sung tri thức, được giúp lý giải các hiện tượng, các vấn đề lý luận - thực tiễn của văn chương - văn học dân tộc trong thế kỷ XX. Tiếc thay càng đọc thì nỗi thất vọng lại càng lớn dần...
  • Còn nhiều người cầm bút rất có tư cách

    08/11/2005Nhà văn Nguyên NgọcVăn học ta không yên đâu. Nó đang quẫy cựa, hình như ngày càng mạnh mẽ, cả quyết liệt hơn nữa, để nói về cái thế giới mà nó biết là không hề đơn nghĩa, tuyến tính, tất định này, và nói cũng bằng một ngôn ngữ đa nghĩa, đối thoại, dân chủ, ngày càng dân chủ hơn. Và như thế là đáng mừng...
  • Chúng ta ít có những tác phẩm hay

    05/07/2005Trần Sơn (27 Bà Triệu, Hà Nội)Văn học hay cũng như các môn nghệ thuật khác, ngoài nội dung tư tưởng còn phải có tính hấp dẫn. Thiếu tính hấp dẫn rất khó chinh phục được người đọc. Nếu chúng ta có những tác phẩm hấp dẫn, trong sáng, lành mạnh thì không khó gì không có người đọc.
  • xem toàn bộ