Con đường văn học
- “Thế giới đã an bài!” (Phỏng vấn nhà văn Nguyễn Huy Thiệp)
- Tôi chú ý đến trí tưởng tượng của người viết (Phỏng vấn nhà văn Nguyễn Huy Thiệp)
- Tôi ngố rừng giữa lòng Hà Nội(Phỏng vấn nhà văn Nguyễn Huy Thiệp)
- Nhân chuyện Nguyễn Huy Thiệp đi bắt chim (Châu Diên)
Khi tôi nhận ra rằng văn học là một thế giới hoang tưởng của người viết thì không có nghĩa là tôi hạ thấp giá trị văn học. Tôi chỉ vạch ra khía cạnh vô bổ, vô nghĩa của văn học mà thôi. Tôi cũng đã cảnh tỉnh để người viết dè chừng khả năng bị tha hóa về mặt tinh thần, đạo đức khi cầm bút viết.
Văn học có khả năng thôi miên. Thôi miên bạn đọc, nó còn thôi miên chính người viết. Những bi kịch đầy rẫy trong cuộc đời các nhà văn chứng minh điều ấy. Tôi không muốn dẫn chứng bởi vì không phải ai cũng thông cảm được.
Khi phân tích về bản chất con người, Nitsơ rất có lý khi chỉ ra rằng cái khuynh hướng lười biếng, rụt rè đã ngự trị tất cả. Chỉ có ít nhà văn thành công mới dám đương nhiên công nhận rằng bản thân họ cũng hèn hạ, nhăng nhố, đôi khi bợm bãi. Họ công nhận điều ấy không phải để cầu xin sự cảm thông của người đời. Những nhà văn ấy với lòng tự trọng và sự lịch lãm sẵn có, dám đứng ra trả giá cho những đam mê của mình, quá hiểu rằng con người làm sao có thể cảm thông cho nhau được? Ai cũng là người khác. Mỗi người là một hiện hữu, một vật thể, một linh hồn, một bản ngã, một duy nhất không lặp lại. Việc công nhận những khuyết tật của mình chỉ là một hình thức tự phê phán, tự trục độc, một lối phân thân u sầu nhằm cảm nhận hết nỗi nhục mà nhà văn phải trải qua, phải chịu đựng, đã thấy được.
Tôi có đọc ở đâu đó một giai thoại về Tú Xương. Chuyện rằng Tú Xương làm thơ, nhiều người quý mến, trong số ấy có Phan Bội Châu. Cụ Phan đến chơi, rủ Tú Xương lên Yên Thế gặp Hoàng Hoa Thám. Tú Xương nhận lời. Hai người đến Bắc Giang thì Tú Xương nghĩ lại, bỏ ra về. Sau đấy, hình như Phan Bội Châu không bao giờ gặp Tú Xương nữa. Chuyến đi Bắc Giang là chuyến đi xa nhất trong cuộc đời nhà thơ tuyệt vời của đất Nam Định. Sau này Tú Xương có làm bài thơ “Sông Lấp” phần nào nghĩ đến nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu:
“Sông kia rày đã nên đồng…
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò…”
Giai thoại trên thực hư không biết nhưng thấp thoáng ở đấy bản tính con người nghệ sĩ Tú Xương. Ông hiện ra trước mắt tôi vừa đáng yêu, vừa thê thảm, vừa đau đớn lại vừa hài hước. Rõ ràng ở đây, với bản tính lười biếng, rụt rè, sợ sệt, sâu trong thâm tâm Tú Xương đã nhận ra nguy cơ vô vọng, vô nghĩa, nguy cơ thất bại trong cách cảm nhận và hành động của cụ Phan.Sau này chính Phan Bội Châu cho rằng cuộc đời của mình là “100% thất bại”. Tôi không tin Tú Xương coi mọi “hành động cách mạng” sẽ chẳng có ý nghĩa gì so với một cuộc đời ả đào, nhưng biết chắc chắn Tú Xương yêu nước theo cách khác của riêng ông, nó cô đơn, cá nhân, âm thầm, thê lương, sang trọng và dũng lược. Cụ Phan là nhân vật anh hùng của đám đông, của số nhiều. Ngọn cờ lý tưởng của cụ giương lên hình như không có chỗ đứng chân cho ai phóng đãng lại nhiều ràng buộc. Tú Xương rụt rè tránh sang bên cạnh, ngơ ngác nhìn, ánh mắt thành kính, băn khoăn tự hỏi không hiểu mình xử như vậy có đúng lẽ đời hay không? Dĩ nhiên sau đó, với thói vô tâm nông nổi thường trực, Tú Xương sẽ quên phắt chuyện ấy như bao chuyện khác.
Tôi rất sợ quan niệm thô sơ về nhân cách nhà văn, đánh đồng nhân cách với đạo đức và “phép nước”. Ta không thể coi nhân cách Tú Xương tầm thường mặc dù ông nói thẳng:
“Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta…”
Dĩ nhiên không ai cho rằng bản tính lười biếng, rụt rè, sợ sệt là hay ho ở con người. Tuy nhiên, những bản tính ngược lại với nó như hăng hái, phiêu lưu, cố gắng biểu hiện điều gì đó thật ra cũng đáng ghê tởm, càng ghê tởm hơn khi nó được ngụy trang bằng một vài lý tưởng mù mờ.
Nguyễn Huy Thiệp sinh 29/4/1950 ở Thanh Trì, Hà Nội. Ông là nhà văn có nhiều cống hiến quan trọng bằng những góc nhìn mới, táo bạo. Nguyễn Huy Thiệp trở nên nổi tiếng trên văn đàn vào khoảng năm 1986-1987 với những tác phẩm gây ấn tượng mạnh như: Thương nhớ đồng quê, Tướng về hưu, Những ngọn gió Hua Tát..., Nguyễn Huy Thiệp nhanh chóng trở thành một hiện tượng của văn học VN. Nguyễn Huy Thiệp nhận huy chương Chevalier des arts et des lettres của Pháp năm 2007, nhận giải thưởng Nonino của Ý năm 2008. |
Trong văn học, thế giới hoang tưởng nhà văn dựng nên có thể như thực, giống thực, khác thực, siêu thực… chẳng ai giống ai, mỗi người một cách nhưng tựu trung có lẽ không ra ngoài cái mà Gớt gọi là “nghệ thuật trình diễn kịch”. Điều ấy thật khó chịu nhưng biết làm sao. Ở đây cần hiểu “nghệ thuật diễn kịch” bao gồm toàn bộ: cả tác phẩm, cả tác giả lẫn hoàn cảnh thời đại tạo nên những thứ ấy.
Ta biết rằng thiên nhiên và tạo hóa cũng có một thứ “nghệ thuật trình diễn kịch”, điều mà ta vẫn gọi là “hiện thực” thứ hiện thực dai dẳng xen cả có lý lẫn vô lý, nhìn chung là tàn nhẫn xen cả có lý lẫn vô lý, nhìn chung là tàn nhẫn vô thủy vô chung. Vậy ta nên quan niệm về hiện thực ra sao trong cái thế giới hoang tưởng mà nhà văn dựng lên, “sáng tác”? Tôi cho rằng cái “nghệ thuật trình diễn kịch” mà nhà văn quan niệm có vẻ như sự mô phỏng lại thiên nhiên và tạo hóa để người ta chịu nói “chơi được”. Thứ “nghệ thuật trình diễn kịch” của thiên nhiên và tạo hóa có phạm vi rộng lớn quá, với mục đích vô vọng quá, người ta không tải hết, không sao chơi được, không kham nổi, buộc phải chịu thua. Ở đây, về mặt nào đấy, ta có thể ví văn học với nghệ thuật chơi cây cảnh, với nghệ thuật “bôn sai”, một kiểu chơi “thế” nào đấy nhằm nhại lại thiên nhiên và tạo hóa. Song, so sánh như thế chỉ là một mặt nào đấy của hình thức mà thôi, nó không có ý nghĩa gì lớn. Văn học thật sự phức tạp hơn nhiều, nhất là khi nó đụng đến những vấn đề của thượng tầng kiến trúc.
Cũng cần lưu ý thêm bản thân nhà văn cũng buộc phải tham gia trình diễn vở kịch của thời đại mình.
Tìm hiểu văn học sử, chúng ta thấy đa số nhà văn đều mang nỗi đau đời. Nét ưu tư hiện rõ trên đôi mắt và gương mặt các nhà văn là dấu vết của những trận đòn mà số phận giáng lên họ. Cảm nhận cái đau của thứ “nghệ thuật trình diễn kịch” mà thiên nhiên và tạo hóa bịa đặt nên, nhà văn có ý định điều chỉnh gì đó cho vừa tầm “chơi” của con người chăng? Tôi không biết. Nhà văn viết bởi một sự định hướng mù mờ nào đó từ tâm thức và đạt được nó khi đã thoả mãn tinh thần. Văn học cũng có vẻ na ná như một cuộc chơi tinh thần, một sự tiến tới đọ cực khoái tinh thần. Tuy nhiên, nó cũng có vẻ na ná như một bài học luân lý, một bài học nhận thức gì đó.
Thế nào là thứ văn học có giá trị?
