"Văn học Việt Nam đang phải trả giá"
* Trong một bài viết năm 2009 về hi vọng cho một giải thưởng lớn của văn học Việt Nam, nhà phê bình Vương Trí Nhàn đã viết “Tư duy về văn học ở ta còn loanh quanh ở mức như thế này, văn hóa nghề nghiệp ở những người viết còn dừng lại như thế kia, thì hi vọng làm gì cho mệt. Gần đây một vài người thích nêu ra những câu hỏi vui vui kiểu như bao giờ Việt Nam có những người đoạt giải Nobel văn chương. Tôi nghĩ câu trả lời không có gì khó khăn lắm: đại khái bao giờ người Việt có những phát minh khoa học lớn được cả thế giới áp dụng; hoặc có những nhà hóa học tìm ra những nguyên tố mới; hoặc gần gũi hơn, bao giờ bóng đá Việt Nam ở vào tốp 10 tốp 20 trong bảng xếp hạng bóng đá thế giới thì lúc ấy thơ văn tiểu thuyết chúng ta trước sau sẽ có Nobel”. Nếu nói như ông Vương Trí Nhàn, Việt Nam vừa có Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields rồi, thì có lẽ đã đến lúc, chúng ta có cơ sở để hi vọng vào một giải Nobel văn học chăng?
- Ngô Bảo Châu được giải Fields thì bạn có nghĩ rằng toán học Việt Nam có thành tựu hay không? Giả sử như văn học Việt Nam, anh Nguyễn Huy Thiệp được giải Nobel thì bạn cảm thấy như thế nào? Theo tôi, giải thưởng không có nhiều ý nghĩa. Giải Nobel văn học chỉ trao cho tác phẩm, tác giả chứ không phải là thước đo để đánh giá một nền văn học. Vì thế tôi nghĩ có đoạt giải Nobel hay không cũng không phản ánh đúng thực chất của nền văn học Việt Nam. Cũng giống như việc Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields, nó cũng không nói lên điều gì về nền khoa học Việt Nam. Nền khoa học Việt Nam như thế nào mọi người đều biết, điện ảnh Việt Nam, văn học Việt Nam như thế nào, mọi người đều biết rồi. Nó đang như thế nào thì kể cả một giải như giải Nobel cũng chẳng nói lên điều gì. Anh Nguyễn Huy Thiệp hay một ai đó mà đoạt giải Nobel, thì tôi nghĩ rằng sau cái sự tự hào, có lẽ nhiều người sẽ thấy xấu hổ. Giải thưởng đó, nếu có, hoàn toàn không nói lên được thực chất của văn học Việt Nam.
Nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Sơn
* Vậy theo anh, thực chất vấn đề của văn học Việt Nam hiện tại là gì? Liệu có những giá trị chưa được phát hiện từ cái gọi là “văn học ngăn kéo” như một số người lâu nay vẫn nghĩ?
- Tôi nghĩ điều đó là nhảm nhí. Cái gọi là văn học trong ngăn kéo ấy là không có. Lấy đâu ra. Nếu có thì bây giờ người ta đã xuất bản rồi. Bây giờ người viết hoàn toàn tự do. Chỉ trong một tích tắc, người viết hoàn toàn có thể xuất bản tác phẩm của mình ở bất cứ một blog nào hoặc gửi cho các trang mạng văn chương khắp nơi. Tại sao tôi nói rằng văn học trong ngăn kéo là không có bởi vì nó không tồn tại. Bây giờ mọi người đổ lỗi cho không có tự do sáng tác, không có tự do nghệ thuật. Điều đó không hẳn. Hãy nhìn thử xem, văn học hải ngoại, sau bao nhiêu năm, được xem là hoàn toàn tự do, tại sao họ không có tác phẩm lớn?
Văn học Việt Nam có rất nhiều vấn đề. Thứ nhất, chúng ta không có tài năng. Sức sáng tạo trong văn học của chúng ta trong giai đoạn này rất yếu. Một trong những lý do quan trọng nhất là văn học Việt Nam đang phải trả giá cho một giai đoạn khủng hoảng từ những năm trước, những năm 1980, 1990. Thế hệ nhà văn lẽ ra phải viết sung sức nhất là thế hệ nhà văn khoảng 30 tuổi, thế hệ nhà văn sinh vào những năm 1980, nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi, đó lại là một thế hệ mất niềm tin, mất các giá trị. Chúng ta muốn viết hay, muốn phấn đấu cho điều gì thì phải tin vào những giá trị, còn thế hệ 8X là thế hệ không có giá trị. Họ không biết giá trị của họ ở đâu, không biết giá trị của văn chương, của nghệ thuật ở chỗ nào. Họ không xác định được giá trị cho họ. Chính vì thế nên bây giờ nền văn học phải trả giá.
