Còn nhiều người cầm bút rất có tư cách

10:29 SA @ Thứ Ba - 08 Tháng Mười Một, 2005
Văn học ta không yên đâu. Nó đang quẫy cựa, hình như ngày càng mạnh mẽ, cả quyết liệt hơn nữa, để nói về cái thế giới mà nó biết là không hề đơn nghĩa, tuyến tính, tất định này, và nói cũng bằng một ngôn ngữ đa nghĩa, đối thoại, dân chủ, ngày càng dân chủ hơn. Và như thế là đáng mừng.

Câu hỏi đặt ra là: Tiểu thuyết ta đang ở đâu?

Nhưng trước hết, thế nào là tiểu thuyết? Đối tượng ta định nói đến cụ thể là những cái gì? Bởi vì, chẳng hạn những tác phẩm gần đây của Nguyễn Bình Phương, rõ ràng là tiểu thuyết và của một tác giả có lẽ vào loại đáng chú ý nhất hiện nay, thường không dài hơn những cái ta vẫn quen gọi và coi là truyện ngắn bao nhiêu. Còn "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư, đang rất được dư luận chú ý, và công khai được gọi là truyện ngắn, thì lại không ngắn hơn lắm so với các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương. Vậy cái nào nên coi là truyện ngắn, cái nào là truyện vừa, cái nào là tiểu thuyết? Cái nào là đối tượng của vấn đề ta đang muốn nói đến?

Thực ra, trong "dư luận" vẫn thường gặp trường hợp người ta bảo "cái truyện ngắn này rất tiểu thuyết", "đậm đầy chất tiểu thuyết", còn cái truyện dài kia, dài thế nhưng "chẳng tiểu thuyết tí nào", "rất nhạt tính tiểu thuyết". Và cái cảm giác "đậm, nhạt" đó không phải là không có căn cứ. Tức là quả có một cái gọi là "tính tiểu thuyết", "chất tiểu thuyết". Và tôi nghĩ đó mới chính là điều quan trọng ta cần và muốn nói đến.

Vấn đề này đúng ra không mới. Đặc biệt Milan Kundera, nhà tiểu thuyết nổi tiếng và cũng là nhà lý luận về tiểu thuyết đặc sắc, đã nhiều lần nói đến chuyện này. Theo ông, tiểu thuyết không chỉ là một thể loại (trong các thể loại văn học), mà là một giai đoạn, một cấp độ mới trong tư duy nghệ thuật của con người về thế giới. Tư duy đó xuất hiện và chỉ có thể xuất hiện khi con người bước vào thời kỳ hiện đại, cũng tương tự như trong vật lý vậy, khi vật lý cổ điển được vượt qua và tư duy khoa học đạt được đến tư duy vật lý hiện đại, cụ thể là khi tư duy cơ giới được vượt qua và xuất hiện quan niệm về tính bất định của thế giới. Tiểu thuyết là nghệ thuật về sự bất định của cuộc đời, về sự phi chân lý độc tôn, về tính đa nguyên chân lý của thế giới. Văn học đạt đến tư duy tiểu thuyết là khi nó nó từ bỏ niềm tịn về tuyến tính nhân quả, về tính tất định của cuộc đời, và hiểu ra rằng ở đời có vô số chân lý cùng tồn tại đồng thời, chẳng cái nào "phải" hơn cái nào, chẳng cái nào là chính, là tuyệt đối, tối cao, độc tôn.

Đương nhiên nhận thức đó về sự bất trắc ở đời đã tiềm ẩn từ xa xưa trong nghệ thuật, nhưng trước đây nó chỉ được coi như những tai nạn ngoại lệ lẻ loi. Còn bây giờ đấy là "quy luật phổ biến". Bất định là phổ biến. Tiểu thuyết, nói theo cách nào đó, chính là cuộc dò tìm mãi mãi cái bất định vô tận đó của số kiếp con người. Có một thời kỳ văn học "dạy" cho con người những chân lý tuyệt đối, độc tôn. Còn bây giờ, với tiểu thuyết, văn học nói với con người rằng chẳng hề có chân lý tuyệt đối nào cả, cuộc đời là một mớ chân lý tương đối "mà những con người chia lấy cho nhau" (lời M. Kundera). Và đó chính là văn học hiện đại, đó là văn học đã được hiện đại hoá.

Trên cơ sở một quan niệm như vậy, tôi muốn thử đặt lại câu hỏi đã nêu ở đầu bài này một cách khác: văn học ta đã hiện đại hóa được đến đâu? Đặt và thử xem xét Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Tư, Mạc Can, Nguyễn Xuân Khánh, Tạ Duy Anh, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Thuần, Châu Diên, Võ Thị Hảo, Đỗ Hoàng Diệu... (tôi kể một cách ngẫu nhiên, không theo thứ tự nào hết) đang đứng ở chỗ nào trong bối cảnh đó. Tôi cho rằng cách nhìn như vậy có ích hơn, bởi vì nếu văn học phải phát triển thì chính là nó cần phát triển theo hướng đó. Nó biết nhìn cuộc đời, và giúp cho người ta nhìn cuộc đời theo một cách khác hơn, đỡ cơ giới đi, hiện đại hơn, "người" hơn, "đời" hơn. Văn học càng ngày càng chân thật hơn.

Văn học có thể làm gì được cho cuộc đời? Theo tôi, nó chẳng làm được gì to tát lắm đâu, ngoài việc đề nghị với ta một cách nhìn về nhân tình thế thái, đặng mà sống ở đời. Tôi muốn nhìn văn học không phải theo "đề tài" nó đề cập, cũng không phải theo sự đóng góp của nó bao nhiêu vào chuyện chống tiêu cực xã hội, càng không phải theo mức độ tác dụng "giáo dục đạo đức" của nó (như có người đang la ó lên bây giờ sau cái truyện của Đỗ Hoàng Diệu)... Mà là theo sự thay đổi được bao nhiêu, sự chuyển động như thế nào trong cách nó đề nghị nhìn thế giới.

Chuyện "xếp loại"

Một anh bạn tôi, là nhà lý luận văn học, vừa rồi có nói với tôi một nhận xét thú vị: có một cách phân biệt một người viết vẫn "cũ", và một người viết đã "mới": cái mới thì rất khó "xếp loại", thậm chí không xếp loại được. Tôi nghĩ đó là một ý kiến rất tinh tế. Theo tiêu chí đó thì Nguyễn Khải chẳng hạn, vẫn hay đấy, nhưng là cũ rồi. Còn Nguyễn Việt Hà hay Nguyễn Bình Phương chẳng hạn là mới. Có thể xếp loại Nguyễn Khải một cách khá rõ ràng, nhưng xếp loại Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương vào đâu? Chắc sẽ rất lúng túng. Nguyễn Khải rất sâu sắc, sắc sảo nữa, như lâu nay anh vẫn rất sắc sảo, nhưng không khó nhận ra rằng ở anh các giá trị đã được ổn định, các "tiêu chuẩn" ở đời đã cơ bản được định hình và không thay đổi nữa. Còn ở hai tác giả kia, dẫu có khi còn khá vụng về, nhưng họ đang nói về một thế giới giá trị khác, hay đúng hơn, một thế giới mà trong đó, về nguyên tắc, các giá trị không ổn định, chẳng có gì là chắc cả. Thậm chí tác phẩm của họ được xây dựng trên cơ sở quan niệm về sự không ổn định của các giá trị đó. Và đó chính là thế giới chúng ta đang sống, một thế giới biến động. Tác phẩm của họ giúp ta làm quen với thế giới đó, sống được với nó.

Một ví dụ khác: Mấy năm nay chúng ta đều rất thích Nguyễn Ngọc Tư. Cô ấy như một cái cây tự nhiên mọc lên giữa rừng tràm hay rừng nước Nam Bộ vậy, tươi tắn lạ thường, đem đến cho văn học một luồng gió mát rợi, tinh tế mà chân chất, chân chất mà tinh tế, đặc biệt "Nam Bộ" một cách như không, chẳng cần chút cố gắng nào cả như các tác giả Nam Bộ đi trước... Tuy nhiên, thích và phục cô gái tài năng ấy đến thế, ta vẫn thấy cô ấy về cơ bản thuộc về một cái gì đó đã cũ, một thế giới tinh thần và giá trị đã ổn định. Văn cô ấy thật trẻ, nhưng có lẽ nếu muốn xếp loại thì cũng không phải khó lắm. Đã có một thứ thang bậc tương đối ổn định để xếp cây bút này vào đó...

Nhưng đến "Cánh đồng bất tận" gần đây của Nguyễn Ngọc Tư thì bỗng là một Nguyễn Ngọc Tư khác hẳn. Bỗng nhiên không thể xếp loại vào đâu nữa cả. Đặt vào bất cứ ô nào cũng thấy khiên cưỡng. Nghe nói tác phẩm vừa ra, lập tức đã có mấy anh đạo diễn nhanh chân tìm xuống tận Cà Mau mua bản quyền làm phim ngay: Tác phẩm quá đậm chất tiểu thuyết! Nó bày ra đấy một thế giới kỳ lạ, trong đó ai còn lẩn thẩn đi tìm, đi nói chuyện chuẩn mực giá trị gọi là "đạo đức", "đạo lý" này nọ, đều trở thành ngớ ngẩn, vô duyên, thậm chí ngu độn.

Vậy đó thôi, một thế giới rất người, vô cùng là người, đau khổ đến tận cùng, đến mênh mang bất tận, một nổi đau nhân thế, tại ai nhỉ, chẳng tại ai cả, thậm chí kẻ nào ngớ ngẩn đi tìm thủ phạm thì đều là chẳng hiểu gì về cuộc đời này cả. Chẳng có "tiêu cực" nào hết, cũng chẳng tội ở "cơ chế" nào cả. Thế đấy thôi, cuộc đời này. Đã trót làm người thì phải chịu, biết kêu ai! Mà cũng có lẽ cuộc đời này đáng, rất đáng sống chính vì nó là như vậy đấy, hạnh phúc tận cùng ở trong đau khổ tận cùng... Có lẽ trong nhiều năm qua, ít có tác phẩm nào lại nhiều chất tiểu thuyết hơn là cái truyện ngắn này!

Cũng rất khó xếp loại một tác giả khác: Đỗ Hoàng Diệu. Cây bút này suy nghĩ về một thứ "tội tổ tông", mà con người ta vừa căm ghét, vừa sợ, lại vừa không dứt ra được, thậm chí còn bị nó ám ảnh và quyến rũ. Tôi chẳng hề muốn sa vào cuộc tranh cãi với các nhà đạo đức, qua truyện này, đang nghiêm nghị răn dạy mọi người phải học được gì và không được để cho mình bị nhiễm độc gì ở văn học. Cứ để cho họ học vậy và đeo khẩu trang vậy. Còn người đọc bình thường thì chỉ muốn đơn giản một điều: ngẫm nghĩ cùng tác giả. Về những ám ảnh kỳ lạ, "vô lý" nữa, còn đeo đuổi con người chúng ta, không phải chỉ bây giờ (Chẳng lẽ có người còn tin là ở đời này mọi sự đều có lý cả sao?!) ...

Nghĩa là văn học ta không yên đâu. Nó đang quẫy cựa, hình như ngày càng mạnh mẽ, cả quyết liệt hơn nữa, để nói về cái thế giới mà nó biết là không hề đơn nghĩa, tuyến tính, tất định này, và nói cũng bằng một ngôn ngữ đa nghĩa, đối thoại, dân chủ, ngày càng dân chủ hơn. Và như thế là đáng mừng.

Có một hằng số

Mấy năm trước đây, thú thật, đã có lúc tôi hơi bi quan. Tôi sợ tình trạng làng nhàng kéo dài, và trong văn học không gì chán bằng sự làng nhàng. Và dòng chỉ đạochính thống thì dường như muốn duy trì sự làng nhàng đó, bởi nó đồng nghĩa với yên ổn. Song hóa ra những người cầm bút đã không chịu "yên ổn", làng nhàng. Họ cố gắng làm cái văn học cần làm (và chính vì vậy mà xã hội cần có văn học): lên tiếng nói rằng cuộc sống không hề đơn giản như ta tưởng và như ta được giải thích hàng ngày. Họ soi mói những góc lẩn khuất bất ngờ của cuộc sống, phơi nó ra ánh sáng, buộc ta nhìn thấy và suy nghĩ, lay chuyển sự suy nghĩ của chúng ta.

Hồi sinh thời, Nguyễn Khắc Viện có lần nói một câu nghe hơi lạ: "Nhiệm vụ của kẻ sĩ thời nào cũng vậy, là gây dư luận". "Gây dư luận" trong tư duy của con người, không để cho nó yên. Bởi bản chất của thế giới này là một thế giới không yên. Không tất định, không lường trước được. (Kundera goi đó là "sự hiền minh của lưỡng lự").

Tiểu thuyết đã và đang thay đổi bằng sự thay đổi cách nhìn thế giới, đang hiện đại hóa lên. Bắt đầu, theo tôi, từ Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh, và bây giờ đang tiếp tục với một loạt những cây bút mới có người đã tương đối định hình, có người còn đang trăn trở tìm. Chỉ cần dẹp đi những cản trở thô bạo (và tất nhiên ngu dốt nữa). Tình hình vừa qua và cả hiện nay chứng tỏ rằng có một "hằng số" nào đó cứ âm thầm tồn tại và phát triển, một hằng số tài năng rất đáng để theo dõi và hy vọng. Cái hằng số ấy cứ đi tới bất chấp tất cả, bất chấp sự dửng dưng hay thậm chí hằn học của những ai đó có quyền, bất chấp những "định hướng" và "uốn nắn" vớ vẩn. Nghĩa là còn nhiều người cầm bút rất có tư cách. Và có tài để thể hiện tư cách đó. Và đó là niềm hy vọng của văn học, của tiểu thuyết chúng ta.

Tháng 10/05

Nguồn:Vietnamnet
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Định nghĩa về cái đẹp

    20/08/2017Hầu hết những người cố gắng định nghĩa cái đẹp đều nhất trí rằng nó dính dáng đến sự đáp ứng của ý thích. Chúng ta gọi một cái gì đó là đẹp khi nó làm chúng ta vui thích hay hài lòng ở một phương diện đặc biệt nào đó. Nhưng cái gì gây nên sự đáp ứng này từ phía chúng ta? Nó có phải là cái gì trong chính bản thân đối tượng ...
  • Vị nhân sinh đúng hay sai?

    04/10/2016Đỗ Kiên CườngXin mọi người đọc thuật kỹ và thật bình tâm, đặt một ấm nước, lúc đọc xong là lúc nước sôi, pha bình trà, uống và ngẫm nghĩ về người Mỹ, về quan điểm đạo đức xem nó ra răng...
  • Einstein là nhà văn ?

    19/10/2014Ai cũng biết Albert Einstein là nhà bác học vĩ đại, cha đẻ của thuyết tương đối, nhưng nhiều người không biết rằng ông còn là một nhà văn đa tài.
  • Một cuốn tiểu thuyết luận đề về Tính Đảng trong thời kỳ đổi mới

    21/10/2005Nguyễn Chí HoanTác phẩm “Luật đời và cha con” của tác giả Nguyễn Bắc Sơn đã gây chú ý không phải vì sự mới lạ trong thế giới loại tiểu thuyết đương thời mà bởi thông qua các nhân vật là Đảng viên, nó có tham vọng khảo sát xã hội thời đổi mới từ góc độ hoạt động của các cán bộ Đảng viên và qua đó gợi lên một luận đề về tính Đảng trong cuộc vận động cải tiến cơ chế và phương thức lãnh đạo của Đảng. Một chủ đề chính trị - xã hội như vậy thổi một luồng nóng hổi qua các trang viết của tác giả...
  • 'Tôi' như là kẻ mang thông điệp: Cơ sở cho một hệ biến hóa văn bản tự sự

    29/10/2005Ngô Tự LậpNhưng nói rằng cái "Tôi" đóng vai trò quan trọng trong tuỳ bút, hay trong ký nghệ thuật, thì cũng có nghĩa là nói rằng nó ít quan trọng hơn trong các thể loại khác, và như vậy, gián tiếp vẫn là công nhận vai trò quan trọng của cái "Tôi" trong việc phân biệt các thể loại. Ngoài ra, nó còn buộc ta phải đặt những câu hỏi khác: Cái "Tôi" trong ký mà E.B. White và Edward Hoagland bàn đến, cũng như cái "Tôi" trong các loại văn bản tự sự khác có phải là cái "Tôi" thực của người viết hay không? Và cái "Tôi" trong truyện khác cái "Tôi" trong ký và các văn bản báo chí như thế nào?
  • Tiểu thuyết: Khoảng cách giữa khát vọng và khả năng thực tế

    24/10/2005Nguyễn HòaMở đầu Diễn đàn "tiểu thuyết Việt nam đang ở đâu", chúng tôi xin giới thiệu bài viết sau đây của nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa...
  • "Cô đơn là bản chất của nghệ sỹ"

    30/09/2005Trần Hoàng Thiên KimLuôn bận rộn với các công việc quản lý, lúc nào cũng nhìn thấy ông tất bật cho việc giao ban, họp hành, báo chí... vậy mà khi đến với thơ thấy ông say sưa như thể những vần chữ đang cuốn ông đi. Với gần 30 tác phẩm gồm đủ các thể loại: thơ, truyện thiếu nhi, kịch, kịch bản phim, tuỳ bút, ký, nghiên cứu văn học, nhà thơ Vũ Duy Thông đã khẳng định được tên tuổi của mình trên văn đàn Việt Nam. Ông vẫn tâm niệm "Thơ là cuộc điều trần với chính mình và lời hoà giải với đồng loại"...
  • Thời gian không chết, chỉ có khoa học dễ bị "bức tử" mà thôi!

    30/09/2005Nguyễn HòaSau mấy tháng “dạo qua” một số tòa soạn, cuối cùng tiểu luận Thơ hay là cái chết của thời gian của Ngô Tự Lập đã được đăng tải vừa qua. Theo Lời Tòa soạn của Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam thì: “trở lại định nghĩa thơ ở đầu thế kỷ này không phải là không thú vị… Vấn đề không phải là ở chỗ ai đúng, ai sai. Vấn đề là cùng bình tĩnh bàn bạc và hướng tới sự phát triển”. Nhưng theo tôi, đúng - sai lại là một tiêu chí hết sức quan trọng trong khoa học; và người ta chỉ có thể “bình tĩnh bàn bạc và hướng tới sự phát triển” một khi nắm bắt được mục đích, góc độ, phương pháp, cách thức nghiên cứu, cách thức đưa ra kết luận…
  • Tín điều của một con người

    06/09/2005Ernest HemingwayTôi cảm thấy ngay từ cuốn tiểu thuyết đầu tay tôi đã biết số phận về sau của tôi sẽ thế nào. Tôi không bao giờ có mảy may nghi ngờ việc tôi là người đi tiên phong của thời đại mới và tôi hiểu rằng, sau đây mỗi bước đi của tôi sẽ được chăm chút theo dõi, vì vậy tôi quyết định để lại cho hậu thế bản quyết toán chân thực về tất cả các hành vi và suy nghĩ của tôi...
  • Viết để làm gì ?

    17/08/2005Sartre, Jean-Paul (Nguyên Ngọc dịch)Mỗi người có lý do riêng của mình: với người này, nghệ thuật là một cuộc chạy trốn; với người kia, một phương cách chinh phục. Nhưng người ta có thể trốn vào một nơi cô tịch, vào đam mê, vào cái chết; người ta có thể chinh phục bằng vũ khí. Tại sao phải đích thị là viết, làm những cuộc trốn chạy của mình bằng cái viết?
  • Tại sao tôi đọc tiểu thuyết

    03/08/2005MoonfishVới tôi văn học và điện ảnh gần gũi nhau lắm, nên tôi mạo muội gửi vào đây bài "Tại sao tôi đọc tiểu thuyết", nếu sửa lại là "Tại sao tôi xem phim" có lẽ cũng được.
  • Bản chất của nghệ thuật có giống với kỹ năng không?

    21/07/2005Một lúc nào đó trong thế kỷ 19, từ “nghệ thuật” bắt đầu được dùng chủ yếu cho một loại hình nghệ thuật – cái gọi là “nghệ thuật tạo hình”. Người Hy Lạp và La Mã cổ đại không loại trừ những ngành như điêu khắc, âm nhạc, và thi ca khỏi danh sách các nghệ thuật của họ, nhưng họ cũng không tuyên dương những ngành nghệ thuật này như nghệ thuật tới mức loại bỏ hết mọi sự tạo tác khác của con người.
  • Quan niệm của Các Mác về sự vận động lịch sử của Cái Đẹp trong một số hình thái kinh tế

    07/07/2005Nguyễn Thu NghĩaMột trong những kết luận quan trọng được C.Mác rút ra từ quá trình nghiên cứu về cái đẹp tất yếu này sinh trong tiến trình phát triển của lịch sử. Quy luật của cái đẹp không "nhất thành biết biến" từ một hình thức lao động, một hình thái xã hội nào. Cái đẹp có quy luật phổ biến từ thực tiễn thẩm mỹ. Ở mỗi hình thái xã hội nào, quy luật ấy có sự vận động và biểu hiện khác nhau....
  • Sức sống của một cuộc tranh luận

    02/07/2005Hồ Sĩ VịnhTrong cuộc tranh luận Nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh trên văn đàn nước ta vào những năm 1935 - 1939, giữa hai phái đã có nhiều kiến giải dẫn đến điểm hội tụ: Đó là tầm nhìn văn hóa rộng, ý thức dân tộc, lòng yêu nước, sự tôn vinh văn chương dân tộc và sự tự ý thức về văn hóa tranh luận. Đó là một trong những nội dung mà chúng tôi tìm thấy trong cuốn: Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh.
  • xem toàn bộ