Xét về điều này, có lẽ cần phải gác “văn bản” sang một bên mà ta hãy tìm thẳng tới tác giả, sau đó hình dung “tưởng tượng” về hắn qua thấu kính “văn bản”. Có câu nói vui rằng: “Các cô gái tốt thì tìm đọc những cuốn sách hay, còn các bậc nữ thánh thì tìm cách ngủ với tác giả của nó”. Ta hãy theo dấu chân các bậc thánh nữ và nghiền ngẫm theo cách của ta.
Lê Quý Đôn cho rằng: “… Văn học không phải là trò chơi, là câu chuyện phiếm. Muốn văn hay phải hiểu biết và từng trải nhiều. Văn chương chữ nghĩa không phải là lời nói suông. Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có núi sông kỳ lạ của thiên hạ thì không thể làm văn được”. Trong lời nói ấy của Lê Quý Đôn, mặc nhiên nhà văn đã được đặt vào vị trí “trí thức”, thậm chí phải là người trí thức nhất trong cộng đồng.
Sự hiểu biết thấu các lẽ đời là yêu cầu số một của các nhà văn. Anh ta buộc phải học hành tử tế và tìm cách trang bị cho mình càng nhiều tri thức càng tốt. Trong các tri thức ấy thì việc làm chủ ngôn ngữ, việc nắm bắt chắc ngôn từ là yếu tố hàng đầu. Không phải tự dưng mà các nhà văn lớn đều khuyên chúng ta biết học ở tục ngữ, ca dao, dân ca bởi đây thực sự là một kho tàng kinh nghiệm đời sống và kinh nghiệm tu từ.
Cũng phải nói thêm hình như cách học hành của các nhà văn cũng từa tựa cách đào tạo các nhà chính trị. Tôi không dám coi các nhà chính trị là các nhà văn không thành đạt hoặc các nhà văn là các nhà chính trị không thành đạt. Tôi chỉ lưu ý rằng các nhà chính trị và các nhà văn đều đã luyện tập chung một kiểu tư duy, một thứ vũ khí. Điều ấy gây hiểu lầm và bất lợi cho nhà văn vô cùng. Cần thấy rằng thứ văn hóa tinh thần do nhà văn gây ra chỉ có lợi cho nhà chính trị mà thôi. Đây là tôi muốn nói đến những nhà chính trị thực sự. Nó góp phần thúc đẩy lịch sử và sự tiến bộ trí tuệ, điều ấy nhà chính trị không dùng quyền lực tạo ra hoặc dùng tiền mua được. Văn chương cũng là con người. Văn chương quân tử, cũng như người quân tử là thứ mà Vân Trung Tử cho rằng chỉ “mời được nhưng không dụ được, bỏ được nhưng không khinh được”. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà văn xuất sắc đều có chung đặc điểm là họ nhạy cảm khủng khiếp với sự nhục mạ nhân phẩm. Đấy cũng là một phẩm chất thánh nhân. Về các thánh nhân, đoạn sau sẽ đề cập đến.
Trở lại giai thoại về Tú Xương và Phan Bội Châu, tôi ngỡ rằng trong cuộc đời nhà văn, ở một khúc quanh nào đấy đều có một “cụ Phan” đứng lấp ló, rủ rê theo một “lý tưởng cộng đồng” mà ở đấy người ta đánh nhau thật chứ không chú ý nhiều lắm đến việc trau dồi văn chương chữ nghĩa. Ai ai cũng là người khác. Nhà văn cần hiểu rõ điều ấy để tỉnh ngộ. Văn chương khác với chính trị. Nó cứu cuộc đời theo cách riêng của nó.
Tôi rất ngạc nhiên khi các nhà nghiên cứu phê bình văn học tìm hiểu về các nhà văn lớn đều coi việc họ tự mâu thuẫn là việc kinh khủng lạ lùng. Điều này có vẻ phi lý vì các nhà nghiên cứu phê bình văn học thâm tâm đều muốn mỗi nhà văn là một “mặt bằng”, là một con vật không cựa quậy để họ dễ thọc dao. Nếu ta coi nhà văn là những con nhộng hoàn toàn không có vỏ bọc, không có áo giáp che chắn thì ta mới thông cảm được hết việc tự mâu thuẫn trong họ, thì ta mới thông cảm tình cảnh đáng thương trong việc họ buộc phải tự mâu thuẫn ấy. Thiên nhiên đã phú cho nhà văn khả năng nhạy cảm quá mức, đôi khi quá quắt thì thiên nhiên cũng tước của hắn mọi sức đề kháng rồi.
Giấc mơ nghệ sỹ (Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Thiệp) |
Khi Nitsơ phân tích về bản chất con người, ông đã thật sự dũng cảm, thật bác ái khi chỉ cho chúng ta rằng thực chất tình trạng sống của chúng ta vẫn là súc vật, chỉ là súc vật. Chỉ khi nào chúng ta cảm nhận hết sự nhục nhã và đau đớn trước tình trạng súc vật ấy, chúng ta mới có cơ may vươn lên thành người. Công việc của nhà văn phần nào giống công việc của các bậc thánh tức là sản xuất ra những người cao thượng, những tình cảm cao thượng. Đấy là lý tưởng cao cả của người cầm bút. Văn học có giá trị là thứ văn học có khả năng sản xuất ra những người cao thượng và những tình cảm cao thượng. Tóm lại nó là văn hóa. Một mặt khác, văn học còn là thước đo trình độ trí tuệ, trình độ học vấn của giới trí thức trong thời đại đó. Một tác phẩm văn học gây nên một sự “khó hiểu” nào đó không có nghĩa là không giải thích được mà là “chưa giải thích được”. Ta hãy nhớ rằng khi Anbe Anhxtanh đưa ra thuyết tương đối thì hầu như chẳng ai hiểu cả. Điều ấy cũng đã từng xảy ra với “hình học phi Ơclit” của Lôbasépxki. Trong văn học người ta cũng từng rẻ rúng Xtăngđan và Anbe Camuy. Trong thời chúng ta, ở Việt Nam, người ta đã từng đánh giá thấp Vũ Trọng Phụng.
Tôi không nghĩ rằng mục đích của sống của các nhà văn là tiến tới thành bậc thánh nhân. Đa số đều ưa một khuôn mẫu trưởng giả mang tinh thần philistanh. Đấy là một môi trường hết sức an toàn, không phải cố gắng gì lớn, chẳng phải chuẩn bị gì, chẳng phải tốn công “tổ chức”… Điều thiện bao giờ cũng phải được chuẩn bị và tổ chức công phu. Đấy cũng là một điều cay đắng trong thời đại văn minh hiện đại. Chỉ có điều ác mới hồn nhiên và dễ dàng “như thò tay vào túi lấy đồ vật”.
Luôn luôn có những trở ngại trong việc hóa thánh mà trong đó nhà văn là một sức ỳ, môi trường xã hội dung tục cũng lại là một sức ỳ khác. Câu nói nổi tiếng được nhiều kẻ thích thú: “Những gì của con người đều không xa lạ gì với tôi” xét cho kỹ cũng cực kỳ ghê tởm. Đấy cũng là một lối nói biện minh nhằm tránh sự lố bịch, một thứ dầu bôi trơn cho trò chơi xấu.
Cô đơn, cô đơn, cô đơn hơn nữa – đấy là lối mòn bậc thánh nhân. Họ tách mình ra theo đuổi lý tưởng vô vọng của họ, không màng đến sự thông cảm hay không thông cảm. Bao giờ họ cũng tiến về phía trước.
Hình như đặc điểm dễ nhận thấy nhất ở bậc thánh nhân là tính ưa nhàn. Khả năng thu mình, hạn chế biểu hiện của họ trái ngược với “tinh thần hăng say” của kẻ phàm tục. “Nhàn” - ở đây chứa ẩn một nỗi đau đời sâu sắc và ở đấy cũng nén thầm một tiếng thở dài về sự vô nghĩa của dòng luân thế. Thời gian chẳng thương ai cả, đấy là chân lý.
Lối mòn cô đơn của bậc thánh nhân có phần hào hứng của một lối sống giang hồ. “Giang hồ sót lại mình tôi” – câu thơ của Nguyễn Bính xưa cay cú với bạn văn đương thời đã thóat hiểm về được môi trường an toàn trong cảnh sống trưởng giả và tinh thần philistanh chăng?
Không biết. Nhưng giang hồ cũng là một ước mơ thầm kín của biết bao người viết. Họ ghê tởm thứ trật tự cổ truyền, khao khát tự do, dầu biết rằng trước sau cũng chẳng thể nào thoát khỏi “thiên la địa võng”.
Tôi vẫn nghĩ rằng ngay cả các thiên tài hiền minh nhất cũng không tự mình lột xác hóa thánh được, nếu không bị buộc phải rơi vào cái bẫy của một trật tự thế giới nào đó (hoặc là tinh thần hoặc là vật chất). Rất có thể chính Giêxu Crix đã dở khóc dở cười bởi người “tự giác” bị đẩy lên ngôi Chúa. Các tông đồ của Người đã luận bàn xong vị trí ngôi Chúa.
Đám đông vẫn thắng cá nhân bởi sự an toàn của đám đông cần thiết hơn vạn lần sự tiến bộ của một trí tuệ. Đấy là bi kịch chung của các “cá nhân trí thức”.
Nhà văn là gì? Chẳng là gì cả. Nó chỉ là một linh hồn nhỏ đầy lỗi lầm và luôn tìm cách sám hối vượt khỏi những lỗi lầm ấy. Nó là con vật nhạy cảm hết sức đáng thương với các thói xấu của cả bầy đoàn. Nó viết không phải vì nó, nó viết để cả bầy đoàn rút ra từ đấy một lợi ích công cộng, một lợi ích văn hóa.
Chúng ta đã quá “tự tin”, vô thần khi coi nhẹ mặt tâm linh trong đời sống con người. Điều ấy thật khủng khiếp: ô trọc và vô văn hóa sẽ ngự trị khắp nơi.
Từ thâm tâm tôi vẫn nghĩ là có các bậc thánh nhân. Trong những con người bình thường cũng có những tình cảm thánh nhân. Hình như nhà văn chỉ có thể khẳng định được mình khi anh trở nên chí thánh? Còn những trang viết, nó có ý nghĩa gì đâu.
Xác chết của các nhà văn đã chất thành núi trên thế gian này. Người ta vẫn bới tìm ở đấy những mẩu vụn của con người, về con người.
Văn học có nhiều con đường, nhiều con đường dẫn tới văn học. Tất cả vẫn còn đang đi trên đường.
█“Thế giới đã an bài!”
Lê Thị Thái Hòa, Thanh Niên
Trở về từ châu Âu sau chuyến viễn du nhân dịp sang Ý để nhận giải thưởng Nonino ghi nhận những dấu ấn văn chương của ông trong một số tác phẩm được dịch sang tiếng Anh và tiếng Ý, Nguyễn Huy Thiệp dành cho TNTS một cuộc trao đổi.
* Từ khi nào ông bỗng nhiên muốn viết? Hay xa hơn, ông nghĩ rằng mình có thể trở thành một nhà văn?
- Tôi muốn viết từ rất sớm. Khoảng 7 đến 10 tuổi tôi đã viết những đoạn văn ngắn rồi “chôn xuống đất” sau khi đọc những chuyện của người khác viết. Tôi chỉ nghĩ mình trở thành một nhà văn khi đã nổi tiếng, khi đã có độc giả, khi nghĩ rằng mình phải có một trách nhiệm xã hội gì đấy...
* Ông có định dạng tác phẩm của mình trước khi viết hay không? Ông tin điều gì? Rằng mình viết bất cứ thể tài nào cũng vậy, hay tin rằng đến giờ, sở trường của ông vẫn là truyện ngắn?
- Phải định dạng tác phẩm của mình trước khi viết chứ, đúng hơn là phải hình dung ra nó, phải sống với nó... Tôi tin ở điều gì ư? Rất khó nói, câu hỏi này của cô không rõ, nó không đúng ở trong “văn cảnh” này. Về thể loại, tôi có thể viết nhiều thể loại khác nhau, vấn đề ở chỗ nội dung viết ra đòi hỏi thể loại nào. Giống như người nội trợ, người ta dùng dao để thái thịt, dùng muôi để múc canh... Nhà văn giỏi giống như một kẻ hành tẩu trên giang hồ ở trong truyện chưởng nếu là cao thủ thì tinh thông rất nhiều binh khí - tuy nhiên anh ta cũng có sở trường sở đoản.
* Tướng về hưu là tác phẩm đầu tay nhưng đã là một tác phẩm rất chắc nghề. Ông viết nó có dễ dàng không?
- Tôi viết truyện Tướng về hưu khi mình đã 36 tuổi, khi đã sống được nửa đời người. Không dễ dàng, không dễ dàng gì... Cái khó không phải là viết, cái khó là sống như thế nào để có cái gì mà viết.
* Là nhà văn, ông có đặt cho mình một sứ mạng gì không thông qua các tác phẩm của mình?
- Nói là không thì không đúng. Đấy là một câu chối Chúa. Nghề viết văn là một nghề rất khó. Ai cũng có thể viết được nhưng để trở thành một nhà văn, được mọi người coi mình là một nhà văn - nhất lại là một nhà văn lớn - thì không dễ dàng gì. Dứt khoát anh ta phải có một cái gì đấy, một số phận thế nào đấy, một “sứ mạng” gì đấy, một “nhiệm vụ” gì đấy do một thế lực tối cao gì đấy giao cho. Là “người được Chúa chọn” - anh ta phải có một công việc để hoàn thành hoặc không hoàn thành... Tôi không biết được. Trong chuyến đi sang Ý để nhận giải thưởng Nonino, tôi có gặp V.S Naipaul và tôi đề nghị ông viết một câu gì đó vào bức ký họa mà tôi vẽ ông, sau một hồi suy nghĩ rất lâu và được sự gợi ý của vợ mình, ông viết (xin dịch đại ý): “Thế giới đã an bài, sẽ không có chỗ cho những người không tham dự hoặc tự ý cho phép mình không muốn tham dự vào cái thế giới ấy”. Tôi nghĩ đấy là một câu có thể tác động rất nhiều đến các nhà văn và những người trẻ tuổi muốn trở thành nhà văn.
* Trong chuyện của ông có cảm giác ông có một sự kính phục, thiện cảm và gần gũi với những gì chất phác mà ta hay gọi là nhà quê... Ông lý giải gì về điều này?
- Hãy trở lại tự nhiên. Nông thôn là mẹ của tất cả chúng ta. Chúng ta đánh mất nông thôn là chúng ta mất mẹ... “Mồ côi mẹ liếm lá đầu đường...”
* Người ta bảo văn chương VN vì lẽ gì đó còn chưa vượt được ra khỏi biên giới của đất nước mình, điều đó nếu có thì theo ông vì sao?
- Vì nhiều lý do. Vì nó không hay. Vì nó đi chệch ra ngoài “nhiệm vụ văn chương”. Vì nó chưa được tiếp thị. Vì nó thiếu người dịch... Tôi đã chờ đợi tới 20 năm trời - một thời gian quá dài cho một đời người! Hiện nay ở phương Tây, người ta mới đang dịch và thích thú những tác phẩm tôi viết cách đây 20 năm! Nếu 20 năm trước, tôi được dịch ngay sang tiếng Ý, biết đâu tôi đã được nhận giải thưởng Nonino từ lâu rồi...
* Tác phẩm của ông được nhiều nhà phê bình, dịch thuật của nước ngoài quan tâm, dịch sách và trao giải... Từ bao giờ ông bắt đầu quan tâm đến những bản dịch sách của mình ở nước ngoài?
- Mỗi thời gian, mỗi một chặng sự quan tâm đến các bản dịch của tôi cũng có khác nhau. Đầu tiên, chỉ nghe tin được dịch thì cũng đã thích, đã phổng mũi. Đến khi được tiền nhuận bút thì lại càng thích hơn. Đến khi bán được nhiều sách lại càng thích hơn nữa. Phải qua một thời gian rất lâu, tôi mới nhận ra rằng không phải bản dịch nào của tôi cũng đều thành công. Tôi được dịch nhiều sang tiếng Pháp (ở Pháp tôi có tới 9 đầu sách) nhưng thật ra các bản dịch đó đều có những khiếm khuyết, đến khi được giải thưởng Nonino, Marion Hennebert - Giám đốc Éditions de l’Aube mới bảo tôi rằng: “Ông phải được dịch lại, phải tiến hành hiệu đính lại các bản dịch cũ của ông, ông phải được giới thiệu một cách hệ thống và cẩn thận. Phải nghĩ đến ông với các giải thưởng văn học thực sự”. Tìm ra được một người làm những điều ấy ở Pháp không dễ dàng gì, đúng là một chuyện “mò kim đáy biển”.
Nguyễn Huy Thiệp trong lễ nhận giải thưởng Nonino ở Ý ngày 26.1.2008 |
Tôi được nhận giải thưởng Nonino ở Ý là nhờ các vị ở trong ban giám khảo (có 11 người cả thảy) đã đọc tôi qua bản dịch tiếng Anh của một người tên là Greg Lockhart nào đó ở Úc. Claudio Magris (một nhà văn, một người viết phê bình tiểu luận văn học hàng đầu ở Ý, một thành viên trong ban giám khảo, “người đi săn lùng các giải thưởng văn học”, người đã đề cử tôi cho giải thưởng Nonino) có nói với tôi đại ý rằng: “Tôi chỉ đọc ông có hai truyện nhưng tôi đã “ngửi” thấy ở ông có điều gì đấy...”. Với bản dịch Crossing the River của Dana Sachs và 10 người khác nữa ở Mỹ, Nguyễn Huy Thiệp đã bị “giết phăng”, “giết không kịp ngáp” ở trong thế giới tiếng Anh... Đấy là một thực tế mà khi trao đổi với đại diện các nhà xuất bản có tên tuổi trong chuyến đi châu Âu vừa rồi tôi mới nhận ra.
* Trưởng ban giám khảo giải thưởng trao cho ông lần này là một tác gia đoạt giải Nobel - ông V.S Nailpaul, ông có ấn tượng gì về ông này khi tiếp xúc? Ông ta có tiết lộ cho ông biết tại sao ông ta chọn ông để trao giải không?