Cơ chế tự kiểm duyệt của họ quá lớn. Viết lúc nào cũng lo có được in hay không, viết như thế này có độc giả hay không. Nhà văn trước tiên là viết cho mình. Nếu người viết cứ lo lắng như vậy thì đến bao giờ Việt Nam mới có tác phẩm lớn. Bạn thử đọc lược qua các nhà văn khoảng 30, 40 tuổi đi, họ viết về cái gì, họ viết về cuộc sống của họ, một cuộc sống rất tẻ nhạt và nhàm chán, mệt mỏi. Họ không có bất cứ một sáng tạo nào đột phá về mặt văn chương.
* Người đọc - nhà văn là mối quan hệ hữu cơ trong văn học, nếu người viết để công chúng qua một bên thì…?
- Người viết luôn phải cô độc. Công chúng là một từ rất trừu tượng. Người viết phải hướng đến những người đọc có khả năng chia sẻ những giá trị, đồng điệu chứ không phải đám đông ngoài đường. Cái áp lực lớn nhất, theo tôi, vẫn là tác phẩm. Các nhà xuất bản, các công ty làm sách gần đây, như Nhã Nam chẳng hạn, họ cũng muốn xuất bản lắm nhưng chẳng có tác phẩm nào.
* Quay lại chuyện người viết 8X, tại sao anh gọi thế hệ người viết 8X là thế hệ mất niềm tin?
- Đơn giản thôi, các thế hệ trước chịu ảnh hưởng sâu rộng và nhận sự giao thoa văn hóa lớn của văn hóa Trung Quốc, Pháp, Nga nhưng đến một giai đoạn, Việt Nam bị cắt ra khỏi dòng giao lưu của văn hóa thế giới. Mọi người đọc rất ít và chịu ảnh hưởng của một chủ nghĩa đế quốc mới, bị xâm lăng bởi văn hóa tiêu dùng. Không đủ khả năng hiểu về văn hóa tiêu dùng nên rất nhiều người đã bị văn hóa tiêu dùng thôn tính, viết ra những thứ rất là nhảm nhí. Họ bỏ giáo quy hàng rất nhanh. Họ không xác định được giá trị của văn học. Vậy nên trong giai đoạn hiện nay mà nói về giải Nobel văn học thì rất là tức cười. Tôi nghĩ rằng, các bạn trẻ thế hệ 9X sau này khá hơn nhiều…
* Vì thế hệ 9X tiếp cận với internet sớm hơn, mọi thứ cởi mở hơn…?
- Tôi nghĩ như vậy. Có một giai đoạn, chúng ta giống như bị chặt ra khỏi đời sống văn hóa của thế giới, mãi những năm gần đây, chúng ta nối lại được. Các bạn trẻ bây giờ có internet, những tác phẩm văn học hay được dịch nhiều hơn. Nhưng tất cả những thứ đấy đều cần thời gian, để xây dựng một thế hệ mới.
* Tác giả Việt Nam nào anh thích trong thời gian gần đây? Nhà văn Linda Lê gần đây có về Việt Nam và đâu đó công chúng văn học lại hi vọng vào một tiếng nói gốc Việt trên văn học thế giới, anh nghĩ gì về điều này?
- Những người mà tôi thích, hiện tại cũng đang gặp những vấn đề, họ đang phải đấu tranh để nghĩ xem họ phải sáng tác như thế nào. Ví dụ như Nguyễn Bình Phương chẳng hạn. Nguyễn Bình Phương là một nhà văn mà tôi đánh giá rất cao. Nhưng anh ấy đã im lặng độ 10 năm nay. Nguyễn Bình Phương có nhiều cuốn hay, nhưng tôi thích Những đứa trẻ chết già. Văn học hải ngoại, lúc trước có Trần Vũ, nhưng độ 10 năm nay, Trần Vũ cũng không viết gì cả. Rồi như Linda Lê là một tác giả rất xuất sắc, một người rất “classic”, một tác giả rất tuyệt vời nhưng khó có thể gọi là nhà văn Việt Nam, ngay cả gọi là nhà văn hải ngoại cũng không phải. Linda Lê là một nhà văn Pháp, gốc Việt. Khác với Ngô Bảo Châu, Ngô Bảo Châu hoàn toàn là một người Việt Nam, có thể sinh sống, làm việc tại Pháp nhưng vẫn là một người Việt Nam, vẫn là nhà toán học Việt Nam. Ngoài ra, tôi không có hi vọng gì, nhất là các thế hệ sau này, thế hệ nhà văn 8X.
* Anh có đọc các cây bút 8X đó không, ví như Văn học tuổi 20?
- Trong một năm gần đây, tôi đọc vài tác giả trẻ nhưng không thấy ấn tượng gì lắm. Văn học tuổi 20 tôi vẫn đọc, nhưng không thấy ấn tượng. Nói thì có vẻ hơi sáo, nhưng nói thật, văn chương phải phấn đấu vì một điều gì đó cao quý. Văn chương phải lớn hơn cuộc sống. Văn học và nghệ thuật cứ chăm chăm photocopy lại cuộc sống hiện thực xung quanh thì nó không còn là văn học nữa. Văn chương hay nghệ thuật nói chung phải xây dựng một thế giới khác của người đọc, giúp người đọc tái tạo một thế giới khác. Văn chương, nếu cứ sao chép hiện thực, một hiện thực rất chán, người viết chỉ nhìn thấy bề mặt hiện thực mà không nhìn thấy ẩn dưới bề mặt đó là gì thì chỉ là những tác phẩm trượt dài trên bề mặt.
