Văn chương - văn học năm 2006, chuyển dịch trong sự “nhiễu loạn”?

09:44 SA @ Chủ Nhật - 04 Tháng Hai, 2007

Mới đây, đọc trả lời phỏng vấn của ông Tạ Duy Anh trên VietNamnet rằng “hơn 90% sách in ra hiện nay là để vứt vào sọt rác” tôi vừa thắc mắc vừa ngạc nhiên. Thắc mắc vì từ đó suy ra thì 90% số đầu sách Tạ Duy Anh biên tập ở NXB Hội Nhà văn là đáng cho vào “sọt rác” và liệu 10% còn lại có phải là tác phẩm của chính ông cùng một số tác giả khác mà ông không nỡ lòng vứt đi? Ngạc nhiên vì không rõ Nhà văn đã đọc bao nhiêu sách in ra hiện nay để có thể đi tới khẳng định như thế, vì dù hay - dở có thể khác nhau, nhưng chẳng lẽ kết quả lao động của bao nhiêu đồng nghiệp chỉ có một ý nghĩa là để Tạ Duy Anh cho vào “sọt rác”? Về phần mình, dù đã từng nhận xét có phần gay gắt về tình trạng “nhiễu loạn” của văn chương - văn học Việt Nam, tôi cũng chưa bao giờ “dám” ngạo nghễ đánh giá đến như vậy và tới năm 2006, với những sự kiện - hiện tượng phong phú và đa dạng của nó, tôi lại thấy văn chương - văn học nước nhà như đang phát lộ một vài dấu hiệu chuyển mình. Và vì thế, dường như đâu đó ở cuối con đường, đã le lói một niềm hy vọng?

1. Văn xuôi: Tiểu thuyết thăng hoa, truyện ngắn dừng chân... tạm nghỉ?

Về tiểu thuyết, trong năm 2006 cứ vài tháng văn đàn lại có một hai cuốn để cùng xôn xao. Mẫu thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh, Ngồi của Nguyễn Bình Phương, Ba ngườikhác của Tô Hoài, T mất tích của Thuận… Mỗi cuốn mỗi vẻ và sự xôn xao diễn ra quanh các tiểu thuyết này không phải khi nào cũng là biểu thị của một hiệu ứng khách quan. Như với Mẫu thượng ngàn chẳng hạn, tôi đã đọc và bước đầu nhận xét rằng cuốn tiểu thuyết này có một khoảng cách so với Hồ Quý Ly. Tôi đã thử tiến hành một khảo nghiệm nhỏ và được biết trong những người tôi hỏi, số người đã đọc tới trang cuối cùng của Mẫu thượng ngàn không phải là nhiều. Tiết tấu chậm và lan man, sự thiếu vắng một tư tưởng trọn vẹn được thay thế bằng những mô tả có tính dân tộc học và một cuộc đối thoại (hay độc thoại của tác giả?) chưa đến độ về quan hệ văn hoá phương Đông - phương Tây, theo tôi đó là đặc điểm của Mẫu thượng ngàn. Còn “tín ngưỡng thờ mẫu” ư, chuyện đâu có gì mới!

Với tiểu thuyết Ngồi của Nguyễn Bình Phương, sự khen - chê đối với nó như đang cụ thể hoá tình trạng của các “đẳng cấp” nghề nghiệp khác nhau mà tôi sẽ trình bày ở phần sau. Còn nếu được hỏi, xin đưa ra một giả định rằng phải chăng có thể coi Ba ngườikhác, NgồiT mất tích là biểu thị cho diện mạo thể loại của tiểu thuyết Việt Nam đương đại trong quan hệ từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Có người vẫn là chính mình như Tô Hoài; có người từ sự nhất quán trong lối viết của một loạt tiểu thuyết, đã và đang xác lập một hướng đi riêng như Nguyễn Bình Phương; có người lại đẩy tư duy về thể loại ra ngoài phạm vi cộng đồng, bắt nhịp với tiết tấu cùng sự biến thiên của tâm thế thời đại qua một góc nhìn văn chương khác, như Thuận. Cho nên dẫu hay - dở thế nào thì vẫn cần ghi nhận đây là sự vận động đáng khích lệ, dù chỉ là nhúc nhích vẫn còn hơn là loang quanh, trì trệ, và từ đó có thể đưa tới một hy vọng. (Ở đây xin không đề cập tới cuốn tiểu thuyết Vết sẹo và chiếc đầu hói của Võ Văn Trực, với tôi, cuốn tiểu thuyết chỉ là kết quả của sự xuống cấp về văn chương, nên nó yểu mệnh ngay sau khi ra đời và để bày tỏ thái độ, tôi đã viết bài Là Nhà văn - họ cần tới những điều lớn hơn như thế đăng trênTiền phong Chủ nhật).

Tuy nhiên sự ồn ào xung quanh các “tâm điểm” của tiểu thuyết dường như lại đưa tới sự khuất lấp một số tiểu thuyết khác xuất bản cùng năm, như Sông cạn của Dũng Hà, Ngày hoàng đạo của Nguyễn Đình Chính, Chân dung cát của Inrasara, Đàn trời của Cao Duy Sơn... Dũng Hà ấp ủ Sông cạn đã hàng chục năm, lối viết và cách thức tổ chức tác phẩm có thể làm cho bạn đọc lấy tốc độ, sự kiện làm tiêu chí tiếp nhận sẽ khó thích ứng, song vấn đề của cuốn tiểu thuyết này lại ở chỗ nó phác dựng một “phiến đoạn u ám” của quá khứ từ suy tư nhân bản. Thiết nghĩ, “phiến đoạn u ám” của hôm qua khi được khai thác như một đề tài văn chương sẽ luôn cần tới một suy tư nhân bản, nếu thiếu đi, quá khứ dễ bị “bi thảm hoá” để trở nên nặng nề. Nhắc tới tiểu thuyết của năm 2006, không thể không đề cập tới Dòng đời của Nguyễn Trung - người đã từng làm xôn xao dư luận qua ý niệm về “thời cơ vàng, hiểm hoạ đen”. Bốn tập sách ra mắt khá rình rang và hàng nghìn trang viết của ông Nguyễn Trung đã “văn chương hoá một cách sơ giản” một số ý tưởng ông từng trình bày trong loạt bài viết trên báo chí hồi đầu năm. Tôi không coi đây là một tiểu thuyết sử thi, và thú thật là phải tự “hành xác” tôi mới có thể tiếp nhận cuốn sách này một cách hoàn chỉnh. Nhớ điều ông Nguyễn Trung đã nói: “những ai quan tâm đến đất nước này, tôi nghĩ, họ sẽ đọc tôi” mà thấy e ngại, cứ theo suy nghĩ của ông thì việc tôi đọc một cách vất vả và chán nản về bốn tập sách kia, liệu có bị mang tiếng là “không quan tâm đến đất nước” không nhỉ?

Trong hoàn cảnh tiểu thuyết ít nhiều có việc để bàn và hy vọng thì xem ra năm qua truyện ngắn lại có vẻ tụt hậu, hầu như không thấy có tác phẩm nào buộc mọi người phải tìm đọc. Báo Văn nghệ và tạp chí Văn nghệ Quân đội đã công bố khá nhiều truyện ngắn dự thi, nhưng chưa thấy tác phẩm nào thật sự nổi trội hay vượt hẳn lên so với mặt bằng chung của truyện ngắn. Trên các báo và tạp chí khác cũng vậy, truyện ngắn vẫn in ấn đều đều, nhưng chất lượng tư tưởng - nghệ thuật hình như vẫn thuộc về ước mơ chứ chưa thể hiện nhiều trong thực tế. Trong khi đó, “hiện tượng” truyện ngắn được chú ý trong năm lại rơi vào tình huống một tác phẩm bị nghi ngờ là“đạo văn” và một vài người đưa ra “nghi án” chủ yếu vì nhận thấy Dòng sông tật nguyền của Phạm Thanh Khương có một số yếu tố gần gũi với Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư. Sự gần gũi giữa hai tác phẩm, có phải là hành vi “đạo văn” hay không, quả là khó trả lời, vì thế nó đòi hỏi người ta nên thận trọng, bởi ở đây còn liên quan tới danh dự của một người viết. Về phần mình, tôi muốn được bày tỏ sự nghi ngờ đối với động cơ của người đã “khơi” ra sự vụ này. Vào thời buổi một người có thể giật giải nhất cuộc thi phóng sự của một tờ báo lớn bằng cách chỉ cần xem chương trình Người đương thời trên vô tuyến truyền hình, “không thèm” tiếp xúc trực tiếp với nhân vật mà vẫn có thể viết một bài phóng sự dự thi thì liệu đôi khi, một số sự vụ báo chí và văn chương có thể phải đặt trong vòng nghi ngờ?