- Tôi gặp V. S Nailpaul khi ông đã già, khi ông đã thành công rồi. Trên thực tế, theo tôi V. S Nailpaul lúc này đã “bệt” nhưng ông vẫn rất cố gắng. Ông chống một cây nạng nhỏ. Claudio Magris nói nhỏ với tôi: “Lão suy! Hãy cố lên!”. Trên khuôn mặt tinh thần của V.S Nailpaul, tôi khâm phục nhận ra ở ông có những phẩm chất thật phi thường, rất khó có những thế lực nào đó có thể hạ nổi ông - dù đó là tôn giáo, là chính trị, là tiền bạc, những lời thị phi đố kỵ, những trò chơi xấu bẩn thỉu... Tôi không giỏi tiếng Anh, tôi không nói chuyện được nhiều với ông. Xung quanh ông, lúc nào cũng rất đông người. V. S. Nailpaul luôn là trung tâm trong các bữa tiệc. Bữa đại tiệc trong lễ trao giải Nonino diễn ra trong ngày 26.1.2008 có tới 600 khách dự...
* Ông thích ai nhất trong số những tác giả ông đã đọc?
- Nhiều, rất nhiều... nhưng có lẽ thích nhất là Phật vì Phật... không nói gì!
* Ông lắng nghe cuộc sống bằng những cách nào? Những thói quen bình thường của ông? Ông có biết đến hàng xóm của mình không và hàng xóm của ông có biết ông là Nguyễn Huy Thiệp không?
- Nhà văn lắng nghe cuộc sống bằng nhiều phương tiện khác nhau. Anh ta phải sống. Tôi đã phải làm nhiều nghề... Cao diệu nhất cuối cùng vẫn là “quán âm” (lắng nghe âm thanh ở trong lòng mình). Thói quen là thứ rất nguy hiểm, người ta thường quen với các thói quen xấu chứ ít khi quen với các thói quen tốt... Sao cô lại hỏi tôi về hàng xóm? Hàng xóm của tôi cũng biết sơ sài về tôi như tôi biết sơ sài về họ. Tôi đã viết ở đâu đó rằng: “Ai ai cũng là người khác...”.
* Thỉnh thoảng ông vẽ, người ta tò mò về một Nguyễn Huy Thiệp vẽ và dù tranh xấu hay đẹp, trên chất liệu gì thì tôi chắc rằng nó cũng có giá trị hơn khi biết đó là tranh của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Để hỏi ngược lại, danh phận nhà văn mang lại cho ông những gì đáng kể và lấy đi của ông điều gì lớn nhất?
- Vẽ không phải là sở trường của tôi. Đừng hỏi tôi về vẽ... Danh phận nhà văn mang lại cho tôi cuộc đời, lấy lại của tôi cuộc đời...
* “Ở Việt Nam cứ 20 phút lại có một người nhiễm HIV, cứ 15 phút có một người chết vì tai nạn giao thông. Văn học tham dự vào cuộc sống mới hiện đại đang phát triển như thế nào, giữ vai trò gì luôn là câu hỏi đặt ra cho mỗi người cầm bút.” Là lời ông phát biểu khi nhận giải. Ông sẽ trả lời thế nào nếu đây là một câu hỏi dành cho ông?
- Tôi sẽ chẳng nói đâu.
* Ông đã nói: “Hôm nay tôi đến đây để vinh dự nhận giải thưởng đặc biệt này, tôi không hy vọng viết lại được câu chuyện của ông ngoại tôi theo một kết thúc khác nhưng quả thật tôi cũng thích có những vị đạo sĩ vừa viết văn được, vừa có chăn ấm, vừa có mèo, vừa có bò, lại vừa có người đàn bà hạnh phúc của mình. Thượng đế anh minh vẫn ban cho cuộc sống rất nhiều phép màu không ai biết được!” Ông có một cuộc sống gần giống với mơ ước, có gia đình có nguời vợ biết chiều chồng và viết văn được. Đó có là phép mầu với ông chưa?
- Vâng, đấy là một phép màu của Thượng đế. Đừng nghĩ mọi sự chỉ có một chiều, dân gian có câu “mặt nào ngao nấy”, lại có câu “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”...
* Hồi trẻ ông có phiêu lưu không? Người ta nói viết văn cũng cần dấn thân và phiêu lưu. Ông thấy điều này có đúng với các nhà văn VN không?
- Hồi trẻ ai cũng phiêu lưu. Thế mới là tuổi trẻ. Cô không phiêu lưu à? Sao người ta hay nói về dấn thân? Dấn thân cái gì? Cần phải nhắc nhở các nhà văn, các văn nghệ sĩ và thanh niên nói chung dấn thân vào xã hội chứ không phải là một thứ dấn thân vu vơ, không mục đích. Tôi đã viết ở đâu đấy rằng: “Chúng ta phải có cả một dân tộc lương thiện, cả một cộng đồng lương thiện. Được như thế, nước ta còn hơn cả nước Pháp ấy chứ!”. Hình như đấy là một câu thoại trong vở kịch Còn lại tình yêu mà tôi viết về Nguyễn Thái Học, một người mà bây giờ cũng ít ai còn nhớ nữa...
Tôi chú ý đến trí tưởng tượng của người viết
Thu Huyền, Văn Nghệ Trẻ
Trí tưởng tượng với những cây bút trẻ rất quan trọng, nó có thể đẩy con người ta đi xa thêm trong nghiệp văn học, chứ không chỉ là quằn quại, giữ riệt lấy cái hiện thực cuộc sống trần trụi. Tôi đọc một vài cây bút trẻ 8X, hay đọc "Vũ điệu thân gầy" tôi không thích vì các nhà văn đã phản ánh một cuộc sống nghèo trí tưởng tượng.
PV: Thời kỳ đổi mới của cả nước cũng chính là cơ hội mở ra cho các nhà văn. Nói cơ hội nghe hơi chủ quan nhưng với riêng ông, thì đúng là thời kỳ đổi mới đã tạo dựng nên thương hiệu Nguyễn Huy Thiệp, ông có thể nói gì về điều này?
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Đúng như bạn nói thời kỳ đổi mới mở ra một cơ hội cho các nhà văn. Ở ta có câu nói: Có thời có tự mảy may/ Không thời cả thế gian này cũng không. Hàng loạt thế hệ nhà văn gặp thời, tôi cũng là một nhà văn gặp thời. Nhưng nếu thời đến, mà nội lực không có cái gì cả, hoặc không có một sự chuẩn bị gì thì nó cũng trôi qua một cách vô ích. Tôi nghĩ là trong thế hệ của tôi có những nhà văn giỏi, thậm chí rất giỏi nhưng nếu không biết chớp lấy cái thời đó, hoặc không biết cách thức xuất xử thì cũng bại. Trong cuộc sống cũng như trong văn chương, chẳng phải bây giờ đâu mà từ xưa vấn đề xuất xử là quan trọng, lúc nào cần ra mắt, lúc nào cần huyền, cần nhu. Thời thế nói chung và cũng là tình hình chính trị, xã hội của đất nước nói riêng ở trong mỗi một lúc một khác chứ không phải lúc nào một anh nhà văn, một anh nghệ sĩ cũng giương giương tự đắc mình là chúa tể, là số một, là tất cả để mà giễu võ giương oai, để mà vây vo này nọ. Không phải chỉ nhà văn mà nghề nào cũng vậy, nghề văn cũng như hàng ngàn vạn nghề khác trong thiên hạ, lúc thế nọ, lúc thế kia.
Thời kỳ 1986 trở đi, khi mà luồng gió đổi mới, xã hội thay đổi thì đó là điều kiện để người ta có thể bày tỏ được nhiều điều, nhưng sự đổi mới của đất nước mình cũng không phải là một ngôi nhà mở cửa là mở toang, lúc mở ra từ từ, lúc khép lại, khi mưa gió phải che bớt đi, nên việc công bố một tác phẩm cũng phải tuỳ lúc. Tôi cũng không biết mình xuất xử có hợp lý không nhưng từ hai mươi năm nay tôi nghĩ rằng mình đã làm được ít nhiều cho bản thân, cho gia đình, cho văn chương. Và việc nhận huân chương về văn học nghệ thuật vừa rồi cũng là một sự ghi nhận. Sự ghi nhận này nếu mà được ghi nhận ở trong nước như Huân chương lao động hạng 1, hay hạng 2, hạng 3 thì cũng có cái thú hơn nhưng thôi nhận được huân chương này cũng là vinh dự, tự hào.
PV: Khi nhắc đến văn học đổi mới, người ta nhắc đến hàng loạt những tác phẩm của rất nhiều tác giả. Nhưng trong những năm gần đây không khí văn học đang lắng xuống. Rất nhiều nhà văn đã không còn duy trì được phong độ, không duy trì được tinh thần như giai đoạn đầu nữa. Theo ông, nguyên nhân chủ yếu ở đây phải nói đến vấn đề gì?
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Văn học là một nghề nghiệp đặc biệt và khó khăn. Trong đời mỗi người sống chỉ khoảng sáu bảy chục năm và chuyện miếng cơm manh áo cùng bao nhiêu chuyện khác đều là những việc lớn. Chúng ta ai cũng có thể phát biểu, cũng nói về lòng nhân đạo. Nhưng thế nào là nhân đạo, là nhân văn, là lòng trả nợ thì chỉ có mỗi anh nhà văn suy nghĩ nhiều về nó, viết về nó bằng cách tạo dựng ra những nhân vật, dựng ra những tình huống để người ta suy ngẫm. Lục Tổ Huệ Năng là một trong những vị sư tổ đặc biệt của môn phái Nam tông trong một bài kệ có câu: Muốn giáo hoá người đời phải tự có phương tiện, nếu để họ khinh lờ tự tính liền biểu hiện, anh cứ tưởng là anh có đạo, anh tưởng là anh có văn chương mà anh không biết cách truyền đạt, anh không có phương tiện, anh không biết cách nói cho phù hợp thì cũng không ai nghe
Điều này phụ thuộc nhiều yếu tố, thời thế bây giờ khác so với thời của tôi, của Bảo Ninh hay một số nhà văn khác. Đã hai mươi năm qua đi, hai mươi năm cũng là một thời gian dài. Khi mới đổi mới người ta chưa biết gì về máy vi tính, chưa biết gì về internet nhưng giờ mọi chuyện đã khác, ngay cả việc thưởng thức văn chương cũng khác xưa rồi. Càng ngày đời sống xã hội càng khắc nghiệt và cũng càng mở rộng hơn nên văn học cũng bước vào một giai đoạn khác, cách thể hiện, cách viết, hay những vấn đề đặt ra cũng khác. Rõ ràng bây giờ có những cơ hội mới tốt hơn nhưng đồng thời cũng khó hơn nhiều so với trước kia. Có thể thời thế bây giờ chưa có điều gì đó đặc biệt so với giai đoạn 1986. Đó là một giai đoạn có sự đổi mới, biến chuyển thực sự cả về chính trị, kinh tế, văn hoá, còn bây giờ tính ổn định cao hơn và những chuyển biến diễn ra nhanh, mạnh, liên tục nhưng những đột phá mang tính rộng lớn sâu sắc như giai đoạn trước thì chưa xuất hiện. Tôi nghĩ thế. Văn học thực ra chẳng có mặt phẳng cũng chẳng có đỉnh cao, nó cũng bình lặng như tất cả mọi ngành nghề khác, cái đỉnh cao hoặc bằng phẳng là trong nội tâm của từng người viết một.
PV: Còn với cá nhân ông, từ thể loại truyện ngắn ông chuyển sang địa hạt tiểu thuyết, đấy là cơ hội hay chỉ đơn giản là sự thay đổi?
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Tôi xong rồi, tất cả những gì tôi có thể làm được thì tôi đã làm. Tôi đã nói nhiều lần, đến lúc này là lúc tôi phải xin lỗi mọi người vì tôi lười biếng quá, điều đó làm phiền muộn rất nhiều cho các bạn đồng nghiệp, cho mình, cho dư luận. Nhẽ ra là đến tuổi tôi là phải huyền, phải lui đi ở ẩn, phải tránh đi rồi chứ không phải là chường mặt ra nơi đô hội. Điều đó là một trong những kinh nghiệm xuất xử. Nếu coi văn học là một "sự nghiệp" thì mình cũng đã làm được rồi.
PV: Ông vẫn theo dõi những sáng tác của người viết trẻ, chẳng hạn khi đọc xong Vũ điệu thân gầy, hay những truỵên ngắn 8X, vậy ấn tượng của ông đầu tiên khi đọc những sáng tác của họ là gì?
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Tôi có những tham vọng văn chương từ nhỏ nên tôi thông hiểu những người viết trẻ và thông cảm với họ vì vậy tôi quan tâm đến họ. Tôi đã nói nghề văn là nghề rất là khó khăn và để đi xa được thì lòng ham mê, những ước mơ, khao khát về nghề nghiệp rất lớn. Đây là nghề nghiệp ảo, chứ không phải nghề nghiệp thật. Trong suy nghĩ của mọi người tôi xuất hiện với tư cách là một nhà văn viết truyện hư cấu. Mà nhà văn viết truyện hư cấu thì những vấn đề anh ta đưa ra là ảo. Và ai có thể sống được với những điều ảo tưởng như nhân vật ảo, câu chuyện ảo, vấn đề ảo, suy nghĩ ảo như thế mãi được. Tôi nghĩ người nào đi theo con đường văn chương thì niềm đam mê phải rất lớn, với những khát khao, những ước vọng lớn đặc biệt là trí tưởng tượng phải rất lớn. Thành ra khi đọc những tác giả trẻ tôi chú ý đến trí tưởng tượng của người viết, đọc sáng tác của người nghèo trí tưởng tượng tôi luôn luôn có cảm giác nhói tim và biết rằng họ chọn nhầm nghề hoặc là họ đi không đúng hướng. Trí tưởng tượng với những cây bút trẻ rất quan trọng, nó có thể đẩy con người ta đi xa thêm trong nghiệp văn học, chứ không chỉ là quằn quại, giữ riệt lấy cái hiện thực cuộc sống trần trụi. Tôi đọc một vài cây bút trẻ 8X, hay đọc Vũ điệu thân gầy tôi không thích vì các nhà văn đã phản ánh một cuộc sống nghèo trí tưởng tượng. Lý do có thể do họ chịu quá nhiều sức ép trong cuộc sống, trong đạo đức, trong tinh thần của người viết, trong hiện thực họ phản ánh. Đáng lẽ ra với những con người trong trắng ấy, khi sống cuộc sống ấy họ phải viết nên những điều rất là mơ mộng, trí tưởng tượng rất phong phú như Harry Porter, Cánh buồm đỏ thắm của Grim, như truyện cổ tích của Andecxen chứ không phải chuyện tôi bị người đàn ông này lừa dối, rồi ngủ nghê với nhau ra làm sao, hay những vũ điệu thân gầy.
Cuộc sống càng khắc nghiệt, hiện thực càng ghê gớm, miếng ăn manh áo trở thành vấn đề riết róng thì văn học càng phải nâng đỡ con người ta, nó đòi hỏi trí tưởng tượng, đòi hỏi con người phải bứt phá. Tôi đi được trên con đường văn học hơn hai mươi năm qua xét một khía cạnh nào đó thì tôi là một người sống ảo, sống trong mộng mị rất nhiều. Nghề văn là một nghề luôn luôn đặt người viết trong tình trạng để tình cảm của mình ở trong hoàn cảnh hiểm nghèo. Nguyên liệu chính của người viết văn không phải là anh hiểu cái này, biết cái kia, nhưng sự rung động của anh trong những tình huống hiểm nghèo như thế nào thì nó quan trọng hơn cả. Tôi không biết diễn đạt điều này như thế nào nhưng có người diễn đạt một cách trắng trợn hơn. Tưởng là nói đùa nói vui nhưng ngẫm đi ngẫm lại thì nó có cái lý riêng, chỉ tiếc là cô nhà văn Nhật Bản ấy nói quá thực, diễn đạt có phần phóng đại: yêu một người thì viết được 10 trang truyện ngắn. Nhưng khi cô nói được câu ấy thì có nghĩa cô từng phải đặt tình cảm của mình trong hoàn cảnh hiểm nghèo
PV: Ông có nói nhiều đến từ dấn thân, xin ông nói thêm đôi chút cho độc giả về con đường đến với văn chương?
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Có người coi việc dấn thân trong văn học là những người biết uống rượu, hiểu biết trai gái, rồi những thứ nọ kia. Trong cuốn Giăng lưới bắt chim tôi có nói rằng dấn thân có nhiều kiểu khác nhau. Ví dụ như với các nhà văn lớn, họ cũng phải trả giá cho những gì họ đã thâu lượm được từ cuộc sống. Để viết được những trang truyện cổ tích tuyệt vời Andecxen đã phải đi khắp mọi nơi thâu lượm những câu chuyện, những cảm giác. Bản thân tôi đã phải trải qua rất nhiều nghề khác nhau, những tình huống khác nhau, tôi phải sống ráo riết với bản thân mình đồng thời phải biết cách tổ chức cuộc sống cho gia đình. Nếu không biết cách dấn thân, không biết cách tổ chức cuộc sống nhiều khi chỉ mang hoạ cho ta, cho những người thân xung quanh. Những cây viết trẻ bây giờ, coi việc thử thuốc lắc, đi vào các bar, ngủ với những người đàn ông, đàn bà để viết ra những truyện như của Viên Miên, Vệ Tuệ viết. Tất nhiên mỗi người một kiểu nhưng quan niệm dấn thân của tôi lại khác, và tôi rất buồn khi một vài người khi nói về văn học mặc dù họ mới bắt đầu viết văn nhưng họ không có những khát vọng hay không có sự kính trọng với nghề nghiệp, công việc mình theo đuổi. Có người nói với tôi, cháu viết truyện này viết truyện kia có nghĩa là cháu nôn mửa vào văn học. Khi mà nghe điều đó tôi thấy buồn lắm. Cho đến giờ mặc dầu đã lăn lộn với nghề văn, cũng ê chề với nó, cũng vui buồn với nó suốt hai mươi năm nhưng tôi vẫn nghĩ văn học có một giá trị và mình cần phải tôn trọng, chính vì thế mà nó tồn tại. Tôi nghe thấy người ta nói thế thì tôi cũng đau, cũng buồn dẫu biết điều đó cũng không nên trách ai. Khi ở cái tuổi hai mươi tôi không bao giờ nghĩ mình viết văn để nổi tiếng hay để có tiền. Nhưng rõ ràng thấy nó gần như một điều ý nghĩa nhất trong cuộc sống, nó là điều rất cao lớn, nó như ánh trăng ban đêm ngời ngợi, như một buổi sáng mát mẻ, như là thiên nhiên vậy. Hay khi mình tìm được cuốn sách hay để đọc mình sung sướng mê mẩn lắm, cảm thấy tâm hồn mình được tắm gội. Bây giờ tôi thấy rất ít người có cảm giác đấy.
PV: Nếu các bạn trẻ xin ông một lời khuyên, ông sẽ nói gì?
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Ông Picasso khi đến nói chuyện với trường đại học những sinh viên và hoạ sĩ trẻ có hỏi ông một câu tương tự, ông có thể khuyên chúng tôi như thế nào, ông ngẫm nghĩ rất lâu và nói, trước hết các bạn phải nổi tiếng. Đấy là một câu nói rất hay, tôi nghĩ là ông ấy rất thật và rất có tình.
Tô Mai Trang, VietNamnet
Quan điểm cũ về đối tượng văn học cũ: Nhiều người trong một người. Con người cần những đại diện của họ. Còn bây giờ con người phong phú đến mức mỗi cá nhân không ai có thể thay thế được nó. Hình như bây giờ không có điển hình, tôi nghĩ thế!
Nếu có độc giả tò mò hỏi Nguyễn Huy Thiệp đang làm gì thì ông trả lời ra sao?
- Tôi trả lời là tôi đang sống!
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tại triển lãm Bản thảo tranh... |
Ông, Nguyễn Việt Hà và hoạ sĩ Lê Thiết Cương chung nhau mở cái Bản thảo tranh này cũng là đang sống hay đang cố lưu giữ hình ảnh của chính mình trước công chúng?
- Qua triễn lãm này mỗi người có mục đích riêng, bản thân tôi thử xem ảnh hưởng của tôi với độc giả như thế nào? tôi vẽ chân dung trên các đĩa gốm, chuẩn bị cho cuộc triễn lãm cuối năm, kiếm tiền để sống. Trao đổi gặp gỡ với mọi người có thể nảy sinh ra những vần đề mới để viết.
Ông có quan tâm tới văn học trẻ? ông nói gì về hiện tượng Nguyễn Ngọc Tư và những dư luận gần đây về Cánh đồng bất tận ?
- Ở đây là miền quê của không khí văn chương với nhiều tác phẩm, nhà văn đã thành tên tuổi...cái khác của Nguyễn Ngọc Tư ở chỗ cô là Nam Bộ...zin chứ không dởm như nhiều người viết khác. Đấy là cái rất hay. Nếu phản ứng như thế thì hơi quá, ấu trĩ quá, đây là thực tế đáng ngại. Nhưng tôi đang nghĩ nếu người ta cố dựng nên sự kiện này thì cũng hơi buồn.
Trở lại với những truyện ngắn của ông, có cảm tưởng rằng các nhân vật đều mang trong mình sức mạnh nhục dục tăm tối không thể chế ngự, chúng quẫy đạp, sục sôi đòi được thoả mãn... đám nhân vật ấy như mộng du trong thế giới nhục cảm...
- Phật giáo đã nói rồi còn gì nữa, dục tính là nhân tính! Những trang sách của tôi như thế à? Tôi viết mà tôi có thấy thế đâu?
Nhưng dục tính khác với dục năng chứ, ông thấy các nhân vật của ông ngoài ham muốn nhục dục còn có khát vọng gì khác?
- Tôi là người hay quan sát cuộc sống.Tôi thấy cuộc sống thế nào thì viết ra như vậy. Con người tuyệt vời vì như thế, con người phải sống, phải yêu, phải được sống, không phải tôi đã viết ra được những điều người ta không dám nói mà người ta không biết nói, nói cái đấy khó lắm. Còn các nhân vật của tôi, tất cả đều cựa quậy để sống, họ sống bằng tất cả những khát khao cá nhân của họ. Họ toàn là người tử tế!
Nói như thế rất dễ bị hiểu lầm rằng sex là... tử tế, ông nghĩ sao?
- Văn học là nhân học, những thứ thuộc về con người không có gì xa lạ.Văn học thế giới hay văn học Việt Nam cũng đã đề cập đến vần đề này rất nhiều tuỳ mỗi thời có cách nhìn khác nhau. Khi Đỗ Hoàng Diệu viết về sex, đây là đề tài rất khó, đề tài hiểm địa trong văn học. Những cuốn đáng kể nhất trong văn học thế giới đều viết về đề tài này, Nghìn lẻ một đêm, Kim Bình Mai và ngay cả Truyện Kiều nữa ...Dục tính là nhân tính, đây là quan điểm của Phật Giáo, nhưng không phải ai cũng lý giải được thấu đáo. Đề này này chúng ta đã bị quên lãng đi do hoàn cảnh lịch sử. Trước đây có Phạm Thị Hoài cũng đã viết vài ba truyện thời kỳ như Năm Ngày, Hành trình của các con số, chín bỏ làm mười...nhưng vẫn có gì rất xa xôi. Chắc chắn sẽ có người tiếp tục hành trình trên cơ sở tiếp thu những kinh nghiệm của người đi trước dù thất bại hay thành công.Tôi nghĩ Đỗ Hoàng Diệu chưa thành công, có thể do lần đầu chạm tới đề tài này, có thể do tài năng, hay độ từng trải chưa cao...
Tại sao cũng những đặc điềm tương đồng về văn hóa nhưng dòng văn học trẻ của Trung Quốc đang được chấp nhận, yếu tố sex tràn ngập trong các trang văn của các nhà văn trẻ của họ?
- Sex là một đề tài rất khó viết hay. Mỗi đất nước đều có nền văn hoá, phong tục, lối sống khác nhau nhưng nếu nhà văn viết hay thì chắc chắn sẽ được chấp nhận. Vần đề là Đỗ Hoàng Diệu viết chưa hay nên chưa được chấp nhận.
Nghĩa là chúng ta trở lại với quan điểm nghệ thuật cổ xưa: không phải viết về cái gì mà là viết như thế nào? Chính cái "viết như thế nào" sẽ bộc lộ bản lĩnh của nhà văn?
- Đương nhiên rồi.
Nếu tự nhận xét về sự nổi tiếng của chính mình thì ông nói sao?
- Tôi là nhà văn gặp thời. Bạn bè vẫn đùa tôi là "cập thời vũ" nghĩa là mưa đúng lúc.Tôi cũng gặp may.
Nhưng văn nghiệp của ông đâu có thuận buồm xuôi gió, ông “nổi tiếng” giữa hai luồng khen chê rất dữ dội?
- Tôi rất khiêm tốn mà nói rằng cũng phải ghi nhận công lao cho...Nguyễn Huy Thiệp! Trong văn học Việt Nam kể từ khi có chữ quốc ngữ, tính từ Tố Tâm, những tác phẩm văn học theo lối phương Tây, nếu nói những nhà văn có những bước xoay chuyển, thay đổi cả cách viết thì cũng không nhiều.Chỉ đôi ba người thôi, ví dụ như trước 1945 có Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nhất Linh, Nguyễn Tuân...sau đó có Trần Dần, Lê Đạt gây xôn xao dư luận. Đến thời kỳ Đổi mới với sự xuất hiện của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài....cũng đã làm thay đổi ngôn ngữ văn học. Làm được điều đó là điều rất khó, ít nhất tôi cũng đã làm được.
Một điểm nữa cũng cần tính đến là có nhiều người viết theo tôi. Tôi có đệ tử, không đơn độc trên con đường sáng tạo. Nhiều người cảm ơn tôi như Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Việt Hà...Họ bảo gặp tôi thì họ viết tự tin hơn, tất nhiên họ có cách đi riêng, lối đi riêng nhưng chỉ từ Nguyễn Huy Thiệp viết văn thì người nước ngoài bắt đầu đọc lại văn học Việt Nam, sách của tôi được dịch sang tiếng Pháp, tiếng Anh, được xuất bản ở Anh, Hà lan, Úc, Italia...họ rất kỹ tính, tôi là một trong những nhà văn có nhiều sách nhất được in ra nước ngoài và hoàn toàn không phải do ai lăng xê.
Hiện nay, ông thấy nhà văn nào có thể bắt gặp được hơi ấm của cuộc sống và làm nên hiên tượng trong văn học?
- Phật giáo có câu: Có thời có tự mảy may/ Không thì cả thế gian này cũng không. Dù có tài năng nhưng không gặp thời thì cũng vứt. Sẽ có những nhà văn của thời này, thế hệ nhà văn mới này sẽ kế tục những thế hệ nhà văn lớp trước chứ không phủ nhận đâu. Nhưng họ sẽ có những vần đề khác, cuộc sống khác. Chẳng có thời nào thuận lợi cho nhà văn cả, công việc viết văn chẳng dễ dàng.Tôi cũng có theo dõi các nhà văn trẻ Việt Nam hiện nay. Tôi thấy độ thành thực của các nhà văn cao hơn.
Thành thực hay tả thực?
- Thành thực, chân thành...Họ miêu tả nội tâm thành thực hơn, dám đề cập đến chuyện nọ chuyện kia, những bức xúc về vấn đề hiện tại của cuộc sống...họ không chấp nhận sự giả dối. Nhưng để làm được điều gì hay hơn trước đây thì họ cũng chưa làm được.Thành thực thôi chưa đủ, độc giả bây giờ đòi hỏi cao lắm, làm nhà văn bây giờ khó lắm.
Đã lâu không thấy dư luận đề cập tới văn của ông, có vẻ như ông chỉ là chớp loé của tài năng rồi vụt tắt, ông có thế lý giải tại sao những tài năng của chúng ta không bền?
- Người ta không theo dõi tôi nên nói như thế, tôi vẫn luôn làm mới văn chương của mình đấy chứ. Do cơ chế xuất bản của ta không kịp thời, thường thì những tác phẩm của tôi không được xuất bản ngay, văn học cũng như món ăn, phải nóng hôi hổi và thơm phức lên, phải chén ngay. Người ta làm nguội đi, nên người ta tưởng tôi nhạt đi. Cũng chẳng sao vì tên tuổi của tôi đã vượt ra biên giới rồi. Còn những nhà văn trẻ bắt đầu tập tọng thì rất đau khổ vì họ viết ra họ muốn in ngay thế mà hai ba năm sau chưa chắc đã đến lượt, cho nên mới có hiện tượng thui chột tài năng, bởi họ phải kiếm sống chứ?
Tuổi hai mươi yêu dấu, Tiểu Long Nữ...của tôi chẳng hạn, phải in ngay mới có tác dụng xã hội chứ? Nhưng in sau thời điểm cần in thì khiến nhà văn nhụt chí.
Xưa nay những tác phẩm nghệ thuật đích thực thì không sợ thời gian, thậm chí có những tác phẩm phải mất hàng thế kỷ mới tìm được độc giả, ông nghĩ sao về hiện tượng đó?
- Đúng, nhưng tất cả những tác phẩm đều có giá trị thời gian nào đấy, ý nghĩa xã hội riêng của nó, tính kịp thời rất quan trọng. Đồ nhôm nhựa qua thời gian thì cũng qua đi nhưng cũng có giá trị riêng của nó, không nhất thiết lúc nào người ta cũng dùng đồ Lim, Táu...thế nhưng nếu không được cập nhật thì cũng chẳng còn giá trị.
Người ta đã từng chờ đợi tiểu thuyết đầu tay của ông sau những thành công trong truyện ngắn , nhưng nhiều người đã thất vọng?
- Đấy cũng là thói quen xấu của độc giả, họ không thay đổi kịp với những cái mới. Chúng ta phải mới, luôn luôn mới chứ sống với cái cũ mãi thì chán lắm! Cuộc sống phải thay đổi, mỗi ngày một điều mới, chỉ loanh quanh với những cái cũ thì thật buồn.
Nhưng cũng chính những độc giả ấy đã đánh giá cao nhiều truyện ngắn của ông trước đây...
- Không phải chỉ có viết văn mới có giá trị, nếu không viết văn tôi có thể làm được nhiều việc khác...
Vậy các nhân vật của ông đã “sang sông” được chưa?
- Nếu ai theo dõi quá trình viết văn của tôi thì đều thấy rằng trước truyện Sang sông tôi viết truyện mang tính bản năng: Tướng về hưu, Không có vua, Giọt máu, Những ngọn gió Hua Tát...độ hồn nhiên rất cao. Khi tôi vừa ở miền núi trở về, rất trong trắng trong tình yêu dành cho văn học.Tôi ngố rừng trong lòng Hà Nội. Giống như cô gái yêu lần đầu rất thanh khiết, trong sáng, mơ mộng...thế nhưng người ta đã phản ứng với tình yêu cuả tôi hơi quá, tôi hơi choáng...tôi bắt đầu tìm hiểu tôn giáo, dựng tượng Phật.Bắt đầu từ truyện Sang sông trở đi, văn của tôi có gì đấy có ảnh hưởng Phật giáo, nó ngấm ngầm trong từng trang văn, nhiều truyện rất khó viết : như Ông Móng bà Móng, Sống dễ lắm, Thổ Cẩm...
Ông có một truyện ngắn rất tuyệt, Thương nhớ đồng quê khiến người ta kinh ngạc về sự trong nhẹ, hơi thở ấm nóng của đời sống và cảm nhận tình yêu đến mức hài hoà...cá nhân ông thấy hài lòng với tác phẩm nào nhất, cảm thấy đó mới thực sự là Nguyễn Huy Thiệp?
- Tôi cũng là nhà văn xã hội thôi, truyện nào gây được dư luận xã hội lớn thì tôi thích, có thể ở Tướng về hưu tính nghệ thuật không bằng các tác phẩm khác thế nhưng tôi thích. Giống như hoạ sĩ, chỉ thấy nét cọ người am hiểu đã biết anh là cao thủ, có những truyện của tôi chỉ trong giới văn chương thích, độc giả không thích.
Nhưng văn ông không có nhân vật điển hình? Nhắc đến Nam Cao có Chí Phèo, Vũ Trọng Phụng với Xuân tóc đỏ, Ngô Tất Tố với chị Dậu, còn nhắc đến Nguyễn Huy Thiệp?
- Đấy là quan điểm cũ về đối tượng văn học cũ! Nhiều người trong một người. Con người cần những đại diện của họ. Còn bây giờ con người phong phú đến mức mỗi cá nhân không ai có thể thay thế được nó. Hình như bây giờ không có điển hình, tôi nghĩ thế! Tôi là một người không ai thay thế được! Điển hình có cái hay nhưng có cái không thực của nó!
Ông thử lý giải tại sao kịch của ông không được chú ý như truyện ngắn? không được độc giả trong nước chú ý?
- Lối viết của tôi không phù hợp với sân khấu trong nước, có thể tôi đi nhanh quá chăng?
Ông đã từng viết : Cả tin là sức mạnh để sống.. và một câu khá chua xót: sao tôi cứ như lạc loài? Nhà văn phải là người thấu thị hay là kẻ cả tin?
- Không cả tin thì rất khó sống, nhất là tuổi trẻ!
Trong văn của ông, hình tượng phụ nữ được nhắc đến nhiều, những “ thiên chức nữ”, “tính nữ”...thế còn trong cuộc sống thực?
- Những điều đó với tôi rất quan trọng, vợ người thì đẹp vợ mình thì tử tế...Tôi cũng có nhiều người mê chứ đâu chỉ riêng cô gái Nhật như người ta đồn thổi? Chuyện tình cảm của đàn ông đàn bà là chuyện bí mật của mỗi cá nhân, của tất cả mọi người, của cả vũ trụ, cuộc sống thú vị vì những điều như thế...
█Nhân chuyện Nguyễn Huy Thiệp đi bắt chim
Châu Diên, Tạp chí Tia Sáng
Chim trời cá biển biết đâu mà lần, Nguyễn Huy Thiệp bắt con chim nào đây?
Trả lời cho câu hỏi mở đầu này dẫn ta đến khái niệm đối tượng. Trong các ngôn ngữ phương Tây, đều có chữ objet nội dung na ná nhau mặc dù cách ghi âm có chút khác biệt, vừa có nghĩa là “đồ vật” và cũng đều có nghĩa là “đối tượng”. Đồ vật trên đời này thì nhiều, nhiều đến vô số. Chính vì thế mà khi được ta quan tâm nên tìm cách kéo nó lại gần, thì cái đồ vật bất kỳ nào đó trở thành đối tượng của ta. Kéo đồ vật lại gần đến mức, nếu chiết tự tiếng Hán-Việt, thì “đối tượng” có nghĩa là cái “tượng”, cái “hình”, cái “vật” đem đặt ngay trước mặt ta. Có ở trong tư thế mặt giáp mặt chiền chiền như thế thì mới xem xét được cái đồ vật đó. Thậm chí đã mặt giáp mặt rồi mà còn dùng kính hiển vi điện tử phóng to hàng trăm nghìn lần mới thỏa.
Con chim là đối tượng của Nguyễn Huy Thiệp lại không giống như con chim là đối tượng của giáo sư Sinh vật học Võ Quý, nó đang bay trên trời hoặc nó đang ngủ gà gật ở rừng Cúc Phương; đây là con chim theo nghĩa bóng. Vì cái “đồ vật” văn chương được Nguyễn Huy Thiệp săn bắt là cái đồ vật tồn tại bằng nghĩa bóng và đòi hỏi được cư xử theo nghĩa bóng. Nói toạc ra, đó là con chim Văn. Là cái đồ vật Văn. Nó nằm lăn lóc chưa thành văn trong đầu óc các nhà văn, nó nằm lăn lóc trên các trang bản thảo dở dang, và nó còn nằm lăn lóc trên các trang sách đã in chưa in và không in. Nguyễn Huy Thiệp muốn kéo cái đồ vật Văn tản mát đó lại gần, biến nó thành đối tượng xem xét, để tìm cách hiểu cho thấu đáo cái đồ vật được anh rất quan tâm, và không chỉ riêng anh quan tâm, đó là “cái” Văn, đó là “con” Văn, bây giờ nó thành đối tượng Văn.
Tại sao có mỗi một “con chim” bé bỏng con con ấy mà lắm người quan tâm đến thế?
Trước hết là tại thực trạng các nhà lý luận Văn vẫn chưa chịu xác định đối tượng Văn song vẫn cứ tạo ra một thứ lý luận Văn “phải đạo” nào đó. Hoặc diễn đạt cách khác, cái quen được gọi bằng lý luận Văn xưa nay vẫn là sản phẩm của thứ hành động chẳng cần biết rõ đối tượng Văn đầu cua tai nheo ra sao.
Thật thế ư? Đến nỗi vậy ư?
Giăng lưới bắt chim tập tản văn và tiểu luận của Nguyễn Huy Thiệp, Hội Nhà văn và Công ty Đông A xuất bản, Hà Nội, 2005, giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội 2006. |
Dẫu sao các bạn tôi cũng vẫn không rơi vào lối “lý luận, phê bình” theo cung cách của mấy viên trương tuần: cầm cái tay thước– và bây giờ thì thêm cuốn từ điển ảo Kakapedia– để chỉ chỏ khen cái này chê cái kia mà tuyệt nhiên không ai hiểu vì sao cái ấy lại được khen trong khi cái kia lại bị chê.
Phần còn lại vẫn mới là mon men đến bên rìa đối tượng. Trong những nỗ lực đó, thật đáng trân trọng vô cùng những nhà nghiên cứu cần cù đang dày công sưu tập vô vàn tư liệu thực chứng – tiếc rằng sưu tập xong rồi, chừng nào đã kéo được cái đối tượng tới gần gần rồi, nhưng vẫn chưa có ai dựa vào số tư liệu ít ỏi nhưng quý báu đó để lập ngôn về lý luận Văn.
Cũng nên trân trọng nữa công lao của những nhà phê bình mà ta nên tạm gọi là những người đi “trinh sát tác phẩm mới”. Song cũng đáng tiếc, phần lớn đó mới là những lời khen tốt bụng hơn và thông minh hơn “lý luận” của các ông trương tuần. Nhưng vẫn chưa thấy ló ra chút gì là lý luận Văn chương.
Chuyện có hay không có lý luận Văn, chuyện lý luận Văn đúng hay sai thực ra không thuộc phạm vi cái đối tượng cá nhân tôi quan tâm. Bạn bè gần xa đều rõ, tôi chỉ có hai việc làm, hai mối quan tâm. Một là thực nghiệm và đúc kết công việc dạy Văn ở bậc tiểu học (rồi có ai muốn ngoại suy ra các bậc khác thì tuỳ tâm), và hai là, khi có hứng thú thì nghêu ngao mấy trang viết. Bất chợt sau khi nhận đựoc giấy mời dự Hội nghị Lý luận-Phê bình, thì do đã đoán trước được kết quả, nên cũng bớt chút thời giờ hiếm hoi lúc cuối đời viết vài ba điều phải trái, có thể tóm tắt như dưới đây.
Trước hết, nghĩ rằng, các nhà lý luận cần định nghĩa lý luận là gì đã. Tôi đã thử định nghĩa cái ấy như sau: lý luận chỉ ra hướng đi và cách thực hiện để đẩy bất kỳ đối tượng nào đến trình độ lý tưởng. Vậy là, muốn có trình độ lý tưởng của Văn ở bậc nào thì sẽ phải có lý luận Văn ở tầm đó.
Có điều là, Văn không chỉ nằm ở những văn bản đã được công bố. Đối tượng Văn thực sự nằm kín đáo ở trong lòng và trong hành động của hai loại người – nhà văn và bạn đọc.
Ở nhà văn, đó là quá trình làm ra tác phẩm văn chương. Quá trình đó nói chung gồm ba giai đoạn khác nhau. Trước hết có giai đoạn nung ủ với nhiều phẩm chất vô thức lẫn lộn với tính ý thức. Tiếp đó là giai đoạn ý thức hoá một cách vô thức cái đã hình thành trong giai đoạn nung ủ. Tiếp đó mới là giai đoạn hoàn thành văn bản. Một nhà văn thứ thiệt sau khi hoàn thiện giai đoạn thứ ba gần như sẽ ngay lập tức nung ủ một đứa con tinh thần tiếp theo. Vì đặc điểm của nhà văn đích thực là không bao giờ thỏa mãn với sự biểu đạt của mình.
Công việc lý tưởng đối với người hưởng thụ tác phẩm văn là làm lại quá trình tâm lý mà nhà văn từng trải nghiệm. Công việc đó tiến hành thuận lợi hơn cả trong một nhà trường có cung cách dạy Văn đúng đắn. Người học phải huy động được sức tưởng tượng của mình để sống lại – càng như thật càng tốt – cái trạng thái tâm lý trong khi nung ủ tác phẩm trong lòng nhà văn. Tiếp đó, người học sẽ hành động hệt như nhà văn, sẽ chọn lựa và trau chuốt những ngôn từ này thay cho những ngôn từ khác trong tiến trình tạo ra hình ảnh và cấu trúc tác phẩm.
Một người học văn được thỏa mãn về tâm lý như vậy sẽ trở thành một độc giả tiềm tàng cả đời về sau. Đó sẽ là một độc giả suy tưởng của một nền văn hóa đọc, thay vì là người tiêu thụ những tác phẩm nghe nhìn để giải trí.
Một nền lý luận Văn ít nhất cũng phải nghiên cứu tâm lý hai loại người đó. Xin nhắc lại, đó là tâm lý của loại người làm ra tác phẩm văn học, và tâm lý của loại người làm lại tác phẩm đó một lần khác trong lòng mình. Nguyễn Du làm ra tác phẩm Truyện Kiều. Chu Mạnh Trinh, Tự Đức và Cao Bá Quát làm lại ba cô Kiều khác nhau và có ba tác phẩm Kiều khác nhau. Nghiên cứu vào phương diện tâm lý sáng tác và tâm lý cảm nhận đó may ra sẽ giúp ta tránh được nạn vàng thau lẫn lộn, và cũng tránh được cả sự hàm hồ. Cái lợi nhỡn tiền của việc làm lý luận theo cách đó là sẽ giúp ta tránh được việc bắt công chúng độc giả, nhất là bắt học sinh phổ thông, phải đọc và học những “tác phẩm” xoàng xĩnh, vô bổ, những sản phẩm văn chương dù có rao giảng khản cổ cũng vẫn không gợi được hứng thú để họ làm lại thành tác phẩm đích thực cho riêng mình.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là một người tràn trề sức sáng tạo văn chương với những xung lực bao gồm cả hai mặt ý thức và vô thức. Mọi hành vi của nhà văn này đều bộc lộ sức mạnh tâm lý nội lực đó. Sẽ rất nhầm nếu nghĩ Nguyễn Huy Thiệp “nhảy” sang lý luận để được nổi tiếng. Anh cần sự đồng cảm trước, anh thích tiếng tăm sau.
Chính vì thế mà anh tỏ ra sốt ruột trước thực trạng nền lý luận Văn. Một thứ lý luận làm hại anh, khiến anh bị bớt đi rất nhiều bè bạn. Một thứ lý luận dẫn tới cho anh những người hâm mộ mà giá như họ đừng hâm mộ thì mình còn thấy ấm áp hơn nhiều. Một thứ lý luận làm cho hàng chục triệu học sinh không có điều kiện đồng tình, phản đối, tranh cãi, hòa thuận cùng anh. Một thứ lý luận khiến anh buồn bã không biết mình có nên viết văn nữa hay là nên đi vẽ tranh gốm nghịch ngợm chơi...
Nhưng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp không có hoàn cảnh xây dựng một nền lý luận Văn chính cống. Nhà văn cũng không có trách nhiệm ấy tuy rằng vẫn có lý luận của riêng mình và lầm lũi thực thi cách đẩy Văn đến trình độ lý tưởng và là trình độ lý tưởng theo quan điểm của riêng mình. Thi thoảng, anh phóng bút một thân một mình giăng một mẻ lưới bắt con chim đối tượng Văn ấy. Thực ra là giới thiệu chính con chim Văn ấy ở trong lòng mình. Dù có nói đến Đồng Đức Bốn, có nói đến Vi Thùy Linh, có nói đến Bảo Sinh... thì cũng chỉ là xả hơi bộc lộ hết tâm can mình. Anh viết lý luận theo cách "bất cần" lý luận, vì trong từng dòng chữ, ta vẫn chỉ thấy một nụ cười buồn “đây không phải công việc của ta”. Bần cùng lắm ta mới phải làm thay quý vị và các bạn...
Không rõ tôi đã hiểu đúng Nguyễn Huy Thiệp chưa.
Điều tôi biết chắc chắn, ấy là tôi tự hiểu chính mình.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu