Bàn thêm về vị thế của nhà văn Việt Nam hiện đại

Khoa Ngữ văn - Trường ĐH SP HN
02:02 CH @ Thứ Tư - 20 Tháng Năm, 2009

1. Trên phạm vi toàn thế giới, có thể chia sự phát triển của văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung thành hai chặng chính. Chặng thứ nhất: văn học là phát ngôn cho những ý hệ (ideology) trong xã hội, cho những giá trị đạo đức, luân lí. Mệnh đề “văn dĩ tải đạo” mà nhiều người cho rằng là một đặc sản riêng của phương Đông trên thực tế là chung cho văn học toàn thế giới từ cuối thế kỷ XVIII trở về trước. Chặng thứ hai trong quan niệm về văn học mới chỉ xuất hiện từ khoảng thế kỷ XIX, gắn với thời kì của chủ nghĩa Lãng mạn. Từ đây, khi chủ nghĩa thực dụng và tinh thần vị lợi trở thành ý hệ thống trị của xã hội, văn học bắt đầu tách và theo đuổi những giá trị nhân văn đang ngày một thất thế và mất chỗ đứng trong đời sống thực tại. Đây là thời kì mà Shelley xuất bản tập thơ với nhan đề có ý nghĩa như một tuyên ngôn về sứ mệnh: Defence of Poetry (Sự bảo vệ của thơ) (1821). Đây cũng là thời kì mà Don Kihote tiếp nhận một ý nghĩa mới: từ chỗ là tiếng cười chế giễu tinh thần hiệp sĩ trung cổ sang tiếng cười cay đắng của người hiệp sĩ mặt buồn đi tìm kiếm những giá trị đã mất. “Tính tưởng tượng” (imagination) hay sự “sáng tạo mang tính tưởng tượng” (imaginative creation) được xem là đặc điểm nổi bật của văn học không phải với tư cách là thủ pháp, phương pháp sáng tác thuần túy mà cơ bản hơn đã trở thành một “quyền lực chính trị”: nó đối lập với tinh thần vị lợi và duy lí gay gắt của xã hội tư bản. Nói cách khác, văn học từ chỗ là phương tiện để phát ngôn cho ý hệ thì giờ đây nói như T.Eagleton đã trở thành một ý hệ độc lập1. Cùng với sự biến đổi này của văn học, nhà thơ và mở rộng hơn là đội ngũ sáng tác sẽ đóng vai trò là người phản biện cho trật tự hiện hành. Trong khi đảm nhận sứ mệnh ấy họ phải chấp nhận một tồn tại thật bi kịch: bị gạt ra khỏi những diễn ngôn chính thống của xã hội. Điều này khiến cho chân dung người nghệ sĩ ngày một hiện lên trong dáng dấp của một kẻ cô độc, một kẻ ngoài lề, một kẻ “lưu vong về tinh thần”. Trong chủ nghĩa hậu cấu trúc và hậu hiện đại đã hình thành một khái niệm riêng để chỉ hiện trạng này: ngoại biên (marginalism)1. Ngoại biên - đó là tồn tại của văn học nói chung và thơ ca nói riêng trong xã hội phương Tây từ thế kỉ XIX đến nay.

2. Đặc điểm trên trong vị thế của văn học và nhà văn cũng đã dần chín muồi trong thực tiễn đời sống văn học Việt và theo tôi đây sẽ là một điểm nóng của lí luận và phê bình trong văn học đương đại. Một cái nhìn lướt qua mang tính đối chiếu giữa vị thế xã hội của nhà văn giai đoạn 1945 - 1975 và từ sau 1975 đến nay có thể giúp ta nhận thức rõ hơn về thực tiễn này.

2.1 Giai đoạn 1945 - 1975, nhà văn được xem là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng. Điều này đưa lại cho họ những đặc điểm sau:

- Một mặt, nhà văn được nhà nước đặc biệt quan tâm và ưu ái.Tổ chức Hội nhà văn thực chất là một thiết chế nhà nước hóa hoạt động sáng tác. Nhà văn trở thành một viên chức của bộ máy nhà nước, họ được nhận lương. Sáng tác của họ được nhà nước bao tiêu và trả tiền (điều này đi ngược lại với khuynh hướng thị trường và tư nhân hóa văn học dưới hình thức văn đoàn và thi xã của văn học trước 1945). Vì những lí do trên vị thế của nhà văn trong đời sống cộng đồng được đặc biệt đề cao. Họ được xem là người phát ngôn cho nhà nước đã đành. Hơn thế họ còn được hình dung như người dẫn dắt, hướng đạo cho đời sống tinh thần của quảng đại quần chúng. Họ và những tác phẩm của mình được xem là lương tâm và chân lí của thời đại. Câu thơ của Tố Hữu: Từ đấy trong tôi bừng nắng hạ dù được viết trước 1945 nhưng rất đặc trưng cho tâm thế và vị thế của nhà văn giai đoạn 1945-1975: là người tiếp nhận ánh sáng của chân lý, của lí tưởng cách mạng và có sứ mệnh đem nguồn ánh sáng ấy chan hòa vào trong đời sống của quần chúng nhân dân, của cả cộng đồng. Hào quang về sứ mệnh này là mẫu số chung của mọi người cầm bút bất kể tài năng của họ có khác biệt nhau đến đâu. Hình thành một mối quan hệ khá độc đáo giữa nhà văn và độc giả: nhà văn dường như đứng ở bên trên độc giả để định hướng và dẫn dắt độc giả. Một vị thế khiến người ta nghĩ đến thời hoàng kim của văn học Nho giáo truyền thống với chức năng tải đạo, giáo huấn. Điều này khiến những học giả như Nguyễn Khắc Viện từ giữa những năm 1960 đã đặt câu hỏi về một sự tương đồng nào đó giữa chủ nghĩa Mác khi được truyền vào những nước Đông Á với Nho giáo truyền thống. Và sau này, vào cuối những năm 1970, là cách đặt vấn đề về một nền “văn học phải đạo” của Hoàng Ngọc Hiến. Chữ “phải đạo” khiến cho cách nói của Hoàng Ngọc Hiến dễ bị hiểu là một sự đánh giá không cao văn học 1945 – 1975 và chính vì thế đã gây cho người viết những sóng gió. Nếu dùng cách diễn đạt truyền thống: “tải đạo” thì sự trung tính của văn phong khoa học sẽ rõ nét hơn. Và theo chúng tôi, chỉ xét trong mối quan hệ giữa nhà văn với nội dung mà anh ta thể hiện; nhà văn trong mối quan hệ với độc giả, thì tính chất “tải đạo” trong văn học Việt Nam là rất đậm nét.

- Nhưng mặt khác, vai trò viên chức nhà nước của nhà văn cũng đồng thời qui định khuôn khổ và tính chất trong những sáng tác của họ. Phải tuân thủ theo những chủ trương và chính sách của Đảng. Sáng tác không phải là hoạt động tự do cá nhân mà là một công việc quan phương. Không phải là không có những khuyến khích sự đa dạng và những tìm tòi trong phong cách, trong cá tính sáng tạo (được thể hiện trong các nghị quyết và cả những phát ngôn công khai của các lãnh tụ, các nhà lãnh đạo văn nghệ) nhưng tất cả phải ở trong một khuôn khổ đã định sẵn. Quan niệm dung tục về nội dung và hình thức trong lí luận văn học: xem nội dung là cái có trước rồi từ đó thiết kế một hình thức phù hợp càng khiến cho hoạt động sáng tác dễ rơi vào khuynh hướng minh họa cho những tư tưởng, đường lối mà Đảng và nhà nước đã vạch ra.

Nhìn chung, số đông các nhà văn, sống yên ổn trong môi trường văn học này. Họ có một bổn phận để thực hiện. Có một vị thế xã hội được tôn trọng. Đời sống vật chất tuy không cao nhưng đó là mặt bằng chung của toàn xã hội và điều kiện chiến tranh cũng dễ khiến người ta thỏa mãn với những gì tối thiểu. Trong sự so sánh với sự hi sinh của những chiến sĩ ngoài mặt trận thì sự đòi hỏi hưởng thụ quả thực là một hành vi đáng lên án về mặt đạo đức.
Nhưng ở những cá tính lớn thì vị thế viên chức đưa đến một bi kịch cho sự sáng tạo. Sáng tạo với người cầm bút đích thực là bản năng sống trước khi là một mệnh lệnh, một ý thức về đạo đức nghề nghiệp. Dễ hiểu là vì sao, sau này, khi ngọn gió đổi mới khởi lên thì một cây bút như Nguyễn Minh Châu lại viết một cách thống thiết như thế về một nhu cầu: đọc lời ai điếu cho một nền văn học minh họa. Ta đang chứng kiến một sự mắc kẹt khá oái oăm trong vị thế viên chức nhà nước của người cầm bút: là một vinh dự ở phương diện vị thế xã hội nhưng đồng thời lại là một bi kịch cho anh ta với tư cách là một người sáng tạo nghệ thuật. Tùy theo cá tính, mức độ tài năng và những biến đổi của đời sống xã hội mà mỗi người cầm bút sẽ có những cảm nhận riêng ở cực này hay cực kia.

2.2 Từ sau 1975, vị thế xã hội của người cầm bút có nhiều thay đổi:

Nếu như trong chiến tranh sự đoàn kết toàn dân đòi hỏi sự chia sẻ những chân lí chung mà nhà văn tuy không phải là người đề xướng nhưng lại là người thể hiện nó một cách sâu rộng và thấm thía nhất. Đời sống dân sự không có đủ nhiệt lượng cần thiết để người ta sống và say mê với những chân lí cộng đồng (hay nói theo cách nói của Loytard là những đại tự sự) như thế nữa. Vị thế là người truyền tin cho chân lí thời đại của nhà văn bắt đầu bị lung lay. Sự tiếp sức từ phía nhà nước có thể duy trì cho họ những đầu sách nhưng lại không thể đem đến cho họ sự tán thưởng, say mê từ phía người đọc. Nhà văn trong khi vẫn là những viên chức mẫn cán, những công dân chuẩn mực của chế độ bắt đầu đối diện với một thực tế thật khó chấp nhận với tư cách một người cầm bút: bị lãng quên, mất giá từ phía người đọc.

Từ cuối những năm 80 trở đi, cùng với sự xóa bỏ của cơ chế bao cấp thì đời sống văn học từng bước được thị trường hóa. Và cùng với điều đó, vị thế của nhà văn và độc giả cũng được thay đổi tận gốc. Độc giả không còn đóng vai trò khiêm tốn và nhún nhường trước nhà văn nữa. Họ, với dư luận và thị hiếu của mình, tự kiến tạo và tìm kiếm cho mình một nhà văn thích hợp. Nguyễn Huy Thiệp đã xuất hiện trong bầu không khí đó. Khi Nguyễn Huy Thiệp nhận mình là người gặp thời thì đấy không phải là một sự nhún nhường mà là một sòng phẳng của một người trong cuộc. Vậy nên, như ta đã thấy, việc nhà văn này trở thành Hội viên hội nhà văn không có nhiều ý nghĩa với sự nghiệp cầm bút của anh ta. Trái lại nó cho thấy sự nhượng bộ của những nguyên tắc chính thống trước một hiện tượng mà đời sống văn học đã thừa nhận trước khi được những tổ chức quan phương phê duyệt.

Chính trong một điều kiện như thế mà vấn đề cá tính sáng tạo trở thành một ám ảnh, trở thành sự tra vấn nội tâm nhức nhối của người cầm bút. Sự độc đáo, khát vọng sáng tạo, khát vọng đổi mới thậm chí trở thành một hiện tượng có tính chất thời trang. Người ta nói đến nó một cách thường xuyên, tha thiết một cách thành thật dù rằng, một cách khách quan, sự cách tân và đổi mới vốn không phải là thuộc tính dành cho đám đông và người ta không thể có nó chỉ bằng cách nói thật nhiều về nó.

Điều oái ăm nhất là ở chỗ: trong nỗ lực sáng tạo của mình, nhà văn phải đối mặt với một thực tế: trong khi theo đuổi cách tân nghệ thuật của mình nhà văn cũng đồng thời phải rời xa tư cách viên chức cũng tức là rời xa vị thế của một thiên sứ của giai đoạn văn học trước. Cho dù vai trò này, như ta đã thấy, không còn mấy hào quang trong một môi trường văn học mới nhưng sự từ bỏ nó một cách tự giác là không hề dễ dàng. Vai trò hướng đạo của người cầm bút này không nên chỉ tính bằng 30 năm của văn học kháng chiến và vệ quốc mà còn phải tính thêm vào đó quán tính của cả nghìn năm sáng tác văn chương theo truyền thống Nho giáo.

Tuy nhiên, dù ngần ngại và với phần lớn người cầm bút Việt Nam là không đủ bản lĩnh và năng lực văn hóa cần thiết để nhận biết về thân phận và diện mạo của mình, thì sớm muộn các nhà văn Việt Nam đều đang bị “trôi xa” khỏi khu vực quan phương và chính thống của đời sống xã hội. Họ cũng không còn là bộ phận tiên phong của bước tiến lịch sử nữa (vai trò này thuộc về những nhà doanh nghiệp). Chính trong vị thế này - cô đơn nhiều hơn, nhỏ bé hơn trong vị thế xã hội, thậm chí có nguy cơ bị dạt ra khu vực ngoại vi của đời sống xã hội - các nhà văn Việt Nam đương đại sẽ viết những tác phẩm của mình bằng một tâm thế mới: nhiều trải nghiệm hơn, nhiều bất an hơn nhưng chắc chắn là cũng sẽ nhiều thể nghiệm hơn. Bớt đi nhiều hào quang và những sứ mệnh, họ như cánh diều trong câu thơ của Nguyễn Huy Thiệp, bắt đầu cảm nhận được sự nhẹ tênh của cuộc đời để trở nên liều lĩnh hơn, ráo riết hơn trong những kiếm tìm của mình. Lẽ đương nhiên là một tâm thế như thế mới chỉ bắt đầu và với một tốc độ đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn từ phía những người quan sát và nghiên cứu.

3. Tạm dừng lại việc dõi nhìn tương lai để trở về với hiện tại, tôi có cảm giác: ngoại biên chưa trở thành sự tự ý thức của người cầm bút Việt Nam. Các nhà thơ của chúng ta (những thành viên ưu tú nhất của nó) trong khi cồn cào đổi mới dường như vẫn chưa thật quen với cách tồn tại ở ngoại biên của mình. Họ chưa quen chịu đựng sự cô độc. Như một thói quen văn hóa, họ vẫn hướng về trung tâm chờ đợi một sự tán thưởng, một sự vỗ về của công chúng, hay tệ hơn từ những phát ngôn chính thống. Tư tưởng “phò chính thống” dường như vẫn ẩn nấp đâu đó trong họ. Họ dễ vùng vằng, giận dỗi chứ chưa quen với sự lặng lẽ, và kiêu hãnh với sự lặng lẽ đó. Lẽ đương nhiên để có thể được chấp nhận như một ngoại biên không hề là dễ dàng (đây không phải là sự dịch chuyển địa lí mà là một dịch chuyển giá trị). Nhưng nếu không có ý thức tự giác về điều này thì người cầm bút sẽ không có đủ sự tự tin để theo đuổi những khám phá của mình.

Và ngay cả giới lí luận cũng chưa có được một sự nhạy bén cần thiết. Một khi văn học là tưởng tưởng trong sự đối lập với thực tế đời sống khô cằn, vụ lợi thì, về mặt lí thuyết, nó tồn tại qua hai dạng thức chính:

  • trực tiếp phản biện cho những giới hạn của xã hội hiện tồn.
  • tạo dựng một thế giới ảo, một thế giới để giải trí và giải thoát.

Dạng thức thứ hai gắn với chức năng giải trí (entertainment) và giải thoát (escape) của văn học đại chúng. Hiện tượng này đã xuất hiện từ những cây bút Nam Bộ đầu thế kỷ như Lê Hoằng Mưu, Bửu Đình. Trong sáng tác của Hồ Biểu Chánh tính đại chúng cũng rất đậm nét . Tiểu thuyết người hùng của Lê Văn Trương cũng cần được nghiên cứu trong những tiêu chí của văn học đại chúng. Trong văn học đương đại, những tiểu thuyết viết cho tuổi teen của Nguyễn Nhật Ánh, những truyện ngắn của Nguyễn Thị Ngọc Tư là thuộc về dòng văn học này. Không nhận biết được thực tế này thì lí luận và phê bình sẽ không có được sự trợ lực cần thiết cho hoạt động sáng tác. Không nên nghĩ rằng văn học đại chúng là thấp kém hơn văn học đặc tuyển. Những cây bút như Dumas, Conan Doyle, Kim Dung... đủ sức làm vinh dự cho bất kì một nền văn học nào. Đấy là chưa kể những tác động của văn học đại chúng với văn học đặc tuyển, như thực tế lịch sử cho thấy, là hết sức đa dạng và đường biên của hai bộ phận văn học này là không hề rạch ròi (đây sẽ là đề tài của chúng tôi trong một bài viết khác)

Kết luận: khai thông và giải quyết vấn đề ngoại biên trên bình diện lí luận là một nhiệm vụ của giới nghiên cứu và lí luận phê bình trong văn học đương đại.


1 Về vấn đề này xem: T. Eagleton - “The Rise of English” - Literary Theory: an Introduction- Minnesota Press, Second Printing, 1998, p 16-18
2 Về khái niệm này, xem: I.P Ilin và E.A Tzurganova - Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ 20, Đào Tuấn Ảnh, Trần Hồng Vân, Lại Nguyên Ân dịch, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội 2003 - tr.454 - 460. Cũng xem: Trần Văn Toàn, “Nhà văn hiện đại Việt Nam - những giới hạn và sứ mệnh” - trong sách Văn học Việt Nam sau 1975 những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy- Nxb Giáo dục, 2006, tr.131-140
3 Xem Trần Văn Toàn, Hồ Biểu Chánh và thị hiếu độc giả - Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 2/ 2008, tr. 87-90, 97

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Quan trọng là "sống như thế nào"?

    09/04/2019Hoàng NhânỞ ta vẫn có một số nhà văn sống bằng nhuận bút, nhưng số nhà văn như vậy đếm trên đầu ngón tay. Vì sao ở một đất nước có số lượng người cầm bút đông đảo (căn cứ trên danh sách hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) lại ít người sống được bằng nghề như vậy?!
  • Nhà văn nói về nghề văn

    22/04/2009Việt Quỳnh (ghi)Nói chung, cứ nhìn vào nhà văn nào mà giàu là tôi đâm ra nghi ngờ. Nghi ngờ là thói xấu, nhưng nghi ngờ trước việc… trái tự nhiên như vậy cũng là lẽ… tự nhiên. (Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo).
  • Viết văn đừng nghĩ đến tiền

    02/04/2009Tuấn Nhi - V.QĐó là câu dặn dò, dạy bảo của nhiều nhà văn bậc cha chú đối với con cháu. Câu nói đó hàm chứa hai ý: một là, đã theo con đường sáng tác, chỉ chăm chăm nghĩ đến lợi danh, tiền bạc thì khó có tác phẩm hay; hai là: đừng coi chuyện viết văn đồng nghĩa với việc kiếm tiền.
  • Văn chương tính dục - adua hay tất yếu

    18/03/2009Vũ HuyềnSự xuất hiện bất thường của sex trong văn học gần đây đã làm tốn không ít giấymực của báo chí và gây khá nhiều tranh cãi trong công chúng, khiến người không muốn quan tâm cũng phải quan tâm.
  • Trí tưởng tượng mang đôi cánh ướt

    11/10/2008Đỗ Minh TuấnVăn hóa Việt Nam không khuyến khích thái độ cực đoan, mà luôn hướng đến sự dung hòa, giao thoa và cộng sinh giữa các chiều kích, các thế lực và các giá trị. Vì thế, nhà văn Việt Nam ít có những cảm xúc và suy nghĩ cực đoan làm động lực cho một trí tưởng tượng sáng tạo mãnh liệt, đi đến tận cùng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cá tính sáng tạo của nhà văn thường mờ nhạt.
  • Háo danh & viết ẩu sẽ làm hỏng nhân cách

    12/01/2007Hà ThưNăm 30 tuổi, nhà văn Tạ Duy Anh cho ra đời truyện ngắn "Bước qua lời nguyền" làm xôn xao văn giới. Cho đến nay, sau 15 nămbước qua lời nguyền ấy, Tạ Duy Anh vẫn miệt mài viết, không ngừng sáng tạo, vắt hết mình vào những con chữ, những cuộc đời của nhân vật, những trang viết đang đồng hành cùng anh...
  • Ứng xử văn hóa trong văn chương: sự ầm ĩ không đáng có

    05/01/2007Bắc NamGần đây, dư luận xôn xao vì sự trùng hợp của một số chi tiết trong hai truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” ( CĐBT) của Nguyễn Ngọc Tư và “Dòng sông tật nguyền” ( DSTN ) của Phạm Thanh Khương. Hàng loạt ý kiến đăng đàn trên các phương tiện thông tin đại chúng về hai tác phẩm đã làm thành một làn sóng về ứng xử. Nên chăng tạo nên sự ầm ĩ không đáng có ấy? Chúng tôi xin ghi lại ý kiến của chính hai tác giả gửi cho nhau, ý kiến của các nhà quản lí, các nhà văn, nhà phê bình và độc giả xung quanh vấn đề này
  • Làm gì để có tác phẩm ngang tầm thời đại?

    02/12/2005Lê Quý KỳCâu hỏi này được đặt ra từ nhiều năm nay và gần đây trở thành chủ đề chính của nhiều cuộc gặp gỡ, hội thảo lớn do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Trăn trở thì nhiều, nhưng câu trả lời dường như còn nằm đâu ở phía trước, rất xa. Tại sao?
  • Nhà văn Đỗ Chu: “Cô đơn được càng tốt !”

    24/11/2005Hồng Thanh QuangNhà văn là người có quyền lật đi lật lại vấn đề mà anh ta quan tâm. Và phải biết lật đi lật lại! Chả có gì mâu thuẫn trong việc này. Thì suốt cuộc đời, người ta ai mà chẳng phải trăn trở, nghĩ ngợi. Đâu phải nhất nhất mọi việc, mọi chuyện đều bất biến... Trong quá trình nhận thức của một đời người, quan trọng là xác lập cho được những câu hỏi lớn, chứ không phải là thuộc lòng vài ba câu trả lời lớn. Biết đặt ra những câu hỏi mới khó!
  • Phỏng vấn một nhà văn nữ trẻ

    22/10/2005Lê Thị Liên HoanPV: Thưa cô, có người kêu Bóng đổ là một tác phẩm nói nhiều đến tình dục?
    Nhà văn nữ: Rõ ràng.
    PV: Tại sao cô lại thản nhiên đến thế?
    Nhà văn nữ: Tại vì tôi hiểu rất nghiêm túc: không phải cứ tình dục là khiêu dâm...
  • xem toàn bộ