2. Thơ: “Ảo giác về thành công” và quán tính của một thời?

Đời sống thơ ca năm 2006 được mở đầu với sự ồn ào xung quanh sự kiện tập thơ Dự báo phi thời tiết phát hành cuối năm 2005 đã “bị” thu hồi cùng phản ứng của các tác giả tập thơ khi trả lời phỏng vấn trên tienve.org. Tuy không có số phận như Dự báo phi thời tiết thì sự phấn chấn tưởng như là hiện tượng của “hộp thơ” Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý gồm ba tập cũng chẳng mấy chốc rơi vào im lặng. Cuộc ra mắt long trọng tại Hà Nội và tuyên bố tự tin của tác giả đã không đủ sức vực dậy các “thi phẩm” như kết quả của trò chơi chữ nghĩa, và cái “băng cassette” coi các nhà phê bình yếu kém, do đã bị sử dụng quá nhiều ở cả phương Tây lẫn phương Đông nên trở thành cũ mèm khi tác giả cho “tua” lại ở Việt Nam. Tự tin thì cũng tốt thôi, nhưng tự tin một cách ấu trĩ thường chỉ đẩy người ta tới những cảnh huống bi hài. Khát vọng cách tân trong thơ là rất cần trân trọng, song khát vọng ấy phải được đảm bảo bằng sự đột phá về tinh thần, bằng tài năng chứ không phải bằng sự ngộ nhận. Thiếu đột phá về tinh thần và thiếu tài năng, sẽ chỉ đưa tới những sản phẩm vô bổ. Đọc một cây bút trẻ quảng bá Lô Lô là: “Một tập thơ đáng mua để đọc giữa thời buổi chúng ta lạnh nhạt với thơ không vì một lý do gì cả” tôi đãngạc nhiên, vì thấy nhiều bài trong tập Lô Lô lại được gọi là thơ. Tỷ như mấy câu: “Đêm đem em vào đen- Đen đem em vào đêm - Đêm đem đen vào em - Em đem đêm vào đen” lại làm tôi liên tưởng tới cái món: “Nồi đồng nấu ốc - Nồi đất nấu ếch”, đọc lên mà đau cả mồm! Lại nghĩ, liệu có là may mắn cho nền thơ xứ ta hay không khi tác giả của tập thơ này không nhận tặng thưởng của Hội Nhà văn hay là chính tôi phải bổ túc lại năng lực thụ cảm thơ ca của mình? Tuy vậy, khó có thể bác bỏ một thực tế là “ảo giác về thành công” thơ nổi lềnh phềnh lên trên bề mặt sinh hoạt văn chương trong năm, trở thành một thứ fast food của báo chí trong trên dưới tháng trời rồi… mất hút. Viết đến đây, tôi nhớ tới một sinh hoạt thơ rất đáng quan tâm, được tổ chức theo hình thức bàn tròn, theo định kỳ ở TP Hồ Chí Minh, mà tôi mới biết tới qua các bài tổng thuật trên báo chí. Như một sinh hoạt nghề nghiệp cần thiết, các cây bút thơ trẻ ở TP Hồ Chí Minh đang ngồi lại để bàn bạc. Tôi nghĩ, nếu họ chia sẻ được với nhau, có thể cùng nhau tìm ra “chìa khoá” của vấn đề thì thật đáng quý biết bao nhiêu. Và tôi mong sao, họ sẽ thành công!

Ngược lại với những sự kiện thơ ồn ĩ trên văn đàn, cả năm qua, trên các trang báo và tạp chí, ở các nhà xuất bản… thơ vẫn in đều đều, và tiếc thay, chiếm tỷ lệ quá cao trong các bài thơ này như chỉ là quán tính của một kiểu loại thơ từng thịnh trị một thời. Kiểu loại thơ kia không có gì là xấu, song điều tôi muốn nói là nếu đời sống thơ ca mãi mãi chỉ có một kiểu loại thơ ca như vậy thì dễ đẩy tới tình trạng đơn điệu và nhàm chán. Tôi không dẫn lại một bài thơ, một tác giả cụ thể nào ở đây vì số lượng bài thơ chỉ có tác giả và mấy người cùng “cạ” là thấy “hay” theo tôi hiện đã đến lúc bão hoà, và thật sự thì mỗi khi đọc một bài giới thiệu một tác giả thơ, một tập thơ là tôi lại nhắc mình phải cảnh giác để không bị cuốn theo xúc cảm đôi khi là rất giả của người viết. Thơ không có “tứ” bởi người làm thơ lười nhác trong tâm tưởng. Thơ khó đọng lại trong người đọc vì cảm xúc của người làm thơ hời hợt, nông cạn. Phải chăng đó là nguyên do chủ yếu lý giải tại sao nền thơ của chúng ta sinh ra rất nhiều tác phẩm mà bài thơ thật hay thì cực hiếm, và phải chăng, thơ của năm 2006 mới rồi có lẽ cũng chỉ là vệt kéo dài của một “quán tính”?

3. Lý luận - phê bình: Hội nghị lớn và “đường biên” cũ kỹ?

Năm 2006, lĩnh vực lý luận - phê bình dường như lại trở thành một “điểm nóng” của sinh hoạt văn học với một Hội nghị do Hội đồng LLPBVHNT Trung ương và một Hội nghị do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, thu hút sự chú ý của người trong nghề từ Bắc chí Nam. Cuộc khủng hoảng nhãn tiền của lý luận - phê bình đặt các cơ quan hữu trách trước tình thế phải tập hợp lực lượng, tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất giải pháp. Đó là điều đáng mừng. Song theo tôi, có một hiện tượng phổ biến, cần được đề cập là nhiều tác giả tới hội nghị chủ yếu để bàn về những điều không mới, một số ý kiến cũ rích, từng được trình bày từ năm ngoái năm kia, thậm chí từ Hội nghị ở Tam Đảo, vẫn tiếp tục được trình làng một cách… say sưa! Đến mức thấy ông A bà B lên phát biểu, kẻ viết bài này có thể tóm tắt trước rằng ông A sẽ nói gì, rằng bà B sẽ phát biểu ra sao. Dường như lâu nay những suy tư bàng bạc, những sự phê phán cùng lời lẽ chê bai đối với lý luận - phê bình… đang chiếm vị trí ưu thắng trên một số diễn đàn, làm nhiều người quên mất rằng điều cần thiết với lý luận - phê bình của chúng ta lúc này là trao đổi để tháo gỡ và làm mới, chứ không chỉ loay hoay… “mổ xẻ”!

Còn suy tư mới ư, tôi nghĩ đây là điều bất khả với nhiều đại biểu, vì lẽ ở hai hội nghị kể trên và tại Hội thảo do Viện Văn học và Harvard - Yenching Institute (Hoa Kỳ) tổ chức, tôi đã được chứng kiến không ít diễn giả lên đọc một bản tham luận dài dòng, bất chấp quy định mỗi người chỉ đọc trong 5 - 10 phút, thậm chí có vị được Ban Tổ chức lưu ý tới 4 lần vẫn không thể tóm tắt nổi tham luận do chính mình viết ra. Không tóm tắt được tham luận, theo tôi, xét đến cùng là do tác giả đã không có ít nhất là một ý tưởng riêng và nghiêm cách để viết bản tham luận, vậy thôi. Lại nghĩ, các hội nghị và hội thảo về lý luận - phê bình sẽ có hiệu quả thế nào nếu nhiều người đến đó chỉ để đọc một văn bản thiếu ý tưởng, chỉ nhằm “tố khổ” hay kêu gào tự do sáng tác trong khi liệu có mẩu chữ nào họ viết ra lại chưa được in? Và liệu có thể tin rằng với cách thức tiến hành hội nghị, hội thảo đã thành khuôn sáo, máy móc, lại có ý nghĩa sẽ đưa tới động thái mới cho lý luận - phê bình?

Theo dõi hai cuộc thảo luận về “sex trong văn chương” rồi “văn chương trên mạng” do VietNamNet tổ chức trong năm 2006, tôi thấy tờ báo mạng này đã đặt ra cácvấn đề trực tiếp, cụ thể đối với văn chương Việt Nam đương thời. Tất nhiên với hai đề tài ấy, một diễn đàn không thể giải quyết trong một sớm một chiều, song với việc đặt ra để thảo luận cũng cho thấy các tờ báo chuyên về văn chương có khi lại lẽo đẽo tụt hậu so với một diễn đàn trên mạng. Tuy thế công bằng mà nói, ở hai cuộc thảo luận kể trên, các ý kiến cảm tính vẫn hơi nhiều, các kiến giải mới còn mờ nhạt. Ấy là chưa nói có người “đọc chưa thủng văn bản” cũng hăng hái tham gia thảo luận, như điểu tôi nhận định văn chương trên mạng có cả “vàng” lẫn “rác” đã bị đọc một cách xuyên tạc thành… “rác” nhiều hơn “vàng”!

Trên cái nền rộng của đời sống văn chương đang chuyển dịch trong sự phức tạp, lẽ ra lý luận - phê bình phải bổ sung nội lực để có thể đồng hành cùng văn chương thì ngược lại, trong một số trường hợp, hoặc là có người viết vừa vung vẩy vốn liếng lý luận văn học đã “đóng băng” quãng ba mươi năm trước vừa hô khẩu hiệuphê bình văn học cần vào“trận” mạnh mẽ (!); hoặc làlý luận - phê bình bị một vài tác giả biến thành hí trường của trò tung hứng, bất kể hay - dở ra sao, hễ thấy tác phẩm nào “khác thường” mới ra lò là lập tức rầm rĩ tung hô, bất chấp tình thế chỉ ít ngày sau đó, tác phẩm được coi là “xuất sắc” kia lập tức rơi vào quên lãng. Khát vọng vì nền văn chương lành mạnh? Nông nổi đến mức ngộ nhận giữa lạmới? Ham hố trở thành “bà đỡ mát tay” cho thế hệ trẻ? Tạo dựng một xu hướng “nói ngược”? Đưa người đọc vào “bẫy” để tăng số lượng phát hành?... đó là những câu hỏi tôi không thể trả lời, và may ra chỉ người trong cuộc mới có khả năng bày tỏ. Nên không tôi hiểu điều gì đã xảy ra “ở phía sau cánh gà” khi thấy tại Hội nghị ở Đồ Sơn, trong lúc một ông nhà thơ phát biểu, một ông Nhà văn ngồi phía dưới lại hét tướng lên rằng phải đọc to đoạn nào? Ấy là chưa nói không ít lời ngợi ca dành cho một cuốn sách“thời thượng” còn bộc lộ thói quen thụ động của một số tác giả, đọc hời hợt nhưng thấy người ta khen thì cũng khen theo, thấy người ta chê thì cũng chê theo, nhiều khi cái gọi là sự phát hiện chỉ là sự mô phỏng, lặp lại dưới các dạng thức khác nhau của một hai ý kiến.Vào dịp cuối năm, từ việc đọc mấy bài phê bình tiểu thuyết Ngồi của Nguyễn Bình Phương, tôi những nghĩ đây là “liều thuốc thử” đối với lý luận - phê bình Việt Nam đương đại. Trong khi có tác giả sử dụng các công cụ lý thuyết mới để “giải mã” tác phẩm theo các chiều nghĩa khác nhau như Phạm Xuân Thạch, thì Nguyễn Huy Thông - một cây bút “già tuổi đời, non tuổi nghề” lại đánh giá cuốn sách theo một chiều nghĩa trần trụi của nó để đưa ra những quy kết nặng nề. Khó có thể nói thành lời khi được mục kích “nhà phê bình” so đo giữa hiện thực tác phẩm và hiện thực cuộc sống để đưa ra kết luận kiểu như: “xạo quá trời”. Văn chương sẽ phát triển sao đây khi vẫn có người phê bình nó theo lối “gọt chân cho vừa giày”, không quan tâm đến thủ pháp Nhà văn mô tả cái xấu để người đọc thấy ghê sợ mà biết lánh xa cái xấu? Tôi còn e ngại hơn khi có “nhà phê bình” phê phán Nguyễn Ngọc Tư lạm dụng phương ngữ trong truyện ngắn Cánh đồng bất tận. Và một “nhà phê bình” khác quanh năm chỉ lúi húi với mấy khái niệm “hình tượng nghệ thuật” với “tư duy hình tượng” để trình diễn trong vài ba bài viết sáo rỗng thì tới năm 2006 lại đề xuất ý kiến rằng đã có “văn học trẻ” thì phải có “phê bình trẻ”, liệu rồi đây văn đàn sẽ có cả “phê bình già... phê bình về hưu”?!

Một số lý thuyết mới cần được giới thiệu, đường biên của các lý thuyết, chuẩn mực, tiêu chí... định giá văn chương cần được đổi mới, một thế hệ kế tiếp trong lý luận - phê bình cần được chú ý đào tạo, phải tìm ra một sức hấp dẫn nghiêm túc của nghề nghiệp này… là những việc phải làm, vậy mà sau chục năm trời mới thấy xuất hiện vỏn vẹn có Phạm Xuân Thạch, Cao Việt Dũng, Nguyễn Hoài Nam. Đó là điều đáng mừng hay đáng lo?

4. Giải thưởng văn chương: Kịch bản tự biên và sàn diễn… hí kịch?

Các giải thưởng văn chương của năm 2006 được công bố khá sớm, đặc biệt là có sự bổ sung vào danh sách giải thưởng của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh. Thiết nghĩ, sự đa dạng về giải thưởng và việc xét giải một cách nghiêm túc, khách quan, trung thực sẽ ít nhiều giúp vào sự sàng lọc nhằm khẳng định thành tựu, tránh được tình trạng tác phẩm trao rồi mà lời ì xèo vẫn thấp thoáng đó đây. Giải của Hội Nhà văn năm nay xem ra hơi phức tạp, người không nhận giải, người băn khoăn không biết được trao vì lẽ gì, thậm chí cả giải thưởng của ông Chủ tịch Hội cũng trở thành vấn đề để một số người bàn bạc. Hầu như các loại hình báo chí đều vào cuộc và hiếm hoi mới thấy người ta phân tích rành rẽ để khẳng định giá trị tư tưởng - nghệ thuật của tác phẩm theo họ là xứng đáng được trao giải, mà thường chỉ là hướng tới cái đích “tại sao Chủ tịch Hội được trao?”, cứ làm như ông Chủ tịch không phải là hội viên, không có quyền lợi như mọi hội viên khác. Nên tôi lấy làm bi hài khi từng có vài ba tác giả đã nhận hai ba giải thưởng của Hội Nhà văn mà chẳng thấy ai đó lăn tăn, song đến ông Chủ tịch thì vấn đề lại trở nên gay cấn. Và tôi cố “đào bới” trong bài trả lời phỏng vấn của TS Phan Hồng Giang mà tuyệt nhiên không tìm ra bất kỳ dấu vết ngôn từ nào lại toát lên tinh thần “không thấy được sự nghiêm túc trong việc xét giải, ngược lại còn thấy một thái độ thiếu tôn trọng các tác phẩm mà Hội đồng đưa ra để bình bầu” như tác giả tập Lô Lô khẳng định để từ đó từ chối tặng thưởng. Nhận hay không, đó là quyền của mỗi người, song một khi đã đưa ra lý do thì cần đưa ra một lý do xác đáng, còn “bịa” ra một lý do thì có nên chăng?

Về thời gian, giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội được công bố sớm nhất với sự lên ngôi của Mẫu thượng ngàn, và Giăng lưới bắt chim của Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được trao giải thưởng lý luận - phê bình. Giống như năm nào Hội Nhà văn trao giải thưởng cho Vừa làm vừa nghĩ của Phạm Tiến Duật, việc trao giải thưởng lý luận - phê bình cho Giăng lưới bắt chim theo tôi là sự bỏ qua một số yêu cầu về thể loại, qua đã góp phần làm cho lý luận - phê bình càng trở nên “mờ nhoè”. Sự sâu sắc trong đôi ba bài cảm luận văn chương của Nguyễn Huy Thiệp có lẽ là điều không cần phải bàn nhiều, song một khi coi đó là lý luận - phê bình thì tôi e rằng người ta đã nhầm lẫn. Cũng phải nhắc tới một hiện tượng không rõ có là ngẫu nhiên khi trong giải thưởng của Hội này số tác phẩm được lãnh đạo Hội quảng bá, rồi số tác phẩm do nhóm làm “văn mới” mà ông Chủ tịch Hội là thành viên chiếm tỷ lệ hơi cao?

5. Đến những “sự vụ” trong và ngoài văn chương

Có lẽ khó có thể bỏ qua một sự kiện ít nhiều liên quan tới văn chương, không kém phần náo nhiệt, tạo ra các luồng ý kiến khác nhau, thậm chí đối lập nhau, là cuốn tự truyện Lê Vân yêu và sống. Tôi thích thú với sự “nhập vai” nhuần nhuyễn của Bùi Mai Hạnh đối với nhân vật tự truyện của chị, phần nào đó chia sẻ với tâm tư của Lê Vân, nhưng quả thật, tôi cũng dị ứng với việc Lê Vân đã kể một cách “trắng phớ” vềnhiều người thân của chị. Cuộc sống của mỗi người trong chúng ta vốn phức tạp, chắc gì sự phức tạp của người này đã ghê gớm hơn của người khác mà cần phải nói ra mới thấy yên lòng?

Năm 2006, Hội Nhà văn đã tiến hành một công việc theo tôi là ích lợi, ấy là tổ chức Hội nghị những người viết trẻ ở Hội An. Hàng trăm cây bút từ mọi miền đất nước tụ hợp để gặp gỡ, trao đổi, làm quen - một điều kiện không dễ có vào lúc mỗi người còn đang hối hả với cuộc mưu sinh. Trong ba ngày ở Hội An, tôi cảm nhận được tâm trạng hân hoan của đa số đại biểu qua nét mặt hồ hởi và không khí nhộn nhịp của hội nghị, tôi coi riêng việc tập hợp được như thế đã là một thành công. Song dưới ánh mắt của một số người thì đây lại là thời cơ để săm soi, nhận xét hoặc “trình diễn mấy trò lố lăng”. Và tôi thấy buồn khi có người cố khai thác các sơ suất của Hội nghị, hoặc tán dương một vài phát ngôn còn thiếu bản lĩnh.

Nếu thuần tuý chỉ trên bình diện báo chí, có lẽ năm nay ông Chủ tịch Hội Nhà văn là một trong các tiêu điểm được chú ý hơn cả. Nào tiểu thuyết của Võ Văn Trực, nào “nghi án đạo thơ”, nào việc được trao giải thưởng của Hội... Các sự kiện nối tiếp nhau, loanh quanh vẫn từng ấy nhân vật lên tiếng om xòm.Bên cạnh đó, trong năm 2006, số tác phẩm văn chương có may mắn được các nhà chức trách ở địa phương quan tâm bỗng tăng lên một cách khác thường. Một ông Vưu Nghị Lực xông ra ví von Cánh đồng bất tận với “vũng lầy bất tận” đã là chuyện hiếm hoi, tới khi cuốn tiểu thuyết lịch sử Tây Sơn bi hùng truyệncũng được ngắm nghía xem có đúng với hiện thực hay không thì câu chuyện viết văn là sáng tạo nghệ thuật dường như đã trở thành điều “khó chịu” với một số người. Trong bối cảnh tranh tối tranh sáng của đời sống văn chương - văn học, số tác giả muốn góp một tay làm cho nó tốt hơn lại thua kém khá nhiều về số lượng nếu so với các tác giả dường như có sở thích làm cho nó rối ren hơn. Nếu như Nhà văn Tạ Duy Anh có thể sổ toẹt công sức của đồng nghiệp như ở phần đầu bài viết tôi đã dẫn, thì Đoàn Tử Huyến lại tỏ ra “khiêm tốn” hơn, ông chỉ coi tạp chí Văn học nước ngoài là... “hố rác”! Và điều làm tôi ngán ngẩm nhất là sự xuất hiện của một vàinhà báo lấy văn chương - văn học làm “đích ngắm”. Thật kinh ngạc khi ông Chủ tịch Hội Nhà văn nói tại Hội nghị ở Đồ Sơn rằng trước khi Ban TT - VH có ý kiến về “sự vụ” Cánh đồng bất tận đã tham khảo ý kiến Ban Chấp hành Hội Nhà văn lại bị họ xuyên tạc thành... Hội đã cướp công của báo Tuổi trẻ. Và tôi còn kinh ngạc hơn khi đọc bài viết của một cây bút trẻ “bình loạn” một cách nông cạn về Hội nghị ở Đồ Sơn trên web gio-o.Có lẽ vì thế ông Phan Trọng Thưởng - Viện trưởng Viện Văn học, trong bài trả lời phỏng vấn trên Văn nghệ đã “thách” các nhà báo văn hóa thể thao viết bài phê bình cuốn tiểu thuyết Khải huyền muộn của Nguyễn Việt Hà. Theo tôi, một ông PGS TS văn học “thách” các nhà báo về văn hóa - văn nghệ viết phê bình văn học đã là buồn cười, song ông còn “thách” cả các nhà báo thể thao viết phê bình văn học thì đúng là… quá lố lăng!

Lời kết

Vậy là một năm đã qua đi và cùng với mọi người, các Nhà văn lại bước vào năm mới. Người viết tiếp tác phẩm năm trước còn dang dở, người bắt đầu một tác phẩm mới hơn,...nhưng dẫu thế nào thì những trăn trở tinh thần và tài năng của người viết vẫn là yếu tố quyết định cuối cùng. Tôi không tin một bước ngoặt của văn chương - văn học có thể tạo ra một cách vội vàng, hoặc căn cứ vào vài ba “thành tựu” thường được khằng định bởi dăm ba Nhà văn đàn anh và mấy cây bút lý luận - phê bình mà tôi còn nghi ngờ về năng lực cảm thụ. Tôi tin vào các bước đi chậm và chắc. Bài viết này, dù chỉ là góc nhìn của một cá nhân, một khảo sát đơn tuyến, ít nhiều còn nghiêng về phê phán... thì tôi vẫn muốn chia sẻ cùng với mọi người trong ước mong về một nền văn chương - văn học thật sự đổi mới.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tiểu thuyết Việt Nam đang ở đâu?

    02/11/2015Nguyễn Thanh SơnBởi vì, chúng ta không thể trả lời câu hỏi "tiểu thuyết Việt nam đang ở đâu?", nếu không trả lời được câu hỏi "tiểu thuyết Việt nam đã ở đâu?". Với khoảng một trăm năm văn học quốc ngữ, tiểu thuyết Việt nam đã đi được bao xa trên đoạn đường mà tiểu thuyết châu âu đã đi hơn 400 năm?
  • Văn chương 2006 - một nồi canh hẹ

    03/02/2007Ngô Vĩnh BìnhTôi không nói văn chương năm 2006 là năm không có thành tựu: Có chứ, có Cánhđồng bất tậncủa Nguyễn Ngọc Tư, có những hoạt động "khuấy động phong trào" của Hội...Là thế nên tôi không muốn kết thúc bài báo nhỏ này như là một "vĩ thanh buồn" theo cách nói của một nhà báo khi nói về Giải thưởng năm nay của Hội. Nhưng có điều tôi không thể không nói khi nói về văn chương nước ta năm 2006, đó là năm văn chương rối như một nồi canh hẹ...
  • Chuyện văn học – văn hóa – và những thứ khác

    28/01/2006Phan ViệtBài viết này của tôi có mục đích tổng kết những điều đáng buồn nổi cộm trong văn học, dịch thuật và những thứ liên quan tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Tôi viết bài với tư cách là một người đọc và quan tâm tới văn học...
  • Văn chương 2005 - tín hiệu vui và “giấc mộng bất thành”

    19/01/2006Nguyễn Hòa (nhà phê bình văn học)Văn chương năm 2005 còn nhiều chuyện để bàn và một cá nhân khó lòng bao quát hết. Hướng đi mới có sớm được xác định hay không, chắc chắn đây không phải là công việc của một người hay một nhóm người, đấy là công việc của số đông.
  • Sôi nổi, ồn ào và... thiếu đẹp

    31/12/2005Nguyễn TrầnNhìn lại năm 2005 về lực lượng sáng tác văn học trẻ, người ta chợt giật mình với những câu chuyện từ nó. Có sôi nổi, ồn ào không? Có! Nhưng, cái thiếu ở đây là những ứng xử đẹp giữa các người trẻ với nhau, giữa người không trẻ với người trẻ và vì thế, qua đi một năm 2005, người đọc chỉ còn thấy... nỗi buồn văn chương...
  • Điểm qua văn chương nửa năm con gà

    30/12/2005Nguyễn Hòa..."lượn” qua các cửa hàng sách vẫn thấy bạt ngàn những cuốn mới toanh, xanh đỏ tím vàng, nhưng đọc qua sẽ không khỏi thất vọng vì phần lớn là sách tái bản, sách tuyển tập hoặc toàn tập và vô vàn sách dịch không hiểu có liên quan đến Công ước Berne?
  • Khởi sắc trong sự nhiễu loạn

    30/12/2005Nguyễn HòaNăm 2004 đã qua và nếu so với một quá trình văn chương thì một năm xem chừng chỉ là một khoảnh khắc. Nhưng một năm qua đi cũng lại bao gồm trong nó công việc của hàng nghìn người viết văn, làm thơ mà sản phẩm của họ trên một ý nghĩa nào đó đã góp phần làm nên diện mạo tinh thần của một thời đoạn lịch sử...
  • xem toàn bộ