Văn học Việt Nam đang phải trả giá cho một giai đoạn khủng hoảng từ những năm trước, những năm 1980, 1990. Thế hệ nhà văn lẽ ra phải viết sung sức nhất là thế hệ nhà văn khoảng 30 tuổi, thế hệ nhà văn sinh vào những năm 1980 nhưng đó lại là một thế hệ mất niềm tin, mất các giá trị. |
* Nhiều người phân tích văn học Việt Nam khó đến với thế giới được là vì rào cản ngôn ngữ?
- Thế nào là văn học không đến được với thế giới? Không có tác phẩm thì làm sao đến được với thế giới. Chắc chắn rằng khi có tác phẩm hay, người viết sẽ có được độc giả của mình. Vấn đề là tác phẩm không đủ tầm. Hãy nghĩ đến người viết đã mang lại điều gì đến bạn đọc trong nước, trước khi nói đến chuyện thế giới. Nhà văn Việt Nam chưa làm gì được cho người đọc Việt Nam thì đừng hi vọng làm gì được với thế giới. Ngay cả những người cùng chung ngôn ngữ, chung môi trường mà còn không phát triển được thì lấy gì ra bên ngoài. Cũng như chuyện hàng hóa Việt Nam ấy thôi, sản phẩm không đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước thì lấy gì ra quốc tế. Đấy là quy luật.
* Một số nhà văn hải ngoại như Thuận, Đoàn Minh Phượng, anh đánh giá như thế nào?
- Tác phẩm của Thuận thì tôi không thích lắm. Chị Thuận chơi rất thân với tôi, là cùng ở Nga về, nhưng mà… “xảo quá hóa vụng”. Nhà văn phải ngây thơ như một đứa trẻ, nhìn mọi thứ như một đứa trẻ, giữ cho mình sự ngây thơ, trong sáng, tin vào những điều tốt đẹp là rất quan trọng. Chị Phượng thì làm được chuyện ấy. Chị ấy viết ít, cũng không phải xuất sắc nhưng giữ cho mình được sự chân thành và trong trẻo. Thuận thì vẫn là hiện thực, mặc dù xô lệch hiện thực đi và thiếu những chất nhân văn đậm đặc trong đấy. Thuận thiếu cái sự an nhiên như trẻ con.
Văn học Việt Nam thiếu tiếng cười. Sau Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, không ai viết hài hước, sâu sắc, chua cay. Cái cười nó giúp chúng ta vượt lên cao và chiến thắng nhiều thứ. Trong đau khổ, vẫn thấy sự hài hước. Nguyễn Việt Hà thì tạm, nhưng cũng không phải là cái cười của người vượt lên. Bùi Ngọc Tấn, có lúc làm được chuyện ấy…
Nghệ nhân và Margaritacủa Bulgacov nói về thời kỳ đen tối nhất nhưng vẫn hài hước với hình ảnh con mèo to đùng ôm bếp dầu đi đi lại trong thành phố. Cái trống thiếc, Đôn ki sốt… đã tạo được cái cười nhạo báng xã hội. Khi nhân vật Oskar cười đã tạo ra sự sụp đổ những rường cột của xã hội. Xã hội bây giờ, có ai cười cợt những điều ấy được đâu. Không có ai cười được một cách thông minh, dí dỏm, kể cả cay độc.
Văn chương Việt Nam vừa không có tiếng cười vừa thiếu vắng tình yêu. Trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh có tình yêu… Thế hệ sau này không có ai làm được chuyện ấy ngoài Nguyễn Bình Phương. Thế nhưng thế hệ của Nguyễn Bình Phương cũng đã 40 và hơn rồi. Các bạn trẻ gần đây thì không thấy ai…
Châu Á 5 lần được tôn vinh Nobel Văn học Từ 1901 (năm ra đời của Nobel Văn học) đến 1955, chỉ một nhà văn châu Á là Rabindranath Tagore người Ấn Độ được trao giải Nobel, chỉ một nhà văn Mỹ la-tinh (Gabriela Mistral, Chile) và chẳng có nhà văn châu Phi nào. Hầu hết những người đoạt giải là người châu Âu. Từ năm 1956, các giải thưởng đã về tay người châu Á, châu Phi và Mỹ la-tinh 13 lần. Người châu Á được tôn vinh 5 lần: Rabindranath Tagore (Ấn Độ - 1913), Shmuel Yosef Agnon (Israel, được tính cho châu Á, 1966), Yasunari Kawabata (Nhật Bản - 1968), Kenzaburo Oe (Nhật Bản - 1994), Cao Hành Kiện (Trung Quốc - 2002). Người châu Phi cũng đã có 4 lần nhận giải: Wole Soyinka (Nigeria - 1986), Naguib Mahfouz (Ai Cập - 1988), Nadine Gordimer (Nam Phi - 1991), John Maxwell Coetzee (Nam Phi - 2003).
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý